Số lần đọc/download: 4352 / 180
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Chương 24: Cachot Đề Lao Gia Định
B
ản tự khai ngắn nhất của Lương Việt Cương.
Sơ yếu lý lịch
Họ và tên: Lương Việt Cương
Sinh năm: 1945
Sinh quán: Miền Bắc Việt Nam
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Miền Nam Việt Nam
Nghề nghiệp: Dạy học
Bị bắt ngày: 6 – 11 – 1975
Can tội: Yêu tự do, dân chủ
Từ năm 10 tuổi trở lại, tôi còn bé không biết gì cả. Từ 10 tuổi đến 18 tuổi, tôi vẫn chưa biết gì cả. Từ 18 tuổi trở lên tôi biết nhiều thứ và chống nhiều thứ. Tôi chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm; tôi chống bọn tướng lãnh quân phiệt; tôi chống chế độ độc tài Nguyễn văn Thiệu; tôi chống bất công, tham nhũng, áp bức, bóc lột và mọi cơ cấu bịp bợm của chính sách Mỹ và lũ tay sai. Tôi chống chiến tranh, bọn thụ hưởng chiến tranh và bọn làm giàu nhờ chiến tranh. Bây giờ, tôi chống Cộng Sản vì yêu tự do, dân chủ và vì tất cả những gì mà tôi đã chống trước đây.
Đề lao Gia Định, 10 – 1 – 1976
Lương Việt Cương
Người công an chấp pháp cầm bản tự khai của Lương Việt Cương nhét vào trong tờ bìa đỏ sau khi đọc xong. Ông ta nhìn tên phản động đối diện mình như muốn ăn tươi nuốt sống. Tên phản động tỉnh bơ vấn thuốc rê đốt, hít, nhả khói khét lẹt căn phòng làm việc nhỏ bé ở khu A. Hắn có khuôn mặt hao hao Nguyễn Khánh. Đương đầu với cán bộ chấp pháp, hắn vừa kiêu ngạo vừa xấc xược. Thái độ của hắn lộ rõ rệt và khiêu khích. Thái độ ấy bắt nguồn từ lòng khinh bỉ kẻ chiến thắng của dân Sài gòn. Trước ngày sang trang lịch sử phản phúc, người Mỹ đã đánh bóng Cộng Sản quá kỹ và dọa dân miền Nam quá nhiều. Rốt cuộc, nhìn rõ Cộng Sản, người ta thấy nó chẳng đáng gì. Và người ta khinh bỉ nó. Người ta khinh bỉ nó ngoài đời. Người ta còn khinh bỉ nó trong tù, khi nằm xó tối cachot, tay chân bị nó siết còng.
Vung trái đấm đập bàn cho hả giận, người công an chấp pháp rít qua kẽ răng:
- Anh ngồi làm việc cho nghiêm túc!
Tên phản động liệng điếu thuốc, dùng chân di mạnh rồi ngẩng mặt nhìn thẳng vào quyền uy của chết độ:
- Tôi đã báo cáo anh rồi, mông tôi đầy mụn ghẻ mủ, tôi không thể ngồi ngay ngắn được.
- Ngồi ngay ngắn. Anh nhớ rằng anh đang làm việc với người đại diện của đảng, nhà nước và nhân dân.
- Đồng ý. Nếu đảng của anh hẹp hòi với cả những mụn ghẻ mủ thì tôi ngồi ngay ngắn. Sự đau đớn ở hai cái mông tôi đánh giá lương tri của chủ nghĩa.
- Tôi cấm anh nói cái giọng điệu đó, giọng điệu của bọn phản động cộng lưu manh.
- Vậy tôi không làm việc với anh.
- Anh tưởng anh ngoan cố nổi mãi à?
- Không ngoan cố gì cả, tôi muốn làm việc với người có học, anh vô học, anh thù hận cả mụn ghẻ! Anh cứ yên tâm, chế độ của anh cho can phạm cái quyền khiếu nại. Điều này không có nghĩa là chế độ dân chủ đâu mà để kiểm soát xem anh có hối lộ can phạm không, có thi hành sai chính sách không. Tôi sẽ không khiếu nại mà chỉ hỏi cấp lãnh đạo của anh để biết mụn ghẻ mủ có phải là tù nhân tư tưởng, tù nhân chủ nghĩa, tù nhân giai cấp!
Người công an chấp pháp bỏ ra khỏi phòng. Ông ta khép cửa sổ, cửa ra vào kín mít. Một mình Lương Việt Cương ngồi trên ghế gỗ bên trong. Tên phản động trán cao, mắt ốc nhồi thừa hiểu, bên ngoài, mấy thằng công an quản giáo 1 đang canh chừng mình. Đã có chủ ý, tên phản động không thèm đứng dậy, không thèm thay đổi tư thế ngồi liền liền như có mặt công an chấp pháp. Hắn ngồi ngay ngắn, ngồi nghiêm túc. Thoạt đầu, hai mông hắn đau buốt. Dần dần bớt đau vì những mụn ghẻ mủ đã vỡ. Mủ thấm ướt quần và dính lớp nhớp lên mặt ghế, lên bộ mặt của chủ nghĩa Cộng Sản. Tên phản động Lương Việt Cương đã chế ngự được nỗi đau tầm thường. Hắn cảm giác thoải mái và vấn thuốc hút lia lịa. Lần đầu tiên, từ ngày bị bắt, chấp pháp gọi hắn ra làm việc. Người ta nhốt hắn ở cachot số lẻ sở Công An thành phố đúng hai tháng. Hắn bị còng chân bằng còng số 8 nhãn hiệu USA. Nhờ bạn tù cachot “phổ biến” cách tự mở khóa, hắn đã dùng que diêm xin cai ngục mồi thuốc lá để nạy chốt an toàn và có những đêm ngủ chân không. Bạn bè cachot, đêm khuya, tỉ tê với hắn rằng, đã tới sở Công An là không lo bị tra tấn. “Nó chỉ tra tấn đầu óc mình thôi”. Ngày 6 tháng 1 năm 1976, hắn rời quán trọ sở Công An sang khách sạn Đề Lao Gia Định. Hắn chớm ghẻ ở sở Công An, qua đây ba ngày thì ghẻ mủ bộc phát nhanh chóng. Khắp mông, khắp đùi toàn những mụn vàng đầu đen. Hôm nay, hắn ra khỏi cachot khu A đi làm việc.
Ở đề lao Gia Định, không một tù nhân nào bị tra tấn bằng đòn công an, cảnh sát cổ điển cả. Nhưng có những thứ còng siết vào cánh tay tính từng giây. Đến giây thứ 50 thì chết. Thường, tới giây thứ 20, can phạm đã gật đầu hứa khai hết sự thật. Đòn tra tấn này dành cho những can phạm lý lịch mơ hồ. Khách hàng của đòn này đa số là nhân viên tình báo không hề ký tên thật trong sổ lương của Tổng nha Cảnh sát, của Trung ương Tình báo và tàn quân bắt được trong rừng. Những kiểu còng treo người hàng tháng, ở đề lao Gia Định không hiếm. So với khám Chí Hòa, đề lao Gia Định “lý tưởng” gấp bội. Công an chấp pháp không đánh đập can phạm lúc hỏi cung. Can phạm có quyền khước từ khai báo và có quyền xin làm việc với chấp pháp khác. Đã không ai dám khước từ hoặc bướng bỉnh với chấp pháp, trừ những cô cậu sinh viên, học sinh của Sài gòn can tội phản động và trở thành khách hàng “đắt giá” của khách sạn Đề lao số 4 đường Phan Đăng Lưu, Gia Định. Tên phản động Lương Việt Cương không sợ bị tra tấn. Hắn đã nếm đòn của mật vụ Dương văn Hiếu, của cảnh sát Mai Hữu Xuân, của cảnh sát đặc biệt các triều đại Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn văn Thiệu. Hắn đã rắc cơ man là kỷ niệm trong các nhà tù Việt Nam qua các chế độ. Bây giờ, hắn ngồi đây, ngồi làm tan những mụn ghẻ mủ nhớp nhúa trên khuôn mặt của chủ nghĩa ưu việt nhất của loài người!
Người công an chấp pháp đã trở lại. Cửa sổ mở tung. Ông ta nhìn tên phản động ngồi nghiêm túc, mỉm cười tự mãn:
- Vậy là chúng ta làm việc được rồi.
Tên phản động lắc đầu:
- Không, tôi không thích làm việc với anh.
- Tại sao?
- Vì anh không đủ tư cách làm việc với tôi.
- Anh biết chấp pháp là gì không?
- Biết. Chấp pháp là “thần tượng” của tù nhân, tha hay nhốt là do chấp pháp. Ở tù lâu hay về sớm là do chấp pháp. Nhưng chấp pháp của ăn trộm, ăn cắp, lường gạt thôi. Đã không có chấp pháp của tôi. Tôi hả, người có thể tha tôi, có đủ tư cách tha tôi chỉ là sự giải thoát dân tộc toàn diện sắp bùng nổ.
- Khi ấy anh ở đâu?
- Ở nhà tôi với vợ tôi, với bạn bè tôi hoặc tôi ở dưới mộ.
- Được, anh thích xuống mộ thì anh sẽ xuống mộ. Anh tạm về biệt giam suy nghĩ thêm.
Lương Việt Cương từ từ đứng dậy. Hắn nghe rõ một thứ âm thanh như âm thanh băng keo Scotch lột ra khỏi thùng carton. Hắn nhìn người công an chấp pháp, chỉ tay vào mặt ghế:
- Đó, cái đó cũng là một dấu ấn của thời đại mà con người thù hận cả mụn ghẻ.
Lương Việt Cương theo tên công an quản giáo về cachot. Hắn được hưởng chế độ còng rất hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tên phản động nằm dài, hai chân luồn vào hai khoen còng có móc luồn ra ngoài tường cachot. Hai gót chân hắn chạm sát tường bên trong. Người ta khóa phía ngoài. Với kiểu còng Cộng Sản, tên phản động đành nằm trên bục xi măng suốt ngày đêm, không trở mình cũng không ngồi dậy được. Hai bữa cơm, người ta mở còng cho hắn ăn uống, đi ỉa, đi đái vào cái thùng đạn đại liên Mỹ khoảng mười lăm phút mỗi lần. Không có ống nước dẫn vào cachot loại nhốt thứ bất trị nên không có tắm rửa. Không có luôn thuốc ghẻ lở. Không có gì cả. Lương Việt Cương bị đầy đọa, bị hình phạt của thù hận của chủ nghĩa biến thành một con chó ghẻ lở nhầy nhụa máu mủ tanh tưởi trên bục xi măng nhà tù cách mạng, nơi mà không ai dám đòi “cải thiện chế độ lao tù”, không ai dám ví nó với chuồng cọp Côn Sơn. Nơi ấy, bút mực của bọn nhà báo Mỹ diễn tả như một lớp học phục hồi phẩm cách làm người. Nơi ấy, thiên kiến và sự khờ khạo của thế giới đã giết chết lương tri của họ. Nhưng, nơi ấy, một người Việt Nam vì chiến đấu cho quyền sống con người, cho tự do, dân chủ đang can đảm chịu đựng âm thầm và kiêu hãnh. Cái gì sẽ nở rộ từ máu mủ khô quánh đũng quần người tù nhân tư tưởng Việt Nam? Chưa ai biết. Chắc chắn, sự can đảm chịu đựng trong cô đơn của anh ta đã định nghĩa con người và phẩm cách của nó.
Hai tuần lễ sau, người ta mở còng cho Lương Việt Cương, dẫn hắn đi tắm gội, liệng cho hắn cục xà phòng và bộ quần áo tù màu cháo lòng. Người ta đưa thuốc ghẻ cho hắn bôi, cho hắn uống. Rồi người ta làm việc với hắn bằng cung cách mới. Công an chấp pháp già dặn hơn, nhã nhặn hơn, nồng nhiệt hơn.
- Anh bớt ghẻ chưa?
Người chấp pháp ân cần hỏi. Ông ta đặt gói thuốc Phù Đổng và hộp diêm Thống Nhất trên bàn, khẽ đẩy sát phía Lương Việt Cương.
- Anh hút thuốc đi. Tôi đã nhờ quản giáo pha cà phê mời anh.
Ông ta cầm lại gói thuốc, tự tay bóc, chiêu đãi tên phản động:
- Mời anh. Xin lỗi nhé, tôi không biết hút thuốc. Tôi nghĩ đến anh nên mua thuốc biếu anh.
Tên quản giáo bưng hai ly cà phê vào:
- Uống đi cho tỉnh táo, anh Cương.
Lương Việt Cương nhìn người chấp pháp mới, mỉm cười:
- Cám ơn anh.
Rồi hắn thản nhiên nhấm nháp cà phê “cho tỉnh táo” và nhả khói thuốc thơm Phù Đổng.
- Lát nữa, anh chuyển sang biệt giam Khu C1. Anh ghẻ lở, nên ở biệt giam cho mau khỏi. Tôi đã ra lệnh rồi, mai quản giáo dẫn anh đi cắt tóc, cạo râu. Anh được hưởng tiêu chuẩn bồi dưỡng. Anh sẽ được viết thư, nhận thư và được thăm nuôi. Anh có gì cần hỏi không?
- Không.
- Vậy uống cà phê đi, rồi về chuyển phòng nghỉ ngơi.
Người ta tặng Lương Việt Cương gói thuốc, hộp diêm, chuyển cachot và không còng tay chân hắn nữa. Cachot C1 rộng rãi, thoáng mát. Người ta đang lắp ống nước. Hiện thời, mỗi ngày, người ta đưa vòi nước qua ô cửa cachot hai lần để tù biệt giam tắm giặt, xối cầu tiêu. Khi Lương Việt Cương hết ghẻ lở, hắn đi làm việc liên miên, làm việc phờ phạc. Hoạt động của Cương, Cương khai hết, không thiếu sót một chi tiết nào. Bạn bè của Cương đã bị bắt trọn ổ, cần gì phải dấu diếm. Mà cũng khó dấu diếm. Vả nữa, chiến đấu cho tự do, dân chủ là việc làm quang minh chính đại, không cần dấu diếm. Vấn đề đặt ra cho Lương Việt Cương cũng như đặt ra cho tuổi trẻ Sài gòn lại không phải là sự khai báo thành thật mà ở sự thành thật nhận tội lỗi và hứa ăn năn sám hối tội lỗi. Với Cộng Sản, có lẽ, họ nghĩ rằng, những phong trào, những tổ chức chống đối họ không mấy quan trọng, không thể lay chuyển nổi chế độ của họ. Nhưng họ kiêu ngạo, họ muốn tận diệt lòng tự phụ của tuổi trẻ, họ muốn tuổi trẻ ăn năn sám hối và nhận từ họ sự khoan dung, độ lượng. Đã nhận sự tha thứ của kẻ thù thì hết tự phụ, thì chỉ còn là gục mặt cam đành mãn kiếp và hứng đủ sự khinh bỉ của kẻ thù. Do đó, sư tử lãng mạn chọn lựa con đường như họ đã chọn lựa. Biết chiến đấu là biết ngẩng mặt.
- Anh nhất định không nhận tội?
Người chấp pháp thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy … đều hỏi câu ấy.
- Không, tôi không có tội gì cả.
Lương Việt Cương trả lời.
- Ai đã làm gì anh mà anh chống đối?
- Ai đã làm gì chủ tịch Hồ chí Minh?
- Thực dân, phát xít, đế quốc đã dầy xéo quê hương chúng ta.
- Với chúng tôi, bây giờ, là Cộng Sản.
- Câm cái miệng phản động hôi hám của anh lại.
- Vậy anh đừng nên hỏi tôi nữa.
Người ta không hỏi gì Lương Việt Cương nữa. Cộng Sản không dại gì ban phát cho kẻ thù tư tưởng một cái chết dễ dàng, êm ái. Họ để kẻ thù của họ sống mà đếm nỗi chết từng ngày. Họ bắt kẻ thù của họ thèm chết, khao khát nỗi chết. Lương Việt Cương bị nhốt vào phòng đặc biệt. Người ta buộc giây điện vào hai ngón tay cái của hắn, đẩy hắn úp mặt sát tường. Người ta bảo hắn kiễng hai chân lên. Người ta cột giây điện vô thanh sắt trần phòng. Lương Việt Cương đứng kiễng chân, hai tay dơ cao. Nếu hắn để gót chân chạm đất cho đỡ nhức nhối mười đầu ngón chân thì hai ngón tay cái của hắn đau buốt, chịu không thấu. Nếu hắn rướn người thêm một chút cho hai ngón tay đỡ nhức nhối thì mười đầu ngón chân của hắn đau buốt. Hắn đành bất động, tìm quên hình phạt thể xác bằng thiền đứng và ước mơ. Không ai chịu nổi hình phạt này quá một tuần lễ. Lương Việt Cương đã chịu nổi mười hai ngày đêm. Đừng hòng người Cộng Sản ưu việt và đầy nhân cách cởi giây cho anh ăn uống, ỉa đái. Một tù nhân khác cho anh ăn, uống. Miệng anh nốc nước, chân anh vẫn kiễng. Răng anh nhai cơm hẩm tay anh vẫn dơ cao. Anh đái, ỉa, ngủ, chiêm bao, sợ hãi, đau đớn trong hình phạt. Hãy nghỉ anh ỉa đái lên hình phạt. Và nếu hình phạt của thù hận oái oăm này là biểu tượng ưu việt của chủ nghĩa Cộng Sản, của chế độ xã hội chủ nghĩa thì anh đã ỉa đái lên nó. Anh ngờ vực hình phạt và sự chịu đựng hình phạt của con người? Cứ tự do ngờ vực như cái thế giới tự do của anh. Sắp đến lượt Cộng Sản nước anh treo anh như nó đã treo Lương Việt Cương. Anh cứ ngoảnh mặt đi. Có ngày anh sẽ tru tréo phân trần: Tôi chẳng có tội gì, tôi chỉ tranh đấu cho nhân quyền. Thưa anh, đòi hỏi quyền làm người, ở thế giới Cộng Sản, là tội lỗi phải trừng phạt bằng cách buộc giây điện và hai đầu ngón tay, kiễng lên với mười đầu ngón chân và treo cao tay lên!
Người ta nghỉ chơi hình phạt này và cho Lương Việt Cương nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ít lâu. Rồi có trò chơi khác cho Lương Việt Cương. Khi các thứ trò chơi của chủ nghĩa không làm Cương nhận tội, ăn năn sám hối tội lỗi, người ta xếp Lương Việt Cương vào thành phần “không thể cải tạo”, người ta giả vờ quên Cương. Hai năm sau, người ta gọi Lương Việt Cương ra làm việc. Người ta hỏi Cương có muốn trở về xum họp gia đình không, Cương đáp không, không, không.
- Tại sao?
- Như tổ quốc tôi, thân thể tôi đầy sẹo Cộng Sản.
Đó là lần làm việc cuối cùng của Lương Việt Cương, đại biểu của tuổi trẻ Việt nam có mặt trong mọi dấy động của đất nước. Những người viết lịch sử sau này sẽ quên tên Lương Việt Cương, thầy giáo dạy toán lý hóa. Điều đó chẳng sao và cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Bởi vì sử gia của chúng ta đã chạy trốn hết. Và họ đang viết những trang sử ca ngợi sự nghiệp giải thoát dân tộc của các ông trùm công an, các ông cò đã đóng góp nhiều vào các cuộc đàn áp tuổi trẻ Việt nam. Hình như Lương Việt Cương chẳng thích ai biết về mình.
(Trích Bầy sư tử lãng mạn)
--------------------------------
1 Ở các đề lao có hai giai cấp công an: Chấp pháp là bọn hỏi cung và quản giáo là bọn canh giữ tù nhân. Chấp pháp có quyền bắt nhốt luôn quản giáo.