A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Drei Kameraden
Dịch giả: Vũ Hương Giang
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Nguyen Chi Hai
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2448 / 71
Cập nhật: 2018-07-19 12:37:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
huyện xảy ra ba tuần sau đó, vào một tối tháng Giêng lạnh lẽo. Tôi ngồi chơi bài Mười bảy và bốn với ông chủ trong tiệm Quốc Tế. Tiệm vắng tanh, ngay các ả điếm cũng chẳng thấy bén mảng đến. Thành phố đang náo động. Ngoài đường lúc nào cũng rầm rập những đoàn người đi ngang, có đoàn vang lên khúc quân hành, có đoàn lại hát Quốc Tế Ca, rồi lại đến những dòng người câm lặng dài dằng đặc giương cao những tấm biểu ngữ đòi việc làm và bánh mì. Tiếng ngàn vạn bước chân nện trên mặt đường giống như tiếng một chiếc đồng hồ khổng lồ không biết đến khoan nhượng. Hồi chiều đã xảy ra một cuộc đụng độ giữa những người đình công và cảnh sát, làm mười hai người bị thương, và vài giờ trở lại đây, toàn bộ lực lượng cảnh sát ở trong tình trạng báo động. Những chiếc xe đi đàn áp bóp còi inh ỏi trên các nẻo đường.
“Không sao yên được”, ông chủ nói và chĩa con mười sáu ra. “Từ dạo chiến tranh đến giờ không còn được yên nữa. Mà ngay thưở đó cũng có ai mong gì hơn là được yên thân đâu. Trái đất điên rồ!”
Tôi chìa con mười bảy và vơ tiền. “Trái đất không điên”, tôi nói. “Chỉ lũ người rồ”.
Alois, nãy giờ đứng sau ghế ông chủ xem đánh bài, liền phản đối. “Họ chẳng rồ. Chỉ tham lam. Không kẻ nào chịu nhường kẻ nào. Và vì có lắm của quá mà hóa ra phần đông lại trắng tay. Chẳng qua là chuyện phân phối”.
“Thì rõ”, tôi nói và bỏ hai lần liền không rút bài. “Nhưng chuyện ấy vốn có từ cả ngàn năm nay”.
Ông chủ rút bài. Ông được con mười lăm và nhìn tôi nghi ngại. Ông bèn bỏ, rút tiếp lá khác, con mười hai, phải chi cứ để mười lăm thì ông đã thắng. “Bố khỉ, thôi quái chơi nữa”, ông chửi thề. “Lừa gạt đểu giả đến thế là cùng! Tôi cứ nghĩ anh phải có mười tám là ít”.
Alois lầu bầu gì đó. Tôi vơ tiền. Ông chủ vừa ngáp vừa nhìn đồng hồ. “Mười một giờ đến nơi rồi. Đóng cửa thôi. Chả ma nào đến nữa đâu”.
“Có ai đến kia kìa”, Alois bảo.
Cửa mở. Koster vào, “Ngoài ấy có gì lạ không, Otto?”
Cậu ta gật. “Một cuộc ẩu đả lớn trong các hội trường Borussia[16]. Hai người bị thương nặng, vài chục người bị thương nhẹ, khoảng một trăm bị bắt. Hai trận đọ súng ở bắc thành phố. Một cảnh sát chết. Mình không rõ số người bị thương. Thế đấy, hẳn bây giờ, sau khi kết thúc các cuộc họp đông đảo, mới thực sự bắt đầu cuộc tắm máu. Cậu xong việc ở đây rồi chứ?”
“Ừ”, tôi nói. “Tụi này vừa toan đóng của”.
“Thế thì theo mình”.
Tôi nhìn ông chủ. Ông gật đầu. “Vậy, chào ông”, tôi nói.
“Chào”, ông chủ đáp uể oải. “Cẩn thận đây”.
Chúng tôi đi ra. Bên ngoài thoang thoảng mùi tuyết, truyền đơn rải khắp đường như những con bướm trắng khổng lồ rã cánh.
“Gottfried không có đây”, Koster nói. “Cậu ta lại chúi vào một cuộc họp nào hẳn thôi. Mình nghe nói cảnh sát sẽ đàn áp và tin chắc còn xảy ra lắm chuyện lôi thôi. Nếu tụi mình túm được cậu ta về trước khi cuộc họp kết thúc thì hay quá. Cậu ta có chín chắn gì cho cam”.
“Cậu biết cậu ta ở đâu không?”, tôi hỏi.
“Không chắc lắm. Nhưng thế nào chẳng ở một trong ba cuộc họp chính. Tụi mình phải lượn qua cả ba. Tóc vàng chóe như Gottfried thì dễ nhận ra thôi mà”.
“Được”. Chúng tôi lên xe và Karl phóng đến địa điểm tụ họp thứ nhất.
Ngoài đường lù lù một chiếc xe cam-nhông chở đầy cảnh sát. Lố nhố mũ sắt buông giáp che kín cổ. Những nòng súng cácbin ánh lên mờ mờ dưới đèn đường. Các cửa sổ treo cờ sặc sỡ. Trước lối vào chen chúc một đám đông mặc đồng phục. Hầu hết đều trẻ măng.
Chúng tôi mua hai vé vào cửa. Khước từ những cuốn sách nhỏ, những hộp quyên góp, những đơn tình nguyện được đưa ra chào mời, chúng tôi đi thẳng vào phòng họp. Phòng chật cứng người, sáng choang để có thể nhận ra ngay người muốn phát biểu. Chúng tôi đứng lại bên cửa, và Koster, vốn tinh mắt, dõi tìm khắp lượt.
Trên diễn đàn, một người đàn ông thấp béo, vạm vỡ đang diễn thuyết. Cái giọng ngực ồm ồm của ông ta dễ dàng vang đến tận góc xa nhất. Đó là một giọng nói đầy sức thuyết phục, dẫu người ta không để ý lắm đến nội dung của nó. Vả chăng những điều được nói ra cũng thật dễ hiểu. Người đàn ông đi đi lại lại trên diễn đàn, thoải mái, tay khẽ vung vẩy, thỉnh thoảng lại nhấp một ngụm nước và buông lời bông đùa. Nhưng rồi bỗng ông ta đứng sững, hướng thẳng vào cử tọa, và với giọng khác hẳn, gay gắt, ném ra hết câu này đến câu khác, mạnh như roi quất, vạch những sự thật mà ai cũng biết về lầm than, đói khát, thất nghiệp… ông ta nói mỗi lúc mỗi hăng, lôi cuốn thính giả, cho tới khi thét lên dữ dội: “Không thể để tình trạng này tiếp diễn! Phải thay đổi!”
Dân chúng hoan hô vang dậy, vừa vỗ tay vừa la hét, làm như mọi sự đã thay đổi qua bài hùng biện. Trên kia, kẻ diễn thuyết chờ đợi tiếng cổ vũ lắng xuống. Mặt mũi ông ta sáng rỡ, hả hê. Và rồi những lời hứa hẹn hào phóng, đầy sức thuyết phục, hấp dẫn khôn cưỡng, nối nhau phun ra như mưa, chỉ thấy toàn hứa hẹn là hứa hẹn: trên bấy nhiêu cái đầu, một thiên đường trải ra rực rỡ mê hồn, đó là một cuộc xổ số mà ai cũng trúng giải độc đắc, ai cũng tìm được hanh phúc riêng, quyền lợi riêng và báo được thù riêng.
Tôi nhìn đám thính giả. Đó là những con người thuộc đủ mọi ngành nghề: kế toán, tiểu thương, công chức, vô số thợ thuyền và nhiều phụ nữ. Giờ đây họ ngồi đó trong gian phòng nóng sực, hoặc cúi về trước, hoặc ngả ra sau. Hàng sát hàng, mặt kề mặt, dòng thác hùng biện cuồn cuộn chảy trên đầu họ, và kỳ lạ chưa: dẫu họ là muôn người khác nhau, gương mặt họ có cùng một vẻ lơ đãng, cùng một ánh mắt ngái ngủ dõi vào cái cõi xa xăm của một ảo ảnh mờ sương về bà tiên Morgana, cái nhìn ấy vừa trống rỗng, lại vừa chứa đựng niềm hy vọng mãnh liệt xua tan tất cả: phê phán, ngờ vực, những mâu thuẫn, thắc mắc, đời sống hàng ngày, hiện tại, thực tế. Cái ông đứng trên kia cái gì cũng biết… ông ta giải đáp mọi câu hỏi, tìm ra lối thoát cho mọi cảnh khốn cùng. Kể cũng thích khi được tin cậy ông ta. Kể cũng thích khi có người nghĩ hộ mình. Tin tưởng thích lắm chứ.
Koster huých tôi. Không có Lenz ở đây. Cậu ta hất đầu về phía lối ra. Tôi gật, rồi hai thằng bỏ đi. Mấy tay giữ trật tự cau có, ngờ vực nhìn theo chúng tôi. Ở phòng ngoài, một ban nhạc tư thế sẵn sàng tiến vào phòng họp. Sau họ là một rừng cờ và phù hiệu.
“Tài tổ chúc đấy chứ, hả?”, ra ngoài đường, Koster hỏi.
“Cực tài. Mình có thể đánh giá như vậy, với danh nghĩa cựu phụ trách tuyên truyền”.
Chúng tôi đi tiếp vài phố nữa. Ở đó đang diễn ra cuộc họp chính trị thứ hai. Cờ quạt khác, đồng phục khác, phòng khác, còn thì giống hệt cuộc họp kia. Trên các gương mặt vẫn cùng một vẻ: niềm hy vọng mơ hồ và sự trống rỗng mê muội. Bàn chủ tịch phủ khăn trắng chạy ngang trước các dãy ghế. Ngồi sau bàn là các bí thư Đảng, ông chủ tịch, và vài cô gái già giàu nhiệt huyết. Diễn giả, thoạt trông đã biết là công chức, kém hùng biện hơn tay trước. Anh ta nói tiếng Đức chính thống, đưa ra những con số, những bằng chứng, tất thảy đều chính xác, dẫu vậy bài nói của anh ta vẫn ít sức thuyết phục hơn tay kia, kẻ hầu như không hề chứng minh mà chỉ khẳng định. Mệt mỏi, các bí thư Đảng gà gật trên bàn chủ tịch; họ đã qua hàng trăm cuộc họp như vậy.
“Đi thôi”, được một lát Koster bảo. “Cậu ta cũng chẳng ở đây nốt. Vả lại mình cũng đoán cậu ta không đến đây”.
Chúng tôi đi tiếp. Sau cái hơi mù ngột ngạt trong những gian phòng đông nghịt người, không khí bên ngoài thật mát mẻ, trong lành. Xe phóng vèo vèo qua các phố. Chúng tôi chạy dọc một con kênh. Đèn đường hắt ánh sáng vàng vọt xuống mặt nước tối om đang khe khẽ vỗ vào đôi bờ bê-tông. Một chiếc xàlan đen sì chậm chạp trôi qua. Chiếc tàu kéo xàlan nháy đèn hiệu xanh, đỏ. Một con chó chõ vào bờ sủa, rồi một người đàn ông đi ra, tạt ngang trước đèn và biến vào một cửa quầy tàu lấp lóe ánh sáng vàng trong giây lát. Bên kia kênh, những dãy nhà phía tây sáng trưng. Một nhịp cầu cong nối từ bên đó sang bên này. Xe hơi, xe buýt và tàu điện qua lại liên tục. Chiếc cầu như một con rắn rực rỡ, lấp lánh vắt mình trên vùng nước đen lờ đờ.
“Theo mình nên để xe lại đẩy đi bộ nốt quãng cuối cùng”. Koster nói sau một lát suy nghĩ. “Cho đỡ bị để ý”.
Chúng tôi dừng chiếc Karl dưới ngọn đèn đường trước một quán rượu. Một chú mèo trắng lủi nhanh khi chúng tôi xuống xe. Mấy ả điếm khoác tạp dề đứng dưới cái cổng vòm cách đó một chút im bặt khi chúng tôi đi ngang. Một bác quay đàn oóc tựa lưng vào xó tuồng ngủ. Một bà lão bới rác ở vệ đường.
Chúng tôi đi tới một khu nhà cho thuê đồ sộ, bẩn thỉu có nhiều nhà phía trong, nhiều sân và lối vào. Ở tầng dưới cùng là vài cửa hiệu nhỏ, một tiệm bánh và một điểm thu mua giẻ rách, sắt vụn. Ngoài đường, trước lối vào đầu tiên, đỗ hai xe cam-nhông chả cảnh sát.
Ở góc sân ngoài cũng dựng một cái bệ bằng gỗ ván, trên đó treo mấy tấm bản đồ chiêm tinh to tướng. Trước một cái bàn chất đầy giấy má, một lão đàn ông chít khăn đứng trên cái bục nhỏ. Trên đầu lão treo một tấm biển: Chiêm tinh. Xem tướng tay. Đoán tương lai… Năm mươi xu một lá số tử vi. Một đám người vây quanh lão. Ánh sáng gắt của ngọn đèn cácbon rọi vào bộ mặt vàng khè, nhăn nheo của lão. Lão nói với đám thính giả đang im lặng ngước nhìn lão… vẫn là cái ánh mắt trống rỗng, lơ đãng, trông chờ phép mầu ban nãy ở các thính giả của hai cuộc họp có đủ cờ quạt, kèn trống kia.
“Otto”, tôi bảo Koster, “hiện giờ thì mình biết thiên hạ muốn gì. Họ hoàn toàn chẳng muốn chính trị. Họ cần thứ thay thế tôn giáo”.
Cậu ta quay lại. “Chứ sao. Họ muốn lại được tin vào cái gì đó. Cái gì cũng được. Cho nên họ mới cuồng tín đến thế”.
Chúng tôi vào sân thứ hai kế phòng họp. Mọi cửa sổ đều sáng đèn. Chợt chúng tôi nghe ồn ĩ bên trong. Đúng lúc đó, như theo một tín hiệu hẹn trước, từ của ngách tôi om, một tốp thanh niên mặc áo vinilông lao qua sân, rồi men sát dưới các cửa sổ xông tới cửa phòng họp. Tên đi đầu đạp tung của, cả bọn ào vào. “Một toán đột kích”. Koster nói. “Lại đây mau, nép vào tường, sau các thùng bia”.
Tiếng gào rú, la thét nổi lên trong phòng. Một giây sau, kính cửa sổ vỡ toang, có người nhào ra. Liền đó cửa lớn bật tung, người ùn ùn đổ ra, đám trước bổ nhào, đám sau ngã chổng lên trên. Một thiếu phụ vừa thất thanh kêu cứu vừa ù té thoát qua cổng vòm. Đợt thứ hai xô ra, người nằm chắn ghế kẻ cầm vại bia giận dữ lăn xả vào nhau. Một bác thợ mộc to lừng lững nhảy khỏi đám và thủ thế cách đó một chút, hễ thấy đầu một địch thủ trước mắt là bác vung tít cánh tay dài ngoẵng tống hắn bật trở lại cái vòng người đấm đá túi bụi ấy. Bác xuất “chưởng” hết sức bình thản, như thể đang bổ củi.
Một đám nữa nhao ra; chúng tôi chợt thấy, cách chừng ba mét, mớ tóc vàng hoe của Gottfried trong tay một thằng cha cuồng bạo để ria mép.
Koster khom mình xuống, biến vào đám ẩu đả. Vài giây sau, tên để ria buông Gottfried, hai tay giơ lên trời với nét mặt bàng hoàng tột độ, rồi đổ huych vào đám đông như một cái cây bị đốn hết rễ. Liền đó tôi phát hiện ra Koster đang túm cổ áo Lenz lôi theo mình.
Lenz cưỡng lại. “Để mình trở lại tí nữa thôi, Otto”, cậu ta hổn hển.
“Điên vừa chứ”, Koster kêu, “cảnh sát đến bây giờ đây này! Chạy đi, vòng phía sau lên tầng trên!”
Chúng tôi băng qua sân về phía của ngách tối mò. Thật hú vía. Ngay lúc ấy, tiếng còi đột ngột huýt vang sân, những chiếc mũ sắt đen lấp lánh, và cảnh sát vây kín các ngả. Chúng tôi chạy lên cầu thang để tránh bị điệu về bót. Từ một cửa sổ trên hành lang, chúng tôi quan sát diễn biến cuộc vây ráp. Cảnh sát hành động không chê vào đâu được. Thoạt đầu quây đám người, chốt lại đấy, tách từng tốp, rồi xé lẻ từng người và lập tức tống lên xe chở đi. Người sa lưới đầu tiên là bác thợ mộc sửng sốt chưa hiểu mô tê gì cứ tìm cách phân bua vô ích. Một cánh cửa mở xoạch sau lưng chúng tôi. Một thiếu phụ mặc áo ngủ, cặp giò gầy guộc để trần, tay cầm nến, thò đầu ra. “Mình đấy à?”, chị ta càu nhàu.
“Không”, Lenz nói, lúc này đã trấn tĩnh. Thiếu phụ đóng sập cửa lại. Lenz lấy đèn pin soi cánh cửa. Trong nhà này, người ta đang đợi cửa bác phó nề Gerhard Peschke.
Bên dưới yên ắng trở lại. Cảnh sát đã rút, sân vắng ngắt. Chúng tôi đợi thêm lát nữa, rồi xuống thang.
Một đứa bé khóc sau một cánh cửa. Nó khóc khe khẽ, nỉ non trong bóng tối.
Chúng tôi đi qua sân ngoài. Lão thầy tướng số đứng trơ thân cụ trước những tấm bản đồ chiêm tinh. “Một lá số tử vi chứ, thưa các vị?”, lão gọi. “Hay xem tay đoán số vậy?”
“Này, thử xem đi”, Gottfried nói và chìa tay cho lão.
Lão già ngắm nghía hồi lâu. “Ông có khuyết tật ở tim”, đoạn lão nói dứt khoát, “ông dồi dào tình cảm, đường trí tuệ khí ngắn, bù lại, ông có khiếu âm nhạc. Ông khỏe mơ mộng, nhưng lại là người chồng vô tích sự. Tuy thế, tôi thấy ba đứa con. Bản chất ông giỏi giao thiệp, thiên về trầm tư, và ông sẽ thọ tám mươi”.
“Chí lý”, Gottfried nói. “Bà cụ tôi vẫn luôn bảo kẻ ác thường sống lâu. Đạo đức là một phát minh của con người chứ không phải thứ thích hợp với cuộc sống”.
Cậu ta trả tiền lão già, chúng tôi đi tiếp. Phố vắng tanh. Một con mèo đen vụt qua trước mặt chúng tôi. Lenz chỉ nó “Tụi mình nên quay lại mới phải”.
“Chà kệ”, tôi nói, “vừa nãy bọn này thấy một con trắng, thế là hòa”.
Chúng tôi đi xuôi dãy phố. Phía bên kia đường, một tốp người đi ngược lại chúng tôi. Đó là bốn thằng trai trẻ. Một thằng đi đôi ghệt da mới màu vàng nhạt, những thằng khác dận thứ ủng như ủng lính. Chúng dừng lại, nhìn sang chúng tôi. “Nó đấy!”, bỗng thằng đi ghệt thét lên và chạy xéo qua đường lao về phía chúng tôi. Sau nháy mắt, hai tiếng súng nổ, thằng ấy nhảy phắt sang bên kia đường và cả bốn thằng cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Tôi thấy Koster toan phi theo, nhưng bỗng quay ngoắt lại một cách kỳ dị, hai tay dang ra, kêu lên một tiếng điên dại, đau đớn, và cố vực Lenz vừa đổ huỵch xuống mặt đường.
Trong tích tắc, tôi tưởng cậu ta chỉ ngã thế thôi, rồi tôi thấy máu. Koster giật tung chiếc áo vét của Lenz, xé toạc áo sơ-mi… máu trào ra như suối. Tôi lấy khăn tay rịt vào. “Ở đây, mình đi lấy xe”, Koster kêu lên và chạy đi.
“Gottfried”, tôi nói, “nghe mình gọi không?”
Mặt cậu ta xám lại. Mắt khép hờ. Mi mắt không động đậy. Một tay tôi nâng đầu cậu ta, tay kia ấn chặt chiếc khăn vào chỗ máu chảy. Tôi quỳ bên Lenz, tôi lắng tai cố tìm tiếng khò khè của cậu ta, hơi thở của cậu ta, nhưng không nghe thấy gì, tất cả đều im phắc: con đường vô tận, dãy nhà vô tận, đêm tối vô tận… tôi chỉ nghe tiếng máu khẽ nhỏ xuống mặt đường và biết rằng cảnh này hẳn đã từng xảy ra giống hệt và rằng nó không thể có thật.
Koster lao xe đến. Cậu ta ngả lưng ghế trái ra. Chúng tôi gượng nhẹ nâng Gottfried đặt nằm trên cả hai ghế. Tôi nhảy lên và Koster vọt xe đi. Chúng tôi đến trạm cấp cứu gần nhất. Koster thận trọng phanh xe. “Vào xem có bác sĩ không. Nếu không, phải tìm nơi khác”.
Tôi chạy vào. Một y tá ra đón. “Có bác sĩ đây không?”
“Có. Các anh mang ai lại à?”
“Phải. Đi với tôi! Đem cáng ra”.
Chúng tôi đặt Gottfried lên cáng khiêng vào. Bác sĩ đã sẵn sàng tay áo xắn cao. “Đặt lên đây!” Ông chỉ vào một cái bàn phẳng. Chúng tôi nâng cáng đặt lên. Bác sĩ kéo một ngọn đèn xuống sát người Lenz.
“Gì thế này?”
“Đạn súng lục”.
Ông lấy một nắm bông chùi máu, xem mạch Gottfried, nghe tim cậu ta, rồi thẳng người dậy. “Hết cách rồi!”.
Koster ngó ông đăm đăm. “Vết đạn chệch hẳn sang bên kia mà. Không thể nặng tới mức ấy được!”
“Những hai phát!”, bác sĩ nói.
Ỏng lại chùi máu. Chúng tôi cúi xem. Và chúng tôi thấy chếch dưới vết thương tuôn máu xối xả còn một vết nữa… một lỗ nhỏ sâu hoắm ngay ở vùng tim.
“Hẳn ông ấy đã chết ngay lúc đó”, bác sĩ nói. Koster đứng thẳng dậy. Cậu ta nhìn Gottfried. Bác sĩ đặt gạc lên các vết thương và dùng băng dính dán lại. “Các ông muốn rửa ráy không?”, ông hỏi tôi.
“Không”, tôi đáp.
Giờ đây mặt Gottfried vàng xỉn, hốc hác. Miệng hơi méo, mắt khép hờ, mắt này khép ít hơn mắt kia một chút. Cậu ấy nhìn chúng tôi. Cậu ấy không ngừng nhìn chúng tôi.
“Chuyện xảy ra thế nào?”, bác sĩ hỏi.
Không ai trả lời. Gottfried nhìn chúng tôi. Cậu ấy nhìn chúng tôi không rời.
“Cứ để ông ấy ở đây”, bác sĩ nói.
Koster choàng tỉnh. “Không”, cậu ta đáp, “chúng tôi đưa về”.
“Đâu được”, bác sĩ nói. “Chúng ta phải gọi điện báo cảnh sát. Cả cảnh sát hình sự. Phải lập tức tiến hành mọi biện pháp để tìm ra hung thủ”.
“Hung thủ ư?”, Koster nhìn bác sĩ tuồng như không hiểu ông nói gì.
“Được”, đoạn cậu ta bảo, “tôi sẽ đưa xe đi đón cảnh sát”.
“Ông có thể gọi điện. Họ sẽ có mặt nhanh hơn”.
Koster chậm rãi lắc đầu. “Không. Tôi sẽ đón họ”.
Cậu ta đi ra, rồi tôi nghe tiếng Karl rồ máy.
Bác sĩ đẩy đến trước tôi một cái ghế. “Ông định đứng mãi thế sao?”
“Cám ơn”, tôi nói và vẫn đứng. Ánh đèn sáng trắng vẫn rọi trên bộ ngực đẫm máu của Gottfried. Bác sĩ đẩy đèn cao lên một chút.
“Chuyện xảy ra thế nào?”, ông lại hỏi.
“Tôi không rõ. Hẳn phải có sự nhận lầm với ai đó”.
“Ông ấy từng tham dự chiến tranh phải không?”, bác sĩ hỏi.
Tôi gật.
“Nhìn các vết sẹo thì biết”, ông nói. “Cả cánh tay đầy vết đạn nữa. Ông ấy đã nhiều lần bị thương”.
“Phải. Bốn lần”.
“Thật khốn nạn”, viên y tá nói. “Thưở đó thì cả cái lũ chấy rận đê tiện kia đều đang còn quấn tã”.
Tôi không đáp. Gottfried nhìn tôi. Nhìn tôi không rời.
Khá lâu sau Koster mới trở lại. Cậu ta về một mình. Bác sĩ đặt tờ báo dang đọc dở xuống. “Các nhà chức trách đến rồi chứ?”, ông hỏi.
Koster vẫn đứng, Cậu ta không nghe bác sĩ nói gì.
“Cảnh sát đến rồi chứ?”, bác sĩ hỏi lại.
“Phải”, Koster đáp. “Cảnh sát ấy à? Ta phải điện thoại gọi họ đến”.
Bác sĩ nhìn cậu ta, nhưng không nói gì, đoạn lại bên máy điện thoại. Vài phút sau hai nhân viên cảnh sát đến. Họ ngồi vào bàn, và một người bắt đầu ghi lý lịch của Gottfried. Không hiểu sao tôi thấy thật điên rồ khi phải khai cậu ấy tên gì, sinh năm nào, sống ở đâu… khai lúc này, khi cậu ấy đã chết. Tôi nhìn trân trân vào ngọn bút chì đen mà thỉnh thoảng viên cảnh sát lại đưa lên môi nhấm, và trả lời như máy.
Viên cảnh sát kia bắt tay vào lập biên bản. Koster cung cấp những điều cần thiết, “Ông có thể tả sơ sơ cho tôi hình dáng hung thủ không?”, viên cảnh sát hỏi.
“Không”, Koster đáp. “Tôi đã không để ý”.
Tôi nhìn sang cậu ta. Tôi nhớ đến đôi ghệt vàng và những bộ đồng phục.
“Ông không biết hắn ta thuộc đảng phái chính trị nào à? Ông không trông thấy các phù hiệu hay đồng phục gì sao?”
“Không”, Koster nói, “Tôi chẳng trông thấy gì trước khi có tiếng súng nổ. Còn sau đó tôi chỉ lo cứu…”, cậu ta ngắc lại một giây… “cứu người đồng đội của tôi”.
“Ông tham gia một đảng phái chính trị nào chăng?”
“Không”.
“Tôi hỏi thế là vì ông vừa nói ông ấy là đồng đội của ông…”.
“Đồng đội từ thời chiến tranh”, Koster nói.
Viên cảnh sát quay sang tôi. “Ông mô tả lại thủ phạm được chứ?”
Mắt Koster nhìn như dán vào tôi. “Không”, tôi nói. “Tôi cũng chẳng trông thấy gì cả”.
“Lạ nhỉ”, viên cảnh sát nói.
“Chúng tôi mải nói chuyện nên không để ý gì cả. Vả lại sự việc diễn ra quá nhanh”.
Viên cảnh sát thở dài. “Thế này thì thật ít hy vọng tóm được lũ ấy”.
Anh ta hoàn chỉnh biên bản. “Chúng tôi đưa xác ông ấy về được không?”, Koster hỏi.
“Thật ra thì…”, viên cảnh sát nhìn bác sĩ. “Nguyên nhân cái chết được xác định hoàn toàn minh bạch chứ ông?”
Bác sĩ gật đầu. “Tôi đã viết giấy chứng tử”.
“Viên đạn đâu? Tôi phải đưa viên đạn về sở”.
“Có hai viên đạn găm sâu. Nếu thế tôi phải…”, bác sĩ do dự.
“Tôi cần cả hai viên”, viên cảnh sát nói. “Tôi phải kiểm tra xem có phải chúng bắn ra từ một súng không”.
“Vâng được”, Koster đáp khi nhận thấy cái nhìn của bác sĩ.
Viên y tá đẩy cái cáng lại cho ngay ngắn và kéo thấp ngọn đèn xuống. Bác sĩ lấy dụng cụ, rồi dùng một chiếc panh thọc vào vết thương. Viên đạn đầu được lôi ra nhanh vì nằm không sâu lắm. Đến viên thứ hai, ông phải xẻ rộng vết thương. Ông kéo cao hết cỡ đôi găng cao su, rồi lấy kẹp và dao mổ. Koster vội đến bên cáng vuốt cặp mắt vẫn còn hé mở của Gottfried. Tôi quay đi khi nghe tiếng lưỡi dao khẽ lách vào thịt. Trong một giây, tôi chực đâm bổ vào xô bác sĩ ra, vì trong tôi chợt nhói lên, biết đâu Gottfried chỉ mới ngất đi và bây giờ bác sĩ mới thật sự giết cậu ấy… nhưng rồi tôi hiểu lại là Lenz đã chết. Chúng tôi từng chứng kiến quá nhiều cái chết, đủ để hiểu điều ấy.
“Nó đây”, bác sĩ vừa nói vừa đứng thẳng người lên. Ông chùi sạch viên đạn rồi trao cho viên cảnh sát.
“Cùng một loại. Từ một súng bắn ra, phải không?”
Koster cúi nhìn kỹ hai viên đạn nhỏ sáng mờ lăn đi lăn lại trên bàn tay viên cảnh sát.
“Phải”, cậu ta đáp.
Viên cảnh sát lấy giấy gói chúng lại, nhét vào túi.
“Thật ra thì không được phép”, đoạn anh ta nói, “nhưng nếu các ông đã muốn đưa ông ấy về nhà… sự việc đã rõ ràng, phải không, ông bác sĩ?”. Bác sĩ gật đầu. “Ông còn là bác sĩ pháp y mà”, viên cảnh sát tiếp, “thôi thì… xin tùy các ông… có điều các ông phải… rất có thể ngày mai một tổ điều tra sẽ đến nữa…”
“Tôi biết”, Koster nói. “Chúng tôi sẽ để nguyên si như thế”. Hai viên cảnh sát đi.
Bác sĩ đã băng lại các vết thương của Gottfried. “Các ông định chuyển sao đây?”, ông hỏi. “Các ông cứ đưa cáng về cũng được. Chỉ cần các ông gửi trả nội nhật ngày mai”.
“Vâng, cám ơn ông”, Koster nói. “Đi thôi, Robby”.
“Để tôi giúp một tay”, viên y tá bảo.
Tôi lắc đầu. “Thế này được rồi”.
Chúng tôi khiêng cáng ra xe, đặt lên hai chiếc ghế bên trái vốn tạo thành một mặt phẳng dài nhờ lưng ghế trước ngả ra sau. Viên y tá và ông bác sĩ theo ra đứng nhìn. Chúng tôi lấy măng-tô của Gottfried phủ cho cậu ấy, rồi cho xe chạy. Được một lát, Koster quay lại tôi. “Tụi mình lượn ra phố ấy lần nữa. Ban nãy mình đã đi thăm chúng. Nhưng khi đó hẵng sớm quá. Có thể bây giờ chúng lại thò mặt ra đường”.
Tuyết bắt đầu rơi nhè nhẹ. Koster cho xe chạy gần như không tiếng động. Cậu ta nhả tay côn, và chốc chốc lại tắt bộ đánh lửa. Cậu ta không muốn bị nghe thấy, mặc dù bốn thằng khốn chúng tôi đang săn lùng không hề biết chúng tôi có xe. Chúng tôi cứ lặng lẽ bước đi như một bóng ma màu trắng trong màn tuyết mỗi lúc một thêm dày đặc. Tôi lấy trong hộp dụng cụ một cái búa để ngay cạnh mình sẵn sàng vọt khỏi xe là giáng liền. Chúng tôi dọc theo lối phố đã xảy ra câu chuyện. Dưới ngọn đèn đường vẫn còn vũng máu đen kịt, Koster tắt đèn xe. Chúng tôi chạy sát hè đường, mắt quan sát kỹ xung quanh. Không một bóng người. Chỉ nghe những giọng nói vẳng ra từ một quán rượu sáng đèn.
Koster dừng xe ở góc phố. “Cậu ngồi đây”, cậu ta nói, “mình vào ngó thử trong quán”.
“Mình vào với cậu”, tôi đáp.
Cậu ta nhìn tôi với ánh mắt tôi vốn quen thuộc từ thời chiến tranh mỗi khi cậu ta đi tuần một mình. “Mình sẽ không thanh toán với nó trong quán đâu”, cậu ta nói. “Biết đâu nó thịt nốt cả mình. Chỉ ngó xem có nó trong ấy không. Rồi hai thằng sẽ đón đường nó. Cậu ở lại đây với Gottfried”.
Tôi gật đầu, cậu ta liền biến sau màn tuyết dày đặc. Những bông tuyết bay vào mặt tôi, tan ra trên làn da, bỗng tôi không sao chịu nổi cảnh Gottfried bị trùm kín mít, cứ như cậu ấy không còn thuộc bọn chúng tôi, tôi bèn lật chiếc măng-tô khỏi đầu cậu ấy. Giờ đây tuyết đậu lên mặt Gottfried, lên mắt, lên miệng cậu ấy, nhưng tuyết không tan. Tôi móc khăn tay phủi tuyết đi và trùm áo lại.
Koster quay ra. “Không thấy gì à?”
“Không”.
Cậu ta lên xe. “Giờ tụi mình lượn tiếp các phố khác. Mình có linh cảm sẽ chạm trán chúng bất kỳ lúc nào”.
Chiếc xe rú lên rồi lập tức ắng xuống. Chúng tôi lướt nhẹ xuyên màn đêm quay cuồng tuyết trắng, hết phố này sang phố khác, đến mỗi khúc quành tôi phải ôm chặt Gottfried để cậu ta khỏi tuột xuống, thỉnh thoảng chúng tôi lại dừng xe quá một quán rượu quãng trăm thước, và Koster lại sải chân chạy ngược về quán ngó thử. Cậu ta đang trong cơn ám ảnh lạnh lùng, u ám, không hề nghĩ tới chuyện phải đưa Gottfried về nhà cái đã; hai lần cậu ta toan quay về, nhưng rồi lại quành xe lại, vì cậu ta sợ biết đâu chính lúc ấy bốn thằng kia lại thò mặt ra đường.
Chợt chúng tôi thấy xa xa trước mặt, trên con đường dài trống vắng, một tốp người đen sẫm. Koster lập tức tắt bộ đánh lửa, và êm ru, không đèn, chúng tôi tiến lại gần. Bọn người này không nghe chúng tôi đến, chúng đang tán chuyện. “Bốn thằng”, tôi rỉ tai Koster. Đúng lúc ấy xe rú lên, vọt nốt hai trăm mét cuối cùng, chồm hai bánh lên hè đường và phanh két, xoay ngang, khựng lại cách bọn người đang kêu thét lên kia đúng một mét. Nửa người Koster thò khỏi xe, vồng lên tựa một cây cung thép, sẵn sàng lao bổ xuống với bộ mặt không khoan nhượng của tử thần.
Đó là bốn người vô tội đã luống tuổi. Một người trong bọn bị say rượu. Họ chửi rủa ầm ĩ. Koster chẳng nói chẳng rằng. Chúng tôi đi tiếp. “Otto này”, tôi nói, “hôm nay chắc chẳng tóm được nó đâu. Mình không tin nó đã dám ló mặt ra đường”.
“Ừ, có thể”, lát sau cậu ta đáp và quay xe. Chúng tôi về nhà Koster. Phòng cậu ta có lối vào riêng, chẳng sợ làm ai thức giấc. “Sao cậu không muốn thả nó cho cảnh sát? Có phải họ đã giúp mình lùng nó rồi không. Trong khi tụi mình trông thấy nó khá rõ”.
Koster nhìn tôi.
“Vì tụi mình sẽ tự tay thanh toán món nợ này, không cần đến cảnh sát. Cậu tưởng rằng” - giọng cậu ta hạ xuống hết sức khẽ, ghìm lại, nghe rợn người - “cậu tưởng rằng mình sẽ trao nó cho cảnh sát à? Để nó ngồi tù vài năm sao? Cậu thừa biết thảy các vụ như thế sẽ kết thúc thế nào! Những thằng khốn ấy biết chúng sẽ tìm được những vị chánh án yếu lòng! Đừng hòng nhé! Nói để cậu biết, cảnh sát có tóm được nó đi nữa, mình cũng sẽ khai là không phải nó, nó phải rơi vào tay mình mới xong! Gottfried chết mà nó lại sống! Đừng hòng”. Chúng tôi nhấc cáng khỏi ghế xe và khiêng Gottfried xuyên tuyết, xuyên gió vào nhà, tưởng chừng như hai thằng đang ở ngoài mặt trận Flanders khiêng một đồng đội tử trận từ chiến hào về hậu tuyến.
Chúng tôi mua một cỗ quan tài và một miếng đất trong nghĩa trang thành phố. Gottfried được mai táng vào một ngày quang đãng, ngập nắng. Chúng tôi tự tay đóng nắp quan tài và khiêng linh cữu xuống cầu thang. Người đi đưa lác đác. Ferdinand, Valentin Alphonse, gã bồi rượu Fred, Georgie, Jupp, mụ Stoss, Gustave, Stefan Grigoleit và Rosa. Đến trước cổng nghĩa trang, chúng tôi phải chờ hồi lâu. Trước chúng tôi còn có hai đám chưa vào được. Một đám đi xe tang màu đen, đám kia gồm những chú ngựa phủ khăn đen và ngân tuyến, rồng rắn đằng sau là một đoàn dài dằng đặc những kẻ chịu tang đang trò chuyện sôi nổi.
Chúng tôi nhấc quan tài khỏi xe và tự tay hạ huyệt bằng dây thừng. Người phụ huyệt lấy làm hài lòng vì bác ta đã có khối việc ở những nấm mồ khác. Chúng tôi cũng mời một cha cố đến. Chẳng hiểu Lenz mà biết sẽ nói gì, nhưng Valentin bảo nên mời. Đương nhiên chúng tôi yêu cầu vị cha cố đừng đọc điếu văn mà chỉ chọn một đoạn trong Kinh thánh. Đó là một ông già cận thị. Khi bước lại gần huyệt, ông vấp phải một đụn đất, suýt ngã nhào xuống nếu Koster và Valentin không đỡ kịp. Nhưng cuốn Kinh thánh và cái kính mà ông vừa định đeo tuột khỏi tay ông, rơi xuống huyệt. Bàng hoàng, vị cha cố tròn mắt nhìn theo.
“Không sao đâu, thưa Cha”, Valentin nói, “chúng tôi xin bù cho Cha đầy đủ”.
“Cuốn sách thì đành rồi”, vị cha cố đáp khẽ, “nhưng tôi cần cái kính”.
Valentin bẻ một nhành cây ở bờ giậu nghĩa trang, đoạn quỳ xuống bên huyệt. Móc được một bên gọng, anh kéo cái kính lên khỏi những vòng hoa. Kính gọng vàng. Có lẽ vì thế mà Cha muốn lấy lại. Cuốn Kinh thánh tụt xuống bên mép quan tài; muốn tìm thấy nó, phải lôi quan tài lên và nhảy xuống huyệt. Mà Cha cũng chẳng muốn vậy. Ông đứng đó bối rối. “Tôi phải nói thay vào đó đôi lời chăng?”, ông hỏi.
“Thôi, khỏi phiền Cha”, Ferdinand nói. “Giờ anh ấy đã có đủ cả Kinh Cựu ước lẫn Tân ước dưới ấy rồi”.
Mùi đất mới nồng nồng. Từ một trong những cục đất, một con ấu trùng bọ da màu trắng trườn lên. Rồi đây khi đất đã lấp xuống huyệt, nó vẫn tiếp tục sống dưới ấy, sẽ lột xác, và sang năm lại đục đất chui lên với đời. Nhưng Gottfried thì đã chết. Gottfried đã vĩnh viễn lìa đời. Đứng bên huyệt, chúng tôi biết thân thể cậu ấy, mái tóc, cặp mắt cậu ấy vẫn còn đó, dù đã biến dạng, nhưng vẫn còn đó, thế mà cậu ấy đã ra đi không bao giò trở lại. Thật không sao hiểu nổi. Da chúng tôi ấm, não chúng tôi làm việc, tim chúng tôi bơm máu vào huyết quản, chúng tôi vẫn y nguyên như trước, vẫn giống hôm qua, chúng tôi không đột nhiên mất đi một cánh tay, chúng tôi không hóa mù hoặc điếc, tất cả vẫn như mọi lúc, chúng tôi sắp rời chân khỏi đây, còn Gottfried Lenz sẽ cứ nằm lại, chẳng bao giờ bước theo chúng tôi nữa. Thật không sao hiểu nổi.
Những cục đất rơi rào rào xuống quan tài. Người phu huyệt đưa xẻng cho chúng tôi, và chúng tôi chôn cậu ấy Valentin, Koster, Alphonse, tôi, như cả bọn đã từng chôn một số đồng đội. Trong đầu tôi chợt vang lên một bài hát cũ của lính, cái bài hát xa xưa, u buồn mà Lenz thường hát:
“Rừng Argonner, rừng Argonner
Mi sắp thành nghĩa địa lặng re…”
Alphonse mang theo một cây thập tự gỗ giản dị màu đen, một cây thập tự như trăm ngàn cây thập tự trên những hàng mộ dài vô tận bên đất Pháp. Chúng tôi dựng nó ở đầu mộ.
“Về thôi”, cuối cùng Valentin cất giọng khàn khàn, “Ừ”, Koster nói. Nhưng cậu ta vẫn đứng chôn chân tại chỗ. Cả bọn không ai nhúc nhích. Valentin nhìn chúng tôi suốt lượt. “Để làm gì?” anh chậm rãi nói. “Để làm gì chứ? Mẹ kiếp!”
Không ai đáp lại.
Valentin phác một cử chỉ mệt mỏi. “Đi nào!”
Chúng tôi theo những con đường đá dăm ra cổng nơi Fred, Georgie và những người khác chờ chúng tôi. “Cậu ấy cười tuyệt thế cơ chứ” Stefan Grigoleit nói, nước mắt chảy tràn trên gương mặt giận dữ, bất lực của ông.
Tôi ngoái lại sau. Không ai đi sau chúng tôi.
Ba Người Bạn Ba Người Bạn - Erich Maria Remarque Ba Người Bạn