Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 23
Giữa đêm gió bỗng thổi mạnh. Bà Lê rón rén ngồi dậy khép cánh cửa sổ. Ông Kim trở mình hỏi:
- Hình như gió mùa đông bắc phải không? Đêm qua quên nghe thời tiết.
- Em tưởng anh đang ngủ ngon nên đóng cửa sổ nhẹ nhàng để anh khỏi thức giấc. Gió đầu mùa độc lắm. Sáng mai đi làm anh nhớ ăn mặc cho ấm vào đấy.
- Nhớ rồi. Mong sao năm nay đừng rét như năm ngoái cho bà con nông dân được nhờ.
Ông Kim trằn trọc mãi không sao chợp được mắt. Nhẩm tính thì đúng là năm nay gió mùa đông bắc về sớm gần một tháng. Kinh nghiệm của nhà nông cho hay năm nào gió mùa về sớm là năm ấy rét đậm kéo dài. Còn chưa đầy hai tháng nữa là bà con nông dân bắt tay vào cấy vụ Đông Xuân. Nếu gặp một vụ chiêm thất bát nữa không biết bà con sẽ sống ra sao đây. Nếu chưa ra được một Nghị quyết về thay đổi phương thức khoán có lẽ phải có một thông tri chấn chỉnh lại việc quản lí lao động ở các Hợp tác xã nông nghiệp để huy động tối đa sức mạnh của xã viên vào sản xuất may ra phần nào tránh được cái đói đang hiện ra trước mắt. Có lẽ sáng mai phải bàn ngay việc này với tay Côn xem sao.
Sáng ra mở cửa mới hay trận gió đêm qua là to, cành cây gãy rơi ngổn ngang, lá rụng phủ kín mặt đất. Ông Kim định qua chỗ ông Côn thì bà Lê cầm chiếc áo len cộc tay chạy theo.
- Anh mặc ấm vào rồi đi đâu thì đi. Sáng sớm lạnh như thế này mà phong phanh cái áo cộc tay anh không sợ ốm hay sao.
Ông Kim cầm lấy chiếc áo len.
- Em xin bà bảo mẫu.
Bà Lê lườm chồng rồi quay vào nhà.
Ông Côn đang ngồi đánh răng ở bể nước công cộng thì ông Kim đi tới.
- Anh đi tập thể dục về rồi kia à? – Ông Côn ngẩng lên hỏi.
- Từ nhà ra đây luôn chứ đã tập tành gì đâu. Có phải gió mùa năm nay về sớm gần một tháng không?
- Hình như thế.
- Tớ lo năm nay làm cho mấy trận rét đậm khi bắt tay làm vụ chiêm thì chết ông ạ. Lát nữa đến giờ làm việc ông lên chỗ tôi bàn việc này một chút nhé. Tớ đi tập thể dục đây.
Đi mấy bước ông Kim bỗng nhớ đến mấy tổ cò non ở ngọn cây sưa cạnh phòng làm việc của bà Thường. Không biết đợt gió mạnh đêm qua chúng nó có can gì không. Ông vội vã đi về phía cây sưa. Chân ông khựng lại khi nhìn thấy một con cò con chưa mọc đủ lông cánh nằm sóng soài giữa đất. Ông cúi xuống nhặt lấy. Con cò đã chết, toàn thân nó mềm oặt, lạnh cóng. Ông Kim để con cò con vào lòng bàn tay mình. Cũng là một số phận. Một số phận quá nhỏ nhoi. Ông Kim nghĩ và thấy tim mình bỗng nhói lên. Ông trở về nhà lấy cái xẻng đem ra đào một cái hố dưới gốc cây lim cạnh nhà mình chôn con cò vào đấy rồi trở về nhà ngồi hút thuốc lào, lòng buồn rười rượi.
Bà Lê lúi húi chuẩn bị bữa ăn sáng trong bếp thấy ông Kim không đi tập thể dục mà ngồi hút thuốc lào không hiểu có chuyện gì làm ông bức bối sớm thế nên bước ra hỏi:
- Có chuyện gì rồi phải không?
- Đêm qua gió đánh một con cò non rơi xuống đất. Nó chưa đủ lông cánh để chống chọi nên bị chết. Tội nghiệp quá.
Bà Lê phì cười:
- Con cò con chết mà mặt thuỗn ra ngồi hút thuốc lào. Sao anh không khóc cò ơi cò hỡi luôn đi.
- Em có biết trong các giống chim ăn trên đồng ruộng, con cò là người bạn gần gũi nhất của người nông dân không.
- Ừ thì anh cứ ngồi đấy rít thuốc lào mà thương bạn của anh – Nói xong bà Lê cười và vào bếp tiếp tục chuẩn bị bữa cơm sáng.
Ăn sáng xong ông Kim đi lên phòng làm việc của mình thì thấy ông Côn đã ngồi uống nước chè một mình ở đó rồi.
- Không ăn sáng hay sao mà đến sớm thế? – Ông Kim hỏi.
- Nhai bánh mì xong mới lên.
- Nước sôi đâu mà ông pha chè đấy?
- Cậu Đô thấy tôi đến đưa sang pha cho tôi. Anh định bàn việc gì với tôi thế?
- Uống nước đi đã. Ông có định xuống dự bầu Ban quản trị của Gia Đạo không?
- Tôi về xem lại chương trình làm việc của mình đã. Nếu hôm ấy công việc khác hoãn lại được thì tôi sẽ xuống dự. Anh và anh Sắc có vẻ tâm đắc với nhau nhỉ. Tối hôm qua thấy hai anh ngồi nói chuyện với nhau ở chiếc ghế đá mãi đến gần mười giờ đêm.
- Anh ấy có cái nhìn rất thực tế, mới mẻ. Hiểu biết các vấn đề khá sâu sắc khiến mình học thêm được nhiều điều. Nhưng vẫn mắc cái bệnh chung là quá thận trọng đến mức rụt rè khi phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến phạm trù lí luận hoặc đường lối.
- Có lẽ ở cương vị anh ấy buộc phải thế.
Ông Kim cười:
- Ông nói thế hóa ra tôi và ông ở cương vị thấp nên được phép làm liều hay sao?
- Tôi không có ý đó. Tôi và anh là những người đối mặt với thực tế nên dễ điều chỉnh nhận thức cũng như hành động của mình cho phù hợp với từng trường hợp rất cụ thể. Nếu chẳng may có sai lầm thì cũng chỉ sai lầm trong từng việc cụ thể chứ không mang tính toàn cục.
- Có lẽ ông nói đúng.
Ông Côn hỏi:
- Anh Sắc đã biết chuyện hai Hợp tác xã ở Vĩnh Hòa hóa giá công cụ sản xuất bán cho nông dân chưa?
- Biết rồi. Có khi do ông Bao và cậu Đình nói lại.
- Sao cậu Đình lại làm việc vô nguyên tắc như vậy.
Ông Kim bảo:
- Hôm kia tớ đã cho cậu ta một trận nên thân rồi.
- Quan điểm của anh Sắc về việc này như thế nào?
- Anh Sắc cho mình làm như vậy là hơi vội vàng. Hoàn cảnh chưa chín muồi mà đã hành động thì rất dễ dẫn đến thất bại. Tối qua tớ và anh Sắc đem vấn đề này ra nói lại. Sau khi nghe tớ phân tích, anh Sắc cũng hiểu ra phần nào của vấn đề. Việc tớ giao cho ông tổng kết những điểm mạnh, điểm yếu rút ra từ những Hợp tác xã ông đã đi khảo sát ông làm đến đâu rồi?
- Tôi đang làm. Có lẽ tuần sau sẽ xong. Anh có cần lắm không?
- Tớ muốn xem để rà soát lại xem nó sai đúng chỗ nào. Qua đó rút ra những bài học để có những giải pháp thích hợp. Có việc này tớ muốn bàn với cậu cần làm ngay trước khi bắt tay vào làm vụ chiêm.
- Việc gì mà gấp thế?
- Tớ muốn cậu thảo một thông tri về việc chấn chỉnh lại công tác quản lí lao động gửi cho các Hợp tác xã. Yêu cầu tận dụng tối đa và phân công lao động hợp lí ngay trong vụ chiêm này. Ông thấy thế nào?
- Anh cho tôi hướng cụ thể.
Ông Kim ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
- Trước mắt tập trung vào việc thay đổi phương thức khoán. Phải mở rộng và tìm ra một mô hình khoán hay nhất mang tính chất cơ bản và lâu dài. Mấy hôm nay tớ trăn trở với suy nghĩ đã ám ảnh tớ lâu nay. Đêm qua thấy gió mùa về sớm tớ lo năm nay sẽ rét đậm dài ngày nên cần phải làm gấp việc tổ chức lại lao động để huy động tối đa sức lao động của xã viên. Nếu cần thì giao luôn ruộng cho hộ xã viên từ khâu cấy đến khâu chăm sóc. Sau khi thu hoạch nộp sản lượng cho Hợp tác, còn bao nhiêu cho hưởng tất. Có thể đây là biện pháp để kích thích nông dân trở về với trách nhiệm đối với ruộng đất của mình. Ông thấy thế nào?
Thấy ông Kim nói đúng với suy nghĩ của mình, ông Côn bỗng nhiên thấy hào hứng hẳn lên:
- Suy nghĩ của anh hoàn toàn chính xác. Trong quá trình đi khảo sát gần hai mươi Hợp tác xã ở các huyện, đa số bà con có nguyện vọng giao quyền tự chủ sản xuất cho họ. Họ sẽ huy động lực lượng trong gia đình mình hoàn thành chỉ tiêu khoán của Hợp tác giao. Làm thừa chỉ tiêu, họ được hưởng hoàn toàn số dư thừa đó. Từ hình thức khoán theo nguyện vọng của nông dân, có thể rút ra được ba cái lợi. Không còn tình trạng thiếu công bằng khi phân biệt lao động chính, lao động phụ. Những người được coi là hết tuổi lao động vẫn tham gia lao động cùng với gia đình. Chấm dứt được tình trạng đi muộn về sớm theo tiếng kẻng. Tối đến không phải hội họp bình điểm vừa ảnh hưởng đến sức khỏe lại mất đoàn kết. Không còn tình trạng làm ăn gian dối vì lợi ích của người nông dân được gắn chặt với lợi ích của Hợp tác. Nhưng… – Ông Côn bỗng ngập ngừng.
- Ông đang nói hào hứng như vậy vì sao lại phanh gấp như phanh xe đạp sắp lao ổ gà thế. Nhưng cái gì?
- Vấn đề khoán thẳng ruộng đất cho hộ phức tạp lắm đấy anh ạ – Ông Côn nói thủng thẳng, thận trọng đúng với tính cách của mình – Có thể coi đây là một đòn chí tử đánh thẳng vào cơ chế của Hợp tác xã hiện tại. Nói đúng hơn là đánh thẳng vào chủ nghĩa giáo điều đang ngự trị trong đầu óc số đông những người lãnh đạo hiện nay. Vì vậy phải cân nhắc thật kỹ trước khi làm. Nếu có làm chỉ nên làm thí điểm ở một vài Hợp tác xã thôi và cũng cần hết sức kín đáo.
Những lời ông Côn vừa nói chẳng khác gì một gáo nước lạnh dội vào những suy nghĩ đang cháy bỏng trong đầu ông Kim. Ông ngồi trầm tư và điềm tĩnh dần trở lại. Có lẽ tay Côn nói đúng. Cơ chế hiện tại vốn được coi như khuôn vàng thước ngọc không dễ gì một lúc mà làm thay đổi được cục diện đã ăn sâu vào đầu óc của số đông những người lãnh đạo các cấp. Với ông và ông Côn, bà Thường cũng không ngoại lệ. Nếu như không chịu khó lăn lộn với thực tế, không nhìn tận vào nồi cơm độn chẳng mấy khi đầy của người nông dân, không nhận ra lí do làm ăn lười biếng, gian dối đường bừa đường bỏ của xã viên, không nhận thấy sự thiếu công bằng giữa lao động và hưởng thụ, thì khó mà có một cuộc cách mạng trong ý thức.
- Anh đang nghĩ gì mà ngồi thừ ra thế? – Câu hỏi của ông Côn cắt đứt nguồn suy nghĩ của ông Kim.
- Tớ đang nghĩ đến những lời ông vừa nói - Ông Kim trả lời – Tớ nghĩ chán ra rồi ông ạ. Không làm thay đổi được nhiều thì cũng phải làm một cái gì đó để cải thiện tình hình của các Hợp tác xã trước khi bước vào vụ chiêm. Có thể ông nghiên cứu thay đổi một vài phương thức khoán phù hợp với tình hình chung rồi viết thông tri gửi cho các Hợp tác xã thực hiện ngay trong vụ chiêm này. Riêng khoán thẳng cho hộ tớ đồng ý với ông là làm thí điểm một số Hợp tác xã để rút kinh nghiệm. Trước mắt cứ cho làm với thằng Hồng Vân, Cao Sơn, An Lưu và cả thằng Gia Đạo. Ông thấy thế có được không?
Ông Côn suy tính giây lát rồi nói:
- Tôi sẽ làm theo yêu cầu của anh. Riêng giao cho thằng Gia Đạo khoán hộ tôi còn phân vân đôi chút. Tuy nó có thay đổi Ban quản trị mới thật. Nhưng nó vừa mới được củng cố, làm sao mà ôm nổi một kiểu khoán có nhiều gai góc như thế.
- Sở dĩ tớ muốn giao việc này cho thằng Gia Đạo vì Ban quản trị mới giống như một tờ giấy trắng. Nó chưa bị dây bẩn bởi lối làm ăn quan liêu, bao cấp. Hơn nữa theo như danh sách dự kiến những người được đưa vào Ban quản trị như cô Chi báo cáo lên thì tớ thấy đây là những người lâu nay trăn trở với cách thức làm ăn của Hợp tác nhưng lực bất tòng tâm. Vậy bây giờ chúng ta chắp cho nó đôi cánh để nó bay. Ông thấy thế nào? Không phải chỉ cho Gia Đạo thực hành khoán hộ, mà những cái gì các Hợp tác xã khác đã làm thấy hay cũng giao cho nó áp dụng tất.
Ông Côn cười nói với ông Kim:
- Anh ơi nó vừa ốm dậy. Có cho nó uống thuốc bổ thì cũng cho nó uống từ từ xem nó hợp với loại thuốc nào chứ tống một lúc vào mồm nó không biết bao nhiêu thứ thuốc không những nó không khoẻ lên mà có khi còn chết bất đắc kỳ tử nữa đấy anh ạ.
Ông Kim cũng cười đáp:
- Cho nó uống mà để nó chết là thầy thuốc tồi, là lang băm. Thôi được rồi, tôi nghe lời khuyên của ông chỉ cho thằng Gia Đạo thực hiện hai việc. Hóa giá công cụ sản xuất, bao gồm cả hóa giá trâu bò. Thứ hai là khoán thẳng các khâu sản xuất xuống tận hộ xã viên. Dứt khoát như thế nhé.
Ông Côn kêu lên:
- Tôi có khuyên anh cho Gia Đạo hóa giá trâu bò và khoán các khâu sản xuất tận hộ xã viên khi nào?
Ông Kim cười rất to:
- Tớ nhìn ông tớ biết là ông nghĩ như vậy nên tớ muốn giao cho ông. Không được bàn bạc gì nữa nhé. Cậu mà bàn bạc là tớ mất hứng ngay đấy.
Ông Côn lắc đầu:
- Tôi chưa gặp ai như anh.
- Thế à. Có khi cái tính của tớ như vậy cho nên bố mẹ mới đặt cho cái tên Kim. Kim thì bao giờ cũng phải nhọn, sắc. Dùng khâu vá cũng được, chích lể vào huyệt để chữa bệnh cho thiên hạ cũng xong mà khêu dằm, khêu gai, khêu ốc gì cũng được tất.
- Nhưng cầm không khéo có khi lại tự chích cả vào tay mình.
- Nhỡ ra cũng chả sao. Dứt khoát chuyện vừa rồi nhé. Tớ nhắc lại kẻo sợ cậu vờ quên. Sau khi có Ban quản trị mới sẽ cho thằng Gia Đạo làm hai việc. Hóa giá công cụ sản xuất bao gồm cả sức kéo và khoán đến hộ. Chưa có tên gọi cho thật chính xác, cứ gọi tạm là khoán đến hộ cái đã rồi để xem hình dáng nó thế nào sẽ đặt tên cho nó sau.
- Khoán lao động đến hộ xã viên thì gọi nó là khoán hộ cũng được chứ cần tìm tên tìm tuổi làm gì.
- Ừ thì khoán hộ, nghe cũng được đấy. Thôi thế này nhé. Dứt khoát là ông phải xuống Gia Đạo để dự Đại hội bầu lại Ban quản trị. Nhân thể ông bàn với cô Chi về việc vừa trao đổi giữa ông và tớ. Nói với cô Chi là tớ muốn huyện ủy tập trung chỉ đạo Ban quản trị mới của Gia Đạo làm cho được hai việc nêu trên trong vụ Đông Xuân này.
Ông Côn nói đùa:
- Tôi chưa hề bàn với anh hai việc này bao giờ đâu đấy nhé. Nếu sau này xảy ra chuyện gì anh đừng có buộc tôi vào với anh.
- Tớ chịu tất. Nhưng tớ tin cậu không phải là kẻ bỏ của chạy lấy người đâu. Cậu thấy tớ nói có đúng không?
Ông Côn không đáp nhưng thâm tâm ông lại nghĩ làm sao mà đang tâm bỏ một người như ông Kim để tìm kế thoát thân khi ông ấy gặp hoạn nạn được.
2
Bước vào phòng ông Kim, ông Ẩn cười hỏi:
- Tôi nghe anh em trong cơ quan tỉnh ủy bảo anh quên cả nghỉ ngơi rồi có phải không?
- Anh em thấy lúc nào tôi cũng có vẻ tất bật nên nói vậy chứ làm việc mà không nghỉ ngơi sống sao được. Anh ngồi đấy, tôi đi súc ấm pha ấm chè mới mời anh.
- Tôi không nghiện chè. Cứ để nước cũ uống cũng được.
- Ai lại thế. Khách đến nhà không gà thì vịt, uống nước dạo sao được. Chè hâm lại, gái ngủ trưa, anh không nghe các cụ nói thế hay sao.
Ông Ẩn bảo:
- Hình như cái vế đầu là câu gì đó chứ có phải chè hâm lại đâu.
- Nhớ mang máng rồi nói đại ra vậy chứ có biết trúng trật gì đâu.
Ông Ẩn nhìn ông Kim cầm ấm chè đi đổ bã nói với theo:
- Tôi về Phước Vĩnh công tác bao nhiêu lâu rồi mà anh vẫn coi tôi là khách à?
- Không phải cán bộ của tỉnh thì là khách chứ sao nữa.
Ông Kim cho chè vào ấm, rót nước ra mời ông Ẩn.
- Tôi cũng không nghiện chè. Có thì uống, không có thì thôi. Số anh may đấy. Tôi vừa được văn phòng đưa cho hai gói chè Ba Đình ngày hôm qua. Anh về Hà Nội họp có gì hay không?
Ông Ẩn đưa tay cầm chén nước chè ông Kim đưa mời đáp:
- Ban bí thư triệu tập một số cán bộ về để nghe nhận định tình hình chung của cả nước và một vài khuynh hướng phát triển không bình thường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cũng có những điểm hay mà cũng có những vấn đề đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Phấn khởi nhất có lẽ là tình hình phát triển của cách mạng miền Nam. Mặc dù Mỹ đã đưa vào miền Nam gần một chục sư đoàn với trang bị hiện đại nhất, nhưng không ngăn được bước tiến như vũ bão của quân và dân miền Nam. Ở miền Bắc mặc dù Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra hầu như khắp các tỉnh thành, nhưng nông dân vẫn bám lấy đồng ruộng, công nhân vẫn bám lấy nhà máy để sản xuất, vừa nuôi sống mình, vừa chi viện cho tiền tuyến.
Ông Kim hỏi:
- Trung ương có đánh giá về tình hình hợp tác hóa nông nghiệp của miền Bắc hay không?
- Có.
Ông Kim:
- Trung ương nhận định thế nào?
Ông Ẩn đưa chén nước lên uống, sau đó nhìn ông Kim như muốn dò xét.
Ông Kim cười nhẹ:
- Tôi hỏi anh vậy thôi chứ tôi biết thế nào Trung ương cũng nhận định phong trào Hợp tác hóa của miền Bắc đang phát triển tốt đẹp. Nông dân hăng hái sản xuất để chi viện cho tiền tuyến. Đời sống mọi mặt của người nông dân đang dần dần được cải thiện. Phong trào thi đua đạt năm tấn thóc trên một héc-ta đang phát triển rầm rộ… vân vân và vân vân. Anh bảo tôi nói có đúng không?
Ông Ẩn cười hỏi:
- Nếu đúng như vậy thì anh bảo sao?
Ông Kim không chần chừ đáp với giọng vừa đùa vừa chen lẫn châm biếm:
- Nếu đúng như vậy thì tỉnh Phước Vĩnh không phải nằm ở miền Bắc nữa rồi. Tôi cũng chưa biết tỉnh tôi nằm vào vị trí nào đây. Lào, Campuchia và Trung Quốc chắc là không phải rồi. Theo anh, tỉnh Phước Vĩnh của tôi đang nằm ở đâu?
Ông Ẩn nhận ra sự châm biếm của ông Kim nên cười bảo:
- Anh cũng có đầu óc hài hước đấy nhỉ?
- Anh bảo tôi nói không đúng hay sao. Nhận định của trên là nông nghiệp miền Bắc đang phát triển. Đời sống mọi mặt của người nông dân đang được cải thiện. Phong trào thi đua năm tấn đang phát triển rầm rộ trên toàn miền Bắc. Bảo trên toàn miền Bắc mà tỉnh Phước Vĩnh lại không có như những điều nhận định trên, có phải tỉnh tôi không nằm trong miền Bắc không nào.
Ông Ẩn cũng nửa đùa nửa thật nói:
- Anh nói có khi đúng thế thật. Tôi có cảm giác hiện nay anh đang lập một vương quốc riêng cho tỉnh mình.
Ông Kim cười to:
- Nếu Trung ương cũng nhận định như anh thì chết thằng Kim này rồi.
- Những việc anh làm ở Phước Vĩnh đã đến tai Ban Bí thư Trung ương. Anh Trung Chính hỏi tôi có nắm được tình hình phát triển lệch lạc ở Phước Vĩnh không. Tôi trả lời là nắm được. Nhưng đấy chỉ là phong trào tự phát của một vài Hợp tác xã chứ không phải chủ trương của tỉnh ủy.
- Cám ơn anh đã bênh vực cho tôi.
Ông Ẩn nhắc:
- Anh nên thận trọng trong từng việc làm của mình. Tôi hiểu tâm huyết của anh với đời sống hiện nay của người nông dân. Anh đang cố tìm cách thay đổi cuộc sống của họ. Nhưng tôi khuyên anh không nên vội vã tìm cách thay đổi bằng bất kỳ giá nào. Việc anh cho một số Hợp tác xã bán lại công cụ sản xuất cho xã viên là một việc làm thiếu thận trọng.
Ông Kim thở dài:
- Biết nói với anh thế nào khi tôi đồng ý để cho mấy Hợp tác xã hóa giá công cụ lao động bán lại cho xã viên nhỉ. Bao nhiêu năm nay kho chứa nông cụ sản xuất của Hợp tác không khác gì một cái nhà thổ. Còn các nông cụ thì chẳng khác gì các cô gái giang hồ, xài chung cho mọi người. Xài đến phấn rữa hoa tàn thì vứt không hề thương tiếc. Nông dân gọi tình trạng ấy là cha chung không ai khóc. Anh tính. Một cái xe cải tiến mua mất 130 đồng, bằng mấy tạ thóc. Mà xe của xí nghiệp cơ khí của tỉnh đóng hẳn hoi chứ không phải xe của các Hợp tác xã cơ khí nhỏ. Sắt thép tốt, gỗ thùng tốt. Nếu đưa vào tay xã viên, họ có thể dùng đến mười lăm, hai mươi năm chưa chắc đã hỏng. Nhưng khi đã thành của chung rồi thì không có cái xe nào tồn tại được ba năm. Chỉ cần mấy vụ lúa là đã tã như đĩ không váy. Bán lại công cụ sản xuất cho xã viên! Nghe thì to tát đấy nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến Hợp tác xã cả. Hợp tác xã không những vẫn tồn tại như nó đã có, mà còn tốt hơn lên chứ không vì bán mấy cái cày, cái bừa khiến cho Hợp tác xã tan rã đâu.
Ông Ẩn không hề tranh cãi mà nói như tâm sự:
- Suốt thời gian nhận nhiệm vụ làm phái viên nghiên cứu, khảo sát tình hình Hợp tác xã nông nghiệp của hai tỉnh Phước Vĩnh và Phú Thịnh để giúp cho Ban Nông nghiệp và Ban bí thư chỉ đạo, tôi cũng nhận ra các Hợp tác xã nông nghiệp đang có những vấn đề có khi cần phải điều chỉnh lại cho thích hợp với tình hình thực tế. Trước đây đã vài lần tôi và anh tranh luận gay gắt về quan điểm nhìn nhận bước đi của Hợp tác xã nông nghiệp. Đôi khi ngồi nghĩ lại thấy mình chịu ảnh hưởng của mớ lí luận sách vở nhiều quá. Không biết sau những lần tranh luận gay gắt như vậy, anh có giận tôi không?
Ông Kim thú nhận:
- Giận thì không nhưng buồn thì có. Buồn lắm. Tôi phải cái tính nóng lạnh thất thường. Khi vui thì muốn bay lên tận trời xanh, khi buồn thì buồn đến tận xương tủy. Anh Trung Chính có khỏe không anh? Bận những việc đâu đâu nên lâu lắm tôi không về thăm anh ấy được.
- Anh Trung Chính khỏe. Anh ấy có lời hỏi thăm anh.
- Hỏi thăm cả những việc làm của tôi nữa phải không? – Ông Kim cười.
- Tôi đã báo cáo nhận xét của tôi về tình hình Hợp tác xã hai tỉnh Phước Vĩnh và Phú Thịnh với Ban bí thư. Anh Trung Chính có hỏi tôi về việc một số Hợp tác xã nông nghiệp đang tìm cách xé rào để trở về với con đường làm ăn riêng lẻ. Tôi báo cáo thực là có một số Hợp tác xã đang tìm cách thay đổi một số cách thức khoán hiện nay không còn thích hợp chứ không có chuyện nông dân đang tìm cách trở về với lối làm ăn riêng lẻ. Anh Trung Chính tỏ ra giận dữ bảo tôi: Phải tìm cách ngăn chặn những việc làm vô nguyên tắc ấy lại. Nói chung là quan điểm của anh ấy rất cứng rắn trong vấn đề này nên tôi mới qua trao đổi lại cho anh biết và khuyên anh hết sức thận trọng khi quyết định một vấn đề gì đó liên quan đến đường lối tập thể hóa.
Ông Kim lặng yên đưa mắt nhìn lên trần nhà như suy ngẫm chuyện gì đó. Lát sau ông nói chậm rãi, nói với tất cả tâm huyết của mình:
- Tôi chẳng khi nào đi ngược lại đường lối tập thể hóa đâu, anh đừng lo cho tôi. Tôi cũng như anh, một nửa đời người cống hiến, hy sinh chỉ mong đất nước ta tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Con đường Hợp tác hóa là con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội, làm sao tôi lại đi phản bội ước mơ của mình. Anh bảo tôi nói có đúng không. Nhưng đã gọi là con đường thì có đoạn cong, có đoạn thẳng. Có đoạn bằng phẳng có đoạn gồ ghề. Có khi còn phải vượt qua rừng thiêng nước độc, hổ báo đầy đường. Tôi tìm con đường đi thích hợp nhưng vẫn đi về hướng trước mặt chứ tôi có làm con đường vòng để quay trở lại đâu.
- Tôi hiểu cái khó của anh đang gặp phải. Chúng ta đang ở trong giai đoạn giữa lí luận và thực tiễn đang có một khoảng cách không nhỏ. Trong cái tưởng chừng đúng lại có cái sai và ngược lại trong cái tưởng chừng sai lại có cái đúng.
Ông Kim gật gù:
- Đúng như thế đấy. Nông dân là những người đóng góp cho cách mạng nhiều nhất. Những người đang chiến đấu ở miền Nam và chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc phần lớn là con em của nông dân. Nhưng chính nông dân là những người bị thiệt thòi nhất. Cán bộ, công nhân viên như anh và tôi hàng tháng dù ít dù nhiều vẫn có miếng thịt để ăn, có lạng đường để uống nước, có gói thuốc lá để hút. Còn người nông dân thì chẳng có gì. Con ốm chạy long tóc gáy mới mua chui, mua lủi được hộp sữa và mấy lạng đường. Lợn gà chăn nuôi được phải bán cho Nhà nước chứ không được mổ thịt. Ao nằm trong vườn nhà mình bỏ hoang thì được nhưng thả cá thì không. Bỏ lưỡi câu xuống câu con cá sin sít nếu bị bắt được cũng bị khép vào tội xâm phạm tài sản Xã hội chủ nghĩa. Tình cảnh của người nông dân như vậy mà không làm gì được cho họ thì có tội lớn với dân anh ạ. Tội lớn lắm.
Nói xong ông Kim đưa đôi mắt đăm chiêu nhìn vào khoảng không xa xăm. Ông Ẩn cầm chén nước lên uống nhưng mắt không rời ông Kim. Ông nhận thấy trong đôi mắt đăm chiêu của ông Kim đang có một ngọn lửa đang âm thầm cháy – Khó có gì dập tắt được ngọn lửa ấy – Ông Ẩn nghĩ.
3
Năm, sáu con lợn bị trói nằm ngổn ngang một đống ở góc sân Hợp tác. Cạnh đó là mấy cái bếp đang đun nước sôi trong mấy cái xoong gang xù xì đúc bằng lò thủ công. Ở giữa sân, ba cái nong lót lá chuối và đống dao thớt để sẵn chờ rã thịt.
Ngọ quần xắn móng lợn chạy đi chạy lại đốc thúc mấy người được phân công mổ lợn.
- Thằng Nhóng khéo tay, mày nhớ hãm tiết canh đấy nhé. Lợn mổ xong mày nhớ nhót mấy cái tràng và lòng xe điếu đưa cho thằng Lấu cất vào kho. Làm kín đáo thôi. Tối mấy anh em ngồi uống rượu.
Nhóng hỏi:
- Có lấy thêm gì không?
- Giao toàn quyền cho mày linh động xử lí. Để tao tính xem. Sáu đứa chúng mày. Tao, ông Doanh, ông Lịch, thằng Lấu, vị chi mười mạng cả thảy. Mày tính thế nào đó thì tính.
- Mười người. Được rồi để em liệu – Nhóng nói hăng hái.
Ngọ đi lại chỗ Lấu đang ngồi hút thuốc lào:
- Mày có thấy ông Lịch và ông Doanh đâu không thấy ở đây?
Lấu xì bã thuốc ra, rít hơi khói còn lại xong rồi mới trả lời:
- Chắc hai ông ấy tránh mặt.
- Việc chó gì phải tránh. Lợn làm chia cho cả Hợp tác chứ có ăn vụng đâu mà phải tránh. Mày đã thông báo cho các tổ hết chưa?
- Thông báo rồi. Tổ nào nhận về tổ ấy để chia chứ không chia tại sân hợp tác.
Nhóng đi đến bảo Ngọ:
- Hai nồi nước đều sôi cả rồi. Ra tay chứ anh?
- Nước sôi thì ra tay thôi chứ còn chờ gì nữa.
Nhóng gọi to:
- Bắt đầu ra tay đi anh em.
Mấy người được phân công mổ lợn xách từng con đến đặt cạnh mấy nồi nước sôi để bắt đầu chọc tiết. Tiếng lợn kêu vang dội vọng vào tận trong xóm.
Ngô đang đứng nói chuyện với Dậu nghe tiếng lợn kêu hỏi:
- Ai làm thịt lợn hay sao mà có tiếng lợn kêu thế nhỉ?
Dậu lắng tai nghe ngóng rồi bảo:
- Hình như tiếng lợn kêu ở ngoài sân Hợp tác hay sao ấy. Có khi hôm nay Hợp tác ta cân lợn nghĩa vụ.
- Cân lợn nghĩa vụ thì phải có thông báo cho xã viên chứ. Đi ra đấy xem sao.
Ngô và Dậu đi ra sân Hợp tác. Bốn con lợn đã cắt tiết xong được đặt nằm thẳng một hàng giữa đất. Hai con đang cạo lông. Nhìn thấy đám lợn con còn sống, con đã chết, Dậu ngạc nhiên kêu lên:
- Có việc gì mà mổ lợn nhiều thế này nhỉ. Đang có dịch à?
- Tay Ngọ đang ngồi hút thuốc lào kia kìa. Đến hỏi hắn xem sao – Ngô bảo Dậu.
Hai người đi đến chỗ Ngọ. Chưa để Ngọ kịp chào, Ngô hỏi luôn:
- Ông Ngọ đấy à. Lợn đâu mà mổ thịt nhiều thế?
Ngọ giương mắt lên nhìn Ngô:
- Hai ông chưa được thông báo gì à?
Ngô hỏi:
- Thông báo gì?
- Thông báo Hợp tác mổ lợn chia cho bà con ăn liên hoan mừng bầu cử Ban quản trị sắp tới chứ thông báo gì nữa.
Ngô tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Đây là chủ trương của ai?
- Của Ban quản trị chứ của ai nữa.
- Các ông đã xin ý kiến của bà con chưa?
- Ô hay. Vì sao lại phải xin ý kiến của bà con?
- Vì đây là tài sản của tập thể. Muốn sử dụng phải được sự đồng ý của bà con xã viên.
Ngọ nói vẻ ngang ngạnh:
- Việc gì cũng hỏi ý kiến của xã viên thì sinh ra cái Ban quản trị Hợp tác để làm gì?
Ngô không muốn cãi chày cãi cối với Ngọ nên hỏi:
- Ông Lịch và ông Doanh có ở trong nhà làm việc không?
Ngọ đáp:
- Hình như hai ông ấy lên xã để báo cáo chương trình tổ chức bầu Ban quản trị rồi thì phải.
Ngô bực quá nên đe Ngọ:
- Tôi nói để các ông biết nhé. Các ông sẽ bồi thường số lợn mổ thịt này cho Hợp tác xã đấy.
Ngọ cười nhăn nhở:
- Ông không phải lo. Tất cả các hộ xã viên đều được chia thịt. Nếu ông muốn đền thì đi đến từng nhà mà thu lại. Việc chia thịt lợn ăn liên hoan đã được thông báo cho các tổ rồi. Có lẽ hai ông chưa nghe vợ con các ông nói gì nên mới ngạc nhiên như vậy thôi.
Đang lúc Ngọ và Ngô đang đấu khẩu thì Lịch từ trong làng đi ra. Ngọ nhìn thấy bảo Ngô:
- Ông Lịch ra rồi kia kìa. Hai ông thắc mắc thì gặp ông ấy mà nói.
Lịch đi tới thấy Ngô và Ngọ đang to tiếng hỏi:
- Có chuyện gì vậy ông Ngọ?
- Ông Ngô đang hạch sách mổ lợn sao không xin phép.
Lịch cười khẩy:
- Xin phép ai?
Ngô đáp:
- Tài sản của xã viên thì xin phép xã viên chứ xin phép ai.
Lịch nói tỉnh bơ:
- Ông nghĩ tôi sắp mãn hạn rồi nên chẳng còn quyền hành gì nữa à?
- Ông có trách nhiệm cho đến khi bàn giao cho Ban quản trị mới được bầu.
Lịch vẫn không thay đổi nét mặt:
- Vậy thì tôi vẫn có quyền quyết định mổ lợn để chia cho bà con xã viên ăn liên hoan mừng chuẩn bị bầu Ban quản trị mới.
Dậu từ nãy đến giờ đứng nghe bây giờ mới lên tiếng:
- Anh Lịch nghĩ như vậy là sai rồi. Bà con bầu anh lên để anh điều hành sản xuất. Công việc của anh là cùng tập thể Ban quản trị làm kế hoạch sản xuất, phân công lao động và tính toán chia sản phẩm cho xã viên. Còn mọi việc liên quan đến tài chính, tài sản lớn, khi cần sử dụng phải được thông qua xã viên. Xã viên có đồng ý mới được làm. Anh dùng quyền hạn của Chủ nhiệm quyết định cho mổ một lúc sáu con lợn là sai rồi. Anh thử tính xem trại lợn của Hợp tác được bao con mà anh mổ từng này con lợn.
- Tôi làm việc này không phải để cho gia đình hay bà con họ hàng nhà tôi hưởng. Các anh xem từ cái dạo mổ con trâu chết của nhà ông Bảo đến nay, bà con có miếng thịt nào cho vào mồm chưa? Không phải vô cớ mà tôi cho mổ lợn. Nhân dịp chuẩn bị bầu Ban quản trị, tôi muốn bà con có miếng thịt để ăn nên mới bàn với các đồng chí trong Ban quản trị bắt mấy con lợn mổ chia cho bà con. Tập thể Ban quản trị nhất trí tôi mới cho mổ chứ đâu phải một mình tôi quyết định. Chúng tôi cũng chỉ làm cái việc tát nước theo mưa thôi.
Ngô vẫn chưa hết bực:
- Tôi nghĩ việc này không đơn giản như vậy đâu.
- Ông nghĩ không đơn giản nhưng tôi thì nghĩ quá đơn giản. Tài sản của xã viên thì vào mồm xã viên chứ chẳng đi đâu mà thiệt.
Trong lúc Ngô và Lịch lời lẽ qua lại với nhau thì bà Sáng và cô Đoan mang quang gánh đi tới. Bà Sáng cất tiếng chào:
- Chào mấy ông. Lợn đã mổ xong chưa cho tôi lấy phần của tổ tôi đây.
Ngọ nói với bà Sáng:
- Bà chờ đấy một lát. Sắp xong cả rồi.
Cô Đoan hỏi:
- Chú Ngô, chú Dậu cũng đứng chờ lấy thịt về cho tổ mình đấy à?
Lịch kích:
- Hai ông ấy đang phê bình chúng tôi mổ lợn chia cho xã viên ăn liên hoan đấy.
Bà Sáng hỏi:
- Đưa lại miếng ăn xã viên sao lại đi phê bình?
Ngô đáp:
- Lợn là tài sản của tập thể cho nên muốn mổ phải được sự nhất trí của xã viên bà ạ.
Bà Sáng nói một câu thẳng đuỗn:
- Chúng tôi có nhất trí mới đến lấy thịt về chia cho tổ mình chứ không nhất trí làm sao mà đến để lấy thịt.
Dậu thấy khó chịu nhưng vẫn nói mềm mỏng:
- Bà ơi. Muốn biết nhất trí hay không, phải họp toàn thể xã viên để hỏi ý kiến chứ chỉ thông báo cho nhân dân đến lấy thịt về chia cho tổ thì biết thế nào được mọi người có nhất trí hay không?
Bà Sáng:
- Phiên phiến thôi chú ạ. Có thịt lợn để ăn là chúng tôi đồng ý tất.
Lịch tỏ vẻ đắc ý nói với Ngô:
- Ông đã thấy chưa? Chúng tôi làm hoàn toàn đúng với nguyện vọng của bà con. Có họp xin ý kiến của bà con, bà con cũng nhất trí một trăm phần trăm cho ông xem.
- Chuyện này chưa xong đâu. Chi bộ sẽ có ý kiến với các ông sau - Ngô biết có nói nữa cũng chẳng đi đến đâu nên nói xong bỏ đi.
Lịch nói với theo có ý trêu tức Ngô:
- Mấy hôm nữa chúng tôi đã mãn nhiệm rồi ông ạ.
Ngô ngoái đầu lại:
- Các ông mãn nhiệm Ban quản trị chứ chưa mãn nhiệm vai trò đảng viên đâu.
Ngọ cười hô hố hỏi theo:
- Chiều nay hai ông có định lấy thịt của tổ chia cho không để chúng tôi biết, chúng tôi trừ tiêu chuẩn của hai ông ra để chia cho người khác?
Ngô và Dậu làm như không nghe thấy câu nói của Ngọ.
4
Hợp tác xã Gia Đạo đã có Ban quản trị mới do Dậu làm chủ nhiệm. Tế làm phó chủ nhiệm phụ trách điều hành kế hoạch sản xuất, Bích phó chủ nhiệm phụ trách kế toán tài chính. Ông Cẩm và bà Bắc phó chủ nhiệm kiêm đội trưởng sản xuất. Nhân viên trong ban quản trị chỉ thay thủ quỹ còn lại vẫn giữ nguyên. Buổi chiều sau khi bầu cử, Luận đề nghị mở cuộc họp liên tịch giữa đảng ủy, bí thư chi bộ và ban quản trị mới được bầu. Ông Côn và Chi được mời tham gia. Mở đầu cuộc họp, ông Côn nói:
- Không biết vô tình hay cố ý, Ban quản trị mới được bầu khéo quá. Có nam, có nữ. Có đứng tuổi và có cả thanh niên. Thế này mà không làm cho Hợp tác xã Gia Đạo chuyển biến được nữa thì thôi.
Ngô nói:
- Rất mừng là những người chi bộ có dự kiến đưa vào Ban quản trị đều được bầu với phiếu cao.
Chi hỏi Bích:
- Thế nào cô bí thư chi đoàn, cảm giác thế nào khi được bầu vào Ban quản trị?
Bích trả lời:
- Cháu lo lắm cô ạ. Không biết cháu có làm được không.
Chi động viên:
- Rồi quen dần thôi. Ngày cô được bầu làm bí thư huyện ủy cô cũng rất lo, không biết mình có làm nổi hay không. Những ngày đầu tiên không đêm nào ngủ được yên giấc. Nhưng rồi dần dần đâu vào đó cả. Điều quan trọng nhất là mình dồn toàn tâm toàn ý cho công việc. Điều gì chưa biết thì hỏi dân. Đó là cả một kho tàng kinh nghiệm và tri thức. Biết dựa vào dân thì chẳng có việc gì mình không làm được cả.
Ông Côn tham gia:
- Tôi nghĩ công việc quan trọng nhất hiện nay của Ban quản trị mới là phải cùng nhau mạnh dạn tìm tòi để đổi mới cách làm ăn của Hợp tác xã, tránh đi theo con đường mòn của Ban quản trị cũ trước đây.
Noãn nói:
- Theo tôi mạnh dạn là tốt nhưng cũng phải hết sức thận trọng. Trước khi quyết định làm một việc gì phải đắn đo suy nghĩ xem việc ấy có vi phạm đến chủ trương đường lối tập thể hóa của Đảng hay không. Trượt chân còn gượng được chứ đi trượt đường lối thì chỉ có con đường lao xuống vực.
Dậu biết Noãn có ý răn đe mình nên nói luôn:
- Chẳng có ai dại gì đi ngược lại đường lối tập thể hóa của Đảng cả. Nhưng theo tôi, bảo vệ đường lối của Đảng cũng có năm bảy đường. Con đường đúng đắn nhất là làm cho Hợp tác xã vững mạnh, cuộc sống người dân được ấm no. Có vậy mới thể hiện được tính ưu việt của đường lối tập thể hóa. Mà muốn thế thì phải biết cách tổ chức làm ăn. Nhất định tập thể Ban quản trị chúng tôi sẽ tìm được lối ra cho Hợp tác xã.
Ông Cẩm tiếp lời Dậu bằng lối nói chân chất của nông dân:
- Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc đầy đủ với lãnh đạo từ tỉnh xuống đến huyện đến xã nên tôi cũng muốn thổ lộ đôi điều từ tâm can của tôi tới lãnh đạo. Tôi và bà Bắc không được học hành đến nơi đến chốn như chú Dậu, chú Tế và cháu Bích. Nhưng tâm huyết của chúng tôi thì không thiếu. Chú Dậu nói phải đấy. Đôi khi thấy cảnh làm ăn lụn bại của Hợp tác xã thấy đau lòng lắm. Ruộng đất của mình mà ngỡ như ruộng đất của nhà ai. Vác cày vác bừa ra đồng dửng dưng, lấy lệ chứ chẳng buồn làm. Có đời thủa nào sống trên đất trên ruộng của mình mà chịu đói bao giờ. Đường lối thì rõ ràng nhưng cách làm ăn thì chẳng rõ ràng, không biết tôi nói vậy có đúng không…
Noãn nghĩ ông Cẩm dựa vào cái thế của ông Côn và Chi đang ngồi trước mặt mình nên mới dám nói những câu ngang ngược như vậy nên bắt bẻ:
- Thế nào là làm ăn không rõ ràng? Trước khi tình nguyện vào Hợp tác xã ông cũng đã được học tập thấm nhuần chủ trương đường lối, điều lệ nội quy của Hợp tác xã. Ông thấy xưa nay làm sai ở chỗ nào mà ông bảo không rõ ràng?
Chi thấy khó chịu với kiểu nói dạy đời của Noãn nên cắt ngang:
- Đồng chí Noãn để bác Cẩm nói hết đã. Bác nói tiếp đi.
Ông Cẩm nói tiếp:
- Đúng là chiếu theo những điều quy định thì chẳng làm sai chỗ nào cả. Sáng chiều hai buổi đánh kẻng đi làm. Tối họp bình bầu công điểm. Bảo đi cày thì đi cày, bảo đi cấy thì đi cấy. Còn cày cấy như thế nào thì lãnh đạo Hợp tác bận ngồi uống rượu với nhau, chẳng thèm để mắt tới. Cuối vụ cầm thúng đến nhận mấy chục cân thóc đem về. Đói no gì cũng trông vào đó. Nói thực ra là nấu cháo không đủ chứ đừng tính đến chuyện ăn cơm. Mà ruộng đất vùng ta là thuộc vào hàng nhất đẳng điền chứ có phải đất chó ăn đá, gà ăn sỏi đâu. Nếu không nhờ lăn lưng ra với mấy thước ruộng phần trăm thì chỉ có việc vác bị đi ăn xin. Tôi nói vậy có đúng không ông chủ tịch? Đúng là Hợp tác xã chưa làm gì sai với đường lối chủ trương của Đảng cả. Cái gì cũng làm đúng quy định. Chỉ có cái đói, cái nghèo là làm sai quy định của Đảng thôi.
Ông Côn tỏ ra tâm đắc với câu nói của ông Cẩm:
- Bác nói một câu rất hay. Để làng xóm tiêu điều, người dân đói kém mới là đi ngược lại đường lối của Đảng. Hôm nay tôi và các đồng chí lãnh đạo của huyện, của xã được nghe những lời tâm huyết của những người vừa được bầu vào Ban quản trị. Chỉ chưa nghe được ý kiến của cháu Bích thôi.
Bích vẫn tỏ ra rụt rè:
- Chú Dậu, bác Bắc, anh Tế và bác Cẩm đã nói hộ cho cháu rồi. Cháu hứa sẽ cố gắng cùng các chú, các bác trong Ban quản trị tìm mọi cách làm cho Hợp tác xã Gia Đạo có một bộ mặt mới.
Ông Côn thấy phấn chấn trước không khí của Ban quản trị mới. Ông nói luôn ý định của ông Kim dặn ông trước khi xuống Gia Đạo:
- Khi biết tôi xuống dự Đại hội bầu Ban quản trị, đồng chí bí thư nói với tôi đại ý. Ban quản trị mới giống như một tờ giấy trắng, chưa bị hoen ố bởi lối làm ăn máy móc, cứng nhắc của cái cơ chế lỗi thời. Vì thế phải bắt tay vào việc tìm tòi phương thức sản xuất năng động, linh hoạt ngay từ đầu. Đồng chí bí thư gợi ý cụ thể là sàng lọc những điều làm ăn có kết quả của một số Hợp tác xã trong tỉnh, trong huyện. Nếu thấy áp dụng được thì áp dụng ngay với Gia Đạo. Bên cạnh đó là mạnh dạn là thí điểm một vài phương pháp khoán mới. Cụ thể ngoài việc khoán tổ, khoán nhóm, khoán việc như đã làm, thử bàn xem có khoán được đến hộ xã viên hay không. Đây là một gợi ý hết sức quan trọng. Nếu khoán được đến hộ xã viên sẽ là một bước đột phá có thể làm chuyển biến được tình hình sản xuất của các Hợp tác xã. Tôi cũng hết sức tâm đắc gợi ý này của đồng chí bí thư tỉnh ủy.
Noãn phản bác ý kiến của ông Côn một cách khôn khéo:
- Tôi không dám phản đối gợi ý của đồng chí bí thư tỉnh ủy. Nhưng tôi đề nghị lãnh đạo của Hợp tác xã Gia Đạo cũng nên thận trọng cân nhắc cho thật kỹ càng. Đây là việc vô cùng hệ trọng vì nó liên quan đến đường lối tập thể hóa của Đảng. Khoán cho hộ xã viên liệu có tạo điều kiện cho ý thức làm ăn riêng lẻ quay trở lại trong đầu óc của họ hay không?
Luận bẻ lại Noãn:
- Tôi không đồng ý với ý kiến của đồng chí Noãn. Tôi thấy nếu như chúng ta thực hiện khoán đến hộ xã viên là chúng ta đã cởi trói cho xã viên. Quyền làm chủ trong sản xuất thực sự trở về với người nông dân. Còn có tạo điều kiện cho đầu óc họ trở về với làm ăn cá thể hay không là lệ thuộc hoàn toàn vào việc điều hành của Ban lãnh đạo Hợp tác xã. Nếu như chúng ta biết làm cho quyền lợi của người nông dân gắn bó với quyền lợi của Hợp tác xã và ngược lại quyền lợi của Hợp tác xã gắn bó với người nông dân thì chẳng ai dại gì tách mình ra khỏi cái tập thể đã đưa lại quyền lợi cho mình.
Dậu nói:
- Tôi thấy hôm nay hết sức may mắn là được ngồi với các vị lãnh đạo từ xã tới tỉnh để bàn tính việc hoạt động của Ban quản trị chúng tôi trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Tôi nghĩ đây là dịp may hiếm có không biết có lần thứ hai nữa không. Vừa rồi đồng chí thường vụ tỉnh ủy có nói đến chuyện khoán đến hộ xã viên. Đây là việc tôi từng nghĩ tới và có lần đã đề nghị anh Lịch giải tán trại lợn của Hợp tác xã đưa về khoán cho hộ xã viên nuôi. Nhưng anh Lịch không nghe. Anh ấy bảo tôi điên nên mới nghĩ ra cách làm ấy.
Ông Côn tỏ ra rất quan tâm điều Dậu vừa nói.
- Chuyện hay đấy nhỉ. Ông kể đầu đuôi cho mọi người nghe xem.
Sau khi nghe Dậu kể xong ý đồ khoán lợn cho hộ xã viên, ông Côn hỏi luôn:
- Bây giờ ông đã nằm trong Ban quản trị rồi, liệu ông có dám làm như lời đề nghị của ông trước đây không?
Dậu tỏ ra thận trọng:
- Việc ấy phải bàn kỹ trong Ban quản trị đã bác ạ. Biết đâu có cách làm hay hơn thì sao.
Tuy không ai trong Ban quản trị mới hứa một điều gì cụ thể nhưng nhìn qua khuôn mặt chân thành của họ, ông Côn tin Gia Đạo sẽ có những chuyển biến bất ngờ.