As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Fleurs De Ruine
Dịch giả: Hoàng Lam Vân
Biên tập: Nguyễn Linh Nhi
Upload bìa: Nguyễn Linh Nhi
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 13
Cập nhật: 2023-07-22 21:46:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
ôi biết đến Jacqueline một tối Chủ nhật, tại Paris, quận 16. Cái quận thật kỳ cục. Claude Bernard, chẳng hạn, mà tôi rất muốn được xem hồ sơ tư pháp để biết nhiều hơn về cái người tôi gặp ở tuổi mười chín, hay ăn tối tại các quán cà phê trong khu phố Tây ấy. Các thành viên của băng đảng phố Lauriston cũng vậy. Pagnon từng sống trong một căn hộ đủ đồ đạc xa xỉ số 48 bis phố Belles-Feuilles, ông ta hay tới chỗ các tàu ngựa Neuilly và thậm chí địa hạt của Cercle de l’Étrier[25], trong Rừng Boulogne, một buổi chiều nọ nhờ “Henri” ông ta đã trưng dụng nó để tình nhân của ông ta có thể một mình cưỡi ngựa, không bị bất kỳ ai khác làm phiền...
Tôi có cố công lục tìm trong ký ức hòng kiếm những kỷ niệm liên quan tới quận 16, thì cũng chỉ thấy lại ở đó các căn hộ hoang vắng, như thể người ta vừa tiến hành một cuộc bắt nợ: cũng thế, phòng khách của Simone Cordier.
Buổi tối Chủ nhật ấy, trời mưa. Đó là tháng Mười hoặc tháng Mười một. Claude Bernard đã hẹn tôi ăn tối tại một quán trên phố Tour. Hôm trước, tôi đã bán cho ông bộ toàn tập Balzac - ấn bản Bà Góa Houssiaux. Tôi đến trước. Ngoài tôi không có người khách nào khác. Tôi đợi trong một căn phòng nhỏ tường ốp gỗ sáng màu. Những bức ảnh nài ngựa và chủ tàu ngựa mà phần lớn có chữ ký tặng, treo đầy các bức tường.
Ba người bước vào, ồn ào khủng khiếp: một người đàn ông tóc vàng trạc ngũ tuần, cao lớn, mạnh mẽ, vận một cái áo vét đi săn và quàng khăn phu la; một người đàn ông tóc nâu trẻ hơn nhiều và thấp hơn, rồi một cô gái tầm tuổi tôi, mái tóc màu hạt dẻ và cặp mắt sáng, choàng một chiếc áo măng tô lông thú. Ông chủ quán tiến về phía họ, nụ cười nở trên môi.
- Có gì mới?
Người tóc nâu thấp bé ngó ông ta với vẻ chiến thắng.
- Vierzon-Paris chỉ một tiếng mười lăm phút... Trên đường chẳng có ai... một trăm năm mươi cây số một giờ tính trung bình... Tôi đã làm họ sợ vãi các thứ...
Anh ta chỉ cô gái cùng người đàn ông tóc vàng vận áo vét đi săn. Người này nhún vai.
- Cậu ta tự coi mình là một tay đua xe đấy. Cậu ta quên mất rằng hồi hai mươi tuổi tôi đã đua với Wimille và Sommer...
Ba người đàn ông phá lên cười. Còn cô gái có vẻ đang dỗi. Ông chủ chọn cho họ một cái bàn đối diện với bàn tôi. Họ không để ý thấy có tôi ở đó. Người tóc nâu quay lưng về phía tôi. Còn người kia ngồi bên cạnh cô gái, trên băng ghế. Cô đã không cởi cái áo lông ra. Điện thoại đổ chuông. Cái máy nằm trên mặt quầy, về phía tay phải tôi.
- Cho anh đấy, thưa ông...
Ông chủ chìa điện thoại cho tôi. Tôi đứng dậy. Ánh mắt cả ba người bọn họ chĩa vào tôi. Thậm chí người tóc nâu còn ngoái hẳn lại. Claude Bernard xin lỗi không thể đến đó với tôi được, ông đang “bị mắc kẹt - ông nói với tôi - trong ngôi nhà trên đảo Chó Sói của ông vì có người bất chợt đến”, ông hỏi tôi có đủ tiền để trả cho bữa tối hay không. Rất may, tôi đã giữ ở túi trong áo vét số 3000 franc tiền bán đống Balzac. Lúc tôi dập máy, ánh mắt tôi bắt gặp ánh mắt cô gái. Tôi không dám rời khỏi quán mà không ăn tối, vì nếu vậy tôi sẽ phải bảo người ta mang áo măng tô đến cho tôi, nó đã được một người bồi cất vào phòng nhỏ nằm tận phía trong góc.
Tôi từng nhiều lần quay trở lại chỗ đó. Đi cùng Claude Bernard. Hoặc một mình. Claude Bernard ngạc nhiên vì tôi chuyên cần tới phố Tour. Tôi những muốn biết nhiều hơn về cái cô gái không rời chiếc áo măng tô lông và lúc nào cũng có vẻ hờn dỗi ấy.
Chủ nhật nào họ cũng bước vào, rất ồn ào, quãng chín giờ rưỡi tối. Họ có bốn hoặc năm người, đôi lúc hơn. Họ nói to, và ông chủ quán đối xử với họ vẻ thân ái đầy kính trọng. Cô gái ngồi ở bàn họ, lưng thật thẳng, và luôn luôn bên cạnh người đàn ông tóc vàng mặc áo vét đi săn. Cô không mở miệng nói lấy một lời. Cô có vẻ xa vắng. Cái áo măng tô lông thú của cô hết sức tương phản với tuổi trẻ của khuôn mặt cô.
“Vierzon-Paris chỉ mất một tiếng mười lăm phút... Trên đường chẳng có ai...” Âm vọng những lời ấy, mà tôi đã nghe thấy thốt ra vào hôm Chủ nhật đầu tiên, ngày hôm nay xa xôi đến độ tôi phải dỏng tai lên. Những năm tháng phủ lên nó tiếng lách tách của ký sinh... Vierzon... Họ trở về từ Sologne nơi người đàn ông tóc vàng mặc áo vét đi săn sở hữu một lâu đài và đất đai. Ông ta mang tước hầu. Sau này, tôi biết rằng tên ông ta gợi nhớ các thị đồng thân hình mảnh dẻ của triều đình nhà Valois và nàng tiên Morgane mà gia đình ông nhận mình là hậu duệ.
Nhưng tôi đã chỉ có ở trước mặt một người đàn ông với khuôn mặt nặng nề và giọng nói rất trầm. Tôi cảm thấy nỗi khó ở vài năm sau sẽ xâm chiếm tôi khi nghe một cuộc trò chuyện giữa những người buôn bán và chuyên chở thịt trong một nhà trọ vùng ven Paris: Họ nhắc đến những tay săn trộm cung cấp cho họ nai và hoẵng, đến việc giết thú lậu và những chuyến giao hàng ban đêm tới các lò giết mổ ngựa, và các địa điểm nơi họ hoạt động cũng chính là những nơi với cái tên duyên dáng đến vậy từng được Nerval ca ngợi: Crépy-en-Valois, Mortefontaine, Loisy, La Chapelle-en-Serval[26]...
Như vậy, họ từ Sologne quay về. Hầu tước là một trong những chủ trò chuyên tổ chức đi săn bằng chó “dọc ngang” - tôi đã bắt chợt được từ này từ miệng họ - trong rừng Vierzon. Cuộc săn ấy tên là “Sologne-Ao Menehou”. Và tôi, tôi tưởng tượng cái ao đó ở cuối một lối đi trong rừng, vào giờ mặt trời lặn. Xa xa, tràng tù và đi săn khuấy động trái tim tôi. Tôi không sao rời nổi mắt khỏi mặt nước êm đềm với các ánh phản chiếu màu hung, những cái lá súng và cây bấc. Dần dà, mặt nước đen kịt lại, và tôi nhìn thấy cô gái ấy, hồi còn nhỏ tuổi, bên bờ ao Menehou...
Sau vài Chủ nhật, ông chủ quán bắt đầu quen biết với tôi. Tôi lợi dụng một lúc những người khác còn chưa đến ăn tối để hỏi ông thật ra cô gái mặc áo măng tô lông thú là ai, có quan hệ gì với ông hầu tước mà dường như cô luôn luôn cặp kè và lần nào cũng ngồi cạnh cô: “Một người họ hàng nghèo”, ông nhún vai đáp.
Một người họ hàng nghèo, xuất thân, chắc chắn vậy, giống ông hầu tước, từ một gia đình quý tộc rất lâu đời mà nguồn gốc mất hút đi vào đêm tối thời gian và nơi trung tâm những khu rừng của vùng Île-de-France và Sologne... Tôi chắc là cô đã qua tuổi thơ ở trường nội trú, chỗ các nữ tu Ursulines tại Bourges. Cô là hậu duệ duy nhất của một trong những gia đình đã tắt ngấm ngành nam mà người ta hay gọi là “lênh đênh hải ngoại”, vì họ ở lại suốt nhiều thế kỷ sau các cuộc thập tự chinh tại Constantinople, bên Hy Lạp hay đảo Sicile. Rất lâu về sau, một trong những người tổ tiên của cô đã quay về Sologne, đất ban đầu của họ, để gặp lại một tòa lâu đài đổ nát ven bờ một cái ao tại Menehou, cùng đám cây bồ đề, trong bóng của chúng, vào mùa hè, những con bướm lớn bay vòng vòng.
Một tối Chủ nhật, cô còn có vẻ hờn dỗi nhiều hơn thường lệ, trong cái áo măng tô lông. Từ bàn mình tôi quan sát các toan tính của ông hầu tước để dỗ dành cô: Ông đưa ngón tay trỏ vuốt cằm cô, nhưng cô quay ngoắt đầu đi, như thể vừa bị một cái gì nhớt dính tình cờ chạm phải. Tôi chia sẻ nỗi ghê tởm của cô: Hai bàn tay của hầu tước dày cộp, đỏ lựng, những bàn tay của kẻ bóp cổ khiến tôi nhớ tới nhan đề một bộ phim tài liệu, Máu những con thú[27]. Ngày hôm nay thêm vào đó còn có kỷ niệm về cuộc trò chuyện nghe lỏm được giữa những kẻ giao việc và những kẻ trực tiếp đi tìm thịt trên khắp vùng đất của Nerval. Làm sao mà cái kẻ to béo mặc áo vét đi săn đó lại cả gan dùng bàn tay ông ta vấy bẩn khuôn mặt thanh nhã nhường kia? Claude Bernard, một Chủ nhật nọ đã để ý thấy mối quan tâm mà tôi dành cho cô gái đó, dịu dàng bảo tôi: “Trông cô ấy thật giống Joan Fontaine, nữ diễn viên mà tôi thích nhất...”.
Lời khen ngợi ấy, tôi đã thấy chỉ đúng một nửa. Joan Fontaine là người Anh, trong khi đối với tôi cô gái kia đại diện cho nước Pháp lý tưởng, đúng như tôi mơ đến vào thời ấy.
Tối hôm đó, tôi nhận ra ở bàn họ một sự tụ tập đông đảo hơn so với những Chủ nhật khác. Hẳn tôi có thể kể ra những cái tên: một người tên là Jean Terrail, mà Claude Bernard đã nhận ra trong số họ tuần trước đó, một người đàn ông tóc nâu mà ông bảo tôi là điều hành một khách sạn trên phố François Đệ nhất. Thế nhưng, giữa các thông tin mà tôi đã thu thập được về Pagnon, có thông tin sau đây: “Năm 1943, đã đích thân lừa 300 000 franc bằng mark Đức được một người tên là Jean Terrail giao cho để mua hàng”. Thế giới mà những người kia thuộc về đánh thức các kỷ niệm tuổi thơ: Đó là thế giới của bố tôi. Những hầu tước và hiệp sĩ của công nghiệp. Các nhà quý phái do may mắn. Con mồi cho tòa tiểu hình. Thiên thần Lái ngựa. Tôi lôi họ ra, lần cuối cùng, từ hư vô trước khi bọn họ quay hẳn trở lại đó.
Ngày hôm nay, các bữa tối Chủ nhật ấy đối với tôi cũng xa xôi trong thời gian giống như đã qua cả một thế kỷ. Tất tật thực khách đều đã chết. Họ chỉ khiến tôi quan tâm vì họ tạo ra xung quanh Jacqueline một tấm màn nhung thối rữa... Vierzon-Paris chỉ mất một tiếng mười lăm phút... Trên đường chẳng có ai... Cửa quán mở ra trước nàng và từ bên ngoài ùa vào mùi đất ẩm cùng mùi cây bồ đề.
Giữa bữa ăn, cô đột nhiên đứng dậy. Ông hầu tước tìm cách giữ cô lại bằng cách nắm lấy vai cô. Nhưng cô đã rời khỏi bàn và, với một dáng điệu lười biếng, ra khỏi quán. Ông hầu tước chẳng hề nhúc nhích, ông ta vờ tỏ ra hờ hững và hết sức cố gắng tham gia cuộc trò chuyện chung.
Còn tôi, tôi hẵng chưa bắt đầu bữa. Tôi cũng đứng dậy. Một xung lực đẩy tôi ra bên ngoài. Tôi đã rình cô từ hàng tuần nay, và tôi còn chưa bao giờ bắt gặp được ánh mắt cô.
Cô ở trước tôi chừng chục mét, trên vỉa hè. Cô bước đi, vẻ lười biếng. Rất mau chóng tôi đuổi kịp cô. Cô ngoái đầu lại. Tôi ngây người ra. Tôi chỉ ấp úng được:
- Cô đã... bỏ các bạn lại?
- Phải. Tại sao anh hỏi tôi điều đó?
Cô dựng cái cổ áo măng tô lông thú lên, siết nó chặt quanh cổ. Cặp mắt đầy vẻ châm biếm của cô chăm chăm vào tôi.
- Tôi nghĩ là tôi nhận ra mặt một người bạn của cô...
Cô đã bước đi trở lại và tôi đi theo cô, với nỗi e ngại rằng cô sẽ ném cho tôi một câu nói sỗ sàng. Nhưng dường như cô thấy rất tự nhiên khi tôi ở bên cô. Chúng tôi bước vào đường cụt hai bên toàn nhà mà người ta gọi là đại lộ Rodin.
- Tức là anh biết một người bạn tôi? Ai?
Trời bắt đầu đổ mưa. Chúng tôi đứng trú dưới cổng vòm của tòa nhà đầu tiên.
- Cái ông tóc vàng, tôi đáp. Hầu tước gì đó.
Cô mỉm cười với tôi.
- Anh muốn nói đến thằng già ngu xuẩn?
Giọng cô dịu dàng, hơi có chút sương mù, và mấy từ đó, cô nói chúng ra mà hoàn toàn không nhấn vào các âm tiết. Ngay tức khắc tôi hiểu rằng mình đã nhầm lẫn về cô và rằng trí tưởng tượng đã làm tôi lạc lối. Như vậy thì tốt hơn. Đối với tôi, kể từ nay, chỉ đơn giản nàng là Jacqueline của đại lộ Rodin.
Chúng tôi đợi cho mưa tạnh rồi đi bộ tới nhà nàng. Cứ thế thẳng tiến, dọc theo phố Tour. Rồi chúng tôi đi theo đại lộ Delessert trong cái vùng Passy được xây dựng thành các tầng dẫn xuôi xuống sông Seine đó. Một cầu thang dốc ngược đưa chúng tôi đến một phố nhỏ dẫn ra bờ ke. Thang máy bị hỏng. Hai căn phòng nối tiếp nhau. Trong một phòng, kê cái giường lớn có thành bịt vải xa tanh.
- Thằng già ngu xuẩn sẽ tới đây. Anh có phiền không nếu chúng ta tắt đèn đi?
Vẫn là cái giọng dịu dàng và êm ái ấy, như thể chuyện thật hiển nhiên. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trên trường kỷ, trong bóng tối lờ mờ. Nàng đã cởi cái áo măng tô lông thú của mình. Nàng áp mặt lại gần mặt tôi.
- Còn anh, anh đã làm gì thế, tất cả các buổi tối Chủ nhật, ở cái quán đó?
Nàng làm tôi bối rối. Cặp môi nàng phác ra một nụ cười chế giễu. Nàng ngả đầu lên vai tôi và duỗi hai chân lên trường kỷ. Tôi ngửi thấy mùi tóc nàng. Tôi không dám nhúc nhích. Tôi nghe thấy có tiếng động cơ xe ô tô, bên dưới.
- Chắc thằng già ngu xuẩn đấy, nàng thì thầm với tôi.
Rồi nàng đứng dậy nhìn qua cửa sổ. Tiếng động cơ đã tắt. Đến lượt mình, tôi cũng nhìn. Mưa rất to. Một chiếc ô tô lớn màu đen kiểu Anh đã dừng lại dọc theo vỉa hè. Hầu tước đứng đó bất động trước tòa nhà. Ông ta không mặc cả áo choàng lẫn áo gió. Nàng rời khỏi chỗ cửa sổ và đến ngồi trên trường kỷ.
- Ông ta làm gì? nàng hỏi tôi.
- Không làm gì. Ông ta cứ đứng dưới trời mưa thôi.
Nhưng, sau một lúc, ông ta bước về phía cửa tòa nhà. Tôi nghe thấy tiếng bước chân nặng nề của ông ta trong cầu thang, ông ta bấm hai hồi chuông ngắn. Rồi thêm một hồi nữa, rất dài. Lại những hồi ngắn. Nàng không nhúc nhích khỏi trường kỷ. Rốt cuộc ông ta lấy tay đập cửa. Nghe như thể ông ta tìm cách phá cửa. Sự im lặng quay trở lại. Tiếng bước chân nặng nề của ông ta đi xa dần trong cầu thang.
Tôi đã không rời khỏi cửa sổ. Dưới màn mưa như trút, ông ta băng ngang phố và tới đứng dựa lưng vào bức tường chống cho cái cầu thang mà chúng tôi vừa đi xuống lúc nãy. Và ông ta cứ đứng đó, lưng dựa vào tường, mặt ngẩng lên về phía mặt tiền tòa nhà. Nước mưa chảy tràn trên người ông ta, từ trên cao các cầu thang, và áo vét của ông ta ướt sũng. Nhưng ông ta không nhúc nhích lấy một li. Khi ấy bỗng xảy ra một hiện tượng mà ngày hôm nay tôi cố công tìm lời giải thích: Cây đèn đang chiếu sáng cho cầu thang, từ trên cao, đột nhiên tắt phụt? Dần dà, người đàn ông đó tan vào bức tường. Hoặc giả mưa, vì cứ rơi mãi xuống ông ta, xóa ông ta đi giống nước làm chảy một thứ sơn tường còn chưa kịp bám chặt. Có tì trán thật mạnh vào kính dò xét hết mức bức tường màu xám sẫm tối thì tôi cũng chẳng hề thấy dấu vết ông ta đâu. Ông ta đã biến mất theo cùng cái cách thức đột nhiên mà về sau tôi sẽ nhận thấy ở nhiều người khác, như bố tôi, và nó khiến ta rối trí đến độ ta chỉ còn lại một việc để làm, là tìm các chứng cứ và dấu chỉ nhằm tự thuyết phục bản thân rằng những người đó từng thực sự tồn tại.
Hoa Của Phế Tích Hoa Của Phế Tích - Patrick Modiano Hoa Của Phế Tích