The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: Hard Choices
Dịch giả: Lâm Hoàng Mạnh
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3044 / 90
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23: Haiti: Thảm Họa Động Đất Và Sự Hồi Sinh
ốn ngày sau trận động đất ở Haiti, phi trường Port-au-Prince chỉ còn một đường băng duy nhất có thể hoạt động, giờ đây đã trở nên hỗn loạn. Tôi bước xuống cầu thang chiếc máy bay vận tải U.S Coast Guard C130 (Tuần Duyên Hoa Kỳ C130), những kệ gỗ kê hàng viện trợ chất đầy hai bên đường băng. Những chiếc máy bay cứu trợ khẩn cấp vẫn lượn vòng trên bầu trời chờ đến lượt hạ cánh. Nhà ga bỏ không tối như mực vì không có đèn, các cửa kính vỡ vụn rơi đầy xung quanh. Rất nhiều người bị thương đến sân bay làm nơi trú ẩn. Hầu như người dân Haiti không ai dám ở trong nhà sau trận động đất, nhất là các đợt dư chấn vẫn liên tiếp xảy ra và hiện tại không còn nơi nào trong nước có thể làm nơi trú ẩn an toàn sau khi hơn một triệu người bị mất nhà cửa.
Trận động đất với cường độ 7.0 độ richter tàn phá Haiti vào ngày 12-1-2010, làm chết hơn 230 ngàn người và hơn 300 ngàn người bị thương ở đất nước với dân số 10 triệu người. Haiti là một trong những quốc gia nghèo nhất của Tây Bán cầu. Bây giờ lại phải đối mặt với thảm hoạ nhân đạo khủng khiếp. Sự cần thiết cho cả cứu trợ khẩn cấp lẫn tái thiết lâu dài ở Haiti là sự kiểm chứng khả năng hỗ trợ của Hoa Kỳ, thể hiện tầm quan trọng về sự tiên phong của chúng ta và cách tiếp cận mới đối với sự phát triển của thế giới trong thế kỷ thứ 21.
Hôm ấy ở Haiti, người đi cùng tôi là Cheryl Mills, Tham tán, Chánh văn phòng của tôi, làm việc siêng năng không biết mệt mỏi và Tiến sĩ Raj Shah, tân lãnh đạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế vừa mới tuyên thệ nhậm chức chín ngày trước. Cheryl là người xung kích trong việc xét lại chính sách của chúng ta đối với Haiti trong những năm qua, khi trận động đất xảy ra, bà nhanh chóng vận động sâu rộng về khẩn cấp cứu trợ trong chính phủ Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao thành lập lực lượng đặc nhiệm đối phó khủng hoảng thường trực 24/24 tại Trung tâm Dự án để thu thập tất cả các thông tin, các yêu cầu cần giúp đỡ và hỗ trợ. Các quan chức trong lãnh sự quán làm việc ngày đêm tìm kiếm số phận 45 ngàn công dân Mỹ ở Haiti và giải quyết trên 500 ngàn yêu cầu từ bạn bè và thân nhân của họ qua đường dây điện thoại và thư tín.
Ngay giữa đêm đầu tiên xảy ra động đất, chúng tôi được biết người ta không xác định được có bao nhiêu cán bộ nhân viên của LHQ hoạt động tại Haiti. Đến sáng hôm sau, chúng tôi được người phụ trách phái đoàn LHQ thông báo, phó trưởng đoàn và 101 nhân viên LHQ đã thiệt mạng trong trận động đất, tất cả đều bàng hoàng, đau sót trước sự mất mát quá lớn này, gây ảnh hưởng to lớn đến khả năng của cộng đồng quốc tế về việc phối hợp và tập trung đối phó với thảm họa.
Hầu như trong vòng 48 giờ sau trận động đất không một ai có thể đặt chân xuống Haiti. Cả thế giới gửi hàng cứu trợ, nhưng không có hệ thống tiếp nhận và phân phối khi hàng cứu trợ tới. Cảng Port au Pronce bị phá huỷ hoàn toàn, buộc tầu chở hàng cứu trợ phải cặp bến cách thủ đô hơn trăm dậm. Con đường huyết mạch nối liền giữa nước Cộng hoà Dominica và Haiti không thể hoạt động và các đường khác cũng không thể sử dụng được. Chỉ còn lại một cơ sở nhỏ điều khiển không lưu có thể hoạt động trong sân bay đổ nát, trong khi số lượng lớn máy bay đang chờ hạ cánh để cung cấp hàng cứu trợ. Giờ đây, phi trường trong tình trạng thật sự lộn xộn, rối loạn khó tả.
Khi được tin động đất, tôi đang ở Haiti chuẩn bị lên đường sang châu Á trong chuyến công du bốn quốc gia. Ngay sau khi được biết mức độ thiệt hại, tôi huỷ chuyến công du, quay trở về Washington để kiểm tra, giám sát những nỗ lực cứu trợ. Một số nhà lãnh đạo châu Á thất vọng vì tôi huỷ chuyến viếng thăm, nhưng rồi họ đều hiểu và thông cảm cho sự cấp bách của khủng hoảng, đồng thời đề nghị được tham gia cứu trợ với khả năng có thể.
Biết bao kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ lại hiện ra trong trí nhớ khi tôi và Bill viếng thăm Haiti năm 1975 trong tuần trăng mật. Chúng tôi vẫn còn nhớ những băn khoăn, đầy mâu thuẫn giữa cảnh đẹp thiên nhiên đầy ánh nắng chan hòa, món ăn độc đáo của địa phương và văn hoá nghệ thuật bản xứ với sự nghèo đói khốn khổ của người dân và sự điều hành yếu kém của chính quyền Haiti. Một trong những kỷ niệm không bao quên trong chuyến du lịch, chúng tôi đã gặp vị linh mục giáo phái Voodoo địa phương, Max Beauvoir. Tôi thật ngạc nhiên khi biết ông từng học tại trường Cao đẳng Thành phố New York và tốt nghiệp ngành Hoá – Sinh tại Đại học Sorbonne, Paris. Ông có nhã ý mời chúng tôi đến dự buổi lễ cầu nguyện. Chúng tôi chứng kiến người dân Haiti “linh hồn bị quỷ bắt” phải đi chân không trên đống than hồng, lấy miệng cắn đứt cổ con gà còn sống, nhai thủy tinh, nhổ ra các mảnh thuỷ tinh vỡ vụn mà miệng họ không bị chảy máu. Cuối buổi lễ, tuyên bố quỷ dữ đã thả linh hồn họ được tự do.
Chúng tôi cũng nhìn thấy lực lượng an ninh khét tiếng của nhà độc tài Jean – Claude Duvalier với biệt danh “Baby Doc”, bọn chúng ngông nghênh, ngang tàng đi tuần quanh thành phố, mắt đeo kính râm gương phản chiếu, tay lăm lăm khẩu súng tự động. Địa điểm mà chúng tôi trông thấy “Baby Doc” lái xe vào Phủ Tổng thống 35 năm trước, giờ đây nơi này cũng bị trận động đất tàn phá.
Trở lại Washington sau trận động đất, tôi nghĩ chẳng có lý do gì phải quay lại Port-au-Prince ngay. Nhưng sau khi xem và tham gia ứng phó khẩn cấp với thảm họa trong những năm qua, tôi hiểu ra, một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của quan chức nhà nước là không được lảng tránh trách nhiệm ứng cứu ngay từ lúc ban đầu và tìm cách giúp đỡ những người làm nhiệm vụ. Chúng tôi không muốn áp đặt bất cứ hệ thống thuế quan nào hoặc thay đổi bất cứ nỗ lực hay ủng hộ nào từ quan chức cao cấp trong giai đoạn khẩn cấp cứu người là chính.
Hai ngày sau trận động đất, Cheryl trao đổi với Tổng thống Haiti, René Préval, ông nói với Cheryl, người ông tin tưởng duy nhất là tôi. Ông nói: “Tôi cần Hillary, chỉ một mình Hillary là đủ.” Điều này cho ta thấy, tầm quan trọng trong mối quan hệ cá nhân đến nhường nào, ngay cả giữa quan chức cao cấp ngoại giao và chính phủ.
Thứ Bẩy, ngày 16-1, tôi bay đến Puerto Rico, nơi chiếc máy bay vận tải Coast Guard đang đợi. Chiếc máy bay này dễ dàng đáp xuống phi trường đổ nát hơn là chiếc Boeing 737. Khi máy bay hạ cánh xuống Portau-Prince, Đại sứ Ken Merten đã có mặt trên đường băng.
Nhóm của ông ở toà đại sứ đã làm được rất nhiều việc đến khó tin. Một y tá của toà đại sứ, nhà cũng bị phá hủy do động đất, nhưng đã làm việc liên tục 48 giờ liền trong đơn vị cứu thương, sơ cứu những người bị thương chạy vào sứ quán mong sự cứu trợ. Một nhân viên an ninh, cùng với các thành viên của lực lưọng bảo vệ địa phương chia nhau đi tìm cán bộ nhân viên Hoa Kỳ mất tích, họ tìm thấy hai người đồng nghiệp bị thương trong căn nhà bị đổ sập xuống khe núi sâu. Họ thay nhau cáng hai người bằng chiếc thang và ống tuýp trong vườn, cáng liên tục trong 6 giờ đồng hồ cho đến khi tới trạm cấp cứu của sứ quán.
Tuy vậy, một số cán bộ nhân viên sứ quán và thân nhân của họ sống ở Haiti cũng bị thiệt mạng, gồm Victoria DeLong, tùy viên văn hóa cùng vợ và cháu bé Andrew Wyllie và một quan chức đã từng đưọc thưởng huân chương của Bộ Ngoại giao làm việc cho LHQ.
Nhóm quan chức và nhân viên của toà đại sứ chúng ta kết hợp chặt chẽ với đội ngũ từ Washington sang để hỗ trợ. Chúng tôi áp dụng ý tưởng mới bằng cách sử dùng Google và thông qua một số công ty vô tuyến viễn thông tìm kiếm sự hỗ trợ trong những trường hợp khẩn cấp thông qua bản đồ bản đồ của Google và đường dây nóng của dịch vụ tin nhắn (SMS – Short Message Service) – sau đó thông tin cho các đội cứu hộ giải quyết.
Nhiều chuyên viên khắp nơi trên nước Mỹ tìm cách đến Haiti cứu trợ. Cơ quan Điều hành Khẩn cấp Liên Bang (FEMA – The Federal Emergency Management Agency) lao vào hoạt động, đưa các bác sĩ, chuyên viên y tế công cộng từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID–The United States Agency for International Devewlopment) và Bộ Y tế và Dân sinh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh dịch. Cục Hàng không Liên bang gửi một tháp kiểm soát sân bay di động. Sáu đội tìm kiếm và cứu hộ gồm nhân viên cứu hỏa, sĩ quan cảnh sát và các kỹ sư từ California, Florida, New York và Virginia đến.
Đứng kế bên Đại sứ Merten trên đường băng là Trung tướng Ken Keen, Phó tư lệnh miền Nam, ông có mặt tại Haiti trong chuyến công du theo kế hoạch gặp ngay trận động đất xảy ra. Khi họ đang đứng dưới mái hiên khu nhà sứ quán thì mặt đất bắt đầu rung chuyển. Rất may, phần lớn khu sứ quán không bị thiệt hại, nó lập tức trở thành nơi tụ tập nhân viên sứ quán, các bộ trường của chính phủ Haiti và cũng là nơi Trung tướng Keen liên lạc với Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ ở Miami cho phép ông phụ trách quân đội đảm nhận vai trò cứu hộ.
Các sĩ quan Tuần Duyên Hoa Kỳ (Coast Guard) là những người Mỹ đầu tiên có mặt cứu hộ. Tổng số có hơn 20 ngàn quân nhân và dân sự Hoa Kỳ tham gia trực tiếp tìm kiếm và cứu hộ. Họ làm nhiệm vụ phục hồi sân bay, hải cảng, sơ cứu, dịch vụ y tế, cứu trợ những người Haiti sống sót sau động đất. Tầu bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Lực lượng Hoa Kỳ được nhân dân và chính phủ Haiti nhiệt liệt đón tiếp và cầu khẩn đừng bỏ rơi họ. Các binh sĩ đang làm nhiệm vụ tại Haiti đã từng phục vụ tại Irag và Afghanistan họ rất phấn khởi vì thấy mối quan hệ rất mới mẻ giữa dân chúng địa phương, vui vẻ muốn được phục vụ ở nước ngoài lâu hơn.
Tôi nhìn thấy một nét mặt quen quen trên đường băng, hoá ra Cố vấn An ninh Quốc gia, Chánh văn phòng Nhà trắng, Denis McDonough. Ông bắt chuyến bay phản lực của quân đội từ hôm trước để giúp sự phối hợp các nỗ lực cứu trợ phức tạp. Người ông đẫm mồ hôi trong chiếc áo sơ mi ngắn tay bỏ trong quần ka-ki, đang góp sức hướng dẫn giao thông trực tiếp trên đường băng. Sự có mặt của ông thể hiện sự quan tâm và cam kết của Tổng thống Obama đối với Haiti. Hai hôm trước, tôi đứng cạnh Tổng thống tại Nhà Trắng khi ông công khai cam kết sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến Tổng thống Obam cố gắng kìm chế cảm xúc cá nhân của ông.
Theo thứ tự lịch trình làm việc, đầu tiên tôi gặp Tổng thống Préval trong chiếc lều bạt tại sân bay. Ngay lập tức tôi hiểu lý do vì sao Cheryl coi vấn đề này rất quan trọng nên cần sự có mặt của tôi. Sự tan hoang của quốc gia và sự tuyệt vọng của nhân dân Haiti đã hằn sâu trên nét mặt ông.
Khi trận động đất xảy ra, ông và phu nhân vừa về đến tư dinh ở bên sườn đồi. Hai người chứng kiến tư dinh của mình sụp đổ trong nháy mắt. Văn phòng tại Phủ Tổng thống cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Một số bộ trưởng ông không tìm thấy, không biết ở đâu, có thể bị thương nặng hay đã chết. Theo báo cáo, chừng 18% công chức Haiti đã thiệt mạng tại Port-au-Prince, 28 trong số 29 khu nhà của chính phủ bị phá huỷ hoàn toàn, rất nhiều thành viên trong nội các và lập pháp của chính phủ chết hoặc mất tích. Tình hình rất nghiêm trọng, hoạt động của chính phủ Haiti tê liệt hoàn toàn.
Lần đầu tiên giữ cương vị Tổng thống, vì thế kinh nghiệm chinh trị của ông rất ít ỏi, nhưng thời điểm động đất xảy ra ông đột nhiên trở thành người năng động hơn, biết kết hợp giữa chính trị và phong tục tập quán Haiti để giải quyết. Tuy vậy, ông vẫn giữ bản năng thường ngày, lúng túng trong xử lý, đáng lẽ ngay sau khi động đất xảy ra, ông cần có mặt nhiều nơi thăm hỏi người dân, những người rất cần sự động viên, an ủi của người lãnh đạo quốc gia.
Ngồi trong lều bạt với Préval, tôi cố gắng tìm hiểu và đánh giá thảm hoạ xảy ra như thế nào đang thể hiện trên nét mặt của ông. Chúng tôi khẩn cấp bắt tay ngay vào công việc. Các nỗ lực cứu trợ gặp quá nhiều trở ngại trên sân bay. Tôi đề nghị quân đội Mỹ đóng ở đó tham gia để hàng cứu trợ có thể vận chuyển tới được. Tổng thống Préval không muốn. Giống như tất cả các quốc gia khác, Haiti luôn luôn coi trọng chủ quyền, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, bởi vì những ký ức về sự can thiệp quân sự của Mỹ trước kia không dễ gì quên. Tôi đảm bảo với ông, quân đội Hoa Kỳ không đến đây để tuần tra trên đường phố hay thay thế lực lượng LHQ khôi phục lại trật tự và luật pháp. Việc điều động binh sĩ Mỹ chẳng qua giúp sân bay hoạt động trở lại, đảm bảo việc máy bay lên xuống, vận chuyển và phân phối hàng cứu trợ. Cheryl và nhóm của tôi chuẩn bị thảo một văn bản thỏa thuận pháp lý để Tổng thống Preval ký kết, cho phép tạm thời quân đội Mỹ hoạt động tại sân bay và hải cảng. Chúng tôi xem xét kỹ lưỡng từng điều khoản. Ông thừa nhận Haiti rất cần sự giúp đỡ toàn diện, nhưng ông cũng rất lo ngại các nuớc khác và đối thủ chính trị sẽ lên án và coi ông “đã bán đứng” quốc gia cho Hoa Kỳ. Đây cũng là điều mà ông cảm thấy đau khổ nhất khi phải đối mặt với những ngày sắp tới.
Tổng thống Préval ký thoả thuận. Ông tin tưởng và giao đất nước ông với niềm tin vững chắc vào tôi. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, nói: “Bà Hillary, tôi rất cần sự giúp đỡ của bà cho nhân dân và đất nước Haiti, bởi vì hiện tại chúng tôi bất lực, không giải quyết được”. Tôi nói với Préval, hãy đặt niềm tin vào nước Mỹ: “Chúng tôi có mặt hôm nay, ngày mai và cho đến khi ngài và nhân dân ngài còn yêu cầu.” Ngay sau đó, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, sân bay và hải cảng đã hoạt động trở lại nhanh chóng, lượng hàng hoá giải quyết tăng gấp 10 lần, hàng cứu trợ bắt đầu đến tay người dân Haiti bị nạn mà họ đang rất mong đợi.
Cuộc họp lần thứ hai rất đông đảo nhóm cứu trợ Mỹ và quốc tế. Tổng thống Préval có phần giảm sự hợp tác. Ông bác bỏ đề nghị thành lập những trại lánh nạn lớn để giúp hàng trăm ngàn người Haiti vô gia cư. Bời vì ông lo ngại, nếu chúng tôi xây dựng các trại, Haiti sẽ rơi vào tay họ và chẳng bao giờ thoát ra được sự chiếm đóng, ông đề nghị, thay vào đó bằng cách cung cấp các lều, vải bạt chống thấm nước để người dân làm lều ở ngay khu vực cũ của họ. Nhưng nhóm cứu trợ LHQ cho rằng điều đó rất khó khăn cho việc phân phối thực phẩm, nuớc uống, thuốc men và chăm sóc y tế nếu người dân ở tản mát khắp nơi. Sống trong trại tập trung có nhiều thuận lợi và hiệu quả cao, đó là lý do tại sao đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và công việc của phản ứng mang tính tiêu chí của quốc tế được áp dụng để giải quyết thảm họa.
Cuối ngày, chúng tôi rời Port-au-Prince, đưa một số dân chúng khoảng hai chục người Mỹ gốc Haiti lên chuyến bay đến nơi an toàn. Cheryl và tôi bàn bạc những việc cần làm trong những ngày tới. Nếu chúng tôi giữ lời yêu cầu của Préval – Haiti của người Haiti – thì làm sao có những nỗ lực cứu trợ nhanh chóng đến như vậy. Trước mắt, chúng tôi còn cả một quãng đường dài.
Trong tình trạng khẩn cấp, giúp đỡ người gặp nạn là bản năng của người Mỹ. Không một ai trong chúng ta có thể quên cái ngày đen tối 11-9-2001 khi hàng ngàn người trong toàn quốc đứng xếp hàng tình nguyện hiến máu. Chúng ta cũng lại chứng kiến sự hào phóng của mọi người trên truyền hình sau trận cuồng phong Katrina tàn phá, những gia đình ở Houston và nhiều cộng đồng đã mở rộng cửa đón những người phải tạm di dời nơi ở tại New Orlean, cũng như sau siêu bão Sandy, mọi người lại đoàn kết giúp đỡ người dân ở New Jersey và New York. Khi trận động đất xảy ra ở Haiti, Bộ Ngoại giao làm việc với công ty ngành công nghệ viễn thông mGive cung cấp dịch vụ miễn phí cho phép nhân dân Mỹ ủng hộ trực tiếp tới Hội chữ Thập đỏ thông qua tin nhắn. Nỗ lực này đã quyên góp được trên 30 triệu Mỹ kim trong thời gian chưa đầy 3 tuần lễ của hơn 3 triệu người Mỹ. Tổng số tiền đóng góp của người Mỹ đóng thuế lên đến 1 tỷ Mỹ kim cho nhân dân Haiti sau trận động đất.
Đối với nước ta, thúc đẩy công việc trong trường hợp khẩn cấp không chỉ là việc phải làm, nó còn là buớc đi khôn ngoan trong chiến lược. Hậu quả thiên tai trong vụ sóng thần châu Á năm 2004, khi chúng ta hỗ trợ nhân đạo to lớn cũng chính là chúng ta đã xây dựng được niềm tin và giá trị Mỹ to lớn. Tại Indonesia, nơi thiệt hại nặng nề nhất của sóng thần, tám trong số 10 người được phỏng vấn, họ đều cho rằng sự cứu trợ của Mỹ đã cải thiện được cách nhìn về Hoa Kỳ, ủng hộ Mỹ tăng từ 13% thời kỳ đánh chiếm Irag năm 2003 lên 38% năm 2005. Chúng ta lại được thấy con số ủng hộ tốt đẹp này vào năm 2011, khi Hoa kỳ nhanh chóng trợ giúp Nhật Bản sau trận động đất, đến khi xảy ra sóng thần và khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân, “thảm họa nhân ba”. Sự ủng hộ và tin tưởng với Hoa Kỳ tăng đột biến từ 66% lên đến 85%, cao nhất từ trước tới nay và không có quốc gia nào cao hơn theo thống kê của những cuộc khảo sát.
Chúng ta còn đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong khủng hoảng, giải quyết nhanh chóng hay từng bước như vấn đề nghèo đói, bệnh tật chứ không phải đột xuất, khẩn cấp như sóng thần, động đất. Giúp Haiti giải quyết hậu quả động đất tàn phá cũng là một vấn đề, nhưng còn vấn đề trước khi xảy ra động đất là gì, khi nước Haiti vẫn bị ám ảnh, coi như là nước nghèo nhất châu Mỹ thì sao? Rồi những năm tiếp theo phải đối mặt với việc tái thiết quốc gia như thế nào? Hoa Kỳ nên đóng vai trò như thế nào trong những vấn đề này?
Người Mỹ giàu lòng bác ái, nhân hậu. Trong những ngày đầu lập quốc của chúng ta, ngài Alexis de Tocqueville (1805-1859, nhà khoa học, chính trị gia người Mỹ gốc Pháp, tác giả bộ sách đồ sộ Về Nền Dân Trị ở Mỹ- ND) đã viết về “nhịp đập của con tim” đặt cơ sở cho nền dân chủ của chúng ta một cách vững vàng, xóa bỏ ranh giới giữa các gia đình sát cánh bên nhau để cùng mở rộng chuồng trại chăn nuôi gia súc, trồng bông dệt vải. Mẫu thân tôi là một trong số hàng chục ngàn người Mỹ đã đóng góp hàng cứu trợ giúp những gia đình thiếu đói ở châu Âu trong Thế chiến thứ II. Bao gồm cả mặt hàng chủ lực như sữa bột, thịt sấy hun khói, sô-cô-la và cả SPAM (Serious Polite Attractive, Manly – Nghiêm túc, lịct sự, lôi cuốn và rất tình người- ND). Tôi luôn luôn tìm mọi cách khuyến khích tinh thần nhân đạo của cái gọi là “Thế hệ Thiên niên kỷ”. Theo một tài liệu nghiên cứu năm 2012, gần hai phần ba thanh niên Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia các tổ chức phi lợi nhuận.
Tuy vậy, trong các cuộc tranh luận về viện trợ nước ngoài, nhất là hỗ trợ dài hạn chứ không tính đến cứu trợ trong ngắn hạn, nhiều người Mỹ đưa ra câu hỏi, tại sao chúng ta quá hào phóng với nước ngoài trong khi trong nước còn biết bao nhiêu công việc phải làm. Nhất là thời kỳ ngân sách hạn hẹp, trong nước có rất nhiều thách thức xảy ra cần phải giải quyết. Đây đúng là một lựa chọn đầy khó khăn, nhưng nó cũng rất có ích để thấy rõ những sự kiện nào cần phải thực hiện. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số người Mỹ đã đưa ra con số theo tỷ lệ phần trăm của ngân sách liên bang trong việc viện trợ nước ngoài quá lớn. Tháng 11-2013, theo khảo sát và thăm dò ý kiến của Kaiser Family Foundation phát hiện, tính theo mức trung bình, người dân Mỹ tin rằng 28% ngân sách liên bang dành cho viện trợ nước ngoài và trên 60% dân chúng cho rằng con số đó là quá nhiều. Nhưng thực tế chúng ta chỉ dành viện trợ nước ngoài dưới 1% ngân sách liên bang mà thôi. Khi mọi người hiểu rõ sự thật, sự phản đối vấn đề viện trợ đã giảm đi một nửa.
Nhiểu thập niên qua, có những lần căng thẳng mang dấu ấn chính trị triết học trong việc tiếp cận sự phát triển quốc tế. Có nên trợ giúp, viện trợ nước ngoài hoàn toàn mang tính chất vô tư để làm giảm nỗi đau khổ của bất nơi nào có yêu cầu hay không? Nó có nằm trong mục đích chiến lược tìm cách tranh thủ tâm tư, tình cảm người dân nước ngoài trong cuộc đấu tranh mang ý thức hệ như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh hay không? Hoặc vì sự thất vọng, thoái hóa hiện nay đã khuyến khích chủ nghĩa cấp tiến và quân nổi dậy phát triển? Tổng thống Kennedy đã kêu gọi thế hệ thanh niên phục vụ quốc gia với cái tên “cuộc chiến chống lại kẻ thù chung của nhân loại: độc tài, nghèo đói, bệnh tật và chiến tranh” khi ông phát biểu trong diễn văn nhậm chức Tổng thống. Ông chưa bao giờ quên điều này trong chiến lược. Ý tưởng về Đoàn quân Hoà bình được hình thành trong bài phát biểu ngắn gọn trong chiến dịch tranh cử lúc 2 giờ sáng tại Đại Học Michigan vào tháng 10-1960. “Trong số các bạn sắp tốt nghiệp bác sĩ có bao nhiêu người dám tình nguyên làm việc tại Ghana?” Ông hỏi đám đông sinh viên tụ tập giữa đêm để nghe ông nói chuyện. “Chỉ cần các bạn sẵn sàng, có thể phục vụ một hoặc hai năm, đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho đất nước này, tôi nghĩ câu trả lời còn tuỳ thuộc vào nơi xã hội tự do đua tranh.” Ngay cả lúc hai giờ sáng, ông cũng suy nghĩ về phương cách phát triển để thúc đẩy tăng cường các lợi ích của Hoa Kỳ.
Lúc nào tôi cũng suy nghĩ về cuộc tranh luận giữa “viện trợ vì lợi ích của viện trợ” và “viện trợ vì những mục tiêu chiến lược” hầu như luận điểm nào cũng có những điểm đúng. Cả hai tiêu chí này chúng ta phải cần tất cả. Tổng thống Obama và tô cam kết nâng cao vị trí ngoại giao và quốc phòng, cả hai đều là trụ cột chính của sức mạnh Mỹ, nhưng bản thân nội bộ chính quyền của chúng ta cũng có nhiều vấn đề tranh luận tương tự. Khi Nhà Trắng ban hành Sắc lệnh Chính trị của Tổng thống (PPD – Presidential Policy Directive) đầu tiên về phát triển, tôi cho rằng chúng ta cần có sự liên kết minh bạch giữa viện trợ và an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Một số chuyên viên phát triển không nhất trí với quan điểm này, cuối cùng Tổng thống chấp nhận tiêu chí về thiên tai, nghèo đói, dịch bệnh kể cả ở một số nước có mối đe dọa đến lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.
Haiti là ví dụ điển hình. Giúp cho đất nước này có thể đứng vững trên chính đôi chân của họ, đồng thời chứng minh sự nhân đạo và cũng vì lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.
Do điều kiện và hoàn cảnh, việc di dời đám đông người Haiti nghèo khổ đến khu ổ chuột ở Port-au-Prince là không khả thi dù nơi ấy có một số cơ hội về kinh tế và giáo dục, nhưng quan chức địa phương tham nhũng, vô trách nhiệm và độc quyền. Nhân dân Haiti giỏi giang, chịu thương chịu khó nhưng nghèo khổ, thất vọng vì thế mọi người chán nản. Vấn đề này động chạm đến lương tâm chúng tôi khi nhìn thấy trẻ em lớn lên liền kề với vùng biển của chúng ta mà sống trong điều kiện tồi tệ đến như vậy.
Chả nhẽ lại cho phép tồn tại một thành lũy của đói nghèo, buôn bán ma túy, sự bất ổn về chính trị kéo dài mà chỉ cách bang Florida có hơn bẩy trăm dặm,- xa hơn khoảng cách giữa Washinton đến Atlanta chút xíu-, một vấn đề thật nguy hiểm. Hàng năm, làn sóng người tỵ nạn bỏ trốn khỏi Haiti chạy sang Hoa Kỳ bất chấp nguy hiểm bằng con thuyền mỏng mảnh, ọp ẹp hay mảng vượt trên vùng biển đầy cá mập. Nếu so sánh việc sử dụng quân sự và số người tỵ nạn đổ xô tới với việc áp dụng đường lối ngoại giao khôn ngoan, thông minh thì đây là cái giá rẻ nhất.
Ngay cả động đất chưa xảy ra Haiti vẫn là sự ưu tiên của tôi. Khi giữ chức Ngoại trưởng, tôi đề nghị Cheryl xem xét, tìm kiếm cách nhìn mới về chính sách đối với Haiti, đưa ra một chiến lược phát triển có tác động lớn đến đời sống người dân. Đồng thời tôi cũng nhận thấy đây là cơ hội kiểm nghiệm cách tiếp cận phát triển mới có thể áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Cuối cùng, bất chấp tất cả những thách thức, nhiều vấn đề quan trọng của Haiti đã thành công, không phải thành công do xóa bỏ được sự khác biệt về tôn giáo hay giáo phái mà là sự chia xẻ của Haiti với quốc gia chung trên hòn đảo, nước Cộng Hòa Dominican, quốc gia có mối quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ. Cả hai quốc gia này đều có các cộng đồng hải ngoại lớn ở Hoa Kỳ và Canada. Trong ngắn hạn, Haiti có quá nhiều ưu đãi mà các nước nghèo khác không có. Nếu chúng ta chung tay giúp Haiti xây dựng dựa trên lợi thế này, họ có thể phát huy tiềm năng sẵn có.
Vào ngày trận động đất xảy tháng 1-2010, Cheryl và nhóm của bà đã hoàn thiện bản báo cáo gửi Nhà Trắng với đầy đủ các chi tiết khuyến nghị về Haiti, dựa trên những đòi hỏi cấp thiết của người dân. Những tuần tiếp theo mọi người tập trung vào công việc cứu hộ khẩn cấp, đồng thời nhanh chóng tìm kiếm giải pháp tái thiết và phát triển theo nhu cầu dài hạn. Vì thế, tôi yêu cầu bắt tay ngay vào công việc những gì mà Cheryl viết trong báo cáo.
Việc “xây dựng lại hơn xưa” là một thách thức lớn lao, đây là thành ngữ mà tôi mượn của chồng tôi, Bill Clinton, khi cùng Tổng thống George H.W. Bush nói về khắc phục hậu quả sau khi xảy ra sóng thần ở châu Á năm 2004. Trận động đất lớn là thảm hoạ chưa từng có, tàn phá các trung tâm kinh tế của Haiti, các cơ sở sản xuất chính bao gồm hải cảng, sân bay, hệ thống đường dây điện, các trạm biến áp và các trục đường giao thông quan trọng. Tổng thống Prérval và Thủ tướng Jean Max Bellerive sớm nhận ra, Haiti cần chiến lược phát triển kinh tế táo bạo, sử dụng quỹ khắc phục hậu quả để tái thiết và cải cách nhằm nâng cao đời sống người dân. Họ có nhiều cách lựa chọn, từ những cuộc tranh luận về việc dựa vào viện trợ của nước ngoài để phát triển kinh tế và chính phủ cần phải cải cách.
Chính phủ Haiti đưa ra chiến lược phát triển là kế hoạch tái thiết hướng tới tương lai. Hai trong số những trung tâm nhà cửa cho thuê, họ đã sáng tạo ra cơ hội phát triển kinh tế khu vực, được gọi là hành lang tăng trưởng vùng ngoại ô, vì Port-au-Prince quá đông và chật chội, nên việc mở rộng khu vực sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp nhẹ ở ngoại ô, trở thành điểm nổi bật của Hoa Kỳ về hỗ trợ cho Haiti.
Ý tưởng ưu tiên cho phép chính quyền địa phương và đường lối phát triển không phải mới mẻ. Trong bài phát biểu nổi tiếng của Marshall đưa ra năm 1947, George Marshall lập luận: “Điều này hoàn toàn không phù hợp và cũng không có hiệu quả cho chính phủ khi đưa ra kế hoạch đơn phương đặt châu Âu lên vai chúng ta về phát triển kinh tế.” Nhưng sự tiên đoán thông thái của Marshall đã bị bỏ rơi trong nhiều thập niên. Cho mãi đến khi các quốc gia tài trợ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) xâm nhập vào các nước mới phát triển, người ta mới hiểu về ý tưởng của ông. Đây là sự đòi hỏi dễ hiểu, quan sát chính quyền địa phương thông thường yêu cầu các chuyên viên tư vấn chuyên môn, nhưng kết quả lại không thể lường trước được. Nhân viên cứu trợ cảm thấy đôi khi trong thế kẹt “như xe không có người lái trong đoạn đường dài 10 ngàn dặm” vì các quan chức ở mãi Washington hay thủ đô các nước ở châu Âu muốn quản lý chặt chẽ về những nỗ lực phát triển. Kế hoạch xem ra có vẻ rất hay trong bản vẽ, nhưng áp dụng vào thực tế lại không ổn nếu không có sự hợp tác của chính quyền địa phương, cho tiền nhưng họ không muốn.
Khi cộng đồng phát triển quốc tế nhận thức được lời chỉ dẫn của Tướng quân Marshall về nguyên tắc của “chủ quyền quốc gia”, chúng tôi lấy đó làm những động lực chính trong hoạt động ở Haiti và thế giới. Chủ quyền quốc gia cũng có ý nghĩa thực tế, với khả năng có thể, chúng tôi thường phải làm việc với quan chức địa phương, các bộ của nhà nước theo yêu cầu họ đề xuất, giúp họ tự củng cố năng lực sẵn có, tiếp cận đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất với các nhà tài trợ và các tổ chức cùng nhau hoạt động hướng đến mục tiêu, chứ không phải là hai phái cạnh tranh. Mô hình phát triển mới không áp dụng cứng nhắc. Có những công việc áp dụng ở Papua New Guinea rất tốt, nhưng không thành công ở Peru. Chúng tôi phải cân nhắc, thận trọng áp dụng trong từng trường hợp, từng quốc gia, thậm chí từng làng xã, tìm hiểu, xem xét nhu cầu từng nơi khác nhau, đánh giá cơ hội để đầu tư thích hợp tối đa hóa tác động.
Haiti và nhiều quốc gia khác, cơ quan vận hành chủ chốt cho việc phát triển của chúng ta hoạt động chính là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), một tổ chức gồm rất nhiều cán bộ nhân viên viên chức đầy nhiệt tình và hăng say, nhưng nay gặp nhiều khó khăn vì quỹ hoạt động giảm sút do khủng hoảng kinh tế. Trong những năm 1990s Đảng Cộng hòa trong Quốc hội do Thượng nghị sĩ Jesse Helms của bang Bắc Carolina lãnh đạo, đã kêu gọi bãi bỏ USAID với lý do đã kết thúc Chiến tranh Lạnh, nên loại bỏ các lý do chiến lược về quy mô viện trợ lớn cho nước ngoài. Tuy Helms không xóa sổ được USAID, nhưng đã giảm đáng kể về phân bổ ngân sách. Thất bại trong các cuộc tranh luận đưa đến những hậu quả tồi tệ trở lại một cách nhanh chóng và kéo dài, nhất là những nơi như Afghanistan. Khi Hoa Kỳ không còn quan tâm đến Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989, chúng ta đã để Taliban tự do lớn mạnh. Đây là sai lầm mà chúng ta đã phải trả giá quá đắt.
Điều thật thú vị xảy ra, gần cuối nhiệm kỳ tổng thống của chồng tôi, Thượng nghị sĩ Helms đã ủng hộ đề nghị của Bill về xoá khoản nợ cho các nước nghèo, nếu họ sử dụng toàn bộ khoản tiền ấy cho giáo dục, y tế hoặc phát triển kinh tế. Người ủng hộ và có công lớn nhất là ca sĩ Bono (Paul David Hewson, sinh 10-5-1960, nhạc sĩ, ca sĩ kiêm doanh nhân và nhà hoạt động xã hội người Mỹ gốc Ireland - ND) lãnh đạo trong ban nhạc U2, người đã chứng minh và thuyết phục được những Thượng nghị sĩ khó tính.
Chính quyền Bush cũng đã có những bước giúp sự phát triển. Người ta gắn cho ông thương hiệu “chủ nghĩa bảo thủ nhân ái” khi ông tham gia đầu tư và chương trình phát triển mới bên cạnh văn phòng USAID, gây ảnh hưởng và tiếng vang lớn đặc biệt vùng châu Phi hạ Sahara. Tập đoàn Thách thức Thiên niên kỷ (MCC – The Millennium Challenge Corporation) đã hào phóng hỗ trợ cho các quốc gia đạt được những tiêu chuẩn về cải cách nhà nước và chống tham nhũng. Kế họach Cứu trợ Khẩn cấp phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Bush về xây dựng trạm y tế, phân phối thuốc, cấp cứu người bệnh toàn Phi châu. Đây là một thành công thật tuyệt vời.
Khi trở thành Ngoại trưởng, ưu tiên hàng đầu của tôi là tái tổ chức, tập trung hơn nữa vào hệ thống USAID. Nếu không cải cách, kể cả giảm sự phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài, đồng thời gia tăng khả năng nội lực để đổi mới và hành động, chúng ta có nguy cơ bị tụt hậu và bị các nước bỏ xa. Nhiều quốc gia châu Âu phát triển chương trình tuyệt vời mà hoạt động của họ có sự tham gia đóng góp của địa phương, chi phí thấp hơn rất nhiều so với nỗ lực của USAIDS một cách điển hình. Trung Quốc đã tung ra một khoản tiền khổng lồ vào các nước đang phát triển trên thế giới. Chúng ta không áp dụng theo phương thức của họ, trong đó họ chủ yếu nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản rồi chuyển về nước, chứ không phải mục đích tăng giá trị, tạo thêm việc làm và bảo vệ môi trường, nhưng không có tranh chấp về quy mô và phạm vi tham gia của họ. Trong khi trên thế giới, rất ít người tìm thấy những biểu hiện rõ ràng về các viện trợ của Hoa Kỳ, nhưng hầu như những người lái xe trên xa lộ ngang qua sân vận động nào đó do Trung Quốc xây dựng là nhìn thấy những hình ảnh đập ngay vào mắt hàng ngày. Chúng ta không cạnh tranh cách tiếp cận làm giảm giá trị tuy những dự án khó nhận thấy, đặc biệt là những người gieo mầm cho sự sống, hạn chế những cái chết vô nghĩa do HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét gây ra. Nhưng chúng ta phải thường xuyên cải thiện, đổi mới để chương trình phát triển của Hoa Kỳ vẫn giữ được sự địa vị độc tôn trên thế giới.
Vận hành sự hoạt động của USAID chúng tôi tìm được một thanh niên tài năng, đầy nhiệt tình, tận tâm làm việc của Bộ Nông nghiệp, Tiến sĩ Rajiv Shah. Người đang làm nhiệm vụ đào tạo bác sĩ, kinh tế y tế, những người sau này hoạt động trong các chương trình lớn của Gates Foundation. Rajiv sớm trở thành đối tác quan trọng, người chia sẻ cam kết của chúng tôi cải cách tổ chức, nâng tầm phát triển cao trong chính sách đối ngoại.
Chính quyền Obama đề nghị tăng gấp đôi viện trợ nước ngoài vào năm 2014, nhưng điều quan trọng nhất, phải có kế hoạch cải cách đồng tiền được sử dụng ra sao, không được sử dụng vào lương bổng, tránh giúp nhà thầu tăng lợi nhuận và chương trình được đến tận tay người dân. Đồng thời muốn đảo ngược hiện tượng “chảy máu chất xám” ở USAID bằng cách tăng số lượng các chuyên viên về phát triển, giúp họ niềm vui khi làm công việc đầy ý nghĩa.
Tôi và Raj đồng ý rằng muốn thành công, USAID cần chú trọng việc đổi mới, đầu tư và tự túc tự cường. Chúng tôi tìm kiếm những cách thức mới để xác định, hỗ trợ các ý tưởng phát triển tốt nhất từ chính phủ nước ngoài mà có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề trên thế giới, đặc biệt là giải pháp định hướng thị trường, trao quyền cho người dân, khuyến khích sự sáng tạo. USAID phát động cuộc thi “Những thách thức lớn” trong chương trình y tế toàn cầu, tìm kiếm sáng kiến trong hoạt động. Chúng tôi còn lập quỹ đầu tư cạnh tranh theo phong cách tư bản đầu tư vào những ý tưởng mà có thể mang lại kết quả lớn. Vòng đầu tiên của dự án hỗ trợ tài chính, sử dụng điện lấy từ quang năng ở vùng nông thôn Uganda và dịch vụ y tế di động ở Ấn Độ. Những quan hệ đối tác mới với Quỹ Khoa học Quốc gia và Học Viện y tế Quốc gia bắt đầu kết nối với các nhà khoa học Mỹ kết hợp việc nghiên cứu phát triển với các đối tác trên toàn thế giới. Chương trình học bổng khoa học ngắn hạn mới cho phép thu hút được nhiều nhà nghiên cứu khoa học, kỹ sư, bác sĩ tham gia với USAID. Năm 2008, USAID đã chi khoảng 127 triệu Mỹ kim hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Đến năm 2014, con số này sẽ lên đến 611 triệu Mỹ kim.
Bắt đầu từ năm 2011, Raj và tôi thảo dự án trung tâm hạng mục cho sự đổi mới trong chương trình nghị sự thường niên: Thành lập phòng thí nghiệm tiên tiến hiện đại nhất do USAID hợp tác với các trường đại học; Các tổ chức của NGO (Tổ chức phi chính phủ), Cộng đồng khoa học kỹ thuật và các công ty Hoa Kỳ. Sau ba năm chuẩn bị, tôi rất vinh dự tham gia với Raj vào đầu tháng 4 - 2014 khai trương dự án, giờ đây có tên gọi “Nghiên cứu phát triển Toàn cầu của Hoa Kỳ”. Nó tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá về nước uống, y tế, dinh dưỡng, giáo dục và biến đổi khí hậu với mục tiêu giúp đỡ 200 triệu người trong kế hoạch trong 5 năm đầu.
Một động lực thúc đẩy lớn lao khác tìm ra những hình thức mới khuyến khích thành phần tư nhân vào đầu tư ở các nước đang phát triển. Các công ty Mỹ thường phải vật lộn trong sự điều hướng của các cơ quan Hoa Kỳ tham gia đầu tư quốc tế và thương mại, bao gồm cả Tổng công ty cổ phần Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC, Overseas Private Inxestment Corporation), Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tín dụng Phát triển của USAID (DCA, Development Credit Authority), Cơ quan Phát triển Thương mại (TDA, the Trade and Development Agency) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu. Trước khi tôi từ nhiệm, tôi trình bày với Tổng thống kế hoạch xây dựng OPIC hoàn chỉnh thành “Viện phát triển kinh tế”, nó có thể huy động nguồn lực từ tất cả các nước, khuyến khích tư nhân vào đầu tư mà không đòi hỏi họ đóng thêm khoản thuế. Các nước cũng có loại hình học viện như chúng ta. Điều này có lợi cho doanh nghiệp Mỹ và cho các nước đối tác.
Trong khi chúng tôi phải tự cải thiện năng lực phát triển, đây cũng là điều rất quan trọng giúp các đối tác cũng tự cải thiện. Tôi đặc biệt lo ngại là vấn đề tham nhũng, hệ thống thu thuế hoạt động yếu kém ở những nước đang phát triển mà chúng ta nên tìm cách hỗ trợ. Viện trợ nước ngoài cũng rất khó bán dù hàng hoá thuộc diện phổ thông, nhưng nó còn gặp khó khăn hơn khi giới lãnh đạo của các nước đối tác tìm mọi cách tránh sự chia xẻ một cách công bằng. Đó là điều tôi từng chứng kiến nhiều nơi trên thế giới, điều mà tôi cảm thấy bị xúc phạm. Khi một quốc gia có chương trình cải cách để cải thiện cách thu thuế, mở rộng sự minh bạch, chống tham nhũng có hiệu quả nó có thể khuyến khích sự xoay chuyển đạo đức quan chức. Người đóng thuế có thể hiểu đồng tiền của họ chi tiêu vào đâu. Thuế thu được cao cho phép chính phủ cung cấp các dịch vụ tốt hơn và trả đồng lương cao hơn cho công chức nhà nước. Với tất cả vấn đề ấy, đổi lại, nó tạo ra một bầu không khí hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, tăng các nhà tài trợ và đặt đất nước trên con đường hướng tới tự túc, ít phụ thuộc.
Giúp Haiti tái thiết là một thử thách lớn lao đối với USAID và cũng thể hiện chúng ta sẽ phải làm như thế nào để phối hợp với chính phủ Haiti trong khi phải tăng khả năng và sự hợp tác với tất cả các đối tác quốc tế kể cả với chính phủ, với tổ chức phi chính phủ (NGO) cùng các tổ chức khác.
Sau khi động đất xảy ra, tôi kêu gọi lãnh đạo trên toàn thế giới, khởi đầu với Ngoại trưởng Pháp, Brazil, Canada và Cộng hòa Dominican. Tại Hội nghị Tài trợ Haiti vào muà xuân năm 2010, Hoa Kỳ đóng góp trên 3,5 tỷ Mỹ kim, khuyến nghị các quốc gia khác noi theo. Tổng số tiền quyên góp trong hội nghị lên tới 9 tỷ Mỹ kim theo cam kết của các chính phủ trong dài hạn, ngoài ra còn có sự cam kết đáng kể từ khu vực tư nhân. Hầu hết các quốc gia ở nửa Tây bán cầu đều chung tay đóng góp, đặc biệt là Cộng hoà Dominican, quốc gia cùng mảnh đất trên vùng đảo Hispaniola với Haiti, từ lâu hai người hàng xóm này không mấy mặn mà, giờ đây đã bỏ qua quá khứ chung tay cứu trợ. Thậm chí chúng tôi còn hợp tác với Cuba và Venezuela về việc hỗ trợ này.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề cử Bill Clinton làm Đặc phái viên đến Haiti bắt đầu từ tháng 5-2009, chức vụ này Bill nắm giữ cho đến năm 2013. Tiếp theo Tổng thống Obama yêu cầu Bill và cựu Tổng thống George W. Bush lãnh đạo chiến dịch “hậu động đất” với quy mô lớn lên đến hàng chục triệu Mỹ kim, thành lập các doanh nghiệp mới, tuyển dụng người làm việc. Trợ thủ của Bill là Tiến sĩ Paul Farmer, đồng sáng lập tổ chức “Các Đối tác trong Y tế”, người mà Bill đã đề cử làm Phó Đặc phái viên của LHQ vào tháng 8-2009. Các đối tác trong Y tế hoạt động ở Haiti từ năm 1983, ông phát triển mô hình độc đáo nâng cao chất lượng chăm sóc y tế trong điều kiện hạn chế khu vực dân nghèo. Sau khi động đất xảy ra, Paul và các cộng sự cố gắng xây dựng bệnh viện có chức năng giảng dạy và đào tạo, Bệnh viện Đại học Mirabalais ở tỉnh Mirebalais, Haiti, và cũng chính khu nhà này là nơi áp dụng sử dụng năng lượng quang năng lớn nhất của quốc gia Haiti.
Nỗ lực cứu trợ và tái thiết của quốc tế đã làm được rất nhiều việc tốt đẹp, đặc biệt giải quyết các hậu quả sau động đất, tuy nhiên không tránh khỏi những thiếu sót. Hàng chục ngàn nhân viên cứu trợ dựng trại xung quanh làm người ta có cảm tưởng như thành phố bị bao vây và nhiều khi phối hợp thiếu nhất quán và đồng bộ. Có quá nhiều tổ chức NGO cũng đồng nghĩa với “lắm cha con khó lấy chồng” (nguyên văn: gây tắc ống dẫn nước). Một trường hợp thật đau lòng gây ra hậu quả ngoài ý muốn, dịch tả xảy ra vào mùa thu năm 2010, hình như nguồn gốc từ lực lượng gìn giữ hòa bình từ Nepal do LHQ đưa vào.
USAID bị mất điểm trong một số khu vực quan trọng. Mạng lưới chuyển viện lên tuyến trên do những chuyên viên y tế dầy dạn kinh nghiệm của chúng tôi đề ra không bao giờ thực hiện đúng quy trình, phần lớn do cách làm việc quan liêu và mâu thuẫn nội bộ. Về năng lượng, Hoa kỳ xây dựng mới và sửa chữa phục hồi nhà máy điện cũ, nhưng những kế hoạch lớn về năng lượng vẫn chưa thành hiện thực.
Tuy nhiên vẫn có những thành công quan trọng. Vào tháng 1-2013, hơn 7, 5 triệu khối gạch đá đổ nát đã được dọn dẹp, trong đó 1/3 do chính phủ Hoa Kỳ giúp sức. Số người sống trong các lều trại tạm bợ từ con số trên 1,8 triệu giảm xuống còn 200 ngàn người. Hơn 300 ngàn người đã có nhà chắc chắn, an toàn do chương trình xây dựng lấy từ quỹ của USAID. Dịch tả được điều trị và tiêm phòng bằng vắc-xin do Trung tâm Kiểm soát Phòng chống dịch (CDC, Centers for Disease Control) giúp đỡ đã giảm đáng kể, tỷ lệ chết từ 9% giảm xuống còn trên 1%. Hoa Kỳ thiết lập 251 trạm sơ cứu và 52 cơ sở điều trị tuyến trên trong cả nước Haiti, những cơ sở này đã xử lý, chăm sóc và điều trị cho gần 50% dân số Haiti. Chúng ta còn cung cấp hạt giống, phân bón, hướng dẫn phương pháp canh tác mới tăng sản lượng cho hơn 10 ngàn nông dân. Sản lượng gạo tăng gấp đôi, còn sản lượng ngô tăng gấp 4 lần.
Mục tiêu chính của chiến lược phát triển lâu dài của chúng tôi Haiti là tái khởi động phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm với đồng lương đúng mức, dần dần giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Một khu trung tâm công nghiệp tổng hợp trị giá 300 triệu Mỹ kim ở Caracol, bắc Haiti, do quỹ tài trợ phối hợp giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, USAID, chính phủ Haiti và Ngân hàng Phát triển Châu Mỹ. Lập tức nó trở thành nơi thu hút toàn cầu với sự tham gia của công ty dệt kim Nam Hàn, công ty thương mại Sae – A, cam kết xây dựng và phát trển nhà máy sản xuất hàng dệt kim áo ngắn tay và các mặt hàng khác cho công ty Wal – Mart, công ty Kohl và công ty Target. Tháng 10-2012 tôi đến thăm, đã có 1050 người Haiti đang làm việc tại khu trung tâm, hy vọng trong thời gian ngắn số lượng người làm việc sẽ tăng.
Dự án Caracol phù hợp với xu hướng mở rộng hơn trong việc phát triển của chúng tôi trên toàn thế giới. Chúng tôi đã chuyển từ công việc viện trợ sang đầu tư. Năm 1960, khi Tổng thống Kennedy sáng lập USAID, hỗ trợ phát triển mang tính chính thức từ các nước như Hoa Kỳ đóng góp 70% dòng vốn đến các nước mới phát triển. Kể từ đó đến nay, mặc dù nhiều nước đã gia tăng ngân sách phát triển, nhưng hỗ trợ phát triển chính thức của họ chỉ chiếm 13% dòng vốn. Nhưng chủ yếu lại do tăng vốn đầu tư của tư nhân và thương mại của thị trường mới nổi, dù sao đây cũng là tin đáng mừng. Với sự thay đổi này, giúp cho việc tái tập trung tiếp cận của chúng ta trong sự phát triển, do đó nó là tác nhân giúp thị trường tự do phát triển tốt hơn và việc đầu tư giữa công và tư một cách khôn ngoan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hoa Kỳ không từ bỏ truyền thống viện trợ từ bao gạo đến túi thuốc chữa bệnh. Cách hỗ trợ kiểu này vẫn là phương tiện quan trọng, nhất là trong sự ứng phó với những trường hợp khẩn cấp về thảm họa. Nhưng nếu thông qua đầu tư chúng ta sẽ xoá bỏ thói quen phụ thuộc vào viện trợ, bằng cách giúp các nước tự lực cánh sinh, có khả năng tự cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Săn hàng viện trợ tuy cần, nhưng khi có cơ hội đầu tư nên nắm bắt
Cuối năm 2013, chỉ hơn một năm hoạt động, khu công nghiệp Caracol đã tạo việc làm cho khoảng 2 ngàn người dân Haiti. Có sáu khu nhà tư nhân cho thuê, một triệu fút vuông (1 foot vuông = 0,0929 mét vuông - ND) cho thuê lập xí nghiệp, xưởng máy và văn phòng với luợng hàng xuất khẩu đạt 26 triệu/năm. Cả năm 2014, số lượng công nhân và mặt hàng xuất khẩu tăng hơn gấp đôi chưa kể một số khu nhà vừa hoàn thành các xí nghiệp, nhà máy vừa mới lắp ráp xong. Nơi đây có cơ sở xử lý nước thải công nghiệp hiện đại, lần đầu tiên mạng lưới điện mới cung cấp điện cho vùng ngoại ô thành phố cho khu dân cư, trường học, trạm y tế.
Năm 2013, một bài báo trên tờ Financial Times, Thủ tướng Haiti, Laurent Lamothe nhận xét, phần lớn các gia đình nông dân Haiti hàng năm đã tự cung tự cấp khoảng 700 triệu Mỹ kim hàng nông sản, nhưng “con số này không đảm bảo, nếu như bão và lũ lụt gây thiệt hại về mùa màng”. Vì vậy, khi khu vực công nghiệp Caracol mở cửa, một công việc có tới 50 người nộp đơn xin việc. Trong bản báo cáo, ông Lamthe viết: “Một phụ nữ làm việc ở Caracol giờ đây đã có mức lương thu nhập 1.820 Mỹ kim/năm. Nhưng nếu bà ta làm việc tốt, tiến bộ trở thành người giám sát cơ sở thì mức lương có thể tăng 50%. Trước kia bà ta thất nghiệp, nay nhờ có công ăn việc làm nên đã cho con đi học, có điện thoại di động, gia đình có điện sử dụng và với mức lương ngoài chi tiêu còn tiền dư gửi ngân hàng. Không những thế, bà còn được trả lương những ngày nghỉ lễ, tết và nghỉ phép hàng năm, được chăm sóc y tế, đảm bảo quyền lợi người lao động, theo luật an toàn lao động trên thế giới”.
Ngày mở cửa khu công nghiệp Caracol là một ngày trọng đại, đặc biệt, tháng 10-2012, đáng ghi nhớ đối với tất cả mọi người, những ngày sống trong đen tối của người dân Haiti đã qua đi, đây là ngày lễ hội với những tin tốt đẹp mang đến và người đáng được hưởng những tràng vỗ tay khen ngợi nhất không ai xứng đáng hơn, chính là cựu Tổng thống Préval. Tuy nhiên, thời điểm ấy ông đã từ nhiệm hơn một năm, nhưng mối quan hệ giữa ông và tân Thổng thống thật gần gũi, đầm ấm và thân thiện chưa từng có.
Nhìn lại ngày bầu cử tháng 11-2010, những ngày chẳng mấy tốt lành chỉ sau 10 tháng xảy ra trận động đất. Ban kiểm phiếu của quan chức chính phủ, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS-Organization of American States) đã đưa ra những con số kết quả kiểm phiếu rất khác nhau về ứng cử viên, dẫn đến kết quả phải hủy bỏ. Rất nhiều người dân Haiti, những người đã từng chịu nhiều đau khổ, vô cùng bức xúc vì những lá phiếu của họ không được tính. Ngay sau đó, trên đường phố đã nổ ra cuộc biểu tình lớn phản đối.
Tôi quyết định trở lại Haiti gặp Préval và các ứng cử viên để xem xét, tìm ra giải pháp hoà bình tránh xảy ra cuộc khủng hoảng trong khi còn rất nhiều việc phải làm sau trận động đất. Ứng cử viên Préval, theo OAS chỉ đứng thứ 3 của phiếu cuộc bầu cử, khiếu nại, cho rằng cộng đồng quốc tế đã tìm cách loại ông ra khỏi cuộc tranh cử. Tôi khẳng định không bao giờ xảy ra chuyện như vậy. Sau cùng, tôi phải giải thích, ngày xưa tôi cũng bị thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống vào năm 2008. Không chỉ giữa Tổng thống và tôi mà còn giữa ông ấy với hai ứng cử viên khác đều đã tôn trọng ý muốn của cử tri. Tôi nói: “Ngài hãy bình tĩnh xem xét việc tôi ra tranh cử, tôi thắng hai vòng và đã thua cay đắng vòng chót. Vì thế tôi rất cảm thông tâm trạng của ngài. Nhưng điều quan trọng nhất là ta phải bảo đảm quyền tự do dân chủ thực sự”. Tôi không sử dụng cách giải quyết theo lối của nhà chính khách ngoại giao hay một nhà đàm phán doanh nghiệp, tôi đặt tôi vào vị trí của người trong cuộc. Cuộc bầu cử nào cũng thường đưa đến nỗi thất vọng và đau đớn vì nền dân chủ rất nghiệt ngã. Một số quốc gia, người ứng cử viên có khi bị ám sát nếu dám ra ứng cử hoặc bị bỏ tù, bị tán gia bại sản. Ta phải hiểu những rủi ro, buồn thảm nhưng phải tôn trọng quyết định lá phiếu của dân chúng để chứng tỏ ta biết tôn trọng sự thật.
Tôi gặp Préval tại tư dinh tạm thời. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trên bộ ghế sang trọng, thân thiết và gần gũi. Tôi nói thật những suy nghĩ của tôi không phải chỉ vấn đề trước mắt mà là còn về tương lai lâu dài, nhấn mạnh, đây là thời điểm ông tự quyết định. Ông được hoặc sẽ được ghi nhớ như là vị tổng thống không có gì khác biệt so với các tổng thống khác Haiti trong lịch sử đã từ chối lắng nghe tiếng nói của người dân hay ông muốn được ghi nhận là vị Tổng thống đầu tiên chấp nhận nền dân chủ, đặt nền móng cho một quốc gia dân chủ. Ông phải tự lựa chọn điều này. Tôi nói: “Tôi trao đổi với ngài không chỉ với danh nghĩa người bạn, một người rất yêu mến đất nước, tôi đã vượt qua nhiều khó khăn. Giờ đây ngài nên suy nghĩ thật thấu đáo, bởi vì những điều khó khăn sắp tới sẽ là điều có lợi nhất cho quốc gia và cũng là có lợi nhất cho ngài, mặc dù ngay lúc này ngài chưa nhận thức được, nhưng một ngày nào đó, bình tình suy xét ngài sẽ nhận ra điều ấy”. Kết thức buổi trò chuyện, ông nói: “Bà đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều bổ ích mà tôi cần suy ngẫm. Tôi sẽ xem xét lại những gì tôi có thể làm”.
Ngay sau đó Préval cùng ba ứng cử viên chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu bầu cử của OAS. Nhạc sĩ nổi tiếng Michel Marrtelly, với biệt danh “Sweet Micky” đã giành chiến thắng, Préval về hưu. Theo thông lệ, người chiến thắng trong bầu cử sẽ nhận tất cả những lời ca ngợi tốt đẹp nhất. Nhưng trong trường hợp này lại khác, tôi nghĩ trong giờ phút này người hùng của Haiti chinh là người đã tự nguyện từ nhiệm chức vụ bước xuống bậc thang quyền lực, ngay cả khi đất nước ông còn ngổn ngang sau thảm hoạ không thể tưởng tượng nổi. Đây là sự kiện đầu tiên trong lịch sử Haiti chưa có vị Tổng thống nào trao quyền lực cho phe đối lập trong hòa bình.
Đây cũng chính là dấu hiệu tốt lành cho tương lai của quốc gia Haiti. Sự liên kết giữa phát triển bền vững và sự điều hành nhà nước đã được thiết lập. Đó là lý do vì sao chúng ta đặt nhiều tâm huyết vào các chương trình viện trợ, hầu hết do Công ty Thách thức Thiên niên kỷ đảm nhận. Điều rắc rối là cả trên hai mặt trận giữa cung và cầu, nhưng chúng tôi đã có sẵn những giải pháp tương ứng để giải quyết. Thật bất ngờ, Chile cũng xảy ra trận động đất lớn chỉ sau một tháng ở Haiti. Nhưng khác với Haiti, Chile đã sẵn có hạ tầng cơ sở, nguồn tài nguyên và tổ chức của chính quyền sẵn sàng ứng phó một cách nhanh chóng và hiệu quả. Để “tái thiết nhanh chóng và hiệu quả” Haiti cần phải tăng cường giải quyết xử lý những đống đổ nát, thúc đầy nền kinh tế phát triển trở lại. Không những thế, còn cần có chế độ dân chủ vững chắc, một chính phủ có trách nhiệm. Vì vậy việc trao quyền lực trong hoà bình là bước tiến quan trọng đầu tiên.
Tôi rất vui khi thấy Préval là người cắt băng khánh thành khu tổ hợp công nghiệp Caracol, nhưng tôi tự hỏi, làm thế nào mà Préval và Martelly cộng tác với nhau dễ dàng như thế được. Trước sự ngạc nhiên và sự vui mừng của tôi, Martelly hiểu tâm trạng của Préval và đã đưa ông ta lên lễ đài. Cả hai người nắm tay nhau giơ cao lên trong lễ kỷ niệm. Đối với người Mỹ, đây là cử chỉ thông thường, nhưng chưa bao giờ từng xảy ra giữa hai vị Tổng thống ở Haiti, bởi vì chưa bao giờ có chuyện chuyển giao quyền lực trong hoà bình. Điều này khiến cho tôi tin rằng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đất nước Haiti đang vững bước trên con đường tươi đẹp hơn.
Trong việc phát triển quan hệ quốc tế, người ta dễ nhận được sự thất vọng và chán nản. Nhưng nếu nhìn lại quá trình phát triển lịch sử, ta có thể thấy những đóng góp đã được ghi nhận của đất nước ta như thế nào. Chỉ tính riêng trong đời tôi được chứng kiến, Hoa Kỳ đã giúp loại bỏ được bệnh đậu mùa, giảm nguy cơ bệnh bại liệt, sốt rét, cứu giúp hàng triệu người trong việc phòng chống bệnh HIV/AIDS, đồng thời thông qua tiêm chủng các loại vắc-xin chống các bệnh, cùng liệu pháp bù và chống mất nước đã giảm tỷ lệ tử vong đáng kể ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Chúng ta giúp đào tạo hàng triệu thanh thiếu niên, cung cấp và hỗ trợ cho các quốc gia nghèo nay đã phát triển trở thành quốc gia hùng mạnh và cũng trở thành nhà tài trợ hào phóng như nhà nước Nam Hàn chả hạn. Hoa Kỳ có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được, vì không chỉ giúp con người mà còn giúp những đề án trong nước nâng cao giá trị và tăng cường năng lực lãnh đạo của chúng ta trên thế giới.
Những Lựa Chọn Khó Khăn Những Lựa Chọn Khó Khăn - Hillary Rodham Clinton Những Lựa Chọn Khó Khăn