Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Chương 14
H
ọ bị giam trong một cái hố hình chữ nhật chung quanh quây dây thép gai, chỉ được nâng lên khi chúng cần vào kiểm soát hay ném cho họ đôi chút cái ăn. Mới đầu họ không hiểu cái hố này địch đào để làm gì. Có phải đây là hầm trú ẩn? Chúng chẳng dại gì đào hầm trú ẩn rộng và nông thế này. Hay đây là một cái hố chúng chuẩn bị chôn người chết? Ý nghĩ này làm cho họ thấy hơi rờn rợn. Nhưng có được một cái hố để người khỏi nhô lên trên mặt đất, trong hoàn cảnh ở giữa chiến trường, cũng tốt rồi. Nếu địch cứ giam họ ngay trên mặt đất bằng, sự nguy hiểm dễ đến với họ hơn. Chỉ sau một hai hôm, đã hiểu được "lòng tốt" của kẻ thù, khi chọn cho họ nơi ăn ở này. Những người được bọn chúng cho ra ngoài suối lấy nước, đã nhận ra là họ bị giam giữa khu vực để đạn đại bác. Chung quanh họ có rất nhiều những chiếc hố cùng kích thước như vậy, xếp đầy những viên đạn to nần nẫn hơn bắp chuối, cổ viền một vòng bạc óng ánh. Những hố đựng đạn này đều không có nắp. Chúng không có thời giờ hay không có đủ phương tiện để làm? Có lẽ là do cả hai điều đó. Chỉ cần một viên đại bác của ta châm ngòi là cả khoảnh đất này sẽ thành một lỗ huyệt khổng lồ.
Các chiến sĩ bị địch bắt hầu hết bị thương. Họ phơi người ngày đêm dưới sương, nắng, và những trận mưa. Quần áo của họ cứ ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt. Sau nhiều ngày đấu tranh, địch đã chịu quẳng cho họ một chiếc dù để căng lên nóc hầm che tạm mưa nắng và đưa một tên y tá vào băng bó cho những người bị thương. Các chiến sĩ họp nhau thành những tổ ba người hàng ngày sinh hoạt. Anh y tá biết tiếng Pháp được phân công tuyên truyền thuyết phục bọn lính gác da đen. Chúng đã bằng lòng để đồng bào bị bắt chuyển cho họ mượn xẻng cuốc khoét hầm tránh pháo và tránh mưa nắng. Vài tên lính da đen đã ngỏ ý với họ muốn trốn ra ngoài theo ta. Khẩu phần của họ mỗi ngày chỉ được hai lạng cơm. Đồng bào lấy trộm bánh mì tàu bay thả dù, đem về cho các chiến sĩ, và cho họ mượn quần áo chăn bạt. Hàng ngày đưa cơm vào, đồng bào lại mang ra từng ôm quần áo đầy máu mủ giặt giũ giúp các chiến sĩ.
Ngọ cũng ở trong số người bị bắt này.
Đêm hôm ấy, sau khi đồng chí lang má ném thủ pháo bị hy sinh, chiếc xe tăng gầm lên lao vào giữa trận địa của họ. Vòng xích sắt chà đi chà lại nhiều lần, nghiến nát những ụ súng. Họ bị bật khỏi chỗ bố trí, mỗi người chạy một nơi. Ngọ đi một quãng gặp mấy chiến sĩ lạ mặt. Họ lại bàn nhau bố trí đánh địch phản kích. Qua đêm đó đến trưa hôm sau, họ lần lượt bị thương và hy sinh. Cuối cùng trong ụ súng chỉ còn lại Ngọ và một đồng chí nữa là tiếp tục chiến đấu được. Đồng chí kia bàn với Ngọ nên rút ra, bắt liên lạc với bộ phận đằng sau. Nhưng Ngọ thấy không thể bỏ thương binh mà đi. Rồi họ nhận ra ụ súng của họ đã nằm sâu trong vòng vây của địch. Ngọ nói:
- Nằm im đây! Nó đến thì đánh để bảo vệ thương binh. Chờ đến đêm thế nào anh em cũng đánh lên.
Nhưng bọn địch không để họ nằm im. Chúng thấy cần phải nhổ cái đinh đóng ngay sau lưng chúng. Họ không thể nhô đầu ra khỏi cửa hầm. Và phải tính toán kỹ lưỡng từng viên đạn, từng quả lựu đạn. Địch có lẽ cảm thấy không nên liều thân với những kẻ cố cùng này. Chúng không dùng xung lực để giải quyết ụ súng nữa, mà điều pháo bắn thẳng và súng cối đến. Họ bàn nhau kê những hòm đạn lên hai bên người. Việc làm của họ không thừa. Một viên đạn súng cối rơi trúng nó, ụ súng sập. Những hòm đạn đã cứu họ tránh khỏi bị những chiếc hầm đè lên. Bây giờ họ chỉ có thể nằm trong ụ súng. Ngọ kéo tay người bạn thấy cánh tay anh ta dính nhơm nhớp.
- Còn hai quả lựu đạn. Nó đến thật gần thì ném ra một quả. Còn một quả... dành cho tớ với cậu. Nhất quyết không để nó bắt được.
- Tự sát à?
Ngọ không nói gì, cắn tưởng nát môi mà vẫn không thấy đau.
- Không nên cậu ạ... Người chiến sĩ không nên tự sát. Cứ nằm đây còn quả lựu đạn nào ném hết, thoát được thì thoát. Nếu nó bắt được thì sẽ tìm cách trốn ra để tiếp tục chiến đấu.
Khi địch đến, họ phủ xác đồng đội lên trên người, nằm im. Địch cuốc nóc ụ súng, kéo lên cả người chết lẫn người sống. Khi bị bắt không một chiến sĩ nào chịu giơ tay. Địch cũng không chú ý đến điều đó, chỉ dí tiểu liên vào lưng họ, bắt họ đi theo chúng. Họ đi trên một con đường hằn những vết xích xe tăng, nằm giữa hai hàng ụ súng. Ngọ lê cẳng chân trái bị thương không hề tỏ ra sợ hãi, ngoái đầu nhìn về dãy núi đơn vị trú quân xanh biếc dưới màn sương. Anh tự hỏi, mình liệu có còn dịp trở về đó nữa không. Con đường lượn vòng th sườn đồi, đưa họ xuống chân đồn địch phía trong. Địch dồn cả bọn nên một chiếc Ô tô hồng thập tự, tải về Mường Thanh. Việc đầu tiên của chúng là đưa họ tới nơi hỏi cung.
Ngọ nghênh ngang bước đến trước thằng quan ba mặc quân phục xám, mặt và chân tay khô đét như một chiếc xác ướp. Nó hỏi anh:
- Ở đơn vị nào?
Ngọ ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Pháo binh Việt Nam.
- Pháo binh à?
- Phải.
- Anh ở đại đoàn 351 phải không? Hãy nói cho tôi biết đơn vị anh có bao nhiêu khẩu pháo?
- Rất nhiều!
- Hãy nói tiểu đoàn anh có bao nhiêu khẩu, thuộc loại pháo nào?
- Nhiều lắm. Bao nhiêu thì không biết.
Ngọ định vừa nói cho nó sợ, vừa trêu tức nó chơi. Anh nghĩ, lọt vào tay nó coi như là chết rồi.
- Pháo vận chuyển lên đây bằng gì?
- Bằng ô tô.
- Tiểu đoàn anh có bao nhiêu chiếc ô tô?
- Bao nhiêu pháo bấy nhiêu xe.
Tên quan ba trừng mắt nhìn Ngọ:
- Mày là lính cũ hay lính mới?
- Chúng tao đây toàn là tân binh tuốt. Cựu binh đánh sau.
Những trận đại bác đổ hồi từ A1 mỗi lúc dội tới như hồi trống cổ vũ tinh thần anh. Anh đưa đôi mắt xếch nhỏ lấc láo nhìn khắp căn hầm. Mẹ nó, ở trống trếnh thế này, mấy cái tà vẹt, mấy bao cát, chỉ vài quả đại bác của ta rơi trúng là bung đi hết. Tự nhiên, Ngọ muốn ta giã ngay một loạt pháo vào nóc hầm để chúng chạy tóe lên, và Ngọ vẫn cứ đứng sừng sững thế này đề nó biết gan lính Việt Nam. Người ta ai chả chết một lần. Nhưng... thật lạ lùng! Sau khi hỏi quanh quẩn thấy không khai thác được gì ở anh, chúng cũng chỉ đẩy anh xuống cùng với các chiến sĩ bị bắt trong cái hố chặt cứng này.
Mươi hôm sau, một tên quan tư địch, quần áo chững chạc, bộ râu quai nón mới cạo nhẵn đánh đai một vòng xanh xanh quanh chiếc mặt lưỡi cày đến gặp họ. Nó nói chuyện với họ bằng một thái độ mềm mỏng, lịch sự. Nó ngỏ ý muốn nhờ ta cử một người đưa thư của Tướng Đờ Cát ra ngoài cho Bộ chỉ huy của ta. Họ đã hiểu được một phần vì sao bọn địch đối xử với họ nới tay hơn mọi lần. Mấy hôm sau, một đồng chí tóc hoa râm, mặt nhiều vết rám, nói nhỏ cho Ngọ biết, từ nay không sợ đại bác của ta nữa, đã nhắn ra ngoài rồi, chỉ cần chống cái dù vàng trên nóc hầm cho cao hơn.
Đêm hôm đó, thấy đại bác nổ nhiều, Ngọ trèo lên nóc hầm xem ta đánh ở đâu. Anh nhận ra tiếp súng luôn luôn lóe lên giữa cánh đồng. Trên rặng núi phía tây một đường dây lửa ngoằn ngoèo, chắc là những quả đồi gianh bị trúng bom na-pan lúc ban chiều. Bao tiếng động ầm ầm hỗn độn ập vào tai Ngọ. Tiếng động cơ máy bay rền rĩ trên bầu trời đầy sương. Tiếng xích xe tăng nạo đất rùng rùng. Tiếng lanh tanh ríu rít như mưa rào trên một mái nhà tôn của các loại súng liên thanh. Tiếng nổ dội lên của đại bác như muốn xé màn đêm đặc sệt sương và khói đạn thành những lỗ hổng toang hoác. Và tiếng vang vọng rầm rầm của những thung lũng chung quanh...
Tên lính da đen đứng gác ngoài hàng rào quẳng cho Ngọ một bao thuốc lá dở. Ngọ cầm chưa kịp hút, chợt nghe một thứ tiếng là lạ như gió thổi vào cánh buồm, ngay trên đầu mình. Anh ngẩng đầu lên chợt thấy một bóng đen đang vật vờ lao xuống. Anh nhận ra một tên lính nhảy dù đang rơi vào nơi bọn anh bị giam. Không nghĩ ngợi gì, Ngọ chồm ngay lại túm lấy ngực tên lính địch đang còn đứng chưa vững.
Anh sờ tay vào chiếc ba lô vuông vức sau lưng nó... Một chiếc máy vô tuyến điện! Mấy bóng đen khác đổ xô lại. Những người này cũng leo lên nóc hầm ngồi từ lúc nào mà Ngọ không để ý. Ngọ nói:
- Ra-đi-ô!
- Lấy đi!...
Họ không bàn bạc gì hơn. Một người xé một miếng vải dù bịt mắt tên lính địch lại. Một người tháo tuột chiếc máy vô tuyến điện trên lưng nó. Anh y tá ra điều đình với tên lính da đen mở hàng rào. Họ đưa tên lính địch ra ngoài, dắt nó lên đường cái, đẩy nó đi về giữa khu trung tâm.
Đêm hôm đó, Ngọ không tài nào ngủ được. Một niềm vui bốc lên đầu làm đôi mắt anh cứ chong chong. Hơn nửa tháng trời bị địch nhốt ở đây, anh cảm thấy như mình bị loại ra ngoài hàng ngũ những người chiến đấu, mình là một người sống thừa. Cứ nghĩ đến anh em giờ này đang tiếp tục công việc ngoài kia, trong lòng anh lại như có kiến lửa. Nhiều lúc nhìn những đồng bào bị bắt đi lại ngoài hàng rào gai, Ngọ thèm số phận của họ. Nếu Ngọ được thả lỏng như họ, Ngọ sẽ làm vô số việc. Chỉ vài ngày là Ngọ sẽ thoát khỏi cái lưới thép này... Thế là đêm nay, Ngọ đã làm được một việc. Anh tin là trong số các đồng chí bị bắt có người biết sử dụng điện đài. Bọn anh sẽ nối được dây liên lạc với bên ngoài. Họ sẽ nhận được những chỉ thị, những tin tức của cấp trên. Trên sẽ tìm cách đưa họ ra ngoài. Cứ nghĩ đến khi gặp lại anh em đơn vị là trong người Ngọ lại dậm dật chỉ muốn vùng dậy nhảy ra khỏi căn hầm.
Đại bác của ta bắn đến nửa đêm thì im. Tại giữa Mường khẩu súng gì thỉnh thoảng lại hộc lên một hồi ê ê như lợn bị chọc tiết. Theo lời đồng bào nó là khẩu súng máy to bốn nòng có bánh xe. Ngọ cứ thao thức cho đến sáng. Anh nhè nhẹ lách khỏi các đồng chí nằm chung quanh leo lên nóc hầm. Thằng Tây gác đêm còn xù xù chiếc áo dạ dài, mũ nhựa ướt sương loang loáng. Sau mấy giờ thức đêm, mặt nó nhợt nhạt như người chết trôi, râu ria đâm dài ra hàng dốt. Ngọ cứ bó gối ngồi chơi để những giọt sương nhỏ li ti, lâm râm dâm vào da thịt và bám trắng trên mái tóc. Quả Đồi Cháy rõ dần. Một thằng lính mặc sơ mi ngắn tay gác ban ngày đã đến thay cho thằng khoác áo dạ. Mặt trời đột ngột hiện ra lơ lửng giữa màn sương trắng đục, đỏ tươi như một chấm son. Ngọ hát nghêu ngao:
Chị Chiên nêu gương anh dũng đấu tranh với giặc ở hậu địch đây
Chiến thắng vinh quang hôm nay trở về ta hát mừng...
Mặt trời còn sáng đằng Đông, núi sông còn đây
Đây vẫn là nước non Cụ Hồ
Khắp nơi hướng về Cụ Hồ...
Giọng hát của anh dài lê thê, ướt đẫm sương. Bài hát này các đồng chí văn công xuống đơn vị đã dạy cho tiểu đội Ngọ ngay trên đường hành quân đi chiến dịch. Hồi đó, Ngọ không thích vì nhịp nó khó hát, và điệu buồn buồn. Nhưng từ ngày bị bắt đến giờ, mỗi lần hát Ngọ thấy như mình đang nói lên nỗi lòng của mình:
Kháng chiến thắng lợi ngày diệt hết xâm lăng
Đây xóm làng nhìn uế tương lai tự do
Trông về tương lai bừng sáng...
Ngọ đang ngồi ê a bỗng thấy một toán những bóng xam xám dài lêu nghêu từ trên con đường cái cao đổ xuống. Những bóng đó xăm xăm đi về phía trại giam bọn Ngọ. Anh đoán ngay bọn này định đến khám xét gì chăng, và chợt nhớ tới cái máy vô tuyến điện đêm hôm qua... Ngọ tụt nhanh xuống hầm báo tin cho mọi người.
Quả nhiên, chỉ một lát sau, phía trên có tiếng xì xồ, rồi tiếng cửa dây thép gai mở lách cách. Một thằng quan ba, mắt lồi ra dữ tợn sau lần kính cận thị rất dày, mũi dài và gồ lên, theo sau là một tên phiên dịch người ta khá đẹp trai nhưng đôi mắt lấm lét không dám nhìn thẳng vào một ai trong bọn họ. Tên phiên dịch nói lại lời tên quan ba:
- Lệnh ông ba: Tất cả tù binh các anh, phải ra khỏi nơi này!
Người bị thương bíu vào người lành, lốc nhốc chui lên khỏi miệng hầm. Ngọ dệch dẹo lê cẳng chân đau đi sau cùng. Một đồng chí đang cơn sốt nằm rên hừ hừ không ngồi lên được. Ngọ tập tễnh đi ra phía cửa hầm, không biết nghĩ thế nào anh dừng lại, ngoái đầu nhìn đồng chí ốm.
Tên phiên dịch lại nhắc lại lời tên quan ba:
- Không một ai ở lại trong hầm!...
- Người này, lên đi!
Đồng chí đang sốt vẫn nằm rên. Thằng quan ba cúi xuống túm lấy áo đồng chí đó kéo dậy. Không biết vì anh ta mệt quá hay là không muốn đứng lên, người anh cứ thõng xuống và mềm nhũn như khi ta nhắc một đầu dây võng. Ngọ chợt đoán: hay là anh em giấu máy vô tuyến điện dưới chỗ đồng chí này nằm. Vừa lúc ấy, tên lính đứng ngoài đẩy Ngọ một cái. Một chân còn đau lại bị đẩy bất thần, Ngọ ngã ngồi xuống. Anh chửi chúng nó bằng mấy tiếng mà anh cũng không rõ nghĩa lắm:
- “Mẹc sà lù”, tiên sư chúng mày!
Tên quan ba buông đồng chí ốm xuống, xồng xộc quay lại. Ngọ nhặt luôn một viên gạch anh em lấy về làm gối dầu, ném thẳng vào mặt nó. Viên gạch đi rất trúng đích. Thằng quan ba ôm mặt đầy máu ngã xuống. Các anh em ở trên nhốn nháo xô xuống đầy hầm. Bọn lính xúm lại khiêng tên quan ba di. Cuộc khám xét bị bỏ dở.
Bọn địch vừa lên khỏi hầm, người ta vội miết lại dấu vết nơi chôn máy, đêm hôm qua không có đèn chưa làm được cẩn thận. Đồng chí có tuổi mặt nhiều vết rám, đến nói với Ngọ:
- Đồng chí cứ giữ vững tinh thần của người quân nhân cách mạng. Có sao chúng tôi sẽ đấu tranh không để chúng làm gì được đồng chí... Sau này chúng tôi sẽ báo cáo thành tích của đồng chí với đơn vị...
Lát sau, một trung đội địch kéo tới. Chúng bắc súng máy trên miệng hầm, ra lệnh:
- Thằng nào đánh quan ba lên ngay không sẽ bắn hết!
Anh em ngồi quây vòng quanh Ngọ im lặng.
Ngọ nói chõ lên:
- Bắt tao à?... Bắt thì tao không đi. Tao cứ ngồi đây. Mời tao thì tao lên. Chúng mày sắp chết đến nơi rồi không nhìn thấy à?
Nhìn mũi súng đen ngòm chõ vào hầm và nghe tiếng địch xì xồ bên trên, Ngọ biết nếu ngồi lâu có thể hại đến anh em. Ngọ gạt những người ngồi trước, lách ra trèo lên khỏi hầm.
Hai tên địch chĩa súng bên sườn Ngọ. Ngọ cố nhịn đau đi thật thẳng người, vừa đi vừa nhìn chung quanh. Mấy chiếc xe tăng chúi đầu trong công sự. Trên những tấm thép dày màu cỏ úa, Ngọ nhìn rõ những lỗ đạn nhẵn thín. Mẹ nó, xe tăng mà còn sợ đại bác phải đi ẩn thế này. Giữa ngã ba, một chiếc ô tô "gíp" nằm giữa đường bẹp rúm, những chiếc lốp đen còn mới nguyên. Đến quãng này bọn lính địch nhớn nhác, giục anh đi cho mau. Trước khi rẽ vào con đường hào làm bằng những bao tải và hòm đạn nhồi đầy đất xếp chồng lên nhau, Ngọ còn được nhìn thấy một chiếc tàu bay đen trũi, đầu cắm xuống đất, đuôi chổng lên trời như đuôi cá. Đúng là chúng nó sắp chết đến nơi rồi. Lòng Ngọ lúc này bình thản. Việc đánh thằng quan ba ban nãy, Ngọ làm không kịp tính toán lợi hại gì. Nhưng sau khi bọn lính địch đi, anh em xoa lại dấu vết nơi chôn máy. Ngọ thấy việc của mình làm rất đúng. Lời nói của đồng chí rám má vang vang bên tai: "Sau này, chúng tôi sẽ báo cáo thành tích của đồng chí với đơn vị...". Gia đình Ngọ chỉ được có mình Ngọ là con trai. Có một thời gian Ngọ rất sợ chết, đó là hồi anh còn ở hậu địch bị bắt đi lính tổng động viên. Ngọ nghĩ nếu mình chết: thế nào cũng có người làng nói: "Nhà ấy chắc xưa kia bạc ác lắm nên giời làm tuyệt tự, còn một mống con trai cũng chết thối chết tha...". May khóa tổng động viên đầu tiên đó, địch tổ chức để lừa bịp nhân dân vùng tạm chiếm chuẩn bị cho những đợt bắt lính lớn sau này, nên hết ba tháng huấn luyện ở Quảng Yên, Ngọ được chúng thả về. Thoát khỏi tay địch, Ngọ kiếm đường đi bộ đội luôn. Bây giờ có chết nữa cũng là chết thơm chết tho, được tiếng cho bố mẹ, gia đình.
Chúng đưa Ngọ vào một cái hầm rộng, nóc ken ghi sắt, chia làm nhiều ngăn. Mỗi ngăn cách nhau bằng những hòm gỗ. Ngăn nào cũng lúc nhúc đầy sĩ quan địch. Đi đến gian hầm thứ tư tên quan ba dẫn đường bảo Ngọ đứng lại. Căn phòng này ít người hơn. Một tên mặt dài, đầu đội chiếc mũ ca lô đỏ như máu, ngồi trước bàn làm việc giữa căn hầm như đang chờ đợi ai. Chung quanh nó, mấy tên khác đang chúi đầu trên những chồng giấy má, sổ sách. Nóc hầm, một cái đèn màu vỏ trứng tỏa ánh sáng vàng vàng. Tưởng nó đưa mình gặp ma quỷ nào, chứ đến gặp cái thằng mặt dài chảy, buồn rười rượi này thì có gì đáng sợ? Cả người tên này đều một màu bềnh bệch, dài dại như một thứ người nặn bằng bột, riêng có hai ngôi sao trên đôi vai hơi hẹp so với thân hình quá dài của thằng này, là cứ nhấp nha nhấp nhánh, làm Ngọ phải chú ý. Giọng nói của nó như muốn làm ra vẻ nạt nộ:
- Tại sao mày dám đánh quan ba? - Tên quan ba dẫn Ngọ về đây dịch lại bằng một thứ tiếng Việt khá sõi.
Ngọ trợn mắt trả lời:
- Chúng tao là Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tao rất nhân đạo, không bao giờ chúng tao đánh người như bọn chúng bay.
Thằng ngồi bàn quay về phía tên quan ba hất cái cằm nhọn đã được cạo râu nhẵn thín như hỏi: "Như vậy là thế nào?". Hắn sẵng giọng với Ngọ:
- Chính mày đã cầm gạch ném quan ba bị thương, mày định chối à? Rất nhiều người làm chứng kia...
Ngọ nghĩ cứ bắt bẻ chúng cái chơi đã...
- Bọn chúng mày bị bắt, chúng tao đối xử rất nhân đạo. Bao nhiêu lần chúng tao thả thương binh, cho chúng mày xuống tàu bay đưa về. Chúng tao bị bắt thì chúng mày đối xử như vậy à?... Chúng mày giam chúng tao ở trong hố đạn, mỗi ngày quẳng cho một mẩu bánh, người ốm bỏ mặc kệ. Quan ba của chúng mày còn vào đánh anh em chúng tao đang ốm. Chúng tao không bao giờ đánh người, nhưng nếu chó cắn thì chúng tao đập chết chó. Hôm nọ, chúng mày nhờ chúng tao đưa giấy ra ngoài cho Bộ chỉ huy chúng tao, chúng tao vừa giúp đỡ xong... Chúng tao nhân đạo như thế. Bây giờ chúng mày lại giở mặt à?
Tên ngồi bàn nói, giọng đỡ nạt nộ hơn:
- Nhưng.... chính Bộ chỉ huy chúng mày đã từ chối, không để tàu bay hạ cánh chuyển thương binh về Hà Nội? Chúng tao còn rất nhiều thương binh nặng phải nằm trong hầm kia.
Bây giờ Ngọ mới hiểu, hôm nọ bọn địch nhờ các anh đưa thư ra ngoài về chuyện này, anh nói:
- Bộ chỉ huy chúng tao không đồng ý vì làm như vậy lâu ra... Chờ mấy hôm nữa giải phóng xong Điện Biên, sẽ cho bọn chúng mày đi cả thể.
Tên ngồi bàn ngẫm nghĩ rồi bảo thằng quan ba hỏi Ngọ giữ chức vụ gì trong quân đội ta.
- Tao là chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam...
Ngọ trả lời xong, môi mím lại, mắt quắc lên rất kiêu hãnh.
Tên ngồi bàn rút khăn tay xì mũi. Chiếc khăn tay mỏng tanh đưa thoảng tới chỗ Ngọ đứng một mùi thơm. Nó nói với tên quan ba một câu ngắn ngắn đầy vẻ mệt mỏi. Thằng này đưa Ngọ ra ngoài, giao cho hai tên lính dẫn đi.
Trong gian hầm chỉ huy, Đờ Cát ngồi ngây trước bàn.
Mấy ngày hôm nay, nhiều chuyện không vui dồn đến với hắn. Cách đây ba hôm, những chiến hào của Việt Minh từ phía đông và phía tây đào vào đã nối liền nhau trên sân bay của hắn. Thêm hai vị trí bảo vệ sân bay bị tiêu diệt. Thấy Lăng-gơ-le không động đậy gì, Đờ Cát đã ra lệnh cho hắn phải phản kích chiếm lại những vị trí không thể để mất này. Lần đầu Lăng-gơ-le đã phản đối lệnh của hắn. Lệnh của hắn bị phản đối trong lúc Lăng-gơ-le theo đề nghị của hắn vừa được thăng lên đại tá. Chiếc lon Lăng-gơ-le đeo trên vai chính là lon của Đờ Cát đã chuyển cho hắn. Khi đưa chiếc lon này, Đờ Cát còn thân mật bảo hắn nên lấy mực tầu quét lên dạ đỏ vì Đờ Cát ở kỵ binh, còn Lăng-gơ-le ở quân dù, dùng lon trên nền đen. Đờ Cát tức giận, kiên quyết bắt Lăng-gơ-le phải đưa quân ra phản kích. Trước giờ phản kích hắn yêu cầu Hà Nội ném bom thật nhiều để dọn đường tiến quân. Những chiếc pháo đài bay B24 bốn động cơ và những chiếc B26 đã nát nhừ cả sân bay. Nhưng khi hai tiểu đoàn của Bi-gia tiến ra, thì Việt Minh từ ngay những hố bom xông lên, quét gục hầu hết bọn chúng. Đó là hai tiểu đoàn ứng chiến cuối cùng của Lăng-gơ-le.
Tối hôm qua, hắn đang ngồi trong hầm trao đổi với Lăng-gơle về tình hình mỗi ngày một nguy khốn của Điện Biên Phủ thì có một tiếng động mạnh trên nóc hầm. Cả hai nhìn nhau tái mặt và đoán là một trái đại bác nổ chậm. Nhưng sau đó, trước cửa hầm hiện ra. một lên lính nhảy dù. Mặt hắn trắng bệch như tờ giấy. Tên lính kể lại, hắn chưa từng nhảy dù lần nào. Người ta khoác lên vai hắn hai chiếc dù và bảo hắn "Khi nhảy đếm đến ba nếu không thấy dù mở thì kéo mạnh quả nắm, chiếc dù thứ hai sẽ mở". Sau chín mươi phút ngồi trên máy bay hắn thấy dưới mắt một cái vực đen ngòm, có nhiều tia chớp. Người ta hảo hắn "Nhảy ngay!” Hắn không kịp đếm tới ba thì đã rơi xuống đây.
Đờ Cát cho hắn một ngụm rượu Vinogel. Khi đã hoàn hồn, tên lính nhận ra mình đang nói chuyện với chỉ huy trưởng và chỉ huy phó của Điện Biên Phủ. Hắn rút trong túi ra một chai Muscadet đưa cho Lăng-gơ-le. Một mụ bạn ở Hà Nội đã gửi cho Lăng-gơ-le chai rượu này.
Lăng-gơ-le đang tươi tỉnh bỗng sa sầm mặt lại. Hắn vuốt tờ giấy bọc chai rượu cho phẳng đặt trước mặt Đờ Cát, nói:
- Không phải báo "Nhân đạo" đâu!
Đó là một tờ báo trong có một bài viết xỉ vả cuộc chiến tranh ở Đông Dương là không có mục đích và không có đường lối.
Chờ Đờ Cát xem xong, Lăng-gơ-le nói tiếp:
- Ngài Thiếu tướng ạ, hôm nọ tên Giu-lô ở nhà thương còn nhận được cả một lá thư của sở cẩm Ru-be từ Pháp gửi sang đòi nộp phạt! Binh lính của chúng ta chiến đấu vì cái gì? Nếu không vì danh dự quân nhân, vì những người chỉ huy tốt như ngài và tôi thì còn vì gì nữa? Trong khi đó Việt Minh chiến đấu để tống cổ chúng ta ra khỏi quê hương của chúng. Tình hình đã rõ như ban ngày... Lỗi không phải ở ngài cũng không phải ở tôi...
Vừa rồi thái độ xấc xược của người tù binh không khiến cho hắn phải tức giận mà chỉ làm cho hắn ngạc nhiên, và cuối cùng hắn cảm thấy buồn nản.
Mọi việc diễn ra trên đất nước này hình như đã đi vào một quy luật mới. Năm 1940, tại nước Pháp, hắn đã bị phát xít Đức cầm tù. Hắn còn nhớ rõ bộ mặt sợ sệt và thái độ khúm núm của những người bạn và cũng là của chính hắn ngày đó, khi bị dẫn tới trước những tên lính Đức kiêu căng vì chiến thắng. Từ ngày hắn sang đây, đã có một số người dân, người lính Việt lọt vào tay hắn. Đôi lần, hắn cũng gặp những người tỏ vẻ sợ hãi, nhưng thường thường hắn vấp phải những bộ mặt lì lợm không khuất phục. Điều đó cũng không làm hắn ngạc nhiên. Nưng cái tên tù binh vừa rồi thì thật lạ...! Hắn dám đánh một sĩ quan, hắn bị kề súng vào lưng, bị điệu lên đây gặp cơ quan chỉ huy. Đờ Cát đã thấy đôi mắt nhỏ sắc của hắn chăm chăm nhìn vào những ngôi sao của mình. Như tất cả những người mới được thăng cấp khác, Đờ Cát còn đang cảm thấy những ngôi sao mới kềnh kệnh trên đôi vai và cứ bắt mình phải luôn luôn nghĩ tới nó. Những ngôi sao trên vai Đờ Cát lúc này không còn là những ngôi sao bằng thiếc. Tướng Cô-nhi ở Hà Nội khi nghe tin sao thả dù bị lạc sang trận địa Việt, đã động viên Đờ Cát bằng cách rút đôi lon trên vai của mình, giao cho một tên lính nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đem đến cho Đờ Cát... Tên tù binh này có vẻ chỉ là một tên lính thường. Ít nhất, hắn cũng phải biết người ngồi trước mặt hắn đang nắm trong tay sinh mệnh của hắn, và hắn phải lo sợ vì việc hắn đã gây ra. Nhưng không ngờ chính hắn lại quay lại bắt bẻ Đờ Cát, y như hắn mong muốn được dẫn tới đây để làm công việc đó. Điều này thật lạ! Nó có phải là người không? Nếu là người, thì nó phải biết sợ cái chết chứ?... Vậy mà nó đã nghênh ngáo bẻ bai và còn như định dọa nạt, giảng giải lại cho cả hắn. Trong lúc đó, nó chỉ có một thân thể gầy còm với hai bàn tay trắng. Lúc đầu hắn rất ngạc nhiên.
Hắn bắt đầu buồn nản khi một ý nghĩ khác tiếp tục nảy ra trong óc... Đã mấy chục năm nay, hắn làm nghề đánh nhau. Hắn hiểu một quân đội giành được chiến thắng khi có thật nhiều sắt thép đổ xuống đầu đối phương. Trong cuộc chiến tranh ở đất nước xa xôi này, hắn càng tin vào điều đó. Đó là nguồn sức mạnh khi hắn cầm cái binh đoàn thiết giáp của hắn đi đánh nhau. Cũng đã có lần hắn bị đánh bươu đầu mẻ trán. Nhưng thông thường, với những khối thép mạnh mẽ đó, hắn đi trên đất của đối phương không bị cản trở nhiều. Hắn tin rằng đã khuất phục đối phương bằng sức mạnh của những khẩu pháo, những viên đạn. Trước khi bước vào trận Điện Biên Phủ, hắn đã yêu cầu người ta cung cấp cho hắn đủ mọi phương tiện. Lần này sức mạnh của hắn đã không đè bẹp được đối phương. Mà chính hắn đã bị sắt thép của Việt Minh giội xuống đầu. Nhưng hắn vẫn cho rằng hắn bị khó khăn vì không thật nhiều sắt thép hơn kẻ địch, và hắn chờ đợi người Mỹ sẽ đem tới những thức đó để đánh gục Việt Minh, xoay chuyển lại tình hình.
Qua những phút vừa rồi, hắn đã nhìn thấy một vấn đề mới. Người tù bé nhỏ đã nói với hắn, khi anh ta chỉ có hai bàn tay trắng, tất cả những súng ống của hắn ở đây vẫn không khuất phục được anh ta. Ngay tại căn hầm này, anh ta đã ngang nhiên cư xử với hắn như chính anh ta là người mạnh hơn hắn gấp bội.
Bọn Việt bắt đầu không sợ sắt thép nữa rồi... Hắn tự hỏi mình, vì sao lại như vậy? Hắn nhớ lại câu chuyện với Lăng-gơ-le tối qua. Lúc này hắn thấy tên đại tá nói có lý. Đúng là khi Na-va động viên hắn: "Hãy cố gắng chiến đấu ở đây để bảo vệ thế giới tự do", hắn chẳng hề thấy mảy may rung động. Cái thế giới tự do ấy là cái gì? Bọn Việt này làm gì mà lại đe dọa được thế giới tự do? Hắn là lính thì hắn phải đánh nhau thôi. Cái gì đã thôi thúc hắn cố gắng trong cuộc đánh nhau này? Có lẽ chỉ là như hắn vẫn nghĩ, nếu mình làm ăn tốt thì mình cũng vớ thêm cho mình một cái gì... Nhưng bây giờ hắn thấy việc làm ăn ở đây thật khó. Hắn vớ phải những tên Việt cứng đầu cứng cổ quá. Từ ngày 13 tháng Ba đến nay, nhiều đêm hắn đã đổ hàng vạn quả đại bác vào những đầu hào nhỏ hẹp của Việt Minh, nhưng vẫn không cản được bọn chúng khỏi tiến vào. Tên đại tá nói đúng. Bọn Việt bất chấp cả cái chết vì chúng đánh nhau để tống khỏi cửa những người đến ăn cướp đất nước chúng. Còn hắn và binh lính hắn thì chẳng có cái cóc gì ở đây. Đất nước... không! Quê hương... không!. Nhà cửa... cũng không. Cái điều Lăng-gơ-le có nhắc đến hôm qua "danh dự quân nhân" lúc này hắn cũng thấy rất mơ hồ. Sang đến đất nước này để đi đánh nhau, bọn chúng cũng như hắn thôi. Chúng ăn lương thì chúng phải đi đánh nhau. Chúng cũng muốn nhân cơ hội này kiếm chác. Nhưng nếu bây giờ tất cả bọn chúng đều như hắn, như Lăng-gơ-le... thấy chẳng kiếm chác được cái gì mà có khi còn mất mạng...
Tên đại tá này trực tiếp với việc đánh nhau hơn nên đã nhìn thấy vấn đề đó trước hắn...
Người lính da đen của hắn rụt rè bước vào trong hầm, nhìn bộ mặt ngơ ngác của Đờ Cát. Hắn nói bằng thứ tiếng Pháp ngọng nghịu:
- Thưa Thiếu tướng, con chó chết rồi!
Chẳng hiểu tại sao mấy ngày nay con chó xám lốm đốm trắng của hắn bỏ ăn, và bây giờ nó đã chết. Trong tình hình mọi thứ chung quanh hắn đều thay đổi, người bạn trung thành gần gũi nhất với hắn ở đây, lúc này cũng đã bỏ hắn.
Đờ Cát thẫn thờ hỏi lại:
- Nó chết thật rồi à?
- Thật ạ.
Thấy viên tướng lại ngồi ngây người, người lính hầu lặng lẽ lủi ra.