Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Chương 22
B
uổi sáng hôm phát hiện ra Rêu tự tử ở giếng, chùa làng bỗng tấp nập hẳn lên. Tiếng bà Thêu hờ khóc con gái. Bà tỉ tê kể lể khiến ai nghe cũng ái ngại. Rõ hoàn cảnh của Rêu nên người ta càng thương cảm. Nhất là khi vớt xác cô lên, đặt cô nằm dài trên cỏ. Tôi không được ra nhìn, nhưng dân làng được đến bảo rằng cô vẫn như lúc sống, vẫn đẹp như hoa. Mớ tóc đen như mun xòa trên cỏ. Da mặt trắng toát, trắng hơn cả ngày thường. Đôi mắt nhắm nghiền. Đôi môi như thoáng một nụ cười chua xót. Người cô mặc chiếc quần đen, áo trắng. Người ta bảo trông cô thánh thiện, tinh khiết và trong văn vắt. Trong văn vắt, đấy là lời nói của chính người dân làng Sọ. Tôi lúc ấy còn bị giam, làm sao nghe được, nhưng về sau tôi được nghe chính mồm người kể lại nói như vậy. Tại sao lại thốt ra được một chữ về Rêu chính xác đến như vậy nhỉ? Riêng tôi, chơi với cô bé, là bạn thân của cô, nên có cảm nghĩ về con người tinh khiết của cô như vậy, điều đó dễ hiểu thôi. Còn người làng, chỉ đến khi cô chết, họ mới nhận ra điều đó. Phải chăng vì cô chết dưới giếng, chết trong nước, cho nên mới có liên hệ với nước trong văn vắt. Cô đẹp, điều này ai cũng thấy. Cô hát hay như họa mi. Giọng con mi thì lảnh lót và lại trong veo như pha lê. Có lẽ giọng hát của cô cũng gợi nên một mối liên tưởng nữa chăng. Bây giờ thì tôi hiểu rồi. Rêu có một thân phận đầy cảm thương. Chỉ có khác, cái chất tinh khiết trong vắt của cô, khi chết dân làng mới nhận ra. Còn lũ trẻ chúng tôi, bạn của cô thì đã nhận thấy lâu rồi.
Đám ma của Rêu, giữa hồi cải cách, mà đông người lắm. Phú nông địa chủ cũng đi đưa, bần cố cũng đi đưa, cốt cán cũng đi đưa, cả đội trưởng Khoát cũng đi đưa. Khi hạ huyệt, đám thanh thiếu niên khóc như ri. Điều này dễ hiểu. Nhưng mà... Cả cốt cán lẫn cánh địa chủ cũng khóc. Thật là lạ! Hóa ra Rêu là người chẳng mang thành phần nào. Địa chủ cũng tìm thấy ở cô một cái gì đó. Mà nông dân cũng cho rằng cô đã được sinh ra từ bùn lầy.
Cái chết của Rêu làm anh đội Khoát nghi ngờ. Trong cải cách, có một người tự tử, đó là một chuyện lớn. Thông thường nó gây khốn đốn cho nhiều người. Người ta sẽ đặt câu hỏi: tự tử hay là bức tử. Nếu tự tử, thì tại sao lại tự tử. Phản ứng giai cấp chăng? Sợ hãi hay là trốn tránh sự đấu tranh của nông dân. Còn nếu bức tử, thì ai đã giết? Giết để gieo rắc hoang mang đe dọa quần chúng đấu tranh, hay để bịt đầu mối.
Người bị khốn đốn trước tiên là những địa chủ, những người có liên quan tới địa chủ, những phần tử dính líu tới phong kiến đế quốc, những phần tử phản cách mạng... Lẽ dĩ nhiên hai thầy trò tôi bị nghi trước tiên. Chúng tôi bị quy là phần tử phản động, lại ở gần liền kề nơi xảy ra cái chết. Thầy tôi bị nghi ít hơn, bởi vì cụ già rồi, không thể hành động được. Tuy nhiên, vẫn bị tra vấn, vặn vẹo; người ta vẫn có thể cho rằng cụ không hành động nhưng là người vạch ra kế hoạch. Anh Khoát hỏi:
- Ông sư già! Hãy khai ra, tại sao ông lại mưu mô giết hại cô Rêu? Cô ấy là người hiền lành tử tế. Cô ấy như cái hoa mới nở. Ông là người tu hành nhưng sao ác độc. Rõ là đồ khẩu Phật tâm xà. Giết cô ấy để làm gì? Đe dọa nông dân ư? Phá hoại cải cách gây hoang mang ư? Bịt đầu mối chăng? Có phải cô Rêu đã biết điều gì về tổ chức phản động?
- A di đà Phật! Oan cho kẻ tu hành tôi quá! Tôi bị cùm ở đây nào có biết gì.
- Ừ thì không giết. Nhưng ông đã sai ai giết?
- A di đà Phật! Tôi không sai ai cả. Nhà chùa là chốn từ bi. Cô bé chết đi, lòng tôi cũng vô cùng thương xót.
Tra khảo sư cụ không xong, anh Khoát lôi tôi ra xét hỏi. Anh ngồi trên ghế, bắt tôi quỳ dưới đất. Anh không gọi tôi là chú tiểu nữa. Với tôi, anh thẳng thừng hơn. Bởi vì với anh, tôi là kẻ nghi can số một. Anh thẳng cánh tát tôi một cái tát phủ đầu:
- Thằng An! Nghe cho kỹ đây! Mày đã giết cô Rêu như thế nào. Hãy khai ra thật tỉ mỉ.
- Bẩm ông đội, tôi bị oan. Tôi là bạn cô Rêu. Làm sao tôi có thể giết bạn.
Tôi vừa nói vừa khóc. Tôi khóc thương cái chết của Rêu. Tôi khóc thương cho số kiếp của tôi.
- Có câm mồm nín đi không? Mày làm liên lạc viên cho bọn Việt Nam Quốc dân đảng. Tội ác đã rành rành. Người làng đã
tố cáo tội ác của chúng mày. Hãy nghe cho rõ đây. Tao muốn biết ai là người đã sai mày làm cái việc giết người đó.
- Bẩm không. Không ai sai cả.
- Sư cụ phải không?
- Không phải.
- Mụ Nấm còn bí mật trốn trong chùa. Mụ ta chỉ đạo phải không?
- Dạ, không.
- Chắc đêm qua, mệt quá, hai anh du kích gác ngủ gật. Mày tự tháo cùm đi giết cô Rêu.
Việc đổ tội thật hoang đường. Anh đội cải cách cũng thật có trí tưởng tượng. Tôi nghĩ như vậy song không dám nói. Còn anh Khoát vẫn cứ khăng khăng:
- Tao biết bọn phản động chúng mày mà. Không việc gì chúng mày không dám làm. Tao không đổ oan cho chúng mày đâu. Thì trường hợp con mẹ Nấm rành rành ra đấy. Nó cũng bị cùm bằng cái cùm ở chân như mày. Thế mà mụ ta mở khóa trốn đi được. Vậy thì mày cũng mở khóa ra và đi giết người. Điều ấy có gì là lạ.
May cho tôi là hai anh du kích gác hai thầy trò tôi đêm ấy cũng có mặt trong cuộc thẩm vấn. Họ thanh minh:
- Thưa anh đội, chú tiểu An khai đúng đấy ạ. Lúc cô Rêu nhảy xuống giếng, chúng em nghe rõ ràng con chó trắng cứ tru lên thảm thiết... Cả con chim lợn nữa... Nó cứ bay vòng quanh chùa... Em nói thật mà...Vừa bay vừa kêu. Nghe rợn lắm. Chú tiểu và chúng em lúc ấy đều thức... Em còn chạy ra sân nghe ngóng cho rõ. - Em đã định ra vườn chùa xem sao... nhưng nhớ lời anh dặn: “Không được rời phạm nhân nửa bước, và không được ngủ gật”, nên em lại thôi. Chúng em sợ xổng tù như trường hợp mụ Nấm nên lại thôi không đi nữa.
Anh Khoát lườm hai anh du kích, rồi cho gọi cả tổ trưởng du kích tức là Trắm đến để xác minh. Trắm nói như đinh đóng cột:
- Chúng em đã rút kinh nghiệm trường hợp bỏ trốn của mụ Nấm, cho nên sự canh gác đêm qua em đảm bảo không hề có sự sơ sót. Chúng em bố trí người đi tuần quanh chùa, bảo đảm vòng ngoài. Cứ mười lăm phút em lại tạt vào nhà tổ vì sợ du kích gác tù ngủ gật. Em xin bảo đảm không hề có ai ngủ gật. Em cũng xin bảo đảm không hề có chuyện chú tiểu An tự tháo cùm đi giết người. Em xin chịu trách nhiệm, nếu nói sai anh cứ bắt em vào tù.
Tôi nhìn Trắm bằng con mắt biết ơn. Trắm là bạn thân của Căn. Lúc đi học thầy Hải, Trắm và Căn đã về bè với nhau làm cho tôi khốn khổ. Tuy nhiên tôi không hận anh ta. Và có thể nói càng về sau này càng mến anh ta. Nhất là khi biết được chính anh là người đã giúp mẹ con bà Nấm, tôi càng kính trọng Trắm. Nếu không có Trắm, không biết đời của Huệ, người bạn thân thời thơ ấu của tôi sẽ đi tới đâu. Có thể bà Nấm sẽ bị xử tử. Và Huệ sẽ bị chết đói. Điều ấy có thể xảy ra lắm chứ. Bị bao vây, rồi chết đói, chuyện tang tóc ấy đã từng xảy ra và mắt tôi đã từng thấy.
Cái đêm hôm mẹ con bà Nấm bỏ trốn, quá nửa đêm, tôi đang mơ màng sắp chìm vào giấc ngủ, chợt nghe tiếng con chó vàng rít lên khe khẽ. Tôi tỉnh ngủ ngay, lắng nghe. Tôi biết con chó kêu lên như vậy là người quen. Nếu là người lạ, con chó đã sủa lên một cách náo nức. Con vàng là chó nhà chùa nên chẳng cắn người bao giờ. Có khách lạ, nó sủa rất khiếp, nhưng vừa sủa vừa lùi. Lùi đến trước nhà tổ thì dừng lại. Nhà tổ là nơi ở của thầy tôi. Đây là điểm dừng cuối cùng của nó. Nó sẽ không lùi nữa, nhưng sẽ vẫn sủa mãi cho đến khi có người ra mới thôi. Còn với người quen, con vàng không bao giờ sủa một tiếng, trường hợp này nó không lùi mà vẫy đuôi theo khách đến nhà tổ. Đêm hôm ấy, con vàng gọi người ra tiếp khách bằng cách lấy chân gãi vào chiếc cửa lim.
Tôi vội lật đật ra hỏi “Ai đấy”. Tiếng thì thào trả lời:
- Chú tiểu An mở cửa mau lên. Tôi đây. Huệ đây mà.
Thầy tôi nghe tiếng cũng ra. Bà Nấm lên tiếng cầu khẩn:
- Bạch sư cụ. Mẹ con chúng con xin được nhà chùa cứu giúp.
- Thím Trần đấy ư. Cả hai mẹ con vào trong này. Câu chuyện ra sao nói cho tôi rõ. Cả hai mẹ con đừng có sợ - Rồi quay sang tôi thầy bảo - Con đóng cửa lại. Không cần thắp đèn...
Qua câu chuyện bà Nấm, tôi mới biết Trắm đã tìm cách giúp mẹ con bà Nấm bỏ trốn. Mẹ con bà vào rừng Cò, cái hầm bí mật bà biết vì bỏ hoang đã lâu đã bị sập, không còn dùng làm chỗ trú ẩn được nữa. Nhưng trốn đi ngay đêm nay cũng không ổn, vì trời sắp sáng. Mà đội Khoát lúc này đã phát hiện ra mẹ con bà bỏ trốn, đã cho quân du kích đi chẹn các ngả đường. Thầy tôi bảo ở chùa có hai chiếc hầm bí mật: một ở bờ ao có miệng hầm dưới nước, trốn ở đây tuyệt đối an toàn, nhưng vì bỏ đã lâu nên không ai có thể biết tình trạng ra sao; còn chiếc hầm thứ hai, cửa hầm chui vào ở dưới đít pho tượng hộ pháp, hầm này nghe nói có từ đời xưa, nơi để trú ẩn khi gặp thời loạn lạc và cũng là nơi chứa ván in kinh Kim Cương. Bà Nấm và Huệ đã trú ẩn trong ấy hai ngày. Anh đội Khoát đã vào chùa nhiều lần nhưng không bao giờ ngờ chuyện này có thể xảy ra. Và cũng chính sư cụ tôi đã mách cho bà Nấm cách đi dường vòng để về Hà Nội...
Tôi cứ nghĩ miên man mãi về những chuyện đã xảy ra với mẹ con bà Nấm. Và qua chuyện đó tôi mới hiểu thực chất con người của Trắm. Phải nói ngày trước tôi không hận Trắm, nhưng thực bụng tôi không thích Trắm. Còn chính lúc này đây, tôi đã hoàn toàn biết rõ, anh hào hiệp và khảng khái. Phải nói, ngày xưa Trắm cũng chẳng thích tôi, bởi vì nếu không tại sao lúc trước anh lại về hùa với Căn để trêu chọc tôi cho đến mức điêu đứng. Có lẽ cả Căn, cả Trắm đều ghét bộ quần áo nâu chú tiểu của tôi. Còn phút này đây, tôi vô cùng cám ơn lòng tốt, lòng trung thực của Trắm. Trắm giúp mẹ con bà Nấm cái Huệ, đó là một nhẽ khác. Còn đối với tôi, người mà anh không ưa, nhưng anh vẫn giúp. Điều ấy tôi vô cùng cảm kích. Bởi vì hôm ấy, nếu như không có lời xác nhận như đinh đóng cột của anh, không biết thầy trò tôi sẽ bị tra khảo đến bao giờ mới thôi. Oan sai ư? Trong cơn co giật cuồng nộ ấy, ai người ta thèm để ý đến điều đó, nhất là đối với một con người bị gọi là phản động. Bị gọi là phần tử phản động tức đã mắc tội tày trời rồi. Nếu có quàng lên cổ kẻ ấy thêm một chút oan sai, thì tội của nó cũng không hề to thêm. Vả lại, tôi phải biết ơn anh ta, vì biết đâu đấy... trong lúc bão to gió lớn ấy... có chuyện gì lại chẳng có thể xảy ra. Mạng con người ta chỉ là mạng của con sâu cái kiến.
Mấy hôm sau, hai thầy trò tôi được giải lên Đoàn ủy. Hai tay tôi bị trói bằng dây thừng, đầu kia của sợi dây ấy lại trói tay thầy tôi. Một sợi dây thừng thứ hai thòng lọng vào cổ tôi. Thầy tôi đi đầu, tôi đi giữa, sau cùng là anh du kích cầm sợi dây thừng thòng lọng cổ, dong chúng tôi đi như người lái trâu dắt trâu đi chợ bán. Anh du kích thứ hai, chừng là tổ trưởng, vai đeo súng trường đi bên cạnh nói:
- Đây là hai tên Quốc dân đảng phản động rất nguy hiểm. Nhỡ ra để xổng mất, là chúng ta mất đầu. Cho nên, phải hết sức cảnh giác. Hễ chúng có ý định chạy trốn, lập tức anh phải giật mạnh để siết chặt lấy cổ thằng sư con. Tên này làm liên lạc cho tổ chức phản động. Rất lanh lẹn, rất lợi hại...
Họ quàng dây thòng lọng vào cổ tôi ở giữa sân chùa. Chị tôi và sư bác ra tiễn. Chị Nguyệt thương tôi khóc rưng rức. Sư bác nói:
- Chú tiểu An còn nhỏ. Các anh lại có súng. Làm sao chạy nổi.
Sư cụ hiền từ nói:
- A di đà Phật! Người tu hành có khi nào chạy trốn quả nghiệp. Các con chớ lo. Đã không chạy trốn, thì làm sao chiếc thòng lọng kia xiết chặt cổ.
Họ dong hai thầy trò tôi từ cuối làng đến đầu làng rồi mới ra đường cái. Tôi buồn rầu nhìn sang hai bên đường làng, nhìn những lũy tre, những hàng rào râm bụt, những mái rạ, những ao bèo... Những người thân trong chùa ra đến tam quan thì bị đuổi lại. Trên đường đi, chẳng thấy bóng một người nào, đến cả những đứa trẻ vẫn thường ra chùa nghịch ngợm cũng không thấy bóng. Chỉ có mấy con chó nhách đứng trong sân sủa bâng quơ, và mấy chú bò vàng đứng bên cây rơm nhìn chúng tôi với những đôi mắt ngây thơ ngơ ngác. Ở nơi sắp tới, số phận thầy trò tôi sẽ ra sao. Nếu không là chốn hiểm ác, chắc cũng là nơi buồn tủi, chắc cũng là nơi lưu đày. Tiễn chúng tôi đến nẻo lưu đày mà sao lại thế này. Một nỗi niềm cô đơn dâng lên trong tôi. Sợ hãi chăng? Buồn tủi chăng? Trách tình đời nóng lạnh ư? Hình như có cả. Tôi biết... tôi biết, với người tu hành, thế chẳng là phải. Nhưng biết sao được. Tôi còn quá trẻ, chỉ là một kẻ tập tu. Còn những nỗi niềm trong tâm là điều khó tránh.
Tôi nhìn lên thầy tôi phía trước. Thầy tôi vẫn đĩnh đạc bước thong dong. Hai tay bị trói đưa ra đằng trước, nhưng gương mặt thầy tôi chẳng vương một chút giận hờn. Thầy tôi vẫn dạy: “Bình thường tâm là đạo. Gặp nghịch cảnh chẳng oán hận. Gặp thuận chiều, chẳng vui mừng. Người thiền, khi vui cũng thiền, khi đau khổ cũng thiền. Vậy là thầy tôi nói sao, làm vậy.
Phải chăng, lúc này đi đến chốn oan nghiệt, chẳng biết rằng sắp tới cái gì đang chờ đợi mình, thầy tôi cũng vẫn kiên trì cái công việc thiền hành của mình. Chẳng có gì đau khổ trên mặt thầy, nhưng cũng chẳng có chút kiêu hãnh trên gương mặt ấy. Tôi chợt thấy xấu hổ với bản thân. Ôi! Cái bình thường tâm sao mà khó!
Chúng tôi đi bộ từ bảy giờ đến mười giờ sáng mới đến trụ sở Đoàn ủy. Đó là một ngôi đình tọa lạc trên một khu đất rộng có nhiều cây cổ thụ. Dưới những tán lá là những ngôi nhà tranh tre mới làm khang trang sạch sẽ. Hai anh du kích dẫn thầy trò tôi vào phòng hành chính. Ở đây toàn những người mặc quần áo nâu, nhưng không phải là nông dân ra vào tấp nập. Tôi biết họ không phải nông dân vì có người đeo kính, có những bàn tay búp măng và gương mặt nào cũng trắng trẻo. Lần đầu tiên đến cửa quan nên tôi hồi hộp vô cùng. Tim tôi đập lồng lộn.
Một người chắc là địa chủ, râu ria xồm xoàm, quần áo rách rưới nem nép ngồi ở xó phòng. Nhìn ông ta, tôi chợt so sánh ngầm. Hóa ra thầy trò tôi bị trói ở cổ tay và bản thân tôi bị thòng lọng nơi cổ vẫn chưa phải là bị ngược đãi nặng nề. Ông địa chủ kia bị trói cổ tay lại còn bị trói cả bắp tay. Ngay cả đến đôi chân cũng bị trói tím bầm. Người ta bảo ông ta kháng cự khi nghe tin bị giải lên Đoàn ủy. Ông ta nghe tin bị giải lên Đoàn ủy, vào trại số 1, tức là bị rơi vào hỏa ngục. Vì thế cho nên, ông địa chủ này phản kháng không chịu đi. Du kích phải trói tay, trói chân ông lại rồi vứt ông lên xe cút kít đẩy tới đây. Đến Đoàn ủy, họ phải xỏ đòn tre khiêng ông như khiêng lợn, vứt vào xó nhà. Đáng lẽ ông ta phải được cởi trói đôi chân, nhưng vì sợ ông ta chạy trốn, nên ông ta mới nằm còng queo như thế kia.
Ừ nhỉ! Chính bản thân tôi cũng đã nghe người ta kể về trại số 1, về cái chốn xà lim địa ngục ở Đoàn ủy. Vậy cớ làm sao thầy trò tôi lại chẳng hề phản ứng chút nào? Hay vì thầy trò tôi là những thầy tu. Những ông thầy chùa bị nhiễm nặng lòng từ bi. Lòng từ bi che đậy tất cả, cho nên nỗi sợ sệt bản năng của con người bình thường cũng bị tê liệt. Người ta bảo ở lò sát sinh thành phố, những con bò bị đập vào đầu trước khi chết rống lên ồ ồ và những con lợn bị chọc tiết thường có tiếng kêu thét vang đến trời xanh, thế mà khi dẫn lũ bò đi vào lò mổ, chúng không hề sợ hãi dừng chân mà lại chạy nhanh đâm đầu xông vào tử địa, cứ như thể nơi chết chóc ấy có sức hút của một tảng nam châm khổng lồ. Chẳng lẽ cái chết cũng có sức hút, và thầy trò tôi đang nhắm mắt lao vào chỗ chết.
Phải nói, cho đến lúc ấy, đến lúc nhìn thấy ông râu ria xồm xoàm bị trói như con lợn vứt vào xó nhà sắp bị đem đi chọc tiết, thì những ý nghĩ lo sợ kể trên mới đột ngột xuất hiện trong óc tôi.
Người cán bộ hành chính cất tiếng hỏi lạnh lùng:
- Tên Nguyễn Văn An?
- Dạ, có. - Tôi khe khẽ trả lời.
- Nói to lên. Sao cứ lí nhí như ngậm hột thị. Khai đi.
- Thưa, tôi là chú tiểu ở chùa Sọ.
- Tội gì?
- Dạ, bẩm tôi không biết ạ.
- Tội phản động. Tội chống phá cách mạng. Lại còn giấu giếm quanh co hả? Bé tí mà đã ngoan cố. Được, rồi xem còn chối cãi được không? - Người cán bộ dồn tôi bằng những câu hỏi vừa khẳng định tội lỗi, vừa đe dọa, làm cho tôi đần ra chẳng biết nói lại ra sao.
- Tên Thích Vô úy kia hả? Sư cụ hả? Sư hổ mang hả? Ông đã già lão thế kia! Đáng lẽ phải biết thân biết phận chứ. Làm nghề tu hành, làm cái việc mê tín dị đoan, ru ngủ quần chúng đã là trọng tội, huống chi còn phản ứng lại cách mạng, chống đối lại cách mạng. Ông già có hiểu tội ông là tội gì không?
- A di đà Phật! - Thầy tôi không trả lời, mà chỉ cúi đầu nhũn nhặn niệm Phật.
Có lẽ sự khiêm nhường, cam chịu ấy đã làm nguôi lòng người cán bộ đi chút ít. Ông ta không nói nữa chỉ hất hàm bảo hai người du kích.
- Một người ở lại hoàn tất thủ tục bàn giao với tôi. Còn một người dẫn họ sang nhà A để làm việc lấy cung ngay. Thôi, bỏ cái dây thòng lọng ở cổ thằng bé ra. Đã tới đây họ không trốn được đâu.
Như vậy, ở đây mới là cổng địa ngục, vẫn chưa đến nơi. Còn bị hỏi cung ở nhà A. Rồi tiếp sau nhà A, còn nhà B, nhà C... Mới ở cổng địa ngục mà đã thế này... Không biết nhà A rồi sẽ ra sao. Tôi nghĩ vậy và thần kinh tôi căng lên như sợi dây đàn. Tôi vừa đi vừa phấp phỏng. Tôi ngạc nhiên khi lúc đó nhìn thấy thầy tôi vẫn bước đi rất lặng lẽ bình an. Không phải một dáng điệu hiên ngang như những người anh hùng đi ra pháp trường mà các cuốn sách mô tả. Cái lưng gầy còng xuống có nhuốm nét buồn thì phải. Có cả sự cam chịu ở đấy, tuy nhiên không có chút quỵ lụy. Hình như thầy tôi đã biết trước. Tôi lại bắt gặp cả vẻ mặt đau đớn nhưng rất tự nhiên của ngày xưa, của cái ngày tôi lên phố huyện đón thầy tôi từ nhà giam Đơ Bê (2B =phòng nhì) của Tây về. Tôi còn nhớ như in con đường toàn ổ gà; tôi và ông kéo xe vã mồ hôi đẩy chiếc xe bò lộc cộc đưa thầy về chùa. Cứ mỗi lần bánh xe gặp ổ gà giật nảy lên, là thầy tôi lại kêu rên đau đớn. Đau đớn thể xác nhưng không hận thù số kiếp. Không biết tới bao giờ tôi mới tu được như thầy. Thú thực, lúc này lòng tôi oán hận lắm, lo lắng lắm. Oán hận bất công, vì sự thực chúng tôi có làm gì đâu. Còn lo lắng ư? Có lẽ tôi không chịu đựng nổi. Vì, chịu đựng làm sao được, khi hai tay bị treo lên trời, hai chân dậm trên cứt đái. Lũ ruồi nhặng, dòi bọ rúc vào mồm, vào mắt, vào mũi mà không đuổi được. Rồi hôi thối, đói khát, mưa nắng... Cứ tưởng tượng như thế, tôi đã run rẩy...
Đã đến nhà A. Ngôi nhà lá khang trang sạch sẽ. Sạch như li như lau. Trật tự chứ không bề bộn như nhà hành chính vừa qua. Ở một đầu hồi, có tủ hồ sơ. Ở đầu hồi kia là hai dãy ghế băng. Ở giữa, kê một bàn giấy. Sau bàn giấy, một cán bộ trạc tuổi bốn mươi mặt mũi phong trần nhưng sáng sủa đang ngồi trước một tập hồ sơ. Ông ta ôn tồn bảo anh du kích:
- Cứ cởi trói cho họ.
Ở đây chúng tôi không phải ngồi xổm dưới đất mà được ngồi trên hai chiếc ghế đẩu. Anh du kích lễ phép đến mức khúm núm xin phép lui ra.
- Báo cáo đồng chí Bí thư, chúng em đi về được rồi chứ ạ.
Tôi nảy người ngạc nhiên. Đến lúc này tôi mới biết người chúng tôi đang gặp lại chính là ông Bí thư Đoàn ủy đoàn cải cách ruộng đất X. Chính ông là người có quyền sinh quyền sát trong cuộc thay trời đổi đất này. Ông đã rất có kinh nghiệm vì đã làm suốt cả ba đợt: đợt một, đợt hai, đợt ba. Ông nổi tiếng là người sắt đá, kiên định lập trường. Chính bàn tay ông đã ký vào bản án tử hình của hàng trăm tên địa chủ gian ác, phản động. Ông là một hung thần, như nhiều người đã thầm thì vào tai nhau, khi nói về ông. Gặp phải hung thần, chúng tôi sẽ bị giam vào chốn xà lim khủng khiếp đến mức quỷ khóc thần sầu kia, đó là điều chắc chắn. Tôi lo lắng bồn chồn nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để ngắm nhìn con người sắp dẫn chúng tôi vào vực sâu hiểm ác, chốn địa ngục trần gian.
Ông ta là Chiến, với dáng vẻ bình thường giống như trăm ngàn con người bình thường khác. Nhưng nhìn thật kỹ mới thấy những nét khác biệt. Thứ nhất ông Chiến gày guộc. Hơi cao. Ngực lép. Những ngón tay dài. Ông hút thuốc lá liên miên, mới vào một lát tôi đã thấy ông nối liên tiếp hai điếu. Tôi chợt nhận ngay ra ông ta không phải người nhà quê. Thư sinh thì đúng hơn. Nét khác biệt thứ hai là đôi mắt và đôi môi. Mắt dài và rất sáng, rất sắc. Đôi môi tái xám và mỏng, lúc nào cũng hơi mím lại nên trông càng mỏng hơn. Tôi hiểu con người này cương nghị và quyết đoán.
Từ lúc chúng tôi vào, ông ta chỉ nhìn qua chút xíu, sau đó lại mải miết xem hồ sơ. Cứ như thể chúng tôi không có mặt ở đó. Im lặng. Cái im lặng rờn rợn. Cái im lặng đè trĩu lên trái tim run rẩy của tôi. Ông Chiến ngẩng đầu lên, gương mặt lạnh lùng không thể đoán biết. Ông nhìn thẳng vào mặt thầy tôi rồi hỏi một câu mà ai cũng thừa biết.
- Sư cụ là sư huynh của ông Vô Trần.
- Thưa vâng.
- Nguyễn Vô Trần. Hay thật. - Đôi môi mỏng của ông chợt nở một nụ cười bí hiểm, có vẻ như chế giễu. - Cũng lạ! Đi làm cách mạng rồi, đã xuất tam bảo rồi mà vẫn giữ nguyên tên khi ở chùa. Sư cụ có thấy buồn cười không?
Thầy tôi nói rất nhẹ nhàng, tìm lời để khỏi mếch lòng con người lạnh lẽo ấy. Cái lạnh lẽo đầy quyền uy. Trong giờ phút nghiêm trọng này, ông ta lại nói có vẻ tầm phào bâng quơ. Như thế nghĩa là gì? Điềm tốt hay xấu cho số phận của hai thầy trò. Vì thế thầy tôi không thể lỡ lời:
- Bẩm, tôi không thấy buồn cười... Chỉ thương cảm cho chú ấy... Hai anh em tôi được thầy tôi nuôi từ bé, được sư cụ đời trước, đặt tên cho. Chú ấy không quên tên tức là không quên ơn của sư cụ, người chẳng khác gì cha mình. Thiết tưởng chú Trần là người có nghĩa...
- Tôi hiểu. Nhưng cái chết là ở chỗ ấy...
- Sao ạ?
Ông Chiến không giải thích, mà càng nhìn sâu hơn vào khuôn mặt của thầy tôi. Rồi bất chợt hỏi một câu đốp chát:
- Sư cụ nằm trong tổ chức phản động?
- A di đà Phật. Thật oan cho người tu hành. Năm nay tôi sáu nhăm tuổi. Xuất gia từ thuở nhỏ. Tôi đã xa lánh trần thế mấy chục năm nay. Không bao giờ dám càn rỡ, sa vào chốn thị phi. Xin ông Bí thư soi xét.
Không hiểu ông Chiến này là người thế nào. Ông ta vặn hỏi thầy tôi, lại xoay đổi chủ đề rất đột ngột. Chẳng hiểu mục đích của ông là gì. Bỗng nhiên ông nói:
- Cụ theo đạo Phật. Cụ rao giảng từ bi. Vậy cụ thấy cách mạng thế nào. Cụ cứ nói cho thật lòng... Có phải như thế này không: Cụ thì từ bi. Mà đối lại với từ bi tức là bạo lực. Mà chúng tôi thì bạo lực. Vậy có phải cụ coi chúng tôi là ác không?
- A di đà Phật! Đức Thế Tôn dạy thế gian đức từ bi đó là ngài mong muốn điều thiện và hạnh phúc cho đời. Đạo Phật không có lý thuyết về chính trị nhà nước. Tôi chỉ là nhà sư ở chốn thôn quê, đâu dám lạm bàn đến chuyện đại sự. Tuy nhiên nhà Phật có nói đến nhân duyên. Thưa ông Đoàn ủy, phải tùy duyên thôi ạ. Hợp hợp, tan tan...
Lời nói của thầy tôi hợp lẽ lắm chứ, phải đạo lắm chứ. Ông ta đưa ra một câu hỏi thật khó. Và thầy tôi cũng rất kín đáo lựa lời. Vậy cớ sao ông Chiến, ông Đoàn ủy lại đứng dậy thế kia? Đứng dậy và ngắm nhìn thầy tôi. Rồi đi lại và ngắm nhìn thầy tôi. Ngắm nhìn một ông sư nhỏ bé, khiêm nhường, có thể nói là tiều tụy; cứ như thể con người nhỏ thó của thầy là một bí ẩn; cứ như thể cái ông sư quê mùa này là một đối tượng cần phải mổ xẻ tìm hiểu tỉ mỉ; cứ như thể ông cụ già quê mùa ấy thuộc về một miền ký ức xa lạ, một thứ cổ vật mà người ta đã quên lãng từ lâu, nay đột ngột hiện ra.
Ông Đoàn ủy ngắm chán, rồi đập tay vào trán. Tôi nhìn ông ta, bụng lo lắng. Cuộc hỏi cung như thế này sao? Người ta kết luận số phận con người bằng những câu hỏi cóc nhảy như thế này sao? Những câu trả lời của thầy tôi như thế lại là những bằng chứng tội phạm hay sao? Tôi sợ hãi chờ đợi những lời phán quyết. Tuy nhiên, lời mở miệng của ông ta lại không phải là lời phán quyết. Lại thêm một câu hỏi cóc nhảy nữa. Câu hỏi làm tôi chẳng hiểu ra sao. Còn câu hỏi ấy làm thầy tôi lúc đầu rất ngỡ ngàng:
- Xin hỏi một câu cuối cùng. Có phải ngày xưa, cụ ở cái am... tên là gì nhỉ? Nó ở sau lưng Yên Tử.
Nghe câu hỏi ấy, có lẽ thầy tôi nhớ lại thời mình còn là một du tăng cầu đạo. Những kỷ niệm xưa làm thầy tôi sáng mắt lên chăng:
- Dạ, bẩm ông Đoàn ủy. Tên cái am ấy là Am Tịch Mịch.
- Đúng rồi, đúng là Tịch Mịch. Một ông sư kỳ lạ và một con hổ...
Ông Đoàn ủy nói dở chừng rồi ngồi vào ghế. Sau đống hồ sơ. Ông cúi xuống loáy hoáy viết mấy dòng chữ rồi ký.
Cuối cùng, ông ngẩng lên, đưa tờ giấy cho thầy tôi, vẻ mặt vẫn lạnh lẽo như băng, rồi nói:
- Tôi đã biết rõ hồ sơ của hai thầy trò cụ rồi. Đây là lệnh. Người ta sẽ đưa hai thầy trò xuống trại cải tạo số 2. Hai thầy trò hãy gắng cải tạo cho tiến bộ.
Không phải vào trại số 1 ư? Được vào trại số 2 ư? Thật hay là mơ? Tôi không thể tin ở tai mình nữa khi nghe lời tuyên bố của ông Chiến Đoàn ủy.
Trại số 2 nằm trong một thung lũng nhỏ giữa núi rừng. Một con đường mòn độc đạo giữa hai trái núi dẫn vào. Chúng tôi không đi bằng ôtô mà phải cuốc bộ ba mươi cây số. Một đoàn tù dây. Những sợi dây thừng buộc nối người nọ với người kia. Bốn anh du kích bồng súng đi áp giải. Những quãng thừng cách giữa hai người vừa đủ để bước đi thoải mái, tuy nhiên khá bất tiện. Bởi vì cùng đi thì ổn, nhưng hễ một người ngồi xuống là hai người trước và sau lập tức bị kéo căng ngang lưng ngang bụng. Bởi vì tất cả phải cùng đi, cùng nghỉ, thậm chí đái ỉa cũng phải đồng thời cùng một lúc. Chả thế mà quãng đường chỉ ba mươi cây, chúng tôi phải đi mất mười ba mười bốn tiếng. Người dẫn tù đến trại cải tạo chắc đã rút được kinh nghiệm nên mới ba giờ sáng đã dựng chúng tôi dậy rồi phát cho mỗi người một nắm cơm, bắt khởi hành ngay. Cũng vì có kinh nghiệm nên lúc mới lên đường ông ta bắt chúng tôi đi thật nhanh. Lúc ấy mới ngủ dậy, hãy còn sức khỏe nên chúng tôi đi rất trật tự mặc dù trời rét. Lại cũng đi nhanh vì đi nhanh đỡ rét. Mùa đông, song đó là một ngày nắng. Con đường đất đỏ gồ ghề sỏi đá, hai bên đường chẳng một bóng cây. Càng đi con đường càng hoang vắng. Chỉ có đồi trọc, sim, mua, cỏ lau, cỏ tranh. Suối nước cũng không. Làng bản cũng không thấy bóng. Nóng, khát, mệt, chân rát bỏng. Có thể nói, lúc ấy chúng tôi há mồm ra mà đi. Lểu thểu đưa chân. Chỉ thèm nằm xoài ra cỏ, chỉ thèm vục mặt xuống nước. Rồi ngã, rồi chửi thề, nói tục, gây sự với nhau. Những người giải tù quát tháo, vút roi tre cũng chẳng ăn thua gì. Đến nỗi, khi thấy giữa đồi hoang xuất hiện một ngôi nhà mồ, chúng tôi cũng chẳng sợ hãi gì, vội chạy tới tìm bóng râm trú nắng. Nghỉ ở đấy rất lâu, chừng hai tiếng đồng hồ mới lại sức. Rồi chúng tôi như đoàn quân thất trận tiếp tục lên đường. Giá như lúc ấy, chúng tôi được cởi dây trói buộc, chắc cũng chẳng ai tìm đường trốn, sẩm tối chúng tôi mới tới khu rừng trại giam. Tối mịt, chúng tôi mới tới những lán giam trong thung lũng.
Thung lũng có núi cao, rừng rậm bốn bề bao quanh. Cây rừng trong thung đã bị đốn hạ hết. Đất đã biến thành nương. Một số cuối dòng suối biến thành ruộng nước. Nơi đây trước kia là trại giam tù thường phạm, nay được nhường chỗ làm trại cải tạo địa chủ và phản động. Trại giam nằm ở đầu dòng suối, trên một quả đồi thấp. Có hàng rào dây thép gai mang từ các đồn bốt Tầy bị triệt hạ đem về. Có khoảng một chục lán giam. Mỗi lán khoảng ba chục tù nhân nằm ngủ trên hai dãy sạp dài. Tù nhân được chia thành các tổ nhỏ từ ba đến năm người. Nhiệm vụ các tổ là phải quản lý nhau thật chặt chẽ. Quản lý theo kiểu ngũ gia liên bảo. Người nọ phải để mắt tới người kia. Một người có lỗi, nếu bốn người kia không tố cáo, họ cũng liên đới chịu trách nhiệm. Nghĩa là họ cũng phải chịu tội theo. Nhưng nếu người nào biết và tố cáo, người ấy lập công sẽ được khen thưởng. Nghĩa là sẽ được giấy khen, sẽ được ưu đãi, sẽ được tự do một nửa, hoặc sẽ được giảm thời gian cải tạo tùy theo mức độ. Tổ của tôi gồm thầy tôi, tôi, thầy giáo Hiếu và anh Tần. Anh Tần dù có tội, nhưng thành phần bần cố nên được chỉ định làm tổ trưởng. Anh Tần làm con nuôi một ông chánh tổng từ lúc còn bé. Chị Xim, bố mẹ chết đói, cũng được ông chánh tổng nhặt về nuôi nấng. Tuy danh nghĩa là con nuôi, nhưng thực chất họ là hai người ở, bởi vì họ vẫn phải làm quần quật suốt ngày như những người làm công khác trong nhà ông chánh. Chỉ có cái khác là họ được ông chánh ghép đôi thành vợ chồng và cho một mảnh đất méo mó đầu thừa đuôi thẹo gần đấy rồi làm một căn nhà tre cho ở. Tuy nhiên họ vẫn phải đến làm cho nhà ông chánh. Đội cải cách về. Vợ chồng Tần, Xim được bắt rễ. Chị Xim theo đội tố ông chánh đã bóc lột chị tận xương tận tủy, thậm chí cưỡng hiếp chị. Nhận làm con nuôi rồi lại hiếp con. Tội ác ấy trời không dung, đất không tha. Anh Tần mắng vợ là đồ vô liêm sỉ, chỉ vì một tí quyền lợi mà dám đặt điều ăn không nói có. Lại mắng thậm tệ là đồ ăn cháo đá bát, bởi vì cái lúc bố mẹ chết đói, nếu ông chánh không rủ lòng thương nhặt về nuôi, hỏi chị Xim còn sống được đến bây giờ không. Tố ông chánh tội ác, nhưng thực ra chị mới là người mắc tội tày trời vì đã vu oan cho người hiền lành. Người đàn bà như vậy liệu có còn xứng đáng làm vợ được không? Anh suy nghĩ rất lâu rồi lặng lẽ bỏ nhà ra ở lều cá. Anh đội cải cách đến khuyên nhủ thế nào Tần cũng chẳng nghe. Hồi đánh Pháp, ông chánh làm Chủ tịch Mặt trận, anh Tần là du kích, vẫn thường phải đi hộ vệ ông từ vùng du kích ra vùng tự do và ngược lại. Vừa là chủ tớ, lại vừa cùng hoạt động với nhau, nên khi ông chánh bị quy địa chủ, bị bao vây không có gì ăn, anh Tần đánh liều, lén lút tiếp tế thức ăn cho ông. Ông chánh thực ra là địa chủ kháng chiến nay bị quy là địa chủ gian ác có nợ máu. Bị oan ức lại tuyệt đường sống nên ông thắt cổ chết. Người ta điều tra biết Tần vẫn liên lạc với địa chủ và lại tiếp tế cho địa chủ... Người ta kết luận ông chánh là phản động, Tần cũng nằm trong tổ chức ấy. Vì sợ lộ nên Tần đã giết ông chánh để bịt đầu mối. Vì lẽ đó Tần bị đi trại cải tạo.
Thầy giáo Hiếu là người Hà Nội, đậu tú tài, làm giáo viên cấp 2, đi theo kháng chiến suốt chín năm chống Pháp. Trong một cuộc nói chuyện tâm sự với người bạn thân, ông nói:
- Cải cách ruộng đất là cần thiết. Muốn lấy ruộng thì cứ việc lấy. Cần gì phải đấu tố, bắt giết, để sinh ra cái chuyện vô luân, con tố cha, vợ đấu chồng...
Người bạn thân ấy đã phản bạn, vì muốn lên chức hiệu trưởng. Thầy giáo Hiếu bị điều tra lý lịch. Người ta về quê Hiếu và biết gia đình bố mẹ anh là một địa chủ nhỏ. Hiếu bị quy là phần tử bóc lột phản ứng giai cấp có hành động tuyên truyền chống phá cách mạng.
Cái tổ tâm giao bốn người chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận. Sư cụ, thầy tôi yếu lắm nhưng vẫn phải làm việc theo đúng nhiệm vụ của một người đi cải tạo, nghĩa là làm việc đồng áng, chặt củi, đóng gạch, chăn nuôi v.v... Tôi phải cố sức làm thêm cho phần việc của thầy. Tuy nhiên, nếu không có anh Tần giúp đỡ chủ yếu, thì có lẽ thầy trò tôi ngày nào cũng bị phạt vì không làm tròn phần việc. Anh Tần rất giỏi việc đồng áng. Nếu chỉ phải làm riêng phần của mình, chắc anh chỉ cần nửa buổi là xong. Nhưng anh còn phải lo giúp cho thầy tôi và cả thầy giáo Hiếu nữa chứ.
Một hôm, ông Đoàn ủy xuống trại cải tạo. Ông bắt gặp chúng tôi đang dỡ sắn. Ông dừng xe lại và nói với thầy tôi:
- Trại cải tạo bảo rằng hai thầy trò sư cụ lao động rất chăm chỉ. Như vậy là tốt. Thế này nhé: đừng nghĩ rằng bắt cải tạo vì chúng tôi muốn hành hạ sư cụ đâu. Chúng tôi muốn tốt cho các vị đấy. Những người như các vị thay đổi cái đầu là điều quan trọng. Cũng nên nhớ rằng ở đây là kỷ luật sắt. Ở đây không nương nhẹ tay với bất cứ ai... Cụ hiểu ý tôi chứ.
Tôi hết sức ngạc nhiên. Ông Đoàn ủy cho chúng tôi về trại số 2 là điều ngạc nhiên thứ nhất. Khi về thăm trại, ông chẳng nói chuyện với phạm nhân nào, mà chỉ nói với thầy tôi, đó là điều ngạc nhiên thứ hai. Đến tối, trước khi ngủ, tôi hỏi sư cụ:
- Thầy ơi! Có phải trước đây, thầy đã quen ông Đoàn ủy?
Thầy tôi trả lời:
- Cái hôm mới đến Đoàn ủy, khi ông ta nói đến am Tịch Mịch, ta mới chợt nhớ ngày xưa đã gặp ông ta. Hồi ấy, ta tu ở sau núi Yên Tử. Một đêm, có mấy người mặc quần áo nâu cõng đến am Tịch Mịch một người ốm và nhờ ta cứu giúp. Ông ta bị sốt rét nặng. Đang sốt, nóng như hòn than. Lại mê man bất tỉnh. Ta vào núi hái lá rừng chữa cho khỏi bệnh, về sau, ta mới biết ông ta là cán bộ Việt Minh hoạt động ngoài mỏ than. Đó là con người cực kỳ thông minh. Lý luận rất sắc bén. Ăn nói sôi nổi. Lúc nào cũng hừng hực như lửa cháy. Ông ta bảo thầy: “Tôi cảm ơn ông đã hết lòng cứu giúp trong lúc tôi thập tử nhất sinh. Tôi với ông là những người đều hiểu đời có nhiều bất công đau khổ. Tuy nhiên chúng ta theo hai con đường diệt khổ khác nhau. Một đằng đấu tranh với bất công. Xin lỗi sư ông cho tôi nói thật lòng. Tôi sợ rằng con đường của Phật tuy vĩ đại nhưng ảo tưởng. Và nếu đi quá mức đến một giới hạn nào đó sẽ là thứ thuốc ru ngủ cho những con người tuyệt vọng...”. Ở ông ta có cái gì quá mức cuồng nhiệt khiến cho thầy lo lắng, cảm thấy bất an. Khi nói ông ta nhỏm dậy, mắt sáng rực, nói hùng hồn, mặc dầu mồ hôi vã ra trên trán. Thầy không nói gì, chỉ đỡ ông ta nằm xuống mà rằng: “Anh còn yếu lắm. Chớ xúc động quá mức. Lúc này lo cho sức khỏe là trước hết... Cả suy nghĩ cũng chưa nên vội vàng quá độ kẻo hao tổn tinh thần... Còn về phần tôi. Chỉ là một ông sư quê mùa. Chúng tôi có nghĩ gì to tát lắm đâu. Chỉ là làm theo lời Phật dạy. Cứ thấy tâm mình an lành và mọi người được an lành... đã là sung sướng lắm rồi”.
Tôi thưa với sư cụ:
- Bạch thầy, có lẽ nhờ cuộc gặp gỡ ấy, và cũng nhờ đức độ của thầy, cho nên thầy trò ta mới không phải vào trại số 1 và được đến trại thứ 2.
Chúng tôi vào trại chưa đến một tháng, thì một sự việc xảy ra làm cho tôi phải bàng hoàng kinh ngạc. Một buổi tối tôi đã lên sạp bắt đầu ngủ thì có người lật chiếc chiếu đắp thay chăn của tôi ra, đập vào lưng tôi, gọi:
- An, An ơi! Mày phải không?
Tôi trở dậy, sững sờ, bởi vì trước mặt tôi chính là Trắm.
- Sao cậu lại ở đây? - Đó là câu hỏi ngay lập tức của tôi.
Qua trả lời của Trắm tôi được biết Trắm bị phát hiện đã giúp mẹ con bà Nấm đi trốn. Anh đội Khoát liên hệ các sự việc lại đi đến kết luận:
- Thằng Trắm cũng nằm trong tổ chức phản động. Tổ chức này khá mạnh ở làng Sọ. Vợ chồng nhà Nấm đã lũng đoạn cả tổ chức thiếu nhi của xã, đã biến tổ chức của ta thành của địch; đã biến thiếu niên xã thành một bộ phận liên lạc cho Việt Nam Quốc dân đảng. Con Huệ, thằng An, thằng Trắm, cả thằng Căn đang đi bộ đội cũng đều là liên lạc viên của tổ chức này. Lẽ dĩ nhiên, Trắm vì lẽ đó phải tìm mọi cách giúp đỡ mẹ con mụ Nấm. Chỉ riêng cái Rêu là không dính líu. Cũng có thể vì Rêu chơi thân với tổ liên lạc, đã biết hành động của chúng nên bị chúng giết đi để bịt đầu mối...
Chao ôi! Lời kết luận của Khoát thật ghê gớm. Cũng may, thầy tôi và tôi đã vào trại 2 nên Trắm mới không bị kết tội nặng hơn. Tối hôm ấy Trắm được ngủ với tôi. Sáng hôm sau Trắm cứ nằn nì cán bộ xin vào tổ của tôi nhưng không được.
Cuộc sống ở trại cải tạo cứ bằng lặng trôi đi. Đói khát. Mỗi bữa chỉ một bát cám và một mẩu sắn. Cực nhọc. Chúng tôi hàng ngày lao động quần quật, để hoàn thành mức khoán. Có những lúc cực nhọc quá, tôi kêu ca oán thán. Tối đến thầy bảo tôi rằng:
- Con là người tu hành đạo của đức Thế Tôn. Không phải chỉ ở chùa mới tu. Người Phật tử tu ở mọi lúc, mọi nơi. Gặp cảnh an bình cũng tu. Gặp cảnh oan nghiệt cũng tu. Có thể nói, chính những lúc ấy mới là cơ hội để ta tìm đến chân như. Con chỉ nói miệng đời là bể khổ, điều ấy chưa đủ. Bản thân trải qua cảnh khổ, chính lúc ấy ta mới hiểu thế nào là khổ đế. Khổ cực ở đời chỉ là chứng cứ, là sự nhắc nhở cho người tu hành cái chân lý không thể chối cãi được của đức Thế Tôn rằng đã mang lấy nghiệp vào thân, con người còn chịu khổ. Thậm chí, con còn phải nghĩ đến chuyện cám ơn nỗi khổ, bởi vì đó là những phút lý tưởng cho ta suy ngẫm về nỗi khổ ở đời, và nó có thể làm phong phú thêm trải nghiệm của ta.
Nghe lời thầy dạy, nhìn những người đồng cảnh lầm lũi làm việc tôi cũng cắn răng cam chịu. Và quả thực khi suy ngẫm nhiều, tôi thấy mình dễ chịu đựng hơn, hay có thể nói sức chịu đựng của mình được tăng lên. Tuy nhiên, những người khác trong tổ của tôi không giống như tôi. Nghe thầy tôi nói về chữ nhẫn, anh Tần và thầy giáo Hiếu chỉ mỉm cười. Thầy giáo không tranh luận mà nói:
- Cụ là người tu hành nên nghĩ thế. Còn chúng tôi nghĩ khác. Chúng tôi chắc chẳng chịu đựng được mãi đâu.
Sư cụ nhìn vào đôi mắt của thầy Hiếu. Hình như không nói nhưng thầy tôi biết thầy giáo đang toan tính một điều gì. Thầy tôi vẫn đăm đăm nhìn thầy giáo Hiếu. Rồi hai bàn tay gầy guộc nắm lấy bàn tay thầy giáo. Không một lời nào, nhưng đã có bao lời giao cảm qua đôi tay già truyền đến cho thầy Hiếu.
Chẳng mấy chốc những điều dự cảm không nói ra lời của thầy tôi đã thành sự thật. Một đêm tôi đang ngủ bỗng nhiên choàng tỉnh giấc. Chợt cảm giác như thấy thiêu thiếu một cái gì. Trại cải tạo phát cho hai người một chiếc chiếu đắp thay chăn lúc mùa đông. Vì chiếu ngắn, đắp hở chân, cho nên anh Tần sáng kiến lấy lá cọ rừng kết thành một chiếc áo tơi thật rộng, thật dài để đắp trùm lên trên chiếu cho cả bốn người trong tổ. Từ khi có thêm chiếc chăn lá khổng lồ đó, tôi thường ngủ một mạch từ tối cho đến sáng mới tỉnh dậy. Thế mà đêm nay tôi lại thức giấc dở chừng. Tôi sờ tay sang phải vẫn chạm phải tấm thân gầy gò khẳng khiu của thầy tôi. Nhưng sờ sang trái mới biết tại sao tôi cảm thấy thiếu. Sờ gần rồi lại sờ xa vẫn không thấy gì. Anh Tần và thầy giáo Hiếu đã biến đâu mất. Hình như lúc ấy tôi có ý định kêu to lên, nhưng nghĩ một lát tôi lại thôi. Tôi xoay sang thầy, đập khẽ vào lưng và thì thầm: “Thầy ơi! Anh Tần, và thầy giáo Hiếu đã...”. Ngay lập tức, thầy tôi quài tay sang, bịt mồm tôi. Thế là tôi hiểu ngay. Thì ra chuyện này thầy tôi đã biết trước tôi. Tôi liền nằm im thin thít. Cho tới sáng tôi không ngủ lại được, cứ nằm đấy và miên man suy nghĩ. Hóa ra hai người đã chuẩn bị cho cuộc trốn trại này từ lâu lắm. Không biết lúc này họ đang ở đâu. Đến lúc ấy tôi mới ôn lại những điều tôi biết. Thầy giáo Hiếu có lần kể rằng thầy có mấy năm dạy học ở vùng cao. Thầy kể có một ông già người Mèo rất yêu cái chữ. Thầy Hiếu ở nhờ trong gia đình cụ. Thầy đã dạy học cho con cháu cụ, ngoài ra còn có cái ơn chữa khỏi bệnh cho bà vợ cụ. Thầy Hiếu vì thế được nhận là con của gia đình. Mà người Mèo lại rất trung thực và tín nghĩa. Đã tin ai, quý ai, và nhận ai là người của mình thì dù chết cũng không thay lòng đổi dạ hoặc phản bội... Như vậy là rõ rồi... Chắc thầy Hiếu đang lẩn trong rừng, trốn khỏi cái địa ngục này để đến nơi có thể là vô cùng nghèo đói, nhưng có những con chim tự do bay liệng trên bầu trời mênh mông, ở đấy sự công chính, sự tín nghĩa của những con người chất phác còn quý hơn mạng sống... Chắc chắn ở đó, núi cao, rừng sâu và con người sẽ che chở cho họ đến hết những phút gió to bão lớn. Trong lúc tôi nghĩ ngợi và tưởng tượng liên miên như vậy thì cả lán vẫn im phăng phắc chìm trong giấc ngủ. Thỉnh thoảng mới có tiếng ho hoặc có ai đó ngáy. Thực sự chẳng ai biết chuyện gì đã xảy ra sao? Hay là người ta biết nhưng im lặng. Những người nằm ở đây là những người đã nếm trải những trái đắng trong cuộc đất chuyển. Họ là những con người đã bị lăng nhục, bị phản bội, thậm chí bị người thân phản bội. Cho nên họ biết cái giá của sự phản bội. Nhưng lát nữa thôi, khi mặt trời thức dậy, tất cả sẽ bại lộ. Không biết đến lúc ấy rồi sẽ ra sao? Tôi cầu xin đức Phật hộ trì cho chúng tôi, cho tất cả mọi người giữ được sự trong trắng, lòng ngay thẳng, sự lương thiện. Tôi cầu mong Phật tính luôn ở với con người, tôi cầu mong cho những người bạn của tôi, đã sổ lồng, sẽ tìm được tự do ở những phương trời xa lạ...
Thầy tôi đã ngồi dậy nhập thiền. Chắc chắn thầy tôi cũng đang cầu xin với đức Phật những điều như thế cho những người bạn của chúng tôi. Chính lúc ấy, một hồi còi rúc vang. Cán bộ trực trại gọi mọi người ra khỏi lán. Một ngày mới ở trại cải tạo số 2 bắt đầu.
Khi biết tin, trại trưởng xuống ngay và đùng đùng nổi giận:
- Cùm ngay lập tức tất cả bọn bóc lột phản động lại. Hôm nay cấm trại. Thẩm vấn. Đứa nào biết và tố cáo đích xác sẽ được khen thưởng, được giảm án nhẹ tội. Kẻ nào biết mà che giấu sẽ bị trừng phạt thật nặng.
Lẽ dĩ nhiên thầy tôi và tôi là người bị thẩm vấn đầu tiên. Tôi bị vặn vẹo suốt một buổi sáng.
- Thầy cháu và cháu ở cùng một tổ với hai tên Tần và Hiếu. Chúng nó trốn mà thầy trò cháu không trốn. Thế là tốt. Ta biết thầy trò cháu tu hành chuộng việc thiện. Song cũng cần xác định ngay: Che giấu cho những tên chống đối Đảng, Chính phủ, việc đó không phải là thiện. Ta cũng biết nhà chùa luôn giữ thân, khẩu, ý theo chánh đạo. Lời nói thẳng thắn đúng sự thật, không che giấu sự thật, ấy là lời nói ngay thẳng theo bát chánh đạo, theo đúng lời Phật dạy.
- Thưa cán bộ. Thực quả con không biết gì ạ. Buổi sáng dậy con mới biết các ông ấy trốn.
- Thế này nhé. Để dễ làm việc, ta sẽ hỏi từng câu. Hỏi câu nào, cháu trả lời câu ấy. Trước khi trốn, Tần, Hiếu có bàn bạc cùng ai không?
- Không ạ.
- Ví dụ nói với sư cụ thầy của cháu.
- Không ạ.
- Có chuẩn bị gì không? Ví dụ phơi cơm để làm lương khô chẳng hạn.
- Cháu không biết ạ.
- Thế lúc khám, còn một túi cơm khô rơi tung tóe ra sạp cháu có trông thấy không?
- Dạ... dạ... Có ạ.
- Cơm chứ có phải cái kim bé tí đâu? Phơi cơm dù chỉ một nắm cũng phải tãi ra mẹt, ra lá chuối. Ai có mắt mà chả thấy ngay. Phải nói rằng cháu biết nhưng đã che giấu cho hai tên Tần, Hiếu.
- Dạ... oan cháu lắm.
- Thế còn lúc nửa đêm, lúc hai tên bỏ trốn cháu có biết không?
- Thực quả là không ạ.
- Ta nghe lúc đi ngủ, cả bốn người tổ cháu cùng đắp một chiếc áo tơi lá thật to có phải không?
- Dạ, thưa đúng vậy ạ.
- Vậy, khi hai người chui từ chăn áo tơi ra nó sột soạt có phải không?
- Dạ, có sột soạt ạ.
- Nó sột soạt tức là nó đánh thức cháu dậy. Theo ta, cháu đã tỉnh ngủ lúc quá nửa đêm. Cả hai thầy trò cháu đều biết Tần và Hiếu bỏ trốn, nhưng đã che giấu cho kẻ phạm tội nên không báo cho trại biết ngay lúc đó. Cháu có hiểu không. Hai đứa bỏ trốn làm trại phải điều một trung đội cán bộ và du kích đi truy đuổi suốt từ sáng tới giờ. Cháu có hiểu che giấu là gì không? Là đồng lõa, là cùng đồng lòng với kẻ phạm tội. Là không chịu cải tạo. Là trong thâm tâm vẫn chống đối cải cách ruộng đất. Tội ấy rất to. Ta rất thương người nhà chùa hiền lành. Nhưng ta không thể bao che được cho thầy trò cháu.
Người cán bộ thẩm vấn tôi ăn nói rất tử tế ngọt ngào nhưng cuối cùng thì cả hai thầy trò tôi đều bị trừng phạt. Tôi còn bị hỏi nhiều câu hỏi nữa tôi không nhớ hết. Thầy tôi còn bị hỏi nhiều hơn tôi. Tôi chỉ bị thẩm vấn một buổi sáng. Còn thầy tôi, cả ngày. Khi bị hỏi xong, tôi thấy run rẩy trong lòng. Thú thực, tôi sợ hãi. Tôi vẫn không theo được lời thầy dạy. “Vô úy” là tên thầy tôi. Không run sợ trước mọi nghịch cảnh ở đời. Đó là ý nghĩa tên thầy tôi. Thế mà tôi vẫn sợ.
Trung đội truy tìm mang cả chó đi đánh hơi. Không phải chó săn phương Tầy. Chỉ là hai con chó giống của người Mèo, nhưng chúng đánh hơi, đi săn rất tài. Hai con chó cao to như hai con bê. Rất nhanh nhẹn và rất hung dữ. Phải hai ngày sau họ mới tìm được dấu vết hai người trong rừng. Chắc vì quá vất vả nên anh du kích đi truy tìm vô cùng tức giận. Đã thế hai người khi bị phát hiện còn tìm đường bỏ chạy. Anh du kích liền suỵt chó truy kích. Một con chồm lên cắn gáy đè sấp anh Tần xuống. Cũng may con chó chỉ dọa chứ chưa cắn thật. Nếu không, Tần đã chết. Còn với thầy giáo Hiếu? Con chó thứ hai đuổi theo dữ hơn. Nó xông vào xé quần áo thầy Hiếu rách tươm. Cuối cùng nó cắn vào bắp chân làm thầy không chạy được nữa. Thầy bị khiêng về trại như con lợn bị khiêng đi chọc tiết. Giống con lợn sắp bị chọc tiết, bởi vì trong trường hợp ấy, lợn thường kêu váng trời. Thầy Hiếu cũng vậy, khi bị khiêng đi, thầy cũng la hét váng trời.
Sau hai ngày tra hỏi, khi biết chắc rằng hai người trốn trại chỉ là hành động tự phát riêng lẻ chứ không phải do một tổ chức bí mật chỉ đạo. Ban chỉ huy trại ra một quyết định trừng phạt. Ôi chao cách trừng phạt! Sao con người lại có thể nghĩ ra được những cách hành hạ con người quái quỷ đến vậy! Anh Tần và thầy Hiếu bị trừng phạt đã đành. Hai thầy trò tôi, tuy không trốn chạy, nhưng biết mà không báo cáo ngay, tức là đồng lõa đồng mưu. Vả lại chúng tôi còn cùng một tổ, những người cùng tổ đều phải liên đới chịu trách nhiệm; hơn nữa, còn phải làm gương cho các tổ khác thấy mà sợ nữa chứ, vì thế hai thầy trò tôi cũng bị nghiêm trị.
Chúng tôi được dẫn đi theo một hàng dọc. Ba người lớn đều bị trói tay, chỉ có tôi không bị trói. Người nào cũng cởi trần trùng trục, chỉ mặc độc một chiếc quần đùi. Họ dẫn chúng tôi đi qua trước mặt toàn thể trại viên. Thú thật lúc đó tôi vẫn không biết mình sẽ bị trừng phạt ra sao. Tôi đã được thầy tôi dặn, khi bước đi tôi cố quên mọi thứ đang xảy ra và không nghĩ tới mọi việc sắp xảy ra với mình, dù là những điều xấu nhất. Chỉ nhất tâm nhất niệm cầu xin đức Phật hộ trì và đọc hồng danh chư Phật. Phải nói rằng, tôi mới chỉ là kẻ tập tu, cho nên tôi chưa được nhất tâm cho lắm; chứng cứ là tai tôi vẫn còn nghe thấy những tiếng rì rầm lao xao. Hình như có ai đó nói vào tai tôi. Đúng thế! Rõ ràng có ai đó đã thì thầm vào tai tôi. Tôi đi giữa trại viên. Làm sao lại có thể có người dám ghé vào tai tôi để thì thầm được nhỉ. Chẳng có lẽ... nhưng rõ ràng có ai đó thì thầm mà chỉ mình tôi nghe thấy. Tiếng thì thầm rõ mồn một, nhắc đi nhắc lại mấy lần. Tiếng thì thầm bí ẩn ấy vẫn dặn tôi rằng: “Hai tay phải giơ lên trời. Giơ lên trời! Nhất định phải giơ lên trời! Hãy nhớ lấy!”. Tôi ngơ ngác vì chẳng hiểu ý nghĩa câu nói ấy là thế nào... Tôi ngơ ngác nhìn ba người lớn đi phía trước. Thầy tôi đi đầu. Người điềm tĩnh và lặng lẽ. Thầy chẳng nói một lời, nhưng tôi biết chắc rằng trong lòng thấy tôi đang niệm hồng danh đức Phật. Tiếng nói thì thầm vào tai tôi phải chăng là của thầy? Có phải không nhỉ? Có thể lắm chứ. Trong những phút cực kỳ phức tạp hay nguy khốn, con người có thể nói được với nhau mà không cần phải thốt nên lời. Nếu thầy không nói thì phải có một trại viên nào đó đã có kinh nghiệm và muốn truyền kinh nghiệm nào đó cho tôi. Và cũng bằng một cung cách bí ẩn siêu không gian như vậy. Tôi cứ nghĩ ngợi vơ vẩn như vậy. Rồi bỗng dưng tôi chợt chú ý tới đôi tay bị trói của thầy. Cả hai người kia cũng bị trói tay. Chỉ có tay tôi là tự do. Không hiểu có mối liên hệ gì không giữa những đôi tay này. Tôi thầm nghĩ chắc phải có, tuy nhiên, ý nghĩa của câu nói “giơ tay lên trời” đối với tôi khi ấy vẫn hoàn toàn bí ẩn...
Người cán bộ dẫn chúng tôi ra vườn rau, theo sau là tất cả trại. Vườn rau xanh ngắt non tơ. Một vườn cải xanh hàng ngày vẫn được một tiểu đội trại viên chăm sóc rất chu đáo. Thế này nghĩa là thế nào nhỉ. Trừng trị một bọn cứng đầu cứng cổ tại sao lại phải mang ra vườn rau?
Người ta tập trung tất cả trại viên chúng tôi quanh một cái hố rộng cuối vườn. Đó là cái hố chứa phân. Hơn ba trăm con người hàng ngày đại tiện ở ba dãy hố xí công cộng. Cứ mỗi tuần lại phải mang những thùng phân từ hố xí ra đổ xuống những hố lớn ở vườn rau xa nhà. Khi hố xí đầy thì cắt lá xanh phủ lên trên, rồi lấp đất, chờ cho phân hoại sẽ gánh đi bón ruộng.
Lúc này, chúng tôi đang vây quanh một hố phân đã đầy ắp. Lúc này thì tôi đã mang máng hiểu điều gì sắp xảy ra. Phải nói là đầu óc tôi thấy bàng hoàng. Ông trại trưởng lên tiếng:
- Các anh được bố trí đến trại hai này là may mắn lắm rồi. Các anh là bọn bóc lột, là những phần tử phản động. Giai cấp bóc lột và phản động là phải bị tiêu diệt. Đảng đã nhân đạo mở ra con đường sống, cho các anh lao động cải tạo. Lao động là vinh quang, lao động biến các anh từ con người ăn bám, trở lại thành những con người của giai cấp cần lao, biết sống bằng đôi bàn tay của mình, bằng những giọt mồ hôi của mình đổ ra. Đáng lẽ ra, ý nghĩa ấy các anh phải tự hiểu và các anh phải cám ơn tấm lòng nhân đạo của Đảng, rồi ra sức mà lao động. Thế mà, đã có những kẻ vong ơn bội nghĩa, trốn tránh lao động, trốn tránh cải tạo. Không những lười biếng, lại còn tìm cách trốn trại. Trốn ư? Các anh định trốn đi đâu? Gầm trời miền Bắc này, chỗ nào chẳng có con mắt của nhân dân. Hay là các anh định trốn vào Nam theo giặc. Đừng mơ tưởng hão huyền. Khắp nơi đều là thiên la địa võng. Các anh biết rồi đấy, tội trốn trại là cực nặng. Phải trừng trị nghiêm khắc để cho từ bây giờ sẽ không có một trại viên nào còn tơ tưởng nghĩ đến nữa. Ban chỉ huy trại cải tạo số 2 đã tham khảo ý kiến, nay ra quyết định: Hai trại viên đã thực sự phạm tội là Lê Văn Hiếu và Nguyễn Văn Tần thì phải trị tội thật nặng. Hai tên chống đối đó phải ngâm mình xuống hố phân trong thời gian nửa tiếng. Hai tên phải từ từ đi xuống hố cứt. Bao giờ cứt ngang đến vai mới được dừng lại. Tất cả trại, hãy trông gương mà nhớ lấy suốt đời. Nếu lần sau có kẻ nào trốn trại, tôi sẽ cho kẻ ấy ngâm cứt suốt ngày chứ không phải nửa tiếng. Hãy đứng đấy, mở mắt to ra mà nhìn, mà nhớ cho đến lúc chết cũng chớ có quên, để chớ có khi nào dám manh tâm chống đối...
Còn như hai kẻ tòng phạm trong tổ của Hiếu và Tần...
Tôi nghe lời ông trại trưởng nói mà rợn tóc gáy. Thì ra hình phạt là quái gở đến như vậy. Đến lúc này tôi mới hiểu hết ý của cái tiếng nói vô hình vô ảnh thì thầm bên tai tôi lúc nãy. Ba người lớn bị trói tay. Khi xuống hố, tay họ sẽ ngâm trong cứt. Còn đôi tay tôi được tự do, tôi sẽ giơ lên trời. Tôi hiểu. Phải giữ cho đôi tay sạch sẽ. Chắc chúng sẽ được việc lắm đây... Hai người kia phải xuống hố phân, chắc số phận thầy trò chúng tôi cũng thế thôi. May ra kẻ tòng phạm tội nhẹ hơn nên thời gian thụ án sẽ được giảm nhẹ đi chút ít. Tôi cay đắng nhìn bộ mặt nhăn nheo của thầy tôi. Thầy tôi đang lim dim con măt, chẳng nói gì. Cũng chẳng chút biến động nào trên gương mặt từ bi ấy. Thầy tôi vẫn bảo: “Trong những phút trái ngang nhất của cuộc đời, tâm ta rất dễ xao động. Mà tâm xao động dấy niệm lên là ta dễ hành xử sai. Tốt nhất hãy niệm hồng danh đức Phật, và hãy nghĩ rằng: Mỗi khó khăn ở đời là một bước để ta tôi rèn, để đi đến gần Đạo hơn”.
Đã có lệnh bắt hai kẻ phạm tội bước xuống hố.
Ở trên bờ, mùi xú khí nồng nặc bốc lên. Những bàn chân xé rách lớp phân khô trên mặt hố. Khí hôi thối khắm khú bị màng phân khô cứng trên mặt hố giam hãm như lũ tù bị giam trong tù ngục, nay bỗng chốc được giải phóng. Chúng sôi lên ùng ục rồi như lũ ngựa hoang đang cuồng cẳng bỗng phi nước đại. Xú khí ào ạt bốc ra thối hoăng cả vùng trời.
Tôi nôn nao, xây xẩm mặt mũi rồi nôn khan, cố ngăn lại mà không nổi. Tất cả cơ quan trong họng tôi đều quằn quại, cuồn cuộn. Những cơn co thắt nôn ọe cứ diễn ra bất chấp ý chí của tôi cữỡng lại. Thầy tôi đứng bên cạnh, mở mắt ra, an ủi:
- Cố gắng lên con. Tất cả sẽ qua nhanh thôi. Hãy cố định tâm. Tâm mà an thì mọi thứ trong ta sẽ an trở lại.
Tôi và thầy tôi chờ đợi đến lượt mình thụ hình. Ông trại trưởng muốn tra tấn thầy trò tôi bằng sự chờ đợi hay sao mà chưa thấy ông tuyên bố tội trạng của hai người. Tù nhân chúng tôi bâu quanh hố phân nhìn thầy giáo Hiếu và anh Tân dưới hố. Mọi người xanh lè con mắt. Cùng lúc ấy ông trại trưởng mới nói:
- Còn hai người kia, sư cụ Vô úy và chú tiểu An, họ cũng có tội, ở trong tổ mà không báo cáo. Kẻ nào sắp đi trốn mà không có dấu hiệu chuẩn bị. Họ bảo không biết, nhưng thực ra họ biết. Chẳng qua che giấu cho nhau. Ban chỉ huy trại suy tính mãi. Đáng lẽ ra họ cũng phải xuống hố cứt. Nhưng xét đi xét lại, từ lúc vào trại họ đều hiền lành, chưa mắc lỗi gì. Cho nên, tha cho hình phạt ngâm mình dưới hố, nhưng cũng phải phạt để cho họ thấm thìa. Hai thầy trò phải đi gánh phân một tháng. Phải gánh hết hố phân đã hoai đổ ra ruộng và phải chặt đủ lá xanh rồi băm ủ hố phân mới.
Tôi thở phào. May mắn đã thoát được thứ hình phạt kinh hoàng. Tôi nghĩ chắc ông Bí thư Đoàn ủy, con người có thế lực cao đã che chở cho thầy trò tôi bằng một cách nào đó.
Ông trại trưởng nói tới đây thì có tiếng thầy giáo Hiếu kêu lên dưới hố:
- Tôi lạy ông trại trưởng. Cho tôi lên bờ. Tôi van xin ông đấy!...
Mọi người đưa mắt nhìn xuống. Người ta thấy hai cái đầu trọc của hai người tù trắng xóa. Cái gì ngoe nguẩy thế kia? Trời ơi!... Những con dòi! Những con vật nhỏ bé, trắng nhởn, bóng nhẫy từ những kẽ nứt chui lên. Lũ sinh vật ngoe nguẩy lúc nhúc sao mà lắm thế. Những tiếng kêu thét của hai con người làm ta sởn tóc gáy.
- Trời ơi! Chúng rúc vào mồm tôi!...
- Ôi giời đất ơi. Chúng chui vào óc tôi rồi.
Sư cụ Vô Úy lúc này phải lên tiếng:
- Kính thưa cán bộ trưởng trại... Tôi nghe tiếng của ông giáo Hiếu hàng ngày. Tôi biết lúc này ông ấy đang nói thật... Tôi biết chắc lũ dòi đã chui vào óc ông ta... Thưa cán bộ... Tôi nghe giọng thật là thảm thiết, khác thường... ông Hiếu không nói dối đâu. Xin cán bộ hãy rủ lòng thương... Cứu một người phúc đẳng hà sa... Xin cán bộ dừng lại kẻo không kịp nữa...
Thầy tôi vốn có cái tài chỉ nghe tiếng nói, cảm nhận được nỗi đau của người khác, chỉ nghe âm sắc tiếng nói biết được cái thống thiết đã tới mức nào. Tôi nhìn mặt ông trưởng trại, thấy ông ta liếc nhìn đồng hồ đeo tay và lẩm bẩm: còn năm phút nữa. Thầy tôi nhìn vào mắt ông trưởng trại và hiền từ bảo:
- Tôi biết ông trưởng trại đã nghĩ trong lòng thế là đủ rồi. Sao cán bộ chẳng nói điều ấy ra?
Và tôi lúc này chợt nhớ ra cái tiếng nói thầm thì vô hình vô ảnh khi trước. Tiếng nói ấy phải chăng vốn là tiếng nói của thầy tôi. Thảo nào tôi nghe quen quen. Và tôi chợt hiểu thêm một điều về thầy tôi. Thầy chẳng những có thể nghe được nỗi đau của người khác, mà còn có thể truyền giao những cảm xúc từ bi của mình cho người khác. Phải chăng chính lúc này thầy tôi đang truyền giao lòng từ bi cho ông cán bộ, làm thức dậy cái tốt đẹp sẵn có trong ông ta và biến nó thành hành động.
Tôi sở dĩ nghĩ vậy, vì lúc ấy tôi thấy khuôn mặt sắt thép của ông trưởng trại bỗng như chùng xuống. Và ông ta đột nhiên ra lệnh:
- Thôi được rồi. Cho ngừng lại.
Ông trại phó nghe lệnh, huýt một tiếng còi:
- Cho hai anh lên bờ.
Hai người tù cuống quýt lên bờ. Riêng tôi, không hiểu sao, tôi đã tự động cởi chiếc áo đang mặc của mình ra từ lúc nào không biết. Hình như tiếng nói quen thuộc ấm áp lúc trước đã lại vang lên bên tai tôi: “Con lấy chiếc áo phủi cho lũ dòi rơi xuống. Nhè nhẹ thôi, kẻo chúng bị nát nhừ”. Trước thì tôi không biết, chứ bây giờ tôi nghĩ đó là tiếng của thầy tôi.
Và khi họ vừa lên bờ, tôi đã kịp thời dùng chiếc áo phẩy nhẹ lũ dòi khỏi hai chiếc đầu lâu kỳ dị. Hai khuôn mặt đầy dòi bọ trắng nhởn ngọ nguậy, phút chốc đang từ hình dạng ma quỷ đã trở lại thành những khuôn mặt người. Thầy giáo Hiếu lại trở về thầy Hiếu. Anh Tần lại ra anh Tần.
Ông trại phó lại rúc lên hồi còi cho phép hai người tù được ra suối tắm rửa. Hai người tù chỉ đợi có thế, vội ba chân bốn cẳng đạp phăng hàng rào, dẫm cả lên những luống cải đang trổ hoa vàng, vội vã đến vũng nước được hình thành từ dòng suối chảy ra, nhảy ùm xuống và ngụp lặn. Họ vặt những búi lá chó đẻ rồi ra sức kỳ cọ, hòng mong mùi thơm hắc của cỏ cây sẽ xóa đi cái mùi thum thủm mà dòng nước dù trong sạch thế nào cũng không thể làm phai đi được.
Cũng may, lúc ấy đã vào mùa xuân. Đã hết những đợt gió lạnh cắt da cắt thịt. Ông trưởng trại lại cho phép cởi trói và cho đốt một đống lửa ven bờ suối cạnh những bụi sim, bụi mua. Hàm răng của những người tù đã thôi đánh cầm cập. Anh Tần vạm vỡ nên đã trở lại bình thường. Chỉ có thầy giáo Hiếu là vẫn nhăn nhó. Thầy lắc đầu, ngoáy tai. Thầy ôm đầu, thỉnh thoảng lại rên la nhăn nhó. Thỉnh thoảng thầy lại yên được một lát. Có lẽ con dòi trong tai thầy giáo nhờ lửa ấm nên không ngọ nguậy. Tuy nhiên, sự yên tĩnh ấy không kéo dài. Chỉ vài phút sau thầy lại ôm đầu mà rống lên đau đớn. Thậm chí khoảng nửa tiếng sau, thầy bỗng như người điên rồ, nhảy cỡn lên chạy vòng quanh sân mà kêu trời. Có lẽ con dòi trong tai đang giãy giụa đục khoét. Sự ấm áp bên đống lửa làm con dòi ngủ quên, lúc này nó lại hoạt động.
Ông y sĩ trại giam phải sai người giữ chặt thầy giáo Hiếu lôi vào trạm xá. Thầy Hiếu vẫn lồng lộn kêu la, ông y sĩ phải trói vào chiếc chõng tre mà việc khám bệnh vẫn khó khăn. Cuối cùng, ông y sĩ phán rằng:
- Trường hợp này gay đây. Phải cho đi bệnh viện chuyên khoa Ô Rờ Lờ (ORL) mới xong. Nếu chậm, con dòi chui vào óc thì hết đường cứu chữa.
Ông y sĩ này vốn là y tá làm việc với Tầy ở bệnh viện Bạch Mai. Đi kháng chiến có thành tích nên được đề bạt làm y sĩ. Ông ta sính nói tiếng chuyên môn theo kiểu Tầy. Ông trưởng trại nghe phải chuyển bệnh nhân đi bệnh viện đã ngại, nay lại nghe ba tiếng Ô Rờ Lờ (ORL= oto-rhino-laryngologi e= tai mũi họng) của ông y sĩ nên càng ngại thêm. Ông ta vốn tin quần chúng vốn có nhiều mưu mẹo sáng kiến. Ông liền đứng ra giữa sân hô hào anh em:
- Thầy giáo Hiếu bị dòi chui vào tai. Trong anh em, ai là người có khả năng chữa bệnh cho Hiếu?
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Trắm giơ tay:
- Tôi xung phong xin thử xem sao.
- Anh đã làm y tá rồi sao?
- Không, tôi làm thợ cạo.
- Thợ cạo kiêm ông lang hả?
- Không, tôi làm thợ cạo tồi, nhưng lấy ráy tai thì giỏi.
Trại trưởng vỗ đen đét vào đùi.
- Giỏi! Tôi hiểu rồi. Đúng là quần chúng nhiều sáng kiến.
- Nhưng điều kiện là phải có một cái dip dáy tai thợ cạo. Một cái dip đầu nhọn thật dài.
- Không lo. Dip dáy tai thì có sẵn.
Chuyện này thì tôi hiểu. Trắm vốn là đứa khéo tay. Trắm lại chơi thân với Căn. Ông Trần bố Căn có thời đã nức tiếng về nghề lấy dáy tai. Nghe nói hồi trước Cách mạng đã có lần ông thoát khỏi tay bọn mật thám Tầy cũng là nhờ có tài lấy dáy tai. Ông Trần không muốn thất truyền cái nghề mọn quý báu mà thằng con ông là Căn với bàn tay chuối mắn sẽ không bao giờ thành tài, nên đã truyền nghề cho Trắm. Thằng Trắm giỏi bách nghệ - Người làng vẫn bảo thế - Nó đã thích nghề gì, cứ chạm tay vào là khắc làm giỏi. Nó bắt cá giỏi chẳng kém gì bố. Thợ cày cũng tài. Rổ, rá, thúng, mủng, lờ, giỏ tự tay nó đan truốt. Lúc rỗi rãi còn vác cái hòm thợ cạo đi các làng cắt tóc rong.
Trắm chuẩn bị lấy con dòi trong tai thầy giáo Hiếu ra có vẻ rất nghiêm trọng và khó khăn. Nó trói thầy giáo Hiếu vào cột hiên bắt một người giữ chặt đầu thầy giáo. Rồi nó tuyên bố:
- Con dòi chui rúc rất sâu. Sắp sửa vào óc rồi. Do đó lấy ra sẽ đau. Ngọ ngoạy đầu, đâm thủng màng nhĩ, đâm vào óc, tôi không chịu trách nhiệm. Ông muốn tôi lấy nó ra hay đưa đi bệnh viện cho người ta mổ óc ông ra? Muốn tôi làm chứ gì... Vậy thì ngồi yên! cắn răng lại nếu đau... Nào! Tất cả dãn ra cho đủ ánh sáng...
Trắm nheo mắt trái, mở to mắt phải, nín thở, bàn tay trái kéo căng vành tai thầy giáo Hiếu, rồi từ từ đưa cái díp dài ngoằng vào lỗ tai thầy giáo Hiếu. Thỉnh thoảng anh lại nói một câu ngắn:
- Thấy rồi. Tôi thấy nó rồi... Căng mọng... Được rồi... Đau hả? Chớ ngọ nguậy... Tôi rút nó ra đây... A ha! Tóm được cu cậu rồi.
Trắm giơ con dòi trắng nhẫy ra trước ánh sáng cho mọi người xem. Trại trưởng có vẻ hể hả.
- Cậu Trắm khá lắm! Thế là khỏi phải đi bệnh viện... Đồng chí y sĩ, hãy bơm thuốc sát trùng vào tai thầy giáo Hiếu cho chắc ăn. Hôm nay, cho cậu Trắm nghỉ một ngày...
Nhờ có chuyện con dòi kỳ lạ ấy, Trắm chiếm được lòng tin của ông trại trưởng. Cũng phải nói rằng, sự chiếm được lòng tin ấy còn nhờ vào việc ông này mắc nghiện lấy dáy tai, hoặc nhờ vào một kỷ niệm nào đó rất riêng tư của ông. Sau này, Trắm được đặc ân, được ông thường xuyên gọi đến nhà riêng giúp gia đình ông làm những việc vặt.
Sau cái ngày chịu sự nhục hình kỳ quái ấy, trong những ngày điêu linh ấy, tôi cảm thấy cuộc sống thật là trò hề, lại vừa bi thảm. Tôi buồn rũ hẳn đi, mặc dù tôi cố cưỡng lại. Nhất là về đêm. Ở rừng mà cũng lắm cú thế ư? Cú cũng kêu suốt đêm. Cứ cảm giác như là khu rừng có bao nhiêu cú đều tập trung lại đây tất cả. Có kẻ bảo: Người ở đâu khắc cú kéo tới đó. Chả là có người là có chuột, và có chuột là có cú. Đêm nào cũng nghe chuột rúc rích trên mái. Người ta nghe chuột rúc rích mà đoán điềm lành. Còn tôi nghe chuột rúc đêm mà mắt cứ căng ra không tài nào ngủ được. Thức thâu đêm, nghe gió rừng than thở, nghe muôn vạn con côn trùng ngoài thung lũng tấu lên khúc nhạc đệm rền rĩ bất tận, nghe những con ễnh ương phồng bụng, ngoác mồm van xin đất trời những giọt mưa ân huệ, rồi nhìn vài con đom đóm lạc loài từ rừng chui vào căn nhà giam khốn khổ để lập lòe bay lượn.
Trông con đom đóm bay, tôi lại nhớ tới cái Huệ, người bạn học của tôi. Lúc này Huệ ở đâu? Cái đêm bà Nấm và Huệ từ chùa trốn đi, tôi khắc khoải mất ngủ cả đêm. Cứ tưởng tượng ra bao nhiêu tai họa sẽ đến với họ. Người ta bảo thân gái dặm trường, vong gia thất thổ. Chúng tôi là lũ trẻ mới lớn... Bây giờ Rêu đã lìa trần... Không biết cô ở cõi nào? Cõi ngạ quỷ, chúng sinh? Người trong như pha lê ấy chắc đang trụ ở cõi trời. Căn thì trong quân đội, còn Huệ đang lưu lạc ở phương trời nào?
Sau cuộc trừng phạt, thầy tôi vẫn điềm nhiên, không hận thù. Thầy tìm hiểu, và biết rằng ông trại trưởng có một thời thơ ấu rất khốn khổ. Đi ở cho nhà giàu từ khi còn nhỏ. Không tấc đất cắm dùi, không học hành, bị đói khát, bị đánh đập hành hạ. Lớn lên lấy vợ. Vợ có chút nhan sắc bị cường hào cưỡng hiếp. Như thế cũng chưa hết. Tiếp đó, cô lại bị bà chủ ghen, lột truồng ra, treo lên đánh cho đến trụy thai...
Cuộc sống thảm thương thế đó. Cho nên người trại trưởng mang mối hận thù to lớn đi vào cách mạng. Cuộc cải cách là lỗ hổng xì hơi để hận thù bung ra biến thành bão to gió cả... Tôi hiểu thầy tôi muốn phân tích, muốn đi tìm cái Phật tính trong con người để mà tha thứ. Tôi còn bé nhưng tôi cũng hiểu chứ, tôi cũng biết tha thứ cho những kẻ hành hạ tôi chứ. Đức Phật bảo sân hận là một trong những nguyên nhân tạo thành đau khổ thế gian. Hận thù nối tiếp hận thù sẽ muôn đời muôn kiếp không tan. Cái vòng luẩn quẩn như thế sẽ chẳng bao giờ dứt. Tôi hiểu lắm chứ. Nhưng muốn thế con người phải có lòng cao thượng tuyệt vời. Mà tôi dù sao vẫn là kẻ phàm phu... Hay là tôi đang ngụy biện, hay là tôi đang cố tìm những lý lẽ để cố che giấu tâm hồn yếu hèn của mình?... Thú thật, khi thấy con người bị đẩy xuống hố phân, một luồng nộ khí đen ngòm, dù tôi cố ngăn giữ, vẫn cứ ngùn ngụt xông lên, che kín đặc tâm hồn tôi. Thú thật, tôi đã căm hận, mặc dầu những lời Phật dạy luôn ở trong tôi.
Sau cái vụ nhục hình hố phân ấy, thầy giáo Hiếu thoát chết, tôi và anh Tần trở lại bình thường, chỉ riêng thầy tôi bỗng trở nên ốm yếu. Cũng may, càng ngày cậu Trắm càng được lòng trại trưởng. Ông nghiên cứu lý lịch biết Trắm thành phần cố nông. Ông ra sức giáo dục Trắm:
- Thành phần cố nông là chỗ dựa của cách mạng. Tôi biết cậu tốt. Hoặc là cậu hàm oan, có điểm cách mạng chưa rõ. Nếu thế cậu phải làm cho rõ để lấy lại sự tin cậy của cách mạng. Hoặc là cậu nhất thời sai lầm nhưng chỉ là kẻ a dua, vì trẻ tuổi nên bị bọn chúng lợi dụng... Vậy tốt hơn hết, cậu phải đái tội lập công. Biết gì thì cứ tố... Tố càng mạnh càng tỏ rõ lập trường. Tố những kẻ nào ư? Bọn đầu sỏ chứ còn ai... Ví dụ như lão sư gia chẳng hạn... Bây giờ, tôi cho phép cậu đi sát bọn họ... Không sợ liên quan gì đâu... Cậu là bạn thằng chú tiểu chứ gì? Ở đây chỉ có cậu là người dễ gần bọn họ nhất... Hãy xem có phải chính lão sư đã tổ chức vượt ngục không?... Hãy để ý xem tổ chức của họ còn những ai?... Hãy nhớ rõ xem họ hay gặp gỡ những ai?... Cậu biết đấy... Tim ra được tổ chức của chúng, công của cậu là rất to...
Về sau, Trắm kể lại với tôi như thế. Tuy nhiên, trại trưởng lại không hề biết Trắm là con người vô cùng lương thiện. Anh là người hành động và suy nghĩ một cách hồn nhiên. Anh không thể làm ác hoặc vu oan cho bất cứ ai. Cái hồn nhiên của anh chính là cái lương tri của con người. Còn thầy tôi thì nói đó là Phật tính trong mỗi con người. Cho nên, không những Trắm chẳng làm hại thầy trò tôi, mà lại còn lợi dụng hoàn cảnh để giúp đỡ thầy tôi. Khi ấy, thầy tôi ốm lắm. Người bỗng nhiên gầy rộc đi. Lúc nào cũng hâm hấp sốt. Rồi tiếp theo là những cơn ho xé ruột xé gan. Những cơn ho dịu đi để nhường chỗ cho những cơn đau bụng... Trong những ngày tháng ấy, có lẽ cũng nhờ thân với ông trại trưởng nên Trắm luôn kiếm được trứng gà đem về, để cho tôi làm món “trứng gà lá mơ tam thể” chữa bệnh cho thầy tôi. Đến khi ấy sư cụ chỉ còn da bọc xương, không thể bắt đi lao động được nữa. Thầy tôi đi ngoài ra máu. Trước thì đi nhiều bận. về sau thì không thành bận. Ở lỗ hậu môn luôn rỉ ra thứ nước đỏ lờ lờ. Trạm xá cho thuốc cũng không khỏi. Người ta sợ bệnh lây lan, nên cách ly thầy tôi, cho ở trong cái lán nhỏ xa khu trại giam. Chẳng biết Trắm xin xỏ, lạy lục ông trại trưởng thế nào, mà ông ta cho phép tôi được ra đấy chăm sóc cho thầy. Có lẽ thầy tôi cảm thấy trong người yếu lắm rồi, cho nên nhân lúc còn tỉnh táo, người dặn dò tôi. Cho đến lúc ấy tôi mới hiểu thầy tôi rất yêu tôi:
- Con ơi! Nhớ lấy câu này nhé: “Con người ta sinh ra ở đời... tức là đã có duyên... hạnh ngộ... đã là hạnh phúc lắm rồi”... Phật dạy có sinh là có khổ... Đời vốn vậy... Sao ta lại buồn... Giải thoát là việc lớn... Mọi chuyện đều là nhỏ... Muốn thành sự việc gì ở đời... đều phải mệt nhọc đau khổ... Con của ta hay buồn... Ta biết đó là ưu điểm của con, mà cũng là cản trở của con...
Đêm hôm ấy, thầy tôi nói nhát gừng nhưng nói rất lâu. Tôi vừa khóc, vừa nghe. Có lẽ vì thế nên tôi không nhớ hết lời thầy... Đại khái, trong óc tôi chỉ còn lại những điều như vậy. Nói nhiều nên thầy tôi mệt. Thầy lịm đi. Tôi hô hoán lên. Mọi người ùa đến, nhưng ai cũng lắc đầu. Thầy tôi đã chìm dần vào cõi hôn mê.
Chính cái ngày buồn thảm ấy, Trắm chạy xuống căn lều nhỏ, cái nhà xác trong thung lũng giữa rừng, và hớn hở bảo tôi:
- Sống rồi! sống rồi! An ơi!
- Ai sống? - Tôi hỏi.
- Chúng mình chứ ai!
Tôi lặng lẽ không nói gì. Còn Trắm giải thích:
- Tớ vừa ở trên nhà ông trưởng trại về. Có tin rất vui. Chính phủ mới ra sắc lệnh sửa sai. Thế là chúng mình sống rồi.
Lúc bấy giờ, tôi đang ngồi ủ rũ bên cái xác thầy tôi. Tôi như kẻ vô cảm trước cái tin thực sự là vui của Trắm. Trước cái xác của thầy, thực quả tôi thấy ở cõi đời này, giữa cái sống và cái chết thật quá mong manh. Buồn ư? Vui ư? Sao con người ta dễ dàng buồn vui lắm vậy. Thực sự lúc bấy giờ tôi như một kẻ dửng dưng. Bên cạnh cái xác của một con người thánh thiện, cái vui dễ dãi của con người là một điều xúc phạm. Hình như sự lặng im của tôi làm Trắm chợt hiểu. Cái vui bồng bột cũng qua đi rất nhanh. Anh nói: “Để tôi xem nào”, rồi cúi xuống nắm lấy tay thầy. “Hãy còn hơi ấm”. Anh lẩm bẩm. Xong rồi, ghé tai sát lồng ngực. Tiếp theo, lấy sợi tóc đặt trước mũi. Cuối cùng Trắm bảo:
- Rất mong manh, nhưng hơi thở vẫn còn.
Tôi đứng yên bèn cạnh, bội phục sự bình tĩnh và tháo vát của Trắm. Không biết ai đã dạy mà Trắm biết cả những việc khi con người sắp lìa cõi đời. Trắm tất tả chạy ra khỏi cái lều xác, tôi cũng chẳng hiểu anh định làm gì. Một lúc sau, Trắm quay lại, hai tay bưng cái bát to. Tôi hỏi:
- Bát gì?
- Nước - Trắm trả lời.
Tôi nhìn vào cái bát đầy váng mỡ vàng khè.
- Không phải nước. Tôi nói - Cậu định cho thầy uống thứ nước này? Nếu tôi không nhầm. Đó là nước luộc thịt. Nước xương lợn. Thầy của tôi không bao giờ ăn thịt.
- Ừ đúng là nước thịt. Thì sao nào - Tôi ngần ngừ. Còn anh nghiêm khắc hỏi tôi - Cậu muốn thầy sống hay chết?
- Nhưng...
- Không nhưng gì hết. Đừng có câu nệ vớ vẩn. Cứ thử xem sao.
Tôi bần thần, ngồi phịch xuống. Còn Trắm, anh thản nhiên cầm cái thìa múc thứ nước đầy váng mỡ kia, cậy mồm thầy ra, đổ vào. Tôi cúi đầu. Có tiếng cậu ta nói khẽ.
- Hay rồi!... Sư cụ liếm môi... Nước trần tục đấy... Nước của đời người chúng con đấy... Cụ nếm rồi... Con tin là cụ sẽ khỏi.
Điều vô cùng kỳ lạ đã xảy ra. Nhờ bát nước xuýt, bát nước vật chất váng mỡ ấy mà thầy tôi lại quay trở về với cuộc đời. Trắm còn cho thầy tôi uống thứ nước trần tục ấy thêm vài lần nữa. Ông y sĩ có bộ ria nhỏ giải thích rằng, thầy tôi không mắc bệnh gì hết. Vì ông cụ quá ốm yếu, thân thể quá suy kiệt, lại thêm lao động mệt nhọc, cuộc sống ô uế, nên sinh ra bệnh. Sự thiếu thốn kiệt cùng đã gây ra phản ứng cơ thể. Đi ngoài ra máu tức là tín hiệu tột cùng. May mà Trắm nghĩ ra cách chữa dân gian. Trắm cười và bảo:
- Tôi chẳng nghĩ đến cách chữa dân gian. Tôi chỉ thương ông cụ thôi. Thương cụ cả đời chẳng biết ăn miếng thịt. Thì trước khi cụ chết. Hãy cho cụ ăn thịt xem sao. Chắc cụ chẳng nhai được thịt miếng. Thì cho cụ uống nước xuýt. Nước ấy chẳng qua cũng là thịt tan ra mà thôi. Cụ khỏi bệnh, chẳng qua là tôi gặp may.
Nghe câu trả lời vừa hài hước vừa báng bổ của Trắm, tôi chỉ ngồi lặng im. Tôi chẳng hề giận bạn tôi, mà lại còn cám ơn là đằng khác. Tôi còn hiểu thêm nghĩa của chữ tùy duyên. Nếu tốt đẹp, ta chẳng nên chấp trước một điều gì.
Nửa tháng sau, thầy tôi đã ngồi dậy được nhưng còn yếu lắm. Chúng tôi đã được sửa sai. Chúng tôi được phép quay trở về chùa cũ. Sư bác Khoan Độ mang lên trại một chiếc xe bò. Chúng tôi đặt thầy tôi lên xe. Sư bác làm bò kéo xe. Tôi và Trắm đẩy phía sau. Tôi nhớ lại lần tôi kéo xe bò đưa thầy tôi từ nhà tù “Đơ Bê” từ phố huyện trở về.
Đây là lần thứ hai tôi kéo chiếc xe bò cọc cạch đưa thầy tôi từ cõi chết trở về.