Số lần đọc/download: 1915 / 94
Cập nhật: 2015-11-21 06:32:31 +0700
Chương 25: Những Tấm Hình
Đ
ối với Kinh ngoài nàng Mai, chẳng có miền đất nào cuốn hút Kinh. Nàng Mai đã bỏ Kinh mà đi, Kinh muốn ra đi tìm nàng Mai. Kinh sống ở đất này mà không có nàng Mai thì chẳng còn ý nghĩa gì. Thằng Lợi trong tổ bốc vác của Kinh chẳng hiểu sao nó lại đọc rõ ý nghĩ của Kinh, nó bảo Kinh có muốn đi Hồng Kông thì đi với nó, nó có cách đi vừa an toàn lại chẳng tốn kém gì. Nó bảo chỉ cần sang được Hồng Kông, sau đó đi nước nào cũng dễ. Trong suốt thời gian làm cửu vạn trên cảng, nó tỏ ra thông thạo mọi chuyện. Nó đã để ý lịch trình của những con tầu mang quốc tịch Panama, Hồng Kông ra vào cảng thường xuyên. Chỉ cần biết đích xác giờ tầu rời bến, trữ sẵn bánh mì và nước uống mang xuống tàu, hết ca chui tọt xuống hầm neo nằm chờ tới giờ tàu rời bến.
Thống nhất được với Đào Kinh ý đồ chạy trốn đi tìm miền đất hứa, thằng Lợi tính toán như thần, đúng vào buổi nó và Kinh đi cùng ca, nó đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho chuyến đi.
- Quan trọng nhất là bánh mỳ, nước uống và túi ni nông đựng phân. Thằng Lợi nói, trong hầm tầu buồn đại tiểu tiện mà để mùi bay ra là lộ hết mọi chuyện. Vào đầu ca, vừa bước xuống hầm hàng thằng Lợi đã phán, trời phù hộ mình rồi, trông lượng hàng trong hầm tầu, mình chỉ làm tới ba giờ đêm là xong.
Theo lịch trình tám giờ sáng mai tầu rời bến. Lúc giải lao, thằng Lợi mò vào bếp thuyền viên ăn cắp được hai hộp thịt và một gói bơ dúi cho Kinh.
- Mẹ kiếp, qua mặt bọn bảo vệ nhà mình trên bến mới khó chứ lũ thuỷ thủ trên tầu này ngu như lợn. Thằng Lợi thì thào. Khi nào làm xong hàng mày lên trụ cẩu hầm mũi đợi tao. Giờ này chẳng ma nào mò lên đó đâu.
Kinh như cái máy làm theo sự sai khiến của thằng Lợi. Kinh gói mọi thứ vào chiếc áo bảo hộ mang lên mũi tầu ngồi đợi thằng Lợi. Cánh cửu vạn làm xong hàng nằm vạ vật ngủ trên boong chờ ca nô trong bờ ra đón. Đêm vắng lặng, nghe gió reo reo, những con sóng xô vào mạn tầu lép bép. Đúng theo dự tính của thằng Lợi, trong lúc bọn thuỷ thủ mải mê đóng nắp hầm hàng thì thằng Lợi bước tới kéo Kinh chui vào hầm neo. Hầm neo tối như hũ nút cách biệt với bên ngoài. Mùi tanh nồng nặc của rỉ sắt lẫn mùi sơn chống hà hăng hắc xộc lên khó chịu. Dù sao mọi chuyện diễn ra êm thấm. Quá căng thẳng trong suốt một ngày lo tính, cả Kinh và thằng Lợi đều thấm mệt ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, Kinh mơ gặp được nàng Mai. Nàng Mai đã xúc động ôm riết lấy Kinh khóc nức nở. Đang trong cơn xúc động, Kinh choàng tỉnh bởi tiếng nổ rầm rầm của máy tời neo. Vậy là đã đến giờ tầu rời bến. Tiếng dây neo xủng xoảng tời những mắt nỉn chất thành đốn trước mắt Đào Kinh. Chẳng bao lâu nữa con tầu này sẽ đưa Kinh và thằng Lợi sang Hồng Kông, một đất nước tự do trong khát vọng của bao người. Con tầu rời bến nghe rõ tiếng chân vịt cuộn sôi trong nước. Tiếng sóng đập vào thân tầu ầm ào. Ra tới biển xa, con tầu ngả nghiêng. Mới chừng hơn một giờ trên biển, thằng Lợi đã nôn ra mật xanh mật vàng. Trên bờ thằng Lợi khoẻ mạnh nhanh nhẹn vậy mà lại không chịu được sóng. Suốt thời gian tầu hành trình thằng Lợi nằm ngủ mê mệt không còn nhận biết gì. Kinh không say sóng nên cảm nhận rõ nỗi cô đơn một mình trong hầm tối giữa mênh mông biển cả thấp thỏm hồi hộp chờ đợi giờ phút con tầu cập bến. Thời gian cứ trôi đi, số phận Kinh cũng đang trôi đi về đâu? Con tầu đã hành trình qua một ngày một đêm. Theo tính toán của thằng Lợi thì tầu sắp về tới Hồng Kông. Và những gì đến đã đến, tiếng còi tầu chợt rú lên ba hồi dài báo hiệu tầu cập bến. Kinh choàng dậy gọi thằng Lợi. Thằng lợi vẫn trong cơn say lả, Kinh phải véo vào đùi nó một cái rõ đau nó mới tỉnh.
- Đến Hồng Kông rồi, tự do muôn năm! Kinh reo lên khe khẽ. Thằng Lợi lười nhác vì say sóng.
- Mấy giờ rồi? Thằng lợi hỏi.
- Đã hơn sáu giờ sáng. Kinh nhìn đồng hồ nói.
- Thế thi còn phải nằm đây mười hai tiếng nữa chờ trời tối mới rời tầu được. Cứ ngủ cho khoẻ, đêm nay là đêm quyết định số phận may rủi của cánh mình đấy.
Suốt mười hai tiếng chờ đợi, cả Kinh và thằng Lợi không sao ngủ được, nó bàn tính đường đi nước bước cho tương lai.
- Bằng mọi giá phải sang được nước thứ ba, Canada hay Anh Quốc là tốt nhất. Mẹ kiếp làm thằng đàn ông mà không bay nhảy thì phí một đời trai. Phải đi cho biết đó biết đây, cứ ru rú ở xứ mình không biết đến bao giờ mở mặt ra được. Tới Hồng Kông rồi, mọi chuyện ông phải nghe tôi, tìm người tình chỉ là chuyện vặt, phải nghĩ đến tương lai lâu dài. Ông mà đắm đuối với đàn bà thì chẳng làm nên trò trống gì đâu...
Nhìn đồng hồ đã quá bẩy giờ tối, Kinh và thằng Lợi hí hửng chui ra khỏi hầm neo lần tìm đường lên bờ. Biết chắc không thể lên bờ theo đường cầu cảng bởi sự kiểm tra nghiêm ngặt của biên phòng và hải quan, Kinh và Lợi phải cởi quần áo cho vào túi ni nông buộc vào cổ bám theo đường dây neo tụt xuỗng nước.
- Mẹ kiếp nằm mãi giờ được tắm cái cũng sướng. Thằng Lợi nói. Xuống nước ông phải bám theo tôi không lạc đấy.
Lợi ôm bọc quần áo tụt xuống trước, Kinh bám vào nỉn neo tụt xuống theo. Nước mát lạnh, Kinh và Lợi bơi theo dòng chảy hết khu vực cảng thì vào bờ. Đêm vắng lặng, mùi cá tanh nồng.
- Hình như đây là một cái bến cá, an toàn rồi, Lợi thì thầm, coi như mình đi tắm đêm ha ha...
Lợi và Kinh khấp khởi lóp ngóp bò lên bờ ngồi thở chờ cho khô người rồi mặc quần áo.
- Phải mò vào quán nào làm bát phở bồi dưỡng cho khoẻ. Lợi nói, có tiền đô đây rồi. Mẹ kiếp, nếm mùi phở Hồng Kông xem sao.
Kinh và thằng Lợi háo hức đi theo lối nhỏ từ bờ sông vào một khu phố lớn điện sáng trưng, người xe rầm rập. Nhìn những dãy nhà cao tầng, những biển hiệu trước các cửa hàng, các cơ quan công sở, cả Kinh và thằng Lợi ngỡ ngàng nhận ra nơi đây không phải Hồng Kông mà là Thành phố Hồ Chí Minh. Thằng Lợi rú lên như kẻ điên khùng. Bao công sức tính toán cho chuyến vượt biên uổng phí. Bao hi vọng tan biến trong tích tắc. Vừa uất ức lại vừa buồn cười, Đào Kinh và thằng Lợi lang thang cả tháng mới mò về đến nhà thì mất việc làm. Mất việc làm, mất cơ hội trốn theo đường tàu biển.
Mất việc làm, trong khi dân tình lại nhớn nháo tìm đường bỏ xứ ra đi, Đào Kinh nảy ra ý định tổ chức cho người trốn đi bằng đường biển. Kinh không hiểu những kẻ đói khát muốn ra đi tìm đường kiếm ăn đã đành, nhiều kẻ giàu có cũng đi, công chức nhà nước cũng đi, kẻ lại trốn vợ, bỏ chồng ra đi. Có kẻ đi một lần không thoát vào trại cải tạo ít ngày được tha lại đi tiếp. Có kẻ đi bị đắm tàu thoát chết, vừa về tới đất liền lại tiếp tục ra đi. Phố xá xao xác, người người ngơ ngác nhìn nhau lo âu. Qua một đêm, sáng mở mắt ra đã lại có tin mới giật gân, anh này chị nọ trốn vợ bỏ chồng ra đi...
Kinh đi dọc phố. Mưa lất phất bay xiên xiên dưới ánh sáng đỏ quạch của ngọn đèn đường lắt lay trong đêm thu. Trời se lạnh, Kinh rẽ vào con đường phố núi âm u. Lần đầu tiên trong đời, Kinh tự quyết định làm một việc hệ trọng. Lâu nay Đào Kinh chỉ thụ động làm theo người khác, ai sai bảo làm gì cũng làm cốt có cái đút miệng. Suy cho cùng, sướng nhất vẫn là cái thời Kinh chưa lấy vợ làm thuê cho ông bà Hoàng Kỳ Bắc, ngày đi làm tối về ngủ khò chẳng lo lắng gì. Khi lấy vợ, Kinh bắt đầu bị nàng Cam sai khiến đủ đường. Từ giặt áo quần đến việc lên giường cũng bị vợ bắt la bắt lét. Những ngày oai hùng nhất và đắng cay nhất chính là những ngày làm đồ đệ cho Trần Tăng để cuối cùng phải bỏ làng Đoài, bỏ nàng Cam Quýt Mít Dừa đi theo nàng Mai thuyền chuối. Ngỡ cuộc đời đã gặp may, ai ngờ nàng Mai cũng lại bỏ Kinh mà đi. Kinh phải bơ vơ mãi trên cái thị xã lai tạp đủ loại người tứ xứ thập phương đến lập nghiệp. Để có được cuộc sống tự do, từ nay Kinh phải tự lập, quyết không trông chờ phụ thuộc vào người khác, không tin vào bất kỳ ai. Đến như Trần Tăng, Kinh tận trung thế, khi thất cơ lỡ vận đến cầu cứu hắn cho Kinh cái giấy phép để ra biên giới tìm kiếm nàng Mai mà y lại lạnh lùng từ chối. Đời chó má đến thế là cùng. Còn con Măng, cho dù Kinh đã có công nuôi nó, nhưng cũng chẳng hy vọng ở nó điều gì. Rồi nó cũng giống tính thằng bố Trần Tăng nó, bạc như vôi. Hơn bao giờ hết, phải tự quyết lấy cuộc sống của mình...Kinh rẽ vào con đường phố núi. Bóng núi thâm u đen sẫm chìm sâu bên bờ vịnh. Trời tối, Kinh chỉ nghe lép bép tiếng sóng vỗ vào vách núi ánh lên những đốm sáng lân tinh. Xa xa ngoài vịnh biển, ánh sáng của những con tàu từ mọi phương trời xa lạ nào đó đến neo đậu bốc dỡ hàng thâu đêm suốt sáng. Suốt thời gian làm cửu vạn trên tầu, Đào Kinh đã hiểu phần nào cuộc sống nơi này. Những con tầu kia đến rồi lại đi, ngày ngày tháng tháng cứ gieo vào mảnh đất này những lối sống khác thường- theo cách gọi của tầng lớp thị dân đó là thế giới tự do. Cái thế giới tự do ấy, lúc đầu chỉ bó hẹp trong các con tàu neo quanh vịnh, sau được mở rộng ra trong các khách sạn, nhà hàng cung ứng tầu biển dành riêng cho thủy thủ nước ngoài vui chơi giải trí. Không ngờ cái thị xã nghèo lấm láp bụi đất này lại được tiếp xúc sớm với nền văn minh của thế giới tự do. Nhờ có con Măng quan hệ rộng mới xin cho Kinh vào được cơ quan cảng làm cửu vạn- cái nghề tuy vất vả nhưng được tiếp xúc với thủy thủ nước ngoài cũng khoái. Kinh biết được đủ chuyện làm ăn mánh khóe của bọn cửu vạn, chủ hàng, nhân viên kiểm kiện. Cánh thủy thủ quanh năm lênh đênh trên biển, mắt hau háu nhìn mấy nàng kiểm kiện là tìm mọi cách mua chuộc gạ gẫm tán tỉnh. Các cô gái cũng đầy ham hố không bỏ lỡ cơ hội lúng liếng đưa tình. Có cô giả vờ đi uống nước trốn biên phòng chui vào buồng thủy thủ cho nó sờ ty một cái cũng kiếm vài gói mì chính hoặc mấy cục xà phòng Camay hay thuốc xịt hôi nách. Có cô còn học được dăm ba câu tiếng bồi, chài được thằng da trắng mũi lõ liều thân chớp nhoáng trong phòng ngủ hay trong toa lét cũng được một trăm đô, bằng lương đi làm cả tháng. Thời buổi khó khăn đói khát như Kinh, mỗi ca đi làm tàu, ăn cắp được vài ba cân gạo cân đường nhồi vào ống quần lót qua mặt bảo vệ, cũng đủ tiền cho con ăn học hoặc bán lấy tiền mua thuốc lá hay tặng cho các cô gái làng chơi vật vờ trên các xà lan đổi lấy niềm vui chốc lát. Những kẻ khôn hơn thì nhao xuống tàu mua bán những thứ dân mình không có như dầu cá, xích líp xe đạp Nhật. Nhưng tay có vốn lớn thì buôn tivi, tủ lạnh, quạt điện, xe máy nồi cơm điện đầu quay băng quay đĩa. Toàn những đồ tư bản giá trị tính bằng vàng, ngoại tệ. Bộ mặt thị xã đổi thay từng ngày. Trên phố đã xuất hiện những chiếc xe máy Nhật đời 79 thay thế xe Bavecta. Thanh niên mặc quần bò thun, áo lông Nhật màu cứt ngựa là mốt nhất. Những nhà có tiền, nhìn xa trông rộng thì góp vốn mua thuyền trốn sang Hồng Kông, Anh Quốc tìm miền đất hứa.
Kinh bám vào vách đá men theo con đường nhỏ dẫn vào khe núi hẹp chỉ vừa một người lách qua. Tới giờ hẹn, Kinh bật lửa làm ám hiệu. Ánh lửa lóe sáng, Kinh nhìn rõ vách đá đứng sững cao ngất tầng trời cứ như thể mình đang ở dưới ba tầng địa ngục. Dưới chân vách núi, có một con đường vòng vào một cái hang sâu hun hút trong lòng núi. Kinh đứng tựa vào vách núi thấy cả một khoảng mênh mông đen đặc nghe rõ tiếng dơi vỗ cánh rào rào, tiếng gió âm u không biết từ hướng nào thổi đến. Trong khoảng không mờ ảo không nhận ra lối đi, Kinh có cảm giác rờn rợn. Từ xa chợt có ánh đèn loé sáng loang loáng, tiếng bước chân lạo xạo, một người đàn ông xuất hiện ra hiệu cho Kinh đi theo anh ta vào một cái hang rộng thâm u. Mọi người trong hang đang ngong ngóng chờ Kinh. Qua ánh sáng đèn pin, vẻ mặt người nào cũng căng thẳng. Theo quy định nghiêm ngặt từ trước, tất cả mọi người chỉ được mang theo một túi xách nhỏ đựng quần áo. Lương thực, thực phẩm đã được chuyển xuống tàu từ trước. Không ai nói lời nào, nhưng ai cũng nhận ra giây phút này là giây phút quan trọng nhất trong chuyến đi đầy gian nan tìm miền đất hứa.
Giờ R đã đến- giờ khắc quyết định đổi thay số phận từng người. Thuyền trưởng khoác chiếc áo măng tô màu đen, đầu đội mũ phớt, tay cầm đèn pin, nói giọng người vùng biển với dáng vẻ tự tin ra lệnh xuất phát. Đoàn người lặng lẽ dìu dắt nhau đi từng tốp ra cửa hang.
Đào Kinh là nhân vật quan trọng trong có nhiệm vụ dẫn đường đưa được đoàn ngươi xuống tầu ra phao số 0 an toàn thì sẽ được quay về. Trước khi ra đây, Kinh đã cho cậu Tráng đưa thuyền ra khu vực phao 0 đón Kinh quay trở về. Con đường từ trong hang ra lúc này phải leo ngược lên cao rồi tụt dần xuống chân núi lần theo vách đá mới ra được bờ vịnh. Một con tàu đã đợi sẵn để đón đoàn người ra đi. Con tàu này thuộc loại tầu đánh cá Kinh mua lại của số người Hoa bỏ về nước nó có khả năng chịu sóng gió cấp bảy. Kinh dẫn đầu đoàn người lên tàu vào trong khoang lái quan sát lại một lần nữa địa hình luồng lạch. Nơi đây giống như một cái hồ nhỏ trên vịnh biển, xung quanh núi non bao kín chỉ có một lối nhỏ đủ đê con tàu ra vào. Mặt nước im phắc không một gợn sóng. Nước và núi hòa thành một màu đen sẫm. Trên cao, một khoảng trời mờ sẫm lất phất mưa. Từng tốp người dò dẫm dắt díu âm thầm nung nấu trong lòng một mơ ước khát khao đi tìm một chân trời mới. Mỗi số phận trong đám hỗn mang kia đều có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả sẽ cùng chung một số phận nếu không may tàu bị bắt hoặc bị đắm làm mồi cho cá. Thuyền trưởng là người bước lên tàu sau cùng, ông bước thật nhanh trên boong tàu lạnh lùng. Sinh mệnh bảy chục con người trong khoang tàu nằm trong tay ông. Ông nhấn chuông báo hiệu nổ máy. Tiếng máy rùng rùng, con tàu lừ lừ chui ra khỏi khe núi lao vào màn đêm trên vịnh biển theo sự chỉ dẫn của Đào Kinh. Theo kế hoạch, Kinh phải dẫn con tàu ra phao số 0. Càng ra xa sóng càng lớn, Kinh nhìn đồng hồ, tàu đã chạy được hơn một giờ. Kinh nhìn trong khoang tàu, những thân người âm thầm rũ rượi ngất ngư theo sóng biển. Đàn bà trẻ em nằm ngả ngốn mệt lả đi vì say sóng. Trong biển trời bao la sâu thẳm của màn đêm, Đào Kinh nhận ra con tàu đã đến địa phận phao số 0 liền lệnh cho thuyền trưởng giảm tốc độ cho con tầu chạy chậm lại. Kinh lấy đèn phin phát tín hiệu cho Tráng đưa thuyền đến đón Kinh về bờ. Nhận được tín hiệu của Đào Kinh, Tráng phát tín hiệu trả lời bằng đèn pha quét ba lần liên tục trên biển. Chừng mười phút sau, từ trong màn đêm đã xuất hiện chiếc thuyền cưỡi sóng lao tới cập mạn con tầu. Không một ai trong số người ra đi hiểu được tâm trạng của Kinh lúc này. Đào Kinh là người duy nhất được quay về, được chứng kiến tường tận giờ khắc của bảy chục con người, bảy chục số phận gửi gắm vào biển khơi, gửi gắm vào miền đất hứa.
Trong giây lát, Đào Kinh vừa kịp nhảy xuống thuyền thì Tráng đã ngoặt tay lái cho thuyền tách khỏi thân tầu an toàn.
- Thật là tuyệt, Đào Kinh thốt lên, ta không ngờ tay lái của cậu cũng khá đấy. Trên đường cậu ra đây có gặp đối tượng nào không?
- Báo cáo chú, cháu không chạy theo luồng tàu chính nên không gặp lực lượng tuần tra kiểm soát nào.
- Vậy là tốt, cả đêm tớ thức trắng rồi, cậu cầm lái để tớ chợp mắt một chút.
- Chú cứ ngủ khi nào tới bến cháu gọi.
Kinh nằm xuống cạnh Tráng nhưng mãi vẫn không sao ngủ được. Trong sâu thẳm Kinh vẫn lo cho số phận những kẻ chạy trốn liệu có được an toàn. Trằn trọc mãi, khi vừa chợp mắt được thì thuyền đã về tới bờ. Mặt trời đã vượt qua ngọn núi đá xanh, nơi đêm qua đã xảy ra cuộc vượt biển lớn chưa từng có. Đoàn người ra đi giờ này chắc đã tới hải phận quốc tế.
Suốt đêm thức trắng, về tới nhà Kinh ngủ một giấc rõ dài sau bao ngày vất vả toan tính. Tỉnh dậy Kinh thấy người rạo rực sung sướng vì kế hoạch đã thành công mỹ mãn. Mọi chuyện diễn ra đúng như dự tính. Kinh tiến đến đẩy nhích chiếc tủ ra một bên, cúi xuống lật hai viên gạch lát nền móc ra một gói ni lông còn nguyên vẹn. Kinh thận trọng đóng cửa chính cửa sổ kiểm lại toàn bộ số tiền và số vàng thu được trong phi vụ làm ăn vừa rồi. Cả đời Kinh chưa bao giờ có nhiều tiền, nhiều vàng như lúc này. Có tiền, có vàng Kinh sẽ thoát khỏi Trần Tăng. Trước mắt Kinh sẽ bán con thuyền cũ để đóng tàu mới. Thằng Tráng phải cho đi học lấy bằng thợ máy. Số Kinh cầm tinh loài cá Kình làm ăn phải vùng vẫy nơi sông nước mới may mắn. Kinh gói tiền và vàng giấu vào chỗ cũ rồi ra phố. Trời xế chiều, nắng thu vàng rực. Có tiền trong tay lúc này, Kinh thấy thương hại nhìn những kẻ đi lại trên đường phố kia ai cũng mang bộ mặt buồn rượi, nhăn nhó, ngây ngô và đần độn nữa. Kinh cảm nhận như cả thế gian này chỉ có mỗi mình Kinh là sung sướng nhất. Kinh bước những bước khoan thai nhìn thiên hạ. Lâu nay Kinh chưa từng để ý đến các biển hiệu sang trọng của các cửa hàng, cửa hiệu hai bên đường phố. Sấp tiền mới cứng lúc này nóng rẩy trong túi mách bảo Kinh nhìn lên tấm biển mê ca màu xanh có dòng chữ đỏ rực: Cơm Quốc Hương. Phải ăn một bữa cho ra trò. Kinh bước vào tiệm cơm Quốc Hương đầy tự tin gọi các món ăn đắt tiền nhất. Ngại phát âm tiếng nước ngoài nên Kinh chỉ vào chai rượu nom đẹp nhất trong quầy rượu. Tiệm cơm giờ này vắng khách, một mình Kinh ngồi lặng lẽ nhấp từng ly rượu ra vẻ một đại gia sành điệu trước sự kính nể của cô chủ tiệm. Càng uống, Kinh càng tỉnh và nhận ra hương vị thơm nồng của rượu. Rượu Tây có khác, hơn hẳn rượu cuốc lủi của mụ Ruốc làng Đoài chua như dấm. Chả chắc bọn lắm tiền cứ lao đầu vào chỗ sang trọng. Càng nhiều tiền càng khao khát kiếm tìm thứ ngon của lạ. Lúc này Kinh lại thấy căm thù đời, nhớ tới trận say rượu trên vó bè nhà mụ Sen về bị vợ nện cho một trận nằm quay lơ ra sân gạch.
Cơm rượu no say, Kinh rút sấp tiền trả cô chủ tiệm. Cô nàng lúng liếng ánh mắt sắc lẹm nhìn Kinh. Kinh rạo rực nhìn nhứng ngón tay thon mềm điệu nghệ của cô chủ tiệm đếm tiền nhanh hơn máy, miệng líu ríu mời Kinh lần sau lại đến.
- Cám ơn cô chủ xinh đẹp. Kinh véo von chào cô chủ tiệm chếnh choáng bước ra đường.
Kinh về gian phòng tập thể của thằng Hoà thì trời sập tối. Kinh gõ cửa, thằng Hoà quần đùi áo may ô ra mở cửa ngỡ ngàng nhìn Kinh.
- Mẹ kiếp ngủ sớm vậy hả? Kinh loạng choạng bước vào nhà miêng phả ra nồng nặc mùi rượu, mẹ kiếp buồn nôn quá.
Hoà lao vào phòng tắm lấy cái chậu nhựa để Kinh nôn thốc vào chậu. Đầu óc quay cuồng, Kinh đưa tay gạt tấm màn gió, nhào vào giường.
- Bố lại say rồi.
Kinh sững người nhận ra tiếng con Măng nằm trên giường thằng Hoà..
- Hóa ra là mày sao? Đồ đĩ thoã.
Con Măng trần như nhộng vội vơ chiếc chăn quấn lên người, tay kéo tấm rèm nói vọng ra ngoài. Khuya rồi bố còn lại đây có việc gì?
- Còn mày lại đây có việc gì? Kinh nổi xung, con gái chưa chồng mà thế này đây.
Thằng Hoà chạy ra thanh minh.
- Chúng cháu yêu nhau mà chú! Chú ngồi xuống ghế đây. Chú say rồi.
- Thời buổi này rõ là loạn hết cả rồi. Đào Kinh cười hầng hậc. Nhưng mặc xác chúng mày. Cứ ngủ với nhau cho đã đời đi, cưới gả mà làm gì. Mẹ kiếp, suy cho cùng tao cũng chẳng có quyền ngăn cản chúng mày. Tao chỉ là thằng bố hờ mà thôi. Con Măng đấy a, mày cậy bố đẻ mày là thằng Trần Tăng nên coi thường ông. Mày tự hào bởi thằng Trần Tăng nó ngủ với con mẹ mày. Nhưng con mẹ mày lại là vợ tao. Vợ tao lại đẻ ra mày mà mày lại không phải là con tao. Rõ thật là lẩn quà lẩn quẩn thế nào mày lại không phải là con tao ha...ha...đời kể cũng lạ lùng. Hôm nay tao vui, đến đây lại gặp cảnh chúng mày cũng đang vui ha...ha...
- Bố! Bố say rồi. Con Măng đã mặc xong quần áo từ trong giường bước ra. Bố lên giường mà nghỉ, con về đây. Khuya rồi bố không được ra phố nữa đấy!
- Con này tử tế nhỉ, tao không say. Mẹ kiếp tao đến trả công chúng mày sòng phẳng đây. Có làm có thưởng, có tội có phạt. Trong thời gian qua chúng mày đã giúp tao khối việc. Kinh rút xấp tiền đặt lên bàn. Mẹ kiếp, không biết thế nào số mình lại may mắn vậy. Qua một đêm đã vơ khối tiền, cứ như thể có quý nhân phù trợ. Hoà ơi, tao cảm ơn mày đã mách cho tao cái mối làm ăn này qủa là tuyệt vời. Mày chỉ là thằng lái xe mà giỏi giang đáo để, xứng đáng làm chồng con Măng.
- Chú Kinh, chúng cháu không giám nhận tiền của chú.
- Vẽ, khách khí làm gì, tao còn nhiều, rất nhiều ha...ha...
Kinh chệnh choạng bước ra đường. Đường phố vắng lặng. Thiên hạ biến đi đâu hết chỉ còn mỗi mình ta ha...ha... Ai bảo mình say. Thằng Kinh này mà say á.
o O o
Mục đích Nam về quê lần này lấy tư liệu, nắm tình hình “Hiện trạng nông thôn ngày nay” để có cơ sở làm luận văn tốt nghiệp. Từ ngày cưới vợ, chưa bao giờ Nam háo hức nằm ôm vợ như lần này. Dưới ánh đèn ngủ mầu xanh mờ ảo bao trùm căn phòng, gương mặt Tuyết có sức hút lạ kỳ bởi bộ quần áo ngủ mầu hồng lấp lánh kim tuyến. Đôi tay mềm mại điệu đà với những ngón tay khéo léo mở nút áo rất thành thạo. Thân hình Tuyết đầy gợi cảm. Tuyết ưỡn cong người lột bộ đồ ngủ, phô tấm thân trắng hồng lồ lộ đôi vú tròn đầy quyến rũ trước mắt Nam. Trong khoảnh khắc Nam lại nghĩ tới Thương Huyền. Hình bóng Thương Huyền luôn ám ảnh mỗi lần Nam nằm bên Tuyết. Hình bóng Tuyết và Thương Huyền lâu nay cứ nhập nhoà lẫn lộn. Nam mơ hồ nhận ra Tuyết chỉ như cái bóng vô hồn, còn Thương Huyền lại luôn là niềm khao khát trong tâm tưởng. Tuyết đang trong cơn hưng phấn nhưng đầu óc Nam lại vẩn vơ nghĩ tới bài luận văn tốt nghiệp về “Hiện trạng nông thôn ngày nay”
- Có rất nhiều người cho rằng hiện trạng nông thôn ngày nay đang dần bị huỷ hoại, bị mất đi cội nguồn gốc rễ, theo em nguyên nhân chủ yếu do đâu? Nam tỷ tê hỏi Tuyết.
- Do đâu á? do cái đầu của anh hư hỏng ngu đần thì đúng hơn. Làm thằng đàn ông mỗi cái việc ngủ với vợ cũng không xong còn làm được gì. Tuyết vùng lên như con hổ cái đưa hai cánh tay trần trắng ngần phũ phàng xô Nam ra khỏi giường. Nàng phát huy đúng vai trò của một chủ tịch xã đứng trên quan điểm lập trường giai cấp vô sản truy kích Nam tới tận cùng. Giọng Tuyết cay nghiệt, đúng là do cái đầu anh hư hỏng thật rồi. Ngày xưa đa phần người nông dân phải đi cày thuê cuốc mướn cho địa chủ, kiếm được bát cơm phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Đồng đất làng Đoài xưa đa phần là của ông bà nhà anh nên anh mới cảm thấy mất mát. Còn bây giờ người nông dân đã có ruộng cấy cày, có cơm ăn áo mặc làm sao lại bảo họ mất mát được. Từ chỗ cày cấy làm ăn riêng rẽ, giờ cả xã là một hợp tác, chỉ hồi kẻng là cả làng ra đồng, đêm đến nhà nhà điện sáng trưng. Căn cứ vào đâu anh dám bảo nông thôn đang bị huỷ hoại hả? Ba cái trò viết lách lăng nhăng loè thiên hạ của anh, anh tưởng qua được mắt tôi sao? Tôi thất vọng về anh. Bao năm trong quân đội, chẳng hiểu anh sống thế nào mà giờ vẫn lính trơn, đến cái “chính trị”cũng không có thì còn làm nên trò trống gì. Anh không bằng anh Vương nhà chú Kinh Cam, anh không bằng cái Na cái Mít mắt toét con ông Mật hoạn lợn chúng còn có chí tiến thủ biết phấn đấu vào đảng. Nghĩ mà xấu hổ cho anh...
Cô chủ tịch xã được dịp ôn lại những kiến thức cô học được trong chương trình trung cấp chính trị trên tỉnh. Thế là cái kế hoạch khai thác tư liệu từ vợ cho luận văn tốt nghiệp của Nam bị thất bại thảm hại.
Buổi sáng âm u không nhìn thấy mặt trời. Gió cũng lặng thinh, hàng hoè ngoài ngõ im phắc nghe rõ cả tiếng ong bay vù vù lượn lờ kiếm tìm mật ngọt. Dáng anh Câm khấp khởi tay cầm tờ báo háo hức bước vào sân chằm chặp nhìn Nam. Anh Câm muốn khoe chuyện gì đó hệ trọng lắm.
- Anh Câm có chuyện gì mà vui thế? Mẹ Nam đon đả hỏi, anh Câm huơ huơ tờ báo lên trời diễn giải theo ngôn ngữ của người câm. Những động tác bí ẩn của anh Câm chỉ có cô Lùn là hiểu được. Tuyết xách cặp ngoắc vào gi đông xe đạp dắt ra ngõ lừ mắt nhìn anh Câm.
- Nhà này còn ít chuyện hay sao mà còn định sang đây hóng hớt hả anh Câm? Anh Câm ú ớ giận dữ muốn bổ nhào vào Tuyết.
- Thôi, cô đi đi, đừng gây chuyện nữa. Nam níu tay anh câm, nói với Tuyết.
- Tôi thèm gây chuyện với anh sao? Anh tưởng cái chuyện anh viết trên báo văn nghệ tỉnh ra hôm qua là hay ho lắm sao. Anh chẳng biết phân biệt lập trường giai cấp gì, lại thiếu tinh thần xây dựng, nói xấu chế độ, bôi bác chính quyền.
Tuyết dắt xe đi, cô Lùn ghé tai Nam:
- Cậu có hiểu anh Câm nói gì không? Những chuyện về cô Tuyết đến anh Câm còn biêt, cả làng đều biết, chi mỗi mình cậu vẫn không biết gì.
Anh Câm minh hoạ bằng cách ôm cổ cô Lùn khiến cô Lùn đỏ cả mặt. Cô Lùn đẩy tay anh Câm ra, giải thích hành động bất thường của anh Câm:
- Cậu nên hiểu anh Câm dậm chân xuống đất, chỉ tay lên trời có ý là đất làng Đoài bây giờ quyền to nhất xã là cô Tuyết. Và cô Tuyết lại ngủ với người làm to như giời ở mãi trên tỉnh cậu hiểu chưa. Giời và Đất ngủ với nhau. Dân làng Đoài kháo nhau cô tuyết ngủ với Trần Tăng nên được làm chủ tịch xã. Chuyện này cả làng biết, anh Câm biết. Có điều cả làng biết mà không ai nói. Người hay nói nhất lại chính là anh Câm. Các cụ xưa thường bảo câm hay ngóng ngọng hay nói đấy thôi.
- Chuyện này thực hư ra sao hả mẹ?
- Mẹ đã có lỗi đã ép con lấy Tuyết ngày ấy. Mẹ buồn rầu nói, cũng bởi mẹ lo sợ, mẹ lo sợ đủ thứ.
Nam hiểu mẹ, trong chiến tranh cả chồng và con ra trận, mẹ không lo sao được. Bom đạn chúng có từ ai đâu. Giờ hoà bình rồi mẹ vẫn còn lo. Thiên hạ đồn đại bao nhiêu chuyện, toàn những chuyện kinh hoàng. Một mình mẹ gánh vác danh gia dòng tộc Hoàng Kỳ. Những người được chia qủa thực hồi cải cách đã bỏ đi hết, từ vợ chồng Đào Kinh, mẹ con bà Cháo, giờ chỉ còn lại mỗi cô Lùn vẫn ở gian nhà ngang đầu ngõ. Tuyết thì bận công việc hội họp suốt ngày, bố mê mải việc quân cơ, một năm mới nghỉ phép về một lần rồi quáng quàng ra đi khẩn cấp hết chiến dịch Tây Bắc lại Tây Nam. Hoàng Kỳ Nam ra quân vùi đầu vào học, vừa học vừa viết quên cả mẹ, quên cả cô vợ ở nhà đã phấn đấu lên tới chức chủ tịch xã. Bạn bè hỏi sao Nam ít về không sợ vợ cắm sừng sao, Nam tếu táo bảo, cô ấy là chủ tịch đã có hội đồng nhân dân giám sát chặt chẽ lo gì. Nói cho vui vậy, thực ra từ sau ngày cưới, cả Nam và Tuyết đều nhận ra giữa hai người có một khoảng cách rất xa, từ quan điểm, sở thích, cách sống đều trái ngược nhau như nước với lửa. Tuyết thì mông muội, thực dụng, háo danh hãnh tiến. Từ cô bí thư đoàn xã, học qua lớp chính trị, phắt cái lên phó chủ tịch rồi chủ tịch xã. Người làng Đoài bình luận, cô chủ tịch xã Chiến Thắng mình trông rất có duyên ở đôi má núm đồng tiền, ăn nói dễ nghe lại thông minh đọc được ý người khác, nay mai có khi còn lên huyện nữa. Nam nhận ra mẹ sợ Tuyết, sợ những toan tính của Tuyết. Tuyết bảo, thế hệ mẹ xưa chỉ chăm lo ôm giữ khư khư lấy cái đức nên chả làm được gì. Người phụ nữ muốn làm chính trị, ngoài tài đức và thời thế còn phải biết kết hợp cả cái duyên cái sắc nữa. Từ ngày lên chủ tịch, Tuyết coi Nam là kẻ sống không có chí tiến thủ, không làm nên công trạng gì, kể cả chuyện chăn gối vợ chồng cũng nhạt thếch. Sự việc xảy ra đêm qua khiến Tuyết càng căm giận Nam.
Và lúc này Tuyết không ở nhà, Nam ngồi vào bàn viết đơn ly hôn. Tâm trí Nam tê buốt bởi những từ ngữ cay đắng trong lá đơn đã kết thúc cuộc tình duyên dang dở giữa Nam và Tuyết. Viết xong đơn Nam vào giường nằm thiếp đi. Nam mơ một giấc về quá khứ thấy gương mặt ông nội ngạo nghễ cười trên chiếc xe ngựa chạy lóc cóc chở Nam và lũ trẻ chạy quanh đường làng Đoài. Gương mặt mẹ ngời ngờỉ trong đêm trung thu nhìn theo những ngọn đèn giời của dân làng Đoài thả lên trời cao gửi tới chị Hằng ngọn lửa thắp sáng những vì sao trên trời. Nam miên man về dĩ váng xa xôi, những âm thanh kinh hoàng của tiêng súng trường đanh gọn đến rợn người của đội du kích chú Kinh xử bắn ông nội Nam trên đấu trường ngoài cánh Mả Rốt. Ông nội tựa cột, áo quần nát bươm rỉ ra những vệt máu loang lổ bởi những tay súng cừ khôi của đội du kích Đào Kinh. Và tiếng súng tiếng bom trong đêm Mậu Thân 68 vang vọng trong dinh thự Đức Cường. Gương mặt Thương Huyền thánh thiện bị thằng Vương chiếm đoạt trong đêm bom pháo mù trời, còn anh Đức Thịnh bị thương nằm tuyệt vọng trong căn hầm ngoài khu vườn có lối thông ra bờ sông. Mẹ chị Thu Cúc bảo căn hầm có từ thời đánh Pháp, ông bà Đức Cường nuôi giấu cán bộ. Đêm đêm những chiến sĩ cách mạng chui từ cái ngách nhỏ ngoài sông để vào dinh thự Đức Cường nhận lương thực đưa ra vùng giải phóng. Những đêm yên bình các chiến sĩ nằm vùng còn chui ra ngoài ngồi ngắm dòng sông thao thiết trôi mãi ra biển cả...Có tiếng va đập vào tâm não, tiếng Tuyết lạnh gai người. Nam choàng tỉnh, Tuyết về từ khi nào đọc được tờ đơn ly hôn Nam đã viết để trên bàn.
- Anh định tống khứ tôi đi dễ vậy sao? Tuyết lu loa, chắc con đĩ có con lai Mỹ trong kia nó lại hút hồn rồi phải không?
Tuyết cầm tờ đơn xé vụn từng mảnh tung lên như những cánh bướm trắng bay lởn vởn trước mắt Nam. Tuyết cười hơ hớ thách thức. Khuôn mặt đẹp như con gái thuỷ thần của Tuyết có màn sương khói băng giá bao phủ. Tuyết đặt chiếc cặp lên bàn lấy ra tờ giấy đặt trước mặt Nam. Đôi mắt sắc lẹm của Tuyết nhìn Nam như đổ lửa.
- Anh đọc đi rồi ngẫm cho kỹ xem mình sạch sẽ đến mức nào.
Nam bàng hoàng nhìn dòng chữ nhảy múa trước mắt.
Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập Tự Đo Hạnh Phúc
Kính gửi: UBND xã Chiến Thắng.
UBND Quận... Thành phố...thông báo để UBND xã Chiến Thắng và gia đình anh Hoàng Kỳ Nam biết, trong những năm chiến tranh, anh Hoàng Kỳ Nam là bộ đội, thuộc đơn vị E... Quân khu 5 đã quan hệ bất chính với chị Nguyễn Thương Huyền, con gái của nhà tư bản Đức Cường. Chị Thương Huyền đã có một quá khứ không rõ ràng, có con với lính Mỹ. Để đảm bảo hạnh phúc lâu bền cho gia đình anh Hoàng Kỳ Nam, chúng tôi có trách nhiệm thông báo cho chính quyền xã và gia đình anh Hoàng Kỳ Nam biết để có biện pháp theo dõi, ngăn chặn mối quan hệ bất chính của anh Nam, bảo vệ hạnh phúc vẹn toàn cho gia đình và bản thân anh Nam.
Ngày...tháng...năm
Chủ tịch UBND Quận. Nguyễn Thu Cúc
o O o
Đám cưới Măng, Trần Tăng chỉ viết vào mảnh giấy mấy chữ đưa xuống văn phòng, mọi việc đâu vào đấy. Thời buổi bao cấp, Măng lại là cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống số1 của thị xã nên khoản chè thuốc thực phẩm cho đám cưới khỏi lo. Trang trí hội trường đã có đội quân của văn phòng uy ban tỉnh đảm trách. Đón khách quê ra đã có nhà khách uỷ ban tha hồ rộng rãi. Trần Tăng chỉ thị cho ông tổng biên tập báo phân công Hoàng Kỳ Nam nhận nhiệm vụ chụp ảnh. Tổng biên tập nói, chẳng gì cậu cũng là đồng hương với cô dâu.
Cô Cam diện áo cánh trắng quần lụa đen Măng mới gửi về biếu mẹ. Cam tung tẩy cầm tập thiếp cưới con gái sang mời Yến Quyên, mời Tuyết và Cô Lùn.
- Cô phải đi với cháu đấy nhá. Cam vắn véo đưa giấy mời cho Yến Quyên. Tôi bảo Trần Tăng cho xe ôtô đón đưa mình đi về đàng hoàng. Với lại, cô Yến Quyên phải ra tỉnh xem cậu Hoàng Kỳ Nam sống sao, lâu nay không thấy cậu ấy về.
Đưa giấy mời cho Tuyết, cô Cam lại bảo:
- Chị Tuyết phải đi nhá! Chị đại diện cho cánh nhà quê chúng mình ra tỉnh. Với lại ra đấy nhân thể thăm dò thái độ anh Nam nhà chị xem sao? Tôi xem chừng cánh đàn ông ra tỉnh dễ hư hỏng lắm. Cô ngẫm mà xem từ Trần Tăng đến tay Kinh nhà tôi, rồi cả cậu Nam nhà cô cũng giống nhau cả thôi.
- Cô đã đuổi chú ấy đi còn ca thán nỗi gì. Tuyết cười, nhìn cô Cam nói mát.
- Tôi cũng nói cái sự thực nó là thế, chứ kệ thây họ. Phận đàn bà như mình, có thân thì lo, thích gì làm nấy, chiều chuộng họ để rồi họ lại cưỡi lên đầu lên cổ. Chẳng gì chị cũng là cán bộ xã, chuyến này ra ngoài ấy, xem Trần Tăng xử sự thế nào với chị. Còn tay Kinh, bố thằng Vương nghe đâu thiên hạ kháo nhau dạo này làm ăn trúng quả mua được ngôi nhà to lắm ở xóm hoa Kiều. Con mụ người Hoa của lão tút về bên kia rồi nên bây giờ chỉ thân một mình thôi. Tôi biết ngay lão Kinh chỉ vơ bèo vạt tép loại mèo mã gà đồng, nó bỏ đi có thương xót gì lão đâu. Lần này ra phố cũng phải thể hiện cho họ biết cánh nhà quê chúng mình chẳng kém chi. Tôi mặc bộ cánh này được không? Còn cô Yến Quyên mà diện vào bọn gái phố lác mắt. Còn chị Tuyết thì đường đường là chủ tịch xã cơ mà...
Tuyết nhận ra cô Cam vẫn còn ấm ức trong lòng với cả hai người đàn ông là Đào Kinh và Trần Tăng. Họ đã bỏ cô mà đi mấy năm nay. Trần Tăng thì lôi được con Măng ra phố là không còn đoái hoài gì đến cảnh cô Cam phải lủi thủi một mình ở làng.
Còn Tuyết tuy bận mải với công việc làng xã nhưng đêm nằm ôm gối nghĩ đến Hoàng Kỳ Nam lại thấy buồn nẫu gan ruột. Nam với Tuyết lâu nay như mặt Trăng mặt trời. Nhân tiện đám cưới Măng, Tuyết cũng muốn ra phố xem tình hình Nam sống ra sao.
- Cô yên tâm, cháu sẽ đi dự đám cưới em Măng, Tuyết vui vẻ nói để cô Cam yên lòng.
Từ nhà Yến Quyên về, còn một cái thiếp mời dự phòng, Cam quyết định mời Cảo chăn vịt. Chẳng gì Cảo cũng đã cho mình những phút giây sung sướng. Với lại cũng cho Cảo đi ngao du thành phố cho biết. Cả đời Cảo lầm lũi cắm mặt trên đồng đất làng Đoài chả biết phố xá là đâu. Ngày Cam chuyển nhà ra đầu cầu, con Măng lên tỉnh học, đêm đến Cam buồn vẩn vơ hay nghĩ đến hình bóng tay Cảo chăn vịt. Mỗi lần muốn ra với Cảo, Cam lại lấy cớ mang cho Cảo miếng mít thơm, hay nải chuối chín mua ở chợ Hồi làm quà. Hú hí no nê, khi về Cảo lại dúi vào tay Cam chục trứng vịt mới đẻ. Lần nào ra với Cảo là cả đêm hai người thức trắng không ngủ, sáng ra Cam cầm chục trứng vịt về cũng bỏ luôn cả việc đồng áng nằm ngủ vùi tới trưa mới dậy. Thực tình Cam thầm biết ơn người đàn ông lực điền có thân hình săn chắc như Cảo đã làm dịu những cơn khát thèm luôn dâng lên trong lòng Cam. Lần này Cam muốn mời Cảo ra thành phố dự đám cưới con Măng cũng bởi cái tình cái nghĩa thế. Cam hí hửng mang thiếp mời ra lò vịt. Con chó vàng nhận ra Cam, nó vẫy đuôi mừng quýnh. Con chó đã quen hơi, quen tiếng quên béng cú đòn đau ngày nào của Cam. Cam cầm tấm thiếp hồng rực cười lả lơi đưa cho Cảo.
- Đi ra thành phố cho biết đó biết đây chả sướng.
- Sướng cũng không bằng cánh mình với nhau ở đây. Cảo cười tý toét thọc tay vào ngực Cam.
- Nỡm ạ ban ngày ban mặt. Cam lúng liếng gạt tay Cảo ra.
- Nói chơi thôi, đây mà đi để lũ vịt chết đói à?
- Kiếm người trông hộ không được sao? Cam năn nỉ.
- Tớ bây giờ thân một mình được đằng ấy thương là sướng rồi chẳng cần chi hết.
Cảo nhanh như chớp bế bổng cô Cam vào trong lều. Cam không còn cơ hội nào nhắc đến chuyện thiếp mời đám cưới. Con chó cứ chạy vòng quanh nhà nhìn chủ vật nhau với khách, thi thoảng nó lại hoắng lên sủa ong ỏng. Cam cười rinh rích. Cảo rỉ tai Cam:
- Thi thoảng đằng ấy ra với tớ thế này tớ chả mơ ước gì hơn.
- Rõ là dơ. Cô Cam ngúng ngoảy đấm thùm thụp vào ngực Cảo.
- Không để dành sức lực mấy bữa nữa lên tỉnh gặp tay Kinh sao? Cảo nói.
- Đây thèm vào, loại đàn ông phụ tình. Tay Kinh đừng hòng đụng vào đây nhá. Cũng vì Trần Tăng đang chức đang quyền mình phải giữ gìn cho hắn, cho con Măng nên mới để tay Kinh đứng danh nghĩa làm bố. Cả như đây quên luôn.
- Khổ thân tay Kinh xưa nay vẫn nuôi con tu hú.
- Tay Kinh đáng phải thế.
- Bây giờ sướng nhất lại chính là cô Cam.
- Chứ sao, tôi ở hiền gặp lành thần thánh phù hộ.
- Trần Tăng hồi này đối với cô thế nào?
- Đối với tôi thế nào tôi chả cần. Cô Cam ngúng nguẩy, người ta vênh vang chốn quan trường như thế mình phải giữ cho họ, dù sao Trần Tăng cũng là bố con Măng. Tôi trông cậy vào con Măng sau này chứ hám gì loại đàn ông có quyền có chức như Trần Tăng gái bâu vào như ruồi. Giờ nó thiết gì mình. Tôi là tôi quý cái tình cái nghĩa, cứ như đằng ấy thế này dù phải chăn vịt cũng sướng. Cam thủ thỉ cả đêm với Cảo. Đồng đất làng Đoài nghe âm vang mãi trong lòng Cam.
o O o
Từ ngày trốn khỏi làng Đoài, bữa nay Đào Kinh mới thực sự nở mày nở mặt kiêu hãnh trước mụ Cam, trước mọi người. Chẳng gì trong tay Kinh lúc này có khối tiền và vàng. Thắng đậm phi vụ tổ chức cho người vượt biên, Đào Kinh may luôn bộ comlê mầu đen bữa nay mới có dịp thể hiện nom rõ oách. Kinh thể hiện vai ông bố cô dâu hoàn hảo trước quan khách. Kinh tỏ ra tự nhiên đứng ngoắc tay áp má mụ Cam chụp ảnh cùng với con Măng và Hoà.
- Rời khỏi đồng đất làng Đoài trông ông tiến bộ hẳn, cứ như thể giám đốc. Đào Kinh phổng mũi nghe Cam rỉ tai khen.
- Cũng may mà cô đuổi tôi đi nên đời tôi mới đươc thế này. Đào Kinh nói to cố để mọi người nghe thấy.
- Thôi, vừa gặp đã lại thế rồi, Tuyết nói. Cô chú đứng sát vào nhau cười tươi lên để chụp ảnh.
Tuyết cũng cố thể hiện tự nhiên trước ống kính của Hoàng Kỳ Nam. Bữa nay Nam nhân vai “phó nháy” chạy lăng xăng chụp hết cảnh này kiểu nọ. Mấy lần Nam mải mê xô cả vào Tuyết mà anh vẫn không nói gì. Từ bữa Tuyết xé lá đơn xin li hôn đến nay hai vợ chồng chưa lần nào gặp nhau. Tuyết buồn thấy Nam vẫn lạnh nhạt với mình liền đưa mắt tìm Trần Tăng. Trần Tăng đang say sưa chuyện trò cùng Yến Quyên khiến Tuyết bỗng chạnh lòng ghen tức. Trong tiếng nhạc xập xình, ngồi trước bà con hai họ bạn bè con Măng, Kinh vẫn phải lịch sự cười nói vui vẻ. Kinh không ngờ mới có mấy năm mà nàng Cam thay da đổi thịt hẳn, nom mơn mởn đầy sức sống. Có lẽ hạnh phúc nhất lúc này lại là nàng Cam. Cam cười nói mời chào mọi người hồn nhiên. Nhìn vào đôi mắt nàng Cam vẫn long lanh đĩ thõa như ngày nào, càng gợi nên cho Đào Kinh nỗi đau nhức nhối. Tiếng pháo nổ giòn giã một hồi dài, cả hội trường quan khách đông nghẹt. Bánh kẹo thuốc lá bia chai bày kín bàn, khách ăn uống thoả thích. Khách nhà quê ra tấm tắc khen đám cưới này to nhất hàng tỉnh. Hoàng Kỳ Nam phải chụp ảnh từng bàn một để ghi lại đủ gương mặt từng vị khách đến dự. Nam chụp đến kiểu cô dâu chú rể đứng trước nền phông xanh giữa có đôi chim bồ câu với hai chữ cắt lồng vào nhau “Hoà- Măng”, rồi kiểu cô dâu chú rể đứng với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, kiểu hai ông bà thông gia... Có lúc Kinh thừ người ngơ ngơ nhìn Cam quên cả bổn phận của mình trước quan khách. Cô Cam khẽ hích tay vào sườn Kinh một cái, nhắc nhở Kinh phải tự nhiên trước nhiệm vụ của mình.
- Không mấy khi có cuộc hội ngộ này, đề nghị tất cả mọi người đứng vào chụp một kiểu với đồng chí chủ tịch tỉnh. Ông tổng biên tập báo nói, kéo tay từng người đứng vào hàng.
Trần Tăng phấn chấn đứng vào giữa hàng. Phía bên phải Trấn Tăng là Tuyết, đến vợ chồng Kinh Cam, bên trái Trần Tăng là Yến Quyên, cô Lùn.
- Chả mấy khi được chụp ảnh đông đủ thế này. Cô Cam háo hức nói, giá mà Hoàng Kỳ Trung nhà cô Yến Quyên với thằng Vương nhà tôi mà về được thì thật tuyệt vời. Thật là tiếc, trong số người làng Đoài ta ra phố sinh sống bữa nay vắng mặt mấy mẹ con bà Cháo. Tình hình biên giới căng thẳng tôi không biết mấy mẹ con bà ấy giờ phiêu bạt nơi đậu.
- Cậu Nam cũng phải đứng vào đội hình để chụp một kiểu chứ. Tay chánh văn phòng uỷ ban nói và cầm lấy chiếc máy ảnh từ tay Nam.
Cô Cam kéo Nam đứng cạnh Tuyết.
- Cô cậu phải đứng vào đúng chỗ của mình chứ. Cô Cam nói.
Nam buộc phải đứng cạnh Tuyết để cho tay chánh văn phòng uỷ ban chụp kiểu ảnh cuối cùng trong tiệc cưới Măng. Một đám cưới thật đặc biệt to nhất hàng tỉnh, một đám cưới mà tay nhà báo quèn Hoàng Kỳ Nam đã ghi lại được những khoảnh khắc sống động của những gương mặt người làng Đoài.
Rửa xong cả ba cuộn phim, Nam mang về phòng riêng ngồi xem lại toàn bộ những tấm ảnh đã chụp để soạn riêng từng kiểu cho vào phong bao. Lúc này nhìn kỹ những gương mặt người làng Đoài hội tụ đông đủ trong từng tấm ảnh, Nam có cảm giác cứ như thể ông trời cố tình xếp đặt số phận cho từng người. Họ vừa phải níu kéo ràng buộc nhau, lại vừa cả xô đẩy căm thù nhau nữa. Nhưng cho dù thời thế có xoay vần đến đâu họ lại vẫn phải cười vui và chấp nhận- chấp nhận suốt cả đời người với nhau. Nhìn gương mặt Trần Tăng trong ảnh lúc này giống vị cha cố ban phát phước lành cho các con chiên ngoan đạo. Trần Tăng đây- một nhà chính trị tài ba- một chủ tịch tỉnh năng động - một tay đàn ông đa đoan đa tình láu cá khôn vặt và cũng rất lưu manh. Tất cả, tất cả những đức tính vượt trội đó đều có trong dòng máu Trần Tăng, được Trần Tăng điều chỉnh rất hài hoà, giống như một danh hoạ pha mầu rất tài hoa để vẽ lên bức tranh đời mình. Cô Cam trong ảnh cười trông rõ tươi, đầu hơi nghiêng về phía Trần Tăng. Nam hiểu rõ cô Cam tính khí hơi đồng bóng thất thường, lúc yêu lúc ghét. Quý ai thì cô bốc họ lên mây, ghét ai thì coi như chó như mèo. Nói tới cô Cam có người lại khen là giỏi nhất làng, sai khiến được cả Trần Tăng to nhất hàng tỉnh: Con trai đã là sĩ quan quân đội, con gái làm chức cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm số1 của tỉnh. Kẻ ghét cô Cam lại bảo mụ là con chó cái hứng tình sẵn sàng đi hoang với cả làng. Hoàng Kỳ Nam cầm tấm ảnh Đào Kinh nhận ra sự mỉa mai, Đào Kinh đứng cạnh Cam mà mặt đuồn đuỗn vô hồn. Kinh đứng đây chỉ là thằng bố hờ. Dù Kinh có nuôi con Măng từ bé nhưng giờ cái bóng Trần Tăng lớn quá, lớn tới mức bao trùm lên tất cả. Bao trùm cả nàng Cam, cả Tuyết, cả Kinh. Chả thế mà ông tổng biên tập bảo Nam chuẩn bị mang máy ảnh đi chụp đám cưới Măng theo lời đề nghị của Trần Tăng, Nam phải chấp hành. Danh chính ngôn thuận Tuyết vẫn là vợ Nam, nhưng trong thâm tâm Nam muốn rũ bỏ hết mọi chuyện. Chẳng hiểu sao Nam cầm mãi tấm ảnh nhìn kỹ khuôn mặt Tuyết lúc này, không ngờ Tuyết lại là người đàn bà lạnh lùng nanh nọc đến vậy. Yến Quyên mẹ Nam trong ảnh đứng bên phải Trần Tăng. Yến Quyên xuất hiện trong tấm ảnh như là định mệnh. Mẹ hết lòng yêu bố mà phải chịu nhiều khốn khổ cô đơn khắc khoải suốt cả cuộc đời. Nghĩ về mẹ, Nam thấy mình là kẻ bất hiếu vô dụng không giúp gì được cho mẹ. Nghĩ về mẹ, Nam lại thấy căm thù tất cả, căm thù cả cái duyên trời định. Bố thì cứ đi biền biệt không về. Và cả cái làng Đoài có ai hiểu cho nỗi lòng mẹ. Nhìn những gương mặt trong bức ảnh chụp trong ngày cưới Măng, Hoàng Kỳ Nam thấy lòng se lại.
o O o
Sau đám cưới, được thiên hạ nức nở khen Măng là người phụ nữ đứng đầu hàng tỉnh trên mọi phương diện: Vừa trẻ đẹp, lại là cửa hàng trưởng cửa hàng bách hoá tổng hợp, một chỗ đứng mầu mỡ nhiều người mơ cũng chẳng được trong thời buổi mọi thứ đều khan hiếm. Cán bộ công nhân chia nhau từng cái kim sợi chỉ, một bánh xà phòng, một chiếc khăn mặt phải cắt làm đôi. Măng được mọi người săn đón nhờ vả, xe đưa xe đón như một nữ hoàng. Sẵn có cái thế hậu thuẫn đứng sau bố đẻ Trần Tăng là chủ tịch tỉnh, Măng coi thiên hạ như cỏ rác. Cánh mày râu có chức tước trong các ban ngành của tỉnh lao vào như bầy ruồi vo ve trước bát mật ngọt. Anh chồng mang thân phận lái xe cho bố vợ ghen lồng lộn mà không làm gì nổi Măng. Khôn ra chịu hèn thì sướng, làm phật ý vợ là có ngày đứng đường. Cả tỉnh này ai chả biết Trần Tăng quyền uy lẫy lừng thiên hạ. Canh lái xe láu cá hiểu rõ cảnh “chó chui gầm trạn” của Hoà, hay chọc ghẹo khiến Hoà luôn sống trong cảnh vừa bức bối vừa phải nhẫn nhục chịu đựng. Chịu đựng nhẫn nhục lâu, bản tính Hoà trở nên nhu nhược bất cần. Miễn sao Măng làm được nhiều tiền, ăn gì cũng có, mặc gì cũng chiều. Nhiều lần Măng điên lên tứa tát vào mặt chồng.
- Giữa thời buổi thiên hạ đói rách, vợ chồng được như thế này, anh còn đòi hỏi gì nữa. Anh tử tế để yên tôi làm ăn thì đời anh còn có hy vọng làm người, anh mà nghe thiên hạ giở trò với tôi, anh đi ăn mày có ngày.
Mỗi lần Măng nổi đoá lên, Hoà im thít không dám cãi nửa lời. Hoà lẳng lặng ra quán ba cô uống rượu. Nhìn vẻ mặt đưa đám của Hoà, cô chủ quán hiểu ngay anh chàng đang bị vợ o ép. Cô chủ quán cũng thật thạo đời biết làm cho anh chàng Hoà hài lòng.
- Thôi, đã ra đây với chúng em thì tươi cái bản mặt lên, chị ấy không chiều thị chúng em chiều. Chúng em sẽ chiều ông anh hềt mình.
Được lời ngọt ngào, Hoà thấy thoả tấm lòng, có bao nhiêu tiền dốc sạch vào bia rượu, gái non gái già đủ loại. Mọi chuyện của Hoà Măng biết hết nhưng cũng mặc, miễn sao Hoà để cho Măng được tự do, tự do cả trong làm ăn, cả trong tình ái. Măng coi Hoà là bù nhìn trông coi vườn cây đang kỳ tươi tốt rực rỡ nhất của mình. Đôi lúc uống vào quá chén, cái thằng bù nhìn cũng thăng hoa, biến Hoà thành đấng nam nhi đầy dũng khí.
Đang say sưa trong quán ba cô, thằng Tạch lái xe cho chánh văn phòng uỷ ban bỗng vác cái bản mặt khoái chí vào lu loa.
- Chỉ phét lác cái miệng, có giỏi thì về nhà mà xem hàng xóm họ nhìn thấy cô vợ xinh đẹp nết na đang hú hí với nhân tình ở nhà đấy.
Đang trong cơn say bị kích động, Hoà mượn con dao nhọn ở quán Ba Cô hùng hổ về nhà đập cửa rầm rầm.
- Mẹ con đĩ Măng, ông đã phải nhịn nhục làm ngơ để cho mày muốn ngủ với thằng nào thì ngủ nhưng đừng rước giai về nhà này. Mày có còn là con người nữa không hả con vợ lăng loàn kia.
Phía trong cánh cửa tiếng Măng the thé rít lên:
- Anh bảo tôi lăng loàn a? Chính anh mới là thằng đàn ông khốn nạn, suốt ngày rúc vào váy mấy con đĩ ở ngoài cái quán thối tha ấy. Đây nói cho mà biết nhá, mấy lần công an phường bảo với tôi nhưng tôi không muốn anh và mấy con đĩ ấy vào tù nên tôi tha cho mà vẫn không biết điều sao? Rõ là đồ khốn kiếp. Còn ngôi nhà này là tiền tôi mua, anh có quyền gì cấm được tôi. Trong túi rỗng không có một xu đóng góp, chỉ vác dái về ở con đe lẹt gái này được sao? Khôn hồn tử tế thì đây mở cửa cho mà vào, không thì cút xéo đi.
Lời nói của vợ bên kia cánh cửa như bát nước đá hắt vào mặt khiến Hoà bừng tỉnh.
- Nhưng anh nghe người ta bảo em dẫn giai về nhà, Hoà nói ngọt.
- Đây dẫn trai về nhà đấy, xem anh làm gì nào? Măng tru lên giận dữ, người ta chơi có nơi có chốn có nhà có cửa giường chiếu chăn hoa gối đệm với cán bộ nhà nước có chức có quyền hẳn hoi chứ chả như cái loại suốt ngày dấm dúi như chó giái ở ngoài ổ điếm thì còn sĩ diện với ai? Từ rầy còn giở trò gái này cho ngồi tù rục xương...
Hoà lảo đảo bước ra phố, tay vẫn nắm chặt con dao mà không biết chém ai. Ra tới quán ba cô, Hoà chửi đổng:
- Mẹ thằng Tạch rõ mách qué chi xiên xui dại ông, ông mà thấy mặt ông chém chết.
Sáng hôm sau, Hoà buồn tình đến gặp Đào Kinh để trút bầu tâm sự. Đào Kinh đang hoang mang có tin đồn công an đang điều tra phi vụ Kinh tổ chức cho người vượt biên, nhìn thấy Hoà, Đào Kinh tái mặt, ngỡ Trần Tăng cho Hoà đến báo tin dữ.
- Trần Tăng bảo mày đến phải không? Có chuyện gì nói đi. Mẹ kiếp, Đào Kinh tao mà phải vào tù thì cái ông Trần Tăng, bố vợ yêu quý của anh cũng sẽ vào ngục.
- Bố nói hay thật, con biết sang với bố là thế nào cũng được uống rượu. Bố rót con xin chén. Chà, rượu của bố quả là ngon tuyệt. Hoà nói nịnh khi thấy Đào Kinh đang ngất ngư với chén rượu trên tay, con xem ra trên đời này chỉ có rượu là bạn tri âm nhất. Con biết bố cũng đang uất ức vì bố vợ Trần Tăng con, còn con đây cũng đang uất ức vì vợ con. Vậy là hai bố con ta đều uất ức bởi hai bố con Trần Tăng.
- Con Măng nó làm sao mà anh phải uất ức? Đào Kinh gắt, tôi nói để anh biết, tôi giận là giận thằng bố đẻ Trần Tăng nó chứ không giận nó. Bao năm tôi nuôi nó tôi biết, nó là đứa con gái ngoan, chịu thương chịu khó. Từ ngày nó theo Trần Tăng ra đây với anh, hai thầy trò anh đã làm hỏng nó. Nó hư đốn là tại anh, tại Trần Tăng.
- Bố không thể tưởng tượng cô con gái nuôi của bố đã hư đốn tới mức nào đâu. Hoà than vãn, bề ngoài ai cũng ngỡ nó là người phụ nữ giỏi dang xinh đẹp nhất nhì cái tỉnh này. Bố có biết tối qua nó rước cả giai về nhà mà vẫn già mồm đe doạ con. Con chỉ dám nói chuyện này với bố thôi. Bố phải bảo nó giúp con.
- Anh biết chắc nó rước giai về sao không báo công an?
- Bố rõ ngây thơ, mấy anh công an phường làm gì được cô ấy. Với lại công an họ chẳng dại gì mà dây vào, không khéo cô ấy cho tuột xích liền.
Đào Kinh ngẩn người, thấy Hoà nói đúng. Biết chắc vợ mình ngủ trong nhà với giai mà Thằng Hoà đếch làm gì được. Thời buổi bây gìơ cũng rõ thật là...Chẳng khác chi mấy chục năm về trước, Đào Kinh cũng bắt qủa tang Trần Tăng ngủ với nàng Cam Quýt Mít Dừa ngay trên gường của mình mà có làm đếch gì được đâu. Con Măng bây giờ cũng giống mẹ Cam nó xưa.
- Rõ nghiệp chướng, nghiệp chướng! Đào Kinh rót thêm cho Hoà chén rượu nữa, an ủi, đúng là hai bố con mình cùng cảnh ngộ. Ta cũng đang ngờ chuyện đưa người vượt biên của ta cũng do Trần Tăng âm mưu xếp đặt. Mẹ kiếp, cứ ngỡ đã thoát được con qủy ác độc đó, ai ngờ càng ngày nó càng bủa vây giương móng vuốt ra với mình.
o O o
Kinh đang ngồi trông chờ tin thằng Tráng đưa thuyền sang Hải Phòng giấu thì mấy mẹ con bà Cháo kéo vào khóc hu hu.
- Chú Kinh ơi, mấy mẹ con tôi trắng tay rồi. Bà Cháo khóc than kể lể, nhà cửa chẳng còn, cả ba đứa con gái tôi, con Mây, con Mẫn con Thuần đều mất chồng mất con, giờ chẳng mặt mũi nào trở về làng Đoài nữa.
- Mấy mẹ con bà có thấy tin tức gì cô Mai nhà tôi không? Kinh bồn chồn hỏi.
- Chạy cuống cuồng đi hết cả rồi, bà Cháo nói, nghe đồn tất cả những người Hoa về bên kia đều bị dồn vào một khu riêng biệt, cũng khốn khổ chứ sung sướng gì. Mẹ con tôi từ biên giới vào đây mấy ngày nay bơ vơ, may mà gặp cô Măng nhà chú mới biết chú ở đây. Con Mây con Mẫn con Thuần nhà tôi giờ thành gai goá thế này đây.
- Ơi giời cao đất dày ơi, ới con ơi là con, thằng Trong, thằng Trung của mẹ. Nghe bà Cháo kể lể với Đào Kinh, Mây khóc rống lên như điên, chạy quanh nhà.
- Làm sao mà phải khóc, Đào Kinh gắt lên, nó bỏ mình thì mình lấy chồng khác.
- Cháu đã bị thằng chồng cháu nó lừa rồi chú kinh ơi, Mây nói, tại cháu đã quá tin chồng cháu, đưa hai thằng con cho nó gửi vào bản ai ngờ lần sau lên thăm, cháu chỉ nhận được mẩu giấy vẻn vẹn mấy chữ “ Con chúng mình đã chết, anh chẳng muốn sống nữa! Vĩnh biệt em” Mây lại tu lên khóc.
- Chị khóc lóc mãi chẳng ích gì, con Mận con Thuần ôm lấy chị Mây an ủi, chúng em cũng có khác gì chị, chồng con nó cũng bỏ về bên kia cả, thôi thì thời vận nó đến mình đành chịu. Quan trọng bây giờ phải lo cuộc sống của chính mình đây này.
- Trước mắt mấy mẹ con cứ ở lại đây đã, Đào Kinh nhìn mấy mẹ con bà Cháo ái ngại nói.
- Chú Kinh giỏi nhỉ, mua được nhà cửa khang trang thế này, bà Cháo nói.
- Giỏi nỗi gì, Đào Kinh than phiền, nhà cửa đây là của một gia đình người Hoa để lại, nghe vợ chồng con Măng nói, công an đang điều tra việc làm ăn phi pháp của tôi, phải vào tù có ngày. Mẹ kiếp đời chó má thật, chị có biết kẻ nào cố tình cho tôi vào tù không? Trần Tăng đấy, thằng bố đẻ con Măng đấy! Nó là con quỷ đội lốt người. Nó ám cả đời tôi, nó ngủ với mụ Cam nhà tôi đẻ ra con Măng. Tôi đã phải chịu đóng vai bố hờ nuôi con Măng cho hắn, thế mà hắn nỡ tìm mọi cách đưa tôi vào tù. Mẹ kiếp, tôi mà phải vào tù tôi sẽ giết hắn.
- Thôi chú Kinh ơi, tôi van chú, bà Cháo nói, người ta có quyền có chức trong tay, mạnh như gia tộc Hoàng Kỳ Bắc, Kỳ Trung còn phải lụi tàn trong tay Trần Tăng nữa là.
- Trước mắt cũng đành nuốt nhục, Đào Kinh thở dài, may mà mấy mẹ con chị vào đây thì ở luôn đây với tôi. Tôi đang lo lỡ tôi có chuyện gì, mẹ con chị trông ngôi nhà này giúp tôi. Đêm nay tôi phải sang Hải Phòng có việc quan trọng, nếu có ai hỏi tôi, chị cứ nói tôi về quê có việc. Thú thực với chị, tình hình căng thẳng tôi lánh tạm ít ngày.
- Chú cứ việc đi, nhà cửa để mẹ con tôi trông cho.
Bà Cháo bảo con Mẫn con Thuần quét dọn nhà cửa. Mây cứ ngơ ngẩn nhìn ngó lên trời. Mấy ngày nay tâm trí con Mây thất thường, nó phát điên mất. Cầu trời cho con Mây mau chóng qua khỏi cơn hoạn nạn này. Bà Cháo lo lắng nhìn con Mây, nhìn trời. Bầu trời âm u bao trùm lên cái xóm nhỏ Hoa Kiều xơ xác.
Đào Kinh bảo bà Cháo nấu nồi cơm nếp, thịt con gà, hôm nay là ngày giỗ đầu ông lão Hoa Kiều, chủ ngôi nhà này. Kinh thực hiện đúng lời cam kết chăm sóc ông cụ cả khi cụ còn sống và khi cụ chết. Kinh dọn quét ban thờ, thắp hương mời hương hồn cụ về chứng giám tấm lòng thành của Kinh. Bà Cháo xới đĩa xôi đặt lên ban thờ. Đĩa xôi nóng bốc hơi quyện mùi hương thơm ngát. Con chó già dẹo dọ từ ngoài sân vào đứng giữa nhà ngửa cổ tru lên mấy tiếng rên rỉ. Con chó cũng biết khóc. Rõ là giống chó trung thành biết nhớ thương chủ cũ. Có tiếng bước chân rậm rịch ngoài ngõ, con chó chợt bừng tỉnh, lao ra cửa. Bằng trực giác bản năng, nó nhận ra đối thủ, nhảy chồm lên xông vào cắn rách ống quần của một trung uý công an dẫn đầu tốp người từ ngõ bước vào. Bị tấn công bất ngờ, viên Trung uý công an đá một cú cật lực, con chó rú lên quỵ xuống, rồi lại vùng lên bất ngờ lao vào kẻ thù. Người công an rút súng tự vệ. Một tiếng nổ vang lên đanh gọn, con chó trúng đạn quay lơ giữa sân giẫy chết. Một dòng máu ứa ra từ cổ con chó loang đỏ cả khoảng sân nhà. Không gian chợt lặng đi. Đào Kinh đứng sững trước cửa ngỡ ngàng nhìn đoàn người ập vào đứng vây quanh. Mấy mẹ con bà Cháo ôm nhau nhìn mọi người. Trung uý công an dõng dạc đọc lệnh khám nhà và bắt giam khẩn cấp Đào Kinh. Hai tay Đào Kinh bị còng số tám đứng nhìn các nhà chức trách khám nhà, lục soát khắp nơi, kể cả mấy cái túi của mẹ con bà Cháo vừa mang đến cũng bị lục tung ra mà không thấy gì ngoài mấy thứ đồ lót đàn bà. Đôi mắt Đào Kinh thất thần, trước lúc bước ra cửa còn ngoái lại nhìn mấy mẹ con bà Cháo. Kinh bị đưa đi mà không kịp ăn uống gì. Bà Cháo bê vội đĩa xôi, con gà trên ban thờ xuống nhét vào túi khi nghe công an tuyên bố niêm phong toàn bộ căn nhà này. Hương hồn người chết không biết đã kịp về chứng giám cảnh Đào Kinh bị bắt để phù hộ cho Đào Kinh tai qua nạn khỏi. Mấy mẹ con bà Cháo lại dắt díu nhau ra đường bỏ lại sau lưng cái xóm Hoa Kiều hưu hắt.