Số lần đọc/download: 1801 / 55
Cập nhật: 2016-06-19 02:31:24 +0700
Chương 23: Tài Và Đức Của Trần Khánh Dư
S
ách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 52b, 53a và 53b) có đoạn chép về Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư như sau:
“Khi ấy (1288 - ND), thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi, thượng hoàng hay tin liền sai trung sứ đến xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ rằng: “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất vài ba ngày để tôi mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn.” Trung sứ theo lời xin đó. Khánh Dư đoán biết thủy quân giặc đã qua, thuyền vận tải lương tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu, thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương, khí giới nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Khánh Dư vội sai lính chạy ngựa về báo ngay. Thượng hoàng tha cho tội cũ và nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng.” Nói rồi bèn thả tù binh về doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui, cho nên, vết thương của dân không thảm thê như những năm trước. Khánh Dư có phần công lao trong đó.
Trước đây, Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, mọi thức ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên, quần áo, đồ dùng đều theo tục của người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang và ra lệnh rằng, quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt. Vậy, phải đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt. Nhưng, Khánh Dư đã ngầm sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, thuyền chở nón đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ban ra, Khánh Dư lại ngầm sai người phao tin trong trang rằng, hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đến đậu. Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón. Ban đầu, mua không tới một tiền, sau giá đắt một chiếc nón đổi một tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc có câu: “Vân Đồn gà chó hết thảy đều kinh sợ”, là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư, mà thực là châm biếm ngầm ông ta.”
Lời bàn: Nhờ tài cao mà lập được công lớn, nhưng cũng bởi đức mỏng mà để tiếng xấu với đời. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư quả có lí lịch khác thường vậy. Sau, Trần Khánh Dư còn nói: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ.” Sợ thay!
Hóa ra, kẻ cầm quyền mà tham lam cũng kể như là giặc trong chỗ tưởng như không có giặc vậy.