Nguyên tác: Catch 22
Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2023-06-18 15:51:45 +0700
Cha Tuyên Úy
Đ
ã một thời gian khá dài, cha tuyên úy vẫn tự hỏi về ý nghĩa của tất cả mọi thứ. Có Chúa không? Làm sao gã có thể tin chắc được? Trong những điều kiện tốt nhất thì làm một giáo sĩ dòng Anabaptist trong quân đội Mỹ đã chẳng dễ dàng gì; nhưng không có tín lý, đó còn là một việc gần như không thể chấp nhận nổi.
Những người nói to làm cho gã sợ. Những người can đảm, hung hăng thích động chân động tay như đại tá Cathcart khiến cho gã có cảm giác bất lực và cô đơn. Trong quân đội Mỹ, đi đến đâu gã cũng là người xa lạ. Cả lính trơn lẫn sĩ quan đều không cư xử với gã giống như cách họ cư xử với những binh sĩ và sĩ quan khác, thậm chí các cha tuyên úy khác cũng không thân thiện với gã như giữa họ với nhau. Trong một thế giới mà thành công là đức hạnh duy nhất, gã đã phải bất lực thu mình vào loại thất bại. Gã đau đớn nhận ra rằng gã thiếu sự tự tin cần thiết của một giáo sĩ và thiếu savoir-faire(58), thứ đã giúp cho rất nhiều đồng nghiệp của gã ở các tôn giáo khác và ở các giáo phái khác tiến thân. Đơn giản là gã không có tố chất để trở nên xuất sắc. Gã tự thấy bản thân rất xấu xí và ngày nào cũng chỉ muốn được về nhà với vợ.
Thực ra, cha tuyên úy cũng suýt thì được coi là đẹp trai, với một gương mặt dễ chịu, nhạy cảm, trắng xanh và mong manh dễ vỡ như sa thạch. Gã rất cởi mở trong mọi chủ đề.
Có lẽ chính gã là Washington Irving, và có lẽ chính gã đã ký tên Washington Irving lên những lá thư thật mà không hề hay biết. Việc thỉnh thoảng bị mất trí nhớ như vậy cũng không phải là chuyện hiếm xảy ra trong lịch sử y học, gã biết điều đó. Không thể thực sự biết chắc chắn được một điều gì cả. Gã nhớ rất rõ - hoặc là cảm thấy nhớ rất rõ - cái cảm giác rằng gã đã gặp Yossarian đâu đó trước cái lần đầu tiên gặp Yossarian nằm trên giường bệnh viện. Gã cũng nhớ đã trải nghiệm cùng một cảm giác bồn chồn lo lắng đó khoảng hai tuần sau, khi Yossarian xuất hiện ở lều của gã để xin được miễn ra trận. Trước vụ đó, dĩ nhiên rồi, cha tuyên úy cũng đã gặp Yossarian, trong phòng bệnh kỳ cục dị giáo nơi dường như bệnh nhân nào cũng có tội ngoại trừ bệnh nhân bất hạnh bị bọc kín mít từ đầu tới chân trong băng và bột thạch cao trắng, kẻ mà một hôm bị phát hiện ra là đã chết với nhiệt kế trong miệng. Nhưng ấn tượng của cha tuyên úy về lần gặp gỡ trước đó nữa, lại là một dịp khác quan trọng và huyền bí hơn thế nhiều, một cuộc chạm trán vĩ đại với Yossarian ở một kỷ nguyên xa xôi, chìm khuất và có lẽ thậm chí thuần tinh thần mà ở đó gã đã đưa ra lời thú nhận đầy tính phán quyết rằng gã không thể, hoàn toàn không thể giúp được gì cho Yossarian.
Những nghi ngờ kiểu như vậy cứ không ngừng giày vò tấm thân mỏng mảnh khốn khổ của cha tuyên úy. Liệu có hay không chỉ một đức tin đích thực, hay kiếp sau? Có bao nhiêu thiên thần có thể nhảy múa trên đầu kim, và Chúa bận làm gì trong toàn bộ khoảng thời gian vô tận trước ngày Sáng thế? Tại sao lại cần phải có dấu bùa bảo vệ lên trán Cain(59) nếu như không có ai để làm nguy hại tới gã? Liệu Adam và Eva hồi đó có sinh ra cô con gái nào không? Đó là những câu hỏi vĩ đại, phức tạp về bản thể học luôn hành hạ gã. Tuy vậy, với gã chúng cũng chưa cốt tử bằng câu hỏi về lòng tốt và hành vi tốt. Gã day dứt đến toát mồ hôi trong cái song đề nhận thức của những kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi, không thể chấp nhận lời giải cho những bài toán không thể giải mà cũng không sẵn lòng coi chúng là không thể giải để mà bỏ qua. Gã không bao giờ không đau khổ, mà cũng không bao giờ không hy vọng.
“Có khi nào,” hôm ấy, trong lều của mình, gã đã ngập ngừng hỏi Yossarian khi Yossarian ngồi đó hai tay ôm chai Coca còn ấm mà cha tuyên úy đã dùng cho y khuây khỏa, “anh ở trong tình huống mà anh cảm thấy như là từng trải qua nó rồi, mặc dù anh biết đó mới chỉ là lần trải nghiệm đầu tiên?” Yossarian gật đầu chiếu lệ, và nhịp thở của cha tuyên úy gấp dần lên vì hồi hộp trong lúc gã chuẩn bị tinh thần kết hợp sức mạnh ý chí với Yossarian trong một nỗ lực phi thường để cuối cùng có thể xé bỏ những khoảng tối khổng lồ đang che phủ lên những bí ẩn vĩnh hằng về hiện tồn. “Lúc này anh có cảm giác đó không?”
Yossarian lắc đầu và giải thích rằng déjà vu chỉ là một khoảng trễ vi tế trong quá trình vận hành của hai trung tâm thần kinh cảm giác mà thông thường luôn hoạt động đồng thời. Cha tuyên úy hầu như không để ý tới lời y. Gã đang thất vọng, nhưng không hề ngả về hướng tin Yossarian, bởi vì gã đã nhận được một dấu hiệu, một thị kiến bí mật và bí ẩn mà gã vẫn chưa đủ dũng cảm để tiết lộ ra. Những hàm ý phi thường trong sự mặc khải của cha tuyên úy là không thể nhầm lẫn: đó hoặc là một nhận thức thấu suốt có nguồn gốc siêu phàm hoặc là một ảo giác; gã hoặc là đã được thánh thần ban phước hoặc là đã mất trí. Cả hai khả năng này đều khiến gã sợ hãi và phiền muộn như nhau. Đó không phải là déjà vu, presque vu hay jamais vu. Có thể còn có những vu khác mà gã chưa từng biết và có thể một trong những vu đó lại giải thích súc tích được hiện tượng biến ảo mà gã vừa là một chứng nhân vừa là người trong cuộc; thậm chí cũng có thể tất cả những gì gã nghĩ là đã xảy ra đều thực sự chưa từng xảy ra, và gã đang gặp phải những trục trặc trong trí nhớ chứ không phải trong nhận thức, và gã chưa bao giờ thực sự nghĩ rằng gã đã nhìn thấy, cái ấn tượng hiện tại của gã rằng gã đã từng một lần nghĩ như vậy chỉ đơn giản là một ảo ảnh của một ảo ảnh, và lúc này gã chỉ đang tưởng tượng rằng gã đã từng có lúc tưởng tượng mình nhìn thấy một người đàn ông trần truồng đang ngồi trên một cái cây ở nghĩa địa.
Giờ thì cha tuyên úy đã thấy rõ rằng gã không phù hợp với công việc của mình, và gã thường suy tư xem liệu gã có không hạnh phúc hơn nếu như làm gì khác, ví dụ như một binh nhì bộ binh hay pháo binh, hoặc thậm chí làm lính dù. Gã không có bạn bè đích thực. Trước khi gặp Yossarian, không có ai trong liên đoàn gã thấy dễ chịu khi gặp, và gã cũng hiếm khi thấy dễ chịu khi gặp Yossarian, bởi những hành động thiếu suy nghĩ và những cơn bùng nổ ngoan cố của Yossarian khiến gã gần như lúc nào cũng thấy áp lực và luôn trong trạng thái bối rối mơ hồ. Cha tuyên úy cảm thấy an toàn khi ngồi trong câu lạc bộ sĩ quan cùng với Yossarian và Dunbar, và thậm chí chỉ có Nately và McWatt cũng được. Khi ngồi cùng bọn họ, gã không cần phải ngồi cùng ai nữa; vấn đề tìm chỗ ngồi của gã đã được giải quyết và gã không phải ngồi cùng với những kẻ không mong muốn vẫn luôn nhiệt liệt chào đón gã đến và rồi lại sốt ruột ngồi đợi gã đi. Gã khiến cho quá nhiều người trở nên mất tự nhiên. Ai nấy đều luôn rất thân thiện với gã nhưng chẳng ai dễ thương cho lắm; ai nấy đều chuyện trò với gã nhưng chẳng ai nói ra cái gì cả. Yossarian và Dunbar thì dễ chịu hơn nhiều, và cha tuyên úy hiếm khi không cảm thấy thoải mái khi ngồi cùng bọn họ. Họ thậm chí còn bảo vệ gã vào đêm đại tá Cathcart một lần nữa lại cố tống cổ gã khỏi câu lạc bộ sĩ quan, khi đó Yossarian đã hùng hổ đứng dậy can thiệp còn Nately thì hét toáng lên, “Yossarian!” để kiềm chế y. Đại tá Cathcart mặt trắng bệch ra khi nghe đến tên Yossarian và, trước sự kinh ngạc của mọi người, đã kinh hoàng cuống cuồng rút chạy tới mức va cả vào tướng Dreedle, ông này bực bội huých cùi chỏ xô đại tá ra rồi ra lệnh cho gã lập tức quay trở lại để ra lệnh cho cha tuyên úy tiếp tục đến câu lạc bộ sĩ quan hằng đêm.
Đối với cha tuyên úy, việc duy trì vị trí ở câu lạc bộ sĩ quan cũng khó khăn như việc nhớ được mình phải ăn bữa tiếp theo ở nhà ăn nào trong số mười nhà ăn của liên đoàn. Nếu không có niềm vui tìm được với những người bạn mới thì gã thà chịu cảnh bị đá ra ngoài câu lạc bộ sĩ quan đó còn hơn. Thực ra nếu gã không tới câu lạc bộ sĩ quan hằng tối thì cũng chẳng còn chỗ nào khác để đi. Gã có thể giết thời gian ở bàn của Yossarian và Dunbar bằng một nụ cười rụt rè kín đáo, hiếm khi nói trừ phi bị hỏi, một ly rượu vang ngọt đậm gần như không nhấp môi đặt trước mặt trong lúc gã lúng túng nghịch một tẩu thuốc lõi ngô nhỏ xíu mà gã e dè ưa thích và thỉnh thoảng lại nhồi thuốc vào đó mà hút. Gã thích nghe Nately nói, những lời than vãn ủy mị buồn vui lẫn lộn của Nately phản chiếu rất nhiều phần nỗi muộn phiền lãng mạn của chính gã và chưa từng thất bại trong việc làm trỗi dậy trong gã những cơn sóng lòng mang nỗi nhớ vợ con. Cha tuyên úy sẽ động viên Nately với những cái gật đầu đầy cảm thông hoặc đồng thuận, thích thú trước sự chất phác và non trẻ của Nately. Nately không quá hãnh diện phô trương khi cô nàng của cậu là gái điếm, và cha tuyên úy biết chuyện chủ yếu là từ đại úy Black, kẻ chưa từng ngật ngưỡng đi qua bàn họ mà không có một cái nháy mắt đầy lộ liễu với cha tuyên úy cùng vài câu chế nhạo nhạt nhẽo và xúc phạm về cô gái đó với Nately. Cha tuyên úy không bằng lòng với cái kiểu ấy của đại úy Black và cảm thấy khó cưỡng được việc phải nguyền rủa gã ta.
Không có ai, ngay cả Nately, tỏ ra thực sự thấu hiểu rằng gã, cha tuyên úy Robert Oliver Shipman, không chỉ là một cha tuyên úy mà còn là con người, rằng gã còn có một người vợ quyến rũ, nồng nàn và xinh đẹp mà gã yêu gần như đến phát điên và có ba đứa con nhỏ mắt xanh biêng biếc với những khuôn mặt kỳ lạ đang bị gã dần lãng quên, những đứa trẻ mà một ngày nào đó sẽ lớn lên rồi coi gã như một kẻ lập dị và có lẽ còn không bao giờ tha thứ cho gã vì toàn bộ nỗi xấu hổ với xã hội mà nghề nghiệp của gã gây ra cho chúng. Tại sao không có ai hiểu được rằng gã không phải là một kẻ lập dị mà là một người trưởng thành bình thường, cô đơn đang cố sống một cuộc sống trưởng thành bình thường, cô đơn? Nếu họ đâm kim vào gã, gã không rỉ máu ư? Và nếu họ cù gã, gã không cười ư? Dường như họ chưa bao giờ nghĩ rằng gã, cũng giống như họ, cũng có mắt, có tay, có các bộ phận khác trên cơ thể, có các chiều kích, có các giác quan và có tình cảm, rằng gã cũng bị thương bởi cùng những loại vũ khí làm họ bị thương, cũng cảm thấy nóng bức hay mát lạnh bởi cùng những làn gió và cùng ăn một loại thức ăn, mặc dù, gã buộc phải thế, mỗi bữa gã lại ăn ở một nhà ăn khác. Người duy nhất tỏ ra biết rằng gã cũng có cảm xúc là hạ sĩ Whitcomb, kẻ vừa làm tổn thương toàn bộ số cảm xúc ấy bằng cách vượt cấp đến gặp đại tá Cathcart với đề nghị gửi những lá thư chia buồn theo mẫu tới gia đình của những người lính bị giết hoặc bị thương ngoài mặt trận.
Vợ là thứ duy nhất trên đời mà cha tuyên úy có thể tin tưởng, và giá như gã được sống suốt đời với cô ấy và những đứa con thì hẳn như vậy đã là đủ. Vợ gã là một phụ nữ nhỏ bé, kín đáo và dễ chịu mới ngoài ba mươi, da rất sẫm màu và rất hấp dẫn, eo con kiến, đôi mắt bình thản thông minh, hàm răng nhỏ, trắng và nhọn trên khuôn mặt trẻ thơ lanh lợi và xinh xắn; còn mặt của những đứa con thì gã cứ quên hoài, và mỗi khi gã xem ảnh là lại thêm một lần như thấy mặt chúng lần đầu tiên. Cha tuyên úy yêu vợ và con với tình cảm mãnh liệt bất khả chế ngự tới mức nhiều khi gã muốn gục xuống đất trong tuyệt vọng và khóc nấc lên như một thằng tàn tật bị ruồng bỏ. Gã luôn bị hành hạ bởi những tưởng tượng chết chóc về họ, bởi những điềm báo thảm khốc, gớm ghiếc về bệnh tật và tai nạn. Các suy tưởng của gã bị ô uế bởi những nguy cơ bệnh chết người như u Ewing hay bệnh máu trắng; và gã thấy cậu con trai bé bỏng của mình chết hai hoặc ba lần mỗi tuần bởi vì gã chưa bao giờ dạy vợ cách xử trí khi bị chảy máu động mạch; và gã chứng kiến, trong lặng im đẫm nước mắt và tê liệt, cái cảnh cả nhà gã bị điện giật chết, từng người từng người một, ở chỗ ổ điện sát chân tường bởi vì gã chưa bao giờ bảo vợ rằng cơ thể con người có thể dẫn điện; cả bốn người bị chết cháy gần như mỗi đêm khi bình đun nước nóng bị nổ và thiêu rụi căn nhà gỗ hai tầng; và gã chứng kiến, rõ mồn một đến từng chi tiết rùng rợn, nhẫn tâm và ghê tởm, hình ảnh cơ thể thanh mảnh và mong manh của người vợ thân yêu xấu số bị nghiến nát vào bức tường gạch của một khu chợ thành một đám thịt bầy nhầy bởi một tay tài xế say xỉn mặt đỏ gay, đoạn lại chứng kiến cảnh cô con gái năm tuổi đang hoảng loạn bị kéo ra khỏi cảnh tượng kinh khủng đó bởi một quý ông trung niên tốt bụng với mái tóc bạc trắng, kẻ sau đó đã liên tục cưỡng hiếp và giết luôn con bé ngay khi lái xe đưa nó tới một sân chơi cát bỏ hoang, trong khi đó hai đứa em còn lại bị bỏ đói đến chết ở trong nhà sau khi bà ngoại, người trông nom chúng, chết vì đau tim khi nghe thông báo về cái chết của vợ gã qua điện thoại. Vợ cha tuyên úy là một phụ nữ ngọt ngào, dịu dàng và ý tứ, và gã thèm khát lại được chạm vào làn da ấm áp ở cánh tay mảnh mai của cô, thèm được vuốt mái tóc đen mềm của cô, thèm được nghe giọng nói thân mật và đầy an ủi của cô. Cô mạnh mẽ hơn gã rất nhiều. Tuần nào gã cũng viết cho cô những lá thư ngắn gọn, bình yên, đôi khi một tuần hai lá. Gã cả ngày muốn viết cho cô những bức thư tình cuồng nhiệt, và muốn phủ lên những trang giấy bất tận những lời tự thú tuyệt vọng, không kiềm chế về sự sùng bái và nhu cầu hèn mọn của mình, và kèm theo đó là những hướng dẫn chi tiết cách hô hấp nhân tạo. Gã muốn giội tràn lên cô những dòng thác lũ thương thân mang theo tất cả những nỗi cô đơn và tuyệt vọng không sao chịu đựng nổi đồng thời nhắc nhở cô không bao giờ được để axít boric và thuốc aspirin trong tầm với của trẻ con và không được qua đường khi có đèn đỏ. Gã không muốn làm cho cô lo lắng. Vợ cha tuyên úy là một người rất nhạy cảm, dịu dàng, giàu lòng trắc ẩn và dễ cảm thông. Vậy nên điều gần như không thể tránh khỏi là những giấc mộng được tái hợp với cô đều kết thúc bằng những hành động làm tình cụ thể.
Cha tuyên úy nhận thấy rõ rệt nhất sự lừa dối của mình khi điều khiển các buổi lễ tang, và gã chẳng hề kinh ngạc khi nhận ra rằng bóng ma trên cây ngày đó chính là để biểu thị rằng Đấng Toàn Năng đã khiển trách gã vì những báng bổ và kiêu ngạo gắn liền với cái cách gã tiến hành buổi lễ. Đội lốt nghiêm trang, vờ vịt đau khổ và giả bộ có hiểu biết siêu việt về kiếp sau trong một hoàn cảnh đầy đáng sợ và bí hiểm như cái chết dường như là tội báng bổ nặng nhất. Gã nhớ lại - hoặc gần như tin chắc là đang nhớ lại - vẹn nguyên cái cảnh ở nghĩa trang hôm đó. Gã như vẫn còn thấy thiếu tá Major và thiếu tá Danby đang ủ rũ đứng như hai cột đá vỡ hai bên mình, thấy gần như chính xác số lượng binh lính tham dự lễ tang và gần như chính xác vị trí đứng của họ, thấy bốn người với bốn cái xẻng đứng yên, cái quan tài kinh tởm và đống đất lớn, tơi, màu đỏ nâu ngạo nghễ, cùng bầu trời mênh mông, tĩnh lặng, thăm thẳm, ngột ngạt, trống rỗng và xanh kỳ quái đến mức gần như khiến ta nhiễm độc. Gã sẽ mãi nhớ, bởi vì tất cả đều là những phần không thể tách rời khỏi sự kiện lạ thường nhất từng xảy đến với gã, một sự kiện có lẽ còn phi thường, có lẽ còn bệnh hoạn - chứng kiến một người đàn ông trần truồng ở trên cây. Làm sao gã có thể giải thích được điều đó? Đó không phải là đã thấy hay chưa bao giờ thấy, và chắc chắn cũng không phải gần như thấy; cả déjà vu, jamais vu hay presque vu đều không đủ để hàm chứa nó. Đó có phải là một bóng ma? Một linh hồn người chết? Một thiên thần đến từ thiên đàng hay một tiểu quỷ từ địa ngục? Hay là toàn bộ hồi kịch kỳ quái này chỉ là điều bịa đặt đến từ một trí tưởng tượng bệnh hoạn, của chính gã, sinh ra từ một trí óc đang suy kiệt, một bộ não đang thối rữa? Cái khả năng rằng thực đã có một người đàn ông trần truồng ở trên cây - đúng ra là hai người, bởi vì ngay sau đó đã có người thứ hai với bộ ria nâu và trang phục tối màu đầy điềm gở từ đầu đến chân cúi gập mình về phía trước như đang hành lễ dọc theo một cành cây để đưa cho người đầu tiên thứ gì đó để uống trong một ly màu nâu - chưa từng sượt qua tâm trí gã.
Cha tuyên úy thực tâm rất thích giúp đỡ người khác, nhưng gã chưa từng giúp được ai, kể cả Yossarian khi gã cuối cùng đã quyết nhảy vào lửa mà bí mật tới gặp thiếu tá Major để tìm hiểu tình hình ở đó xem có đúng như Yossarian đã nói là mọi người ở liên đoàn do đại tá Cathcart chỉ huy đang bị ép phải bay chiến đấu nhiều hơn những người khác hay không. Đó là một nước cờ mạo hiểm và bồng bột mà cha tuyên úy đã quyết định đi sau khi lại cãi nhau với hạ sĩ Whitcomb và phải dùng thứ nước nhạt nhẽo ở căng tin mà cố nuốt cho trôi bữa trưa ảm đạm chỉ có một chiếc Milky Way và một chiếc Baby Ruth. Gã đi bộ tới chỗ thiếu tá Major để hạ sĩ Whitcomb không biết gã đã đi, lén lút lẩn vào rừng không một tiếng động cho đến khi hai cái lều trong khu đất trống bị bỏ lại đằng sau, rồi nhảy xuống đi dưới hào đường tàu bỏ hoang vì ở đó có thể đứng vững hơn. Gã hối hả đi dọc theo những thanh tà vẹt gỗ hóa thạch đó với cơn giận muốn phản kháng càng lúc càng sôi lên sùng sục. Suốt buổi sáng hôm đó gã đã bị hăm dọa và bị làm nhục hết lần này tới lần khác bởi đại tá Cathcart, trung tá Korn và hạ sĩ Whitcomb. Gã phải cho người ta thấy mình cũng cần được tôn trọng một chút! Bộ ngực lép kẹp của gã chả mấy chốc đã phập phồng hổn hển. Gã không vùng chạy nhưng đi nhanh hết mức có thể, sợ rằng nếu đi chậm lại thì lòng quyết tâm cũng sẽ tan đi. Chẳng bao lâu sau gã chợt thấy một dáng người mặc quân phục đang đi giữa các đường ray gỉ sét về phía gã. Ngay lập tức gã trèo lên khỏi hào đường tàu và lom khom nấp sau những bụi cây thấp rậm rạp, đoạn tăng tốc nhằm hướng ban đầu theo một lối nhỏ hẹp phủ đầy rêu ngoằn ngoèo xuyên vào trong rừng thẳm. Như vậy khó đi hơn nhiều nhưng gã cứ xông lên với lòng quyết tâm đầy khinh suất và nỗi ám ảnh không suy suyển, liên tục trượt chân và vấp ngã, bàn tay trần bị cào xước khi nắm vào những cành cây cứng đầu cứng cổ chặn đường cho đến khi những bụi rậm và đám dương xỉ cao ở hai bên lối đi mở ra khoảng thoáng và gã loạng choạng đi qua một toa xe quân đội màu xanh ô liu xỉn đặt trên những khối bê tông xỉ than mà qua đám bụi cây giờ đang thưa dần hiện ra rất rõ. Gã đi tiếp qua cái lều có một con mèo lông xám ngọc trai bóng sáng đang phơi nắng bên ngoài và đi qua một toa xe đặt trên những khối bê tông xỉ than nữa rồi xồng xộc chạy vào khu vực của phi đoàn Yossarian. Một giọt sương mặn mòi đã hình thành trên môi gã. Gã không dừng lại nghỉ mà sải bước thẳng qua khoảng sân trống vào phòng cần vụ, tại đó gã được chào đón bởi một trung sĩ vai gù dữ tợn với xương gò má nhô cao và mái tóc dài màu vàng rất nhạt nhã nhặn thông báo rằng gã có thể vào ngay lập tức, bởi vì thiếu tá Major đã ra ngoài.
Cha tuyên úy cảm ơn với một cái gật đầu cụt lủn và tiếp tục độc hành dọc lối đi giữa những bàn làm việc và máy đánh chữ tới vách ngăn bằng vải bạt cuối phòng. Gã lập bập chui qua khoảng mở hình tam giác trên tấm bạt và bước vào trong một căn phòng trống trải. Tấm che buông xuống đậy lại sau lưng gã. Gã thở dốc và mồ hôi vã ra như tắm. Căn phòng vẫn trống. Gã tưởng như đang nghe thấy những tiếng thì thầm lén lút. Mười phút trôi qua. Gã nhìn quanh bực bội nghiêm nghị, hai hàm gã cứ thế nghiến vào nhau không sao kiềm chế rồi bất chợt xụi lơ khi gã nhớ lại từng lời của tay trung sĩ: gã có thể vào ngay lập tức, bởi vì thiếu tá Major đã ra ngoài. Bọn lính đang chơi khăm gã! Cha tuyên úy kinh hãi rụt người lại khỏi tấm bạt ngăn, lệ đắng chợt trào lên mắt. Một tiếng rên thầm buột khỏi đôi môi đang run rẩy. Thiếu tá Major đã ra ngoài, còn mấy gã lính ở phòng kia đã biến gã thành nạn nhân của trò đùa ác bất nhân. Gã như có thể thấy bọn họ đợi sẵn ở phía bên kia vách ngăn vải bạt, túm tụm chờ đợi như một bầy dã thú săn mồi háu đói hả hê, chuẩn bị sẵn những tràng cười man rợ và những lời chế nhạo để hung hãn vồ lấy gã ngay khi gã quay ra. Gã tự nguyền rủa sự khờ khạo của mình và cuống cuồng cầu mong có được cái gì đó như một mặt nạ hoặc một cặp kính đen và một bộ ria giả để cải trang, hoặc có một giọng nói sâu trầm và đầy uy lực của đại tá Cathcart và một bờ vai rộng, cuồn cuộn cơ bắp để gã có thể hiên ngang bước ra ngoài mà chế ngự những kẻ khủng bố ác độc kia bằng một thứ quyền uy và tự tin áp đảo sẽ khiến cho cả bọn run sợ và khiếp nhược lỉnh đi trong ăn năn hối hận. Gã không có đủ dũng khí để đối mặt với bọn họ. Lối thoát duy nhất còn lại là nhảy qua cửa sổ. Thấy không có ai, cha tuyên úy nhảy qua cửa sổ phòng làm việc của thiếu tá Major, ngoặt nhanh qua góc lều và nhảy xuống hào đường tàu trốn.
Gã khom người lúp xúp lỉnh đi, chủ định bóp méo khuôn mặt thành một nụ cười xã giao hờ hững, phòng khi gặp phải ai đó. Gã bỏ hào đường tàu lao vào rừng ngay khi thấy có người đang đi về phía mình từ hướng ngược lại và điên cuồng chạy qua khu rừng rậm rạp như thể bị ai đuổi, má nóng bừng vì xấu hổ. Gã nghe thấy hàng tràng ầm ĩ, man dại những tiếng cười nhạo báng vang lên khắp nơi xung quanh gã và bắt gặp thấp thoáng những gương mặt đồi bại, sặc mùi bia đang nhăn nhở cười ở xa xa phía sau trong những bụi cây và trên những tán lá. Những cơn đau rát đâm xuyên qua phổi buộc gã phải đi chậm lại, tập tễnh. Gã vẫn cố dấn tới và loạng choạng bước tiếp cho đến khi không thể đi được xa hơn nữa và đột ngột sụm xuống bên một cây táo xương xẩu, đầu gã đã đập vào thân cây trong lúc gã chúi về phía trước và gã phải dùng cả hai tay bấu chặt cây mới khỏi ngã nhào. Hơi thở khò khè rền rĩ của gã ầm ĩ vang vọng ngay trong chính tai gã. Sau vài phút đằng đẵng như thể hàng giờ gã mới nhận ra mình chính là nguồn cơn của tiếng ồn náo loạn đã khiến chính mình hoảng sợ ấy. Cơn đau ở ngực nguôi dần. Chả mấy chốc gã lại thấy đủ khỏe để có thể đứng dậy. Gã vểnh tai lên nghe ngóng. Rừng vẫn yên tĩnh. Không có tiếng cười ác quỷ, không có ai đang đuổi theo gã. Nhưng gã đã quá mệt, quá buồn và bẩn thỉu nên chẳng thể thở phào nhẹ nhõm được nữa. Gã vuốt phẳng lại bộ quần áo xộc xệch bằng những ngón tay vẫn còn tê và run, rồi đi nốt quãng đường còn lại để tới khoảnh đất trống với vẻ bình tĩnh cứng cỏi. Cha tuyên úy vẫn thường xuyên lo nghĩ về nguy cơ đau tim.
Chiếc xe Jeep của hạ sĩ Whitcomb vẫn đỗ ở đó. Cha tuyên úy rón rén đi vòng qua phía sau lều của hạ sĩ Whitcomb chứ không đi qua cửa để tránh bị tay hạ sĩ nhìn thấy và xúc phạm. Thở hắt ra một hơi nhẹ nhõm, gã lách nhanh vào trong lều của mình và thấy hạ sĩ Whitcomb đang ngồi thu lu trên giường xếp, chân co lên. Đôi giày dính đầy bùn của hạ sĩ Whitcomb đang ở trên chăn của cha tuyên úy, và gã đang vừa ăn một thanh kẹo của cha tuyên úy vừa lật giở một trong những cuốn Kinh Thánh của cha tuyên úy ra đọc đầy khinh bỉ.
“Anh đã ở đâu thế?” Whitcomb hạch sách, thô lỗ và thờ ơ, không thèm ngẩng mặt lên.
Cha tuyên úy đỏ mặt và quay đi lảng tránh. “Tôi đi dạo ở trong rừng.”
“Được rồi,” hạ sĩ Whitcomb ngắt lời. “Đừng có tưởng là tôi tin. Mà cứ chờ xem tâm trạng của tôi thế nào đã.” Gã ngấu nghiến thanh kẹo của cha tuyên úy rồi tiếp tục nhồm nhoàm nói. “Lúc anh đi vắng thì có khách đấy. Thiếu tá Major.”
Cha tuyên úy ngạc nhiên quay ngoắt lại thốt lên: “Thiếu tá Major? Thiếu tá Major đã ở đây ư?”
“Chúng ta đều đang nói về người đó, không phải à?”
“Ông ta đâu rồi?”
“Ông ta nhảy xuống hào đường tàu rồi vọt đi như một con thỏ đang hoảng sợ.” Hạ sĩ Whitcomb cười hinh hích. “Quả là một thằng điên!”
“Ông ta có nói là ông ta muốn gì không?”
“Ông ta nói rằng ông ta cần sự giúp đỡ của anh về một việc rất quan trọng.”
Cha tuyên úy kinh ngạc. “Thiếu tá Major nói vậy ư?”
“Ông ta không nói vậy,” hạ sĩ Whitcomb sửa lại đầy vẻ khinh miệt. “Ông ta viết nó trong một bức thư riêng có niêm phong gửi lại trên bàn của anh.”
Cha tuyên úy đưa mắt về cái bàn chơi bridge được dùng làm bàn làm việc và chỉ nhìn thấy một quả cà chua mận hình quả lê màu đỏ cam kinh tởm mà gã đã nhận được từ tay đại tá Cathcart sáng nay, nó vẫn nằm nghiêng nghiêng tại chỗ gã đã bỏ lại rồi lãng quên như một biểu tượng màu máu bất khả phá hủy cho sự bất lực của gã. “Bức thư ở đâu?”
“Tôi đã vứt nó đi ngay sau khi mở ra và đọc nó.” Hạ sĩ Whitcomb đóng sập cuốn Kinh Thánh lại và nhảy dựng lên. “Thế thì đã sao nào? Anh không tin tôi sao?” Gã bỏ ra ngoài. Rồi gã quay lại ngay và suýt còn đụng phải cha tuyên úy đang lao theo ra toan quay lại chỗ thiếu tá Major. “Anh không biết cách giao phó trách nhiệm cho người khác,” hạ sĩ Whitcomb sưng sỉa nói. “Đó lại là một trong những điểm không ổn nữa ở anh.”
Cha tuyên úy gật đầu đầy vẻ hối lỗi và vội vàng đi qua tay hạ sĩ, không cho phép mình dành thời gian để xin lỗi. Gã có thể cảm thấy đang bị bàn tay lão luyện của số phận sai khiến. Đã hai lần trong ngày, giờ thì gã đã nhận ra, thiếu tá Major chạy về phía gã trong hào đường tàu; nhưng cả hai lần đó gã đều ngu ngốc trì hoãn cuộc gặp định mệnh bằng cách phi thẳng vào rừng. Gã sôi sục trách móc bản thân trong lúc gấp gáp sải bước quay trở lại dọc theo những thanh tà vẹt sứt mẻ, cách nhau lộn xộn của đường tàu. Sạn và sỏi trong giày và tất của gã như đang nghiền nát những đầu ngón chân gã. Gương mặt nhợt nhạt và gắng sức của gã vô thức rúm ró lại thành một vẻ nhăn nhó khó chịu cực độ. Buổi chiều đầu tháng Tám ấy mỗi lúc một nóng và ẩm hơn. Khoảng cách từ lều của gã tới phi đoàn của Yossarian là gần một dặm. Chiếc áo mùa hè của cha tuyên úy đã ướt đẫm mồ hôi khi gã tới nơi và không kịp thở nhảy xổ luôn vào lều cần vụ, ở đó gã bị chặn lại sỗ sàng bởi chính tay trung sĩ xảo trá nhỏ nhẹ với cặp kính tròn và gò má cao ban sáng, tay này đã đề nghị gã ở ngoài bởi vì thiếu tá Major đang ở trong lều và nói rằng gã phải chờ đến khi thiếu tá ra ngoài thì mới được phép vào trong. Cha tuyên úy sững sờ nhìn tay trung sĩ không thể tin nổi. Tại sao tay trung sĩ này lại căm ghét mình? gã tự hỏi. Môi gã trắng nhợt ra và run rẩy. Gã đang khát khô cổ. Mọi người bị sao vậy. Đời này còn chưa đủ bi kịch sao? Trung sĩ chìa tay ra tóm lấy cha tuyên úy.
“Rất tiếc, thưa sếp,” trung sĩ lấy làm tiếc mà nói, giọng trầm, buồn và nhã nhặn. “Nhưng đó là mệnh lệnh của thiếu tá Major. Thiếu tá không muốn gặp bất cứ ai.”
“Thiếu tá muốn gặp tôi,” cha tuyên úy nài nỉ. “Ông ấy đã đến lều của tôi đúng lúc tôi đang ở đây.”
“Thiếu tá Major làm vậy thật sao?”
“Đúng vậy. Anh vào hỏi đi thì biết.”
“Tôi e rằng tôi không thể vào được, sếp ạ. Ông ấy cũng không bao giờ muốn gặp tôi. Có lẽ sếp nên viết giấy nhắn lại.”
“Tôi không muốn viết lời nhắn. Ông ấy không bao giờ chấp nhận ngoại lệ sao?”
“Chỉ trong những trường hợp cực kỳ hãn hữu thôi. Lần cuối cùng ông ấy đi khỏi lều là để đến dự đám tang của một người lính. Lần cuối cùng ông ấy gặp ai đó trong phòng là do bị ép buộc. Một phi công cắt bom tên là Yossarian đã ép…”
“Yossarian?” cha tuyên úy bừng lên phấn khích trước sự trùng hợp mới này. Có phải lại có một phép lạ mới sắp xảy ra? “Tôi đang muốn nói chuyện với thiếu tá về chính người đó đấy! Có phải hai người họ nói về số trận mà Yossarian phải bay không?”
“Đúng thế, thưa sếp, chính xác là họ nói về chuyện đó. Đại úy Yossarian đã bay năm mươi mốt trận, và anh ta đã thỉnh cầu thiếu tá Major cho giải nhiệm để khỏi phải bay thêm bốn trận nữa. Đại tá Cathcart yêu cầu năm mươi lăm trận kia.”
“Thế thiếu tá Major nói sao?”
“Thiếu tá Major nói rằng ông ấy không thể làm được gì cả.”
Mặt cha tuyên úy xụ xuống. “Thiếu tá Major nói vậy thật à?”
“Vâng, thưa sếp. Thực ra thì ông ấy đã khuyên Yossarian tới gặp sếp để cầu cứu đấy. Sếp chắc là không cần để lại lời nhắn chứ? Tôi có bút chì và giấy ở ngay đây.”
Cha tuyên úy lắc đầu, buồn bã cắn bờ môi dưới khô nẻ, đoạn bước ra ngoài. Ngày mới trôi qua chưa được bao lâu, thế mà đã có ngần ấy chuyện xảy ra. Không khí ở trong rừng mát mẻ hơn. Cổ họng gã khô và đau rát. Gã chậm rãi bước đi và đang rầu rĩ tự hỏi liệu còn có thể có điều xui xẻo nào nữa sắp rơi xuống đầu thì bất chợt bị một gã ẩn dật điên khùng từ trong bụi rậm nhảy xổ vào. Cha tuyên úy hét toáng lên.
Kẻ lạ mặt cao lớn nhợt nhạt như xác chết hoảng sợ lùi lại khi cha tuyên úy hét lên, đoạn gã ré lên, “Xin đừng đánh tôi!”
“Anh là ai?” cha tuyên úy hét lên.
“Làm ơn đừng đánh tôi!” kẻ kia cũng hét lại.
“Tôi là cha tuyên úy!”
“Vậy thì tại sao anh lại muốn đánh tôi?”
“Tôi không muốn đánh anh!” cha tuyên úy kiên nhẫn giải thích, đã hơi cáu, mặc dù gã vẫn đứng nguyên chỗ đó. “Hãy nói xem anh là ai và anh muốn gì ở tôi?”
“Tôi chỉ muốn biết thượng sĩ White Halfoat đã chết vì viêm phổi chưa,” kẻ kia vẫn hét. “Đó là tất cả những gì tôi muốn. Tôi sống ở đây. Tên tôi là Flume. Tôi thuộc phi đoàn nhưng tôi sống ở trong rừng. Không tin thì anh có thể hỏi bất cứ ai.”
Sự bình tĩnh của cha tuyên úy bắt đầu từ từ quay trở lại trong lúc gã chăm chú săm soi bộ dạng khúm núm đáng ngờ kia. Một cặp quân hàm đại úy gỉ sét đang treo lủng lẳng trên cổ áo tả tơi. Anh ta có một nốt ruồi đen sì mọc lông ở bên dưới một bên lỗ mũi và bộ ria bờm xờm màu vỏ cây dương.
“Nếu anh thuộc phi đoàn thì sao anh lại sống trong rừng?” cha tuyên úy tò mò hỏi.
“Tôi phải sống ở trong rừng,” tay đại úy gắt gỏng đáp, như thể cha tuyên úy lẽ ra phải biết rồi mới phải. Anh ta chậm rãi đứng thẳng dậy, vẫn cảnh giác nhìn cha tuyên úy mặc dù cao hơn cha tuyên úy cả một cái đầu. “Anh không nghe mọi người nói về tôi à? Thượng sĩ White Halfoat thề sẽ cắt cổ tôi vào một đêm nào đó khi tôi đang ngủ say, và tôi không dám nằm ngủ ở trong phi đoàn chừng nào anh ta vẫn còn sống.”
Cha tuyên úy nghe lời giải thích đáng ngờ này với vẻ không tin tưởng. “Nhưng không thể có chuyện đó được,” gã nói. “Như thế là tội giết người có âm mưu từ trước rồi. Tại sao anh không báo cáo vụ việc cho thiếu tá Major?”
“Tôi đã báo cho thiếu tá Major rồi đấy chứ,” tay đại úy buồn bã nói, “và thiếu tá Major bảo sẽ cắt cổ tôi nếu như tôi dám tới nói với ông ấy thêm một lần nữa.” Anh ta sợ sệt chăm chú nhìn cha tuyên úy. “Anh cũng sẽ cắt cổ tôi, có phải không?”
“Ồ, không, không, không,” cha tuyên úy trấn an. “Dĩ nhiên là không rồi. Anh sống trong rừng thật đấy à?”
Tay đại úy gật đầu, và cha tuyên úy trân trối nhìn dáng vẻ xanh xao nhợt nhạt vì kiệt sức và thiếu dinh dưỡng của anh ta với cảm giác pha trộn vừa thương hại và kính trọng. Cơ thể anh ta như một khung xương bên trong đám quần áo nhàu nát treo lên nó như một bộ sưu tập bao bố. Cỏ khô dính khắp người anh ta; và anh ta cần phải đi cắt tóc khẩn cấp. Dưới mắt anh ta là những quầng tím đen bự. Cha tuyên úy xúc động suýt phát khóc lên trước hình ảnh về một con người bị quấy rối, chà đạp mà tay đại úy đang trưng ra, và lòng gã chợt tràn ngập tôn kính và trắc ẩn khi nghĩ tới biết bao gian khổ nghiệt ngã mà anh chàng tội nghiệp này đã phải chịu đựng ngày ngày. Bằng một giọng phảng phất nhún nhường, gã nói, “Thế ai giặt giũ cho anh?”
Gã đại úy trịnh trọng bĩu môi. “Có một phụ nữ chuyên giặt ủi ở một trong những nông trại trên đường làm việc đó cho tôi. Tôi vẫn giữ đồ của tôi trong toa xe chung với thượng sĩ White Halfoat và vẫn đột nhập vào đó một hoặc hai lần mỗi ngày để lấy khăn tay sạch hoặc để thay đồ lót.”
“Anh sẽ làm gì khi mùa đông tới?”
“Ồ, tôi hy vọng tới lúc đó thì tôi đã trở lại phi đoàn rồi,” tay đại úy trả lời với niềm tin mù quáng của một kẻ tử vì đạo. “Thượng sĩ White Halfoat luôn hứa với tất cả mọi người rằng anh ta sẽ chết vì bệnh viêm phổi, nên tôi e là tôi sẽ phải kiên nhẫn đợi đến khi thời tiết trở nên lạnh và ẩm hơn.” Anh ta nheo mắt băn khoăn nhìn cha tuyên úy. “Anh không biết tất cả những chuyện này sao? Anh không nghe bọn họ nói về tôi sao?”
“Tôi không nghĩ là tôi đã từng nghe ai đó kể về anh.”
“Chậc, tôi đúng là không thể hiểu nổi đấy.” Tay đại úy oán giận, nhưng vẫn cố làm ra vẻ lạc quan nói tiếp. “Dù sao thì cũng đã sắp tháng Chín rồi, nên chắc cũng không phải đợi quá lâu nữa. Lần sau nếu bất cứ ai trong bọn họ hỏi về tôi, ôi chà, thì cứ bảo với họ rằng tôi sẽ trở lại tiếp tục sòn sòn đẻ ra mấy thông cáo báo chí cũ rích ấy ngay khi thượng sĩ White Halfoat chết vì viêm phổi. Anh sẽ nói với họ như vậy chứ? Bảo rằng tôi sẽ trở lại phi đoàn ngay khi mùa đông tới và thượng sĩ White Halfoat chết vì viêm phổi. OK?”
Cha tuyên úy nghiêm trang ghi nhớ những lời như sấm truyền đó, bị mê hoặc bởi nội dung bí hiểm của nó. “Anh sống nhờ quả mọng, rau và rễ cây à?” gã hỏi.
“Không, tất nhiên không rồi,” tay đại úy ngạc nhiên đáp. “Tôi lẻn vào trong nhà ăn qua cửa sau rồi ăn luôn trong bếp. Milo cho tôi sandwich và sữa.”
“Khi trời mưa thì anh phải làm sao?”
Tay đại úy thật thà nói. “Tôi bị ướt chứ sao.”
“Anh ngủ ở đâu?”
Tay đại úy nhanh chóng cúi xuống lấy đà và bắt đầu lùi lại chạy ra xa. “Anh cũng vậy sao?” anh ta gào lên trong điên loạn.
“Ôi, không,” cha tuyên úy cũng gào lên. “Tôi thề với anh.”
“Thực sự anh cũng muốn cắt cổ tôi!” tay đại úy khăng khăng nói.
“Tôi xin đảm bảo với anh,” cha tuyên úy năn nỉ, nhưng đã quá muộn, bởi vì bóng ma lông lá thô kệch kia đã mất tích, anh ta tài tình mất hút vào trong đám bùng nhùng toe toét, lốm đốm và chắp vá của lá cây, ánh sáng và bóng râm khiến chưa gì cha tuyên úy đã bắt đầu nghi ngờ liệu có thật là anh ta từng ở đó. Có quá nhiều sự kiện kỳ quái xảy ra đến nỗi gã chẳng còn chắc chắn nổi sự kiện nào là kỳ quái, sự kiện nào đã thực sự xảy ra. Gã muốn làm rõ về gã điên trong rừng đó càng sớm càng tốt, muốn kiểm tra lại xem thực sự có đại úy Flume nào không, nhưng việc vặt đầu tiên của gã, gã vừa miễn cưỡng nhớ ra, là phải xoa dịu hạ sĩ Whitcomb vì đã lơ là không giao đủ trách nhiệm cho anh ta. Gã phờ phạc lê bước theo lối đi ngoằn ngoèo xuyên qua rừng, kẹt trong cơn khát và cảm thấy kiệt sức tới mức hầu như không thể đi tiếp. Gã thấy ân hận khi nghĩ tới hạ sĩ Whitcomb. Gã cầu trời khi về tới nơi thì tay hạ sĩ đã rời đi để gã có thể cỏi quần áo mà không cảm thấy bối rối, có thể rửa kỹ tay, ngực và vai, có thể uống nước, thoải mái nằm xuống và thậm chí có thể ngủ được vài phút; nhưng gã lại phải chịu thêm một lần thất vọng và thêm một cú sốc nữa, bởi vì khi gã về thì hạ sĩ Whitcomb đã trở thành trung sĩ Whitcomb, hơn thế còn đang cởi trần ngồi trong ghế cha tuyên úy để khâu quân hàm lên tay áo bằng kim và chỉ của chính cha tuyên úy. Hạ sĩ Whitcomb đã được đại tá Cathcart thăng cấp, và ông này muốn gặp cha tuyên úy ngay lập tức về chuyện những lá thư.
“Ôi không,” cha tuyên úy rên lên, ngồi sụp xuống giường xếp mà chết sững. Bi đông đựng nước ấm của gã đã trống rỗng, và gã quá quẫn trí không thể nhớ ra túi nước đang treo ở ngoài bóng râm đoạn ở giữa hai lều. “Thật không thể tin nổi. Tôi thật không thể tin rằng có người lại nghiêm túc tin rằng tôi đã giả mạo tên Washington Irving.”
“Không phải những lá thư đó,” hạ sĩ Whitcomb đính chính, rành rành là khoái trá trước mối muộn phiền của cha tuyên úy. “Ông ấy muốn gặp anh về việc những lá thư gửi cho gia đình những người chết và bị thương ngoài chiến trường.”
“Những lá thư đó ư?” cha tuyên úy ngạc nhiên hỏi.
“Đúng rồi,” hạ sĩ Whitcomb hả hê. “Ông ấy sẽ đay nghiến anh vì đã từ chối cho tôi gửi những lá thư đó đi. Lẽ ra anh nên chứng kiến ông ấy đã vừa lòng như thế nào khi tôi đề xuất ý tưởng về những lá thư có chữ ký của ông ấy. Đó là lý do tại sao ông ấy thăng cấp cho tôi. Ông ấy tin chắc rằng ý tưởng đó sẽ giúp cho ông ấy lên được tờ The Saturday Evening Post.”
Cơn mụ mị của cha tuyên úy lại dâng lên. “Nhưng làm sao ông ấy biết được chúng ta đang cân nhắc ý tưởng này?”
“Tôi đã đi tới phòng làm việc của ông ấy và nói cho ông ấy biết.”
“Anh đã làm gì cơ?” cha tuyên úy rít lên chất vấn, và giậm chân với cơn thịnh nộ hiếm thấy. “Ý của anh là anh thực đã vượt mặt tôi để tới gặp đại tá mà không được phép của tôi ư?”
Hạ sĩ Whitcomb nhăn nhở cười trâng tráo với vẻ thỏa mãn đáng khinh bỉ. “Đúng rồi, thưa cha tuyên úy,” anh ta đáp lời. “Và tốt nhất là anh đừng có cố can thiệp vào việc này nếu như anh biết được điều gì tốt cho anh hơn.” Anh ta khẽ cười với vẻ thách thức ác ý. “Đại tá Cathcart sẽ không thích đâu nếu như ông ấy biết rằng anh trả đũa tôi vì đã đưa ý tưởng này của tôi tới chỗ ông ấy. Anh biết sao không, cha tuyên úy?” Hạ sĩ Whitcomb tiếp tục nói, đoạn khinh khỉnh dùng răng rứt đứt sợi chỉ đen đang khâu ra đánh phựt và cài cúc áo lại. “Lão khốn đần độn đó thực sự nghĩ rằng đó là một trong những ý tưởng hay nhất mà lão từng nghe.”
“Nó thậm chí có thể đưa được tôi lên tờ The Saturday Evening Post,” đại tá Cathcart cười nói huênh hoang trong phòng làm việc của mình, lắc lư hớn hở tiến lại gần cha tuyên úy. “Còn anh thì không đủ thông minh để trân trọng nó. Hạ sĩ Whitcomb rất được đấy, cha tuyên úy. Tôi hy vọng anh đủ thông minh để trân trọng điều đó.”
“Trung sĩ Whitcomb chứ,” cha tuyên úy sửa lại, không kịp kiềm chế.
Đại tá Cathcart trừng mắt. “Tôi cũng nói là trung sĩ Whitcomb,” gã đáp lời. “Giá mà thỉnh thoảng anh cố lắng nghe một lần thay vì lúc nào cũng bắt lỗi. Anh không muốn làm đại úy cả đời chứ, phải không?”
“Dạ thưa sếp?”
“Chậc, cứ theo kiểu này thì tôi không thể nào nghĩ anh lại có thể leo lên thành một cái gì đó khá hơn được. Hạ sĩ Whitcomb thấy các anh không có được ý tưởng nào mới trong suốt một ngàn chín trăm bốn mươi bốn năm qua, và tôi nghiêng về hướng nhất trí với anh ta. Một anh chàng sáng láng đấy, tay hạ sĩ Whitcomb ấy. Chậc, sẽ phải thay đổi hết lại thôi.” Đại tá Cathcart ngồi xuống bên bàn làm việc với vẻ kiên định và khoanh một khoảng trắng to trong sổ nháp. Xong xuôi, gã gõ nhẹ ngón tay lên đó. “Bắt đầu từ ngày mai,” gã nói, “tôi muốn anh và hạ sĩ Whitcomb thay tôi viết thư an ủi gửi tới bà con họ hàng thân thiết của mỗi người đã tử trận, bị thương hoặc bị bắt trong liên đoàn này. Tôi muốn đó phải là những lá thư chân thành. Tôi muốn chúng có đầy đủ những chi tiết cá nhân để không ai có thể nghi ngờ chuyện tôi thực tâm muốn nói những lời như các anh viết. Như vậy đã rõ chưa?”
Cha tuyên úy hấp tấp tiến lên một bước để phản đối. “Nhưng, thưa sếp, điều đó là không thể!” gã thốt lên. “Chúng ta đâu có hiểu người của mình đến mức đó.”
“Như vậy thì đã sao?” đại tá Cathcart hỏi lại, nở nụ cười thân ái. “Hạ sĩ Whitcomb đã đem cho tôi xem mẫu thư cơ bản có thể sử dụng cho gần như mọi trường hợp. Nghe này: ‘Kính gửi bà, ông, cô, hoặc kính gửi ông bà: Không từ ngữ nào có thể diễn tả được nỗi buồn đau sâu sắc mà cá nhân tôi đã trải qua khi chồng, con, cha, anh hoặc em của quý vị vừa bị giết, bị thương hoặc bị mất tích.’ Vân vân. Tôi nghĩ câu mở như vậy đã tóm được chính xác tình cảm của tôi. Nghe này, nếu anh không thấy nhiệt tình lắm thì có khi anh cứ để cho hạ sĩ Whitcomb đảm trách toàn bộ vụ này đi.” Đại tá Cathcart rút đót thuốc ra và dùng cả hai bàn tay gập nó lại như một cái rơi bằng ngà và mã não. “Đó là một trong những điểm không ổn ở anh, cha tuyên úy ạ. Hạ sĩ Whitcomb nói với tôi rằng anh không biết cách giao trọng trách cho người khác. Anh ta nói rằng anh cũng chẳng bao giờ chủ động trong bất cứ việc gì. Anh không phản đối tôi chứ, phải không?”
“Vâng, thưa sếp.” Cha tuyên úy lắc đầu, gã cảm thấy mình thật tắc trách bởi vì gã không biết cách giao trọng trách và không chủ động, và bởi vì gã thực sự muốn phản đối ý kiến vừa rồi của đại tá. Đầu óc gã rối tinh lên. Ở bên ngoài mọi người đang bắn đĩa, và mỗi lần có tiếng súng nổ là một lần các giác quan của gã bị chấn động mạnh. Gã không thể nào quen được tiếng súng. Vây quanh gã là những giạ cà chua mận và gã suýt nữa tưởng là mình đã đứng ở trong phòng làm việc của đại tá Cathcart vào một dịp nào đó tương tự rất lâu rồi và khi đó gã cũng bị chính những cái giạ đựng chính thứ cà chua mận ấy vây quanh. Lại là déjà vu. Khung cảnh thật quen thuộc; nhưng lại cũng thật xa xôi. Quần áo gã sờ cáu bẩn và cũ nát, và gã sợ muốn chết rằng người gã đang bốc mùi.
“Anh luôn nghiêm trọng hóa vấn đề quá mức, cha tuyên úy ạ,” đại tá Cathcart lỗ mãng bảo gã như thể một bề trên. “Đó lại là một điểm không ổn nữa ở anh. Cái mặt chảy dài của anh khiến cho mọi người trầm cảm. Thình thoảng cho tôi thấy anh cười một lần xem nào. Nào, cha tuyên úy. Cho tôi nghe một tiếng cười lớn đi rồi tôi sẽ cho anh cả một giạ cà chua mận.” Đại tá đợi một hoặc hai giây gì đó, quan sát, và rồi đắc thắng cười vang. “Anh thấy đó, cha tuyên úy, tôi nói đúng mà. Anh không thể cười lớn tiếng cho tôi nghe, phải không?”
“Đúng vậy, thưa sếp,” cha tuyên úy rụt rè thú nhận, khó nhọc nuốt khan. “Giờ thì không được đâu. Tôi đang rất khát.”
“Vậy thì anh lấy gì mà uống đi. Trung tá Korn có ít rượu bourbon ở bàn làm việc đấy. Một buổi tối nào đấy anh cũng nên thử đến câu lạc bộ sĩ quan với chúng tôi để vui chơi một chút xem sao. Thử lâu lâu lại say khướt một phát. Tôi hy vọng anh sẽ không cho rằng anh tốt đẹp hơn tất cả bọn tôi bởi vì cái nghề của anh.”
“Ồ không đâu sếp,” cha tuyên úy bối rối quả quyết. “Thực ra thì mấy buổi tối gần đây tôi đều tới câu lạc bộ sĩ quan.”
“Anh mới chỉ là một đại úy, anh biết đấy,” đại tá Cathcart tiếp tục nói mà không để ý tới câu trước của cha tuyên úy. “Anh có thể có nghề riêng, nhưng anh vẫn chỉ là một đại úy.”
“Vâng thưa sếp. Tôi biết.”
“Vậy thì được. Cũng may là lúc trước anh đã không phá lên cười. Bởi vì tôi cũng không định cho anh một giạ cà chua mận. Hạ sĩ Whitcomb nói với tôi rằng anh đã lấy một quả cà chua mận khi anh đến đây vào buổi sáng.”
“Sáng nay ư? Nhưng thưa sếp, chính sếp đã đưa nó cho tôi!”
Đại tá Cathcart nghi hoặc nghển mặt lên. “Tôi đâu có nói là tôi không đưa nó cho anh, đúng không? Tôi chỉ nói là anh đã lấy nó. Tôi không hiểu tại sao anh lại có thứ cảm giác tội lỗi ấy nếu như anh thực sự không lấy trộm nó. Có phải tôi đã đưa nó cho anh không thế?”
“Vâng, thưa sếp. Tôi thề là sếp đã đưa nó cho tôi.”
“Vậy thì tôi tin lời anh. Mặc dù tôi không thể tưởng tượng được tại sao tôi lại muốn đưa cho anh một quả cà chua mận.” Đại tá Cathcart chuyển cái chặn giấy tròn bằng thủy tinh từ rìa bên phải bàn làm việc sang rìa bên trái và cầm một cây bút chì đã được vót nhọn lên. “Được rồi, cha tuyên úy, nếu không có chuyện gì nữa thì giờ tôi có rất nhiều việc quan trọng phải làm. Khi nào hạ sĩ Whitcomb gửi xong khoảng một chục thư thì anh báo lại cho tôi, và chúng ta sẽ liên lạc với các biên tập viên tờ The Saturday Evening Post.” Một cảm hứng bất chợt khiến cho gương mặt đại tá sáng bừng. “À! Tôi nghĩ có khi tôi sẽ xung phong điều liên đoàn ta tới Avignon một lần nữa. Như thế sẽ khiến cho mọi việc tiến triển nhanh hơn.”
“Tới Avignon ư?” trái tim cha tuyên úy như vừa bị hụt mất một nhịp, và toàn bộ da thịt gã bắt đầu râm ran sởn gai ốc.
“Đúng rồi,” đại tá hân hoan giải thích. “Chúng ta càng sớm có nhiều thương vong thì việc này càng sớm tiến triển. Nếu có thể thì tôi muốn được lên báo số Giáng sinh. Dịp đó chắc sẽ ra nhiều báo hơn bình thường.”
Và trước sự kinh hoàng của cha tuyên úy, đại tá nhấc điện thoại lên và xung phong cử liên đoàn của mình tới Avignon, rồi đến tối hôm ấy lại cố tống gã ra khỏi câu lạc bộ sĩ quan lần nữa chỉ một lát trước khi Yossarian say khướt đứng bật dậy, hất đổ cả ghế để khởi sự một cú đấm báo thù khiến cho Nately phải thét to tên y và khiến đại tá Cathcart tái mét mà rón rén chuồn đi, có điều lại va phải tướng Dreedle, giẫm tím cả chân ông này, bị ông ta kinh tởm xô ra rồi ra lệnh phải tống cha tuyên úy trở lại câu lạc bộ sĩ quan ngay lập tức. Đối với đại tá Cathcart tất cả thật là vô cùng đảo điên, đầu tiên là cái tên khiếp đảm Yossarian! vang lên như tiếng chuông báo hiệu ngày tận thế, sau đó là cái chân thâm tím của tướng Dreedle, và lại thêm một lỗi nữa của cha tuyên úy mà gã phát hiện ra: không thể đoán được phản ứng của tướng Dreedle mỗi khi gặp cha tuyên úy sẽ ra sao. Đại tá Cathcart không bao giờ quên được buổi tối đầu tiên tướng Dreedle để ý thấy cha tuyên úy trong câu lạc bộ sĩ quan, khi ông ngẩng khuôn mặt đỏ gay, nhễ nhại, say xỉn lên mà trầm ngâm trân trối nhìn qua làn khói thuốc vàng vào cha tuyên úy đang đơn độc ngồi khuất chỗ gần tường.
“Ồ, quỷ tha ma bắt tôi đi,” tướng Dreedle khàn khàn kêu lên, cặp lông mày muối tiêu tua tủa dữ tợn nhướng lên khi nhận ra đó là ai. “Có phải tôi đang nhìn thấy cha tuyên úy ở đằng kia không? Quả là hay khi người phụng sự Chúa lại giao du ở nơi như này cùng với một đám cờ bạc và rượu chè thô bỉ.”
Đại tá Cathcart nghiêm trang mím chặt môi lại và bắt đầu đứng lên. “Tôi hoàn toàn đồng ý với sếp,” gã xun xoe hùa theo bằng giọng phản đối khoa trương. “Thật không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với giới tăng lữ ngày nay nữa.”
“Họ đang trở nên tốt hơn, đó là chuyện đang xảy ra với họ đấy,” tướng Dreedle trịnh trọng gầm gừ.
Đại tá Cathcart cố nuốt cục ngượng và nhanh trí vớt vát. “Vâng thưa sếp. Họ đang trở nên tốt hơn. Đó cũng chính là những gì mà tôi đang nghĩ, thưa sếp.”
“Đây chính là nơi dành cho một cha tuyên úy, hòa mình với lính tráng khi họ đi nhậu và đánh bạc, như vậy mới có thể hiểu được họ và chiếm được lòng tin của họ. Nếu không thì làm thế quái nào anh ta khiến cho bọn họ tin vào Chúa được?”
“Đó cũng chính là điều mà tôi nghĩ, thưa sếp, khi tôi ra lệnh cho anh ta tới đây,” đại tá Cathcart từ tốn nói, sau đó bèn ra dắt cha tuyên úy tới một góc phòng, thân mật khoác vai và lạnh lùng nhỏ giọng ra lệnh cho gã từ giờ có nhiệm vụ đêm nào cũng phải trình diện tại câu lạc bộ sĩ quan để hòa mình với lính tráng khi họ nhậu nhẹt và đánh bạc để có thể hiểu được họ và chiếm được lòng tin của họ.
Cha tuyên úy đồng ý và tối nào cũng trình diện ở câu lạc bộ sĩ quan để hòa nhập với những người muốn tránh mặt gã, cho đến buổi tối nổ ra vụ ẩu đả dữ dội ở bàn bóng bàn và thượng sĩ White Halfoat đột nhiên lao tới như một cơn lốc và vô cớ đấm thẳng vào mũi đại tá Moodus, hạ Moodus ngã dập mông và khiến cho tướng Dreedle bất thần rống lên cười ầm ĩ cho đến khi ông phát hiện ra cha tuyên úy đứng ở gần đó đang trố mắt ghê tởm nhìn ông với vẻ khó hiểu đau đớn. Tướng Dreedle đờ cả người khi trông thấy gã. Ông quắc mắt một lúc lâu nhìn cha tuyên úy với cơn giận trào dâng, tâm trạng vui vẻ bay đi sạch, đoạn ông cáu kỉnh quay lại quầy bar, đảo từ bên này sang bên kia như một thủy thủ chân ngắn vòng kiềng. Đại tá Cathcart sợ hãi lật đật chạy theo, lo lắng tuyệt vọng liếc trung tá Korn cầu cứu.
“Cũng hay ho đấy,” tướng Dreedle càu nhàu ở quầy bar, bàn tay vạm vỡ tóm chặt ly rượu rỗng. “Quả là hay đấy, khi một người phụng sự Chúa bắt đầu giao du ở chỗ như này với một lũ cờ bạc và nát rượu thô bỉ.”
Đại tá Cathcart thở phào. “Vâng, thưa sếp,” gã reo lên tự hào. “Dĩ nhiên là hay ạ.”
“Vậy thì tại cái quái gì mà anh không hề có hành động nào cả?”
“Sao cơ thưa sếp?” đại tá Cathcart hỏi, chớp mắt.
“Anh nghĩ rằng việc anh để cho cha tuyên úy tối nào cũng đến đây sẽ đem lại uy tín cho anh ư? Lần quái nào tôi tới đây cũng thấy có mặt anh ta.”
“Sếp nói đúng, hoàn toàn đúng ạ,” đại tá Cathcart đáp. “Việc này chẳng đem lại cho tôi chút uy tín nào. Và tôi sẽ hành động ngay đây, ngay lập tức đây.”
“Không phải chính anh đã ra lệnh cho anh ta tới đây sao?”
“Không, thưa sếp, đó là trung tá Korn. Tôi cũng định trừng phạt anh ta thật nặng vì việc này.”
“Nếu anh ta không phải là cha tuyên úy,” tướng Dreedle lẩm bẩm, “thì tôi đã cho đưa anh ta ra ngoài xử bắn luôn rồi.”
“Anh ta không phải là cha tuyên úy đâu ạ, thưa sếp,” đại tá Cathcart xun xoe tư vấn.
“Không phải sao? Thế thì thế quái nào mà anh ta lại đeo cây thập giá đó trên cổ áo, nếu như anh ta không phải là cha tuyên úy?”
“Anh ta đâu có đeo hình thập giá nào trên cổ áo, thưa sếp. Anh ta đeo một lá bạc. Anh ta là trung tá mà.”
“Anh có một cha tuyên úy cấp bậc trung tá sao?” tướng Dreedle ngạc nhiên chất vấn.
“Ồ không thưa sếp. Cha tuyên úy của tôi thì mới chỉ là đại úy.”
“Nếu chỉ là đại úy thì thế quái nào mà anh ta lại đeo lá bạc trên cổ áo?”
“Anh ta không đeo lá bạc trên cổ áo, thưa sếp. Anh ta đeo hình thập giá.”
“Biến đi cho khuất mắt tôi, đồ chó đẻ,” tướng Dreedle nói. “Không tôi cho người đưa anh ra ngoài xử bắn bây giờ!”
“Vâng, thưa sếp.”
Đại tá Cathcart lo lắng nuốt nước bọt, rời khỏi tướng Dreedle để tống cổ cha tuyên úy ra khỏi câu lạc bộ sĩ quan, tình cảnh gần như y hệt hồi hai tháng sau, khi cha tuyên úy nỗ lực và thất bại thảm hại trong việc thuyết phục đại tá Cathcart rút lại lệnh tăng chỉ tiêu bay chiến đấu lên thành sáu mươi trận, và giờ thì cha tuyên úy đã sẵn sàng hoàn toàn buông xuôi vào tuyệt vọng nhưng đã bị ghìm lại bởi ký ức về người vợ, người gã yêu và nhớ nhưng thống thiết với sự nồng nhiệt nhục cảm và đắm say cao nhã, và bởi niềm tin suốt đời mà gã đã đặt vào sự thông thái và công bằng của một vị Chúa bất tử, toàn năng, toàn trí, nhân đức, phổ quát, mang hình người, nói tiếng Anh, gốc Anglo-Saxon, ủng hộ Mỹ; dù niềm tin ấy cũng đã bắt đầu lung lay. Có quá nhiều điều đang thách thức đức tin của gã. Tất nhiên là vẫn còn đó Kinh Thánh, nhưng Kinh Thánh chỉ là một cuốn sách, cũng chẳng khác gì mấy quyển truyện như Bleak House, Đảo giấu vàng, Ethan Frame, người cuối cùng của bộ tộc Mohican. Và nếu vậy thì liệu có thể chăng, như một lần gã nghe Dunbar hỏi, rằng câu trả lời cho những bí ẩn về Sáng thế đã được đưa ra bởi những kẻ ngu dốt tới mức không hiểu được cơ chế của mưa? Liệu có thật là đức Chúa toàn năng, với sự thông thái vô tận của Người, lại từng sợ rằng loài người có thể xây được tòa tháp lên tới tận thiên đường vào sáu nghìn năm trước? Thiên đường ở chỗ quái quỷ nào? Nó ở trên? Hay ở dưới? Không có trên hay dưới trong một vũ trụ hữu hạn đang dãn nở mà trong đó ngay cả vầng mặt trời khổng lồ, cháy bỏng, chói lòa và hùng vĩ kia cũng chỉ đang trong một tiến trình lụi tàn mà cuối cùng sẽ phá hủy luôn trái đất. Không có phép lạ; những lời nguyện cầu không được đáp ứng, và sự bất hạnh chà đạp lên cả đạo đức lẫn hủ bại tàn nhẫn như nhau; và cha tuyên úy, kẻ có cả lương tri lẫn nhân cách, hẳn đã đầu hàng trước lý lẽ mà từ bỏ niềm tin vào đức Chúa cha ông gã hằng tin - thực sự từ bỏ cả nghề nghiệp lẫn phận sự của mình và tóm lấy cơ hội để trở thành một binh nhì trong bộ binh hay pháo binh, hoặc thậm chí, có lẽ chỉ là một hạ sĩ lính dù - nếu như không có những hiện tượng bí hiểm liên tiếp xảy ra như vụ người đàn ông trần truồng trong tán cây tại đám tang của cậu trung sĩ xấu số vài tuần trước đó và lời hứa bí ẩn, đầy ám ảnh và khích lệ của nhà tiên tri Flume trong rừng chiều hôm đó: “Bảo với họ rằng tôi sẽ trở về khi mùa đông tới.”
58. Tiếng Pháp: phép xử thế khôn khéo.
59. Con trai cả của Adam và Eva (theo kinh Cựu ước). Cain đã giết em trai mình là Abel và bị Thiên Chúa đánh dấu lên trán rồi bắt đi tha hương. Dấu trên trán Cain cũng là để bảo vệ không để ai giết gã.