Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 24
M
ột hôm lúc Ngọc Cầm đi học, nàng trông thấy Hạ Kim Ngọc đứng dưới một cây liễu bên lề sân thể dục, nói chuyện với một nhóm nữ sinh quanh nàng. Ngọc Cầm chen vào và thấy tất cả những cặp mắt đều nhìn lên đầu Kim Ngọc, và ngay mắt nàng cũng nhìn theo. Nàng giật mình bởi cái đẹp bất thường của đầu Kim Ngọc ngày hôm nay. Khi Kim Ngọc quay lại nói với một nữ sinh đứng sau lưng, gáy nàng dường như lấp lóe một vòng đai sáng rỡ. Ngọc Cầm nhận thấy đó là cái vòng da trắng như tuyết bên trên cổ áo của nàng và ngay bên dưới một hàng tóc đen cắt đều đặn, chỉ đủ che tai. Cái đuôi tóc kết lại bóng bẩy của nàng chảy xuống lưng nay không còn nữa! Ðầu nàng bây giờ mang một vẻ đẹp tươi mát trong sự giản dị, và làm tăng thêm vẻ yêu kiều, với dáng vẻ dễ dàng tự nhiên của Kim Ngọc. Trong lúc nàng hứng khởi nói chuyện; cái đầu ấy hoàn toàn đẹp đẽ.
Trước kia Ngọc Cầm ủng hộ phụ nữ cắt tóc ngắn, nhưng nàng không khỏi lo lắng, sợ rằng tóc nàng có thể trông dễ sợ một khi cắt ngắn đi. Bây giờ nàng trông thấy tóc ngắn của Kim Ngọc, nàng cảm thấy an tâm. Tuy vậy cùng một lúc, một cảm nghĩ bất thần dâng lên trong lòng nàng bởi cùng một hình ảnh trong tâm trí nàng, là sự kém cỏi của nàng khi nàng đứng cạnh Hạ Kim Ngọc. Nàng nhìn đầu Kim Ngọc với một sự thèm muốn và ngưỡng mộ, và trong khi nàng nói chuyện với Kim Ngọc một cách thân mật, nàng cảm thấy hãnh diện được là bạn của Kim Ngọc. Nàng còn bắt đầu tưởng tượng như cái đuôi tóc kết lại sau lưng nàng không còn nữa, và nàng không biết đuôi tóc của nàng biến mất lúc nào. Nhưng khi tay nàng đưa ngược về phía sau, thì đuôi tóc vẫn còn đó, mượt mà bóng bẩy.
Ngọc Cầm hỏi một cách thán phục với một nu cười như mơ, "Chị làm thế nào vậy?"
Kim Ngọc mỉm cười quay lại với Ngọc Cầm. Ðể cho nụ cười rạng rỡ và hân hoan trên mặt, nàng nói bằng một giọng ròn tan trong trẻo, hai bàn tay làm nhịp điệu. "Một cái kéo và hai bàn tay, và - thế là đuôi tóc rơi xuống."
Một cô gái bĩu môi nói, "Tôi không tin chỉ đơn giản như thế. Này, ai cắt cho chị?"
Kim Ngọc cười, "Còn ai nữa ngoài bà vú của tôi. Trong gia đình tôi không còn ai nữa. Ba tôi sẽ không cắt tóc cho tôi."
Ngọc Cầm ngạc nhiên kêu lên, "Bà vú của chị? Bà ấy đồng ý cắt tóc cho chị ư?"
"Tại sao không? Khi tôi yêu cầu bà ta cắt tóc cho tôi, bà ta làm ngay. Bà ta bao giờ cũng chiều theo ý muốn của tôi. Bà ta có cảm tình với việc làm này, và dĩ nhiên bà ta không phản đối tôi cắt tóc ngắn. Ðúng ra nếu bà ta chống đối lại thì cũng vô ích thôi. Tôi làm cái tôi muốn, không ai ngăn được tôi." Kim Ngọc nói bằng giọng cương quyết, và một nụ cười hài lòng.
Một cô gái nhỏ con, đỏ mặt hỏi, "Nói hay lắm. Ngày mai tôi sẽ cắt đuôi tóc của tôi."
"Vân, tôi biết chị có can đảm như vậy." Kim Ngọc nói với Vân, cô gái vừa lên tiếng, bày tỏ lòng khen ngợi và đồng ý của nàng. Rồi nàng liếc một cái nhìn sắc bén và mạnh mẽ lên khuôn mặt các cô gái đứng quanh, và nàng thấy nản chí khi không thấy một cô nào dám chấp nhận sự thách thức của Vân và tuyên bố sẽ cắt tóc ngắn. Nàng hỏi họ một cách mỉa mai, "Ai nữa có can đảm cắt tóc ngắn?"
"Tôi." Một giọng nói the thé trả lời, và một cô gái mặt gầy xuất hiện từ hàng cuối cùng. Cô ta là một trong những nữ sinh lớn tuổi nhất của trường, và bạn học thường gọi cô ta là Cô Gái Già. Cô ta thường rất hoạt động, và được biết luôn luôn chứng minh lời nói đi đôi với việc làm.
Kim Ngọc rất hài lòng. Nàng quay lại hỏi Ngọc Cầm, "Ngọc Cầm, còn chị thì sao?"
Ngọc Cầm bỗng nhiên không thể nhìn thẳng vào mắt Kim Ngọc. Máu dồn lên mặt nàng, và nàng cúi đầu không thể nói một lời, bởi vì lúc đó nàng thực tình không chắc nàng có can đảm cắt tóc hay không.
"Ngọc Cầm ơi, tôi hiểu, hoàn cảnh của chị rất khó khăn." Kim Ngọc nói từng chữ to và rõ ràng, khiến Ngọc Cầm không biết nàng mỉa mai hay có cảm tình. "Trong cái gia đình trưởng giả của chị, những việc đúng phải làm là viết một vài câu thơ, uống một vài chung rượu, chơi vài bàn mà chược, vân vân. Cho chị đến trường học thế này đã là một việc làm quá sức và ngoại lệ rồi. Nếu chị bước ra ngoài cho một việc phiêu lưu như cắt tóc ngắn như một người đàn ông, sẽ có những lời buộc tội gay gắt chống đối từ mọi phía. Quả thực có quá nhiều linh hồn đạo đức trong gia đình chị."
Một tràng cười nổi lên trong đám nữ sinh, và mọi con mắt đổ dồn về Ngọc Cầm đang cảm thấy xấu hổ và tủi nhục. Nước mắt tuôn tràn từ mắt nàng, nàng bước đi trong một sự im lặng chịu đựng.
Cả nhóm lấy lại phong độ và Kim Ngọc nói tiếp, "Cắt tóc của các bạn vào lúc này quả thực đòi hỏi sự can đảm vô giới hạn. Trong lúc tôi bước trên đường đi học một lúc trước đây, tôi bị một nhóm học sinh và những tên mất dậy đi theo và tuôn ra những lời chế nhạo và xúc phạm, chúng gọi tôi là "tiểu ni cô" hoặc là "đít vịt", cùng với những lời tục tĩu không thể nhắc lại được. Ngoài ra mọi người trên đường phố đều hướng những cái nhìn thù ghét hoặc tò mò về phía tôi. Tuy tôi đã giữ một bề ngoài không thèm đếm xỉa tới họ, và cứ bước tới không ngập ngừng, nhưng tim tôi đập mỗi lúc một nhanh hơn. Khi tôi rời nhà đi học, bà vú của tôi khuyến dụ tôi nên ngồi kiệu để tránh bị người ngoài đường phố làm phiền. Nhưng tôi không sợ, tôi phải thử thách sự can đảm của tôi. Tại sao tôi lại sợ họ? Tôi cũng là một con người, và việc riêng của tôi có liên hệ gì tới người khác? Tôi sẽ làm bất cứ cái gì tôi muốn làm. Họ sẽ làm gì tôi? Bây giờ tôi đã tới trường và chẳng ai làm gì tôi được." Kim Ngọc nói với dáng vẻ của một chiến sĩ can đảm chiến thắng, sau khi trải qua một cuộc chiến thử thách cam go, không sợ hãi những sự thách đố khiếp đảm.
Trong lớp, Hạ Kim Ngọc và Ngọc Cầm ngồi cạnh nhau, chung một bàn. Một giáo sư ở tuổi gần năm mươi đeo kiếng dầy cộm, đang dạy một bài về văn học Trung Hoa, giảng một bài trong cuốn Luận Văn Cổ Ðiển trong tay. Kim Ngọc thấy Ngọc Cầm nhìn lơ đãng vào một cuốn sách mở ra trên bàn trước mắt nàng. Xé một trang từ cuốn vở bài tập, Kim Ngọc viết vài dòng và đẩy vào trước mặt Ngọc Cầm. Nàng viết mấy hàng sau đây: "Chị bất mãn phải không? Tôi không chủ ý làm chị đau lòng khi tôi nói thế. Nếu tôi biết trước chuyện ấy gây buồn phiền cho chị thì nhất định không bao giờ tôi nói. Xin tha lỗi cho tôi."
Ngọc Cầm đọc mẩu giấy ấy, viết thêm và trả lời. Kim Ngọc đọc, "Chị hiểu nhầm tôi rồi, tôi không bất mãn chuyện ấy chút nào. Trái lại tôi khen ngợi chị, thèm muốn như chị. Chị có can đảm, còn tôi không có. Hy vọng, mục đích của tôi thì chị biết cả rồi. Chị hiểu rõ hoàn cảnh của tôi lắm. Tôi sẽ làm gì? Chị có nghĩ tôi có thể quả quyết tiếp tục cho mục đích của tôi không?" Mẩu giấy ấy trao đi trao lại nhiều lần:
"Ngọc Cầm, tôi biết chị không phải là một cô gái thiếu can đảm. Chị có nhớ chị đã nói chúng ta phải quả quyết tranh đấu tiến tới, bất kể mọi hậu quả nào, để mở ra một con đường cho các chị em đi sau chúng ta không?"
"Kim Ngọc, tôi không biết rõ tôi cho tới lúc này. Tôi quả thực là một người con gái thiếu can đảm. Tôi tạo ra một hy vọng cho tương lai tôi, và quả quyết tiến tới mục đích ấy, dù khó khăn thế nào. Tuy vậy khi tôi đi tới gần mục đích thì tôi trở nên ngã lòng, sự lo lắng và bận tâm của tôi lớn lên, và tôi mất sự can đảm để tiến tới."
"Ngọc Cầm, chị không nhận thức được rằng như thế sẽ dẫn chị tới bất hạnh và tai hại ư?"
"Kim Ngọc, tôi đã rơi vào bất hạnh rồi. Tôi yêu tương lai của tôi, nhưng tôi cũng yêu mẹ tôi nữa. Tôi yêu ánh sáng, nhưng vì mẹ tôi, tôi sẽ ở lại trong bóng tối để bầu bạn với mẹ tôi. Những tư tưởng như nam nữ học chung, hoặc phụ nữ tóc ngắn không được mẹ tôi chấp nhận. Trước đây ít lâu, tôi đã quyết định sẽ làm cái gì tôi muốn, bất kể sự chống đối của mẹ tôi và sự buộc tội của bà con trong họ. Nhưng khi thời gian tới lúc tôi có thể làm cái mà tôi mong muốn chỉ bằng một cử động của bàn tay, thì tôi lại nghĩ đến mẹ tôi, tôi nghĩ tới nỗi đau lòng của mẹ tôi, và thế là sự can đảm của tôi xẹp xuống và lòng cương quyết của tôi lung lay. Tôi nghĩ tới những năm gian khổ của mẹ qua những năm góa chồng khó khăn của mẹ để nuôi dưỡng tôi, trong khi lúc nào cũng yêu thương chăm sóc tôi, và bây giờ đến lượt tôi phải mang lại hạnh phúc lại cho mẹ. Thế mà trái lại, tôi sẽ đem lại cho mẹ những khốn khổ nặng nề hơn, sự xụp đổ của mọi hy vọng của mẹ, sự chế nhạo của xã hội, sự trách mắng của bà con - thì như thế quả có khác gì bắt mẹ phải chịu đựng một sự tấn công nặng nề. Vì mẹ tôi, tôi sẵn sàng hy sinh tương lai của tôi."
"Ngọc Cầm, chị không biết rằng một sự hy sinh như thế là vô nghĩa hay sao? Nếu chúng ta phải hy sinh, chúng ta không hy sinh cho một cá nhân. Chúng ta nên hy sinh cho đông đảo các chị em của tương lai. Nếu chúng ta hy sinh để họ có được hạnh phúc trong tương lai, thì sự hy sinh như thế mới xứng đáng và có ý nghĩa." Ðến đây lối viết biến đổi thành văn phong chữ thảo của những bàn tay viết nhanh, chứng tỏ Kim Ngọc đang xúc động và căng thẳng.
Ngọc Cầm trả lời, "Kim Ngọc, đây là điểm hai chúng ta khác nhau. Lý luận của chị có thể chiến thắng cảm nghĩ của chị, nhưng lý lẽ của tôi thường bị tình cảm chinh phục. Tôi không thể nói rằng theo lý thuyết thì lời nói của chị sai. Nhưng trong thực hành, tôi không thể theo lời của chị được. Mỗi khi tôi nghĩ đến mẹ tôi, tâm trí tôi trở nên yếu mềm. Trong thực tế theo như tôi nhìn thấy, hy sinh cho các chị em mà chúng ta sẽ không bao giờ trông thấy thì quá ít thực tế bằng hy sinh cho người mẹ đang yêu thương tôi và cũng là người tôi đang yêu quý."
"Ngọc Cầm, có phải những lời này đến từ đáy lòng chị? Tôi xin phép hỏi chị, nếu mẹ chị sắp xếp cho chị kết hôn với một thương gia tầm thường vô học, hoặc là một viên chức chính phủ trung niên, hoặc một công tử bột vô tích sự con nhà giầu, chị có phản đối không? Chị có hy sinh cho vừa lòng mẹ chị không? Hãy trả lời tôi. Ðừng tránh né nữa!" Những lời viết vội và viết tháu hơn nữa, và được trả lời như sau:
"Kim Ngọc, tôi xin chị đừng hỏi đến chuyện này, đừng đem vấn đề này ra." Mảnh giấy mang những chữ này cũng mang thêm một giọt lệ.
"Ngọc Cầm, vậy thì tôi xin hỏi: tôi biết chị rất thân mật với một người anh họ. Giả dụ người anh họ ấy thuộc về một gia đình nghèo, và một thanh niên khác thuộc một gia đình giầu sang danh giá đến xin cưới chị. Nếu chị cứ nhất định lấy người anh họ, mẹ chị sẽ tha thiết nói với chị: "Mẹ nuôi con với tất cả mọi khó khăn, với hy vọng con được gả vào một gia đình giầu sang để sống một đời hạnh phúc, như thế mẹ sẽ cảm thấy thỏa mãn và an tâm. Nếu con không nghe lời mẹ, và nhất định lấy chồng gia đình nghèo để sống một cuộc đời khổ sở, thì con không còn xứng đáng con gái mẹ nữa." Lúc đó chị sẽ làm gì? Chị có bỏ người đàn ông chị yêu và hiến mình cho một người đàn ông khác để trở thành một món đồ chơi cho đời sống tình dục của người ấy không? Tôi biết chắc rằng mọi bà mẹ vào lúc chọn con rể thường hỏi con gái câu hỏi này: "Con có muốn lấy chồng để được hạnh phúc hay để bị khổ sở?" Sự lựa chọn của một bà mẹ chắc chắn sẽ là một đời sống hạnh phúc. Còn hôn nhân không có tình yêu, sự làm điếm suốt đời, và sự trừng phạt tinh thần và đau khổ - người mẹ không bao giờ nghĩ tới những chuyện này. Người mẹ có quyền đòi hỏi một sự hy sinh như thế không? Không, người mẹ không có quyền đó. Chẳng hạn như, chị đã kể cho tôi nghe về Ðại ca của chị và người em họ Lệ Mai... Nếu mẹ chị thu xếp cho chị cùng một số phận như số phận của Lệ Mai, chị có sẵn sàng tuân theo ý muốn của mẹ chị không? Chị có sẵn lòng chấp nhận số phận của Lệ Mai suốt đời trước sự sắp xếp ẩu tả của người khác không?" Mẩu giấy đến đây được chấm hết không phải bằng một dấu hỏi, mà nhiều dấu hỏi.
"Kim Ngọc, đừng hỏi tôi về vấn đề này. Tôi xin chị, tâm trí tôi hoàn toàn hỗn loạn, hãy cho tôi thời gian suy nghĩ."
"Ngọc Cầm, đây là thời gian gì, chị vẫn chưa chịu mở to mắt ra hay sao? Ðừng chần chừ nữa. Tôi có thể thấy chị sống trong một gia đình cổ truyền quá lâu rồi, và đã bị nhiễm độc sâu xa bởi thói tục cổ hủ rồi. Nếu chị không quyết định ngay để có thể vất bỏ được những thứ này, cuối cùng chị lại sẽ trở thành một Lệ Mai thứ hai..."
Mẩu giấy này không được trả lời, vì thế Kim Ngọc quay lại nhìn Ngọc Cầm. Nàng thấy mắt Ngọc Cầm long lanh nước mắt. Tim nàng lập tức dịu lại. Sự phẫn nộ của nàng dần dần tan đi. Nàng chìa tay ra nắm tay của Ngọc Cầm đang để trên đùi. Nàng nắm lấy bàn tay run rẩy của Ngọc Cầm, và xiết chặt lại. Nếu không phải là ở trong lớp học, nàng đã ôm lấy Ngọc Cầm rồi. Nàng nhìn lên bục và thấy giáo sư đang viết trên bảng, lưng quay lại lớp học. Rồi nàng ghé sát môi vào tai Ngọc Cầm và thì thầm, "Ngọc Cầm có lẽ tôi hơi quá đáng, nhưng tôi yêu chị và quan tâm đến chị, tôi muốn chị là một người con gái tân thời và can đảm, tôi không muốn chị đi theo cái số phận của Lệ Mai. Tôi mạnh mẽ khuyến cáo chị hãy củng cố tinh thần và tiếp tục chiến đấu. Những kẻ có thể bước kịp thời đại cuối cùng sẽ được tưởng thưởng. Chỉ có những kẻ thụt lui lại phía sau sẽ uống nước cay đắng suốt đời của họ, và đấy là bi kịch thực sự. Tôi hy vọng chuyện này sẽ cực kỳ rõ ràng trong tâm trí chị." Môi nàng hầu như hôn lên mặt Ngọc Cầm.
Ngọc Cầm không trả lời, nhưng quay nhìn Kim Ngọc với một cái nhìn biết ơn sâu xa, rồi gật đầu trong im lặng.
Sau buổi học, khoảng mười cô gái chen chúc nhau trong phòng của Vân trong ký túc xá. Họ cài cửa lại, và Vân ngồi dưới ánh sáng của cửa sổ, và một nhát kéo đưa ra, đuôi tóc nàng rơi xuống. Kéo trong tay, Kim Ngọc cảm thấy nức lòng. Nàng tiếp tục chải tóc cho Vân một cách dễ dàng, cho đến khi Vân nhìn vào gương và tỏ ý hài lòng. Cô Gái Già không cầu kỳ như Vân, và Kim Ngọc có thể cắt ngắn tóc Cô Gái Già trong một thời gian ngắn. Như vậy trong phòng có ba cô gái tóc ngắn.
Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Các cô sợ giám thị ký túc xá tới, nên vội vàng rời khỏi căn phòng và về nhà.
Kim Ngọc và Ngọc Cầm về nhà cùng với nhau. Tại ngã tư nơi hai người chia tay, Kim Ngọc sắp sửa lên tiếng từ giã bạn, thì Ngọc Cầm năn nỉ Kim Ngọc đi theo nàng về tận nhà. Nàng nói đi bộ một mình dường như đáng sợ khi nàng cùng chia xẻ cái kinh nghiệm của Kim Ngọc bị những cái nhìn và lời nói xúc phạm đuổi theo họ.
Thực ra Ngọc Cầm có một ý định khác trong tâm trí. Nàng muốn tìm hiểu xem thái độ của mẹ nàng thế nào về con gái tóc ngắn, và nàng hy vọng cái lưỡi lưu loát của Kim Ngọc và những lý lẽ sẵn sàng sẽ giúp nàng khuyến dụ được mẹ cho phép nàng cắt tóc ngắn. Nhưng việc này không có kết quả gì, bởi vì bà Trương không nói gì trong lúc Kim Ngọc ở đó, và từ lời nói và thái độ của bà thì có thể phỏng đoán bà chống lại tóc ngắn của phụ nữ.
Sau khi Kim Ngọc ra về vào buổi tối, bà Trương than thở, "Một người con gái xinh đẹp như vậy, tại sao cô ta đi theo những tu tưởng thời trang, làm cho cô ta trông không giống một người con gái, mà cũng không giống một người đàn ông? Ở cô ta không có lấy một chút nguyên tắc của một đại gia đình. Cô ta quả thực là một cô gái dễ thương, tội nghiệp mẹ cô ta chết sớm và cô ta không có đủ nguyên tắc gia đình, để cô ta dễ bị làm hư hỏng bởi bất cứ chuyện gì cô ta gặp phải. Chuyện này dẫn tới đâu trong tương lai thì quả thực là một hoàn cảnh đáng tiếc. Thực là tội nghiệp!"
Sau đó bà Trương tuôn ra những tiếng thở dài sâu xa. Bà cảm thấy thế giới này bây giờ mỗi ngày một kỳ quái hơn, không có cách gì tưởng tượng được cuối cùng nó sẽ ra sao. Bà cố gắng giữ lại thời vàng son của quá khứ, và than thở rằng thời vàng son ấy sẽ không bao giờ trở lại nữa. Rồi mắt bà bắt gặp Ngọc Cầm trong một thái độ cầu khẩn, như thể nàng muốn nói cái gì nhưng không nói ra, vì thế bà ngạc nhiên hỏi, "Ngọc Cầm, chuyện gì vậy?"
"Mẹ, con muốn cắt tóc ngắn như Kim Ngọc," Ngọc Cầm nói rồi thẹn thùng cúi đầu xuống.
"Con nói gì? Con muốn giống như Kim Ngọc ư? Con muốn người ta chê cười mẹ đã không có nguyên tắc gia đình ư?" Bà Trương rất ngạc nhiên nói, như thể bị một cú đánh bất ngờ đập vào mặt gây ra hậu quả mạnh. Bà không thể tin được tai mình.
Máu dồn lên mặt Ngọc Cầm; tuy nàng biết hy vọng của nàng đã tan rồi, nàng vẫn lấy hết can đảm và nói, "Làm như Kim Ngọc thì có gì sai quấy đâu! Nhiều con gái trong trường đã cắt tóc ngắn. Tóc ngắn có nhiều tiện lợi hơn, dễ coi hơn, ngoài ra còn có thêm một số lợi ích khác nữa..." Nàng còn muốn tiếp tục nói nữa, nhưng mẹ nàng đã ngăn lại.
Bà Trương có vẻ nóng nẩy, vung tay nói, "Mẹ không muốn nghe con nói về những nguyên nhân chính đáng nữa. Mẹ không thể vì con để làm theo những lời nói như thế; còn có quá nhiều những nguyên nhân. Con cũng có quá nhiều mưu kế, hôm nay con muốn cái này, ngày mai con muốn cái kia. Mẹ nghĩ rằng chỉ trong vài ngày nữa con sẽ bảo mẹ con muốn bay lên trời... Mẹ muốn cho con biết một điều nữa. Cách đây vài ngày, dì Tiết tới thu xếp việc mai mối cho con; dì ấy nói đây là một gia dình họ Chu, rất giầu có. Con trai của họ rất đẹp trai, tuy nó không học cao lắm, nhưng tài sản gia đình dư thừa đủ cung phụng cho nó suốt đời, và lấy nó con sẽ được bảo đảm suốt đời hạnh phúc. Dì Tiết khuyến dụ mẹ chấp nhận cuộc mai mối này. Nhưng mẹ nghĩ con sẽ không thích như vậy, vì thế mẹ từ chối lời cầu hôn của dì Tiết. Mẹ nói con hãy còn nhỏ, và mẹ chỉ có một đứa con gái, do đó chúng ta đã dự định vài năm nữa con mới lấy chồng. Nhưng theo như bây giờ, mẹ nghĩ tốt hơn con nên lấy chồng sớm, để tránh rắc rối của những chuyện xảy ra mỗi ngày, sợ rằng một ngày nào đó danh tiếng của con sẽ bị tàn hủy hoàn toàn, và không còn ai muốn lấy con nữa." Bà Trương nói chậm chạp, mặt không lộ cảm xúc gì, ngoại trừ nụ cười mệt mỏi, không cho biết bà đã thực sự quyết định việc này chưa.
Mặc dù không rõ ràng, nhưng lời nói của bà khiến Ngọc Cầm kinh hoàng. Bây giờ không những cái hy vọng trước đây hoàn toàn biến mất, mà cùng một lúc một nỗi kinh hoàng mới đã buông xuống làm áp lực cho nàng. "Gia đình giầu có", "người con trai đẹp trai", "không đi học nhiều lắm", "tốt hơn con nên lấy chồng sớm", những lời nói này thay phiên nhau vang lên trong tai nàng. Trước mắt nàng bỗng có một con đường trải dài tới vô tận, có rất nhiều xác phụ nữ trẻ. Nàng biết rõ rằng con đường này đã xây lên hàng ngàn năm trước; mặt đất trên đường đã bão hòa với máu và nước mắt của phụ nữ. Tất cả đàn bà đều bị trói lại, khóa tay và đẩy lên con đường này, và bắt phải quỳ xuống, và tắm mặt đất bằng máu và nước mắt của họ, để thỏa mãn lòng ham muốn tình dục của những con thú hoang dại bằng thân thể họ. Khi mới tới, họ còn rên rỉ, than khóc, cầu nguyện, hy vọng có người sẽ cứu họ thoát khỏi con đưòng này. Nhưng ngay sau đó hy vọng của họ tan nát, máu và nước mắt họ đã cạn, họ gục xuống và thở hơi thở cuối cùng. Từ vài ngàn năm xa xăm cho tới ngày hôm nay, con đường đã cắt ngắn những cuộc đời trẻ trung của biết bao thiếu nữ mà không ai biết rõ, cũng như không ai biết bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ ra. Thực vậy hàng triệu những chuyện đời bi thảm thương tâm và tan nát lòng đã chôn vùi ở đây.
Bây giờ trong lòng Ngọc Cầm dâng lên một cơn xúc động kêu gọi sự công bằng cho trường hợp nàng. Có vài câu hỏi quay cuồng trong đầu nàng: "Sự hy sinh như thế đem lại hạnh phúc cho ai?" "Có phải là trường hợp từ hàng ngàn năm con đường này đã ướt sũng máu và nước mắt của vô vàn những phụ nữ trẻ, phụ nữ hiện tại cũng như tương lai, vẫn phải vất bỏ tuổi trẻ và đổ hết máu và nước mắt của mình ở đây?" "có phải phụ nữ bao giờ cũng là trò chơi của đàn ông, là dụng cụ cho họ thoả mãn sự ham muốn thú vật của họ không?"
Rồi cuối cùng nhưng cũng không kém quan trọng: "Người có sẵn lòng từ bỏ người yêu hay không, và hiến dâng mình để trở thành một dụng cụ của sự thoả mãn dục tình của một người xa lạ không?" Nàng cảm thấy chính lúc này đang đẩy nàng quỳ xuống con đường ấy; tiếng rên rỉ và than khóc đầy tai nàng, máu và thịt đầy mặt nàng. Sự can đảm nào còn lại trong nàng để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này? Sự công bình rất mơ hồ, xa xôi và bất trắc. Hy vọng của nàng hoàn toàn tan vỡ. Không thể chịu đựng được hơn nữa, nàng ôm mặt khóc tức tưởi.
"Chuyện gì thế, Ngọc Cầm của mẹ? Có phải mẹ nói cái gì khiến cho con đau đớn đến thế?" Bà Trương giật mình. Bà đứng dậy, bước lại cạnh Ngọc Cầm và dịu dàng an ủi nàng.
Ngọc Cầm còn khóc thảm thiết hơn nữa, nàng mạnh mẽ giật tay ra khỏi bàn tay của mẹ, như thể nàng đang kháng cự lại một người nào đó, và lẩm bẩm bằng một giọng bi thảm, "Tôi không theo con đường ấy. Tôi muốn là một người, một con người giống như đàn ông... Tôi không muốn đi con đường ấy, tôi muốn đi con đường mới, tôi sẽ đi theo con đường mới."