Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 4 - Chuyện Trò Trong Bữa Ăn
ạo này trong những bữa ăn ở gian phòng rộng trang trí sặc sỡ dưới lầu chàng trẻ tuổi Hans Castorp thường không được thoải mái, vì từ sau chuyến dạo chơi một mình hôm ấy cái tật run lẩy bẩy mái đầu giống như ông nội chàng thuở trước không chịu biến đi nữa, mà hầu như bữa ăn nào nó cũng xuất hiện hành hạ chàng, và không có cách gì ngăn chặn cũng như khó lòng che giấu. Ngoài tư thế đạo mạo tựa cằm xuống ngực - tư thế này không thể giữ được lâu - chàng còn sáng tạo ra nhiều biện pháp khác để người ta không nhận ra yếu điểm của mình, ví dụ như liên tục ngúc ngoắc đầu hết sang trái lại sang phải gợi chuyện người này người kia, hoặc tì chặt cẳng tay trái xuống bàn làm chỗ dựa trong khi tay phải đưa thìa xúp lên miệng, những lúc không bận ăn thậm chí chàng còn chống cùi chỏ xuống bàn dùng tay đỡ lấy đầu, mặc dù chàng vẫn biết đây là một cử chỉ lỗ mãng thiếu lịch sự và chỉ ngầm cho phép mình làm thế trong môi trường buông thả này, nơi các phép tắc xã giao có phần lơi lỏng mà thôi. Nhưng những mánh khóe ấy rất nhiêu khê và làm cho các bữa ăn trở nên gần như tra tấn đối với chàng, mặc dù bình thường đó là giờ phút chàng nóng lòng mong đợi nhất vì những sự kiện hấp dẫn cũng như những cảnh ngoạn mục gắn liền với nó.
Nguyên nhân của cái tật đáng hổ thẹn mà Hans Castorp phải vất vả tìm cách che giấu - và chàng biết rất rõ điều này - không phải chỉ là một khiếm khuyết của cơ thể, cũng không chỉ bởi khí hậu khắc nghiệt ở đây và sự khó khăn của quá trình hội nhập, mà là biểu hiện của một tình trạng căng thẳng nội tâm có liên quan chặt chẽ với những sự kiện hấp dẫn cũng như những cảnh ngoạn mục trong phòng ăn.
Gần như ngày nào Madame Chauchat cũng xuống ăn trễ giờ, và cho tới lúc cô ta xuất hiện Hans Castorp không tài nào ngồi yên được, chân chàng cứ rung bần bật, lòng thấp thỏm đợi lúc cánh cửa sập cái rầm và kính rung loảng xoảng, tiếng động loan báo sự xuất hiện của cô ta, chàng biết rằng khi ấy chàng sẽ giật thót mình, người lạnh toát và mặt tái đi, và thường thì cơ thể chàng phản ứng đúng như dự đoán. Mới đầu chàng còn quay lại hầm hầm đưa mắt giận dữ nhìn theo kẻ vào muộn vô duyên cho đến khi cô ta ngồi xuống chỗ của mình bên bàn “Nga thượng lưu”, làu bàu ném về phía đó một lời mắng mỏ hay một tiếng kêu phẫn nộ. Giờ thì chàng giả bộ làm lơ, đầu cúi gằm xuống đĩa, răng cắn chặt môi, hoặc là cố tình quay nhìn đi nơi khác; vì chàng cảm thấy mình không thể nào bày tỏ nỗi giận dữ, không có quyền trách mắng gì, thậm chí còn cảm thấy áy náy đối với những người khác ở đây như thể chính mình cũng gánh một phần trách nhiệm, - tóm lại, chàng thấy hổ thẹn, không hẳn là hổ thẹn vì hành vi khiếm nhã của cô nàng Chauchat, đúng ra chàng tự thấy hổ thẹn trước mọi người, trong khi lẽ ra chàng chẳng cần phải tự làm khổ mình một cách dư thừa như thế, vì cả phòng đâu có ai thèm để ý đến thói xấu của Madame Chauchat cũng như nỗi hổ thẹn của Hans Castorp, có chăng chỉ trừ cô giáo quá thì, cô Engelhart ngồi bên phải chàng mà thôi.
Sinh linh kém nhan sắc ấy lĩnh hội được rằng, nhờ sự nhạy cảm đặc biệt của Hans Castorp đối với tiếng sập cửa mà giữa chàng trai trẻ và cô gái Nga đã nảy sinh một mối dây liên hệ khác thường, thực chất đó là mối quan hệ gì - nếu như quả thực có thể gọi đó là mối quan hệ giữa họ - thì không quan trọng; và rốt cuộc, thái độ thờ ơ vờ vĩnh của chàng ta - vì thiếu kinh nghiệm và không có năng khiếu diễn viên nên chẳng thuyết phục chút nào - không biểu lộ sự sút giảm mối quan tâm mà ngược lại còn là một sự tăng cường, thể hiện một mức độ cao hơn của mối quan hệ kia. Không đòi hỏi cũng như hy vọng gì cho bản thân mình, cô Engelhart thường hăng hái gợi chuyện và hết lời ca ngợi Madame Chauchat, và điều kỳ cục nhất là Hans Castorp, nếu không phải ngay từ đầu thì về lâu về dài cũng đoán ra ý đồ và đi guốc trong bụng cô ta, đúng thế, chàng biết và trong thâm tâm còn thấy cái trò ú tim ấy thật đáng ghét, mặc dù vậy vẫn háo hức lắng nghe, sẵn sàng để cho mình bị lôi cuốn và mê hoặc.
“Rầm!” Cô gái già thủ thỉ. “Cô ấy đấy. Chẳng cần phải nhìn lên cũng biết ai vừa mới bước vào. Kìa, cô ấy đi về bàn - dáng đi mới dễ thương làm sao - hệt như một chú mèo con rón rén lần tới bên chén sữa! Giá mà tôi đổi được chỗ ngồi cho ông để ông có thể tự nhiên nhìn ngắm cô ấy như tôi nhỉ. Tất nhiên tôi cũng hiểu tại sao ông không muốn quay lại nhìn, có trời mới biết cô ấy sẽ nghĩ gì nếu biết ông để ý… Giờ thì cô ấy đang chào những người cùng bàn… Có lẽ ông cứ nên ngoảnh lại nhìn một cái đi, thật dễ thương vô cùng, ngắm cô ấy là cả một niềm hạnh phúc. Những lúc cô ấy nói cười như thế này trên má lại hiện lên một lúm đồng tiền, nhưng không phải lúc nào cũng có, mà chỉ khi nào cô ấy muốn thôi. Đúng là một cô bé xinh đẹp, mặc dù được nuông chiều quá đến nỗi thành ra đểnh đoảng. Có những người dù muốn hay không ta vẫn cứ phải yêu mến, nếu thói cẩu thả của họ có làm ta bực mình thì nỗi bực dọc ấy chỉ càng thu hút thêm sự quan tâm của chúng ta, thật đúng là giận thì giận mà thương thì thương…”
Cô giáo già cứ thế thì thầm, tay che miệng để câu chuyện giữa họ không lọt vào tai những người khác, gò má phơn phớt lông tơ đỏ lựng lên tố cáo nhiệt độ trong cơ thể tăng cao; và những lời kích động của cô ta làm chàng Hans Castorp tội nghiệp xúc động đến tận xương tủy. Cảm giác thiếu tự chủ làm nảy sinh trong chàng nhu cầu tìm kiếm sự đồng tình của người thứ ba, hy vọng người khác cũng say mê vẻ mỹ miều của Madame Chauchat như mình, thêm vào đó chàng trai trẻ còn mong nhận được sự khuyến khích ủng hộ từ bên ngoài để dám quên mình lao theo cái tình cảm mà lý trí và lương tâm của chàng cho tới giờ vẫn ra sức giãy giụa phản kháng.
Tuy nhiên những cuộc trò chuyện này về nội dung chẳng mang lại gì nhiều, vì cũng như đa số bệnh nhân ở an dưỡng đường cô Engelhart gần như mù tịt về đời tư Madame Chauchat; đúng ra cô chẳng quen biết gì người phụ nữ bí ẩn kia, thậm chí không quen người nào có hân hạnh biết rõ về cô ta để mà khoe, và điều duy nhất khả dĩ làm tăng tầm quan trọng của cô gái già trong con mắt Hans Castorp là nơi chôn rau cắt rốn của cô, thành phố Königsberg, nằm không xa biên giới Nga bao nhiêu và nhờ thế cô hiểu lõm bõm một ít tiếng Nga - quả thực rất ít ỏi, nhưng cũng đủ để Hans Castorp như người chết đuối vớ được cọng rơm sẵn sàng công nhận là có một chút hơi hướng chung với Madame Chauchat.
“Cô ấy không đeo nhẫn”, chàng bảo, “cả nhẫn cưới tôi cũng không thấy. Thế là thế nào nhỉ? Cô kể với tôi là cô ấy có chồng rồi cơ mà.”
Cô giáo quá thì lúng túng như bị chất vấn về chính bản thân mình, luống cuống tìm đường chống chế cứ như cô là người phải chịu trách nhiệm về Madame Chauchat trước Hans Castorp.
“Ông không thể dựa hoàn toàn vào dấu hiệu ấy được”, cô bảo. “Tôi biết chắc chắn là cô ấy có chồng rồi. Về mặt này không còn nghi vấn gì nữa. Cô ấy tự xưng là Madame không phải để được người ta đối xử tôn trọng hơn, như những cô gái trẻ khi ra nước ngoài hay giả đò để tỏ ra ta đây đã trưởng thành, mà quả thực tất cả mọi người ở trên này đều biết rằng cô ấy đã có chồng, và ông chồng hiện ở đâu đó trên đất Nga. Tên cúng cơm của cô ấy là một cái tên Nga chứ không phải tên Pháp như bây giờ, -anow hay -ukow gì đó, tôi quên mất rồi; nếu ông muốn tôi có thể hỏi lại, ở đây thế nào cũng có người biết. Còn nhẫn thì đúng là cô ấy không đeo cái nào, tôi cũng đã để ý thấy thế. Nhưng lạy trời, thiếu gì lý do khiến cô ấy không muốn đeo nhẫn, có thể vì không hợp, có thể sợ cộm tay. Hoặc giả cô ấy thấy đeo nhẫn cưới theo tục lệ thì tầm thường quá, chỉ là một cái vòng tròn kim loại không hơn không kém, thêm một chùm chìa khóa nữa là đích thị một bà nội trợ… không, bản tính cô ấy phóng khoáng hơn nhiều… Tôi biết chứ, tất cả phụ nữ Nga đều có tâm hồn tự do phóng khoáng. Hơn thế một chiếc nhẫn như vậy còn mang ý nghĩa thoái thác và xa lánh, theo ý tôi nó là biểu tượng của sự sở hữu, nó khiến người phụ nữ trở nên bất khả xâm phạm như một nữ tu, nó mang thông điệp ‘xin đừng chạm vào tôi’ của loài hoa trinh nữ. Tôi sẽ không lấy làm lạ nếu điều đó trái với mong muốn của Madame Chauchat… Một phụ nữ hấp dẫn như vậy, đang ở vào độ tuổi sung mãn nhất… Dĩ nhiên cô ấy không muốn khi chìa tay cho các quý ông hôn cũng thông báo luôn rằng mình đã như chim trong lồng như cá cắn câu…”
Chúa ơi, cô gái già hôm nay sao mà hăng hái quá! Hans Castorp ngớ người nhìn chằm chặp vào mặt cô ta, nhưng thẹn quá hóa liều cô ta chịu đựng cái nhìn của chàng một lúc mà không cụp mắt xuống. Hai người im lặng hồi lâu. Hans Castorp vừa ăn vừa tìm cách giữ chặt cái đầu bướng bỉnh cứ giật giật. Cuối cùng chàng lên tiếng:
“Còn ông chồng? Ông ta không quan tâm gì đến cô ấy hay sao? Ông ta không bao giờ lên trên này thăm cô ấy à? Ông ta làm nghề gì?”
“Công chức. Ông ta được chính phủ Nga bổ nhiệm đi cai quản một vùng hẻo lánh, Daghestan, ông biết không, xứ này nằm tận phía đông dãy núi Caucasus, ông ta cai trị ở đó. Vâng, như tôi đã nói với ông rồi đấy, ở đây chưa ai gặp mặt ông ta lần nào. Mà cô ấy lên lần này cũng đã được ba tháng rồi.”
“Vậy ra cô ta tới đây không phải là lần đầu sao?”
“Ô không, đây là lần thứ ba rồi. Giữa chừng cô ấy còn điều trị ở một vài nơi khác. Ông chồng không đi thăm cô ấy mà ngược lại, thỉnh thoảng cô ấy về thăm chồng, nhưng thưa lắm, chỉ khoảng mỗi năm một lần thôi. Có thể nói rằng họ sống ly thân, và thi thoảng mới gặp nhau.”
“Cũng phải thôi, vì cô ấy mắc bệnh…”
“Dĩ nhiên là cô ấy có bệnh. Nhưng không hẳn vì thế. Bệnh của cô ấy không nặng đến nỗi quanh năm ngày tháng phải nằm viện và sống cách xa chồng. Ở đây chắc phải có nguyên nhân nào khác nữa. Tất cả mọi người ở đây đều tin rằng còn phải có nguyên nhân khác. Có lẽ cô ấy không thích sống ở Daghestan mãi bên kia rặng Caucasus, một xứ khỉ ho cò gáy lạc hậu, rốt cuộc thì điều đó hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng cũng có thể tại người chồng, thậm chí có thể tại cô ấy không thích sống với ông ta. Ông ta có cái họ Pháp, nhưng lại là công chức Nga, đám ấy khó chơi lắm, xin ông cứ tin lời tôi. Có lần tôi đã gặp một người như thế, ông ta có bộ râu quai nón xám như thép và một gương mặt đỏ như gà chọi… Họ ăn hối lộ như thần, và tất cả không chừa một ai đều nghiện vodka, rượu mạnh ấy mà, ông biết đấy… Để đưa cay họ nhấm nháp vài cây nấm ngâm hay một khúc cá muối, nhưng chủ yếu là uống, mà uống vô hạn độ. Họ gọi cái trò ấy là nhậu lai rai…”
“Cô đổ hết lỗi lên đầu ông ta”, Hans Castorp bảo. “Nhưng biết đâu họ không ở được với nhau là tại cô ấy thì sao. Phải công bằng chứ. Cứ nhìn cử chỉ của cô ấy với cái thói để sập cửa… tôi không tin cô ấy là một thiên thần, xin cô đừng giận, thú thật tôi thấy tư cách cô ấy hơi đáng ngại. Nhưng bản thân cô cũng đâu còn khách quan để mà nói chuyện công bằng, cô mê tít cô ấy rồi còn gì…”
Và chàng cứ tiếp tục dấn thêm bằng giọng ấy. Với một sự tinh ranh vốn xa lạ đối với mình, chàng làm bộ như sự quan tâm cô Engelhart dành cho Madame Chauchat không phải vì chàng, mặc dù chàng biết tỏng ra thực tế nó là như vậy, mà cứ nghiễm nhiên coi mối cảm tình ấy là có thật, còn bản thân chàng ở địa vị một người ngoài cuộc khách quan có quyền trêu chọc cô gái già một cách lạnh lùng và hóm hỉnh. Và chàng biết chắc rằng kẻ tiếp tay cho mình sẽ nhẫn nhục chịu đựng và chấp nhận sự đổi trắng thay đen này, nên cứ được đằng chân lân đằng đầu mà chẳng phải lo già néo đứt dây.
“Chào cô Engelhart!” Buổi sáng chàng niềm nở. “Cô ngủ có ngon không? Tôi hy vọng cô có những giấc mơ ngọt ngào về nàng Minka xinh đẹp?… Ơ kìa, sao vừa mới nhắc đến tên người ta mà cô đã đỏ lựng lên như mặt trời thế! Thôi xin cô đừng chối nữa, cô tương tư nặng lắm rồi!”
Và cô giáo quá thì, đúng là mặt đỏ tưng bừng, vừa cúi gằm xuống tấm khăn tay vừa lí nhí trả lời về bên trái:
“Eo ôi, ông Castorp, xin ông đừng nói năng lấp lửng thế, tôi xấu hổ đến chết mất thôi! Ai cũng biết ông và tôi để ý đến cô ta, ông lại còn nói ra những lời đầy ẩn ý làm tôi đỏ mặt…”
Hai người càng ngày càng dấn sâu vào trò chơi dấm dúi bên bàn ăn. Cả hai đều biết rằng họ chỉ giả vờ giả vịt, rằng Hans Castorp chỉ trêu chọc cô giáo quá lứa nhỡ thì để được nhắc đến Madame Chauchat, và tìm thấy một thú vui không lành mạnh khi đùa cợt với cô gái già, trong lúc ấy cô ta vẫn nhắm mắt chấp nhận cuộc chơi: trước hết vì muốn trổ tài mai mối, sau nữa để lấy lòng chàng trai trẻ rốt cuộc cô ta cũng vô tình mến mộ cả ý trung nhân của chàng, và cuối cùng, cô ta âm thầm gặm nhấm nỗi đau khổ ngọt ngào được chàng trêu ghẹo và làm cho đỏ mặt. Hai người thấu hiểu tim đen của mình cũng như của người kia, và còn biết rõ người kia cũng đi guốc trong bụng mình, nhưng vẫn cứ giả ngây giả ngốc làm cho câu chuyện càng ngày càng rắc rối và không minh bạch. Mặc dù bản tính Hans Castorp rất ghét những gì không rõ ràng minh bạch nói chung, và tự thấy lợm giọng trong cái hoàn cảnh này nói riêng, nhưng chàng vẫn không thể ngừng ngụp lặn dưới vũng bùn nhơ nhớp ấy, tìm cách ru ngủ lương tâm mình bằng lý lẽ rằng chàng chỉ là khách ghé qua và chẳng mấy chốc sẽ lại đi. Với thái độ sành sỏi của nhà phê bình, lạnh lùng một cách vờ vĩnh, chàng săm soi đánh giá hình thức người đàn bà “cẩu thả”, nhận xét rằng nhìn phía trước cô ta trẻ và đẹp hơn nhìn nghiêng nhiều, rằng hai mắt cô ta nằm cách xa nhau quá và tư thế thì kém ngay ngắn, nhưng bù lại đôi cánh tay tuyệt mỹ và “được tạo hình rất mềm mại”. Trong lúc phát biểu những điều này chàng cố tìm cách ngăn không cho cái đầu giật giật quá lộ liễu, và ngấm ngầm ghê tởm nhận ra rằng, cô giáo già chẳng những thừa hiểu cố gắng vô vọng của chàng mà lại còn vô tình gật gù theo. Và cả việc chàng gọi Madame Chauchat là “nàng Minka xinh đẹp” cũng không ngoài mục tiêu chiến thuật và thủ đoạn thiếu tự nhiên ấy; vì sau đó chàng có thể bồi thêm:
“Tôi gọi là ‘Minka’, nhưng ai mà biết được ở ngoài đời tên cô ấy là gì. Ý tôi muốn nói tên gọi chứ không phải họ. Cô phải lòng cô ấy đến thế thì chắc phải biết tên cô ấy chứ.” Cô giáo ngẩn người ngẫm nghĩ.
“Tôi biết, ông đợi tôi nhớ lại xem”, cô ta bảo. “Trước đây tôi đã nghe nhắc đến rồi mà. Có phải Tatiana không nhỉ? Không, cũng không phải là Natascha. Natascha Chauchat? Không, nghe lạ tai quá. Gượm đã, tôi nhớ ra rồi! Cô ấy tên là Awdotia. Hay là cái gì na ná như thế. Có điều chắc chắn không phải là Katienka hay Ninoschka. Ôi, tôi quên bẵng mất rồi. Nhưng tôi có thể dò hỏi được, nếu ông thực sự muốn biết.”
Và quả thực ngày hôm sau cô ta đã dò ra được cái tên ấy. Cô ta đắc thắng thông báo với chàng vào bữa trưa, lúc cánh cửa kính lại sập đánh rầm một cái. Madame Chauchat có tên là Clawdia.
Hans Castorp ngớ người ra khi nghe cái tên đặc sắc không ngờ ấy. Chàng bắt cô giáo già nhắc lại và đánh vần từng chữ, để ghi nhớ. Rồi chàng lẩm bẩm lặp lại nhiều lần, vừa nói vừa đưa cặp mắt đỏ hoe nhìn về phía Madame Chauchat như thử ướm xem cái tên ấy có vừa với người không.
“Clawdia”, chàng bảo, “phải, chắc đúng là tên cô ấy đấy, cái tên hợp với người lắm.” Chàng chẳng cần che giấu vẻ hí hửng của mình và từ đấy trở đi mỗi khi nhắc đến Madame Chauchat chàng chỉ gọi một cách âu yếm là ‘Clawdia’. “Kìa, Clawdia của cô lại vo viên ruột bánh mì để ném nhau rồi. Như thế là không thanh lịch đâu nhé.” - “Cũng còn tùy”, cô giáo trả lời. “Clawdia làm thế thì lại dễ thương.”
Đúng, những bữa ăn trong gian phòng lớn với bảy dãy bàn là những giờ phút Hans Castorp mong đợi nhất. Chàng tiếc rẻ khi bữa ăn chấm dứt, và chỉ được an ủi mỗi một điều là khoảng hai tiếng hay hai tiếng rưỡi sau sẽ lại đến bữa, và chàng sẽ lại được ngồi đây. Và khi lại ngồi bên bàn ăn thì chàng cứ tưởng như mình chưa hề đứng dậy rời khỏi phòng. Giữa bữa trước với bữa sau có gì nào? Chẳng có gì cả. Một chuyến dạo chơi ngắn ngủi tới chỗ máng nước hay đến khu Ăng lê dưới ‘Phố’, một lúc nghỉ ngơi ngoài ban công. Đó không phải là một thay đổi thực thụ, một trở ngại đáng kể. Không phải như công việc, bị chồng chất thêm bởi những lo âu và toan tính khiến ta phải bận óc và không dễ gì bỏ qua. Trong nếp sinh hoạt được tổ chức thông minh và quy củ ở ‘Sơn trang’ không có cái gì như vậy cả. Khi đứng dậy rời bàn ăn Hans Castorp đã có thể khấp khởi vui mừng mong đến bữa kế tiếp - không biết ‘khấp khởi vui mừng’ có diễn tả đúng tâm trạng thấp thỏm của chàng trước những lần gặp gỡ cô bệnh nhân Clawdia Chauchat không, hay cái từ ấy vẫn còn quá nhẹ nhàng, quá vui tươi, quá ngốc ngếch và tầm thường. Có lẽ quý độc giả dễ chấp nhận cách dùng từ này, nghĩa là vui tươi và tầm thường, cho rằng như vậy là phù hợp với con người và đời sống nội tâm của Hans Castorp; ở đây chúng tôi chỉ muốn lưu ý quý vị rằng, là một thanh niên có lý trí và lương tâm chàng không thể chỉ đơn giản ‘khấp khởi vui mừng’ mỗi khi gặp gỡ và gần gũi Madame Chauchat, và vì chúng tôi là người biết rõ chàng ta, chúng tôi tin rằng nếu được đề nghị tả tâm trạng mình bằng từ này chắc hẳn chàng đã nhún vai vứt bỏ không thương tiếc.
Đúng thế, chàng rất kiêu ngạo và kén chọn trong cách dùng từ, đó là một chi tiết đáng quan tâm. Chàng đi lại như người mộng du, đôi gò má nóng bừng, khe khẽ hát, hay nói đúng hơn là thầm ngân nga mấy câu, vì tâm trạng chàng lúc này đầy ắp cảm xúc và âm nhạc. Chàng ư ử mấy câu của một ca khúc, có trời mới biết đã được nghe khi nào và ở đâu, hình như trong một cuộc vui hay một buổi hòa nhạc từ thiện, chàng còn nhớ do một giọng nữ cao thể hiện, bây giờ đột nhiên trỗi dậy trong đầu chàng - những lời tha thiết vu vơ, bắt đầu bằng:
“Với anh không gì xao xuyến hơn
Những lời thiết tha kỳ diệu”
Và chàng đã toan hát tiếp:
“Từ đôi môi ngọt ngào của em
Thấm vào trái tim run rẩy của anh!”
Thì đột nhiên đổi ý nhún vai phán một câu “vớ vẩn” và bỏ lửng bài ca êm dịu ấy không thèm hát tiếp vì theo ý chàng nó ngây ngô và sến quá, chàng khước từ nó với một vẻ quả quyết phảng phất u sầu. Bản tình ca thắm thiết ấy có thể diễn tả nỗi lòng bất kỳ chàng trai trẻ nào, theo cách nói sáo rỗng thông thường là đã “trao tặng trái tim mình” một cách hợp tình, hợp lý và đầy triển vọng tương lai cho một ả vịt xiêm khỏe mạnh dưới đồng bằng, và đang thả hồn trôi theo tâm trạng hợp tình, hợp lý, đầy triển vọng và về cơ bản đầy hoan hỉ của mình. Nhưng với chàng và mối quan hệ của chàng với Madame Chauchat - “quan hệ” là từ do chàng tự chọn, chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm - thì những vần thơ ủy mị kia tuyệt đối không thích hợp; trong lúc nằm nghỉ trên ghế ngoài ban công chàng nghĩ ngợi rất lung và đi đến kết luận, bài ca ấy rất “dở hơi”, chẳng đáng giá gì về nghệ thuật, để rồi chun mũi khinh rẻ cắt đứt nửa chừng dòng suy nghĩ, mặc dù vẫn chẳng tìm được cái gì thích hợp hơn cho tâm trạng của mình.
Nhưng chàng lại tìm thấy cái thú nằm trên ghế lắng nghe nhịp đập của trái tim, trái tim theo nghĩa thể xác chứ không phải trái tim tình cảm, tiếng đập dồn dập vang lên rõ mồn một trong bầu không khí tĩnh lặng bao trùm ‘Sơn trang’, theo đúng quy định của những giờ nằm điều dưỡng. Trái tim chàng đập dai dẳng và khẩn thiết, như rất thường xảy ra từ khi chàng lên trên này; có điều gần đây Hans Castorp không thấy khó chịu quá với nó như những ngày đầu nữa. Bây giờ không thể bảo rằng nó tăng nhịp đập một cách vô cớ, tự thân vận động và chẳng liên quan gì với linh hồn. Một mối liên quan nếu không có sẵn thì cũng đã dễ dàng được hình thành, một biến động tinh thần có cơ sở đã tự nguyện hỗ trợ cho hành vi đầy kích động của cơ thể. Hans Castorp chỉ cần nghĩ đến Madame Chauchat - và chàng thường xuyên nghĩ đến cô ta - là đủ để tạo cho trái tim đập dồn của chàng một trạng thái tinh thần phù hợp.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần