Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 24
Những hàng chữ trên các tập sách báo phản động vẫn lướt qua mắt anh, chúng thoạt nhòe đi khi anh nghĩ đến vợ và hiện ra những vết đen bẩn thỉu trên mặt giấy trắng chẳng khác gì lũ vi trùng trên tiêu bản đặt dưới ống kính hiển vi. Thật gớm ghiếc. Thế mà Tư Tuân vẫn phải đọc, vẫn phải chép trên giấy những đoạn cần thiết để làm tư liệu.
Nghe ấm nước sôi, Tư Tuân buông cây bút xuống bàn. "Mình cũng chưa hiểu hết chúng" - Anh tự nhủ thầm trong lúc pha trà - "Chúng là thế đấy. Đến lúc này mới nắm được là quá chậm"
Chén trà đầu tiên buổi sáng làm anh nguôi ngoai đi nỗi bực dọc. Chính lúc đó Kiên Trinh tươi tỉnh bước vào. Tư Tuân lên tiếng chào:
- Trà mới pha đấy. Còn sớm nên mình đang lo phải độc ẩm thì buồn chết. Trà ngon không có bạn hiền không ngon.
- Tôi đoán thế nào anh cũng đến sớm mà!
Trên bàn làm việc của Tư Tuân, cạnh ấm trà mới pha là bao thuốc lá Mai còn nguyên. Tư Tuân không nghiện thuốc, nên Kiên Trinh biết chỉ huy đơn vị dành cho anh.
- Thế nào, nhà nghiên cứu văn học! Tư Tuân thường có lối dùng từ ngữ dí dỏm như thế.
Kiên Trinh kéo ghế ngồi, nhận chén trà của người chỉ huy trao. Anh là thí sinh sắp trả bài, mà người chấm thi vui vẻ này lại rất nghiêm khắc khi ra đề thi. Anh lấy từ trong áo ra một tờ giấy nhỏ có ghi độ mươi dòng và cây bút bi.
- Cậu chưa chuẩn bị xong à? Tư Tuân ngạc nhiên hỏi.
- Tôi sẵn sàng báo cáo. Kiên Trinh giọng nghiêm túc.
- Nghĩa là cậu đã thuộc lòng? Tư Tuân cười. Thế thì tốt. Nào ta bắt đầu đi!
- Xin anh cho biết ta nên bắt đầu từ đâu?
Tư Tuân lại cười:
- Chà, cậu khôn lắm. Cậu nhường cho tôi giao bóng trước để thăm dò chứ gì? Thôi được, cậu lần lượt giới thiệu từng chương của "công trình nghiên cứu văn học" của cậu đi. Trước hết, sau khi nghiên cứu các bài vở đăng trên báo chí của bọn phản động lưu vong, được chúng quảng cáo là do các tác giả trong nước gửi ra, cậu thấy thật giả thế nào, nếu có thật thì khả năng tên nào viết? Hai là nếu có bọn trong nước viết bài thì chúng gửi ra bằng đường nào, làm sao phát hiện các đường dây ấy?
Kiên Trinh dụi điếu thuốc vừa mới đốt vào gạt tàn. Anh nhìn vào tờ giấy trước mặt. Chắc chắn với mười dòng chữ trên đó không thể nào gói gọn nội dung trả lời hai câu hỏi ấy. Tuy thế, Tư Tuân biết rõ người cán bộ dưới quyền mình đã chuẩn bị để giải đáp các vấn đề do anh đặt ra. Nhưng cậu ta vẫn có thói quen chừng nào vấn đề còn phải được bàn cãi thì chưa vội viết thành văn bản báo cáo. Kiên Trinh giải thích rằng viết các báo cáo mà vấn đề chưa được nghiên cứu hoàn chỉnh là động tác thừa. Tư Tuân tán đồng quan điểm ấy và anh cũng đã rất tin vào trí nhớ của đồng chí mình. Đối với anh, trí nhớ tốt là điều kiện bắt buộc của nghề nghiệp. Hàng chục năm làm cán bộ quân báo trong kháng chiến, anh đã có thói quen bắt bộ óc phải ghi nhận tin tức, tài liệu thay cho giấy tờ để bảo đảm an toàn, chỉ khi nào cần gửi báo cáo đi xa anh mới dùng đến chữ nghĩa dầu là với mực bí mật hoạc vi ảnh.
- Xin báo cáo trước với anh, những điều tôi sẽ trình bày chỉ là đánh giá từ những cơ sở chưa có chứng cứ chắc chắn. Tôi đã đọc hai mươi mốt bài ký tên mười bốn tác giả khác nhau. Dựa trên nội dung, cách hành văn, tôi tin rằng ít nhất có mười lăm bài do ít nhất bốn tên từ trong nước gửi ra, nhưng lấy nhiều bút hiệu. Dĩ nhiên không có tên nào dại dột dùng bút hiệu cũ. Cái khó là chỗ đó. Nhưng điều may mắn là văn chương cũng như chữ viết có đặc điểm riêng của người viết. Hình như khoa học hình sự chưa có bô môn xác định văn phong như xác định tự dạng. Tuy thế không phải ai cũng viết văn được. Do đó, số người viết văn không nhiều lắm, nên ta dễ "khoanh" lại.
- Hay lắm - Tư Tuân cười hóm hỉnh - Xem ra cậu có thể là nhà phát minh ra một môn mới trong khoa học điều tra hình sự rồi đấy. Cậu đang giữ bóng tốt đấy, sút đi.
- Trong số 15 bài ấy có hai truyện ngắn, bốn bài thơ, ba bài phóng sự, hai bài nghị luận chính trị, văn học và bốn bài phiếm luận. Tất cả đều là những loại chống cộng "có cỡ" cả. Tôi xin trình bày từng loại dễ "nhận diện" nhất. Đó là loại phiếm luận như bài tựa "Nếu chàng Trương Chi đẹp trai" chắc chắn tác giả của nó trước đây thuộc nhóm "nồi niêu xoong chảo" của báo Hòa Bình do Anh Quân chủ trương. Anh Quân bỏ báo Hòa Bình đem theo cả nhóm này về báo Độc Lập. Hiện nay ở thành phố ta chỉ còn vài ba tên trong cái nhóm đó thôi. Còn những bài ký tên Công tử Hà Đông tôi nghĩ đến Hoàng Hải vì tên này quê quán ở Hà Đông, vốn công tử bột, con thầy Thông phán, cháu ruột quan tri huyện.
- Tạm chấp nhận cách suy luận và "bộ môn xét nghiệm" văn phong của cậu - Tư Tuân suy nghĩ rồi phát biểu - Nếu giả thuyết đó đúng thì vấn đề còn lại là… bắt đối tượng vào lưới nhặt bóng. Nhưng chính sự thành công dễ dàng ấy khiến ta không dễ dàng chấp nhận cách nhìn đơn giản toàn bộ vấn đề. Cậu nghĩ xem đằng sau các tờ báo rẻ tiền ấy là gì? Trong những điều kiện hiện nay, thử hỏi chúng sử dụng loại tay sai nào khác cho những hoạt động chiến tranh tâm lý? Nhiều khi chiến tranh tâm lý chỉ là những thứ hỏa mù để che đậy cho những hoạt động ngầm khác, đành rằng loại kẻ thù này chúng ta đã từng chạm mặt và quá quen thuộc bài bản của chúng: chúng rất "rẻ tiền" nhưng cũng rất xảo quyệt. Bọn trong nước gửi bài, tin, bọn bên ngoài đăng trên báo, tạp chí. Gần đây lại có thêm đài phát thanh của bọn được mệnh danh là "phục quốc" đặt ở biên giới Thái Lan cũng đã léo nhéo phát trên sóng nhiều bài, tin của bọn này. Cứ bên ngoài bọn chúng càng la to, bọn bên trong càng dễ lộ mặt. Việc làm này của chúng nào có khác gì cho "voi đẻ giữa chợ" thì khó nói đến chuyện giấu kín được.
Bọn chúng đánh giá thấp chúng ta chăng? Tư Tuân tự đặt một câu hỏi và liền sau đó anh ta tự trả lời - Chưa hẳn thế. Đánh nhau mấy chục năm, biết rõ nhau quá rồi. Nhưng chúng vẫn chống ta vì hận thù, vì ảo tưởng. Hơn thế nữa, chống cộng là hái ra tiền. Thằng nào cũng có "mánh" riêng. Cái đám Hoàng Cơ Minh, Phạm Văn Liễu lợi dụng chiêu bài "phục quốc" để quyên tiền trong số người Việt di tản và đút vào túi hàng chục triệu đô la của nước ngoài. Trần Tam Tiệp cũng vậy thôi. Có khác nhau chăng là hắn nhân danh hoạt động văn hóa để tổ chức quyên góp và nhận tài trợ của bọn phản động các nước để "cứu tế" văn nghệ sĩ ở trong nước. Giờ đây, nếu nằm im không "lên tiếng" bằng cách này hay cách khác thì moi được tiền của ai, nhất là bọn chủ của chúng cũng chẳng phải bọn ngu ngốc cứ tung tiền mà không thu lại được gì. Đám văn nghệ sĩ phản động còn lại trong nước đối với chúng vẫn còn có tác dụng trong việc gây lung lạc một số quần chúng trong và ngoài nước. Bọn này bị "tóm" ư? Chẳng lỗ lã gì với bọn quan thầy. Thậm chí chúng sẽ vin vào đó để mở chiến dịch vu cáo cộng sản khủng bố tù đầy văn nghệ sĩ. Và đây lại là một cú áp phe mới. Rồi sau đó, chúng tiếp tục tìm cách tạo dựng ra những âm binh mới để tác động, hòng gây tình hình không ổn định thường xuyên cho ta. Tôi nói thủ đoạn của chúng "rẻ tiền" vì hai lẽ: một là nó ít tốn kém mà có hiệu quả, hai là nó không có gì mới lạ. Song đó cũng chính là sự xảo quyệt của kẻ thù. Liên hệ thực tế vụ án này cậu nghĩ thế nào?
- Thú thật với anh, khi khoan lại diện đối tượng như đã trình bày và cho anh em rà lại để xác minh đánh giá của mình, tôi cảm thấy thất vọng vì đã có những cơ sở bước đầu cho thấy giả thiết của tôi có khả năng là hiện thực. Tôi thất vọng vì cái mà anh gọi là thành công dễ dàng và sự "rẻ tiền" của đối thủ mình. Còn điều thứ hai mà anh gợi ý, quả thật tôi chưa nghĩ đến.
- Đừng vội thất vọng, anh bạn trẻ. Hãy đi vào vấn đề cụ thể này là làm thế nào chúng có thể gửi đều đặn các bài viết ra ngoài? Hẳn có đường dây ổn định. Nghĩa là có một tổ chức hẳn hoi, một thứ "tòa soạn tại chỗ" để đặt hàng và trả tiền cho bọn bồi bút đó. Cái tòa soạn bí mật đó là đối thủ trực tiếp của chúng ta. Cậu có tin tức gì chưa? Nếu chưa có thì tính toán để có lời giải tiếp theo.
Tư Tuân làm việc không biết mệt mỏi, làm ngày, làm đêm. Mần việc đến một, hai giờ đêm, ngáo đến năm giờ sáng mà đã mò dậy tập thể dục và "ăn qua loa mấy chén cơm chiên…" Mèn ơi, cơm chiên mà đảng viên ta chỉ đớp qua loa mỗi sáng có mấy chén thôi. Cơm chiên mà đảng viên ta buổi sáng đớp qua loa được những mấy chén thì dù không có ưa cộng sản đến mấy, ta cũng phải nhận đảng viên đớp khỏe quá. Đảng viên có thể đau bất cứ bệnh gì, song chắc chắn không phải là đau dạ dày.
Khi anh dắt xe ra khỏi nhà chị chạy theo trao cho anh lọ thuốc và dặn:
- Em nhờ mấy anh bên Viện Y học dân tộc làm thuốc tễ cho anh đây, nhớ uống năm viên một lần vào lúc nửa buổi sáng và một lần trước bữa cơm trưa nghe.
Giờ đây ngồi ở bàn làm việc, Tư Tuân càng thấy thương vợ. Anh mở cặp lấy lọ thuốc ra, mở nắp đưa lên mũi ngửi. Vị thuốc thơm thơm làm anh sao xuyến.
Ta nói "nửa đêm" nhưng chẳng ai nói "nửa buổi sáng". Ta nói "giữa buổi sáng" hay chín, mười giờ sáng. Riêng Cớm Cộng vợ dặn chồng uống thuốc vào lúc "nửa buổi sáng". Nhưng thôi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy. Ta nên nói đến thứ thuốc tễ đặc bịt mà Cớm Tư Tuân, trong lúc ngồi lên phương án truy tầm tung tích và tóm bọn Biệt Kích Thành Hồ, đưa lên mũi ngửi và thấy thơm thơm.
Sau ngày Ba Mươi Tháng Tư những người dân Việt Nam Cộng Hòa bại trận tối tăm mắt mũi trong một sớm một chiều thấy mình mất hết tất cả. Sàigòn đang đầy ắp hàng hóa, thực phẩm, thuốc men, Việt cộng trên răng vẩu, cải mả, dưới lựu đạn thối, ngơ ngáo dắt nhau vào Sàigòn, bỗng dưng Sàigòn trở thành một Chợ Trời, chợ vỉa hè khổng lồ. Tất cả những cửa hàng đều đóng cửa. Những người có tiền gửi ngân hàng đều không được lấy ra, mất trắng. Những người mắc nợ ngân hàng, nợ Nhà Nước VNCH, bị Việt cộng truy tầm đòi trả nợ đến nơi, đến chốn. Nhiều người miền Nam Cộng Hòa cũng biết bọn Việt cộng Bắc Kỳ đói khổ nhưng thực tình chẳng ai ngờ chúng lại đói rách đến cái độ cực kỳ như thế.
Bọn lý thuyết gia cộng sản từng viết những câu hung hăng con bọ xít hơn cả thánh tổ của chúng là Các Mác, Ăng Ghen - anh cu Lê Nin không đáng được nói đến - chẳng hạn như câu:
- Chủ nghĩa tư bản ngay từ lúc nó ra đời đã mang máu tươi trên từng lỗ chân lông của nó…