Nguyên tác: 天龍八部
Số lần đọc/download: 10255 / 339
Cập nhật: 2015-09-04 00:39:37 +0700
Hồi 24 - Lục mạch Thần kiếm
-À này! Thạch đạo huynh! Có phải 28 người đó đã đích xác chết về phép Nhất Dương Chỉ không?
Thạch Thanh Tử hỏi lại:
-Phép Nhất Dương Chỉ giết người một cách rất Vương đạo. Ðối phương sau khi trúng Nhất Dương Chỉ khoan khoái dị thường. Chân tay gân cốt thư thái vô cùng nên lúc chết còn để lại nét mặt vui tươi, khắp mình không một vết thương. Có đúng thế không?
Ðoàn Chính Thuần cười đáp:
-Anh chàng mũi trâu ơi! Anh nói không sai chút nào. Chắc anh đã được nếm mùi Nhất Dương Chỉ rồi thì phải.
Thạch Thanh Tử không cười nữa, nghiêm sắc mặt nói:
-Quả 28 gã hán tử trong nhà tam hùng tại Dương Châu đều ngậm cười mà chết,khắp mình không có thương tích gì hết.
Ðoàn Chính Thuần lại hỏi:
-Phải chăng người mềm như bún, thân không co quắp?
Thạch Thanh Tử nói:
-Ðúng thế! Tôi biết có thứ thuốc độc giết người, xác chết còn lộ vẻ mặt tươi cười nhưng thây mềm nhũn như bún thì ngoài phép Nhất Dương Chỉ ra khắp thiên hạ không còn loại nào nữa.
Ðoàn Chính Thuần nói:
-Họ Ðoàn nhà ta không được đa đinh, hàng con cháu chỉ có mình thằng Dự thế mà đến nay y vẫn chưa chịu học phép Nhất Dương Chỉ.
Bảo Ðịnh Ðế hỏi Thạch Thanh Tử:
-Ðạo huynh! Ðạo huynh vừa bảo trong nhà tam hùng ở Dương Châu chỉ toàn đàn ông bị chết mà thôi, không có người đàn bà nào cả. Vậy thì mặt mũi hung thủ hẳn có người nhận được chứ?
Thạch Thanh Tử đáp:
-Hạ Hầu phu nhân cùng Vương phu nhân đều nói rằng hung thủ lấy khăn xanh bịt kín, không nhìn rõ mặt. Cứ xem tầm vóc mà đoán thì rõ ràng là một người còn ít tuổi.
Bảo Ðịnh Ðế thở dài đưa mắt nhìn Ðoàn Chính Thuần. Ðoàn Chính Thuần nói:
-Thạch đạo huynh! Từ vụ thằng con tôi bị kịch độc cho tới vụ giết người đều do tay một người trong họ Ðoàn tôi. Người đó mang danh hiệu "thiên hạ đệ nhất ác nhân". Ðoạn đem chuyện Ðoàn Dự bị cướp đem đi ra sao, Huỳnh Mi tăng gia công giải cứu thế nào thuật sơ qua lại một lượt. Lại kể cả cuộc đấu cờ, chính ra Huỳnh Mi tăng sắp thua rồi, sau thái tử Diên Khánh đi nhầm một nước nên nỗi bị bại.
Huỳnh Mi tăng nói:
-Ðoàn nhị huynh bất tất phải che cái xấu cho ta? Rõ ràng là lão tăng phải thua ông ta mà ngay đến lão mũi trâu cũng không đấu nổi đâu.
Thạch Thanh Tử nói:
-Chưa chắc!
Huỳnh Mi tăng nói:
-Chúng ta đấu chơi một bàn nào!
Thạch Thanh Tử nói:
-Tôi đang muốn lĩnh giáo đây.
Huỳnh Mi tăng cười lạt nói:
-Thật đáng nực cười!
Thạch Thanh Tử hỏi:
-Hoà thượng sao lại cười ta?
Huỳnh Mi đáp:
-Lão tăng buồn cười cái người không có một chút kiến thức nào cả. Hiển nhiên là đám môn hạ Ðoàn Diên Khánh làm nên tội lỗi lại đổ tiếng ác cho Ðoàn Hoàng gia.
Thạch Thanh Tử đỏ mặt lên cãi:
-Ðoàn Diên Khánh không phải người họ Ðoàn hay sao? Môn đệ Ðoàn Diên Khánh thì cũng là môn đệ họ Ðoàn chứ gì?
Huỳnh Mi cười lạt nói:
-Thôi đừng lý sự cùn nữa.
Thạch Thanh Tử cũng cười lạt nói:
-Chính hòa thượng hay nói hươu nói vượn thì có.
Bảo Ðịnh Ðế thấy hai người cãi nhau cũng mỉm cười nói:
-Theo lời tiên sinh thì cô gái nhà Mộ Dung phá phép Nhất Dương Chỉ mà chàng trai trêu cợt cô gái đó có lẽ là thủ phạm giết người nhà tam hùng ở Dương Châu.
Tới đây Bảo Ðịnh Ðế nói bằng một vẻ trịnh trọng:
-Thuần đệ! Tổ tiên ta đã có minh huấn, không bao giờ can thiệp vào những vụ trả ân, trả oán giữa các phái võ ở Trung Nguyên. Nhưng trong vụ này mắt mình ngó thấy có người đem phép Nhất Dương Chỉ ra làm càn rỡ thì họ Ðoàn không thể điềm nhiên ngồi nhìn được.
Ðoàn Chính Thuần nói:
-Chính thế!
Cả hai anh em Bảo Ðịnh Ðế đều để bụng không nói ra miệng vụ nhà Mộ Dung ở Cô Tô cậy có võ công lợi hại up hiếp phép Nhất Dương Chỉ của môn đệ họ Ðoàn, nếu bỏ không can thiệp thì oai danh họ Ðoàn nước Ðại Lý sẽ bị tổn thương rất nhiều.
Bảo Ðịnh Ðế lại nói:
-Hoàng đệ cùng tam công, Tứ ẩn (tức Ngư, Tiều, Canh, Ðộc) đến chùa Thiếu Lâm thăm Huyền Từ đại sư, đồng thời nếu quan sát cho biết rõ được môn võ công tuyệt thế của phái Mộ Dung ở Cô Tô thì hay lắm. Còn thái tử Diên Khánh là dòng dõi chính thống của Tiên Hoàng, đối với người không được vô lễ! Giả tỷ bọn môn đệ người có làm điều ác đức cũng phải điều tra cho rõ ràng rồi giao lại để người trừng trị, bọn ta không được tự tiện hạ sát.
Ðoàn Chính Thuần cùng tam công, tứ ẩn cúi đầu lĩnh chỉ. Bảo Ðịnh Ðế lại thấy Cao Thăng Thái cũng có vẻ nhơn nhơn, muốn ra đi liền mỉm cười phán bảo:
-Các tay cao thủ trong triều thế là đi gần hết rồi Thiện Xiển Hầu cần phải ở nhà phò tá quả nhân.
Cao Thăng Thái vâng mệnh. Ðoàn Dự cũng bước ra bẩm:
-Thưa bá phụ! Xin cho cháu cùng đi với gia gia để cháu thêm phần lịch duyệt.
Bảo Ðịnh Ðế lắc đầu phán:
-Cháu bị trúng độc chưa khỏi. Ta còn phải tìm cách giải độc, trừ tà cho cháu mất mấy bữa nữa. Vả cháu không biết võ nghệ, vào Trung Nguyên chỉ tổ làm mất thể diện cho họ Ðoàn nước Ðại Lý.
Ðoàn Dự thẹn mặt đỏ bừng. Bây giờ chàng mới có ý hối hận, tiếc rằng giá mình chịu học võ rồi có phải ngày nay được vào Trung Nguyên du ngoạn thì hay biết chừng nào?
Hôm ấy trong phủ Trấn Nam Vương mở tiệc tẩy trần thết Thạch Thanh Tử.
Ðoàn Dự ngồi riêng một chiếu vì không ai dám đụng chạm vào chàng, sợ bị nhiễm tà độc. Lúc ăn uống hay chuyện trò cùng chàng ai nấy đều phải ngồi cách xa chàng, đã là một sự làm cho chàng mất cả hứng thú. Da dĩ trong cơ thể còn chứa đựng bao nhiêu chân khí hút ở ngoài vào, chàng không có cách nào quy tụ lại được khiến chàng vô cùng bứt rứt. Ðoàn Dự ngồi ăn tiệc càng lâu chàng càng thấy khó chịu nên nhấp xong ba chung rượu rồi chàng cáo từ mọi người về phòng riêng.
Chàng nằm hồi tưởng lại những chuyện đã xẩy đến cho chàng mấy hôm vừa qua thật là ly kỳ. Rồi chàng lại nhớ tới Mộc Uyển Thanh cùng Chung Linh, là hai nàng chàng mới quen biết, không hiểu bây giờ buồn bực đến thế nào? Sau nữa chàng nghĩ đến việc song thân đòi hỏi Cao My tiểu thư cho chàng làm vợ. Chàng chưa biết mặt Cao tiểu thư, không hiểu tính tình Cao tiểu thư có hợp với mình không?
Dung mạo tiểu thư đẹp hay xấu? Ðầu óc Ðoàn Dự bị đảo lộn bởi bao làn sóng tư tưởng. Trong cơ thể chàng, chân khí chạy tứ tung chẳng khác gì đàn ngựa bất kham chạy không dừng vó hay đàn vượn trên núi nhảy nhót tha hồ. Tuy không đến nỗi thảm hại như hôm uống phải Âm Dương Hòa Hợp Tán, lửa lòng khôn bề dập tắt,nhưng cũng khó chịu vô cùng. Hồi lâu Ðoàn Dự mê man ngủ đi lúc nào không biết.
Nửa đêm chàng thức giấc thấy hai lòng bàn tay mình có người nắm chặt, chàng giật mình la lên một tiếng thì lập tức bị một tấm khăn nhét vào miệng. Chàng nghiêng đầu nhìn qua một bên, dưới ánh đèn lờ mờ chàng nhìn rõ bộ mặt anh tuấn
như đang mỉm cười chính là Thạch Thanh Tử. Chàng lại nghếch mắt quay sang bên phải nhìn thấy cặp lông mày dài sắc vàng: đó là Huỳnh Mi tăng với bộ mặt gầy đét nhưng đầy vẻ từ bi vừa mỉm cười vừa gật đầu bảo chàng đừng sợ hãi gì rồi rút tấm khăn trong miệng chàng ra.
Ðoàn Dự thấy một nhà sư và một thầy đạo bên mình
mới yên tâm toan dậy thi lễ. Thạch Thanh Tử khẽ bảo:
-Hiền điệt bất tất đa lễ. Cứ nằm yên để chúng ta trừ tà giải độc cho.
Ðoàn Dự ngỏ lời cảm tạ thì Huỳnh Mi tăng ngắt lời:
-Chúng ta là chỗ tâm giao với bá phụ hiền điệt. Có làm gì chút việc nhỏ mọn này mà cháu phải bận tâm?
Thạch Thanh Tử cười lạt nói móc:
-Ðã chắc đâu hoà thượng trừ tà giải độc được cho y, hãy làm đi rồi hẵng nói khoác.
Ðoàn Dự toan nói nữa thì đột nhiên hai bàn tay run lên đồng thời hai luồng chân khí chuyển vào thân thể chàng. Chàng giật nẩy mình, mặt đỏ bừng lên như người say rượu. Hai luồng chân khí chuyển vào kinh mạch, lúc đầu chàng cũng thấy nó chạy nhộn lên trong người, dần dần chạy yếu đi rồi yên hẳn lại. Chừng trong khoảng thời gian ăn xong bữa cơm, Ðoàn Dự thấy nửa mình bên phải nóng ran,ngược lại nửa mình bên trái lạnh toát. Nhưng lạ thay, tuy người phát hàn nhiệt như vậy mà trong lòng rất là thư thái dễ chịu. Chàng biết hai tay cao thủ dùng nội công thượng thừa để trừ tà giải độc cho mình.
Ðoàn Dự đoán vậy chỉ đúng có một phần thôi. Nguyên hai vị Huỳnh Mi tăng và Thạch Thanh Tử đã cùng nhau tỷ thí đủ thứ: đấu văn, đấu võ, đấu quyền cước, đấu gươm đao, đấu nội công, đấu kiến văn. Mấy chục năm nay hai ông đấu biết bao nhiêu phen mà khôn phần cao thấp. Hôm nay hai ông ngồi dự tiệc khích bác nhau rồi nửa đêm đưa nhau ra hoa viên bàn nhau đấu võ, lấy việc trừ tà giải độc cho Ðoàn Dự làm tiêu chuẩn.
Hai ông này đã hai phen tỷ thí, hao phí công lực quá nhiều nếu không được Bảo Ðịnh Ðế giải cứu kịp thời thì quy tiên cả rồi. Phen này hai ông dùng cách đấu kỳ khôi này đã tưởng nhất cử lưỡng tiện: một là so tài cao thấp, hai là đỡ cho Bảo Ðịnh Ðế chút công nhỏ mọn. Về cách dùng nội công để trị bệnh ngoại thương thì khắp thiên hạ không còn môn nào hơn được phép Nhất Dương Chỉ. Hai vị ước hẹn với nhau: mỗi vị trị một nửa người Ðoàn Dự, ai thành công trước là được. Ðành rằng hai vị trừ tà giải độc, cái hảo tâm là ở chỗ đó nhưng lại đem con người ta ra làm đề mục để đánh đố. Nhà sư và thầy đạo nghĩ rằng sức mạnh tà độc trong mình Ðoàn Dự cực kỳ lợi hại. Nếu phải gắng vận động cho nội công thấm vào người chàng mới khu trừ ra được và nếu không khu trừ hết được tà độc ra ngoài nhất định cũng không tổn hại gì.
Hai vị đâu có biết rằng trong mình Ðoàn Dự không súc tích tà độc mà chứa toàn chân khí hút ở ngoài vào và bị một vật chí bảo trên thế gian là đôi Mãng Cổ chu cáp chế hoá làm cho công phạt. một khi đã nuốt chu cáp vào rồi thì nó biến hoá thấm vào cơ thể trong người, còn tài nào mà trục ra được? Nguyên một hấp lực của đôi chu cáp cũng đã mạnh ghê gớm rồi, huống chi còn thêm vào đó chân khí của sáu nhà sư, đồ đệ Huỳnh Mi tăng. Hiện giờ về nội lực Ðoàn Dự không thua kém Huỳnh Mi và Thạch Thanh Tử. Chỉ có rằng chàng chưa biết cách vận dụng và phát huy ra mà thôi. Huỳnh Mi tăng và Thạch Thanh Tử vận chân khí vào người Ðoàn Dự, sức thần công của chu cáp hút lấy. Cơ sự này do mệnh hệ Ðoàn Dự xui nên,gặp được hai tay cao thủ tuyệt đỉnh trong võ lâm tự nguyện vận chuyển nội lực vào
trong người chàng. Nếu là trường hợp ngẫu nhiên thì dù hấp lực của chu cáp có mạnh đến đâu hai ông ít ra cũng còn đủ lực để thoát thân.
Huỳnh Mi luyện nội công theo lối thuần dương, lấy cương làm tiêu chuẩn. Trái lại, Thạch Thanh Tử theo lối thuần âm, lấy nhu làm tôn chỉ. Hai vị một tăng, một đạo, tôn giáo đã khác nhau, bản lãnh về nội công lại người âm kẻ dương hai ngả,chả trách không bao giờ hai vị hoà hoãn với nhau được.
Hai vị tống chân khí vào người Ðoàn Dự hồi lâu, cảm thấy trong mình trống trải.
Nhưng lần này chân khí thoát đi chẳng khác gì đá chìm biển cả, không thu về được nữa. Hai vị cùng tranh nhau thủ thắng, càng gắng sức phóng kình lực cho mau.
Chẳng mấy chốc Huỳnh Mi tăng thấy người bả lả vì nội lực cạn dần, biết rằng việc này lỡ bét nếu còn vận thêm lúc nữa thì nội công trong người sẽ hết sạch sành sanh, liền ngẩng đầu lên nói với Thạch Thanh Tử:
-Thạch đạo huynh! Vụ này xem ra nhiêu khê lắm! Ta hãy dừng tay xem sao đã.
Chính Thạch Thanh Tử cũng cảm thấy khó chịu và cũng muốn đình bãi nhưng vốn tính hiếu thắng, nghĩ thầm: "thế là anh chịu mở miệng xin buông tha rồi đây" liền đáp:
-Nếu đại sư không đủ nội công thì xin cứ việc mà rút lui trước đi. Bần đạo chẳng dám cưỡng ép con người bất lực.
Huỳnh Mi cả giận nói:
-Gã thầy đạo mũi trâu kia! công lực anh đến mức nào ta còn lạ gì mà anh lại muốn lên mặt anh hùng hảo hán cả với ta nữa ư?
Thạch Thanh Tử cũng tự biết công lực mình cùng Huỳnh Mi chẳng chênh lệch nhau mấy nỗi. Song lại nghĩ rằng Huỳnh Mi vừa mới dốc hết lực lượng ra sống mái với người ác nhất thiên hạ là thái tử Diên Khánh thì nội công tất bị hao tổn rất nhiều. Thật là cơ hội ngàn năm một thuở để mình có thể thắng được địch thủ cho thoả nguyện bình sinh. Nếu bỏ lỡ cơ hội này thì từ giờ đến chết cũng không còn dịp nào để phân thắng bại nữa. Vì thế mà đạo nhân cố gắng chống chọi lúc nữa, buộc bên kia phải lùi bước trước để giữ phần thắng về mình. Nào ngờ Huỳnh Mi tăng xưa nay vẫn là người bụng dạ rộng rãi, tính nết khoan hòa, không muốn tranh hơi mà đối với Thạch Thanh Tử nhà sư lại kèn cựa từng tý, không chịu nhượng bộ một ly. Hai vị gắng gượng chịu đựng thêm lát nữa. Một mặt chân lực trong người Ðoàn Dự càng lên cao, hấp lực càng mạnh, một đằng nhà sư và thầy đạo cảm thấy tàn lực dốc ra tuồn tuột, không còn cách nào ngưng tụ lại được. Trong lúc cấp bách hai vị muốn tạm gác việc tranh đua thì đã không kịp rồi, thậm chí toan rút tay ra khỏi bàn tay Ðoàn Dự cũng không đủ lực nữa. Tay bị dính chặt, chẳng khác gì bọn Phá Tham 6 người trước đây. Huỳnh Mi tăng và Thạch Thanh Tử đưa mắt nhìn nhau và cùng có ý hối hận. Sở dĩ lâm vào bước khốn cùng này chẳng qua vì chưa bỏ dứt được nết háo thắng mà ra. Giả tỷ thấy cơ sự bắt đầu nguy biến, rụt tay về ngay thì đâu đến nỗi?
Một lúc nữa nhà sư và thầy đạo thần sắc lợt lạt, hơi thở yếu dần. Ðoàn Dự có biết đâu cơ sự nhường này. Giả tỷ chàng hiểu rằng hai vị tiếp vận chân khí cho mình mà phải tổn thương đến nội lực của người thì chàng nhất định từ chối. Chàng
vẫn tưởng rằng hai vị truyền nội lực để trừ tà tiêu độc cho mình cũng chẳng cần gì.
Chân khí trong người chàng lên cuồn cuộn tựa nước triều dâng, mỗi lúc một bành chướng. Sau chàng mê man như người say rượu, tỉnh không tỉnh hẳn, ngủ chẳng ngủ cho. Hai vị tăng đạo lâm vào tình trạng nguy khốn mà chàng chẳng biết gì.
Tình trạng này nếu còn kéo dài chừng nửa giờ nữa là Huỳnh Mi tăng và Thạch Thanh Tử sẽ thành phế nhân.
Ngay lúc ấy cửa phòng mở ra, một người bước vào, vừa ngó mặt hai vị liền thất kinh la lên:
-Thôi hỏng to rồi!
Dứt lời cầm tay áo Huỳnh Mi giật ra đằng sau một cái, bật rời khỏi tay Ðoàn Dự, rồi giật đến tay Thạch Thanh Tử ra, lẩm bẩm:
-Ta đã biết hai vị đụng đầu nhau là có chuyện nên vừa không trông thấy hai vị đâu liền đi kiếm khắp cả. Ai ngờ đã chui vào đây làm rùm?
Người mới vào đó chính là Bảo Ðịnh Ðế. Nhà vua nhìn sắc mặt hai vị rồi bất giác than rằng:
-Hai người đã sống đến bằng này tuổi đầu, còn chi là không hiểu nữa? Thế mà hôm nay vì một chuyện tranh hơi để đến nỗi tổn hại bao nhiêu công lực.
Nhà Vua cầm cổ tay Huỳnh Mi xem, thấy mạch chạy yếu quá, xem đến Thạch Thanh Tử cũng vậy thì lắc đầu lia lịa cho là hai người đi vào vết xe đổ cũ để xảy ra cơ sự nhường này. Ai ngờ nội lực hai bậc cao thủ đều bị cháu mình hút cả. Nhà Vua lại quay sang nhìn Ðoàn Dự, thấy cháu mình thiêm thiếp chưa tỉnh lẩm bẩm:
"Hai vị lão hữu tỷ thí làm thằng bé bị hoạ lây". Vừa cầm mạch xem thì thấy nội lực chàng cực kỳ sung mãn, âm dương giao hợp, cương nhu điều hòa nhưng hấp lực rất mạnh làm giật cả tay mình lên.
Bảo Ðịnh Ðế trong lòng nghi hoặc, nghĩ thầm: "cứ xem tình hình này mà đoán thì nội lực hai vị tăng, đạo đã bị thu vào thân thể Ðoàn Dự mất cả". Liền gọi nội thị dìu hai vị vào hai phòng riêng xa cách nhau để tĩnh dưỡng, đừng để hai vị gần nhau lỡ sinh tai vạ.
Sáng sớm hôm sau, Ðoàn Chính Thuần xuất lĩnh tam công, tứ ác từ biệt Hoàng huynh cùng vợ con, theo Tuệ Chân, Tuệ Thiền sang chùa Thiếu Lâm. Tuy ông cũng băn khoăn về Ðoàn Dự chưa khỏi bệnh nhưng đã có hoàng huynh lo điều trị,cũng không có gì đáng ngại. Lúc ra đi, ông vào ngó con lần nữa, thấy chàng mặt mũi hồng hào, đang ngủ ngon giấc nên cũng vững dạ.
Bảo Ðịnh Ðế tiễn hoàng đệ cùng các vị hảo hán rồi trở vào thăm Huỳnh Mi cù ng Thạch Thanh Tử thì thấy đang tĩnh toạ. Sắc mặt Huỳnh Mi trắng bệch, người run lẩy bẩy còn Thạch Thanh Tử lại mặt đỏ nhừ vì hư hoả bốc lên. Cả hai người đều do bị thương cực kỳ trầm trọng mà ra, nguyên khí hao tổn mất nhiều.
Nhà Vua dùng phép Nhất Dương Chỉ điểm vào các huyệt trọng yếu nhà sư và thầy đạo, lại đem chân khí mình ra để chữa nội thương cho hai vị. Bảo Ðịnh Ðế lại sang thăm Ðoàn Dự. Vừa đến cửa phòng đã nghe tiếng "loảng choảng" không ngớt phát ra, do các đồ vật đổ vỡ. Gã nội thị giữ cửa Vương phủ, quỳ xuống tiếp giá, nét mặt đầy vẻ kinh hoàng, bẩm rằng:
-Thế tử... bị ma làm... đang nổi cơn điên.... hai quan thái y hiện ở trong phòng điều trị.
Bảo Ðịnh Ðế gật đầu đẩy cửa bước vào, thấy Ðoàn Dự đang khoa chân múa tay.
Bất luận bàn ghế, ấm chén hay các đồ vật trần thiết chàng xô gẫy ngổn ngang, đập vỡ tan tành. Hai quan thái y lẩn tránh chạy cuống cả lên. Nhà Vua tiến lại cất tiếng hỏi:
-Dự nhi! Con làm sao vậy?
Ðoàn Dự vẫn tỉnh táo, chỉ vì chân khí trong người đầy rẫy dường như muốn xé thịt nứt da cho tràn bớt ra ngoài. Có tay đấm, chân đá, đập phá đồ đạc mới hơi thư thái một chút. Chàng thấy bá phụ vào liền gọi to:
-Bá phụ ơi! Cháu muốn chết đây!
Chàng vừa gọi vừa vung tay loạn xạ.
Bảo Ðịnh Ðế hỏi:
-Con thấy trong mình thế nào?
Ðoàn Dự dậm chân thình thịch đáp:
-Toàn thân cháu chỗ nào cũng mọng lên. Bá phụ cho lấy bớt máu trong người cháu ra!
Bảo Ðịnh Ðế nghĩ bụng: "hay là làm thử cách này xem sao?". Liền quay sang bảo quan thái y:
-Ngươi thử lấy bớt máu y ra!
Thái y vâng mệnh, mở cái hộp sành lấy ra một con đỉa. Ðỉa là vật chuyên hút máu, dùng để chữa cho người ứ huyết rất tiện, người bệnh lại không đau đớn gì.
Quan thái y cầm chặt tay Ðoàn Dự, đặt mồm con đỉa vào đúng mạch máu. Quan thái y này không hiểu võ công, trong người ông chưa luyện thành chân khí, nội lực cho nên chạm vào người chàng không bị hút chặt như người có chân khí. Có điều con đỉa này đặt vào tay Ðoàn Dự thì nó cựa quậy, không chịu nằm yên mà làm thế nào nó cũng không hút máu. Quan thái y rất lấy làm lạ, phải ráng sức giữ chặt nó. Nhưng chỉ được một lát, con đỉa giãy lên một cái rồi chết ngay. Quan thái y bất lực trước mặt nhà Vua, vừa thẹn vừa sợ, mồ hôi trán nhỏ xuống tong tong, vội vàng lấy con đỉa khác ra nhưng rồi cũng bị chết như con trước.
Còn vị thái y thứ hai tỏ vẻ lo lắng tâu rằng:
-Khải tấu Hoàng thượng! Thế tử ngộ độc dữ quá, chất độc phát ra làm chết cả đỉa.
Ông có biết đâu rằng Ðoàn Dự nuốt Mãng Cổ chu cáp rồi, bất luận rắn rết hay giống gì độc đến đâu cũng phải xa lánh. Ðệ nhất độc là rắn còn phải khiếp phục huống chi là con đỉa.
Bảo Ðịnh Ðế nghe thái y nói lại càng nóng ruột, phán hỏi:
-Thuốc độc gì mà ghê gớm đến thế?
Một quan thái y tâu:
-Theo ngu kiến hạ thần thì mạch thái tử nóng dữ quá tất là trúng phải nhiệt độc.
Quan thái y kia cãi:
-Không phải! Mạch thái tử âm hư thế là trúng hàn. Cần bốc thuốc nhiệt để điều hoà.
Sự thực thì trong mình thế tử một bên chứa nội lực thuần dương của Huỳnh Mi tăng, một bên lại chứa nội lực thuần âm của Thạch Thanh Tử. Hai quan thái y xem mạch tương phản nhau là bởi thế. Hai vị thái y này đã nổi tiếng danh sư nước Ðại Lý.
Nhà Vua nghe hai vị danh y tranh luận hàn nhiệt với nhau mãi nghĩ thầm: "tà độc trong mình Ðoàn Dự rất là kỳ dị".
Bảo Ðịnh Ðế lại thấy Ðoàn Dự xé rách cả quần áo thì trong lòng ái ngại, nghĩ bụng: "thật là một vấn đề cực nan giải, chỉ còn cách lên chùa Thiên Long thỉnh thị".
Nhà Vua liền bảo Ðoàn Dự:
-Dự con! Ta đưa con lên bái yết mấy vị tiền bối, thế nào các người cũng có cách chữa cho con hết bệnh.
Ðoàn Dự vâng lời. Chàng thấy mỗi lúc một khó chịu thêm, chỉ mong sao khỏi bệnh nên mặc áo dài vào đi ngay. Ra khỏi cổng phủ, chàng cưỡi riêng một ngựa theo Bảo Ðịnh Ðế trông về hướng tây bắc mà đi.
Chùa Thiên Long ở trên đỉnh ngọn Thiên Long.
Ngọn Thiên Long là ngọn chính trong dãy núi Thiên Long. Dãy núi này chạy từ mé tây bắc xuống vào đến nước Ðại Lý là hết, trông tựa như hình một con rồng khổng lồ. Tổ tiên họ Ðoàn táng ở núi này. Ngọn Thiên Long là đầu rồng, chùa Thiên Long dựng trên đầu rồng, thống lĩnh cả dãy núi, phong cảnh rất là hùng vĩ. Những Hoàng đế nước Ðại Lý bỏ ngôi báu xuất gia đầu Phật đều quy y ở chùa này. Có thể nói chùa Thiên Long là chùa của Hoàng gia nước Ðại Lý. Kể tất cả các chùa trong nước thì chùa Thiên Long tôn vinh hơn cả. Tuy nhiên đệ tử nhà Phật rất nhún nhường kiệm ước. Một khi nhà Vua xuất gia rồi thì đến ngày sinh nhật, con cháu đều lên chùa làm lễ triều bái, mỗi lần đến triều bái đều đem dâng quý vật hoặc tiền bạc. Vì thế mà chùa xây rộng ra mãi. Cách kiến trúc của chùa này có phần tráng lệ hơn cả các ngôi chùa lớn ở Trung Nguyên như Ngũ Ðài,Phổ Ðà, Cửu Hoa, Nga Mi... Nhưng vì ở mãi miền biên giới xa xăm nên không
được nổi tiếng bằng các chùa ở Trung Nguyên.
Ðoàn Dự theo bá phụ lên đến trước chùa, nhìn ánh dương quang chiếu vào các tấm kính pha lê ngũ sắc lợp trên nóc chùa cực kỳ sán lạn. Cổng ngõ, phòng ốc cũng uy nghiêm tráng lệ chẳng khác gì trong Hoàng cung nước Ðại Lý. Bảo Ðịnh Ðế thường thường lên chùa. Tuy nhà Vua ở địa vị chí tôn trong một nước, song các vị cao tăng chùa này đều là tiền bối ngài cả nên cách tiếp đãi chỉ một lòng thánh kính chứ không câu nệ lễ nghi thái quá.
Bảo Ðịnh Ðế cùng Ðoàn Dự trước hết vào yết kiến Thiên Nhân đại sư.
Theo vị thứ ngoài trần tục thì đại sư đứng vào hàng thúc phụ nhà Vua. Các người xuất gia không câu nệ lễ vua tôi mà cũng không cố chấp thứ bậc trong gia đình, làm lễ tương kiến một cách bình đẳng.
Bảo Ðịnh Ðế thuật vắn tắt nhưng đủ ý về chuyện Ðoàn Dự trúng tà độc.
Thiên Nhân đại sư trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
-Hãy theo ta lên phòng mâu ni ra mắt bốn vị sư huynh, sư đệ.
Bảo Ðịnh Ðế nói:
-Chúng tôi đến phiền nhiễu các vị đại hoà thượng, thực là lỗi lớn.
Thiên Nhân nói:
-Thế tử con Trấn Nam Vương là người kế vị sau này. Thân thế y có quan hệ đến hạnh phúc của trăm họ. Kiến thức và bản lãnh ngươi còn trên ta một bậc mà phải đến đây hỏi tất là một việc rất khó giải quyết.
Ba người theo dãy hành lang dài đi về phía tây đến chỗ mấy gian phòng toàn bằng gỗ thông. Cả đến cột trụ hay ván ghép, cánh cửa nhất nhất để cả vỏ cây chứ không bào gọt, trông có vẻ thiên nhiên chất phác, so với Phật đường vàng son chói lọi thật khác xa nhau. Nhiều chỗ vách ván, cột trụ đã mục nát cả. Mấy gian nhà này trông tựa hồ những nhà của khách đi săn thú, ngụ trong một khu rừng hẻo lánh.
Thiên Nhân đại sư vẻ mặt trịnh trọng chắp tay nói:
-A di đà Phật! Thiên Nhân nay có việc nghi nan khó bề giải quyết, đến quấy nhiễu ba vị sư huynh, sư đệ đây.
Trong nhà có tiếng đáp vọng ra:
-Xin mời phương trượng vào trong này!
Thiên Nhân từ từ đẩy cửa ra. Cánh cửa rít lên những tiếng kẽo kẹt, đủ tỏ là cửa này ít khi mở ra khép vào.
Ðoàn Dự theo sau phương trượng và bá phụ đi vào.
Chàng vừa nghe phương trượng bảo đến ra mắt ba vị mà trong căn nhà lại thấy những bốn vị hòa thượng ngồi bốn ghế. Ba vị ngồi quay mặt ra ngoài thì hai vị gầy đét, một vị tráng kiện khôi ngô. Ðầu đằng đông lại còn một vị hòa thượng quay mặt vào tường vách, ngồi yên không nhúc nhích, thuỷ chung vẫn không ngoảnh mặt ra ngoài.
Bảo Ðịnh Ðế nhận ra hai vị gày đét pháp danh là Thiên Quan, Thiên Tướng là sư huynh Thiên Nhân phương trượng. Còn nhà sư mặt mũi khôi ngô là Thiên Tham, sư đệ Thiên Nhân. Nhà Vua chỉ biết ba vị cao tăng Quan, Tướng, Tham
trong viện mâu ni chùa Thiên Long. Còn vị thứ tư quay mặt vào vách kia thì chưa biết là ai.
Bảo Ðịnh Ðế khom lưng chào, ba nhà sư mỉm cười đáp lễ. Còn vị thứ tư không hiểu là đang tham thiền hay đang nhẩm kệ, không thể phân tâm được nên ai làm gì cũng mặc.
Nhà Vua đã hiểu nhiều về quy củ nhà Phật "mầu ni" có nghĩa là trầm lặng, vắng vẻ. Vậy ngồi trong mầu ni đường ít nói được chừng nào hay chừng ấy.
Nhà Vua tóm tắt bệnh trạng Ðoàn Dự rồi nói:
-Cầu bốn vị đại đức chỉ đường cho!
Thiên Quan trầm ngâm suy nghĩ, lại đưa mắt nhìn Ðoàn Dự hồi lâu rồi hỏi:
-Hai sư đệ nghĩ sao?
Thiên Tham nói:
-Mình có mất ít nội lực tưởng cũng không phương ngại đến việc luyện Lục Mạch Thần Kiếm.
Bảo Ðịnh Ðế vừa nghe bốn chữ "Lục Mạch Thần Kiếm" bất giác giật mình nghĩ thầm: "Hồi mình còn nhỏ, ngẫu nhiên nghe gia gia nói đến ông tổ họ Ðoàn ta có môn võ "Lục Mạch Thần Kiếm" uy mãnh vô cùng.
Gia gia còn bảo môn này chỉ nghe thấy truyền miệng thế thôi, chứ chưa có bậc cao nhân nào hiểu biết công trình môn đó thần kỳ ra sao. Nay lại thấy Thiên Tham đại sư đề cập tới, chắc chắn là có môn kỳ công đó rồi".
Nhà Vua lại nghĩ rằng: "xem chừng ba vị đại sư muốn đem nội lực tẩy độc cho thằng Dự, làm như vậy thì trở ngại đến việc luyện Lục Mạch Thần Kiếm của các vị.
Khốn nỗi đến cả hai vị Huỳnh Mi tăng và Thạch Thanh Tử đồng thời ra tay giải độc cho y cũng không xong. Nếu không trông vào lực lượng của các vị đây thì làm sao chịu nổi?".
Nhà Vua nghĩ vậy tuy trong lòng áy náy mà không dám mở miệng khước từ.
Thiên Tướng hoà thượng không nói năng gì, đứng dậy cúi đầu, đứng xéo về góc đông bắc. Thiên Quan, Thiên Tham cũng mỗi người đứng ra một góc. Thiên Nhân phương trượng nói:
-Phúc đức! Thật là phúc đức.
Rồi cũng đứng ra góc Tây Nam. Bảo Ðịnh Ðế bảo Ðoàn Dự:
-Bốn vị trưởng lão không tiếc tâm lực trừ tà giải độc cho con. Con mau khấu đầu bái tạ đi!
Ðoàn Dự nhìn thần sắc và cử chỉ của bá phụ cùng bốn vị tổ sư biết công việc này cực kỳ nghiêm trọng lập tức phục xuống lạy mỗi vị một lạy.
Bảo Ðịnh Ðế lại giục:
-Dự nhi! Ngồi xếp bằng lại! Dù có đau đớn hay ngứa ngáy cũng phải ráng chịu, đừng có hoảng hốt.
Ðoàn Dự vâng lệnh ngồi yên.
Thiên Quan hoà thượng đưa ngón tay cái bên phải ra ngưng thần một chút rồi đặt lên sau gáy trấn trên huyệt "phong phủ" của Ðoàn Dự, đem nội lực Nhất Dương Chỉ ra phóng vào. Thiên Tướng hoà thượng điểm mạch "Tử Sang". Thiên
Tham hoà thượng điểm mạch "¢m duy". Thiên Nhân phương trượng điểm hai đường huyệt đạo "Xung mạch" và "đối mạch". Bảo Ðịnh Ðế điểm vào mạch "âm kiểu".
Trong tám kinh mạch, năm vị để hở hai mạch "dương duy" và "dương kiểu" không trấn áp. Cả năm vị đều vận dụng phép Nhất Dương Chỉ khu trục tà khí trong người Ðoàn Dự, do hai mạch bỏ trống tiết ra ngoài.
Năm tay đại cao thủ họ Ðoàn này bản lãnh Nhất Dương Chỉ xuýt soát như nhau, vận động nội lực năm đường nội
công phát ra tiếng kêu vù vù, dốc vào cơ thể Ðoàn Dự.
Toàn thân chàng run lên bần bật rồi tựa như trời rét được phơi ra ánh nắng mặt trời trong người ấm áp thư thái vô cùng. Ðoàn Dự hấp thụ nội lực của năm tay đại cao thủ mỗi lúc một nhiều.
Bảo Ðịnh Ðế cùng bốn nhà sư cảm thấy nội lực trong người mỗi lúc một trống rỗng thêm, thu về không được mà hấp lực bên người Ðoàn Dự lại ghê gớm khác thường.
Năm người đưa mắt nhìn nhau, trong lòng nghi hoặc. Bất thình lình một tiếng quát ầm ầm vang dội, mọi người sợ run. Bảo Ðịnh Ðế biết đó là tiếng một người trong cửa Phật có võ công vào hạng thượng thừa và mệnh danh là "Sư tử hống". Tiếng quát còn chứa một nội lực rất thâm hậu, có thể trấn áp được kẻ địch. Bỗng thấy nhà sư quay mặt vào vách cất tiếng nói:
-Nội nhật hôm nay bọn cường địch sẽ đến đây. Uy danh chùa Thiên Long mấy trăm năm nay đang bị đe doạ. Thằng nhỏ miệng còn hơi sữa trúng tà, trúng độc gì gì hãy bỏ đó. Trong lúc gấp rút này mà còn vì nó hao phí công lực một cách vô ích nữa ư?
Mấy câu nói cực kỳ oai nghiêm khiến người nghe phải lạnh gáy, không dám trái lệnh.
Thiên Nhân phương trượng bẩm:
-Lời sư thúc truyền dạy rất phải.
Dứt lời vẫy tay trái một cái, năm người đồng thời lùi lại phía sau. Hấp lực "chu cáp thần công" trong mình Ðoàn Dự tuy mãnh liệt thật nhưng đồng thời giữ cả năm tay đại cao thủ thế nào nổi?
Bảo Ðịnh Ðế thấy Thiên Nhân kêu vị đó bằng sư thúc vội vàng cáo lỗi:
-Vãn bối không biết Khô Vinh trưởng lão ở đây, chưa kịp kính bái, tội nhiệt thật nặng.
Nguyên vị trưởng lão đây là một vị tiền bối vào bậc cao nhất trong chùa Thiên Long. ít người trong chùa được thấy mặt trưởng lão.
Bảo Ðịnh Ðế cũng chỉ nghe danh chưa từng được bái kiến. Người ta đồn trưởng lão chỉ một mình luyện khô thuyền trong viện Song Thụ, hơn mười năm trời nay không ai nhắc đến, họ cho là trưởng lão viên tịch rồi.
Khô Vinh trưởng lão nói:
-Công việc phải tuỳ theo tầm quan trọng hoặc thời gian trì hoãn hay gấp rút của nó mà làm. Lời ước hẹn của Ðại Luân Minh Vương chớp mắt đã đến. Ðoàn Chính Minh ngươi coi xem sẽ rõ.
Bảo Ðịnh Ðế ngạc nhiên nghĩ thầm Ðại Luân Minh Vương trên Ðại Tuyết Sơn là một bậc Phật pháp uyên thâm, có dây mơ rễ má gì với bọn mình đâu?
Thiên Nhân phương trượng lấy trong bọc ra một phong thơ ánh vàng rực rỡ trao tay cho Bảo Ðịnh Ðế.
Bảo Ðịnh Ðế đón lấy, cầm tay nhấc thấy khá nặng rất lấy làm kỳ. Thì ra phong bì làm bằng vàng dát mỏng. Trên phong bì dùng bạch kim khảm thành mấy chữ trắng viết theo lối chữ Phạn.
Bảo Ðịnh Ðế thông hiểu Phật học, đại ý chữ trên phong bì là: "Kính đệ phương trượng chùa Thiên Long".
Bảo Ðịnh Ðế mở phong bì vàng ra, bên trong có một lá thư cũng bằng vàng dát cực mỏng. Thư cũng viết bằng chữ Phạn, đại ý nguyên văn như sau: "Ngày nọ tiểu Vương cùng Mộ Dung tiên sinh ở Cô Tô đến hội họp tại Thiên Tần đã cùng nhau kết mối thâm giao, đàm luận về võ công trên đời hiện nay. Mộ Dung tiên sinh có ngỏ lời rất lấy làm tiếc chưa được đọc cuốn kinh Lục Mạch Thần Kiếm của quý tự và biết quý tự rất tôn sùng cuốn kinh đó. Tiểu Vương vừa được tin Mộ Dung tiên sinh đã quy tiên rất đỗi xót thương. Ðể báo đáp tình tri kỷ, cầu xin quý tự cho Tiểu Vương quyển kinh đó để đốt trước mộ Mộ Dung tiên sinh. Trong ngày hôm nay sẽ đến lấy, xin chớ chối từ. Tiểu vương xin đem báu vật đến báo đền, chẳng dám lấy không. Ðại tuyết sơn Ðại Luân Minh Vương kính thư". Chữ trong thư cũng khảm rất tinh vi bằng bạch kim do tay thợ khéo và phải tốn bao nhiêu công phu cùng ngày giờ mới chế tạo thành bức thư. Hãy nói một cái phong bì. Hãy nói một cái phong bì, một lá thư như vậy cũng đã là bảo vật hiếm có, đủ biết Ðại Luân Minh
Vương là tay hào phóng xa xỉ đến mực nào rồi.
Bảo Ðịnh Ðế vốn biết Ðại Luân Minh Vương là Hộ quốc pháp vương nước Thổ Phồn. Cứ năm năm một lần Ðại Luân Minh Vương lại mở đàn giảng kinh, thuyết pháp.
Các vị cao tăng đại đức nước Thiên Trúc bên Tây Vực đều đến chùa Ðại Luân trên núi Tuyết Sơn hội họp đông đủ để nghiên cứu kinh điển. Sau kỳ thuyết pháp ra về ai cũng hoan hỷ ca tụng Minh Vương.
Bảo Ðịnh Ðế lại nhớ trong thư Ðại Luân Minh Vương có nói cùng Mộ Dung tiên sinh đàm luận võ công, kết bạn tri kỷ. Vậy thì hiển nhiên Minh Vương cũng là một tay cao thủ trong võ lâm. Hạng người đại trí tuệ không học võ thì thôi, khi họ đã đi vào đường đó tất nhiên không phải tay vừa.
Bảo Ðịnh Ðế còn đang ngẫm nghĩ thấy Thiên Nhân phương trượng nói:
-Cuốn Lục Mạch Thần Kiếm là vật chí bảo của bản tự, lại là pháp yếu môn võ tối cao của họ Ðoàn nước Ðại Lý. Chính Minh! Môn võ cao thâm của họ Ðoàn nước Ðại Lý hiện ở chùa Thiên Long đây. Ngươi là người trần tục thì dù là con cháu trong nhà nhưng những điều bí ẩn này cũng không thể tiết lộ cho ngươi biết được.
Bảo Ðịnh Ðế nói:
-Thưa vâng! Ðiều đó vãn bối đã biết rồi
Thiên Quan nói:
-Chùa đây tàng trữ pho Lục Mạch Thần Kiếm kinh, ngay Chính Minh, Chính Thuần còn chưa hay, sao bọn Mộ Dung ở Cô Tô lại biết được?
Thiên Tham tức giận nói:
-Ðại Luân Minh Vương đã nổi tiếng khắp thế gian là một vị cao tăng, sao lại không thông tình lý? Dám cưỡng ép bọn ta đòi lấy bảo kinh mà được bao giờ.
Chính Minh cùng phương trượng sư huynh nên biết rằng nếu họ tử tế tất không đến mà họ đã đến là chẳng tử tế gì. Ðây là một việc trọng đại, bọn ta không tác chủ được, phải thỉnh Khô Vinh sư thúc nắm vững đại cuộc cho.
Thiên Nhân lại nói:
-Chùa nhà có pho kinh này thật nhưng nói ra lại xấu hổ. Bọn ta đây đã không ai đủ tài lực để luyện thành môn võ trong sách thì chớ, cả những điều ảo diệu trong kinh cũng chưa hiểu nổi. Ðại Luân Minh Vương biết đây có pho kinh này mà vẫn dám đến yêu sách thì ra y ỷ mình quá, không còn sợ gì môn tuyệt học của Lục Mạch Thần Kiếm nữa.
Khô Vinh lạnh lùng nói:
-Y không dám coi thường Lục Mạch Thần Kiếm đâu. Theo lời trong thư y rất kính phục Mộ Dung tiên sinh, mà Mộ Dung tiên sinh ao ước pho kinh này vô cùng.
Ðại Luân Minh Vương đã cân nhắc lắm đấy. Y biết trong chùa này không có cao nhân siêu quần xuất chúng, sách quý mà chẳng ai luyện nổi để đó thật uổng mà thôi.
Thiên Tham lớn tiếng nói:
-Nếu y ngưỡng mộ cuốn kinh, muốn cầu khẩn mượn về xem mình nể là bậc cao tăng cho mượn thì được, chẳng cho cũng thôi có phải tử tế không? Ðằng này y lại bảo lấy về đốt đi cho kẻ đã chết rồi, thế mới đáng giận. Có phải y coi chùa Thiên Long ta chẳng ra gì cả?
Thiên Tướng thở dài than rằng:
-Sư đệ không nên vì thế mà đem lòng giận dữ. Ta xem Ðại Luân Minh Vương không phải là hạng người càn rỡ. Ðó chẳng qua vì y quá tình thiết tha với Mộ Dung tiên sinh mà ra. Hỡi ôi! Bạn vàng đã qua đời, không còn bao giờ được thấy mặt cố nhân, lòng quyến luyến khôn bề bộc lộ. ý chừng y muốn bắt chước Ngô Quý Chi thuở xưa đem bảo kiếm treo trên mồ bạn.
Bảo Ðịnh Ðế hỏi:
-Thiên Tướng đại sư có biết Mộ Dung tiên sinh là người thế nào không?
Thiên Tướng lắc đầu đáp:
-Ta chưa từng quen biết, song cứ suy Ðại Luân Minh Vương là nhân vật thế nào mà còn khiêm ngưỡng cũng đủ biết Mộ Dung tiên sinh tất phải là bậc phi thường.
Thiên Nhân phương trượng nói:
-Cứ lời sư thúc vừa xét đoán thì thế địch lợi hại vô cùng. Chúng ta không luyện mau những phép Lục Mạch Thần Kiếm thì e rằng kinh báu bị người cướp và Thiên Long tự đến phải thất điên bát đảo mất. Khổ một điều là luyện môn thần kiếm chủ chốt ở nội lực phi thường, không thể chỉ trong chốc lát mà nên. Chính Minh đừng tưởng bọn ta không quan tâm đến vụ thằng cháu Dự bị trúng độc đâu, chỉ e ai nấy nội lực đều bị tổn hại quá nhiều, cường địch lại sắp đến, không còn đủ sức lực để đối phó. Xem ra tuy y bị trúng độc nặng lắm đấy nhưng trong vài ngày chưa đáng lo ngại gì đến tính mạng. Hãy để y tĩnh dưỡng ở đây mấy bữa, nếu bệnh tình có biến chuyển, chúng ta sẽ liệu cách chữa trị. Chờ khi đuổi xong kẻ địch, chúng ta sẽ dùng toàn lực khu trục tà độc cho y. Vậy ngươi nghĩ sao?
Bảo Ðịnh Ðế tuy rất lo cho bệnh tình Ðoàn Dự, song Ðế là người có kiến thức bao quát, nhà Vua hiểu rằng chùa Thiên Long là căn bản của họ Ðoàn nước Ðại Lý, mỗi khi Hoàng gia gặp hoạn nạn là chùa lại dốc hết lực lượng ra cứu viện,
chuyển nguy thành yên. Họ Ðoàn nước Ðại Lý lập quốc từ đời Ngũ Ðại đến nay đã được 158 năm, trung gian bao lần phải chịu phong ba. Vậy mà xã tắc không bị nghiêng đổ phần lớn là nhờ ở chùa Thiên Long. Chùa có một mối quan hệ vô cùng trọng đại đến việc giữ vững kinh kỳ. Hiện nay chùa lâm vào tình trạng bất an thì có khác gì hoàng thành gặp cơn nguy biến? Nhà Vua nghĩ vậy liền đáp:
-Phương trượng thực là nhân đức. Vãn bối cảm kích vô cùng. Trong công cuộc đối phó với Ðại Luân Minh Vương liệu Chính Minh này có thể góp được phần nhỏ đường dây tơ sợi tóc nào chăng?
Thiên Nhân trầm ngâm một lát rồi đáp:
-Kể ra thì ngươi là tay cao thủ nhất trong những người họ Ðoàn còn ở ngoài thế tục đó. Thêm ngươi vào chống địch, lực lượng sẽ tăng lên nhiều. Có điều để người tục tham dự vào việc tranh đấu giữa các đệ tử nhà Phật thì không khỏi bị Ðại Luân Minh Vương cười bọn Thiên Long ta không có người.
Bỗng thấy Khô Vinh nói:
-Việc luyện Lục Mạch Thần Kiếm nếu cứ riêng biệt để một người thì đây không ai làm nổi. Vậy bọn ta phải tìm ra một phương pháp khôn ngoan: Mỗi người tập một mạch và phải có sáu người, lúc đối địch để một người ra tay, còn năm người kia đứng ngoài dồn nội lực vào tiếp viện. Chỉ cần một điều đừng để đối phương nhìn rõ cơ quan của mình là chế phục được bên địch. Kể ra cách này cũng không được chính đại quang minh nhưng tình thế gấp rút quá rồi, ta phải tòng quyền chứ biết sao bây giờ? Có điều chùa Thiên Long này tính đi tính lại không tìm đâu ra được sáu tay cao thủ, bản lĩnh tương đương nhau. Chính Minh ngươi đến thế là vừa vặn, nhưng ngươi phải xuống tóc, mặc áo thầy chùa vào mới được.
Trưởng lão càng nói càng hăng, tựa hồ lòng người rất là phấn khởi. Tuy nhiên giọng nói vẫn lạnh lùng.
Bảo Ðịnh Ðế thưa:
-Chính Minh này vốn có chí nguyện xuất gia đầu Phật. Có điều kỳ công về kiếm thần chưa biết mảy may nào cả.