Where the sacred laws of honour are once invaded, love makes the easier conquest.

Addison

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
ậu bé Honda thồ đưa Ngữ tới Cầu Sơn lúc 11 giờ rưỡi. Quỳnh Trang đã đợi sẵn ở chỗ hẹn. Sợ chồng không trông thấy mình, nàng dẫn con đội nắng đứng ngay bên lề đường, ngay chỗ dốc cầu đổ xuống. Hai mẹ con đứng chờ cả tiếng đồng hồ nên mặt mày đỏ gay, gần như say nắng. Quỳnh Trang tìm đâu được một cái mũ lát đội lên đầu thằng Bình, còn nàng thì để đầu trần, sợ đội mũ nón Ngữ không nhận diện được.
Trông thấy vợ khổ cực vì mình, Ngữ vừa hân hoan vừa áy náy. Nhìn bộ đồ dân sự quá chật Ngữ đang mặc, Quỳnh Trang bật cười.
- Anh tìm đâu bộ đồ kỳ cục thế này? Còn 3000 nữa phải không em?
- Cô trả thêm tiền bộ quần áo.
- Bao nhiêu?
- Một nghìn rưỡi.
Quỳnh Trang nhăn mặt, nhưng cũng mở ví đưa cho cậu bé 5000 đồng. Nàng nói:
- Thôi được. Cho thêm em 500 hút thuốc.
Ngữ ngồi xuống nựng má con, tìm cách làm thân:
- Nắng không con? Em đem nó theo làm gì cho cực!
- Nó không chịu ở nhà với ngoại đâu. Đêm nào em cũng phải ôm nó mới chịu ngủ.
Ngữ ranh mãnh nói:
- May mà đêm qua cu cậu mệt quá ngủ ngon giấc.
Quỳnh Trang đỏ mặt, nhớ lại những tham lam vồ vập của Ngữ đêm qua. Nàng thẹn, nói lảng:
- Mình ghé lại đàng nhà liền cho má mừng. Hôm qua vội, em không ghé Thị nghè để tin cho má hay là anh về. Xe em dựng chỗ kia. Anh lái nhé?
Ngữ nhận chìa khóa, hỏi:
- Đi đường nào?
- Chạy một đoạn nữa thì tới đường Hùng vương. Gặp Nguyễn Văn Lạc, rồi Dương Công Trừng. Đường vô trong Cửu long của Hải quân, anh biết không?
Ngữ nhìn đôi má hồng hào ướm mồ hôi thật hấp dẫn của vợ lại mỉm cười nhớ cuộc ân ái đêm trước. Quỳnh Trang hiểu ngay Ngữ đang nghĩ gì, giả vờ vùng vằng:
- Anh cứ nghĩ chuyện gì đâu không à? Làm như xa em cả năm trời vậy!
Ngữ cười, theo vợ đi về phía chiếc Honda dame màu xanh.
Nhà bà Văn thuê ở trong con hẻm đường Dương Công Trừng. Ngay đầu hẻm Ngữ phải dừng xe lại dắt bộ mà vào vì một đám con nít bày bài đánh xì lác ngay trên lối đi, không chịu đứng dậy nhường lối. Đám bạc ồn ào, tiếng cãi vã chửi bới nhau tục tĩu hòa với tiếng máy dệt rào rào như mưa. Ngữ thắc mắc:
- Sao má đi thuê cái chỗ này?
Quỳnh Trang đi chậm để chờ con, nói với theo:
- Con Quế không biết, thuê lầm. Nhưng được giá rẻ. Thôi cứ ở tạm tìm được chỗ tốt hơn thì dọn đi. Bình, đi nhanh lên. Anh thấy không, thằng nhỏ chừng tuổi này đã khoái cờ bạc. Anh đi chậm lại. Để em và con vào trước, rồi anh vào bất ngờ, xem má phản ứng ra sao.
Ngữ thấy vợ hết sức trẻ con, nét mặt hớn hở khác hẳn vẻ mặt đăm đăm thản nhiên lúc lên thăm chồng ở Pleiku. Quỳnh Trang bồng hẳn con lên tay, đi nhanh về phía căn nhà có hàng rào lưới sắt. Tấm cửa sắt sơn xanh lá cây che hẳn mặt trước, khiến căn nhà trông giống như một pháo đài kiên cố. Quỳnh Trang ra dấu cho Ngữ dừng lại từ xa, rồi đập cửa gọi:
- Nam ơi! Quế ơi!
Một lúc cánh cửa cổng từ từ mở. Ngữ nghe vợ hỏi:
- Má đâu?
Ngữ không kiên nhẫn được nữa, dắt chiếc Honda tiến tới. Nam thấy Ngữ nhưng không nhận ra được anh vì Ngữ mặc đồ dân sự. Quỳnh Trang thấy Nam chỉ liếc về phía Ngữ mà không thay đổi nét mặt, biết bạn không nhận ra anh, nàng nói:
- Nam không nhận ra ai à? Anh Ngữ đấy.
Ngữ đã tới trước cổng. Nam nhận ra anh, kêu lên:
- Trời! Anh về hồi nào?
Nam chợt nổi giận với ông anh:
- Anh về trên đó hồi nào, giờ mới xuống đây?
Quỳnh Trang cười, giọng tíu tít vui:
- Mình mới xuống Vũng Tàu đem ảnh về, qua Cầu Sơn thì ghé đây liền. Má đâu?
Nam biết mình nghĩ lầm, mở rộng cửa cho Ngữ dắt xe vào, giọng Nam vui vẻ:
- Má mà biết anh về thì… Má vừa ra chợ. Để em ra gọi má về.
Ngữ hỏi:
- Cháu đâu? Con Quế đâu?
- Hai dì cháu đi chợ Bến Thành. Má và tụi em cứ lo cho anh và thằng Lãng. Thôi, để em chạy tìm má về.
Nam tất tả chạy vào con hẻm nhỏ theo lối tắt ra chợ. Chờ Nam đi xa, Quỳnh Trang dặn Ngữ:
- Anh đừng hỏi liền chuyện anh Tường. Em đưa thư anh Tường cho Nam đọc, nó phản ứng lạ lắm. Hôm đó hai đứa em suýt giận nhau.
Thằng Bình đòi đi tiểu. Quỳnh Trang nói:
- Anh vào xem qua căn nhà. Cũng tàm tạm vậy thôi. Chỉ được cái mã ngoài, phía sau sơ sài như nhà tạm.
Quỳnh Trang nói đúng. Căn trước căn nhà lợp ngói và lót gạch hoa nhưng cả ngói lẫn gạch đều cũ kỹ tạm bợ. Có thể trước đây căn nhà chỉ là một cái nhà tôn che tạm trên bãi rác quanh khu Mả Tây, thế rồi dân cư đông đúc thêm, chủ nhà mới mua ngói cũ, gạch cũ tùy theo túi tiền nay sửa một ít, mai sửa một ít, dần dần căn nhà khang trang lên. Nhìn từ dưới lên trần, rui mè không phải là loại vững chãi của các căn nhà ngói. Gạch hoa tuy cũng một kiểu hoa văn nhưng mầu sắc đậm nhạt khác nhau, nhiều tấm bị mẻ góc trám bằng xi măng trắng. Đó là phần trước. Phần sau nhà hoàn toàn lợp tôn tạm bợ, hơi nóng hắt cả ra phía trước. Đồ đạc còn vất bừa bãi chưa dọn dẹp gì. Hai cái rề sô dầu lửa đặt gần vòi nước, hai tấm chiếu rộng cùng mền gối trải tạm trên nền gạch hoa nghỉ qua đêm vẫn còn đó, chưa thu xếp gọn ghẽ. Ngữ nhìn quang cảnh trước mắt lại nhớ cảnh dọn nhà khỏi Huế sau Mậu Thân, và cảnh căn nhà mới dọn vào ở đường Cường Để Qui nhơn. Gia đình chàng dù cố bao nhiêu vẫn không tìm được chỗ an cư. Liệu Sài gòn là chốn dung thân cuối cùng, là trạm cuối cho gia đình Ngữ chưa?
Ngữ cảm động đứng lặng hồi lâu trước tấm ảnh cha, đặt tạm trên một cái thùng giấy. Ảnh dựng vào vách, ánh sáng chiếu nghiêng làm lòa hình ảnh nên Ngữ phải đứng chéo một bên mới nhìn rõ được nét mặt cha. Đây là bức ảnh từng dùng để làm bia mộ. Ông Văn trong ảnh nhìn thẳng vào đứa con trai vừa thoát nạn trở về, miệng mỉm cười như vui mừng. Ngữ cúi xuống cầm tấm ảnh của cha lên. Thợ ảnh phóng đại từ một bức hình nhỏ học trò chụp thầy trong một bữa tiệc liên hoan cuối năm, nên nhìn gần, Ngữ thấy được những chỗ thợ ảnh dùng bút lông để sửa lại. Mấy cái nốt ruồi trên trán ông Văn đã bị xóa đi. Thợ ảnh cũng xóa luôn cả những nếp nhăn ở cuối hai khóe mắt. Thảo nào lần đi thăm mộ cha trước khi đưa gia đình vào Qui nhơn, Ngữ thấy trong ảnh cha mình quá trẻ. Khám phá đó khiến Ngữ buồn lâng lâng.
Bà Văn đã về. Bà ôm Ngữ khóc thút thít, vừa khóc vừa gọi tên Lãng. Một đứa con đã trở về bình an, nhưng Ngữ về bà càng thấy xót thương cho một đứa con nữa còn đang trôi giạt không biết ở đâu. Bà nắm lấy vai áo Ngữ ngước lên hỏi:
- Con về rồi có phải đi trở lại không?
Câu mẹ hỏi làm Ngữ giật mình. Lần đầu tiên, Ngữ nhớ là con đường chưa tới điểm cuối.
° ° °
Tiếng khóc và giọng nói rổn rảng của Quế làm cho cả xóm lao động biết gia đình “cái bà người Huế”’ mới dọn tới vừa có tin vui. Đàn ông (già trẻ chỉ vận có cái quần đùi) đàn bà con nít quanh xóm bu tới. Sẵn cửa mở, họ tự tiện vào sân trước hỏi thăm. Ngữ phải kể lại chuyện mình, kể không đầu không đuôi để trả lời trực tiếp các câu hỏi. Nhiều người đặc biệt tò mò muốn biết cảnh hỗn loạn, cướp bóc trên các tàu vớt người di tản. Ngữ tận mắt chứng kiến những cảnh ấy, nhưng chàng không muốn nhớ lại nữa. Đấy là những kỷ niệm xót xa phải cố mà quên đi. Thoát nạn rồi, Ngữ tự an ủi là mình may mắn chưa bị đẩy tới chỗ phải dùng súng để cướp đường mà chạy. Những người khác đã làm thay Ngữ những việc chẳng đặng đừng. Kẻ thiện người ác, tác nhân hay nạn nhân trong cuộc tranh giành con đường sống còn, thật khó lấy tiêu chuẩn nào để phân biệt cho rành rẽ. Để tự biện hộ, Ngữ phải dễ dãi với những người bạn đồng hành đã bạo tay cướp đường cho Ngữ đi, nhất là trên đoạn đường từ Tuy hòa cho đến Cam ranh. Rồi từ Cam ranh ra tàu lớn, những người đồng hành ấy lại phải dí súng vào trán các chủ ghe. Sống chết cách nhau có cái chớp mắt. Đạn đã lên nòng. Ngón tay nóng nảy run run ấn lên cò súng. Mồ hôi đổ hột trên trán kẻ cướp lẫn kẻ bị cướp. Khi kẻ bị uy hiếp gật đầu, mọi sự lại bình thường, như những gì xảy ra trước đó chỉ là một màn kịch, một trò chơi không nguy hiểm.
Ngữ nói dối rằng mình may mắn được tàu vớt ngay khi tới bờ biển cho đám đông thất vọng lần lượt tản bớt. Bà Văn nhìn con dâu dò xét trước khi hỏi con ở lại đây ăn cơm được không. Quỳnh Trang trả lời thay cho Ngữ:
- Con đi từ chiều hôm qua, thầy me con đang nóng ruột. Con cho anh Ngữ về Lý Thái Tổ cho thầy me con mừng, tối tụi con lại về dưới này với má.
Bà Văn hơi tiếc nhưng thấy con dâu nói đúng. Bà đành phải cho vợ chồng Ngữ đi, và cố dặn với:
- Chiều lên sớm sớm nghe không.
Ông bà Thanh Tuyến biết trước tin Ngữ về nên sự vồn vã mừng rỡ ít ồn ào hơn. Ông Thanh Tuyến đang bận xếp dọn đồ đạc máy móc, thấy Ngữ vào nhà, ông đứng dậy bước lại vỗ vai rể, rồi bắt tay Ngữ lắc lắc một cách hơi khách sáo. Ngữ thấy cha vợ mập ra, nhưng đôi mắt không còn ánh vui hồn nhiên như hồi ông còn nằm một chỗ được Ngữ tới thăm. Ngữ chột dạ, không hiểu mình đã vô tình làm điều gì lầm lỗi hay ông Thanh Tuyến ngày nay đã khác xa ông Thanh Tuyến thời trước. Thấy Ngữ đưa mắt nhìn đống máy móc ghi âm còn bày bề bộn ở góc nhà, ông Thanh Tuyến nói:
- Đồ mới dọn từ chỗ thu băng về đấy. Ngữ nghỉ một chút rồi giúp tôi một tay dọn dẹp lại.
Nghe ông Thanh Tuyến xưng “tôi”, Ngữ lại chột dạ. Sau đám cưới Quỳnh Trang, từ chỗ xưng hô “bác, cháu”, ông Thanh Tuyến đã xưng “thầy” và gọi Ngữ bằng tên một cách vừa thân mật vừa tương kính. Đôi khi cảm động, ông gọi Ngữ bằng “con”. Chưa bao giờ ông xưng “tôi” như lúc này. Ngữ cố giấu những ý nghĩ khó chịu, mau mắn đáp:
- Dạ thầy cần con dọn cái gì con làm cho. Có cần khiêng cái máy này đi đâu không thầy? Sao chở hết máy về đây làm chi hở thầy?
Ông Thanh Tuyến hơi ngớ ra một chút, liếc về phía con gái, rồi đáp:
- Con Diễm nó đi Mỹ rồi. Máy móc này là phần chia của mình. Thời thế này chắc không tiếp tục được nữa. Tiền mất ở các đại lý ngoài Trung cũng nhiều.
Từ đó, những câu hỏi câu đáp đều gượng gạo. Ngữ đã nghe vợ kể chuyện Tường, chuyện Quỳnh Như bảo lãnh cho gia đình di tản; cái nghe cái biết đêm qua chỉ mới là ý niệm. Bây giờ, chàng mới chứng kiến tận mắt ảnh hưởng của cơn lốc thời cuộc lên đời những người thân. Bà Thanh Tuyến với mối ưu tư phức tạp và mâu thuẫn, vừa mong ước được gặp lại con mà lại vừa lo trận gió kinh thiên đưa con bà về sẽ thổi sập luôn cả cơ nghiệp mưu sinh của bà. Ông Thanh Tuyến với tâm trạng một kẻ phiêu lưu lỡ tàu ngao ngán nhìn cảnh quạnh hiu mà mình phải chôn chân chịu đựng.
Trong nhà, dường như chỉ có Quỳnh Trang thực sự hớn hở, hạnh phúc.
° ° °
Thằng Bình bị cảm nặng nên Quỳnh Trang để cho Ngữ lấy Honda đi thăm bà Trung tá Thanh một mình, sau đó về Thị nghè ăn cơm tối. Quỳnh Trang dè dặt nói với chồng:
- Con nó đau. Nếu anh rán về được thì em đỡ lo hơn. Em biết thế nào má cũng bảo anh ở lại đêm.
Ngữ nhìn vợ bịn rịn, cảm động:
- Được. Anh sẽ cố về sớm.
- Nếu bỏ về đây mà má giận, thì anh nên…
- Tùy. Chắc má không giận đâu.
Quỳnh Trang mỉm cười, thích thú thấy sức mạnh của mình. Ngữ đến cư xá sĩ quan Chí Hòa. Bà Thanh thấy Ngữ, tái mặt run run hỏi:
- Chú Ngữ. Nhà tôi đâu?
- Trung Tá chưa về sao chị?
- Chưa. Chứ chú đi đàng nào mà anh em lạc nhau?
- Trung tá dẫn lính đi hành quân từ hôm 15. Nghĩa là một ngày trước khi Pleiku di tản.
- Vậy lúc lính Thượng nổi loạn, nhà tôi có ở Tiểu khu không?
- Không, chị ạ. Tôi xuống tới Tuy hòa nghe nói có nhiều đơn vị nhảy dù và lính Quân đoàn 2 băng rừng về được tới Ninh hòa.
- Chú gặp được họ hay chỉ nghe đồn?
- Chỉ nghe nói thôi, chị.
Bà Thanh ủ rũ vì thất vọng. Mấy đứa con vừa đi đâu về thấy có khách, vòng tay chào lễ phép rồi đi nhanh ra phía sau. Bà Thanh gọi thằng con trai lại:
- Dũng, con quên chú Ngữ rồi à?
Ngữ nhận ra thằng bé có lần chàng gặp ông Thanh dẫn đi cho ăn kem ở tiệm Mai Hương. Nó lớn hẳn lên, da ngăm nắng chứ không trắng và yếu ớt như trước. Thằng bé lại cúi đầu “chào chú Ngữ” lần nữa.
Bà Thanh quay sang Ngữ:
- Tháng trước hồi mất Pleiku, ở nhà hai chị em cứ tìm nhau hỏi tin, gặp là ôm nhau khóc. Chú về chắc cô ấy mừng lắm. Tôi… tôi chỉ sợ anh Thanh…
Bà Thanh không nói hết câu. Nhưng bà cũng dằn được, không khóc lóc trước mặt Ngữ. Ngữ an ủi gượng gạo:
- Trung tá quen địa thế vùng đó, chắc không sao đâu chị. Lính thương anh lắm. Chắc chắn anh sẽ về được.
Ngữ xin phép về vì không còn biết nói gì thêm nữa. Bà Thanh dặn:
- Lâu lâu chú chở cô lại đây chơi, xem chừng ông nhà tôi về chưa. Chú cho tôi hỏi thăm cô ấy. Tôi buồn quá, nằm nhà không đi đâu hết.
° ° °
Trong bữa cơm tối dọn ngay trên nền nhà, Nam tránh nói chuyện nhiều với anh. Bữa cơm bớt buồn tẻ nhờ tính liếng thoắng của con Thúy và chuyện giá cả tràng giang đại hải của Quế. Vậy mà ăn cơm xong, chính Nam rủ anh ra sân trước nói chuyện. Ngữ chờ Nam tâm sự với mình về lá thư của Tường. Không. Nam lại nói về Diễm. Nam hỏi anh:
- Anh biết tin Diễm đi rồi, phải không?
- Biết.
- Chị Trang cho anh biết à?
- Không. Về nhà thấy bề bộn những ampli máy thu băng, hỏi ra mới biết. Rồi đây tứ tán mỗi người một phương, chưa biết ai còn ai mất.
Nói xong, sợ em nghĩ là mình than tiếc về Diễm, Ngữ thêm:
- Khi chiều anh vừa đi thăm bà Thanh. Vẫn chưa có tin ông trung tá. Nam rán an ủi má. Anh tin thế nào Lãng nó cũng tìm được đường thoát. Nó giỏi hơn anh với em nhiều.
Nam im lặng, Ngữ không thể đoán được là Nam có bắt được cái giọng tiếc thương của mình không. Đột nhiên, Nam nói:
- Trước khi đi, Diễm nó tìm gặp em luôn. Nó có vẻ lo cho anh. Em biết nó tìm thăm em chỉ vì muốn biết tin tức anh.
Ngọn đèn néon gắn ở vách xưởng dệt trước mắt không đủ sáng để soi nét mặt Ngữ biến đổi vì xúc động hân hoan, vì thỏa mãn tự ái. Đã nhiều năm không trực tiếp gặp Diễm, chỉ nghe giọng Diễm nũng nịu với lính trên làn sóng điện phát thanh, chỉ đọc báo theo dõi các thành công của Diễm, quả thực Ngữ có mặc cảm thua sút. Nhiều lúc Ngữ ghen tức với sự thành công dễ dàng của Diễm, đến nỗi một lần nghe lính dưới quyền mình bàn tán về “cô em gái hậu phương”, Ngữ nặng lời bảo đó chỉ là phỉnh nịnh dối trá của các ông lớn ở Sài gòn bày vẽ ra để ru ngủ mấy anh lính chiến. Cả người nghĩ ra chương trình ấy lẫn cô xướng ngôn viên đều đáng bị lên án. Tiết lộ của Nam quá đột ngột. Ngữ sững sờ vì bất ngờ. Nam nói tiếp:
- Diễm nó có vẻ buồn vì không còn được gặp lại anh nữa.
Ngữ hỏi:
- Diễm đi hôm nào?
- Em không biết. Chắc bác Thanh Tuyến biết rõ. Anh có hỏi chưa?
- Hồi sáng thấy Trang chỉ cho biết vậy thôi, khi anh hỏi mấy thứ máy ghi âm đem về nhà. Anh không tiện hỏi thêm cho rõ.
- Như vậy thì chắc Diễm đã đi. Tội nghiệp con nhỏ!
- Em nói gì?
- Nó tâm sự với em nhiều chuyện, kể cũng tội. Em cứ tưởng được như nó là hạnh phúc rồi. Hóa ra không phải. Nó với ông Mân…
Nam do dự. Nàng không biết có nên kể hết những lời tâm sự của Diễm cho anh nghe không. Nam yên lặng thật lâu dù biết anh đang chờ. Cuối cũng, Nam chỉ nói:
- Nó với ông Mân không được hạnh phúc.
Ngữ thất vọng vì tưởng Nam sẽ kể nhiều chi tiết hơn. Hai anh em ngồi nghe tiếng máy dệt rì rào, cùng nhớ những ngày mưa dầm của Huế. Ngữ thở dài, buột miệng nói:
- Mưa cứ dai dẳng hoài, biết bao giờ mới tạnh đây!
- Anh nói gì vậy?
- Tiếng máy dệt buồn quá.
Rồi không cần chuyển mạch, Ngữ hỏi:
- Nhận thư Tường, em nghĩ sao?
- Chị Trang kể cho anh biết rồi à?
- Rồi.
- Anh ấy không gửi cho em. Đời em coi như xong rồi!
- Sao em nói thế? Em có tin là Tường về không?
Nam thì thào, sợ nghe cả lời mình:
- Em sợ. Nếu anh ấy về, em không biết tính sao nữa! Em cũng không biết em còn thương anh ấy nữa không. Có lúc em giận. Có lúc em tủi thân, tự hỏi chẳng lẽ đời em chỉ có vậy. Anh, em phải làm gì?
Ngữ không biết phải trả lời em thế nào. Chàng nói quanh:
- Họ về được đây thì không phải chỉ có em bối rối. Cả nước cũng bối rối như em. Ngay cả anh cũng chưa biết đời anh sẽ ra sao, họ còn cho anh sống yên ổn với vợ con không. Đêm qua Trang cũng hỏi anh câu đó.
- Anh Ngữ, nói thật cho em biết đi. Liệu bên mình còn sức ngăn họ không? Em thấy họ tiến như bão, một ngày hai ba chỗ mất. Em không dám nghe radio nữa. Càng nghe càng đau lòng.
Ngữ buồn rầu đáp:
- Họ sẽ thắng. Không thể tránh được. Bên mình tình thần suy sụp quá, không còn cứu vãn được. Anh lo nhất là lại có một vụ Tết Mậu Thân thứ hai. Lúc ba mất, anh tự an ủi là cái chết oan uổng của ba sẽ làm cho nhiều người tỉnh dậy, sẽ có phục sinh. Anh lầm. Cái chết của ba vô ích. Mưa cứ dai dẳng, mưa hoài!
Nam cảm thấy đầu óc căng thẳng, hai anh em càng nghĩ càng lạc, càng hoang mang không biết về đâu. Nam nói:
- Hôm con Quế đi xem nhà, hãng dệt nghỉ, đặt cọc rồi mới thấy hố. Tiếng máy dệt rào rào suốt ngày. Em đã bắt đầu quen. Anh có nhắc em mới nghe tiếng máy dệt, không nhắc thì quên bẵng.
Ngữ tìm được ý, tự trấn an mình mà cũng để trấn an em gái:
- Thôi, lo xa chi cho mệt. Riết rồi cái gì cũng quen đi. Gánh nặng có hơn hai chục triệu người cùng chia thì không còn nặng nữa. Anh lý luận ba phải như vậy, nghe được không?
Nam không cười như Ngữ chờ đợi. Nàng chỉ đáp:
- Em vẫn lo!
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương