Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Đó Là Tất Cả Sao?
Đơn giản và rẻ tiền nhất là dựng nhà bằng tôn sóng. Tấm rèm vải thay cho cửa ra vào, những ô cửa sổ nhỏ, vào mùa mưa dài và nặng nề ở đây, chúng được che bằng những miếng gỗ dán hoặc bìa các tông dày. Cái nhà như thế này ban ngày nóng như lò lửa, tường nóng rực và bốc cháy, mái chảy ra và xèo xèo trong nắng, bởi thế, từ bình minh đến hoàng hôn, không ai dám vào. Chỉ vừa mới chạng vạng sáng, tia nắng đầu tiên sẽ ném tất cả dân chúng còn đang ngái ngủ ra sân hay ra đường, họ sẽ ở đó đến tối. Họ ra ngoài, đẫm mồ hôi, tay gãi những vết phồng rộp vì muỗi và nhện đốt, ngó vào nồi xem có chút cơm nguội nào còn sót lại từ hôm qua.
Họ nhìn ra phố, nhìn những căn nhà hàng xóm, không tò mò, không chờ đợi.
Có thể phải làm điều gì đó…
Nhưng điều gì? Làm gì?
Buổi sáng, tôi đến phố Carrey nơi có khách sạn của mình. Đó là khu buôn bán, trung tâm thành phố. Không thể đi được xa. Đâu đâu cũng có những nhóm bayaye ngồi bên bờ tường - các thanh niên đói ăn và thất nghiệp, chẳng có hy vọng hay bất cứ thứ gì, chẳng một cơ hội trong cuộc sống. Họ bám lấy tôi, hỏi han xem tôi từ đâu đến, muốn làm người dẫn đường cho tôi hoặc muốn tôi xin học bổng ở Mỹ cho họ. Họ thậm chí không thèm lấy một đô la để mua bánh mì, không, ngay từ đầu họ đã đặt mục tiêu cao nhất: vào nước Mỹ.
Chưa đi được trăm mét tôi đã bị những chú bé mặt sưng phù, mắt lòa, đôi khi cụt tay hay chân, vây quanh. Chúng van xin. Đó là các cựu chiến binh thuộc các Small Boys Unit[61] của Charles Taylor, những sư đoàn khủng khiếp nhất của hắn. Taylor tuyển trẻ nhỏ và giao vũ khí cho chúng. Hắn cho chúng ma túy và khi ma túy có tác dụng, hắn đẩy những cậu bé ấy ra chiến đấu. Đám trẻ u u mê mê như những phi công Kamikaze xông vào tuyến lửa, lao thẳng vào làn đạn, bom mìn. Khi chúng nghiện đến mức không còn sử dụng được bao nhiêu, Taylor đuổi chúng đi. Một số đến được Monrovia và kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình đâu đó trong cống rãnh hay các đống rác, bị bệnh sốt rét, dịch tả hay chó rừng làm cho tả tơi.
Không rõ tại sao Doe lại đi đến cảng (điều khiến y tự chuốc lấy cái chết). Có thể y quên rằng mình là tổng thống. Y trở thành tổng thống mười năm trước, thực chất là ngẫu nhiên. Y cùng với nhóm mười sáu đồng đội, cũng là các hạ sĩ quan như y, đến dinh tổng thống Tolbert để đòi tiền lương bị nợ. Họ không gặp người bảo vệ nào, còn Tolbert thì đang ngủ. Nhân cơ hội đó, họ đâm hắn bằng lưỡi lê. Và Doe, lớn tuổi nhất trong đám, thế chỗ hắn. Bình thường, ở Monrovia không ai nể nang gì các hạ sĩ quan, vậy mà mọi người bắt đầu cúi chào y, vỗ tay, chen lấn để bắt tay y. Y lấy làm thích thú. Y nhanh chóng học được một số thứ. Rằng khi đám đông quỳ xuống thì phải giơ tay lên ra hiệu chào và tỏ ý chiến thắng. Rằng trong các dịp lễ buổi tối phải mặc com lê sẫm màu hai hàng cúc thay cho quân phục. Rằng nếu có một đối thủ xuất hiện ở đâu đó thì phải xông vào và giết chết hắn.
Nhưng y đã không học được hết tất cả mọi thứ. Ví dụ, y không biết phải làm gì khi các chiến hữu cũ - Taylor và Johnson - chiếm cả đất nước của y, chiếm thủ đô và bắt đầu bao vây dinh thự y. Taylor và Johnson có các băng đảng riêng và cả hai, hằm hè lẫn nhau, đều muốn nắm quyền lực (vẫn đang nằm trong tay Doe). Tất nhiên, các khát vọng ấy chẳng liên quan gì đến cương lĩnh xã hội, dân chủ hay chủ quyền. Chỉ là chuyện ai sẽ nắm hầu bao. Doe đã giữ tiền trong suốt mười năm. Chúng có quyền cho rằng như vậy là đủ. Hơn thế nữa, chúng nói thẳng toẹt điều đó ra! “Chúng tôi chỉ muốn lật đổ Samuel Doe” - chúng nói trong hàng chục cuộc phỏng vấn. “Sẽ bình ổn ngay sau đó”.
Doe không có gì để đáp trả, đơn giản là y bối rối. Thay vì hành động - vũ trang hay hòa bình - y không làm gì hết. Y giam mình trong dinh, không biết rõ điều gì đang xảy ra xung quanh, mặc dù các cuộc chiến ác liệt đã diễn ra trong thành phố từ ba tháng nay. Thế rồi có người báo tin cho y rằng quân đội Nigeria đã cập cảng. Với tư cách tổng thống của nước cộng hòa, y có quyền hỏi một cách chính thức đội quân nước ngoài xâm phạm lãnh thổ nước y này là ai. Y có thể đòi chỉ huy đội quân này phải có mặt ở dinh thự y để giải thích. Nhưng Doe đã không hề làm thế. Bản năng của một hạ sĩ quan lính trinh sát, của một trung sĩ điều tra trỗi dậy. Y sẽ tự xem sự thể thế nào. Y ngồi vào xe và đi đến cảng. Phải chăng y không biết rằng khu vực đó đã bị Johnson - kẻ đang muốn phanh thây y - chiếm giữ? Rằng thật khó coi khi tổng thống của một nước đi trình diện một chỉ huy quân đội nước ngoài?
Có thể y thực sự không biết. Cũng có thể y biết, nhưng trí tưởng tượng đã phản bội y, y không cân nhắc, hành động một cách thiếu suy nghĩ. Lịch sử thường là sản phẩm của sự thiếu suy nghĩ, là kết quả của sự ngu ngốc của con người, là đứa con của sự dốt nát, ngu si và điên rồ. Trong các trường hợp này, lịch sử được làm nên bởi những người không biết mình đang làm gì, hơn nữa - họ không cần biết, họ từ chối khả năng ấy với sự ghê tởm và phẫn nộ. Chúng ta nhìn thấy họ tự lao đầu vào chỗ chết, tự đưa tay vào cùm, tự thắt thòng lọng vào cổ, thấy họ chăm chỉ soát đi soát lại xem cùm và thòng lọng đã chắc chắn chưa, xem chúng có bền và hiệu quả không.
Những giờ cuối cùng của Doe cho phép chúng ta nhìn lịch sử ở điểm nó hoàn toàn sụp đổ. Trong thời điểm ấy, nữ thần kiêu hãnh và ngạo mạn biến thành bức tranh biếm họa đẫm máu đau thương của chính mình. Đám tay chân của Johnson bắn bị thương chân tổng thống để y không thể chạy trốn, bắt lấy y, đập gãy và trói tay y. Chúng sẽ còn tra tấn y mười mấy giờ đồng hồ nữa. Điều này xảy ra trong một thành phố nhỏ, nơi vẫn có chính phủ hợp pháp làm việc. Các bộ trưởng khi đó đang ở đâu? Các công chức khác đang làm gì? Cảnh sát ở đâu? Chúng tra tấn tổng thống cạnh tòa nhà do chính quân Nigeria, những người đến Monrovia để bảo vệ chính quyền hợp pháp, trấn giữ. Vậy những người lính ấy thì sao - họ không biết gì hết ư? Họ không quan tâm chuyện gì hết? Nhưng thế vẫn còn chưa đủ! Đội cảnh vệ mấy trăm người của tổng thống đóng cách cảng vài cây số, nhiệm vụ và mục đích tồn tại duy nhất của họ là bảo vệ nguyên thủ quốc gia. Trong khi đó, vị nguyên thủ đi ra cảng làm một chuyến thăm viếng ngắn ngủi, hàng giờ trôi qua và y mất tích. Vậy mà thậm chí họ không thắc mắc có chuyện gì xảy ra với y? Y đã biến đi đâu?
Ta hãy trở lại cảnh Johnson hỏi cung tổng thống. Johnson muốn biết Doe có tài khoản ngân hàng ở đâu. Doe rên rỉ, các vết thương đau nhức nhối, một giờ trước y bị trúng mười mấy viên đạn. Y thều thào điều gì đó, không rõ là gì. Có phải y khai số tài khoản? Mà y có tài khoản không? Johnson tức tối ra lệnh xẻo tai y ngay lập tức. Tại sao? Điều đó có sáng suốt không? Johnson có hiểu rằng khi đó máu sẽ chảy tràn vào các ống tai và nói chuyện với y sẽ càng khó khăn hơn?
Có thể thấy những con người ấy không thể đương đầu được với bất cứ chuyện gì, thấy tình thế càng lúc càng có lợi hơn cho họ, thấy họ lần lượt làm hỏng hết mọi chuyện. Rồi sau đó, điên tiết, họ cố sửa sai. Nhưng liệu có thể sửa sai bằng la hét? Bằng hành hạ? Bằng cách giết những người khác?
Sau cái chết của Doe chiến tranh vẫn tiếp diễn. Taylor chiến đấu với Johnson, cả hai cùng chiến đấu với phần còn lại của quân đội Liberia, còn tất cả bọn họ lại chiến đấu với các đội quân can thiệp mà vài nước châu Phi lập ra dưới cái tên ECOMOG nhằm lập lại trật tự ở Liberia. Sau những trận đánh kéo dài, ECOMOG chiếm Monrovia và các vùng lân cận của thành phố, bỏ phần còn lại của Liberia cho Taylor và các thủ lĩnh như hắn. Người ta có thể đi lại trong thủ đô, nhưng khi đi xe ra ngoài chừng 20-30 cây số, các trạm gác của lính Ghana, Guinea hay Sierra Leone sẽ nhan nhản trên đường. Họ chặn tất cả mọi người lại: không thể đi xa hơn được nữa.
Xa hơn là bắt đầu địa ngục, nơi mà ngay cả những người lính vũ trang đến tận chân răng kia cũng không có can đảm ngó vào. Đó là lãnh địa nằm dưới sự kiểm soát của các đầu đảng Liberia. Các đầu đảng này, ở các nước châu Phi khác cũng có rất nhiều, bắt đầu được gọi là các thủ lĩnh, các chúa tể chiến tranh - các warlord.
Warlord là một cựu sĩ quan, cựu bộ trưởng, nhà hoạt động của đảng hoặc người có thế lực hay tiền bạc, tàn nhẫn, không ngần ngại, nhân cơ hội sự sụp đổ của quốc gia (mà chính hắn đã và sẽ gây ra) muốn xà xẻo cho mình một tiểu quốc không chính thức do hắn độc tài cai trị. Warlord thường lợi dụng thị tộc và bộ lạc của hắn vào mục đích này. Các warlord là những kẻ gieo rắc hận thù bộ lạc và chủng tộc ở châu Phi. Chúng không bao giờ thừa nhận điều đó. Chúng luôn tuyên bố rằng mình cầm đầu một phong trào hay đảng phái của cả dân tộc. Thường gặp nhất sẽ là Phong trào Giải phóng Gì đó hoặc Phong trào Bảo vệ Dân chủ hay Độc lập. Không thể là cái gì đó thấp kém hơn các lý tưởng này.
Đã chọn được một cái tên, warlord bắt đầu tuyển quân. Việc này không thành vấn đề. Ở mỗi nước, mỗi thành phố đều có hàng nghìn trai tráng đói ăn và thất nghiệp đang mơ ước được đứng vào đội quân của warlord. Thủ lĩnh sẽ cho họ vũ khí và cả cái cảm giác được-thuộc-về ai đó, điều cũng không kém phần quan trọng. Thường thì caudillo[62] sẽ không trả lương cho họ. Y sẽ nói với họ - các anh có vũ khí rồi, hãy tự kiếm ăn đi. Chỉ cần sự cho phép ấy là đủ: họ sẽ biết phải làm gì tiếp theo.
Muốn có vũ khí cũng không khó. Vũ khí rẻ và tràn ngập khắp nơi. Ngoài ra, các warlord có tiền. Chúng ăn cắp tiền từ các cơ quan nhà nước (với tư cách bộ trưởng hay tướng tá), hoặc chúng thu lợi khi chiếm các vùng có giá trị kinh tế, nơi có các mỏ, nhà máy, có rừng để chặt, hải cảng, sân bay. Ví dụ, Taylor ở Liberia hay Savimbi ở Angola chiếm các khu vực có mỏ kim cương. Có thể gọi nhiều cuộc chiến ở châu Phi là cuộc chiến kim cương. Chiến tranh giành kim cương đã xảy ra ở tỉnh Kasai, Congo và kéo dài nhiều năm ở Sierra Leone. Nhưng không chỉ các mỏ mới đem lại tiền bạc. Đường và sông cũng mang đến lợi nhuận tốt: có thể đặt trạm gác và thu thuế mỗi người đi qua.
Nguồn lợi tức không cạn của các warlord là cứu trợ quốc tế dành cho nhân dân đói nghèo. Từ mỗi chuyến vận tải, chúng cần bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu bao lúa mì và bấy nhiêu lít dầu ăn. Ở đây có luật: ai có vũ khí, kẻ đó ăn trước. Những gì còn lại dân đói mới được lấy. Khó khăn của các tổ chức quốc tế là nếu không đưa cho bọn cướp, chúng sẽ không cho các chuyến vận tải cứu trợ đi qua và dân đói sẽ chết. Vậy là người ta cho các đầu đảng những gì chúng muốn với hy vọng có thể còn chút dư thừa nào đó đến được với những người đang chịu đói.
Các warlord đồng thời vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của cơn khủng hoảng mà nhiều quốc gia của châu lục này lâm vào trong thời kỳ hậu thực dân. Nếu nghe thấy một quốc gia ở châu Phi đang lung lay, ta có thể chắc chắn rằng các warlord sẽ xuất hiện ở đó ngay. Ở Angola, ở Sudan, ở Somalia, ở Chad, chúng có mặt ở khắp nơi, kiểm soát khắp nơi. Warlord làm gì? Trên lý thuyết, hắn chiến đấu với các warlord khác. Nhưng cũng không nhất thiết phải như vậy. Thường thấy nhất là warlord cướp bóc những người dân nước mình tay không tấc sắt. Warlord là tương phản của Robin Hood. Robin Hood cướp của người giàu chia cho người nghèo. Warlord cướp của người nghèo để làm giàu và nuôi băng đảng của mình. Chúng ta ở trong thế giới nơi cái nghèo kết án tử hình một số người và biến những người khác thành ác quỷ. Những người trước là nạn nhân, những người sau là đao phủ. Không có ai khác trong thế giới ấy.
Warlord có các nạn nhân ngay trong tầm tay. Hắn không phải tìm đâu xa: đó là cư dân các làng quê và thị trấn lân cận. Các băng đảng lính đánh thuê mình trần, chân đi giày Adidas tơi tả, không ngừng sục sạo trên lãnh địa của warlord mình để tìm đồ ăn và kiếm chác. Đối với những kẻ tàn bạo, đói ăn và thường là nghiện ngập khốn khổ ấy, tất cả đều là thứ có thể cướp được. Một nắm gạo, chiếc áo cũ, mảnh chăn, cái nồi đất, đều là mục tiêu của sự thèm muốn, là những đồ vật có giá trị, khiến người run lên, làm mắt sáng rực. Nhưng người dân đã có kinh nghiệm. Chỉ cần nghe tin có băng đảng của warlord đang tới, cả vùng đã gói ghém và bắt đầu chạy trốn. Đó chính là những người đi từng đoàn dài hàng cây số mà người dân châu u và Mỹ vẫn xem qua ti vi.
Ta hãy nhìn những người đang đi. Đó thường là phụ nữ và trẻ em. Bởi vì chiến tranh của các warlord nhắm vào những người yếu ớt nhất. Những người không thể tự vệ. Họ không có khả năng, không biết tự vệ bằng gì. Ta cũng hãy để ý xem những phụ nữ này mang theo gì. Họ đội trên đầu cái bọc hay cái chậu, trong đó là những thứ đồ thiết yếu nhất: túi gạo hay kê, cái thìa, con dao, mẩu xà phòng. Họ không có gì hơn. Cái bọc ấy, cái chậu ấy là cả kho báu, gia tài, của cải của họ - cùng với chúng, họ bước vào thế kỷ XXI.
Số lượng warlord tăng lên. Đó là một thế lực mới, những kẻ thống trị mới. Chúng lấy cho mình những mảnh tốt nhất, những vùng giàu nhất của đất nước, chúng khiến cho quốc gia, ngay cả khi có thể duy trì vận mạng, trở nên yếu ớt, nghèo khổ và bất lực. Bởi thế, các quốc gia cố gắng tự vệ, thành lập các liên minh để chiến đấu vì sự tồn tại, để sống sót. Chính vì vậy ở châu Phi ít có chiến tranh liên quốc gia, bởi các quốc gia đoàn kết trong cùng một tai ương, ngồi cùng một chiếc xuồng bất an về vận mệnh của mình. Trái lại, có rất nhiều cuộc nội chiến, nghĩa là những cuộc chiến khi các warlord chia nhau đất nước và cướp bóc nhân dân, tài nguyên, đất đai.
Tuy vậy, cũng có khi các warlord cho rằng mọi thứ có thể cướp được đã bị cướp hết, rằng các nguồn lợi trước đây đã cạn kiệt. Khi đó chúng bắt đầu cái gọi là diễn biến hòa bình. Chúng triệu tập hội nghị các bên tham chiến (gọi là warring factions conference), chúng ký hiệp ước và định ngày bầu cử. Đáp lại, Ngân hàng Thế giới cấp cho chúng đủ loại khoản vay và tín dụng. Giờ đây các warlord thậm chí sẽ còn giàu hơn trước, vì có thể nhận được từ Ngân hàng Thế giới nhiều hơn bội phần so với từ các đồng hương đói ăn của mình.
John và Zado đến khách sạn. Họ sẽ đưa tôi đi xem thành phố. Nhưng trước tiên, chúng tôi đi kiếm gì đó để uống, vì từ sáng cái nóng đã làm người ta mệt mỏi và kiệt sức. Ngay cả vào giờ ấy, trong quán bar cũng đã đầy người, người ta sợ đi lại ngoài phố, ở đây họ cảm thấy an toàn hơn. Người Phi, người u, người Ấn. Tôi đã làm quen với một người trong số họ, James P., viên chức thực dân về hưu. Ông làm gì ở đây? Ông không đáp, mỉm cười, tay phác một cử chỉ mơ hồ. Các cô gái bán hoa nhàn rỗi ngồi bên những chiếc bàn nhớp nháp, ọp ẹp. Da đen, ngái ngủ, rất xinh. Chủ quán, người Liban, nghiêng mình qua quầy và ghé tai tôi nói: “Toàn là trộm cướp cả đấy. Chúng muốn kiếm tiền rồi đi sang Mỹ. Đấy toàn là các tay buôn kim cương. Chúng mua kim cương với giá rẻ mạt từ các warlord rồi chở sang Cận Đông bằng máy bay Nga. “Máy bay Nga?” - tôi ngạc nhiên hỏi. “Đúng” - anh đáp. “Ra sân bay đi. Có các máy bay Nga chở kim cương sang Cận Đông đang ở đó. Sang Liban, Yemen, nhiều nhất là sang Dubai”.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, quán bar đột nhiên trở nên vắng tanh, trở nên rộng rãi và thoáng đãng. “Có chuyện gì vậy?” - tôi hỏi anh chàng Liban. “Họ thấy anh có máy ảnh. Họ thà đi ra chứ không muốn bị lọt vào ống kính”.
Chúng tôi cũng đi ra ngoài. Bầu không khí nóng ẩm lập tức bao phủ chúng tôi. Không biết phải đi đâu. Trong nhà nóng, bên ngoài cũng nóng. Không thể đi bộ, không thể ngồi, nằm hay lái xe. Cái nhiệt độ này giết chết mọi sinh lực, cảm giác, mọi sự hiếu kỳ. Người ta nghĩ gì? Nghĩ làm sao sống qua một ngày. Rồi, đã qua buổi sáng. Ồ, đã hết trưa. Cuối cùng cũng sắp hoàng hôn. Nhưng hoàng hôn cũng không dễ chịu hơn. Hoàng hôn cũng ngột ngạt, nhớp nháp và nhầy nhụa như thế. Buổi tối thì sao? Buổi tối bốc hơi bằng màn sương nóng ngạt thở. Còn đêm? Đêm phủ lên ta tấm khăn nóng ẩm.
Rất may là có thể giải quyết nhiều chuyện ngay sát khách sạn. Đầu tiên là đổi tiền. Chỉ có một loại tiền, một tờ tiền lưu hành: đồng năm đô la Liberia. Tương đương khoảng năm xu Mỹ. Các cọc tiền năm đô la này nằm trên những chiếc bàn nhỏ bên đường - để đổi. Muốn mua gì đó thì phải mang cả túi đầy tiền. Nhưng giao dịch của chúng tôi cũng đơn giản: đổi tiền ở một bàn, mua xăng ngay ở bàn kế bên. Người ta bán xăng trong các chai một lít, các trạm xăng đóng cửa, chỉ có chợ đen. Tôi nhìn xem mọi người mua bao nhiêu: một lít, hai lít - họ không có tiền. John giàu, nên anh mua mười lít.
Chúng tôi lái xe đi. Tôi xem những gì John và Zado muốn cho tôi thấy. Vậy là trước hết, tôi phải xem những thứ hùng vĩ. Những thứ hùng vĩ là những thứ của Mỹ. Ra khỏi Monrovia chừng vài cây số, một rừng kim loại vĩ đại bắt đầu. Toàn cột là cột. Cột cao, lớn, và từ chúng lại mọc lên các nhánh, cần, lưới ăng ten, sào, dây điện vươn cao hơn nữa. Các kiến trúc này kéo dài hàng cây số, bỗng nhiên ta có cảm giác mình đang ở đâu đó trong thế giới science fiction[63] khép kín, khó hiểu, không thuộc về hành tinh này. Đó là đài tiếp âm Voice of America cho châu u, châu Phi và Cận Đông, được xây dựng vào thời kỳ tiền-vệ-tinh, trong Thế chiến thứ hai, giờ đây không hoạt động, bị bỏ hoang, gỉ sét.
Sau đó chúng tôi đi đến đầu kia của thành phố, nơi mở ra trước mặt chúng tôi một bình nguyên mênh mông, một cánh đồng bằng phẳng vô tận bị đường băng bê tông cắt ngang. Đó là sân bay Robertsheld, lớn nhất châu Phi, một trong những sân bay lớn nhất thế giới. Giờ đây vắng tanh, tiêu điều, đóng cửa (chỉ có sân bay nhỏ trong thành phố nơi tôi hạ cánh là hoạt động). Tòa nhà sân bay bị ném bom, đường băng thủng lỗ chỗ vì bom và đạn pháo.
Cuối cùng là mục tiêu lớn nhất, một nhà nước trong nhà nước, đồn điền cao su của Firestone. Nhưng đi đến đó rất khó khăn, chúng tôi liên tục gặp các trạm gác quân đội. Trước mỗi trạm đều có thanh chắn và phải dừng lại. Dừng lại và chờ. Sau một hồi, một người lính bước ra từ chòi canh. Từ chòi canh hoặc từ sau những bao cát, tùy. Anh ta chất vấn: “Ai đây? Cái gì đây?” Sự chậm chạp trong cử chỉ của anh ta, những từ (đúng hơn là những âm tiết) rời rạc, cái nhìn ảm đạm và bí hiểm của anh ta, vẻ suy nghĩ và trang nghiêm trên khuôn mặt, để nhằm tăng thêm tầm quan trọng và uy quyền cho bản thân và nhiệm vụ của anh ta. “Chúng tôi có thể đi tiếp được không?” Trước khi trả lời, anh ta lau mồ hôi trên mặt, chỉnh lại súng ống, xem xét chiếc xe từ mọi phía, vân vân và vân vân. Rốt cuộc, John quyết định quay trở lại, chúng tôi sẽ không đến nơi được trước khi trời tối, mà từ chập tối tất cả các con đường đều bị cấm, chúng tôi sẽ không biết phải xoay xở ra sao.
Chúng tôi lại về thành phố. Họ chở tôi đến một quảng trường nơi có các mảnh vỡ bị nổ tung của tượng đài tổng thống Tubman, giờ đây đã bị cây cỏ mọc lút. Doe ra lệnh cho phá nổ tượng đài để biểu lộ rằng sự thống trị của các cựu nô lệ đến từ Mỹ đã kết thúc, nhân dân Liberia bị áp bức đã giành được chính quyền. Nơi đây, nếu có gì đó bị hủy hoại, đập vỡ, tàn phá, thì nó sẽ bị bỏ mặc như vậy. Trên đường, ta gặp những mảnh sắt gỉ cắm vào thân cây: đó là chiếc ô tô đâm vào cây nhiều năm trước và các mảnh vụn của nó còn ở đó đến tận hôm nay. Nếu trên đường có cái cây đổ, người ta sẽ không động đến nó, họ sẽ đi vòng xuống ruộng, tạo ra con đường mới. Một ngôi nhà dang dở thì nó sẽ vẫn là dang dở, đổ nát thì sẽ vẫn là đổ nát. Cái tượng đài này cũng thế. Người ta không nghĩ đến chuyện dựng lại nó, nhưng cũng không dọn các mảnh vỡ. Bản thân hành động phá hủy đã kết thúc vấn đề: nếu có dấu vết vật chất nào sót lại, nó cũng không còn ý nghĩa, sức nặng, vì thế không đáng được chú ý nữa.
Xa hơn một chút, gần cảng và biển, chúng tôi dừng lại ở một nơi trống trải, trước núi rác hôi thối một cách khủng khiếp. Tôi thấy chuột chạy khắp nơi. Kền kền lượn quanh phía trên. John nhảy ra khỏi xe và biến mất vào giữa đám lều xiêu vẹo bên cạnh. Lát sau anh xuất hiện cùng một ông già.
Chúng tôi đi theo ông. Tôi rùng mình vì đám chuột đi qua đi lại dưới chân chúng tôi, ngang nhiên. Tôi lấy tay bịt mũi, ngạt thở. Cuối cùng, ông già dừng lại và chỉ một đống rác đang thối rữa. Ông nói gì đó. “Ông ta bảo rằng người ta quẳng xác Doe ở đây,” Zado dịch cho tôi nghe. “Đâu đó ở đây, đâu đó ở chỗ này.”
Để hít thở bầu không khí trong lành hơn, chúng tôi đi tiếp ra sông St. Paul. Dòng sông là biên giới của Monrovia và thế giới các warlord. Một cây cầu bắc qua sông. Bên phía Monrovia, những túp lều và lán của trại tị nạn kéo dài vô tận. Ở đây cũng có một cái chợ lớn - vương quốc rực rỡ của các bà buôn sốt sắng, nhiệt tình. Những người từ bên kia sông, từ lòng địa ngục của các warlord, từ thế giới nơi sự khiếp hãi, cái đói và thần chết ngự trị, có thể đi sang bên này mua bán, nhưng phải bỏ lại vũ khí trước khi vào chợ. Tôi nhìn thấy họ qua cầu, họ dừng lại ở phía bên này, hồ nghi và không chắc chắn, ngạc nhiên vì có một thế giới bình thường tồn tại. Tôi thấy họ đưa tay ra, như thể sự bình thường ấy là một thứ gì đó hữu hình, một thứ có thể chạm vào được.
Ở đó, tôi cũng nhìn thấy một người trần truồng đeo khẩu AK trên vai đi qua đi lại. Mọi người đi vòng qua anh, tránh anh. Có lẽ đó là một người điên. Một người điên với khẩu AK.
Dòng sông lững lờ
Stanislaw Gurgul, nhà truyền giáo trẻ người Dominican, đang chờ tôi ở Yaoundé. Anh sẽ đưa tôi đến rừng Cameroon. “Nhưng trước tiên” - anh nói - “ta đến Bertoua đã”. Đến Bertoua? Tôi không biết nó nằm ở đâu. Tôi chưa bao giờ đến đó. Thậm chí tôi không có khái niệm rằng Bertoua tồn tại! Trái đất của chúng ta, hành tinh chúng ta là hàng nghìn, hàng vạn địa điểm có tên riêng (hơn nữa, những cái tên lại được viết và đọc khác nhau trong các thứ tiếng khác nhau, khiến số lượng của chúng càng tăng lên), nhiều tới mức một người du hành không thể nhớ được dù chỉ 1%. Hoặc là - điều cũng thường xảy ra - trí nhớ của chúng ta đầy ngập tên các thành phố, vùng miền, quốc gia mà chúng ta không thể liên tưởng với bất cứ hình ảnh, phong cảnh hay bức tranh nào, với bất cứ sự kiện hay khuôn mặt nào. Thêm vào đó, tất cả lẫn lộn, rối rắm, mập mờ. Ta đặt ốc đảo Sodori nằm ở Liberia thay vì ở Sudan, thị trấn Tefé ở Lào thay vì ở Braxin, tiểu ngư cảng Galle ở Bồ Đào Nha thay vì nơi thực sự có nó - nghĩa là ở Sri Lanka. Sự thống nhất thế giới, điều thật khó vươn tới trong kinh nghiệm thực tế, lại đạt được trong trí óc chúng ta, trong những lớp ký ức rối rắm và lộn xộn của nó.
Từ Yaoundé đến Bertoua là ba trăm năm mươi cây số về phía Đông, theo hướng Cộng hòa Trung Phi và Chad, trên con đường chạy qua những ngọn đồi mềm mại xanh mướt, giữa các đồn điền cà phê, ca cao, chuối và dứa. Dọc đường, như thường thấy ở châu Phi, anh luôn luôn gặp các trạm gác của cảnh sát. Stanislaw dừng xe, thò đầu ra cửa sổ và nói: “Évêché Bertouar (giám mục Bertoua!) Câu nói tức thì có hiệu lực thần kỳ. Có một điều gì đó gắn liền với tôn giáo, với các lực lượng siêu nhiên, với thế giới nghi lễ và tâm linh, với một thứ không nhìn thấy hay sờ mó được, song nó tồn tại, mà tồn tại một cách sâu sắc hơn mọi thứ vật chất bề ngoài - đã tạo ra phản ứng tôn trọng, sùng kính và một chút sợ hãi. Ai cũng biết hậu quả của việc đùa giỡn với một điều cao siêu, bí ẩn, quyền năng và bất khả lường: hậu quả luôn luôn tệ hại. Nhưng thực chất, còn có điều gì đó hơn thế. Tư duy của người châu Phi, những người tôi đã gặp hàng bao nhiêu năm nay, là mộ đạo sâu sắc. “Croyez-vous en Dieu, monsieur? (Ông có tin vào Thượng đế không?) Tôi luôn luôn chờ đợi câu hỏi này, vì tôi biết nó sẽ được đặt ra, bởi người ta đã hỏi tôi không biết bao nhiêu lần. Tôi biết người hỏi câu ấy khi đó sẽ nhìn tôi chăm chú, theo dõi từng cử động trên gương mặt tôi. Tôi nhận thức được tầm quan trọng của thời điểm ấy, nhận thức được ý nghĩa mà nó mang trong mình. Tôi cảm nhận được rằng cách tôi trả lời sẽ định đoạt mối quan hệ của chúng tôi, chắc chắn ít ra cũng là mối quan hệ giữa tôi với người hỏi. Và khi đáp “Oui, j’y crois” (Vâng, tôi tin), tôi thấy gương mặt anh ta trở nên nhẹ nhõm, sự căng thẳng lo âu đi kèm với cảnh tượng ấy tiêu tan, điều này khiến anh ta trở nên gần gũi với tôi biết nhường nào, nó cho phép bẻ gãy các rào cản về màu da, địa vị và tuổi tác. Người châu Phi quý trọng và thích liên hệ với người khác qua bình diện tâm linh cao hơn này, điều thường không thể nói ra và định nghĩa được, nhưng vẫn tồn tại, và mỗi người cảm nhận giá trị của nó một cách bản năng, hồn nhiên.
Thông thường đó không nhất thiết phải là một vị thần cụ thể, loại ta có thể gọi tên hay miêu tả bộ dạng và tính cách. Đúng hơn, đó là niềm tin bất biến vào sự tồn tại của Đấng Tối cao, người đã tạo ra, cai trị cũng như truyền cho con người thứ tinh túy tinh thần nâng anh ta lên cao hơn thế giới vô tri của loài thú và vô giác của đồ vật. Niềm tin khiêm nhường và nồng nhiệt này vào Đấng Tối cao khiến cho các sứ giả và đại diện của ngài trên mặt đất cũng được chấp nhận đầy tôn kính và đặc biệt quý trọng. Đặc ân này kéo dài ra cho cả khối giáo sĩ châu Phi đông đảo của đủ mọi tôn giáo, tín ngưỡng, giáo hội và đoàn nhóm, mà các nhà truyền đạo Công giáo chỉ là 1% rất nhỏ. Bởi vì ở châu Phi, các mullah[64] và thầy tu Hồi giáo, các mục sư của hàng trăm nhánh và giáo phái Công giáo, cũng như các linh mục của các đạo thờ và thần thánh châu Phi, là nhiều vô số kể. Dù có chút cạnh tranh, nhưng sự khoan dung trong môi trường này cao đến đáng ngạc nhiên, và sự công nhận của quần chúng dành cho họ là phổ biến.
Chính vì thế, khi cha Stanislaw dừng xe và nói với cảnh sát: “Évêché Bertoua!”, họ không kiểm tra giấy tờ, không lục soát xe, không đòi đút lót, mà chỉ mỉm cười và đưa tay làm một cử chỉ cho phép: chúng tôi có thể đi tiếp.
Sau một đêm nghỉ lại trong tòa nhà của tòa đại pháp Bertoua, chúng tôi cùng đi đến làng quê mang tên Ngura cách đó một trăm hai mươi lăm cây số. Tuy vậy, ở đây, việc đo khoảng cách bằng cây số rất dễ gây nhầm lẫn và không có ý nghĩa gì nhiều. Nếu gặp đường nhựa tốt, có thể đi đoạn đường này trong vòng một giờ, nhưng nếu ở giữa chốn hoang vu không đường sá, anh sẽ cần cả ngày trời, còn vào mùa mưa thì thậm chí là hai hoặc ba ngày. Vì thế, ở châu Phi người ta thường không hỏi “Bao nhiêu cây số?” mà hỏi: “Đi mất bao lâu?” Cùng lúc, theo phản xạ tự nhiên, anh sẽ nhìn lên trời: nếu trời nắng, có thể anh chỉ cần ba, bốn giờ đồng hồ, nhưng nếu mây đen đang kéo đến và cơn mưa sẽ ập xuống thì thực tình anh không biết bao giờ mới tới nơi.
Ngura là xứ đạo của nhà truyền giáo Stanislaw Stanislawek, người đang lái xe đi trước để dẫn chúng tôi đến nơi. Thực ra, chỉ có nhờ ông thì chúng tôi mới đến được đó. Ở châu Phi, nếu anh đi ra khỏi vài con đường mòn chính, anh sẽ lạc. Không có bảng chỉ đường, dấu hiệu, biển báo. Không có bản đồ chính xác. Thêm vào đó, chính những con đường ấy lại chạy khác nhau phụ thuộc vào mùa, thời tiết, mực nước, mức lan xa của các đám cháy không ngừng xảy ra ở đây.
Hy vọng duy nhất là có ai đó ở đây, người bản xứ, rành đường đi lối lại, biết cách giải mã phong cảnh mà với chúng ta là một tập hợp biểu tượng và dấu hiệu chẳng nói lên điều gì, khó hiểu và bí ẩn hệt như chữ Trung Quốc. “Cái cây này nói với anh điều gì?” “Chẳng nói điều gì cả!” “Chẳng nói điều gì ư? Nhưng nó nói rằng bây giờ anh phải rẽ trái, nếu không anh sẽ lạc cơ mà? Thế hòn đá này thì sao?” “Hòn đá này? Cũng không nói gì hết!” “Không gì hết? Anh không thấy hòn đá này là dấu hiệu để chúng ta rẽ phải ngay hay sao? Rẽ ngoặt về bên phải, vì xa hơn không có đường, không có người, là cái chết”.
Bằng cách ấy, người bản xứ này, chuyên gia chân đất mộc mạc về chữ viết của phong cảnh, người đọc thông các chữ tượng hình khó hiểu của nó, trở thành người dẫn đường và vị cứu tinh của anh. Mỗi người họ mang trong bộ nhớ tấm bản đồ địa lý của mình, bức tranh riêng về thế giới bao quanh anh ta, thứ kiến thức và nghệ thuật quý giá nhất, bởi trong cơn giông bão khủng khiếp nhất, trong bóng tối dày đặc nhất, nó cho phép anh ta tìm thấy đường về nhà và nhờ đó mà thoát nạn, sống sót.
Cha Stanislawek ở đây đã nhiều năm, nên ông đưa chúng tôi đi qua cái mê cung rối rắm của vùng này không khó khăn gì, cho đến khi về đến tận mục sư phòng của ông. Đó là một khu trại tồi tàn, tạm bợ, là ngôi trường làng đã đóng cửa vì thiếu giáo viên. Một lớp học là nơi ở của cha: cái giường, cái bàn, cái bếp, cây đèn dầu. Ở lớp học tiếp theo là nhà nguyện. Bên cạnh khu trại là đống đổ nát của một nhà thờ nhỏ bị sập. Bây giờ, nhiệm vụ của nhà truyền giáo, công việc chính của ông là xây nhà thờ mới. Một sự gắng sức khủng khiếp, nỗ lực nhiều năm trời. Không có tiền, không nhân công, vật liệu, phương tiện vận chuyển. Toàn bộ hy vọng đặt vào chiếc xe cũ kỹ của cha. Miễn sao nó đừng hỏng, đừng tan tành, đừng chết gí. Bởi khi đó tất cả mọi việc sẽ bị ngừng lại: việc xây nhà thờ, việc giảng sách Phúc âm, việc cứu vớt các linh hồn.
Sau đó chúng tôi đi qua các ngọn đồi (bên dưới chúng tôi trải dài một bình nguyên phủ tấm chăn xanh của rừng rậm, bao la, vô tận, như biển, như Đại Tây Dương) đến nơi có thợ đào vàng, những người tìm kho báu dưới lòng sông Ngabadi quanh co và lững lờ. Đã là buổi chiều, và bởi vì ở đây không có hoàng hôn, bóng tối có thể ập xuống chỉ trong giây phút, nên trước tiên chúng tôi đi đến nơi những người thợ đào vàng làm việc.
Dòng sông chảy theo lòng một khe núi sâu. Lòng sông nông, toàn cát và sỏi. Mỗi xăng ti mét của nó đều bị xới lên, đâu đâu cũng thấy các hố, hốc, lỗ, hang sâu. Trên chiến trường này, từng đám người da đen đông như kiến, mình trần, đầm đìa mồ hôi và nước, đang phát sốt, u mê. Bởi nơi này có không khí riêng, không khí của sự kích động, khát khao, của lòng tham, trò may rủi, của canh bạc đen tối. Tựa như đâu đó có cánh tay đồng bóng đang quay bàn ru lét vô hình. Nhưng trước hết là có thể nghe thấy từ trong khe núi những tiếng cuốc bổ bình bịch xuống sỏi, tiếng cát lắc trong rây lạo xạo và những âm thanh đơn điệu không ra tiếng gọi, không ra lời hát của những người đang làm việc dưới lòng khe. Không thấy những người tìm vàng ấy đào được thứ gì, tìm thấy thứ gì, nhặt ra được gì. Họ lắc máng, đổ nước vào đó, gạn ra, xem xét cát trong lòng bàn tay, dưới ánh sáng, rồi ném tất cả xuống sông.
Tuy nhiên, đôi khi họ cũng tìm thấy gì đó. Chỉ cần nhìn lên đỉnh khe núi, lên các sườn núi mà cái khe này cắt ra, anh sẽ thấy ở đó, trong bóng mát của xoài, dưới tán ô lơ thơ của keo và những cây cọ tả tơi, có những túp lều của người Ả rập. Đó là các tay buôn vàng đến từ sa mạc Sahara, vùng lân cận Niger, từ N’Djamena và từ Nubia. Họ mặc djellabah trắng, đội khăn xếp trắng tinh tuyệt đẹp, ngồi nhàn hạ trước cửa lều, uống trà và hút những cái điếu shisha lộng lẫy. Thỉnh thoảng, có người trong đám đào vàng gân guốc, kiệt lực từ đáy khe leo lên chỗ họ. Ngồi xổm trước mặt tay Ả rập, anh ta lấy gói giấy và mở ra. Trong lòng gói giấy nhàu nát có vài mảy vàng. Tay Ả rập nhìn nó hờ hững, cân đong, tính toán. Y ra giá. Người đàn ông Cameroon da đen, cáu bẩn, chủ nhân mảnh đất và dòng sông này - bởi vì xét cho cùng, đây là đất nước và vàng của anh ta - không có gì để đôi co, để đòi tăng giá. Một tay Ả rập khác cũng sẽ trả anh ta giá rẻ mạt y như vậy. Tay tiếp theo cũng thế. Chỉ có một giá. Đây là độc quyền.
Bóng tối ập xuống, khe núi trở nên vắng vẻ và tĩnh lặng, không còn trông thấy gì bên trong, giờ đây nó là một vực thẳm đen ngòm. Chúng tôi đi đến khu dân cư mang tên Colomine. Đó là một thị trấn được dựng lên quáng quàng, tạm bợ và ọp ẹp đến mức nếu sông hết vàng, người dân sẽ bỏ nó đi không thương tiếc. Lều dựa vào lều, chòi dựa vào chòi, những phố ổ chuột cứ thế kéo dài đến một phố chính có các quán bar và cửa hàng, nơi diễn ra cuộc sống về tối và đêm. Không có điện. Những ngọn đèn dầu, đuốc, sáp và nến được thắp khắp nơi. Thứ ánh sáng bứt ra từ đêm tối của chúng rung rinh và chao đảo. Chỗ này những bóng hình trôi qua, chỗ kia hiện ra gương mặt ai đó, một con mắt lấp lánh, một bàn tay nổi lên. Tấm tôn này: đó là mái nhà, đây, có gì vừa lóe lên: đó là con dao, còn tấm ván này thì không biết từ đâu ra và để làm gì. Không có gì liên kết với nhau, không có gì sắp xếp, tạo thành một tổng thể. Ta chỉ biết rằng bóng tối xung quanh mình đang chuyển động, có hình dáng và phát ra tiếng. Rằng nhờ ánh sáng, ta có thể đem thế giới trong bóng tối lên bề mặt và nhìn ngắm, nhưng chỉ cần ánh sáng tắt, tất cả sẽ trốn đi và biến mất. Tôi nhìn thấy ở Colomine hàng trăm gương mặt, nghe hàng chục câu chuyện, đi ngang qua nhiều người đang dạo bước, đang hối hả, đang ngồi. Nhưng vì những hình ảnh rung rinh trong ánh sáng lay động như thế, vì sự cắt rời và nhịp điệu của nó, tôi không thể liên kết bất kỳ khuôn mặt nào với một dáng hình, hay bất kỳ giọng nói nào với một người cụ thể mà tôi đã gặp ở đó.
Buổi sáng, chúng tôi lái xe về miền Nam, đến rừng Đại Ngàn. Nhưng trước tiên là qua sông Kadei chảy qua rừng rậm (nó là một nhánh của sông Sangha - dòng sông chảy vào sông Congo ở mạn Yumbi và Bolobo). Theo nguyên tắc ở đây - một vật bị hỏng không bao giờ được sửa - cái phà của chúng tôi trông giống như một thứ phế thải. Nhưng có ba chú bé quanh quẩn ở đó biết cách ép con quái vật này chuyển động. Phà là một hộp sắt lớn, dẹt, hình chữ nhật. Một sợi dây thép bên trên chạy ngang qua sông. Vặn cái tay quay cót két, dùng kỹ thuật khi kéo căng lúc thả chùng sợi dây, các cậu bé đẩy cái phà (cùng với chúng tôi và chiếc xe) - từ từ, rất từ từ - từ bờ này sang bờ kia. Tất nhiên, thao tác này chỉ có thể thực hiện được khi nước chảy chậm chạp và lờ đò. Chỉ cần nó sống dậy, chảy xiết, chúng tôi có thể sẽ bị cuốn qua Kadei, Sangha và Congo ra tận Đại Tây Dương.
Tiếp theo là đi xe xuyên qua Đại Ngàn, đi xe chìm vào, trượt xuống những mê cung, đường hầm và thế giới ngầm của một thực tại khác, xanh mướt, âm u và dày đặc. Không thể so sánh Đại Ngàn nhiệt đới với bất cứ khu rừng châu u hay rừng xích đạo nào. Rừng châu u tươi đẹp và phong nhiêu, song kích thước của chúng chỉ trung bình, cây cối cao vừa phải, anh có thể hình dung mình leo lên ngọn cao nhất của cây tần bì hay cây sồi. Rừng xích đạo lại là một vũng xoáy, một búi khổng lồ rối rắm những cành, rễ, bụi và dây leo, là thế giới thực vật bừng bừng và chen chúc không ngừng sinh sôi, một vũ trụ màu xanh.
Đại Ngàn thì khác. Nó vĩ đại, cây cối cao tới ba mươi, năm mươi mét và hơn nữa, chúng khổng lồ, thẳng tắp, đứng cách thưa nhau, giữ một khoảng cách rõ ràng, chúng mọc lên từ mặt đất gần như trơ trụi. Và giờ đây, đi vào Đại Ngàn, giữa những cây củ tùng, gỗ gụ, tếch, đào hoa tâm cao ngất tầng mây, tôi có cảm giác như bước vào ngưỡng cửa của một thánh đường vĩ đại, như chen chân vào trong kim tự tháp Ai Cập hay đứng giữa những tòa nhà chọc trời của Đại lộ 5.
Đi xe ở đây thường rất mệt. Có những đoạn đường lỗ chỗ và gồ ghề đến mức gần như không thể đi được, xe lắc như con thuyền trong bão, mỗi mét là một cực hình. Những chiếc xe duy nhất dễ dàng đương đầu với địa hình này là các cỗ máy khổng lồ có động cơ như đầu máy xe lửa mà người Pháp, người Ý, người Hy Lạp và người Hà Lan dùng để chở gỗ từ đây về châu u. Bởi Đại Ngàn đang bị chặt cả ngày lẫn đêm, diện tích rừng giảm xuống, cây cối biến mất dần. Người ta liên tục gặp những khoảng rừng trống hoác mênh mông, nơi những gốc cây lớn vừa bị chặt đâm lên từ mặt đất. Tiếng cưa gỗ ken két vọng xa hàng cây số, rin rít và buốt nhói.
Đâu đó trong khu rừng này, nơi tất cả chúng tôi hồ như thật nhỏ bé, còn có những người nhỏ hơn chúng tôi sinh sống - các cư dân của rừng. Hiếm khi thấy được họ. Trên đường, chúng tôi đi ngang những túp lều tranh của họ. Nhưng xung quanh chẳng thấy ai. Chủ nhà đang ở đâu đó trong rừng sâu. Họ săn chim, hái quả rừng, đuổi thằn lằn, tìm mật ong. Trước mỗi nhà đều có lông cú, treo trên sào hoặc chăng trên dây, vuốt của thú ăn kiến, xác bọ cạp hay nanh rắn. Bí mật nằm ở cách sắp đặt những món linh tinh này. Chắc hẳn chúng cho biết phải tìm chủ nhà ở đâu.
Đêm xuống, chúng tôi nhìn thấy một nhà thờ miền quê giản dị và căn nhà tồi tàn bên cạnh - mục sư phòng. Chúng tôi đã đến đích. Đâu đó trong một căn phòng có ngọn đèn dầu đang thắp, làn ánh sáng mong manh chập chờn tỏa ra ngó qua cánh cửa mở ngỏ. Chúng tôi bước vào. Bên trong tối và yên tĩnh. Mãi lát sau mới có một người đàn ông cao gầy mặc áo tu sáng màu ra đón chúng tôi. Cha Jan, người miền Nam Ba Lan. Khuôn mặt ông gầy gò, đẫm mồ hôi, đôi mắt to sáng rực. Bị căn bệnh sốt rét hành hạ, rõ ràng là ông đang bị sốt, chắc hẳn những cơn run và co rút đang chạy qua cơ thể ông. Đau đớn, yếu ớt và phờ phạc, ông nói bằng giọng thều thào. Ông muốn tiếp đón chúng tôi, mời chúng tôi chút gì đó, nhưng cử chỉ bối rối và vẻ xăng xái vô định của ông cho thấy ông không có gì để mời và không biết phải làm sao. Một bà lão trong làng đến và bắt đầu hâm cơm cho chúng tôi ăn. Chúng tôi uống nước, sau đó có một cậu trai mang đến chai bia chuối. “Vì sao cha ở lại đây?” - tôi hỏi. “Sao cha không đi khỏi nơi này?” Ông khiến tôi có ấn tượng là người đã chết một phần. Đã không còn điều gì đó trong ông nữa. “Tôi không thể” - ông đáp. “Phải có người trông nom nhà thờ”. Rồi ông chỉ tay ra cái hình thù màu đen ngoài cửa sổ.
Tôi sang phòng bên đi nghỉ. Tôi không sao ngủ được. Bỗng nhiên, trong đầu tôi vang lên lời thánh ca cổ của các lễ sinh. Pater noster, qui es in caeli… Fiat voluntas tua… sed libera nos a malo…[65]
Buổi sáng, cậu trai tôi nhìn thấy tối hôm qua lấy búa gõ vào cái vành xe lớn bằng sắt treo trên dây. Vành xe thay cho chuông. Cha Stanislaw và cha Jan làm lễ mixa buổi sáng trong nhà thờ. Lễ mixa chỉ có tôi và cậu trai kia tham dự.
Ma đam Diuf đi về nhà
Thoạt tiên, không có gì báo trước điều sẽ xảy ra. Rạng sáng, ga tàu hỏa ở Dakar vắng vẻ. Chỉ có một đoàn tàu đỗ trên đường ray, chuyến tàu sẽ khởi hành đi Bamako trước chính ngọ. Thực ra, ở đây hiếm khi có tàu đến và đi. Trên khắp cả nước Senegal chỉ có một tuyến tàu quốc tế: đến Bamako, thủ đô Mali, và tuyến nội địa ngắn duy nhất: đến Saint Louis. Tàu đi Bamako mỗi tuần hai chuyến, đi Saint Louis - mỗi ngày một lần. Bởi thế ở ga thường không có ai. Thậm chí khó mà tìm được người bán vé hình như kiêm luôn chức trưởng ga.
Mãi tận khi mặt trời đã lên cao trên thành phố, những hành khách đầu tiên mới xuất hiện. Họ ngồi vào chỗ của mình trong khoang, không chút vội vàng. Các toa tàu ở đây nhỏ hơn ở châu u, đường ray hẹp hơn, các khoang chật chội hơn. Nhưng lúc đầu thì không thiếu chỗ. Trên sân ga, tôi gặp hai thanh niên Scotland từ Glasgow đến, đang du hành xuyên Tây Phi từ Casablanca đến Niamey. Vì sao lại từ Casablanca đến Niamey? Họ khó trả lời. Đơn giản là họ quyết định như vậy. Họ đi cùng nhau, và điều đó có vẻ là đủ với họ. Họ đã xem được gì ở Casablanca? Hầu như chẳng có gì. Còn ở Dakar? Cũng chẳng có gì. Họ không quan tâm đến chuyện ngắm cảnh. Họ chỉ muốn đi. Đi và đi. Lộ trình kỳ lạ và những trải nghiệm cùng nhau trên con đường ấy của hai người đối với họ mới là quan trọng. Họ rất giống nhau: da sáng nhợt, ở châu Phi trông nó gần như trong suốt, tóc màu hạt dẻ nhạt, nhiều tàn nhang. Tiếng Anh của họ đậm chất Scotland, nghĩa là tôi chẳng hiểu được mấy. Chúng tôi ngồi ba người cùng nhau trong khoang được một lúc, nhưng ngay trước khi tàu chạy, một phụ nữ to béo, hoạt bát mặc váy bou-bou (thứ váy của người bản xứ, dài đến mắt cá chân) rộng thùng thình sặc sỡ lên ngồi cùng chúng tôi. “Ma đam Diuf!” Bà tự giới thiệu và ngồi một cách thoải mái xuống băng ghế.
Chúng tôi khởi hành. Đầu tiên, tàu đi ven Dakar, thành phố thuộc địa cũ. Thành phố ven biển xinh đẹp, bàng bạc, tựa trong tranh, nằm trên mũi đất giữa những bãi biển và các hiên nhà, hao hao giống Napoli, hao hao giống khu biệt thự ở Marseille, hao hao giống vùng ngoại ô sang trọng của Barcelona. Những cây cọ, cây bách, những khu vườn, những giàn hoa giấy. Những đường phố bậc thang, những bờ rào, bãi cỏ, vòi phun nước. Các cửa tiệm kiểu Paris, khách sạn kiểu Ý, các quán ăn Hy Lạp. Tàu đang tăng tốc đi qua thành-phố-triển-lãm, thành-phố-ốc-đảo, thành-phố-trong-mơ này thì bất thần, trong tích tắc, trong khoang đột nhiên tối om, bên ngoài có tiếng đâm sầm sầm và những tiếng la hét thất thanh. Tôi nhao ra cửa sổ, Edgar (anh chàng Scotland trẻ) đang cố gắng vô vọng để đóng nó xuống, ngăn những đám bụi, mảnh vụn và rác bay vào.
Có chuyện gì vậy? Tôi thấy các khu vườn sum suê hoa lá biến mất, bị nuốt vào lòng đất, và sa mạc bắt đầu, nhưng là sa mạc đông người, đầy lều lán và nhà lá, một khu nghèo trải ra ngổn ngang trên cát, một đám nhà ọp ẹp hỗn độn, những khu nhà ổ chuột buồn thảm, đặc trưng thường bao quanh phần lớn các thành phố châu Phi. Bởi khu nhà ổ chuột ấy chật chội, những cái chòi chen chúc tới mức đè lên nhau, nên nơi duy nhất thoáng đãng để làm chợ là đê và đường tàu. Vì thế từ lúc bình minh, ở đây đã rất nhộn nhịp. Phụ nữ trải hàng ra đất, để trong chậu, trong khay, trên ghế đẩu. Chuối, cà chua, xà phòng và nến. Người này đứng cạnh người kia, san sát, chen vai thích cánh, như thường lệ ở châu Phi. Rồi đoàn tàu chạy tới. Nó lao tới nhanh, không kìm hãm, sầm sầm và kéo còi inh ỏi. Khi đó mọi người bắt đầu kêu la, hoảng hốt, bấn loạn, vớ lấy bất cứ thứ gì có thể và còn kịp, rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Họ không thể chạy sớm hơn bởi không biết chính xác bao giờ tàu đến, hơn nữa không thể nhìn thấy nó từ xa, vì nó đột nhiên lao ra từ khúc ngoặt. Vậy là chỉ còn một việc để làm: thoát thân vào phút chót, vào tích tắc khi đống sắt điên cuồng kia đang sập xuống đầu, lao như tên lửa giết người.
Qua cửa sổ, tôi nhìn thấy đám đông đang bổ chạy, những khuôn mặt hoảng sợ, những cánh tay giơ lên trong cử chỉ tự vệ một cách bản năng, tôi thấy người ta ngã, lăn ra đê, rụt đầu lại. Và tất cả trong mịt mù cát, những chiếc túi ni lông bay phấp phới, mịt mù giấy, giẻ và vải vụn.
Rất lâu sau chúng tôi mới đi qua chợ, bỏ lại sau lưng bãi chiến trường tơi bời và những đám bụi cuồn cuộn. Bỏ lại cả những người giờ đây chắc hẳn đang cố gắng lập lại trật tự ở đó. Chúng tôi đi vào thảo nguyên xa-van khoáng đạt, thanh bình và hoang vu, nơi có loài cây keo và những bụi mận gai mọc tràn. Ma đam Diuf nói rằng khi đoàn tàu đâm sầm như thể làm nổ tung cả khu chợ là thời điểm lý tưởng cho trộm cắp, những kẻ chỉ chực rình lúc ấy. Lợi dụng sự lộn xộn, giấu mình sau màn bụi mà bánh tàu cuốn lên, chúng xông vào đống hàng hóa bị đổ tung ra đất và lấy cắp càng nhiều càng tốt.
- Ils sont malins, les voleurs![66] Bà kêu lên, gần như thán phục.
Tôi nói với hai thanh niên Scotland lần đầu tiên đến châu lục này rằng trong hai, ba thập niên trở lại đây các thành phố châu Phi đã thay đổi. Những gì họ vừa nhìn thấy - Dakar xinh đẹp của Địa Trung Hải và Dakar khủng khiếp của sa mạc - minh họa rất rõ cho những gì xảy ra với các thành phố ở đây. Trước kia, chúng là các trung tâm hành chính, thương mại và công nghiệp, các cơ cấu thiết thực, có chức năng sản xuất, sáng tạo. Các thành phố này thường không lớn, chỉ những người có việc làm mới sống ở đó. Ngày nay, những gì sót lại của chúng chỉ còn là một mảnh nhỏ, mẩu vụn, một phần của các thành phố mới đã bành trướng một cách khủng khiếp ngay cả ở các quốc gia nhỏ, thưa dân và trở thành các đô thị lớn. Quả là trên khắp thế giới, các thành phố phình ra với tốc độ rất nhanh, bởi người dân hy vọng vào cuộc sống dễ chịu và nhẹ nhàng hơn ở đó, nhưng trong trường hợp châu Phi, các nhân tố phụ càng đẩy mạnh thêm quá trình siêu đô thị hóa này. Nhân tố thứ nhất là nạn hạn hán đổ xuống châu Phi vào những năm bảy mươi, sau đó là những năm tám mươi. Đồng ruộng khô cạn, các đàn gia súc bị chết. Hàng triệu người chết đói. Hàng triệu người khác bắt đầu tìm cứu trợ ở thành phố. Thành phố cho người ta cơ hội tồn tại lớn hơn, vì cứu trợ nước ngoài được phân phát ở đó. Vận tải ở châu Phi quá khó khăn và đắt đỏ nên cứu trợ không thể đến được nông thôn, bởi vậy người nông thôn phải ra thành phố. Nhưng các bộ tộc một khi đã từ bỏ đồng ruộng và mất đàn gia súc của mình sẽ không có khả năng giành lại chúng. Những người ấy từ đây sẽ vĩnh viễn buộc phải phụ thuộc vào cứu trợ nước ngoài, họ sẽ sống chừng nào nó không bị gián đoạn.
Thành phố cũng cám dỗ bằng ảo tưởng bình yên và hy vọng được an toàn. Nhất là ở các nước bị nội chiến và sự khủng bố của các warlord giày vò. Những người yếu ớt, không có khả năng tự vệ chạy đến thành phố, mong nó cho mình cơ hội sống sót nhiều hơn. Tôi nhớ các thị trấn nhỏ ở miền Đông Kenya - Mandera, Garissa - trong cuộc chiến Somalia. Tối đến, người Somalia cùng đàn gia súc của mình từ các đồng cỏ tới tụ tập quanh những thị trấn nghèo ấy. Ban đêm, chúng được một vòng sáng rực rỡ bao quanh: những người mới đến thắp đèn, đuốc, nén mỡ. Ở gần thành phố, họ cảm thấy bình tĩnh và vững lòng hơn. Vòng sáng lụi đi khi bình minh tới. Những người Somalia tản ra, cùng đàn gia súc của mình đi thật xa, tới những đồng cỏ xa vời.
Như vậy, hạn hán và chiến tranh đã làm sụt giảm dân số ở nông thôn và xua người nông thôn ra thành thị. Quá trình này kéo dài nhiều năm. Nó bao gồm hàng triệu, hàng chục triệu người. Ở Angola và Sudan, ở Somalia và Chad. Gần như ở khắp nơi. Đến thành phố! Đó là hy vọng sống sót, nhưng cũng là phản xạ của sự tuyệt vọng. Xét cho cùng, không có ai chờ đợi họ ở đó, không ai mời họ tới. Họ đến đó, bị nỗi sợ hãi xua đuổi, bằng chút sức tàn, cốt sao trốn được vào đâu đó, cốt sao thoát nạn.
Tôi nghĩ về khu trại chúng tôi đi qua khi ra khỏi Dakar, về số phận những người sống ở đó. Về cái tạm thời trong sự tồn tại của họ, câu hỏi về mục đích, ý nghĩa của nó, mà thực ra cũng chẳng ai đặt ra, ngay cả cho chính mình. Nếu chuyến xe tải không chở lương thực đến, họ sẽ chết đói. Nếu xe chở nước không mang nước tới, họ sẽ chết khát. Họ không có lý do gì để vào thành phố, về quê thì không biết trở về đâu. Họ không trồng trọt, không chăn nuôi, không sản xuất. Họ không đi học. Họ không có địa chỉ, tiền bạc, giấy tờ. Tất cả họ đều đã mất nhà, nhiều người mất gia đình. Họ không có ai để đến, để than thở, không có ai để mong đợi chuyện gì.
Đối với thế giới, câu hỏi càng ngày càng quan trọng hơn không phải là làm sao để nuôi sống tất cả mọi người - bởi lương thực có nhiều, đôi khi chỉ là vấn đề tổ chức và vận chuyển - mà là phải làm gì với họ? Phải làm gì với sự hiện hữu của nhiều, rất nhiều triệu người? Với năng lượng không được sử dụng đến của họ? Với sức mạnh họ mang trong mình mà có vẻ như chẳng ai cần đến? Đâu là vị trí của họ trong gia đình loài người? Vị trí của những thành viên có đầy đủ quyền hạn? Của những người anh em chịu thiệt thòi? Của các vị khách không mời khó chịu?
Tàu giảm tốc độ, chúng tôi đang đến một nhà ga. Tôi thấy một đám đông chạy về phía toa tàu, liều mình như chẳng có, như thể một đám người tự tử sắp lao vào bánh tàu. Đó là các phụ nữ và trẻ em bán chuối, cam, ngô nướng, chà là. Họ chen chúc đến các cửa sổ tàu, nhưng vì họ đặt các sản phẩm của mình lên khay đội trên đầu, người ta không nhìn thấy cả người bán lẫn khuôn mặt họ, chỉ thấy đống chuối chen với đống chà là và tháp dưa hấu, đẩy bật đám cam tung tóe sang bên cạnh.
Ma đam Diuf ngay lập tức choán cả khoảng không của ô cửa sổ bằng thân hình to béo của mình. Bà lựa tìm trong các đồng hoa quả rau cỏ đang chuyển động trên sân ga ấy. Bà mặc cả và đôi co. Thỉnh thoảng bà quay lưng lại cửa sổ và cho chúng tôi xem khi thì nải chuối xanh, lúc là quả đu đủ chín. Bà ước lượng chiến lợi phẩm trên bàn tay to béo phốp pháp và đắc thắng nói: “À Bamako? Cinq fois plus cher! À Dakar? Dix foisplus cher! Voilà!”[67] Rồi bà để hoa quả vừa mua ra sàn, lên giá. Tuy vậy, không có nhiều người mua. Cái chợ hoa quả dập dềnh trước mắt chúng tôi gần như không được đụng đến. Tôi tự hỏi những người đang nài nỉ chúng tôi kia sống bằng gì? Chuyến tàu tiếp theo vài ngày nữa mới đi qua đây. Không thấy khu dân cư nào ở gần đó. Vậy họ bán cho ai? Ai sẽ mua cho họ?
Đoàn tàu rùng lên rồi đi tiếp, ma đam Diuf mãn nguyện ngồi xuống. Nhưng bà ngồi sao đó mà bây giờ trông bà to lớn hơn. Bà không chỉ ngồi xuống mà đổ kềnh ra một cách hống hách, như thể bà quyết định giải phóng cho sức nặng cơ thể mình khỏi chiếc áo chẽn vô hình làm bà khó chịu, để cho nó thở, thả cho nó tự do. Khoang tàu bị ma đam vĩ đại đang thở hổn hển, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, lấp đầy. Vai, hông, tay và chân bà khống chế chúng tôi, ép Edgar và Clare (người yêu cậu) vào một góc, ép tôi vào góc kia, cho đến khi tôi gần như chẳng còn chút chỗ nào.
Tôi muốn ra khỏi khoang để duỗi chân, nhưng hóa ra đó là điều không thể. Khi ấy là giờ cầu nguyện và các hành lang đầy kín những người đàn ông đang quỳ trên tấm thảm của mình, đều đặn rạp xuống. Hành lang là nơi duy nhất họ có thể cầu nguyện. Nhưng việc đi tàu cũng đặt ra cho họ khó khăn về nghi thức: Hồi giáo bắt các tín đồ phải hướng mặt về Mecca cầu nguyện, trong khi đó đoàn tàu của chúng tôi không ngừng ngoặt, rẽ, đối hướng, ở vào vị trí nguy hiểm vì nó có thể khiến các tín đồ ngoan đạo quay lưng vào thánh địa.
Mặc dù tàu rẽ luôn và cứ đi quanh co, quang cảnh luôn không đổi. Sahel là bình nguyên đất cát màu nâu nhạt, đôi khi màu hạt dẻ, khô hạn, nắng như nung. Đây đó, những đám cỏ khô, sắc, vàng như rơm mọc lên trên cát và đá. Những bụi hoàng liên gai hồng và những cây liễu bách mảnh khảnh, xanh xao. Những cây keo thân vặn vẹo đầy gai tỏa xuống đất, xuống cỏ và các bụi cây những cái bóng mờ nhạt, hiếm hoi. Tĩnh lặng, vắng vẻ. Bầu không khí trắng bạch, run rẩy của một ngày nóng nực.
Ở ga lớn Tambacounda, đầu máy bị hỏng. Mấy cái van nào đó bị nổ, dầu chảy thành dòng ra sân ga. Những chú bé dân địa phương vội vàng hứng dầu đầy các chai và ống. Không gì ở đây có thể bị phí phạm. Nếu thóc vãi, họ sẽ cẩn thận nhặt lại, nếu cái nồi nước bị nứt, từng ngụm sẽ được người ta cứu lại rồi uống.
Xem ra chúng tôi sẽ dừng ở đây lâu. Nhiều người tò mò từ thị trấn đã tụ tập đến rất nhanh. Tôi rủ hai người Scotland ra ngoài xem xét xung quanh và trò chuyện. Họ cương quyết từ chối. Họ không muốn gặp hay nói chuyện với bất kỳ ai. Họ không muốn làm quen ai, không muốn thăm ai hết. Nếu có người đến gần, họ quay người và bỏ đi. Đơn giản nhất là họ muốn bỏ chạy. Thái độ của họ bắt nguồn từ những kinh nghiệm ngắn ngủi và tồi tệ. Họ cho rằng nếu nói chuyện với ai đó, người kia tiếp theo sẽ luôn luôn muốn điều gì đó ở họ. Đó là những điều rất khác nhau - muốn họ xin hộ học bổng, tìm việc làm, muốn họ cho tiền. Người kia luôn có cha mẹ đau yếu, phải nuôi em, bản thân anh ta cũng đã nhịn đói vài ngày. Những lời than phiền và kêu ca này bắt đầu nhanh chóng lặp đi lặp lại. Họ không biết phải phản ứng ra sao. Họ bất lực. Cuối cùng, thất vọng và chán nản, họ đồng lòng quyết định: không tiếp xúc, gặp gỡ, nói chuyện gì hết. Và họ giữ đúng như thế.
Tôi nói với hai người Scotland rằng những người nói chuyện với họ có các đòi hỏi ấy là bởi nhiều người châu Phi quan niệm người da trắng có tất cả mọi thứ. Ít nhất anh ta cũng có nhiều thứ, nhiều hơn người da đen rất nhiều. Rằng nếu một người da trắng xuất hiện trên đường thì cũng như một con gà đem trứng vàng đến cho người châu Phi. Phải tận dụng cơ hội này, không thể bỏ lỡ, để dịp may qua mất. Hơn nữa, thực sự nhiều người trong số họ đúng là không có gì, họ cần mọi thứ và khao khát biết bao điều.
Nhưng ở đây cũng có sự khác biệt rất lớn về phong tục, sự khác nhau của những trông đợi. Văn hóa châu Phi là văn hóa trao đổi. Anh cho tôi một thứ và trách nhiệm của tôi là phải đáp lại. Phẩm giá, danh dự, và nhân cách của tôi đòi hỏi điều đó. Trong quá trình trao đổi, quan hệ giữa người và người mang hình thái cao nhất. Mối liên kết giữa hai người trẻ tuổi - những người nhờ con cháu mình sẽ kéo dài sự có mặt của con người trên trái đất và đảm bảo rằng chúng ta sẽ tồn tại, rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn - chính là được hình thành trong hành động trao đổi liên bộ lạc: trao đổi người phụ nữ lấy các lợi ích vật chất khác nhau cần thiết cho bộ lạc của cô. Trong nền văn hóa này mọi thứ mang hình thức quà tặng, đồ biếu đều đòi hỏi sự đền đáp. Món quà chưa đáp trả được là gánh nặng cho người chưa đền đáp ấy, cắn rứt lương tâm anh ta, thậm chí có thể dẫn đến bất hạnh, bệnh tật, cái chết. Bởi vậy, việc nhận quà là hiệu lệnh, là thôi thúc phải tiến hành hỏi đáp ngay lập tức, phải nhanh chóng lấy lại thế cân bằng: Tôi đã nhận ư? Tôi sẽ trả!
Nhiều hiểu lầm nảy sinh khi một bên không hiểu rằng cuộc trao đổi có thể dựa trên các giá trị của các trật tự khác nhau, ví dụ ta đổi các giá trị tượng trưng ra giá trị vật chất và ngược lại. Nếu một người châu Phi lại gần những người Scotland, anh ta tới tấp trút quà tặng lên họ: sự hiện diện và sự chú ý của anh ta, anh ta chia sẻ thông tin, cảnh báo về lũ trộm cướp, bảo đảm an toàn cho họ, vân vân và vân vân. Dễ hiểu là con người hào hiệp ấy trông chờ sự có đi có lại, sự đáp trả, thỏa mãn các mong đợi. Trong khi đó, anh ta ngạc nhiên thay những người Scotland nhăn nhó, thậm chí còn quay lưng bỏ đi!
Buổi tối, chúng tôi tiếp tục lên đường. Trời mát mẻ hơn đôi chút, có thể thở được. Chúng tôi đi về phía Đông, ngày càng sâu và lòng Sahel, vào lòng châu Phi. Đường xe lửa chạy qua Goudiry, Diboli và một thành phố lớn, đã ở bên phía Mali: Kayes. Ở mỗi ga, ma đam Diuf đều mua hàng. Khoang tàu đã đầy cam, dưa hấu, đu đủ, thậm chí cả nho. Bây giờ bà mua những chiếc ghế đẩu chạm khắc, chân nến đồng thau, khăn mặt Trung Quốc, xà phòng Pháp. Bà luôn miệng kêu lên đắc thắng: “Voilà, messieurs, dames! Combien cela coûte à Bamako? Cinq fois plus cher! Et à Dakar? Dix fois! Bon Dieu! Quel achat!”[68] Bây giờ bà đã ngả ra chiếm hết chiều dài của hàng ghế. Tôi mất chỗ ngồi, nhưng cả hai người Scotland cũng chỉ còn một mẩu nhỏ ở phía đối diện trong khoang tàu bị chất lên đến tận trần hoa quả, bột giặt, áo cánh, những chùm thảo dược khô, những túi hạt giống, kê và gạo.
Tôi có cảm giác - khi đó tôi hơi buồn ngủ và thấy mình hơi ngấy sốt - rằng ma đam cứ to dần lên, càng lúc càng thấy bà ta lớn hơn. Chiếc váy bou-bou thùng thình của bà bắt gió từ cửa sổ thổi vào, phồng lên, căng ra như cánh buồm, dập dờn và phấp phới. Bà trở về nhà, về Bamako, hãnh diện vì những thứ mua được rẻ. Mãn nguyện, đắc thắng, bà lấp đầy cả khoang tàu bằng bản thân mình.
Nhìn ma đam Diuf, nhìn sự vô sở bất tại, sự thống trị nhanh chóng, sự độc chiếm và quyền lực vô hạn bất biện giải của bà, tôi nhận thức được châu Phi đã thay đổi biết chừng nào. Tôi nhớ lại nhiều năm trước mình đã đi chuyến tàu này. Khi đó tôi một mình một khoang, không ai dám làm phiền sự yên tĩnh và hạn chế sự thoải mái của một người châu u. Còn bây giờ, một chủ sạp ở Bamako, bà chủ của mảnh đất này, ép ba người châu u ra khỏi khoang tàu không thèm chớp mắt, biểu lộ rằng ở đây không có chỗ cho họ.
Chúng tôi đến Bamako lúc bốn giờ sáng. Nhà ga đầy người, một đám đông dày đặc đứng trên sân ga. Một toán trai sôi nổi tràn vào khoang chúng tôi. Đó là nhóm người làm của ma đam đến khuân hàng cho bà. Tôi xuống tàu. Tôi nghe thấy tiếng kêu thét của một người đàn ông. Chen chân đi về hướng đó, tôi thấy một người Pháp mặc chiếc áo tả tơi, ngồi trên sân ga, rên rỉ và chửi thề. Khi anh ta xuống tàu, kẻ trộm đã lấy hết mọi thứ của anh chỉ trong tích tắc. Anh chỉ còn trong tay cái quai va li, và bây giờ, vung mẩu da ấy trong tay anh dơ nắm đấm về phía thế giới.
Muối và vàng
Tại Bamako, tôi ngụ trong nhà trọ mang tên Centre d’Accueil do hai nữ tu người Tây Ban Nha cai quản. Ở đó có thể thuê với giá rất rẻ một phòng nhỏ có giường và màn. Cái màn này là quan trọng nhất, không có nó, lũ muỗi sẽ đốt người ta đến chết. (Mọi người khi nghĩ về châu Phi, thường sợ những hiểm nguy như gặp sư tử, voi hay rắn, trong khi đó ở đây, những kẻ thù thực sự lại thường khó thấy hoặc hoàn toàn không thấy được). Cái dở của Centre d’Accueil là mười phòng cho thuê nhưng chỉ có một vòi tắm hoa sen. Thêm vào đó, nó luôn luôn bị anh chàng Na Uy trẻ tuổi chiếm giữ, anh ta đến đây mà không biết rằng ở Bamako nóng khủng khiếp. Thực chất, nội địa châu Phi luôn bị nung nóng đến bạch nhiệt. Đó là một cao nguyên bị phơi ra dưới nắng một cách không thương xót, mà nơi đây mặt trời hồ như lơ lửng sát ngay trên mặt đất - chỉ cần một cử chỉ bất cẩn và ra khỏi bóng râm là có thể bốc cháy ngay tại chỗ. Với những người mới từ châu u đến, còn có một yếu tố tâm lý nữa: họ biết mình đang ở sâu trong lòng địa ngục, cách xa biển, xa vùng đất có khí hậu dễ chịu hơn, và cái cảm giác cách trở, bị giam hãm, cầm tù ấy khiến họ thấy cuộc sống khó chịu đựng hơn. Anh chàng Na Uy sau vài ngày lưu lại, bị luộc chín và ngạt thở đến dở sống dở chết, đã quyết định bỏ hết tất cả để trở về nhà, nhưng anh ta phải đợi máy bay. Anh ta kết luận rằng chỉ cần không bước ra khỏi vòi tắm hoa sen, anh ta sẽ sống sót được cho đến lúc đó.
Quả thực, vào mùa khô ở đây nóng như tra tấn. Đường phố nơi tôi ở từ buổi sáng đã tê liệt. Người ta ngồi bất động dưới chân tường, trong hành lang, dưới các cánh cổng. Họ ngồi trong bóng những cây khuynh diệp và trinh nữ, dưới cây xoài lớn tán rộng và dưới giàn hoa giấy cao rực cháy màu tím đỏ. Họ ngồi trên băng ghế dài trước quán bar của ông chủ người Mauritania và trên những chiếc thùng rỗng trước cửa tiệm nhỏ nơi góc phố. Dù đã quan sát họ rất lâu vài lần, tôi không thể xác định được họ làm gì khi ngồi như thế. Bởi vì thực chất là họ không làm gì cả. Thậm chí không nói chuyện. Trông họ giống như những người đang chờ đợi hàng giờ trong phòng chờ của bác sĩ, dù đó là một sự so sánh khập khiễng. Bởi bác sĩ thì rốt cuộc cũng có lúc sẽ đến. Trong khi đó, sẽ chẳng ai đến đây. Không ai đến, không ai đi. Không khí run lên, dập dờn, chuyển động không yên như trên ấm nước đang sôi.
Một hôm, đồng hương từ Valencia của hai nữ tu, Jorge Esteban, đến thăm họ. Anh có văn phòng du lịch ở Valencia và đi khắp châu Phi để thu thập tư liệu cho quyển quảng cáo du lịch. Jorge là một người dễ chịu, vui vẻ, năng động. Một người sinh ra cho các cuộc hội hè. Đi đâu cũng thoải mái, với ai cũng dễ gần. Anh chỉ ở chơi chỗ chúng tôi một ngày. Anh không đếm xỉa đến ánh nắng thiêu đốt, cái nóng như tiếp thêm sức lực cho anh. Anh bỏ ra khỏi túi đầy những máy ảnh, ống kính, tấm lọc và các cuộn phim. Sau đó anh bắt đầu dạo quanh phố, trò chuyện với những người đang ngồi, pha trò, hứa hẹn gì đó. Rồi anh đặt cái máy Canon của mình lên giá ba chân. Anh lôi cái còi bóng đá tiếng lanh lảnh ra và bắt đầu thổi. Tôi nhìn qua cửa sổ mà không tin vào mắt mình. Đường phố lập tức đầy người. Trong giây lát, họ làm thành một vòng tròn lớn và bắt đầu nhảy múa. Tôi không biết những đứa trẻ từ đâu mà ra. Lũ trẻ có những chiếc hộp rỗng và chúng gõ nhịp nhàng. Hơn nữa, tất cả mọi người đều gõ nhịp, vỗ tay, giậm chân trong khi nhảy. Mọi người hồi sinh, máu lại chảy trong huyết quản, họ tràn đầy sức sống. Có thể thấy rõ điệu nhảy này làm họ vui vẻ, họ sung sướng, họ tìm lại được sinh khí trong mình. Một điều gì đó bắt đầu xảy ra trên đường phố này, xung quanh họ, trong chính họ. Tường của các căn nhà chuyển động, các bóng râm thức dậy. Ngày càng nhiều người nhập hội với vòng người đang nhảy múa, cái vòng cứ lớn lên, phình ra và tăng tốc nhanh hơn. Cả đám người đứng xem cũng nhảy múa, toàn bộ đường phố, tất cả mọi người. Những chiếc váy bou-bou sặc sỡ, những bộ djellabah trắng, những chiếc khăn xếp xanh lam đung đưa. Đường ở đây không rải nhựa hay lát đá, nên những đám bụi đen, dày đặc, nóng bỏng, bắt đầu cuốn lên ngay. Những đám bụi ấy, giống như khói bốc lên từ đám cháy, lôi cuốn mọi người từ các khu xung quanh đến, bỗng nhiên cả vùng bắt đầu khiêu vũ, nhảy nhót, vui chơi ngay giữa buổi trưa tệ hại nhất, khủng khiếp nhất, chết người nhất.
Vui chơi ư? Không, ở đây còn là cái gì đó khác, nhiều hơn, cao hơn và quan trọng hơn thế. Chỉ cần nhìn gương mặt những người đang nhảy múa là đủ thấy. Họ chăm chú, lắng nghe nhịp điệu ồn ào mà lũ trẻ gõ ra từ các hộp sắt rỗng, tập trung để bước chân, đưa hông, xoay vai và lắc đầu đúng nhịp. Trông họ kiên quyết, dứt khoát, họ cảm nhận được tầm quan trọng của phút giây ấy, khi họ có thể biểu hiện bản thân, tham gia và chứng tỏ sự có mặt của mình. Qua bao ngày dài vô công và thừa thãi, đột nhiên họ được nhìn thấy, trở nên cần thiết, quan trọng. Họ tồn tại. Họ sáng tạo.
Trong lúc ấy, Jorge chụp ảnh. Anh cần những tấm ảnh chụp cảnh phố phường của một thành phố châu Phi đang vui chơi, nhảy múa, vẫy gọi và mời mọc. Cuối cùng, đã thấm mệt, anh ngừng chụp, tay phác một cử chỉ để cảm ơn các vũ công. Họ dừng lại, chỉnh đốn quần áo, lau mồ hôi. Họ nói chuyện, bình luận, cười vang. Rồi họ bắt đầu tản đi, tìm chỗ bóng râm, biến mất vào những ngôi nhà. Đường phố lại quay về với sự trống rỗng lặng tờ, mệt nhọc.
Tôi ở Bamako vì muốn xem cuộc chiến với người Tuareg. Người Tuareg là những người suốt đời du mục. Nhưng liệu có thể gọi họ như vậy được không? Dân du mục là người lang thang khắp thế giới, tìm cho mình một nơi chốn, một mái nhà, một tổ quốc. Người Tuareg có nhà và tổ quốc của mình, nơi họ đã sống hàng nghìn năm - đó là lòng sa mạc Sahara. Nhà của họ khác nhà chúng ta. Nó không có tường hay mái, không có cửa ra vào hay cửa sổ. Xung quanh không có hàng rào hay bờ tường, không có gì bao bọc hay giới hạn. Người Tuareg khinh khi mọi thứ giới hạn giam cầm họ, cố gắng phá bỏ mọi vách ngăn, bẻ gẫy mọi thanh chắn. Tố quốc của họ là vô tận, là hàng nghìn hàng vạn dặm cát và đá bốc lửa, mảnh đất mênh mông, bội bạc, cằn cỗi mà ai cũng kinh hoàng và cố tránh xa. Biên giới của mảnh-đất-tổ-quốc sa mạc ấy là nơi Sahara và Sahel kết thúc, nơi bắt đầu những cánh đồng xanh tươi, làng mạc và nhà cửa của dân định cư, thù địch với người Tuareg.
Từ hàng thế kỷ nay giữa họ đã có chiến tranh. Bởi vì hạn hán ở Sahara thường lớn đến mức tất cả các giếng nước đều khô cạn, khi đó người Tuareg phải cùng đám lạc đà lang thang ra khỏi sa mạc, đến những vùng xanh tốt, về hướng sông Niger và Hồ Chad, để uống nước và cho bầy gia súc ăn, nhân thể cũng tìm chút đồ ăn cho mình.
Người Bantu - những nông dân châu Phi định cư - coi các chuyến viếng thăm này như cuộc xâm lược, tấn công, gây hấn, tàn sát. Hận thù giữa họ và người Tuareg rất khủng khiếp, bởi người Tuareg không chỉ đốt làng và trộm gia súc mà còn bắt người làng làm nô lệ. Đối với người Tuareg - những người Berber có nước da sáng màu - thì người châu Phi da đen là giống dân thấp hèn và đê tiện chưa phải là người. Những người này lại coi người Tuareg là đám kẻ cướp, ăn bám và khủng bố, cầu cho cát sa mạc Sahara sẽ nuốt chửng chúng vĩnh viễn. Người Bantu định cư ở vùng này của châu Phi đã chiến đấu với hai loại thực dân: thực dân Pháp, từ ngoài vào, từ châu u, thông qua Paris, và chế độ thực dân nội-châu Phi của người Tuareg, tồn tại từ hàng thế kỷ.
Cả hai xã hội này - xã hội nông nghiệp định cư của người Bantu và những người Tuareg luôn di động, bay nhảy - luôn luôn có hai triết lý khác nhau. Đối với người Bantu, nguồn gốc sức mạnh, thậm chí nguồn gốc sự sống của họ là đất, lãnh địa tổ tiên. Người Bantu chôn cất người chết trên các cánh đồng của mình, thường ở gần nhà, thậm chí dưới nền lán nơi họ sống. Như thế, người đã chết vẫn tiếp tục tham gia, một cách tượng trưng, vào cuộc sống của người sống, canh gác cho họ, khuyên bảo, can thiệp, ban phước hay ra hình phạt. Đất đai của gia đình, bộ tộc không chỉ là nguồn sống, mà còn là một giá trị thiêng liêng, nơi con người xuất thân và sẽ trở về.
Tuareg - dân du mục - con người của không gian khoáng đạt và những chân trời vô tận, người kỵ binh, người Cô dắc của sa mạc Sahara, có mối liên hệ khác với tổ tiên. Ai chết, người đó sẽ biến mất trong ký ức người sống. Người Tuareg chôn người chết trên sa mạc, ở nơi bất kỳ, chỉ tuân thủ một điều: không bao giờ quay trở lại đó.
Ở vùng này của châu Phi, giữa những người dân Sahara với các bộ lạc định cư của Sahel và thảo nguyên xa-van xanh tươi từ nhiều thế kỷ đã tồn tại sự trao đổi hàng hóa được gọi là buôn bán câm. Người Sahara bán muối, đổi lấy vàng. Muối này (vô giá, là thứ hàng khan hiếm, nhất là ở vùng nhiệt đới) được các nô lệ da đen của người Tuareg và người Ả rập đội trên đầu từ trong sa mạc Sahara có lẽ là ra bờ sông Niger, nơi cuộc giao dịch diễn ra. “Khi những người da đen ra đến sông, họ làm như sau - thương gia người Venice thế kỷ XV Alvise da Càda Mosto kể - mỗi người đổ muối mình mang đến ra thành đụn nhỏ, đánh dấu nó, sau đó họ đi khỏi những đụn muối được xếp thành hàng và lùi nửa ngày đường về hướng cũ. Khi ấy, người của các bộ lạc da đen khác - những người không bao giờ xuất hiện trước mặt người lạ và không nói chuyện với bất kỳ ai - đi tới bằng thuyền lớn, có lẽ là từ những hòn đảo gần đó. Họ lên bờ và sau khi xem muối, họ đặt cạnh mỗi đụn một số vàng, rồi họ lui đi, để lại cả vàng cả muối. Khi họ đi khỏi, những người mang muối đến quay trở lại, nếu họ thấy số vàng là đủ, họ lấy vàng, để lại muối; nếu không, họ không lấy vàng cũng không đem muối đi, và lại lùi về. Lúc đó, những người kia lại đến, lấy muối từ những đụn không còn vàng, để thêm vàng vào các đụn muối khác nếu họ thấy như thế là thích đáng, hoặc họ không lấy muối. Chính bằng cách ấy, họ buôn bán với nhau, không gặp nhau và hoàn toàn không nói chuyện với nhau. Điều này diễn ra đã từ rất lâu, và mặc dù toàn bộ câu chuyện có vẻ khó tin, tôi cam đoan đó là chuyện thật”.
Tôi đọc câu chuyện của thương gia Venice trên chuyến xe buýt đi từ Bamako đến Mopti. “Đi Mopti đi!” - những người quen khuyên tôi. Có thể từ đó tôi sẽ đến được Timbuktu, chính là đất của người Tuareg, ở ngay ngưỡng sa mạc Sahara.
Người Tuareg đang bị diệt vong, cuộc sống của họ đang kết thúc. Những trận hạn hán liên tục và khủng khiếp đuổi họ ra khỏi sa mạc Sahara. Ngoài ra, một phần trong số họ trước đây sống bằng nghề cướp bóc các đoàn lữ hành giờ đây đã không còn nhiều lại được vũ trang đầy đủ. Bởi vậy họ phải tìm đến những vùng đất tốt hơn, nơi có nước, nhưng những vùng đất ấy đâu đâu cũng đã bị chiếm. Người Tuareg sống ở Mali, ở Algeria, Libya, Niger, Chad và Nigeria, tuy vậy họ cũng xuất hiện ở các nước khác thuộc sa mạc Sahara. Họ không thừa nhận mình là công dân bất kỳ nước nào, không chịu khuất phục bất cứ chính phủ nào, quyền lực nào.
Họ còn khoảng gần nửa triệu, cũng có thể là một triệu người. Chưa ai từng đếm cái cộng đồng di động, bí mật và ẩn dật này. Họ sống riêng biệt, không chỉ về thể xác mà cả về tinh thần, khép kín trong sa mạc Sahara bất khả xâm phạm của họ. Họ không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Họ không nảy ra ý định thám hiểm đại dương như người Viking, hay du lịch đến châu u hoặc châu Mỹ. Khi một khách du lịch châu u bị họ bắt nói rằng anh ta muôn đến sông Niger, họ không tin: “Đến sông Niger để làm gì? Ở nước anh không có sông hay sao?” Mặc dù người Pháp chiếm Sahara đã hơn nửa thế kỷ, người Tuareg không muốn học tiếng Pháp, không quan tâm đến Descartes hay Rousseau, đến Balzac hay Proust.
Người ngồi cạnh tôi trên xe buýt - Diawara, thương gia người Mopti - không thích người Tuareg. Thậm chí anh sợ họ và vui mừng vì quân đội ở Mopti đương đầu được với họ. “Đương đầu được” có nghĩa là một số người Tuareg đã bị giết, số khác bị xua đến những vùng sa mạc nơi họ sẽ nhanh chóng chết vì thiếu nước. Khi chúng tôi đến nơi (chuyến xe buýt này đi mất cả ngày), Diawara sẽ nhờ anh họ, một người tên là Mohamed Kone, chỉ cho tôi vết tích của người Tuareg. Mopti là một hải cảng lớn trên sông Niger, mà Niger là một trong ba con sông lớn nhất châu Phi (sau sông Nile và sông Congo). Suốt hai nghìn năm ở châu u người ta tranh cãi xem sông Niger chảy về đâu, vào hồ, sông hay biển nào. Nguyên nhân các tranh luận này là dòng chảy lạ lùng của sông Niger: bắt đầu không xa bờ biển phía Tây châu Phi, trên lãnh thổ Guinea, chảy vào sâu trong lục địa, về hướng tâm sa mạc Sahara, cho đến khi đột nhiên, tựa như vấp phải một chướng ngại không thể vượt qua của sa mạc vĩ đại, nó quay ngoặt về hướng ngược lại - xuống phía Nam và đổ vào lãnh thổ Nigeria ngày nay, gần Cameroon, ra Vịnh Guinea Sông Niger nhìn từ trên bờ cao, nơi Mopti tọa lạc, là một dòng sông rộng màu nâu, chảy lững lờ. Đó là một cảnh tượng lạ thường: khắp xung quanh, sa mạc nóng rực trải dài, nhưng bất ngờ ở đây, trong lòng sông đá, là mênh mông nước! Thêm vào đó sông Niger - ngược với các dòng sông khác của Sahara - không bao giờ khô cạn, và cảnh dòng nước đời đời chảy giữa vùng cát bao la khiến người ta kính cẩn, tôn sùng đến mức coi nước sông là thần diệu và linh thiêng.
Mohamed Kone hóa ra là một cậu trai trẻ, chẳng có công việc gì cụ thể, một bayaye điển hình, sống vạ vật. Cậu có chiến hữu tên là Thiema Djenepo, chủ một chiếc thuyền (anh ta đưa cho tôi danh thiếp ghi: Thiema Djenepo - Chủ thuyền độc mộc - BP 76 - Mopti - Mali), anh chèo thuyền chật vật vì ngược dòng, đưa chúng tôi đến một hòn đảo nhỏ nơi có đống đổ nát của những căn nhà đất vừa bị tàn phá, dỡ bỏ - dấu vết các cuộc tấn công của người Tuareg vào một làng chài Mali. “Regardez, mon frère”[69], Mohamed thân mật nói với tôi và giảng giải bằng giọng lâm ly “Ce sont les activités criminelles des Tuaregs!”[70] Tôi hỏi có thể gặp họ ở đâu. Mohamed đáp lại bằng một tràng cười ha hả và nhìn tôi thương hại: đối với anh, điều đó đồng nghĩa với việc hỏi làm thế nào tự sát một cách dễ dàng nhất.
Đi đến Timbuktu từ Mopti là điều khó khăn nhất. Con đường chạy qua sa mạc bị quân đội chặn lại, bởi đâu đó sâu trong sa mạc, các cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Có thể vào được vùng chiến sự, song phải mất hàng tuần, chỉ còn lại chiếc máy bay nhỏ của Air Mali bay thất thường, tùy lúc, mỗi tuần hoặc mỗi tháng một lần. Ở góc này của trái đất, thời gian không có bất kỳ thước đo, điểm quy chiếu, khuôn mẫu hay nhịp độ nào. Nó lan chảy, tan đi; khó lòng nắm bắt, định dạng. Mua chuộc giám đốc sân bay ở Mopti, tôi có được một chỗ trên máy bay. Người ta bay trên sa mạc Sahara, như trên mặt trăng, siêu thực, đầy những dấu hiệu và đường nét bí ẩn. Sa mạc hẳn là đang nói với chúng ta điều gì đó, truyền đạt điều gì đó, nhưng làm thế nào để hiểu? Hai đường thẳng đột ngột xuất hiện trên cát rồi biến mất ngay, cũng đột ngột như thế, nghĩa là gì? Còn các vòng tròn kia, cả một chuỗi hình tròn nằm đối xứng? Rồi những đường dích dắc kia nữa, những hình tam giác và hình thoi gãy khúc, theo sau là các đường vòng cung và ngoằn ngoèo? Có phải đó là dấu vết của những đoàn bộ hành đã mất tích? Là các khu dân cư? Những khu trại? Nhưng làm sao có thể sống được trên cái chảo cháy xèo xèo này? Đến đó bằng đường nào? Chạy khỏi đó bằng đường nào?
Chúng tôi hạ cánh xuống Timbuktu ngay trước họng những khẩu súng phòng không bảo vệ đường băng. Timbuktu ngày nay là một thị trấn của những ngôi nhà đất sét được xây trên cát. Đất sét và cát đồng màu nên thành phố trông giống như một phần hữu cơ của sa mạc, một mảnh Sahara dâng cao mang hình dáng những khối chữ nhật. Nóng đến mức trên thực tế không thể cử động được. Nắng làm máu đông lại, khiến người ta tê liệt, bất tỉnh. Trên các đường phố và ngõ hẻm chật chội, tôi không gặp một bóng người nào. Nhưng tôi tìm thấy ngôi nhà với tấm biển ghi Heinrich Barth đã sống ở đây từ tháng chín năm 1853 đến tháng Năm năm 1854. Barth là một trong những nhà du hành vĩ đại nhất thế giới. Trong năm năm trời, ông du hành một mình qua Sahara và ghi nhật ký miêu tả sa mạc này. Vài lần, bị bệnh và bị cướp truy đuổi ông đã viết lời vĩnh biệt cuộc đời. Khi bị chết khát, ông tự cắt gân và uống máu mình để sống sót. Ông trở về châu u, nơi không ai có thể hiểu rõ giá trị của hành động vô song mà ông đã làm. Đau khổ vì điều đó, cũng như kiệt lực vì các chuyến du hành, ông mất năm 1865 lúc bốn mươi bốn tuổi mà không hiểu được tại sao trí tưởng tượng của con người không thể vươn tới cái biên giới ông đã vượt qua ở Sahara.