Never get tired of doing little things for others. Sometimes those little things occupy the biggest part of their hearts.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24 - Lần Thử Thứ Nhất - Làm Diều Lớn Hơn - Lần Thử Thứ Hai - Không Đợi Đến Mai - Jacques Xung Phong - Thú Lỗi - Ý Kiến Của Briant - Trên Không Lúc Nửa Đêm - Thấy Gì? - Gió Mạnh Lên - Kết Thúc Nhiệm Vụ
riant và Baxter bắt tay vào việc ngay từ sáng ngày 5 tháng 11. Trước khi làm diều lớn hơn, cũng cần phải xem với kích thước hiện tại, sức nâng của nó được bao nhiêu. Vì không có công thức tính toán khoa học nên việc thử cho phép mầy mò ra diện tích của con diều sao cho đủ sức nâng một trọng lượng không dưới một trăm hai mươi đến một trăm ba mươi livre - không kể sức nặng của chính nó. Lần thử này không cần thực hiện vào ban đêm. Lúc này, gió tây nam đang thổi, Briant thấy có thể tận dụng thả diều ngay, miễn là chỉ cho diều bay thấp, không để bờ hồ phía đông thấy được.
Cuộc thử thành công như mong đợi, cho thấy với sức gió bình thường con diều dễ dàng nâng được hai mươi livre. Một chiếc cân lò xo của tàu Sloughi cho phép cân rất chính xác.
Diều được hạ xuống bãi tập.
Đầu tiên, Baxter gia cố khung diều thật chắc, dùng dây nối vào một cái vòng ở trung tâm như là gọng ô nối vào khuyên trượt ở cán ô. Mặt diều được buộc thêm nan và căng vải mới. Việc này bà Kate giúp được. Kim chỉ thì không thiếu mà bà nội trợ đảm đang này rất giỏi khâu vá.
Giá Briant hoặc Baxter “cứng” hơn nữa về cơ học thì hẳn các cậu phải quan tâm đến những thành phần chủ yếu trong cấu tạo loại phương tiện này là khối lượng, trọng tâm, tâm áp lực gió - trùng với tâm bề mặt - và cuối cùng là điểm buộc dây. Giải xong bài toán này thì sẽ biết được lực nâng, độ cao diều có thể lên tới, độ bền của dây diều để có thể chịu được lực căng - một trong những điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo an toàn cho người quan sát. May sao, họ có dây kéo lưới rê của du thuyền dài ít nhất hai nghìn bộ và hoàn toàn phù hợp. Mặt khác, kể cả khi gió rất mạnh thì diều cũng chỉ “kéo” vừa phải thôi nếu lựa chọn chính xác điểm buộc vật giữ thăng bằng vì độ nghiêng của mặt diều so với hướng gió phụ thuộc vào điều này, diều không cần đuôi nữa (điều này làm Dole và Costar khá thất vọng), vì thay vào đó thì khối lượng cần nâng là đủ để giữ cho diều khỏi “đâm sầm xuống”.
Sau nhiều lần mò mẫm, Briant và Baxter nhận thấy tốt nhất là bố trí vật nặng vào quãng một phần ba bộ khung, bằng cách buộc nó vào một trong những thanh ngang căng vải theo chiều rộng. Hai sợi thừng buộc vào thanh ngang ấy sẽ treo vật nặng lên dưới con diều khoảng hai mươi bộ. Dây diều thì chuẩn bị một dây dài một nghìn hai trăm bộ, trừ độ võng đi cho phép lên cao tới bảy, tám trăm bộ. Cuối cùng, để đề phòng rủi ro do khung diều gãy hoặc dây diều đứt họ sẽ thả cho diều bay phía trên mặt hồ sao cho khoảng cách từ điểm rơi đến bờ hồ không quá xa để một người bơi giỏi có thể bơi được về bờ hồ phía tây.
Diều làm xong có diện tích bảy mươi mét vuông, hình bát giác, bán kính mười lăm bộ, mỗi cạnh bốn bộ. Với bộ khung chắc chắn và vải bọc kín gió, nó dễ dàng nâng được khối lượng một trăm đến một trăm hai mươi livre.
Còn nôi cho người quan sát thì rất đơn giản: một cái giỏ đan bằng cành liễu đa dụng của du thuyền, đủ sâu để cạp giỏ tới được nách một thiếu niên tầm vóc bình thường, đủ rộng để có thể cử động trong đó được thoải mái, miệng giỏ đủ độ mở để khi cần có thể thoát ra được dễ dàng.
Từng ấy công việc đâu thể trong một hai ngày mà xong được. Bắt đầu từ sáng mùng 5 đến chiều mùng 7 họ mới hoàn tất. Tối hôm ấy sẽ thả để thử sức nâng và độ ổn định trên cao của diều.
Những ngày vừa qua, tình hình không có gì biến đổi. Nhiều lần các trại viên thay nhau lên đỉnh vách đá quan sát hàng giờ liền mà chẳng thấy có gì khả nghi ở cả phía bắc, vùng giữa rừng Hố Bẫy và động Người Pháp, lẫn ở phía nam bên kia con lạch cũng như ở vũng Sloughi, phía tây hay trên hồ Gia Đình là nơi rất có thể Walston muốn tìm đến trước khi rời đảo, không có một tiếng nổ nào gần đồi Auckland, cũng không thấy khói bốc lên ở chân trời.
Như vậy thì Briant và các bạn đã có thể hi vọng rằng bọn xấu kia rời bỏ hẳn đảo Chairman chăng, họ được tự do và an toàn trở lại với nếp sống quen thuộc trước đó chăng? Cuộc thử nghiệm dự kiến này hẳn sẽ cho phép khẳng định điều đó.
Bây giờ còn một vấn đề cuối cùng: khi quan sát viên ở trong giỏ muốn hạ diều xuống đất thì báo hiệu bằng cách nào? Briant đã trả lời câu hỏi này của Doniphan như sau:
- Tất nhiên không thể dùng ánh sáng vì rất có thể khiến bọn Walston trông thấy. Cho nên mình và Baxter đã thống nhất, dùng một dây nhỏ dài bằng dây diều, xâu qua một hòn chì có lỗ đục sẵn, một đầu buộc vào giỏ của người quan sát, đầu kia do một bạn ở dưới đất giữ. Lúc cần hạ diều xuống thì người quan sát chỉ cần thả hòn chì theo sợi dây trượt xuống.
- Nghĩ rất hay! - Doniphan khen.
Mọi việc đã đâu vào đấy. Bây giờ là lúc sẽ thử sơ bộ. Phải tới 2 giờ sáng trăng mới mọc. Gió tây nam thổi rất đẹp. Các điều kiện xem ra đều thuận lợi để thử diều ngay tối nay. Đến 9 giờ tối thì trời tối đen. Vài đám mây khá dày trôi trên bầu trời không sao. Dù diều lên cao tới đâu thì ngay ở vùng cận kề động Người Pháp cũng không thể thấy được.
Lớn bé đều ra chứng kiến cuộc thử, và chỉ là “đánh trận giả” nên thật thích thú được theo dõi mọi diễn biến theo trình tự. Chiếc tời của tàu Sloughi được đặt giữa Bãi Tập và ghìm chặt xuống đất để chịu được lực kéo của diều. Dây diều cùng với dây truyền tin được quấn cẩn thận để thả ra được dễ dàng. Trong giỏ, Briant đặt một bao đất nặng một trăm ba mươi livre, lớn hơn thể trọng của người nặng nhất trong các trại viên. Diều nằm dưới đất cách tời một trăm hai mươi bước. Doniphan, Webb, Baxter, Wilcox trực ở đó. Theo hiệu lệnh của Briant, họ sẽ kéo những dây thừng buộc ở khung diều để từ từ dựng diều lên. Khi diều đã bắt gió theo độ nghiêng xác định nhờ vật giữ thăng bằng (là cái giỏ chứa bao đất) thì Briant, Gordon, Service, Cross và Garnett bố trí sẵn bên tời sẽ nhả dây cho phù hợp với độ bốc lên của diều.
- Chú ý! - Briant hét.
- Sẵn sàng! - Doniphan đáp.
- Thả!
Con diều ngóc dần lên, rung rinh và nghiêng theo chiều gió.
- Nhả dây!… Nhả dây!… - Wilcox hét.
Ngay lập tức chiếc tời được quay ngược để nhả dây còn con diều cùng với giỏ treo chầm chậm lên cao. Dù là thiếu thận trọng, những tiếng hoan hô vẫn nổ ra khi “chàng khổng lồ trên không” rời mặt đất. Nhưng gần như ngay sau đó, chàng biến mất vào bóng đêm trước sự chưng hửng của Iverson, Jenkins, Dole và Costar vì các chú chỉ muốn được thấy con diều chao liệng phía trên mặt hồ Gia Đình, khiến bà Kate phải an ủi:
- Đừng buồn các papoose ạ! Khi hết nguy hiểm các anh sẽ thả “chàng khổng lồ” của các con vào ban ngày, và nếu các con ngoan thì sẽ được gửi thư lên đấy!
Tuy không thấy nhưng mọi người vẫn biết con diều đang “đòi” dây đều đều, chứng tỏ sức gió trên cao ổn định và giỏ treo bố trí đúng chỗ nên lực kéo là vừa phải. Briant muốn cuộc thử có tính thuyết phục nên thấy điều kiện cho phép, cậu để cho dây diều được thả đến hết. Có thể đánh giá là lực kéo không có gì bất thường. Với sợi dây dài một nghìn hai trăm bộ được tời nhả ra, có thể chắc chắn là diều đã lên tới độ cao bảy, tám trăm bộ. Thao tác chỉ mất mười phút tất cả.
Thử nghiệm đã thành công. Phải quay tời để thu dây hạ diều xuống. Tuy nhiên phần việc này lại mất nhiều thời gian nhất: phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ để thu hết dây. Cũng như với khí cầu, việc cho diều tiếp đất bao giờ cũng là thao tác tinh tế nhất để không xảy ra va chạm mạnh. Nhờ gió ổn định nên việc này cũng hoàn thành tốt. Chẳng bao lâu cái hình bát giác bằng vải lại từ bóng đêm hiện ra và nhẹ nhàng tiếp đất trong tiếng hoan hô cũng như khi thả lên.
Giờ thì cứ đặt diều nằm dưới đất không cho bắt gió là xong. Baxter và Wilcox tình nguyện ở lại đến sáng để trông coi. Tối mai, cũng vào giờ này sẽ tiến hành “trận đánh” quyết định. Mọi người chỉ còn đợi lệnh trưởng trại để trở về động Người Pháp, nhưng Briant không nói gì, dường như đang suy nghĩ lung lắm. Cậu nghĩ gì vậy? Phải chăng về sự hiểm nguy khi lên cao trong những điều kiện đặc biệt này, hay về trách nhiệm của bản thân khi một người khác phải liều mình trong chiếc giỏ kia?
- Về thôi chứ, khuya rồi! - Gordon nhắc.
- Chờ một chút, - Briant trả lời, - Gordon, Doniphan, mình có một đề nghị.
- Cậu cứ nói đi! - Doniphan đáp.
- Chúng mình vừa thả diều, - Briant nói tiếp, - kết quả là tốt vì điều kiện thuận lợi: gió vừa phải, không yếu quá cũng không mạnh quá. Nhưng tối mai chưa biết thế nào, liệu gió có cho phép con diều bay trên mặt hồ không, thì chúng ta làm sao biết được. Vì vậy mình nghĩ tốt hơn là không nên gác việc quan sát đến mai.
Quả là rất hợp lí khi đã quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên chưa ai lên tiếng trả lời. Trước bao rủi ro đang chờ đợi, sự do dự là hiển nhiên thôi, kể cả những người gan dạ nhất. Dẫu sao khi Briant nói tiếp:
- Ai muốn lên cao?
Thì Jacques trả lời ngay:
- Em!
Và gần như liền ngay sau đó, Doniphan, Baxter, Wilcox, Cross và Service đồng thanh hét to:
- Tôi!
Sau đó là một khoảng im lặng mà Briant chưa vội phá vỡ. Jacques lại là người đầu tiên lên tiếng:
- Anh, em phải là người được hi sinh!… Vâng!… Hãy cho em!… Em xin anh! Hãy cho em!
- Tại sao lại là em chứ không phải là anh, không phải là người khác? - Doniphan hỏi.
- Đúng đấy! Tại sao chứ? - Baxter nói tiếp.
- Vì em có bổn phận phải làm. - Jacques trả lời.
- Em có bổn phận ư? - Gordon hỏi.
- Vâng!
Gordon nắm lấy bàn tay Briant như muốn hỏi Jacques nói thế là có ý gì và thấy tay bạn run run trong tay mình. Giá như không phải đang đêm thì cậu đã thấy mặt bạn tái đi, hàng mi khép lại, rơm rớm nước mắt.
- Thế nào, anh? - Jacques nói tiếp, giọng cả quyết, hiếm thấy ở lứa tuổi ấy.
- Briant, - Doniphan lên tiếng - cậu hãy giải thích vì sao Jacques lại cho mình có quyền được hi sinh? Nhưng quyền ấy thì bọn mình ai mà chẳng có? Nó đã làm gì để mà đòi hỏi…
- Em đã làm gì ư? - Jacques trả lời - Việc em đã làm… em sẽ nói để mọi người biết…
- Jacques! - Briant quát, muốn ngăn em lại.
- Không! - Jacques nói tiếp, giọng ngắt quãng vì xúc động. - Anh hãy để em thú nhận!… Điều đó đã đè nặng em quá nhiều rồi… Gordon, Doniphan, các anh, mọi người phải xa cha mẹ… phải ở trên đảo này… là tại em… chỉ một mình em… là nguyên nhân… Du thuyền Sloughi bị trôi ra khơi… là do em dại dột… không!… Em đã tinh nghịch… tinh nghịch quá mức… đã tháo dây buộc du thuyền ở cảng Auckland… Phải, nghịch quá mức!… Rồi khi tàu trôi… em sợ cuống lên… không kêu cứu khi vẫn còn kịp… và một giờ sau… trong đêm khuya… giữa biển khơi… Ôi, xin tha thứ… các bạn… xin tha thứ!…
Và cậu bé đáng thương khóc nức nở mặc cho bà Kate an ủi.
- Được, Jacques! - Briant nói - Em đã nhận lỗi và bây giờ muốn liều mình để chuộc lại hay ít nhất để đền bù một phần những hậu quả em đã gây ra phải không?
- Jacques chẳng đã đền bù rồi sao! - Với bản tính rộng lượng, Doniphan kêu lên. - Em ấy chẳng đã mấy mươi lần liều mình vì chúng ta hay sao! À, Briant, bây giờ mình mới hiểu tại sao mỗi khi có việc gì nguy hiểm là cậu lại giao cho em mình trước tiên và em ấy luôn sẵn sàng đáp ứng. Vậy là rõ vì sao em ấy lao vào màn sương để tìm mình và Cross dù nguy hiểm tới tính mạng. Phải, Jacques thân mến, các bạn rất vui lòng tha thứ cho em, em không phải chuộc lỗi nữa.
Mọi người xúm quanh Jacques, cầm tay chú, trong khi chú vẫn chưa hết nức nở. Bây giờ mọi người hiểu vì sao chú bé này, cậu học trò vui tính nhất và cũng là một trong những chú nhóc tinh nghịch nhất trường nội trú lại trở nên rầu rĩ và xa lánh bạn bè đến thế. Rồi theo lệnh của anh ruột, nhất là theo nguyện vọng của bản thân, chú đã quên mình lao vào mọi hiểm nguy. Và thấy vẫn chưa đủ, chú lại xin được dấn thân vì các bạn.
Khi đã nói nên lời, chú bày tỏ:
- Các bạn thấy đấy, chính tôi… chính tôi nên đi quan sát, phải không, anh?
- Tốt lắm, Jacques, tốt lắm! - Briant nhắc lại và ôm chặt em.
Những lời nhận lỗi của Jacques và nguyện vọng được hi sinh của chú đã khiến Doniphan và các bạn khác không thể can dự. Đành phải để chú ta liều thân trước ngọn gió đang có chiều hướng mạnh lên này thôi.
Jacques bắt tay các bạn, sẵn sàng vào giỏ, lúc này đã bỏ bao đất ra. Cậu quay về phía Briant đứng yên lặng cách vài bước nói:
- Anh để em ôm hôn nào!
- Phải!… Ôm anh đi! - Briant nén xúc động đáp. - Hay đúng hơn là để anh ôm hôn em… vì người đi là anh.
- Anh ư!… - Jacques kêu to.
- Cậu… cậu à! - Doniphan và Service đồng thanh lặp lại.
- Phải, là mình. Lỗi của Jacques do nó hay anh nó chuộc thì có khác gì đâu. Với lại, khi mình có ý định này, các cậu có thể tưởng tượng rằng mình lại để người khác thực hiện hay sao?
- Anh! - Jacques hét - Em xin anh!
- Không, Jacques!
- Vậy thì mình đòi đến lượt mình. - Doniphan nói.
- Không, Doniphan! - Briant đáp dứt khoát, không cho ai phản đối. - Chính mình sẽ đi. Mình muốn thế!
- Mình đã đoán biết điều này, Briant. - Gordon nói và nắm tay bạn thật chặt.
Sau những lời đó, Briant vào giỏ, chuẩn bị tư thế đàng hoàng rồi ra lệnh thả diều. Con diều nghiêng nghiêng đón gió, từ từ bốc lên. Baxter, Wilcox, Cross và Service điều khiển cho tời nhả dây diều cùng lúc với Garnett thả dây tín hiệu qua các ngón tay. Mười giây sau “chàng khổng lồ trên không” biến vào bóng tối, không có tiếng hoan hô như lần thả vừa rồi mà chỉ có bầu không khí tĩnh lặng như tờ.
Người chỉ huy gan dạ của cái nhóm nhỏ này, chàng trai hào hiệp Briant đã bị che khuất cùng với cánh diều đang chập chờn và đều đều bốc lên cao. Cái giỏ chỉ hơi đung đưa, không tròng trành mạnh nên không nguy hiểm. Briant ngồi yên, hai tay nắm chặt dây treo giỏ đang lắc lư qua lại như đánh đu. Thoạt tiên cậu có cảm giác lạ, thấy mình được treo trong không trung dưới một mặt phẳng rộng và nghiêng, rung rinh trước gió, tưởng như đang bị một con chim săn mồi kì dị quắp lên cao, hay đúng hơn là móc dưới cánh của một con dơi đen to lớn. Nhờ bản tính cương nghị, cậu vẫn giữ được sự bình tĩnh rất cần thiết cho nhiệm vụ này.
Mười phút sau khi bốc lên khỏi bãi tập, một rung động nhỏ cho biết con diều đã lên hết tầm cao. Dây thả hết, nó vẫn còn ngóc lên với vài rung động nữa. Độ cao thẳng đứng bây giờ đạt tới khoảng sáu, bảy trăm bộ. Rất tự chủ, đầu tiên Briant kéo căng dây tín hiệu, rồi một tay nắm lấy dây treo giỏ, một tay cầm viễn kính, cậu bắt đầu quan sát.
Bên dưới tối như bưng. Hồ nước, những cánh rừng, vách đá hợp lại thành một mảng không rõ ràng, không thể nhận ra một chi tiết nào. Còn chu vi hòn đảo thì hiện lên rõ nét trên mặt biển bao quanh. Từ nơi này, Briant nhìn được bao quát toàn đảo. Giá vào ban ngày, phóng tầm mắt ra tới những chân trời quang đãng thì biết đâu có thể thấy những đảo khác, có khi một lục địa cũng nên, nếu nó nằm trong bán kính bốn mươi dặm mà chắc là tầm nhìn của cậu có thể vươn tới.
Nếu như ở các phía nam, bắc và tây trời sương mù, chẳng thể nhìn thấy gì, thì ở phía đông có một khoảng nhỏ mây dãn ra chốc lát, trên nền trời lấp lánh mấy vì sao, và chính ở hướng này, Briant thấy có ánh sáng khá mạnh, được mấy đám mây bên dưới phản chiếu lại.
“Đó chính là ánh lửa,” cậu tự nhủ. “Có phải bè lũ Walston cắm trại ở đó chăng? Không! Lửa này quá xa, chắc chắn là bên ngoài đảo. Liệu có phải là một núi lửa đang phun và có đất ở phía đông hay không?” Cậu chợt nhớ tới cái vệt trăng trắng cậu đã phát hiện bằng kính viễn vọng trong chuyến đầu tiên khảo sát vũng Ảo Tưởng. “Đúng! Đúng là ở phía này… và cái vệt trăng trắng ấy là phản chiếu của một băng hà!… Hẳn là có một vùng đất ở phía đông và khá gần đảo Chairman.”
Cậu lại nhìn qua kính viễn vọng. Ánh lửa càng rõ ràng hơn trong bóng đêm. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, đó là một núi lửa đang phun trào, gần một băng hà và ở trên một quần đảo hoặc một lục địa, cách đây không quá ba chục dặm.
Cậu chợt thấy một điểm sáng mới, gần hơn rất nhiều, chỉ cách khoảng năm, sáu dặm, tức là ngay trên đảo. Có một ánh lửa khác xuyên qua cây cối ở phía đông hồ Gia Đình.
“Lần này là lửa đốt trong rừng”, Briant tự nhủ, “ngay bìa rừng, bên bờ biển.”
Nhưng ánh lửa hiện ra rồi tắt ngay, cậu nhìn chăm chú qua kính viễn vọng mà không thấy nữa. Ôi! Tim cậu đập mạnh, tay cậu run đến mức không giữ yên được kính để quan sát cho chính xác nữa. Tuy nhiên, đó đúng là lửa ở nơi cắm trại không xa cửa sông Đông. Briant nhìn lại và nhận ngay ra ánh sáng lửa trại được các vòm cây phản chiếu lại.
Vậy là lũ Walston vẫn cắm trại ở đó, ngay tại cảng Hòn Gấu! Bọn giết người tàu Severn chưa hề rời khỏi đảo Chairman! Các trại viên trẻ vẫn đối mặt với nguy cơ tấn công của chúng, động Người Pháp chẳng còn an toàn nữa! Thất vọng biết bao! Hiển nhiên là vì không sửa được xuồng nên Walston phải từ bỏ ý định vượt biển tìm đến nơi nào đó trong những vùng đất lân cận, tức là ở miền biển này có những vùng đất ấy, không còn nghi ngờ gì nữa!
Quan sát xong, không cần ở trên cao lâu hơn nữa, Briant sửa soạn để trở xuống. Bây giờ, gió đã mạnh hơn rõ rệt, chiếc giỏ lắc lư mạnh, việc cho con diều hạ xuống khó khăn hơn. Kiểm tra dây tín hiệu vẫn căng, Briant thả hòn chì, chỉ mấy giây sau nó đã nằm trong tay Garnett. Lập tức chiếc tời hoạt động để hạ diều xuống. Trong lúc đó, Briant còn nhìn về phía những điểm sáng đã phát hiện và lại thấy lửa của hỏa diệm sơn, rồi gần hơn là ánh lửa trại trên bờ đảo phía đông.
Ai cũng biết Gordon và các bạn nóng lòng chờ tín hiệu hạ diều như thế nào. Hai mươi phút Briant ở trên không đối với họ sao mà dài thế!
Lúc này, Doniphan, Baxter, Wilcox, Service và Webb ra sức quay tời. Qua rung động của dây diều họ cũng nhận ra là gió thổi mạnh lên và không đều nên khá lo cho Briant phải chịu lực bật lại. Tời quay nhanh để cuộn lại một nghìn hai trăm bộ dây diều. Sức gió vẫn tăng lên và khoảng bốn mươi lăm phút sau khi có tín hiệu hạ cánh thì gió thực sự mạnh, cũng là lúc con diều xuống đến độ cao hơn một trăm bộ trên mặt hồ. Đột nhiên có một cú giật mạnh. Doniphan, Wilcox, Service, Webb, Baxter suýt nữa bị văng ra vì hẫng, mất điểm tựa: dây diều đứt!
Giữa những tiếng kêu kinh hoàng là tiếng gọi lặp lại đến vài mươi lần:
- Briant!… Briant!…
Mấy phút sau, Briant nhảy lên bãi cát và gọi to.
- Anh!… Anh!… - Jacques thét lên và là người đầu tiên ôm chầm lấy anh trai.
- Walston vẫn còn ở đây.
Đó là câu đầu tiên Briant thốt ra khi các bạn vây quanh cậu.
Lúc dây diều đứt, cậu thấy mình bị đẩy xuống không phải theo chiều thẳng đứng mà là xiên xiên tương đối chậm vì cánh diều ở phía trên có tác dụng như một cái dù. Cần thoát khỏi giỏ trước khi nó chạm mặt nước, Briant đã lao xuống hồ và vốn bơi lội giỏi, chẳng vất vả mấy, cậu đã vượt được bốn, năm trăm bộ vào tới bờ.
Trong khi đó, con diều nhẹ bỗng, bị gió đưa đi như một mảng tàu vỡ trong không gian rồi mất hút về hướng đông bắc.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo