When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: admin
Số chương: 100
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 29383 / 807
Cập nhật: 2016-11-21 04:42:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 24 - Văn Vương Rước Khương Thượng Nơi Sông Vị
õ Kiết đến mé Bàn Khê thấy Khương Thượng đang ngồi câu trên bàn thạch, ở chạy đến kêu lớn:
- Khương lão gia ơi.
Tử Nha nghe kêu ngoảnh lại thấy Võ Kiết liền hỏi:
- Ngươi phải gã tiều phu hôm trước chăng?
- Ðúng rồi Khương lão gia còn nhớ tôi sao?
Võ Kiết nói:
- Hôm trước ngươi có đụng người ta chết hay không?
Võ Kiết nói:
- Lão gia quả thật thánh thần, có con mắt nhìn thấu đáo.
Tử Nha hỏi:
- Ngươi làm chết người sao về được nơi đây?
Chẳng giấu gì lão gia, hôm đó tôi xuống Tây Kỳ bán củi, gặp lúc quân lính dọn đường cho xa giá vua đi, tôi lính quýnh quay gánh củi, rủi trúng nhằm một tên lính chết tươi. Vua bắt tôi đền mạng, tôi than khóc vì còn chút mẹ già không ai nuôi dưỡng. Lúc ấy có quan Ðại Phu là Nghi Sanh thấy thương tình tâu với vua cho tôi trở về lo tiền bạc, gạo thóc để dành cho mẹ tôi sinh sống rồi sẽ đến nạp mình. Tôi thiết tưởng mẹ tôi đã già, không làm gì được chỉ nhờ tôi nuôi dưỡng, nếu tôi chết đi, mẹ tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa, lòng tôi đau xót quá. Xin lão gia ra ân cứu mạng tôi với, ơn ấy mẹ con tôi ngàn thuở không quên.
Tử Nha nói:
- Người có số mạng. Ngươi làm chết người phải đền tội. Ta làm sao cải số trời cho được?
Võ Kiết khóc lóc, năn nỉ mãi:
- Lão gia đã có lòng nhân xin tìm cách cứu mẹ con với trong cơn tai nạn, dẫu đến đầu bạc răng long tôi vẫn không quên được.
Tử Nha thấy Võ Kiết lắm lời năn nỉ, lại thương người có hiếu nên bảo:
- Nếu muốn ta cứu mạng, ngươi phải gọi ta bằng sư phụ mới được.
Võ Kiết mừng rỡ lật đật sụp lạy thưa:
- Xin sư phụ ra ơn làm phước, đệ tử không bao giờ đổi lòng.
Tử Nha nói:
- Ngươi đã dốc lòng làm đệ tử tất nhiên ta phải ra sức cứu ngươi. Vậy ngươi về nhà đào một cái hầm dưới gầm giường, bề sâu bốn thước, tối đến ngươi nằm dưới hầm ấy ngủ, dặn bà lão thắp một ngọn đèn chong dưới chân, một ngọn chong trên đầu, hốt ba nắm gạo trắng rắc lên mình, ủ một mớ cỏ xanh trên miệng huyệt. Ta ở nơi đây sẽ làm phép để ngươi nằm dưới huyệt ngủ mà.
Sáng ngày ngươi leo lên, cứ việc vác rìu vào núi đốn củi như thường, và ngươi sẽ bình yên vô sự, không cần phải nạp mạng.
Võ Kiết tạ ơn chạy về nhà lập tức:
Có bài thơ khen Tử Nha rằng:
Tây Bá bói tuy thiệt
Tử Nha ếm cũng mầu.
Nếu không bày phép nhiệm
Sao đặng đến sân chầu?
Cứu một người tên Kiết
Yên trăm họ nước Châu
Chẳng ra tài vương Bá
Sao rõ mặt công hầu
Võ Kiết về đến nhà mặt mày tươi như hoa mới nở, bà mẹ thấy Võ Kiết như vậy biết việc đã xong, liền hỏi:
- Con đi cầu Khương lão gia, người dạy làm sao?
Võ Kiết thuật lại cách dạy bảo của Tử Nha rồi lo đi cắt cỏ thấp đèn, đảo huyệt.
Còn Tử Nha đêm ấy cũng thức đợi đến canh ba, xõa tóc cầm gươm đốt bùa niệm chú, làm phép ếm đối xong xuôi.
Sáng ngày Võ Kiết đến tạ ơn Tử Nha thưa:
- Ðệ tử vâng theo lời thầy làm đủ phép.
Tử Nha nói:
- Việc ấy như vậy là xong, không còn lo sợ gì nữa. Nay ngươi đã làm đệ tử thì phải nghe lời ta, cứ buổi sáng vào núi đốn củi kiếm ăn, còn buổi chiều phải đến đây tập luyện võ nghệ để chờ ngày giúp nước. Vì nay Trụ Vương lỗi đạo, bốn Trấn chư hầu đều nổi lên diệt bạo cứu nguy.
Võ Kiết hỏi:
- Thưa sư phụ, bốn trấn trấn chư hầu nào vậv?
Tử Nha nói:
- Ðông Bá Hầu Khương Văn Hoán cầm đầu hai trăm trấn chư hầu đánh ải Du Hồn, Nam Bá Hầu Ngạt Thuận cầm đầu hai trăm trấn chư hầu đánh ải Tam Sơn. Ta xem thiên văn thấy chẳng bao lâu nữa thiên hạ sẽ loạn. Vậy thì ngươi cũng nên tập luyện võ nghệ cho thông, đặng mai sau kiếm cơ lập nghiệp, nếu cứ đốn củi mãi thì già đời cũng chỉ làm một gã tiều phu mà thôi.
Võ Kiết theo lời Tử Nha dạy bảo, buổi mai vào núi đốn củi, buổi chiều đến Bàn Khê học nghệ.
Bấy giờ Táng Nghi Sanh tính lại đã nửa năm rồi mà không thấy Võ Kiết đến nạp mình. liền vào tâu với Văn Vương:
- Tôi thấy Võ Kiết còn mẹ già nên tâu xin cho nó về lo việc cấp duỡng một thời gian. Nay đã nửa năm, đúng hẹn mà không thấy nó đến trình diện, khi luật triều đình, xin Chúa công liệu cách trị tội.
Văn Vương liền lấy tiền ra gieo một quẻ để đoán việc ngay gian, chẳng ngờ vì có phép yếm của Tử Nha, khiến quẻ ứng rằng Võ Kiết đã gieo mình xuống sông tự vận rồi.
Văn Vương thương hại nói:
- Võ Kiết không phải trốn đâu. Bởi nó sợ hành hình nên trầm mình xuống sông tự vận. Nghĩ lại nó rủi ro phạm tội, không có ý giết người, nay nó đã tự tử thì bỏ qua cũng được.
Văn Vương than thở một hồi rồi vào trướng nghĩ ngơi.
Ngày tháng cứ thoi đưa, thu đông qua rất chóng, mới đó mà đã vào tiết xuân rồi, đào lý đã nở hoa bướm ong tấp nập.
Văn Vương thấy muôn hoa rực rỡ, trăm họ vui vầy, truyền hết thảy triều thần cho phép được vui xuân mở hội.
Táng Nghi Sanh tâu:
- Ngày trước Chúa công ngự thấy điềm lành, nay nhân tiết xuân mát mẻ. Chúa công cũng nên thả gót nhàn du may ra gặp được hiền thần trong mộng.
Văn Vương khen phải, liền truyền Nam Cung Hoát và Tân Giáp dẫn bnh rồng theo hộ giá.
Nam Cung Hoát và Tân Giáp tuân lệnh dẫn năm trăm quân, tôi chúa đồng kéo nhau đến Gò Nam xem hoa thưởng ngoạn.
Có bài thơ vịnh mùa xuân:
Vàng tía chen nhau ngập thế gian
Ong qua bướm lại nhộn bên đàng
Khuyên ai chớ phụ thời xuân sắc
Một tấc ngày xuân một tấc vàng
Văn Vương và các quan vừa đến Gò Nam đã thấy dân chúng bao quanh, kẻ vác giáo, người cầm cung tên, dắt muông, bủa lưới dường như họ đang bày cuộc săn bắn vậy.
Văn Vương lấy làm lạ hỏi Táng Nghi Sanh:
- Dân chúng làm gì vậy?
Táng Nghi Sanh tâu:
- Ngày nay Chúa công muốn vui chung với bá tánh nên họ bày cuộc săn bắn để Chúa công giải khuây.
Văn Vương không bằng lòng, nói:
- Xưa quan đại thần là Phong Hậu đem dâng thịt sống cho vua Phục Hy, vua Phục Hy nói:
- Trời sanh loài cầm thú cũng biết đau đớn, sống chết như loài người, tại sao loài người lại giết chúng mà ăn thịt. Lòng ta chỉ muốn sống mà thôi, không đành làm chết một sinh vật nào cả. Như loài thảo mộc, không biết đau đớn, không có tri giác, ta có thể dùng nó nuôi sống loài người được, ấy là vua Phục Hy sanh nhằm thời thượng cổ, không có lúa gạo như bây giờ mà không đành ăn thịt cầm thú thay, cho nên đời sau mới gọi là Thánh đế. Chúng ta ngày nay lúa gạo đầy đủ, ngũ cốc ê hề, đã no lòng còn đòi hỏi việc ngon miệng. Ðang lúc mùa xuân ấm áp, mọi sinh vật phơi phới như vầy, chúng ta nỡ nào phá phách cho muôn thú vỡ ổ lạc bầy, bất nhân thất đức.
Bấy giờ khắp chốn Tây Kỳ trai gái đều điểm trang rực rỡ, kẻ ngâm thơ, người uống rượu, già đi trước trẽ theo sau, muôn vật như tăng phần linh động.
Văn Vương lấy làm đẹp dạ, khen:
- Như thế nầy mới gọi là thái bình thịnh trị.
Táng Nghi Sanh tâu:
- Cõi Tây Kỳ thái bình lắm chẳng khác trời Nghiêu, đá Thuấn thuở xưa.
Ðoàn triều thần hộ giá Văn Vương đi từ chỗ nầy sang chỗ kia đến đâu cũng thấy dân chúng như vậy.
Xảy thấy có mấy người câu cá, vác cần câu trên vai nghêu ngao hát:
Vua Thành Thang đánh Hạ Kiệt
Y Doãn cầm binh xong các việc
Dựnq cờ phạt tội kéo xông qua
Ðuổi kẻ bạo tàn đi mất biệt
Hưỡng sáu tăm năm bên mối nước
Việc chánh ngày nay coi khác trước
Ðào ao được rượu, thit làm rừng
Lộc đài xương máu cao ngàn thước
Ðã mê tửu lại tham dâm
Ðao binh bốn biển dậy ầm ầm
Chúng ta ẩn mặt ngoài sông biển
Rữa tai chẳng chịu tiếng thâm trầm
Ngày thời theo sóng ca óng óng
Ðêm lại xem sao, trời lồng lộng
Sỗg dài biển rộng cứ gieo câu
Ðất trời che chở không cần lộng.
Văn Vương nghe ca nói với Táng Nghi Sanh:
- Người hiền ca lời lẽ uyên thâm lắm, chắc trong đám người đó có người hiền.
Nói rồi truyền Tân Giáp đến hỏi đoàn người câu cá xem ai đã đặt ra bài ca ấy?
Tân Giáp tuân lệnh giục ngựa đến đón đoàn người câu cá lại hỏi:
- Chúa công có lệnh cho đòi người hiền sĩ nào đã đặt ra bài ca ấy.
Mấy người câu cá thất kinh quỳ xuống thưa:
- Chúng tôi tất cả đều là người hiền.
Người hiền gì mà đông dữ vậy!
Mấy người câu cá thưa:
- Chúng tôi sớm mai đi câu cá, buổi chiều lại nấu cơm thật là không hung dữ.
Văn Vương giục ngựa đến. Tân Giáp tâu:
- Ấy là mấy người đi câu cá, không phải bậc hiền sĩ.
Văn Vương nói:
- Nếu không phải bậc hiền sĩ sao lại có lời ca như vậy?
Mấy người câu cá tâu:
- Bài ca ấy không phải do chúng tôi đặt. Cách đây ba mươi dặm tại đất Bàn Khê, có môt ông già ngồi câu cá thường ca bài ấy, chúng tôi thường nghe nên thuộc lòng ca nghêu ngao lúc hứng chí.
Văn Vương phán:
- Thôi các ngươi lui về nghỉ.
Mấy người câu cá lạy tạ vua, dời gót. Văn Vương ngồi trên ngựa ngẫm nghĩ:
- Kẻ sĩ nào lại dùng tiếng rửa tai, chắc là người khí phách lắm.
Táng Nghi Sanh thấy Văn Vương trầm tư, liền hỏi:
- Chúa Công nghĩ gì vậy?
Văn Vương nói:
- Trong bài ca vừa rồi có hai tiếng rửa tai, đó là tích của người xưa hay lắm.
Táng Nghi Sanh hỏi:
- Tâu chúa công, tích ấy thế nào hạ thần chưa rõ?
Văn Vương nói:
- Nay Thiên tử ưa nghe tiếng dấm là tiếng nhạc mất nước, nên người đặt bài ca đó là tích Hứa Do rửa tai đời trước mà sánh mình.
Táng Nghi Sanh hỏi:
- Tích Hứa Do rửa tai thế nào?
Văn Vương giảng giải:
- Ngày xưa vua Nghiêu có chín người con trai, nhưng xét tánh tình không người nào hiền đức, vua Nghiêu sợ nếu để con mình nối ngôi trị Thiên hạ sẽ ly loạn, vì vậy vua Nghiêu đi khắp thiên hạ tìm ngưòi hiền để nhường ngôi. Ngày kia, vua Nghiêu đi đến chân núi thấy một người cầm chiếc bầu nhỏ đang múc nước dưới khe.
Vua Nghiêu liền hỏi: - Ngươi làm gì vậy?
Hứa Do nói:
- Tôi ngán cuộc nơi ô trọc nên lánh mình một cõi, tìm thú thanh nhàn, không màng lợi danh, đói ăn trái cây, khát uống nước suối giữ mình trong sạch cho mãn kiếp thời thôi. Vua Nghiêu nghe mừng thầm nghĩ rằng người không ham phú quí, không ưa lợi danh chính thật người hiền, nếu truyền ngôi cho thế nào thiên hạ cũng được thái bình, Nghĩ như vậy vua Nghiêu nói:
- Trẫm thật là vua Nghiêu, giả thường dân đi tìm người hiền đức để nhường ngôi. Vậy ngươi là bậc hiền đức, hãy theo trẫm về triều thay Trẫm trị thiên hạ.
Hứa Do vốn không màng danh lợi, lại không thích công danh, nghe vua Nghiêu nói như vậy tuy làm thinh không đám cãi, nhưng lòng giận lắm, đập nát cái bầu, rồi bịt chặt hai tai, cong lưng chạy riết đến bến sông, vốc nước rửa tai mãi. Giữa lúc đó có Sào Phủ cho trâu đến bến sông cho uống nước, thấy Hứa Do rửa tai mãi, không hiểu vì cớ gì, hỏi:
- Tai anh dính vật gì dơ lắm sao mà rửa mãi vậy?
Hứa Do đáp:
- Vừa rồi tôi gặp vua Nghiêu bảo tôi về triều để truyền ngôi. Tôi nghe tiếng danh lợi dơ tai quá nên chạy đến đây mà rửa. Nhưng rửa đã lâu mà tiếng ấy vẫn còn văng vẳng, chưa hết.
Sào Phủ nghe nói liền dắt trâu lên trên dòng nước cho uống.
Hứa Do hỏi:
- Sao anh không cho trâu uống nước tại bến như thường lệ.
Sào Phủ nói: - Tai anh dơ lắm sợ trâu tôi uống dơ miệng.
Ấy là tích Hứa Do, Sào Phủ thời xưa. Nay người nầy lấy tích ấy ví mình là kẻ thanh bạch.
Vua tôi vừa đi vừa nói chuyện với nhau. Bỗng thấy mấy người gánh củi đi tới, cao giọng hát:
Phụng chẳng thiếu mà lân cũng có
Chẳng phải thời nên không chịu tỏ
Rồng bay mây kéo gió theo hùm
Trách đời sao chẳng tìm trăng tỏ
Há chẳng thấy người cày ruộng Hứa Sàng
Noi nghề vua Thuấn giữ lòng hằng
Chẳng gặp Thành Thang ba bận rước
Cũng đành trọn kiếp giấu tài năng
Lại chẳng thấy như ông Phú Duyệt
Lạnh lẽo dầm mưa lại dầm tuyết
Nếu chẳng Cao Tông thấy gấu bay
Mang tơi dựa vách không ai biết
Người hiền hết nhục tới khi vinh
Không lẽ anh hùng can phận thiệt
Văn Vương nói với các quan ngồi trên ngựa nghe ca đều lấy làm lạ.
Trong đoàn người này chắc có hiền sĩ. Liền bảo Tân Giáp đi mời nữa.
Tân Giáp tuân lệnh giục ngựa đến hỏi:
- Trong đám người ấy có ai là hiền tài xin mời ra đây cho Ðại vương dạy việc.
Mấy người gánh củi liền để gánh xuống chắp tay thưa:
- Chúng tôi chỉ có tài đốn củi chớ không có tài gì khác cả.
Văn Vương vừa đến nơi, Tân Giáp tâu:
- Họ cũng không phải, là hiền tài đâu, xin Chúa Công chớ nhọc lòng nghĩ đến họ.
Văn Vương nói:
- Nếu không phải hiền tài sao lại đặt được bài hát có ý nghĩa sâu xa như vậy?
Một người trong đám tiều phụ tâu:
- Chúng tôi đốn củi thường đi ngang qua chốn Bàn Khê nghe ông già câu cá hát bài nầy, chúng tôi thuộc lòng và ca hát làm vui lúc mệt nhọc.
Văn Vương nói:
- Nếu không phải các ngươi đặt ra bài hát ấy thì hãy lui về mà nghỉ.
Mấy gã tiều phu lạy tạ rồi gánh củi lên đường.
Văn Vuơng ngồi trên ngựa ngẫm nghĩ mãi hai bài ca vừa rồi.
Trong lúc đó triều thần ai nấy uống rượu thưởng hoa. Bỗng có một người gánh củi đến, miệng hát nghêu ngao mấy câu:
Nước dợn trong veo cảnh thật thanh,
Hùm thiêng chưa gặp ẩn non xanh
Người đời chẳng biết trang hiền sĩ
Cứ nói ông câu ở mé gành
Văn Vương nghe tiếng ca, khen:
- Người nầy chăc là hiền sĩ đấy,
Táng Nghi Sanh vào tâu:
- Người ấy sao giống Võ Kiết, kẽ tội nhơn giết người ngày trước vậy.
Văn Vương nói:
- Quan Ðại Phu nhìn lầm rồi. Võ Kiết đã sợ tội nhảy xuống sông trầm mình, lẽ nào còn sống trên thế gian!
Táng Nghi Sanh ngồi trên ngựa ngắm kỹ một hồi, thấy quả là Võ Kiết, không còn nghi ngờ gì nữa, liền sai Tân Giáp đến bắt.
Tân Giáp vâng lời giục ngựa đến trước. Võ Kiết trông thấy xe giá không biết trốn vào đâu, phải để gánh củi xuống bên đường quì mọp xuống đất. Tân Giáp thấy quả Võ Kiệt, liền đến trước ngựa Văn Vương tâu:
- Người ấy quả là Võ Kiết, tên giết người ngày trước.
Văn Vương nỗi giận hét lớn:
- Ðứa thất phu, dám khi dễ ta như vậy.
Rồi quay lại nói với Táng Nghi Sanh:
- Người đâu xảo trá như vậy phải làm tội bằng hai, xử theo án sát nhân để răn chúng.
Nói rồi lại than:
- Nếu quẻ Tiên thiên ta bói không thiệt thỉ còn truyền lại cho dân chúng làm gì!
Táng Nghi Sanh nói:
- Thần tử Tây Kỳ nầy thuở nay chưa hề có ai ngang ngạnh như vậy, chẳng biết Võ Kiết có điều gì uẩn khúc không, xin Chúa công để tôi hỏi lại nó thử.
Liền giục ngựa tới hỏi:
- Ngươi hứa với Chúa công trở về lo việc cấp dưỡng mẹ già xong trở lại đền tội, tại sao lỗi hẹn?
Võ Kiết nói:
- Tôi không dám bỏ phép. Bởi có một ông già câu cá tại Bàn Khê họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha, biệt hiệu Phi Hùng, bảo tôi làm học trò thì cứu toàn tánh mạng. Người ấy dạy tôi về đào huyệt, chong đèn trên đầu một ngọn, dưới chân một ngọn, hốt gạo vãi lên mình, lấy cỏ ủ lại, qua một đêm thì khỏi chết luôn. Tôi còn mẹ già không nỡ chết bỏ mẹ tôi nên nghe lời trốn pháp luật xin quan trên nghĩ lại.
Táng Nghi Sanh nghe nói mừng rỡ, quỳ tâu với Văn Vương:
- Võ Kiết nói có ông già câu cá hiệu Phi Hùng thì quả là người Chúa công ứng mộng. Xưa vua Thương Cao thấy gấu bay mà được ông Phú Duyệt ra phò, nay Ðại Vương thấy cọp có cánh chắc là Khương Tử Nha, người câu cá nơi Bàn Khê đấy. Xin Chúa công tha tội cho Võ Kiết! khiến nó dẫn đến Bàn Khê tìm Khương Tử Nha về dùng.
Văn Vương y tấu, truyền bá quan văn võ theo Võ Kiết đến Bàn Khê.
Võ Kiết được tha tội chết mừng rỡ bỏ gánh củi, dẫn Văn Vương và đoàn tùy tùng trở lại rừng xanh.
Bấy giờ Văn Vương và các quan không dám cỡi ngựa, sợ người hiền giật mình ẩn mặt, nên xuống yên dắt ngựa theo sau Võ Kiết.
Còn Võ Kiết trở về đến Bàn Khê không thấy Khương Thượng đâu mất, lòng thất kinh dáo dác tìm kiếm quanh.
Táng Nghi Sanh hỏi:
- Người hiền đi vắng rồi sao?
Võ Kiết nói:
- Sư phụ tôi mới vừa ngồi đây, không biết vì sao vắng mặt.
Văn Vương hỏi:
- Nhà của người hiền ở chỗ nào?
Võ Kiết chỉ tay về phía trước tâu:
- Túp lều tranh nhỏ trước mặt kia là chỗ sư phụ tôi nương náu..
Võ Kiết dắt Văn Vương đến đó, thấy túp lều xiêu vẹo, xung quanh che màn trúc đan.
Văn Vương gõ nhẹ vào tấm phên lẫm cửa thì thấy một thằng bé nhắc tấm phên bước ra, Văn Vương hỏi:
- Có thầy ngươi ỏ nhà không?
Thằng bé nói:
- Sư phụ tôi đi chơi với bạn hữu..
Văn Vương hỏi:
- Chừng nào về?
Thằng bé nói:
- Không biết chừng. Có khi một ngày có khi đôi ba bữa.
Có lúc gặp bè gặp bạn dạo nước dạo non nên không biết chừng nào mà dám chắc..
Táng Nghi Sanh tâu với Văn Vương:
- Phép cầu người hiền,phải có lòng thành. Hôm nay chúa công đi dạo xuân tình cờ đến đây nên người hiền không ra mặt.
Xưa vua Thần Nông tìm Trường Tang vua Thành Thang tìm Y Doãn đều phải ăn chay tắm gội, coi ngày lành đem lễ vật đến
rước, như thế mới tỏ ra kính hiền đãi sĩ. Xin Chúa công noi gương ấy, trở về sắm sửa vài ngày nữa sẽ đến rước.
Văn Vương khen:
- Quan Ðại Phu nói phải lắm.
Liền truyền Võ Kiết theo xa giá về trào. Chúa tôi trở lại trông thấy bên khe cảnh vật tốt tươi, Văn Vương đẹp ý ngâm lên:
Phong vảnh xnân thời đẹp đẽ thay
Người hiền ẩn mặt nấy lâu nay
Tới nơi không thấy người đâu cả
Thiên hạ sầu riêng biết mấy ngày
Văn Vuơng bịn rịn mãi nơi Bàn Khê đi không dứt. Táng Nghi Sanh năn nỉ khuyên lơn, vua tôi về thành thì trời đã tối mịt. Văn Vương cầm bá quan ở lại trong điện ăn chay ba bửa, ngủ trong đền lớn, ai nấy tắm gội sạch sẽ, đợi ngày đi rước người hiền.
Nam Cung Hoát thấy vậy tâu với Văn Vương:
- Ông già câu cá nơi Bàn Khê chưa chắc đã thực tài, Chúa công ăn chay tắm gội, đem lễ vật đến cầu, nếu lầm người vô dụng có phải thất công, nhẹ thì đi không. Vậy để ngày mai tôi vâng lệnh Chúa công đến đó thỉnh lão về triều như quả thật hiền sĩ thì phong chức lớn, dùng vào việc nước, còn nếu lão chỉ là một gã ngư phủ già cả thì đuổi về câu cá cho xong!
Táng Nghi Sanh nói lớn:
- Tướng quân không nên có ý nghĩ như vậy, Nay thiên hạ loạn ly nhân tài ẩn mặt trong núi non, nếu không biết trọng họ thì làm sao họ chịu đem tim óc ra giúp đời, Chúa công phải noi theo dấu xưa, trọng hiền mến sĩ mới được.
Nam Cung Hoát nói:
- Người hiền không phải dễ kiếm, không phải nghe người ta có tài liền tin theo, ít ra cũng phải thử thách tài năng trước khi trọng dụng. Nay Chúa Công ăn chay tắm gội, đem trọng lễ đến rước ông già câu cá, nếu ông ấy không phải người tài thì sao?
Táng Nghi Sanh nói:
- Không hại gì cả, Chúa công sẽ được tiếng trọng hiền. Kẻ bất tài mà Chúa công còn trọng như vậy thì kẻ có tài sẽ ao ước được ra phò Chúa công. Vả lại, người nầy biệt hiệu Phi Hùng thì đúng với điều mộng của Chúa công rồi, không còn nghi ngờ gì nữa
Văn Vương nói:
- Quan Ðại Phu nói phải lắm, Nam Tướng quân chớ tị hiềm mà hỏng việc lớn.
Bấy giờ cả triều thần đều theo lệnh Văn Vương, ăn chay tắm gội ba ngày, để đến Bàn Khê rước Tử Nha.
Người sau có thơ rằng:
Kìa là chuông trống nọ đờn ca
Ấy lễ Văn Vương rước Tủ Nha
Cơ nghiệp nhà Châu gần sửa trị
Tám trăm năm lẻ thảy âu ca
Văn Vương theo lời Táng Nghi Sanh đến ngày thứ tư sắm sửa lễ vật, chỉnh đốn áo mão, truyền quân khiêng đến Bàn Khê, vua tôi cùng đi đông nức. Văn Vương lại phong Vỗ Kiết làm Võ Ðức Tướng quân, truyền dẫn đường. Thiên hạ nghe đồn việc ấy đều rủ nhau đi xem.
Văn Vương dẫn các quan đến gần Bàn Khê đều xuống ngựa đi bộ xa thấy dạng Khương tử Nha đang ngồi câu trên thạch bàn.
Văn Vương liền rón rén bước đến sau lưng, không dám động.
Còn Tử Nha đã đoán trước, biết có vua nước Châu đến rước liền ngồi làm tĩnh, vừa câu cá, vừa ca lên mấy câu:
Gió Tây dậy thì mây trắng bay
Năm đã tàn rồi tuổi lớn thay
Chim phụng gáý thì vua trổ mặt
Thả nhợ câu này ai có hay
Tử Nha ca xong, Văn Vương mới cất tiếng hỏi:
- Người hiền có vui không?
Tử Nha ngó ngoái lại thấy Văn Vương liền bỏ cần câu cúi đầu thi lễ, tâu:
- Tôi không biết Ðại vương đến nên trễ việc tiếp nghinh xin Ðại vương tha tội.
Văn Vương vội vàng đở dậy bái và nói:
- Trẫm ái mộ tiên sinh đã lâu, đến đây một lần không gặp mặt. Trẫm xét mình có lỗi không biết người hiền, nên ăn chay ba bữa, tắm gội sạch sẽ đến đây cầu ra mắt.
Tử Nha lật đật quỳ mọp dưới đất tạ tội và đắt Văn Vương về nơi túp lều tranh.
Ðến nơi Tử Nha sụp lạy một lần nữa.
Văn vương đáp lễ và nói:
- Trẫm nghe tiếng cao minh, nhưng chưa gặp mặt hôm nay hân hạnh được tương phùng, xin tiên sanh làm ơn chỉ giáo Trẫm đôi điều về dân nước.
Tử Nha khiêm nhượng nói:
- Tôi ngư phủ già cả, không tài trí gì hết, võ không đủ dẹp loạn, văn không đủ trị dân, nhờ ơn Ðại vương đoái thương sợ đền ơn không đặng.
Táng Nghi Sanh nói:
- Chúa công tôi đã hết lòng chiếu cố tiên sinh chớ khiêm nhượng làm gì.Nay thiên hạ loạn ly, Trụ Vương lỗi đạo, đam mê tửu sắc, giết hại trung thần, gần nịnh xa trung khiến chư hầu làm phản. Chúa công tôi ngày đêm lo lắng không an, nghĩ đến trăm họ khổ sở, trông người hiền như khát nước, tiên sinh là bậc nhân tài, lẽ nào ẩn dật mãi không ra cứu dân độ thế.
Nói rồi dâng lễ vật lên. Tử Nha thấy vua tôi Văn Vương trọng mình như vậy không còn lời lẽ nào từ chối nữa liền nhận lẽ vật đồng tử đem cất vào nhà trong.
Văn Vương mời Tử Nha lên xe rồng rước về triều. Tử Nha lật đật quì thưa:
- Phận tôi tài hèn sức yếu, được Ðại vương thương tưởng đến, nguyện đem tim óc đền ơn lẽ đâu dám ngồi xe Ðại vương mà lỗi đạo tôi chúa.
Văn Vương nói:
- Ấy là lòng trẫm kính người hiền, xin tiên sinh chớ ngại.
Tử Nha một mực chối từ, nhất thiết không chịu ngồi chung xe với Văn Vương.
Táng Nghi Sanh nói:
- Hiền sĩ đã giữ lễ như vậy thì xin mời hiền sĩ lên ngựa vậy.
Tử Nha thuận lòng lên ngựa theo hầu, cùng đi về triều với các quan văn võ. Lúc bấy giờ Tử Nha đã tám mươi tuổi.
Có bài thơ khen rằng:
Thả mồi câu cá đă hằng lâu
Chờ vận râu mày bạc trắng phau
Phải dọa hết trông câu quả vị
Lội sông còn nhớ ấn công hầu
Kinh luân trong túi tươi như gấm
Thao lược bên lòng sáng tợ châu
Mới biết hùm già sanh cặp cánh
Ba ngàn bờ cõi một tay thâu
Văn Vương rước Tử Nha về đến Tây Kỳ, trăm họ ai thấy cũng mến đức.
Vào đền, Văn Vương phong Tử Nha làm Thừa Tướng. Tử Nha lạy tạ ơn, Văn Vương truyền mở tiệc đãi đằng vua tôi hoan hĩ.
Từ đấy, Tử Nha lãnh chức trị nước rất yên, trị dân phải phép thiên hạ đều tùng phục, quân tướng kính vì.
Ít ngày sau Văn Vương truyền lập dinh cho Tử Nha ở.
Phong Thần Diễn Nghĩa Phong Thần Diễn Nghĩa - Hứa Trọng Lâm Phong Thần Diễn Nghĩa