Nguyên tác: Hands Of A Stranger
Số lần đọc/download: 169 / 14
Cập nhật: 2020-06-07 21:40:03 +0700
Chương 24
S
ở cảnh sát có những cuốn danh bạ điện thoại đặc biệt sắp xếp theo số. Mỗi trạm cảnh sát trong thành phố đều có một bộ, và Joe biết như thế. Chúng được gọi là những quyển Coles. Tại trạm cảnh sát khu vực gần nhà nhất, trạm 111 đường Queens, Joe tìm thấy và mở toang những quyển Coles của Manhattan ra. Chàng thấm ngón tay cái nhiều lần để lật các trang giấy. Sau một lúc, móng tay chàng kẻ một đường dưới một số, chàng thấy tương ứng với một phòng điện thoại đặt ở phòng đợi của ga xe lửa Trung Ương New York cũ tại đường 125, Harlem.
Một ga xe lửa, Joe nghĩ thế, thực là tài tình. Hắn cho một số mà hắn nghĩ không thể truy nguyên ra hắn được. Có lẽ hắn tưởng tượng số ấy không thể bị theo dõi chút nào cả. Hắn không biết đến những quyển Coles của bọn mình. Ý nghĩ rằng bọn mình có thể xác định một phòng điện thoại ở ga xe lửa cũng chưa bao giờ nẩy ra trong đầu hắn nữa. Các tội phạm, chàng nghĩ, đều tài tình như tên này cả. Rồi chàng nghĩ, những tên mà bọn mình bắt, ít ra là thế.
Bọn mình. Tình huynh đệ trong giới cảnh sát rộng lớn. Lần này không phải là bọn mình, chỉ là Joe thôi, đích thân Joe. Trở về xe, Joe kiểm tra đồng hồ, rồi súng của chàng. Chàng có thì giờ, độ một giờ, và chàng mở bung trái khế ra, đếm đạn. Lúc chàng nhét súng vào lại vị trí, chàng vẫn còn lý luận một cách lạnh lùng và chính xác.
Hoặc chàng tin như thế. Chàng bắt đầu lái đi.
Phòng đợi rộng rãi. Mái của nó là bốn đường ray chạy trên đầu và hai sân đợi. Đấy là một trong những phòng xưa nhất của thành phố, xưa như một số trạm cảnh sát. Nó có từ 1900 hoặc trước nữa, vào thời các đường xe lửa ngự trị sự tưởng tượng của thế giới. Joe liếc mắt nhìn chung quanh như thể trước kia chàng chưa từng đứng tại địa điểm này. Chắc nó đã rất thanh nhã trong thời của nó, toàn là gỗ và trang hoàng kỹ lưỡng. Bây giờ nó chỉ trông có vẻ lỗi thời thôi Nó được trang trí như bên trong một tòa lâu đài ở Victoria và những đường gờ dày, những cửa sổ và cửa lớn đều đóng cứng bằng những lớp nước sơn.
Vào thời gian ban ngày này phòng đợi hầu như vắng người. Các cửa sổ bán vé nằm sau những tấm lưới đồng thau. Có sáu cái tất cả nhưng chỉ có một cái mở thôi và một người đàn ông đi loanh quanh đằng sau nó. Một giá báo chiếm một góc và kế bên nó là một hàng máy thức ăn và thức uống bằng crôm - những phần tăng cường của thời cận đại. Tiếp đến là một bục đánh giày cao trên đấy có ba chiếc ghế da chắc đã là một phần của sự bày biện nguyên thủy. Chẳng có thằng bé đánh giày nào cả. Cũng chẳng có khách hàng nào cả. Một thương gia trung niên đang ngồi trên một chiếc ghế cao đọc báo. Ông ta có vẻ phát đạt. Có thời những chiếc xe lửa Pullman đã dừng lại đây trên đường đi Chicago và Miền Tây. Bây giờ ga chủ yếu chỉ phục vụ trong phạm vi các thành phố đi bằng vé hàng tháng thuộc Manchester và Connecticut thôi, những vùng ngoại ô cho đến nay trù phú hơn vùng ngoại ô mà Joe đang sống, mà hầu hết các nhân viên cảnh sát đang sống.
Các phòng điện thoại đều ở mãi về phía sau gần những cánh cửa của phòng nghỉ. Có ba cái tất cả. Joe bước vào cái giữa - ý định của chàng là kiểm tra lại số trong lúc giả vờ gọi, phòng này trước, rồi những phòng kia, nhưng lúc chàng cầm lấy ống nghe, đĩa quay số dường như muốn chồm lên đập vào mặt chàng. Chính là phòng ấy. Chàng đã đoán đúng ngay, tay chàng bắt đầu run và đồng tiền của chàng không chịu lọt vào rãnh. Sau khi đóng chiếc cửa gập lại, chàng đọc đĩa quay số lại và nghĩ một lúc rằng mình có thể ngạt thở hoặc nôn mửa hoặc xỉu đi. Chàng hoàn toàn bảo đảm rằng người đàn ông kế tiếp bước vào phòng này sẽ là gã đàn ông đã hiếp dâm vợ chàng.
Chàng ra khỏi phòng điện thoại. Phòng đợi trang trí rực rỡ vẫn hầu như vắng người. Người thương gia trung niên, uể oải lật các trang báo, vẫn ngồi trên ngai cao của ông. Ông ta quên Joe đi, quên những sự xáo trộn của Joe. Tên hiếp dâm chưa có mặt.
Đối diện các phòng điện thoại là một chiếc ghế dài bằng gỗ dựa vào tường. Từ đấy một người có thể nhìn vào bất kỳ phòng điện thoại nào mà mình chọn lựa. Joe đến ngồi xuống chiếc ghế dài và nhìn thử.
Ngay lúc ấy một chiếc xe lửa đi qua trên đầu. Toàn bộ căn phòng lung lay và tiếng động làm điếc cả tai. Điều này làm Joe nghĩ ngợi. Chàng ngồi đợi cho đến khi một chiếc xe lửa thứ nhì đi qua ầm ầm như chiếc đầu tiên. Đúng như chàng đã nghĩ. Người ta có thể bắn bằng một khẩu súng từ bên dưới một trong những chiếc xe lửa này. Chẳng ai nghe cả. Người ta có thể bắn vào phòng điện thoại ấy và những cái đầu sẽ không quay lại đâu.
Bây giờ một người đàn ông thận trọng không thể phạm sai lầm được. Joe kiểm tra phòng đợi để tìm những lối ra xen kẽ. Chàng nhìn vào phòng đàn ông. Chàng còn nhìn cả dưới những hàng phòng vệ sinh, nhưng để ý không thấy những đôi giày nào, những ống chân có quần được kéo lên nào cả. Hai chiếc cầu thang dẫn lên những sân ga bên trên và chàng leo lên chiếc cầu thang gần nhất, bước ra ngoài không khí ban chiều bên trên những đường ray đi về phía nam. Chàng đứng đấy một mình. Độ một chục người đang đợi tàu ở phía đối diện; một số người trố mắt nhìn chàng tọc mạch. Chàng quay lại, nhìn ra đường 125, đường Broadway của Harlem. Chàng trông thấy những mái vào cửa xinê, những cửa hàng, những ngôi nhà thờ ở khu phố, - những cơ sở làm tóc mà chuyên môn là chải tóc cho thẳng. Tất cả điều này tiêu biểu cho một thế giới và một nền văn hóa, tạo thành một phần của đất nước chàng, một phần của thành phố chàng, ngay cả một phần cuộc đời chàng; tuy vậy, đấy là một thế giới và nền văn hóa mà chàng không hiểu được. Người cảnh sát da trắng nào có thể hiểu được nó nhỉ? Chàng nhìn xuống những vỉa hè đông đảo, xe cộ lưu thông uể oải. Chàng nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát có gắn máy đi về phía chàng, đi qua dưới những đường ray và tiếp tục đi. Có hai cảnh sát da trắng ở trong. Điều ấy nhắc rằng chàng có thể nhờ cậy những người như thế giúp đỡ bất kỳ lúc nào, dù không phải là hôm hay. Công việc của ngày hôm nay không thể nào chia xẻ được.
Chàng đi xuống cầu thang, đi qua phòng đợi và lên đường 125 đông người. Lúc đến góc đường, chàng rẽ và bắt đầu đi lên thành phố bên trên. Trên đầu là những đường ray. Chàng đi trong ánh nắng trong vắt, vượt qua những khu nhà tập thể bỏ hoang, và chàng quan sát kỹ từng cái một. Sở Nhà đất đã kết án chúng bằng cách đóng lên đó những tấm nhôm, đã khóa từng cái miệng, bịt từng con mắt lại. Những con đường hẻm - gần như là những đường hầm - được dùng để chạy dưới một số những tòa nhà này. Joe nhớ lại những đường hẻm như thế từ lúc còn bé. Chúng bắt đầu dưới con đường ba bậc. Một vùng phụ cận khác, nhưng những tòa nhà tương tự. Người ta thường hay mang những bao than đá trên vai đi xuống các bậc cấp. Khoảng giữa dọc theo đường hẻm sẽ là cánh cửa của phòng Xúp-de. Vào cuối đường sẽ là ánh nắng ban ngày - một khu vườn nhỏ. Sở nhà đất, khi kết án tất cả những nhà này, cũng đã cho bít những cái hẻm của chúng lại, dù ít thành công. Trong những vùng phụ cận như thế này chúng quả có ích khi bị bít lâu ngày - có ích để làm nhà xí, để làm phòng bắn cho những kẻ ăn không ngồi rồi.
Như mong đợi, Joe đến một ngôi nhà mà tấm nhôm đã bị rách rơi xuống. Nó nằm méo mó trên đống gạch vụn ở cửa vào đường hầm. Joe bước xuống bậc cấp rồi bước qua, và miếng kim loại phản chiếu suốt từ đầu đến cuối. Lúc chàng đi đến cửa phòng Xúp-de cũ, chàng đang bịt mũi - mùi hôi thối của nước tiểu, của phân người, sao mà mạnh thế, chàng dừng lại và nhìn lui lại con đường mình đã đi qua. Chàng hầu như vô hình đối với đường phố và điều này cũng như đã được mong đợi. Quan trọng hơn, chàng đã tìm ra một địa điểm thứ nhì nơi các phát đạn có thể bắn đi mà chẳng ai nghe cả, một địa điểm tốt hơn địa điểm trước.
Bỗng nhiên chàng nghĩ đến thời gian. Điều này làm chàng kinh hoàng, bao nhiêu thời gian đã trôi qua nhỉ? Chàng đã dùng hết bao nhiêu, bao nhiêu còn lại để hoàn thành những sự chuẩn bị của chàng nhỉ? Những cây kim trên đồng hồ của chàng đã chỉ quá gần thời điểm ấy. Chàng luống cuống chạy dọc theo hẻm, lên ba bậc cấp và trở về lại nhà ga. Sau khi vượt qua cổng trước, chàng dừng lại ở giá báo, mua một tờ báo, điều này cho chàng một lúc để nhìn quanh, nhưng phòng đợi vẫn hầu như vắng vẻ, chẳng có tên hiếp dâm nào có mặt cả. Tờ báo là tờ New York Times sáng hôm ấy, bốn phần dày cộm, dù chàng chỉ cần một phần thôi. Chàng mang nó vào phòng vệ sinh dành cho đàn ông và chàng lại hài lòng vì chỉ có một mình - một lần nữa nhìn kỹ qua những phòng vệ sinh. Sau khi làm xong điều này chàng thảy ba phần tư tờ báo chưa đọc xuống sọt giấy quá đầy, rồi mở phần còn lại trên cái bàn rửa mặt và đục một lỗ ở kẽ giữa bằng chiếc bút bi. Sau khi gấp nó lại chàng bước vào một phòng vệ sinh và rút súng ra. Chàng bật trái khế, đếm đạn lần cuối cùng. Nhưng chàng không cho nó vào bao lại. Trái lại chàng bỏ nó vào túi áo comlê. Chàng không phải là cảnh sát trưởng miền Viễn Tây. Ở thời hiện đại những nghệ sĩ rút súng nhanh không dùng các bao súng. Túi áo bên có thể lấy dễ dàng hơn và nếu cần người ta có thể bắn xuyên qua vải.
Một số những sự chuẩn bị này Joe đã diễn xuất nhiều lần trước đây. Vào lúc cao điểm, tất cả mọi vụ án đều giống nhau. Cuộc bắt giữ phải được thực hiện và điều này hàm chứa sự nguy hiểm. Một nhân viên cảnh sát dù thông thạo thế nào cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông ta phải kiểm tra khu vực và vùng phụ cận, súng của ông ta và những tuyến hỏa lực có thể thực hiện được. Trong một lúc Joe thoáng nghĩ đến sự tầm thường của tình huống và ý nghĩ này mang theo nó một sự lành mạnh trở lại. Chàng không muốn làm gì nông nổi cho đến lúc chàng bảo đảm được mình bắt đúng người. Chàng muốn thực hiện cuộc thẩm vấn riêng của chàng. Tên hiếp dâm - nếu đấy là tên hiếp dâm chứ không phải là một tên sứ giả - sẽ có vũ trang. Joe phải rất cẩn thận. Nếu bạo lực được sử dụng, nếu một khẩu súng được đưa ra, chàng sẽ bắn. Chàng có quyền. Luật pháp sẽ cổ vũ chàng. Chàng không định giết ai cả, nhưng sẵn sàng làm thế nếu cần thiết.
Không có những sự chuẩn bị nào khác mà Joe có thể nghĩ ra được. Chàng đã sẵn sàng như bao giờ. Lúc còn năm phút nữa mới đến giờ chàng ra khỏi phòng vệ sinh dành cho đàn ông và băng qua hướng chiếc ghế dài đối diện các phòng điện thoại. Đấy là một chiếc ghế dài kỳ lạ cho một phòng đợi tàu lửa: nó trông giống một chiếc ghế dài nơi giáo đường. Nó có vẻ như không thuộc ở đây mà là trong một ngôi giáo đường, và cơn thịnh nộ lại quay vào bên trong người chàng. Đầu chàng chứa đầy những ý niệm mang bản chất tôn giáo một cách cơ bản. Nghề nghiệp của chàng là một nghề nghiệp tôn giáo hoặc chẳng là gì cả. Chàng đã tuyên thệ tuân theo ý Chúa, đã tuyên thệ tuân theo sự biểu hiện nghiêm khắc của luật pháp. Chàng là một người của tôn giáo. Chàng đã học qua các trường học Công giáo, đã kết hôn trong nhà thờ, đã dạy dỗ con cái thành những người Công giáo. Nhưng chàng cũng là một nhân viên cảnh sát tin vào Chúa của Cựu Ước. Chúa của Cựu Ước thích hợp với các nhân viên cảnh sát. Công việc của họ là phân phối những sự trừng phạt của Thiên Chúa, hoặc điều ấy thường có vẻ như là thực thi ý Chúa. Thiên Chúa trong kinh thánh quả còn tồn tại, Thiên Chúa của Thịnh Nộ, và trong những vấn đề trần thế, người nhân viên cảnh sát còn hơn là một nhân viên của Thiên Chúa nữa, ông ta là hiện thân của Ngài. Joe ngồi xuống trên chiếc ghế giáo đường. Trong vụ hiếp dâm của Mary Hearn, một cuộc bắt giữ sắp được thực hiện, nếu không thì sự xét đoán phải được trả lại. Sự trừng phạt trong kinh thánh có lẽ đã kề cận. Lúc này kẻ hiếp dâm có thể đã vào phòng đợi. Joe không thể liều lĩnh nhìn quanh để tìm hắn được. Những sự nghi ngờ của gã đàn ông ấy không được phép khêu dậy. Chẳng nhìn trái phải gì cả, Joe chỉ mở tờ báo của chàng ra thôi. Chàng đặt đầu vào trong đấy, rồi nhìn vào trong phòng điện thoại qua cái lỗ ở đường gấp chính giữa. Chàng có thể nhìn thấy rất ít, nên di chuyển cái lỗ để tìm cách nhìn nhiều hơn. Chàng có thể nhìn thấy chỗ ngồi trống, rồi hộp điện thoại câm lặng, nhưng không nhìn được cả hai cùng một lúc. Chàng có thể nhìn ống nghe gác trên giá của nó và độ một nửa sợi dây mềm rũ của nó và chàng tập trung vào đấy, tiêu điểm hạn chế nhất của cuộc đời chàng, vùng quan sát hẹp nhất. Chàng cho cái lỗ nhỏ trên tờ báo đóng khung ống nghe lại và chờ cho đến lúc chuông reo. Chàng đợi để nhìn một bàn tay chen vào cái khung của chàng. Điều ấy sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào.
Dù rằng thần kinh căng thẳng và cơn thịnh nộ gần như sôi sục, chàng vẫn tự buộc mình phải ngồi yên. Cái nhìn của chàng cố định ở khoảng trung tâm của cái chuông bên trong hộp điện thoại - cái chuông trong chốc lát có thể hoặc không reo lên - chàng đã bắt đầu nghi ngờ. Tiếng reo của nó tùy thuộc vào Mary, và chàng không thể nào biết được nàng đang mang tâm trạng như thế nào. Nàng có thể gọi, nàng có thể không. Quyết định nào cũng đau đớn cho nàng cả, một sự thử thách thêm mà chàng mong rằng mình có thể tha cho nàng.
Giả sử nàng không gọi thì sao?
Rồi cái nhìn vào thế giới qua cái lỗ rình này, tiêu điểm này trên nửa một hộp điện thoại bỗng có tác dụng trái ngược. Kẻ hiếp dâm có thể vào phòng đợi, có thể đến gần những phòng điện thoại này và rồi có thể chuồn ra lại mà chàng không trông thấy.
Thêm những cảnh phụ gợi lên. Giả sử chuông quả có reo, nhưng tên hiếp dâm, vì để ý đến tờ báo bất động của Joe, bỗng được báo động và lựa chọn không trả lời nó thì sao nhỉ? Hắn có thể ở ngoài cửa bên và biến đi trước khi chuông ngừng reo, ngay cả trước khi Joe nhìn lên.
Bây giờ mấy giờ nhỉ? Chàng cũng không có thể nhìn mà không thả tờ báo của chàng xuống, thả cái mặt nạ, cái thuẫn của chàng xuống. Nhưng chàng tin rằng điện thoại lẽ ra đã phải reo lúc này. Chàng bỗng tin chắc như thế. Bốn giờ đã đến và đi qua. Thời gian là một nhà tù. Thời gian còn hạn chế hơn những chiếc còng khóa tay nữa. Chính thời gian cầm tù con người chứ không phải phòng giam, thời gian giam hãm chàng ở đây. Chàng ao ước được biết thời gian chính xác. Dù chỉ một cái liếc vào đồng hồ đeo tay của chàng thôi cũng có thể lấy đi sự căng thẳng này, hoặc ít ra cũng làm nó vơi đi, chàng vẫn không cử động.
Mary không chịu gọi. Chàng có thể hình dung nàng đang bước đi lui tới trong nhà bếp, nhấc điện thoại lên, đặt nó xuống lại, đi lui tới thêm một chút nữa, không biết rẽ qua lối nào.
Chẳng bao lâu chàng bỗng tin rằng tên hiếp dâm cũng chẳng có mặt trong phòng đợi, đã có những sự suy nghĩ lại, để ý thức được sự nguy hiểm của mình và quyết định tiếp xúc với các nạn nhân của mình bằng cách khác.
Hoặc có lẽ hắn quả đang ở gần đấy, đang nhìn vào các phòng điện thoại. Joe còn phải đợi bao lâu nữa trước khi thả tờ báo xuống và dò xét mọi khuôn mặt trong phòng đợi nhỉ? Chàng có lẽ không thể chờ lâu được vì sự căng thẳng quá nghiêm trọng đến nỗi toàn thể thân mình chàng bắt đầu co rúm lại.
Điện thoại reo.
Nó reo độ mười lần. Tờ báo trở nên quá nặng đến nỗi Joe hầu như không nhấc tay lên được. Trên đầu, một chiếc xe lửa ầm ầm đi qua. Khi nó đã biến đi, điện thoại vẫn reo. Chẳng có ai định trả lời cả, Joe nghĩ thế. Chàng tuyệt vọng một cách thảm hại. Tư tưởng của chàng quay về lại Mary. Có lẽ nàng sẽ kinh hoàng hơn bao giờ hết. Chàng quyết định chàng sẽ bước vào phòng điện thoại, dừng tiếng reo khủng khiếp ấy. Chàng cũng sẽ nói chuyện với Mary, xoa dịu và trấn an nàng bằng tất cả khả năng của chàng.
Ống nghe đã biến mất khỏi giá. Đồng thời tiếng reo đã dừng lại. Một bàn tay đã vươn vào cái khung của Joe và rút ra lại. Điều ấy xảy ra thật nhanh đến nỗi chàng cũng chẳng thấy nó nữa. Một bàn tay đã giữ ống nghe và rút lại. Joe đưa lỗ nhìn trộm của chàng chung quanh nhằm tìm ra lại bàn tay, rồi nghĩ đến việc đưa cái khung lên ngang tầm mắt. Chàng tìm thấy bàn tay ở đấy.
Chàng không thể nào nhìn được khuôn mặt. Nó đang quay vào phòng điện thoại và bị cái ống nghe che khuất. Một người đàn ông da đen, điều được mong đợi tại Harlem.
Trong bản thân nó, nó chẳng chứng minh gì cả.
Sau khi gấp tờ báo lại, chàng cẩn thận đặt nó lên chiếc ghế dài. Chàng làm việc này từ từ. Bây giờ chàng có đủ thì giờ. Tất cả thì giờ trên đời. Một sự điềm tĩnh hầu như khắc khổ đã xâm chiếm người chàng và chàng bước hai bước qua hành lang dài chắn ngang và vào phòng điện thoại, dí súng vào chỗ thận của kẻ ấy.
Cái đầu nhăn nheo quay lại kinh ngạc, đôi mắt hạ thấp xuống chỗ khẩu súng và gã đàn ông - hắn khá trẻ - lùi xa vào phòng, theo khả năng có thể của hắn. Joe vào trong đấy theo hắn. Họ đứng áp ngực. Joe giật ống nghe khỏi tay hắn và đặt nó lên tai.
“Alô?”
Giọng nói của Mary. Joe lắng nghe.
“Alô?” Nàng lập lại. Có lẽ chàng muốn lấy lại sức mạnh từ giọng nói yêu dấu ấy. Có lẽ chàng chỉ muốn nghe nó một lần chót trước khi một điều gì đấy không cưỡng lại được xảy ra. Nhưng điều không cưỡng lại được ấy đã xảy ra rồi.
“Alô?” Giọng nói của Mary lập lại, lần thứ ba.
Joe gác máy.
Hai người đàn ông, một người đang mang theo một chiếc cặp da, vẫn ép sát vào phòng điện thoại. Mặt của họ thật gần nhau đến nỗi lẽ ra họ đã hôn nhau. Thân thể họ sát lại như đôi tình nhân. Chẳng có gì ngăn họ ra cả trừ nòng súng dài 5cm trước khẩu súng hết phiên trực của Joe.
Một tù nhân không thể bị lục soát hoặc còng tay trong một phòng điện thoại được, vì thiếu chỗ, cũng không được tại một ga xe lửa công cộng - thủ tục bắt giữ, vì gây cảm xúc mạnh mẽ, có khuynh hướng thu hút một đám đông, và đám đông đối với cảnh sát có thể là nguy hiểm. Đám đông đôi lúc cố gắng giải thoát tù nhân. Hoặc một đám đông có thể chứa một kẻ đồng lõa có vũ trang. Người ta xô tù nhân vào một hành lang, một ngõ hẻm và làm công tác trước khi đám đông tụ tập lại. Đối với một nhân viên cảnh sát, còng tay một người phải kín đáo.
Joe di chuyển cả hai về phía phòng vệ sinh dành cho đàn ông cạnh đấy, một địa điểm thích hợp hơn. Họ đi bén gót, chẳng có khoảng trống nào giữa họ cả; khẩu súng ép thật chặt vào quần áo con người ấy đến nỗi người ta cũng chẳng thể nào nhìn thấy nó. Joe, lúc ấy đang thực hiện lại những năm tháng luyện tập, hầu như chẳng nghĩ ngợi gì cả.
Chàng đẩy hắn khom người qua chỗ tiểu tiện. “Đưa tay lên tường. Dang chân ra.” Khuôn mặt đen kinh khiếp. “Đưa tay lên cao hơn. Cao hơn, tôi nói.”
Joe đập đập vào hắn từ trên xuống dưới. Làm việc bằng một tay, chàng chụp lấy chiếc ví lúc chạm ngang qua, ném nó vào chậu và tiếp tục. Chàng kiểm tra các bao súng ở mắt cá, luồn tay lên bên trong các ống quần đến tận đáy xương chậu. Chàng xử sự thô bạo về điều ấy. Chàng làm hắn càu nhàu. Chàng giở hắn lên cách sàn nhà một tấc rưỡi.
Chàng với tay ra sau lưng, nhặt lại chiếc ví, mở bật ra và liếc vào đấy. “George Lyttle. Tên anh đấy phải không?” Lần đầu tiên chàng nhìn lâu vào khuôn mặt gã tù nhân. Chàng nhìn nó trong chiếc gương trên hàng chậu. Mắt họ gặp nhau trong gương và Joe nhận ra rằng mắt gã tù nhân có lẽ, có thể gọi là xanh nhạt. Bản thân Joe không chịu gọi đó là xanh nhạt, nhưng chàng có thể thấy tại sao Mary đã có thể gọi như thế.
Đó là đôi mắt của một thanh niên thật kinh khiếp.
Joe hỏi, “Ai đang ở trên điện thoại đấy?”
“Hình như một bà nào đấy, tôi không quen.”
“Anh đến đấy để nhận điện thoại mà.”
“Tôi nghe điện thoại reo đấy.”
Joe hầu như không giữ bình tĩnh được. “Anh có thường trả lời những cú điện thoại reo ở các nhà ga không?”
“Với tôi đó là cái thú đấy.”
“Ai đang trên điện thoại đấy?”
“Thường là nhầm số.”
Chiếc cặp da của Lyttle nằm giữa hai cái chậu nơi Joe đã đặt nó xuống. Chàng cố gắng nhưng không mở nó ra bằng một tay được.
“Ông và tôi tốt nhất nên nói chuyện với nhau,” George Lyttle lên tiếng đề nghị. Hắn đã hơi quay lại và ngoái đầu qua vai nói chuyện.
“Tay lên tường,” Joe gắt.
Ngay tức khắc George Lyttle giật trở về lại tư thế trước kia của hắn. Sau khi liếm môi, hắn nói chuyện với Joe trong gương.“Tôi không hiểu được,” hắn bảo, “chuyện gì có thể là đề tài ở đây.”
Khóa cặp da là một loại khóa liên hợp. Joe cố gắng canh chừng George Lyttle và mở khóa cùng một lúc. Các bức ảnh sẽ ở trong đấy. Khi chàng bắt được chúng, chàng có thể hành động.
Có tiếng bước chân đang đi gần đến cửa phòng vệ sinh. George Lyttle đã nghe được. Hắn từ tường quay lại và bỏ tay xuống. Hắn xiết chặt cà vạt lại và với cử chỉ này có vẻ như lấy lại một chút tự tin nào đấy.
Joe cũng nghe được. Súng của chàng chui vào lại trong túi, tay chàng theo với nó và giữ lại đấy. Mắt chàng vẫn khóa chặt vào mắt Lyttle và vẻ mặt của chàng hiện lên: Hãy cố gắng làm gì đi và tôi sẽ cho một phát xuyên qua người ông đấy.
Cửa phòng vệ sinh mở ra. Người thương gia trung niên đã trèo xuống từ chiếc ghế đánh giày cao. Tay ông ta đã đặt sẵn nơi phéc-mơ-tuya đã kéo xuống một nửa. Ông ta kinh ngạc nhìn hết người này đến người khác và lập tức bỗng căng thẳng, ông ta ghi nhận một người đàn ông với bàn tay trong túi, có lẽ đang giấu một khẩu súng và một người đàn ông thứ nhì trông có vẻ sợ hãi. Ông ta biết mình đã làm gián đoạn một điều gì riêng tư đây. Ông ta bước đến nơi tiểu tiện, nhưng không tập trung vào việc ấy được. Qua vai, ông ta chớp mắt từ người này đến người kia. Điều ấy là ông vội vã. Ông ta vội lắc cho khô, kéo phéc-mơ-tuya lên và đi ra.
Mười phút sau Joe và George Lyttle cũng rời phòng vệ sinh. Lyttle dẫn đường. Joe đi sau lưng hắn chưa đầy hai bước, khẩu súng vẫn trong túi. Chàng mang chiếc cặp da trên tay còn rảnh và lẩm bẩm những chỉ thị từ khóe miệng. Chàng đã quyết định, dù điều gì xảy ra sau đó, phòng đàn ông ấy cũng chẳng phải là địa điểm cho điều ấy. Joe biết một nơi tốt hơn và đấy là nơi họ sẽ đến.
Họ bước theo cửa hông ra ngoài nắng và không khí mát rồi đi lên phố trên trên vỉa hè đối diện với những trụ đường ray. Trong vòng một khu nhà rưỡi họ đến đường hẻm nơi tấm nhôm đã bị xé đi. Joe đẩy George xuống ba bậc cấp và vượt qua nó. Chàng đưa hắn đi dọc theo đường hẻm về phía ánh sáng ở đầu kia, đưa hắn đi loạng choạng qua gạch vụn và rác rưởi dưới chân. Mùi nhà xí lại làm Joe muốn nôn mửa. Khi họ đã đi sâu vào đến cửa phòng Xúp de, Joe dừng hắn lại và bảo, “Khá xa rồi đấy.”
Giọng chàng vang lên như báo điềm gở ngay cả đối với chàng, và nó hình như làm gia tăng thêm cơn sợ hãi của Lyttle, đầu hắn xoay qua xoay lại như thể cổ áo sơ mi của hắn quá chật. Hoặc có lẽ hắn đang tìm một hướng để chạy.
Nhưng trong hẻm này chẳng có lối thoát nào cả. Joe bảo, “Bây giờ hãy mở cái cặp ấy ra.”
Khi George Lyttle không tuân lệnh ngay, Joe đập hắn bằng cạnh súng. Cú đánh nhằm vào tai hắn, nhưng Lyttle trông thấy nó lao đến và hụp đầu né. Khẩu súng đập vào bả vai hắn. Lập tức hắn thẳng người lại. “Từ từ đã, ông.” Hắn cầu khẩn. “Từ từ đã.”
“Mở nó ra, tôi bảo.”
“Tôi không làm chủ cái khóa liên hợp ấy,” George Lyttle đáp. “Tôi mang chiếc cặp ấy cho một người. Chiếc cặp đặc biệt ấy không phải của tôi đâu.”
Joe dí chặt mũi súng vào trán của Lyttle, đẩy đầu hắn dựa ra sau tường. Đôi mắt xanh nhạt, nếu chúng quả là xanh nhạt, mở ra thật to và Joe cảm thấy dâng lên một niềm hài lòng mãnh liệt. “Tôi sẽ đếm đến mười,” chàng bảo.
“Chuyện gì xảy ra với ông thế, ông?” Lyttle lắp bắp. “Ông muốn bắt tôi, ông hãy còng tay tôi, ông hãy đưa tôi đến trạm cảnh sát, ông hãy đọc cho tôi nghe quyền lợi của tôi và cho tôi gọi điện thoại,” Cái lưỡi đỏ dài của hắn thụt ra thụt vào và hắn liếm đôi môi khô nẻ của hắn. “Đấy là lời tôi khuyên ông đấy.”
Đấy là lời khuyên tốt, và Joe, dù gần muốn điên lên, vẫn còn khá bình thường để nhận ra điều ấy. Một nhân viên cảnh sát theo luật và điều lệ của sở bắt buộc phải làm việc theo sách vở. Thủ tục đúng đắn giữ an toàn cho anh ta về mặt luật pháp và cũng thường về mặt thể chất nữa. Sách vở có tất cả những câu trả lời và bước ra khỏi sự bảo vệ của nó là tự sát về nghề nghiệp; lúc anh ta tìm cách trở lại nghề, anh ta sẽ đương đầu với những món tiền phạt. Nhưng đối với Joe điều ấy đã quá trễ. Như hầu hết những nhân viên cảnh sát đã vượt ra sách vở, chàng không còn chỉ huy được những hành động của riêng mình nữa. Sự cư xử cuồng loạn này chỉ mở đường cho sự xử sự cuồng loạn khác thôi.
Chàng bảo, “Mở ra. Còn lại bốn giây,” và chàng bắn một phát vào tường.
Phát đạn chắc có vẻ như một tiếng sấm nổ cho George Lyttle và hơi nổ của mũi súng làm cho khuôn mặt hắn xanh hơn đôi mắt hắn. Trước khi âm thanh ngừng vang dội, hắn đã quỳ xuống, sờ soạng để mở chiếc cặp. Hắn phải nghiêng nắp cặp về phía ánh sáng để nhìn những con số. Tay hắn run rẩy.
Lúc chiếc cặp mở bật ra, một cặp còng tay chuồi ra. “À,” Joe vừa nói vừa nhặt lên và xem xét. “À, à, à.” Đó không phải là còng tay của cảnh sát. Chỉ là đồ giả rẻ tiền, gần như là đồ chơi, loại còng tay mà người ta mua trong một tiệm S và M nào đó (S&M – Sadism & Masochism Bạo dâm & Khổ dâm), cùng với một chiếc găng tay bằng lông chồn. Joe đã quá thường thấy chúng ở những hiện trường gây án.
Cặp còng tay của Lyttle nằm trên lòng bàn tay của chàng. Một cách cẩu thả, như bóng chày, Joe tung chúng lên không rồi bắt lại. Dù mỏng manh, chúng có thể làm bất động một người đàn ông được lắm. Hoặc một người đàn bà. Người ta có thể đặt những chiếc còng như thế lên một người đàn bà và hãm hiếp thỏa thích.
Trên đầu Lyttle có một cái ống gắn vào trần nhà. Joe còng hắn vào ống bằng cườm tay phải. Chàng cố sức làm điều ấy thật tàn ác, siết chiếc còng chặt, bấm cả vào thịt.
“Này ông, có phải tôi bị bắt không đấy? Quyền lợi của tôi thế nào?”
“Ai là người đàn bà trên điện thoại?” Joe hỏi. “Người đàn bà trên điện thoại có quyền lợi không nhỉ?”