Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Chương 2
B
uổi trưa là thời điểm đẹp nhất của một ngày mùa đông ở thị trấn Hoàng Liên này. Vì lúc này gió đã thổi bạt đi lớp sa mù ủ ê mặt đất mịt mùng suốt từ buổi chiều ngày hôm trước rồi kéo dài qua đêm cho đến giờ ngọ ngày hôm sau. Giờ thì cả thị trấn xinh đẹp bỗng như được hưởng phép lạ, hàng trăm cái biệt thự kiến trúc tân kì mọc rải rác trên các sườn núi, ven đồi, bỗng cùng lúc đồng loạt hiện lên lộng lẫy trong làn nắng vàng sáng choang như ánh đèn cao áp. Nắng mùa đông mỏng mảnh, phong thanh óng ánh như tơ lụa giăng giăng.
Nằm bên phía đông dãy Phan Xi Păng sừng sững như lũy như thành, giữa quần thể núi đồi uốn lượn nét hùng, nét xinh, quẫy múa rộn ràng, Hoàng Liên là một thị trấn tuyệt đẹp. Ở độ cao một ngàn rưởi mét, không khí ở đây mát rượi giữa ngày hè. Đất ở đây quanh năm có thể trồng bắp cải, su hào, xúp lơ. Ở đây, đào, lê, táo mơn mởn bên hoa lay ơn sặc sỡ đủ màu, từ đỏ thắm, trắng bạch, xanh lam đến đen tuyền huyền thoại.
Từ đầu thế kỉ này, sau khi phát hiện ra vùng đất tươi đẹp này, các quan công sứ, thống sứ, các chủ nhất chủ nhì sở mỏ, các chủ doanh nghiệp, công ti người Pháp đã nườm nượp kéo nhau lên đây, mộ phu mở đường, đục đá, xây nhà, lập trang trại.
Giờ thì nhìn đâu cũng thấy các biệt thự với đủ các kiểu cách. Cái vuông vức đồ sộ cao tầng đường bệ như cồng sở nhà nước. Cái mái tròn như vòm gian làm lễ ở nhà thờ Ki tô giáo. Lại có cái ba bốn gian nối tiếp nhô ra thụt vào, cao cao thấp thấp, trống xa giống như một nhóm tượng đài. Hầu hết là những biệt thự xinh xắn, với nhiều góc cạnh, kiểu cách. Mái ngói đỏ. Mái đá đen. Mái lớn chồng trên mái nhỏ. Tường đá. Tường xây cẩm quỳ[105]. Tường lát kính. Cùng với chúng là vườn hoa, bể bơi, sân ten nít, sàn nhảy, tạo nên một cảnh quan vô cùng lạ lẫm trước con mắt của các anh bộ đội cán bộ vốn mới chỉ quen với cảnh đồng ruộng, hôm qua còn đang sống ở những bản làng miền quê.
Tiển cũng vậy. Với Tiển, mọi thứ ở đây đều khác lạ với chốn làng quê Cam Đồng và các vùng Tiển đã đi qua mấy năm rồi. Mấy năm qua, rời Cam Đồng làng quê, chia tay bố Yểng, tạm biệt anh Cắm, chị Va, anh Mòn, Tả và cô bé Phin, Tiển cùng anh Lẳng anh Kim theo anh Tố và bộ đội Trần Hòa đã qua nhiều vùng quê khác nhau của đất nước. Xuôi sông Thao về những đồi cọ trung du, ngược sông Chảy tới các khu rừng mưa ẩm ướt quanh năm ở Yên Bái. Gần hai năm trời là những ngày theo học ở trường thiếu sinh[106] trên đất chè Tân Cương - Thái Nguyên nổi tiếng. Ở đây, Tiển đã được học chính trị. Đã biết ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc cách mạng của các dân tộc Việt Nam nhằm lật đổ ách thống trị của đế quốc Pháp và bè lũ phong kiến phản động tay sai. Tiển đã được học Toán, học Văn, học Địa Lí, Lịch Sử. Nhờ thông minh và ham học, Tiển đã có trình độ học vấn cấp II, hiểu biết của Tiển đã được mở rộng tới những chân trời xa. Tiển đã biết tới những vùng đất mới. Những miền quê xa. Nhưng đây là lần đầu tiên Tiển được nhìn thấy cảnh núi non trùng điệp của dãy Phan Xi Păng cao nhất nước mình. Một bức trường thành lừng lững ngang trời! Những chóp núi như những mũi kích chống trời, ngùn ngụt thế vươn cao. Lúc lồ lộ ngạo nghễ giữa mây xanh, khi ẩn mình trong mây mù, kiêu hãnh và bí ẩn. Phan Xi Păng đồ sộ nổi gồ những đường gân lầm lì gan góc, miền đất thử thách ý chí của con người.
Mải ngắm những ngọn núi cao, cho đến khi nghe thấy tiếng chán người bước lạo xạo trên lối sỏi, Tiển mới quay lại. Một anh thanh niên vóc dáng thanh nhã, mũ bê rê[107] lệch hở mái tóc loăn xoăn, áo bu dông dạ màu tím than, từ một tòa nhà trên cao đang vừa huýt sáo vừa hấp tấp đi xuống dốc.
- Anh Kim! - Tiển đứng dậy, reo gọi.
Người thanh niên nọ dừng lại, hai con mắt to đẹp rờ rỡ lấp láy:
- A! Tiển! Anh theo lệnh anh Tố đi tìm chú mày đây.
Tiển chạy tới, hớn hở:
- Anh mới ở Phong Sa về, anh Kim?
- Suỵt! - Người tên Kim đặt tay lên môi, đảo mắt nhìn quanh, vẻ bí mật. - Anh và anh Lẳng đã đột nhập vào tận hang ổ của bọn lõ rồi đấy. Nhưng mà... Suỵt!
- Ở đây chỉ có mình em thôi mà.
- Được! Anh sẽ kể cho chú mày nghe sau. Li kì còn bằng mấy chuyện anh đột nhập nhà lí Tăm hồi nào ấy chứ. Còn nhớ không? Hà! Chuyến này đến lượt chú mày đi đấy. Nhưng mà này...
- Sao, hả anh?
Người tên Kim đẩy Tiển ra xa mình chừng sải tay rồi nghiêng đầu, nheo nheo hai con mắt đuôi dài vút.
- Anh nhìn em gì mà kĩ thế?
- Mày là thằng Tiển quê Cam Đồng thật à?
- Không là em thì là ai?
Tung hai tay lên trời, anh thanh niên tên Kim kêu to:
- Phạ ơi! Mới có mấy tháng không gặp mà anh không nhận ra chú nữa. Cao bằng anh rồi. Cao bằng đi cà kheo dọa bọn lí Tam, tổng Ngao rồi. Ai đút ống đu đủ thổi mà chú lớn nhanh vậy vớ! Nhìn mày anh không thể hình dung được hồi mày là chú bé oắt xà lai Tiển ở Cam Đồng đấy!
Tiển cười thầm:
- Anh có biết, em vừa vật tay thắng một anh lớn tuổi đấy không?
o O o
Hai người theo bậc đá đi lên. Rồi dừng lại trước một tòa biệt thự hình hộp, mặt tiền lát toàn kính sáng. Lát toàn kính sáng mà tòa nhà không chói vì phía trước có hàng thông cổ thụ lá kim thả bóng xanh mát. Thêm nữa, ở rìa nhà còn một cái rảnh đất trồng dày đặc địa lan mùa này nở hoa vàng ngà.
Tòa biệt thự này nguyên là của các sĩ quan Pháp ở phân khu Lào Cai. Nay, nó là trụ sở của huyện ủy Hoàng Liên. Bước vào tòa nhà thoạt đầu có cảm giác tiếp xúc với bầu không khí yên bình và bằng lặng. Thông reo vi vu. Tiếng ong bay vo ve đâu đây. Tuy vậy, chỉ vài bước chân sau đó, Tiển và Kim có thể nhận ra ngay, ở đây mọi người đang sống trong bầu không khí vô cùng bận rộn và lo toan. Chiếc bàn bi a và cây đàn dương cầm màu cánh gián bóng lọng nằm im lim ở góc nhà. Những quả đấm cửa hình đầu sư tử mạ vàng xoay chuyển liên tục. Người vào người ra các phòng rầm rập. Cán bộ, du kích từ các xã lớp này vừa đến hội ý, nhận vũ khí lương thực đi thì lớp khác lại đã thấy thập thò ở cửa. Ở phòng thường trực, chiếc máy chữ nổ liên tục từng chặp dài. Chiếc điện thoại quay tay dường như không lúc nào được nghỉ ngơi.
Quả thật, không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu. Tình hình đang ở những giây phút nghiêm trọng. Địch đã rút chạy khỏi miền đông và thị trấn Hoàng Liên này, nhưng chúng đã tụ lại ở bên kia, phía tây dãy Phan Xi Păng. Và đang gấp rút tổ chức nơi đây thành một căn cứ lớn. Bây giờ là mùa đông năm 1951. Sau chiến dịch Biên giới[108], ta từ cầm cự đang chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Thế ta, lực ta mạnh và đang lên. Cái thua của thằng địch là rõ rồi. Nhưng trong tình thế này, chúng sẽ còn cố đấm ăn xôi, đẻ ra những âm mưu và hành động nham hiểm nào nữa, thì chưa thể lường trước được.
Tố, bí thư huyện ủy, hai con mắt hõm sâu, gầy rộc rạc, đang sống những ngày vô cùng căng thẳng. Bốn năm trước, Tố từ vùng tự do lọt vào hậu địch Cam Đồng, gây cơ sở, vận động quần chúng đồng lòng quật khởi, đứng dậy võ trang tranh đấu thắng lợi. Khi ấy anh mới chỉ là một đảng viên trẻ, hăm hở, nhiệt tình. Cam Đồng giải phóng, nhận nhiệm vụ mới, trong vai chính trị viên, anh cùng các đơn vị bộ đội tham gia các chiến dịch trải dài từ trung du đến đồng bằng Khu Ba[109]. Giờ anh được cử về huyện Hoàng Liên này. Địa bàn anh phụ trách giờ đây rộng lớn hơn. Và trách nhiệm của anh cũng đã trở nên nặng nề hơn rất nhiều. Tất nhiên, về đây không chỉ có mình anh. Trung đội Trần Hoà vào Cam Đồng hỗ trợ cuộc đấu tranh của đồng bào, nhổ cái đồn Tây ở cuối xã cuối năm 1948 xong, dẫn bộ đội đi chỉnh quân, rồi đánh giặc trên cao nguyên miền đông, đến mùa đông năm nay, thì dẫn đơn vị, nay là một đại đội chủ lực, cũng đã về đây. Về đây có cả Lẳng, cần khỏi nhà lí trưởng Vi Văn Tăm, giác ngộ cách mạng, gia nhập quân đội, tham gia giải phóng Cam Đồng. Về đây còn có cả Kim, anh chiến sĩ quân báo của mặt trận. Về đây còn có Tiển! Trần Văn Tiển! Em trai người anh hùng Trần Văn Sào tự nguyện hi sinh để cuộc khởi nghĩa ở Cam Đồng được giữ bí mật đến phút chót. Tiển! Chú thiếu niên hồn nhiên, thông minh, gan dạ, một thành viên không thể thiếu trong những tháng năm làng quê quật khởi. Sau ngày Cam Đồng giải phóng, theo nguyện vọng của ông Yểng, Tố đưa Tiển đi theo. Tham gia công tác cùng anh và bộ đội, ít lâu sau Tiển được cử đi học ở trường thiếu sinh quân khu, giờ khi Tố đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu công tác chính trị ở huyện này, thì Tiển trở về làm liên lạc cho anh.
Khi Kim cùng Tiển lên gặp Tố thì ở đây có một cuộc họp vừa kết thúc. Và dòng người từ cuộc họp đang ồn ào đổ xuống cái cầu thang ở bên trái biệt thự. Thoáng nhìn cũng biết số đông người vừa ở cuộc họp nọ đang đi ra là cán bộ du kích ở các xã. Có người còn quàng dịu mây sau lưng. Có người còn đeo chiếc chăn cuộn vắt chéo qua người. Người Dao, áo chàm lưng có mảng thêu vuông như cái dấu ấn, khoác những khẩu súng kíp dài nghêu. Người Hà Nhì đội khăn to vành đen nhánh. Người Mông lỉnh kỉnh vòng cổ, vòng tay bạc. Nét mặt ai cũng nhuốm vẻ nghiêm trang khác thường.
Tiển lách ngược dòng người đang đổ xuống, tới đầu cầu thang thì nhận ra anh Tố vừa đi ra cùng với một người Mông. Anh Tố cao dong dỏng, da bánh mật rắn rỏi, mặc cái áo đại cán[110] xanh rêu. Anh người Mông mặc áo chàm đen, chân đi hải xảo[111] giang[112]. Mu chân nổi u to bự. Vóc to lớn, ngực nở, vai rộng, anh có cặp mắt một mí, hiền hiền.
- Đồng chí Vàng Xuấn! - Anh Tố nắm tay anh người Mông, ân cần. - Người Mông ta có câu: “Một tay vỗ không vang. Nhiều người vỗ tay tiếng mới vang to. Chị em đông, tiện bàn bạc, tiện xe lanh.” Họ Vàng, họ Thào cùng người Mông ta phải đoàn kết với nhau mới đánh thắng Phăng- ki[113] được. Nhớ nói với đồng bào như thế, đồng chí Vàng Xuấn à.
Anh người Mông gật gật đầu, rồi ngước lên, rụt rụt rè rè:
- Biết thế rồi đấy. Nhưng cán bộ Tố à. Người họ Thào nó còn nghe Thào A Đủa đấy.
- Tôi biết! Tôi biết cái khó ấy rồi. Nhưng mà khó thì cũng phải gỡ. Gỡ dần. Gỡ bằng sự gương mẫu trong mỗi việc làm của mình, đồng chí Vàng Xuấn à.
Nói đến đấy thì nhận ra Tiển, anh Tố liền giơ tay kéo Tiển lại, nhìn anh Vàng Xuấn:
- Giới thiệu với đồng chí Vàng Xuấn, đây là chú Trần Văn Tiển. Tiển là người Tày. Trong đội ngũ cán bộ bộ đội ở đây có nhiều người dân tộc anh em như em Tiển đây đấy!
- Chào đồng chí Tiển! - Vàng Xuấn chia tay.
Tiển tươi cười:
- Em chào anh Vàng Xuấn! Chắc thế nào rồi em cũng được gặp anh đấy.