Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.

Oprah Winfrey

 
 
 
 
 
Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương III - Tuổi Hai Mươi - Phần 1
huyền chở hàng của Tư Lê từ Phan Thiết trở về Sài Gòn lúc đêm khuya. Mặt sông loang loáng bóng đêm, thành phố đèn điện sáng như sao sa. Anh Ba ngỡ ngàng hỏi:
– Đèn để sáng suốt đêm khắp các phố phường hả anh Tư?
– Dà… đèn đường thắp từ chạng vạng đến sáng ngày hôm sau đó, anh Ba.
– Thảo nào mà trên các báo họ không ngớt khoe: “Xứ Nam Kỳ trực trị” của nước Đại Pháp và “Sài Gòn là thành phố văn minh chẳng kém thành phố của các nước trên thế giới”.
– Tôi chưa được ra Hà Nội nên không rõ ở ngoài mở mang cỡ nào, chứ Huế vô đây thì Sài Gòn là thành phố Tây hóa số một, anh Ba ạ. Sớm mai về nhà chú già Đờn, sau đó tôi đưa anh đi coi phố. Giờ anh chợp ngủ lấy một lúc kẻo mệt, nghe anh Ba.
Đêm mùa khô, nằm trên sông nước Sài Gòn, anh Ba cảm thấy mát dịu như nằm trước cửa bể Phan Thiết đêm hè. Anh không có cảm giác một chút nào cái khí hậu mùa đông. Sang tháng mười, ở ngoài xứ Nghệ dịp này đã rét, gió Đông Bắc tràn về. Anh ngẫm về những lời Tư Lê nói: Sài Gòn không có thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mà chỉ có mùa mưa và mùa khô…
Một đêm khô qua đi nhanh chóng. Một Sài Gòn trần trụi, ồn ào bày ra và choán hết tầm mắt anh Ba. Trên lối về nhà ông già Đờn, Tư Lê đưa anh Ba qua bến cảng Nhà Rồng. Một sự xôn xao mới dấy lên trong tâm trí lúc anh Ba nhìn thấy những con tàu viễn dương sừng sững đậu trước cửa sông, nhả khói trắng lên bầu trời. Anh Ba níu lấy bàn tay Tư Lê, dừng lại ngắm những con tàu mà anh cảm thấy như từng dãy phố nổi nối nhau dằng dặc dài. Đằng mũi, sau lái con tàu hai cột buồm cao ngất nghểu, những dây chằng như bộ rễ cây đa cổ thụ cắm xuống đất sâu. Giữa tàu đột khởi lên một hình khối giống như một tòa nhà nhiều tầng mà nóc của nó là cái tháp chuông.
Anh Ba giọng bâng khuâng:
– Loại tàu cá mập này tuồn vào bụng nó vô số là người, là của, anh Tư nhỉ.
Tư Lê chỉ tay khắp cảng:
– Anh Ba coi, mọi sản vật ở xứ mình đều được đưa về đây để tuôn vô cái bao tử (dạ dày) loài cá mập ấy đó.
Anh Ba nhíu cặp lông mày, trước mắt anh hình ảnh những người thợ già thợ trẻ phụ nữ, trẻ em đông như kiến cỏ, quần áo bê bết đất cát, mồ hôi tràn qua mặt, đầm đìa xuống cổ cháy đen, và trên lưng họ những kiện hàng cao chất ngất.
Anh cảm thấy xót xa lúc một ông lão quấn chiếc khăn rằn, bộ râu sém nắng dài xuống ngực, cả đến cặp lông mày cũng bị nắng táp vàng hươm, mắt ông như muốn lồi ra mỗi lần ông gò lưng kéo chiếc xe bò chất đầy những bao bì căng như bụng bò chửa. Một thiếu phụ khoảng ngoài ba mươi tuổi đẩy sau xe ông lão. Vấp phải một đoạn dây xích, bánh xe bị kênh nghiêng, một bao bì trên nóc xe lăn bịch xuống đất, đứt dây khâu, gạo đổ vung ra. Người thiếu phụ la: “Bể bao rồi, ba ơi!” Hai cha con ông lão hót vội gạo vào ban. Anh Ba và Tư Lê cũng chạy đến giúp một tay. Người thiếu phụ má ửng đỏ mắt e thẹn không dám nhìn thẳng hai người lạ giúp đỡ cha con mình. Ông lão vừa chạm bàn tay hót gạo, vừa nói:
– Ơn hai thầy quá. Thầy Hai coi nì… – ông vừa nói vừa chỉ tay về phía con tàu. – Mẹ chúng nó! Gạo xứ mình, chúng nó hết về nước chúng nó.
Một gã cao lớn, cầm gậy song uốn cong cổ hạc, mặt hằm hằm sấn đến, nói giọng Bắc:
– Đồ chó đẻ! Đồ chó đẻ! Chúng mày làm ăn thế này, ông sẽ cúp lương đừng có kêu oan.
Người thiếu phụ phân trần:
– Lỡ ra chớ ai muốn vầy mà thầy Hai la lối dữ vậy.
Tên cai giơ gậy dọa:
– Lỡ lỡ cái tổ cha chúng mày.
Người thiếu phụ lùi lùi, lưng tựa vào xe, đầu đụng phải đống bao, búi tóc bị sổ xuống, dải khăn rằn rơi lòa xoà quanh vai. Ông lão mím chặt môi, tay nắm; nhìn chằm chằm vào mặt tên cai. Anh Ba, Tư Lê cũng phẫn uất đứng sát bên ông lão. Tên cai hạ tay roi xuống, vẻ gờm mặt ông lão. Ông giơ hai cánh tay lực lưỡng ra trước mặt, bắp thịt cuộn lên như sóng lượn, ông gằn từng tiếng:
– Tụi qua (84) có phải chết thì cũng hết nhục, hết cái kiếp làm thân con bò. Các người ức hiếp quá lắm. Con giun xéo lắm phải quằn chớ.
Tên cai nhìn ông lão và liếc mắt qua anh Ba, Tư Lê, vẻ tẽn mặt. Có một tốp thợ khuân vác đang tới. Hắn sợ im lặng bỏ đi.
Anh Ba, Tư Lê giúp cha con ông già cột kín bao gạo chất lên xe rồi mới đi. Hai cha con ông lão vừa nói: “Đa tạ hai thầy” vừa nhìn anh Ba với vẻ ngờ ngợ vì một thanh niên tuấn tú, quần áo sang trọng mà lại “lạc bước” vào bến cảng này.
Anh Ba đi bên cạnh Tư Lê, nói:
– Anh Tư thấy chưa? Phải cứng đầu như ông già thì bọn cậy quyền cậy thế mới chùn tay ăn hiếp, anh Tư ạ.
– Cả đến bọn chủ Tây cũng nể mặt anh em phu cảng Nhà Rồng nầy chứ không dám hống hách như ở những nơi khác, anh Ba ạ.
Ra khỏi bến cảng, đi trên đoạn đường hành lang hình cánh cung, anh Ba băn khoăn hỏi:
– Sao không gọi là cảng Sài Gòn mà lại đặt tên là Bến Nhà Rồng, hả anh Tư?
Tư Lê vỗ vai anh Ba, chi lên nóc ngôi nhà lợp ngói vảy rồng. Trên nóc nhà có hai con rồng chầu mặt trời đắp bằng xi măng. Tư Lê giải thích:
– Đi trên bộ hoặc đi đường thủy, lúc gần vào bến, người ta nhìn thấy ngay ngôi nhà trên nóc có hình hai con rồng. Do vậy mà có tên là Bến Nhà Rồng, anh Ba ạ.
Anh Ba mỉm cười nhìn về Nhà Rồng: một đôi cu gáy từ trên ngọn cây dừa vừa chớp cánh lao xuống đậu lên đầu rồng giữa nóc nhà ám màu thời gian…
Qua những bãi rác sình lầy, con đường vào xóm càng vào sâu càng quanh co, gấp khúc, có nhiều nhánh rẽ hai bên như cái xương cá. Ở đầu một ngã tư, có mấy hàng xén, hàng quà… Đằng sau các cửa tiệm nho nhỏ ấy là những túp lều gối nhau như bát úp. Anh Ba hơi ngỡ ngàng với cái “thế giới hang chuột” này. Anh Tư Lê vui vẻ:
– Cây mận (cây doi) kia rồi. Nhà chú út có cây mận bự làm cột tiêu cho cánh thợ đi về không thể lạc được.
Anh Ba nghiêng nghiêng nhìn vào ngôi nhà nép gọn dưới bóng cây doi. Anh lần nhớ lại lời giới thiệu của Tư Lê về cuộc sống “gà trống nuôi con” của cha con ông già Đờn.
Chẳng mấy ai rõ tên ông già là gì mà chỉ quen gọi bằng tên người con gái út là Huệ. Nghe nói, ông là một người giàu có ở miền châu thổ sông Tiền, vì thua kiện bị phá sản. Vợ chết, hai người con trai cũng bị chết bệnh liên tiếp trong mấy năm. Ông buồn phiền bỏ quê nhà đưa con gái út lên sinh sống ở Bến Nhà Rồng. Vì ông đờn hay, anh em thợ gọi luôn là ông già Đờn. Ông làm phu khuân vác. Cô Út Huệ lo việc cơm nước cho ông và nấu cơm giúp cho một số công nhân không có gia đình. Thỉnh thoảng cô Út Huệ cũng ra cảng nhận việc làm công nhật với cha.
Anh Ba theo Tư Lê bước qua rãnh, rẽ vào cái ngõ hun hút như ống áo. Anh đứng khựng lại lắng nghe tiếng đàn nhị từ trong mái nhà tranh bay ra réo rắt. Tư Lê nói khẽ:
– Ông già Đờn đờn đó anh Ba. Lúc ông già đờn là lúc ruột gan ông bồi hồi, nước mắt thường đọng ngập bờ mi. Gặp lúc đó, đừng chào hỏi chi vì ông đang nhập thần vô cây đờn. Tôi đã thưa chuyện anh với ông và Út Huệ rồi.
Hai người bước vào nhà. Ông già Đờn ngồi xếp bằng trên cái sập gỗ, tay đang nắn nót cung đàn, mắt lờ đờ đảo nhìn và gật đầu đáp lễ anh Ba. Dưới nền nhà trải chiếc chiếu mộc, mấy anh thợ trẻ đang nằm gối đầu lên nhau, lưng trần đen như da chum. Họ đang ngậm trên môi điếu thuốc tổ sâu. Thấy Tư Lê đưa khách về, mặc dầu đã được báo trước, họ vẫn nhìn anh Ba với con mắt lạ lùng. Hai anh thợ ngồi dậy, tựa lưng vào vách, mắt vẫn nhìn anh Ba. Họ ngạc nhiên về một anh da, tóc, mặt mày, chân tay và áo quần thuộc lớp người “ăn trắng mặc trơn” mà lại lạc loài vào xóm thợ này! Nhưng có đôi mắt sáng, nhìn hiền và ấm áp làm cho lòng họ cảm thấy dễ mến và dễ gần. Út Huệ đang thổi cơm dưới bếp lấp ló nhìn lên nhà. Tư Lê đến cửa bếp, nói nhỏ:
– Cô Út cho anh Ba và tôi ăn cơm nghe.
– Thầy Ba, – Út Huệ thì thầm – thầy Ba học thức, kiểng trai quá trời mà… mà vô đây chịu nổi sao, anh Tư?
– Vậy mới là một người hiếm thấy chớ, cô Út.
Anh Ba vừa bắt chuyện với ba anh thợ vừa lắng vào trái tim mình tiếng đàn và lời ca của ông già Đờn: Kéo neo… kéo neo tàu chạy… Gạt nước mắt… nước mắt tiễn đưa… Thương người đi… người đi muôn trùng sóng vỗ….
Ông già buông lời ca, tay đàn, ngồi thừ và nhìn đau đáu ra ngõ hẻm. Ông treo cây đàn lên và ngồi xuống bên anh Ba. Ông đặt bàn tay rám nắng vào vai anh Ba, nói tiếng chắc nịch:
– Ủa! Thầy Ba Nghệ (85) đã về thấu đây ta!
– Dạ, cháu về với anh Tư từ ban nãy mà chú. Vì chú đang say đàn. – Anh Ba nói.
– Anh Ba muốn thưa chuyện với chú – Tư Lê nói – nhưng chú còn dở tay đờn, ảnh chưa dám trò chuyện…
– Ờ, phải rồi. Thầy Ba là người tai mắt nên biết trọng thú vui của người khác. Bấy nhiêu đó đủ để qua đấy tôn kính rồi đó!
– Thưa chú, – anh Ba nói – cháu đã được anh Tư Lê cho biết về tấm lòng chú và cô Út cũng như tình của anh chị em xóm thợ, do đó cháu tìm đường từ ngoài miền Trung vô đây.
Ông già đỡ lời ngay:
– Khỏi… khỏi dài dòng nghe thầy Ba. Thầy Ba đã từng là ơn nhơn (ân nhân) của Tư Lê thì thầy Ba sẽ dám xả thân cứu những người khổ đau khác. Thầy Ba là hạng người “Lục Vân Tiên” rồi.
Ông già Đờn ca luôn một đoạn thơ Lục Vân Tiên:
Vân Tiên ghé lại bên đàng.
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.
Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân…
Dứt khúc ca, ông già Đờn ôm choàng anh Ba vào vòng tay,. mắt ông ánh lên niềm xúc động:
– Khỏi phải bày tỏ gì mà bấy nhiêu câu Lục Vân Tiên đã nói đủ cái lòng của người già này đối với thầy Ba. Thầy Ba về đây với tụi tui. Chật nhà, rộng bụng mà…
– Chú Út ơi! – Anh Ba xúc động – Chú đừng gọi cháu là thầy. Chú hãy coi cháu như anh Tư, như các anh đã ở trong nhà chú.
– Rồi… rồi…, được rồi. Đã nghĩ về nhau như vậy thì già này gọi thầy là anh Ba hoặc gọi là anh Ba Nghệ, đều một nghĩa trọng cả mà. Út… à! – ông già gọi con gái.
Từ dưới bếp, út Huệ thưa dịu dàng:
– Dà… ạ! Ba gọi con có việc chi, thưa ba?
– Con làm cơm lâu vậy?
– Xong rồi thưa ba. Nhưng con đợi ba đờn hết bài đã mà.
– Trời đất! Con nhỏ này hổng sáng ý chi trọi hà. Bữa nầy có anh Ba về, cần ăn cơm sớm để ảnh nghỉ ngơi chút rồi còn đi coi phong kiểng Sài Gòn chớ…
Tiếng ông già chìm đi giữa tiếng nói ồn ồn của anh em thợ.
o0o
Anh Ba đội cái mũ nan to vành và đi đôi dép bằng lốp xe kéo của ông già Đờn. Út Huệ ở trong bếp ngó ra, mỉm cười vì vóc người học trò của anh Ba chẳng ăn nhập với cái thứ dép, mũ “cu li” của ba mình. Ông già và đám thợ trẻ thì khoái chá cười:
– Coi bộ ngon héng!
Anh Ba cười hơi ngượng ngập:
– Ở Sài Gòn có nhiều xưởng máy không hả anh Tư?
– Sài Gòn là đất “Nam Kỳ trực trị”, coi như một tỉnh của nước Pháp, cho nên được tự do nhiều thứ. Vì vậy mà ngành công nghệ ở Sài Gòn đã dựng lên nhiều xưởng máy, nhưng là của người Tây, chứ của người Việt mình chưa có.
– Là những xưởng gì đó anh Tư?
– Tui hổng rành hết Sài Gòn, chỉ quanh quanh miệt sông này, nên biết có xưởng Ba Son, xưởng Xi-mắc, xưởng Pha-xi, xưởng Xít…
– Các xưởng ấy chế tạo những máy móc gì. Anh Tư có biết không?
– Tất cả các xưởng chỉ làm cái việc sửa chữa, chứ đâu chế tạo ra nổi máy móc. Như Ba Son thì sửa chữa tàu nhà binh, xưởng Xi-mắc ở bên kia sông, sửa chữa các tàu loại bự, vượt đại dương. Còn xưởng Pha-xi sửa chữa các tàu loại nhỏ. Riêng cái xưởng Xít chuyên sửa xe hơi.
– Chúng mình xin vào làm thợ ở xưởng Ba Son, có khó lắm không anh Tư?
– Đâu có được, anh Ba. Muốn vô đó phải là lính thợ, hoặc đã học ở trường Bá nghệ được kén chọn làm lính thủy chứ đâu có dễ, anh Ba.
Anh Ba nhìn vào quân cảng, lắc đầu. Hai người thủng thỉnh đi qua các phố trung tâm Sài Gòn. Tư Lê nói nhỏ:
– Vô tiệm giải khát, ăn kem cho mát rồi hẵng đi, anh Ba.
Anh Ba hơi ngỡ ngàng, hỏi:
– Kem là món ăn có đắt lắm không mà chúng mình vào tiệm, hả anh Tư?
– Một thứ giải khát bình dân nhất, anh Ba ạ. Chỉ cần một cắc (hào) thì hai anh em mình ăn đến phát rét lên.
Anh Ba vẫn chưa rõ món kem là loại thức ăn gì mà rẻ vậy, lại ăn nhiều thì “phát rét lên”.
Bước vào cửa hàng giải khát, anh Ba hơi choáng ngợp trước cảnh đông đúc, nhiều người mặc đồ sang trọng xen lẫn với vô số người lao động mình trần, quần đùi chân đất, khăn rằn vắt vai, ngồi cò đậu trên mặt ghế ăn những cốc kem, que kem hơi bốc trắng. Anh đinh ninh món ăn còn bốc hơi này hẳn là nóng sốt. Trong lúc đợi cô hầu bàn đem kem đến, anh Ba hơi ngạc nhiên nhìn lên trần nhà, nói nhỏ:
– Cái máy gió quay tít quá anh Tư nhỉ?
Tư Lê cười:
– Quạt máy đó anh Ba. Còn gọi là quạt trần nữa.
– Ờ! Phải rồi. Tôi đọc sách Pháp thấy tả về những cái quạt trần, quạt bàn, nhưng bây giờ mới nhìn thấy nó. – Anh lại ngước nhìn quạt trần, nói: -Thế này thì văn minh hơn các thứ quạt hầu ở chốn cung đình và ở các nhà quan.
Cô hầu bàn bưng khay kem cốc đến. Anh Ba cũng cảm thấy lạ mắt về bộ áo choàng trắng, mũ trắng, tất tay trắng của người con gái hầu bàn. Anh đưa mắt nhìn cách ăn của Tư Lê. Anh cầm thìa con xúc một miếng, hơi kem bốc lên thơm phức. Anh thụt lưỡi đặt thìa kem xuống, mắt chớp lia lịa.
– Chà! Lạnh cóng cả miệng, anh Tư ơi!
Tư Lê che miệng và cố nén cơn cười bất ngờ.
– Anh cứ ăn đi, chỉ lạnh một miếng đầu. – Tư Lê nói. ăn miếng đầu thì cảm thấy lạnh, còn sau nữa là cái mát thấu khắp người mà, anh Ba.
Anh Ba ăn nhón nhén. Anh gật gật đầu: “Á! Thì ra đây là cờ-rem (crème), một món ăn rất thông thường của người Pháp mà tôi đã gặp trong sách”.
Thưởng thức xong món kem, ra khỏi cửa hàng giải khát anh Ba nói với Tư Lê:
– Đúng là trăm nghe không bằng một thấy, anh Tư ạ. Học và đọc sách mà không được nhìn tận mắt, bắt tận tay thì chỉ mới là biết có một nửa thôi. Cho nên, một số ông quan đại thần đi sang Pháp về nói có thứ đèn chúc ngược xuống mà dầu không đổ ra, người ngồi trên xe hai bánh đạp, lái đi bon bon mà không ngã, vua Tự Đức cho là đi xa về nói láo, khép tội “khi quân” (dối vua) cũng là điều không đáng trách, phải không anh Tư?
– Đời là cái bể. – Tư Lê đáp. – Ai biết hết được mọi việc trên đời đâu, anh Ba.
Hai người lại im lặng đi và quan sát. Bàn chân chưa quen cọ xát với thứ dép lốp xe cao su, anh Ba thỉnh thoảng phải cúi xuống sửa lại dép. Tư Lê đưa anh Ba đến xem những công trình của người Pháp xây dựng. Anh Ba trầm ngâm nhìn tòa nhà thờ Đức Bà và đi qua đi lại khá lâu quanh khu tòa án đồ sộ. Anh Ba và Tư Lê rảo bước đến dinh thống đốc, qua tòa đô chính… Anh hỏi Tư Lê:
– Anh Tư ở Sài Gòn đã lâu, thường đi qua những tòa nhà đồ sộ này, có khi nào anh để bụng coi việc người Pháp họ xây dựng lên những thứ đó với mục đích gì không?
Tư Lê hơi bối rối. Anh ngước nhìn tòa nhà cao như tìm kiếm cái điều anh Ba hỏi nằm đâu trên đó. Anh nói như than vãn:
– Trời… đất… quỷ thần ơi! Anh Ba hỏi thằng em nầy cái điều tối hệ trọng ấy thì chết chớ trả lời sao nổi – Tư Lê chùng giọng: – Hồi tui mới vô Sài Gòn, cũng đi. xem kiểng phố với chú Út và thằng Sáu Đen. Sáu Đen là cái cha chưởi thề giữa bữa ăn đã bị chú Út rầy hắn một chập hồi mai đó anh Ba.
– Mình nhớ rồi. – Anh Ba nói.
– Anh biết không, – Tư Lê nói – lần đầu tiên Sáu Đen trông thấy tòa thống đốc, ngợp mắt đã thốt lên: “Cha trời! Người Tây họ cất nhà nguy nga vầy, Sài Gòn mình đẹp tuyệt trần rồi”. Chú Út ục luôn một quả đấm vào vai Sáu Đen và mắng liền: “Mầy nói gì mà ngu quá vậy Sáu, họ cất nhà, xây dinh thự là để họ ở mà cai trị, mà đè đầu cỡi cổ dân mình chứ đâu phải để làm đẹp cho thành phố mình”.
Anh Ba nắm chặt tay Tư Lê:
– Anh Tư ơi! Anh nói bấy nhiêu… mà cũng chỉ bấy nhiêu đã đủ. Nói như cụ Nguyễn Du: “Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri”. Chứng ta xem từng ấy công trình mở đầu của người Pháp tại Sài Gòn, ta thấy: Năm 1877 họ xây dựng nhà thờ Đức Bà. Năm 1881 họ xây dựng tòa án. Năm 1885 họ xây dựng dinh thống đốc. Năm 1900 họ xây dựng tòa đô chính. Rõ rằng, người Pháp đến xứ mình, việc xây dựng đầu tiên không phải là những công trình phúc lợi cho dân mà là nhà thờ, nơi gom phần linh hồn, thứ đến là xây tòa án để trừng phạt thể xác dân mình, và xây nơi đầu não của bộ máy cai trị.
– Ờ ờ… – Tư Lê đắc ý – Anh Ba chữ nhiều có khác. Với con mắt còn bỡ ngỡ, anh chỉ nhìn qua một lượt các công trình mà đã đọc thấu tận mưu đồ cửa chánh phủ đối với “xứ Nam Kỳ trực trị” nầy. Thực tình, biết bao người hằng ngày đi qua đi lại nhà thờ, tòa án… nhưng dễ mấy ai đã nhìn nhận ra được cái bề trong của nó, anh Ba?
Trời về chiều. Đường phố càng đông đúc. Các tiệm ăn hội tụ đủ những hạng người. Anh Ba vẫn chưa hết ngỡ ngàng với Sài Gòn: Người Hoa nhiều nhan nhản! Tiệm ăn, tiệm giải khát, hiệu thuốc bắc, hàng tấm, hàng xén, hàng vàng bạc, nhà thầu, khách sạn, nhà trọ và cả những thứ hàng rong đủ các tiếng rao nghe chẳng hiểu nổi. Anh Tư Lê cứ phải làm cái công việc “thông ngôn” lại cho anh Ba trên dọc lối đi qua.
Trên đường về qua đồn Tây, mà người Sài Gòn gọi là bót Ca-ti-na, anh Ba và Tư Lê bàng hoàng nhìn thấy những tên cảnh sát Tây, cảnh sát ta lôi về đồn hai người bị trói cánh khuỷu, máu bê bết từ đầu xuống chân, không còn đi nổi nữa. Anh Ba nghe những người qua đường hỏi nhau:
– Hai người có tội gì mà họ hành hạ ghê gớm vậy?
– Về tội ăn cắp, bị bắt ở chợ Bến Thành.
– Hổng biết có thiệt là ăn cắp không, chỉ nghe hô lên: “Kẻ cắp! Kẻ cắp…” là cả trăm người xúm lại đánh kẻ đó. Rồi mã tà ập tới lập công vậy đó.
Không dám nhìn hai nạn nhân, anh Ba kéo tay Tư Lê quay về xóm thợ. Anh nói nhỏ với Tư Lê, giọng nghẹn ngào: “Kẻ ăn cướp cả giang sơn mình, cướp cả nòi giống mình thì chẳng thấy ai hô hào đứng lên đánh đuổi?”
————
Chú thích:
(84) Đại từ nhân xưng của người lớn tuổi hơn
(85) Cách gọi thân mật: Anh Ba người Nghệ An
Búp Sen Xanh Búp Sen Xanh - Sơn Tùng Búp Sen Xanh