Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Chương 24/27
T
ôi đến nhà Phượng. Không có Phượng, tôi can đảm ghê lắm. Tôi bấm chuông. Người nhà Phượng chạy ra:
- Cậu hỏi ai?
Tôi vờ vẫn:
- Ðây có phải nhà cô Phượng?
- Vâng.
- Cô Phượng viết thư cho tôi nhờ tôi đến lấy những cuốn vở của cô ấy để chép bài giùm cô ấy những ngày cô ấy nghỉ học.
Tôi không run một tí nào. Người nhà Phượng tin tôi ngay, lấy hết vở của Phượng đưa cho tôi.
- Tên cậu là gì?
- Dạ, Tùng.
- Em Phượng về tôi sẽ nói cậu Tùng đã tới lấy vở của em.
Tôi chào bà chị của Phượng, bước nhanh. Thi sĩ Văn Tùng sướng nhé! Tôi đem những quyển vở của Phượng về, nằm ngửa trên giường và đặt chồng vở lên ngực. Tôi thở mạnh. Chồng vở nhấp nhô theo từng hơi thở của tôi. Những quyển vở của Phượng phải mang linh hồn tôi. Tôi ôm ấp chúng, vuốt ve chúng, trìu mến chúng. Tôi đem chúng ra bàn học. Dở từng trang. Mỗi trang sách tỏa ngát mùi thơm của hương tóc Phượng. Tôi sung sướng chép bài giùm Phượng. Sung sướng như tôi ghi nhật ký. Tôi đang viết "lưu bút" đây. Không còn gì tuyệt vời hơn. Buổi chiều thứ ba ra bến ô tô đón Phượng. Thấy hai thi sĩ Ái Phượng, Hoài Phượng và vài anh học trò cùng lớp thơ thẩn ở bến xe. Tôi vẫn đứng sau một cột đèn điện. Sự thống khoái của tôi là biết nhiều người yêu một người và người ấy chỉ yêu tôi. Thi sĩ Văn Tùng, giờ này, chắc đang ngồi trên bờ tường thấp của sân vận động, buông thõng hai chân và hút thuốc lá. Tiếng máy bay nào đó ở tận bốn tầng mây cũng bắt trái tim anh ta đập mạnh. Tùng đang cười một mình. Anh tưởng đã cho Ái Phượng và Hoài Phượng... lỡ chuyến đò.
Chiều nay không có nắng. Trời mưa xuân thật đẹp. Mưa rây làn bột xuống đầu tóc. Tôi mặc áo mưa kéo cao cổ lên. Nếu tôi có một chiếc măng tôinhư Kỳ Phát? Và chiếc mũ phớt. Thì tôi thám tử ra phết. Nhưng thế này đã là thám tử rồi. Tôi đứng chôn chân dưới cột đèn điện. Mưa xuân cứ việc rắt bụi. Ðiếu thuốc trên môi không tắt. Khói thuốc quả đã sưởi ấm lòng kẻ chờ đợi. Vài anh học trò si tình đã bỏ cuộc. Rồi thi sĩ Ái Phượng cũng bỏ về. Yêu mà thiếu kiên nhẫn là vất đi. Yêu phải chịu khó lặn lội, mưa gió. Như tôi. Bến xe còn một mình thi sĩ Hoài Phượng. Tôi rời cột đèn điện, bước về phía Hoài Phượng, vỗ vai anh ta:
- Bạn đón ai ở đây?
Hoài Phượng hất đầu. Nước mưa xuân rũ sạch ở mái tóc chải rất nhiều brillantine của anh.
- Ðón một người.
- Ai?
- Phượng! Nàng viết thư dặn tôi ra đón nàng. Còn bạn?
- Tôi đón chú tôi.
- Bạn quen Phượng mà nàng không báo tin cho bạn biết nàng trở lại Thái à?
- Không. Nghe Tùng nói nàng dặn anh Tùng đón nàng ở... phi trường!
- Nàng về bằng máy bay?
- Tùng nói thế.
- "Nó" hại tôi rồi. Chào bạn Chương, tôi phải ra sân vận động ngày lập tức.
Hai nhà thơ sẽ gặp nhau ở sân vận động. Bến xe còn mỗi mình tôi... Nhưng Phượng đã không về chuyến xe cuối cùng. Nàng không về đúng ngày nàng muốn về. Tôi lo ngại giùm Phượng. Hay Phượng chưa hết bệnh? Sáng hôm sau tôi vẫn đến trường sớm để thu lượm ô mai và thư tình trong ngăn bàn của Phượng. Tôi muốn trốn học. Song, trốn học thì không thể chép bài giúp Phượng được. Với người học trò si tình, khi tình yêu xa vắng, để diễn tả nỗi nhớ nhung thật thiết tha, chỉ còn cách trốn học và thức khuya làm thơ. Từ hôm Phượng lên Hà Nội, tôi thường nghĩ chuyện bỏ nhà đi giang hồ đây đó. Những tập báo xuân tôi đã đọc hết. Tôi mê những giai thoại về các nhà văn, nhà thơ. Tôi yêu Nguyễn Bính đã đành nhưng tôi thích cuộc đời vô định và bệnh hoạn của Hàn Mạc Tử. Tôi ước ao nhiều điều. Giá tôi nổi tiếng như Thanh Nam, như Nguyễn Minh Lang, tôi sẽ viết một cuốn truyện dài dầy bằng cuốn Cuộc đòi một thiếu nữ hay Cánh hoa trước gió. Ở phương trời nào đó, Phượng sẽ đọc và sẽ bồi hồi. Có lẽ, gặp Phượng tôi sẽ nói tôi phải trở thành tay văn sĩ nếu một mai tôi và Phượng vĩnh viễn xa nhau.
Lá thư của Phượng không cho tôi " nghĩ dại " rằng Phượng không trở lại Thái. Hương tóc Phượng còn thơm ngát ở những quyển vở tôi đang ôm ấp, vuốt ve. Tháng Năm - tôi viết hoa chữ N - Phượng nhớ chứ? Tháng Năm những cây hồi sẽ nở hoa. Tháng Năm, trời thật trong và trăng thật sáng. Chúng ta sẽ đi bên nhau thưởng thức mùi hoa hồi. Con đường gần trường mình, Phượng biết không, phượng vĩ sẽ nở chói chang. Chúng ta sẽ bước trên những lớp xác hoa. Phượng thương hoa, Phượng nhặt ép vào vở. Tôi thương hoa, tôi bước nhẹ cho hoa đường rướm máu. Tôi còn muốn đi xa hơn, sau tháng Năm. Tôi thèm một miếng Hà Nội của Phượng. Ta sẽ ngồi bên hồ Trúc Bạch nghe gió lạnh đuổi nhau và kể chuyện miền Thái từ tháng chín năm ngoái năm xưa, năm nào... Có thuở nào đó không, Phượng nhỉ, tôi mời Phượng về quê ngoại nhà tôi. Ðó là khung trời thơ mộng. Ðó là rừng mơ nơi các vị hoàng tử trốn học đi săn tình yêu và đã gặp các nàng công chúa. Quê ngoại dạy tôi thương lá úa vàng chết để tôi có tháng chín bùi ngùi và gặp Phượng. Và yêu Phượng.
Phượng ơi,
Ngày mai tôi vẫn đi học. Tôi nhớ lời thánh ở đền Ngọc Sơn dạy rồi. Tôi sẽ đỗ và hoa hồi sẽ thơm ngát suốt đời tôi. Chiều nay, chiều mai tôi còn ra bến xe đón Phượng. Nhưng Phượng đừng hòng tôi nói có đón Phượng. Mãi mãi tôi nói không. Phượng thích thế mà. Phượng thích là trời thích. Tôi đứng nấp ở cột điện ấy, Phượng nhớ rồi đó. Phượng hãy nháo nhác kiếm tôi và đưa tay vẫy vu vơ. Tôi sẽ đưa tay vẫy lại. Rồi Phượng xuống xe về nhà. Sáng mai chúng ta gặp nhau ở lớp học. Phượng có thể nhận ra hàng chục khuôn mặt bạn trai cùng lớp. Họ đi đón Phượng đó, Phượng ạ! Phượng nói gì vì với học tùy ý Phượng. Chỉ xin Phượng đừng cười. Tôi muốn độc chiếm đôi môi Phượng. Tôi muốn Phượng cười vì tôi, cho tôi. Rồi Phượng muốn gì ở tôi? Một điều mà Phượng đã hỏi xin tôi dịp trước Tết, Phượng ngỏ đi, tôi cho Phượng ngay. Tôi cho Phượng như cây hoa một đời chỉ nở hoa một lần và bông hoa duy nhất ấy chỉ dành để cho một người đã đi vào đời tôi. Bằng yêu thương. Bằng hờn giận. Bằng nhớ nhung. Sẽ bằng đau khổ. Bằng nước mắt. Biết đâu được. Tôi ghét nước mắt, tôi ghét đau khổ.
Phượng ơi,
Tôi sẽ mơ ước nhiều đêm nay. Tôi cầu khẩn bà tiên Tình Yêu - tôi yêu cổ tích lắm - ban cho tôi một phép nhiệm mầu. Là sáng mai thức dậy, thấy mình ở lớp học lúc nào và đang chuyện trò cùng Phượng.