If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4033 / 187
Cập nhật: 2020-02-22 17:27:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
rước Tết năm 1978 ba ngày, chúng tôi nhận được quà thăm nuôi của gia đình. Trừ các tù nhân “con bà phước”, thư từ của chúng tôi đã về tận nhà. Mỗi khu một ngày thăm nuôi. Không khí Chí Hòa rộn ràng những ngày cuối năm. Sự nhận quà ở Chí Hòa khác hẳn đề lao Gia Định. Có vẻ… dân chủ một tí. Tù nhân được gọi xuống phòng thăm nuôi nhận những túi bị đề tên mình. Trật tự viên khám đồ, không cần sự giám sát của cai ngục. Giả vờ vất hai gói thuốc lá xa túi quà của mình thì sự kiểm soát dính theo trạng từ qualoarement. Quên giả vờ hay tiếc của thì sự kiểm soát tỉ mỉ và bị hạch hỏi lung tung. Cái màn đổ thịt kho ra thau, dùng đũa khoắng tứ tung không có ở Chí Hòa. Được cái dễ này, mất cái dễ kia. Ở đề lao Gia Định, quà cáp vào, tù nhân loay hoay rỡ ra bỏ vào bị vào keo. Bánh kẹo, đường thẻ, mì vụn, sữa bột ưu tiên cất trước. Rồi mới đến nước mắm, mỡ phi hành, xì dầu, thịt kho, tôm kho… Những món cần tiêu thụ ngay như bánh cuốn, bún chả, phở xào để riêng ra. Thời gian dành cho dịch vụ “thăm nuôi” mất cả tiếng. Sau đó, mồ hôi toát đầm đìa, mỡ màng nhớp nhúa đầy tay. Làm một phát tắm gội thoải mái rồi enjoy là nhất. Ở Chí Hòa, chỉ có một ca nước rửa tay. Thưởng thức quà cáp của vợ con cũng kém phần hứng thú. Chẳng ai đặt ra, nhưng đã thành lệ: Tù có thăm nuôi mời “con bà phước” chung vui một bữa đầu tháng. Ở Chí Hòa đông anh em quen biết còn vui hơn. Ta chơi góp quà ăn liền enjoy tập thể. Đủ các thứ, đủ các món. Tết Chí Hòa, chúng tôi có dưa hấu, bánh chưng, giò chả… Tư Long cho phép “liên hoan” ba ngày Tết, tính từ đêm 30. Trong ba ngày này, miễn điểm đanh, miễn báo cáo và miễn… tắm. Lợi dụng “liên hoan”, chúng tôi xào mì, xào hủ tíu, nấu chè bột xả láng.
Đêm 30 Chí Hòa năm 1978 là đêm rộn rã nhất trong đời tù của tôi. Phòng bên phải loan tin:
- Đàn anh đón nghe nhé, chúng em ca nhạc trắng đêm.
- Đêm không ngủ hả?
- Dạ. Đêm chờ quân ta về.
- Có sân khấu không?
- Nhạc cụ, trống phách đàng hoàng.
Đoàn Kế Tường khoái lắm. Bản tính của Tường sống động. Tường đại diện phòng tôi liên hệ với phòng phản động trẻ.
- Đàn anh có thăm nuôi không?
- Có.
- Tưởng không có, đàn em thẩy sang.
- Thiếu cà-phê thôi.
- Cái đó chịu à. Này đàn anh, ô dưới các em gái hậu phương hứa hẹn hát chào mừng các anh trai tiền tuyến đấy.
Những phòng ô của FG dành riêng nhốt đàn bà, con gái và con nít có mẹ đi tù! Con nít theo mẹ đi tù, mẹ lại mang bầu và cha lao động cải tạo rừng già là một điểm sáng chói của chủ nghĩa Mác Lê bách chiến, bách thắng. Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, còn có người mẹ mang bầu dắt con vào tù về tội mua bán xăng nhớt của bộ đội nhân dân! Các nữ tù ở phòng ô được hưởng đặc ân, đặc lợi. Đặc lợi: hồ nước ngay trong phòng, nước tràn trề ngày đêm. Đặc ân: Hàng ngày ra dạo vườn hai tiếng, phơi quần áo, co quần áo. Nhiều em trẻ và mướt lắm, diện đáo để. Chúng tôi thường đứng sát tường, ngắm các em nhởn nhơ qua song sắt nhà tù. Khu FG là khu lẫy lừng, tù nhân phải lẫy lừng. Vậy đa số các em dưới ô FG, theo Đằng Giao, đều đã dính vào những vụ tán tỉnh yêu đương quý vị cán ngáo có Honda 90, Vespa Sprint dại gái, lùa quý vị này vào đường tình sử để bồ tèo lột Honda, Vespa và đôi khi, thủ tiêu luôn quý vị ấy. Đoàn Kế Tường nhiều sáng kiến. Tường chỉ chúng tôi từng em và đặt tên nhân vật nữ Kim Dung cho mỗi em.
Ngay chập tối, phòng phản động trẻ đã phóng tín hiệu xuống dưới ô:
- Trên văn nghệ trước, dưới văn nghệ sau nhé!
Dưới ô, một em trả lời.
- Ô-kê!
Các nhà tư sản mại bản sợ văn nghệ phiền phức, bèn đi ngủ sớm. Như thế, khỏi tham gia văn nghệ và có lý do chính đáng “làm việc” với cai ngục, nếu bị gọi ra.
- Đàn anh!
Đoàn Kế Tường đáp.
- Rõ.
- Tụi em chơi bạo đấy. “Thà một phút huy hoàng rồi sụp tối”…
- Chơi đi.
- Chơi chứ. Đàn anh yên chí, tụi em vừa tuyên thệ sống chết có nhau, trung thành với tổ quốc. Chỉ FG chơi thôi. Các khu khác vượt biên, hình sự lem nhem, bộ đội đào ngũ sẽ vểnh tai nghe.
- Bạo lắm.
Chúng tôi chờ đợi vài phút. Bỗng trỗi dậy một tiếng hô dõng dạc mà tôi nghĩ toàn thể tù nhân Chí Hòa đều nghe rõ.
- Nghiêm! Quốc kỳ chào!
Tôi vốn chán cái trò “chào cờ, mặc niệm, suy tôn tổng thống” từ ngày khôn lớn. Mười tuổi, tôi say mê chào cờ đỏ sao vàng, suy tôn Hồ Chủ Tịch. Vào đời, sự say mê nguội lạnh nhưng bị cưỡng bức chào cờ vàng ba sọc đỏ, suy tôn Ngô tổng thống ở ngoài đường, trong rạp xi-nê. Thì đành đứng nghiêm mà lòng ấm ức. Một lần, chỉ một lần thôi, tôi rưng rưng nước mắt thấy lá cờ quốc gia quen thuộc không còn nữa vào buổi sáng 1-5-1975. Tôi xuống phố. "Tôi đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ". Mưa rơi ngập mắt tôi. Bây giờ, nghe bạn tuổi nhỏ hô “nghiêm”, tự nhiên, tôi đứng nghiêm, lòng chứa chan hoài cảm và hồn phất phơ lá cờ tổ quốc. Cả phòng tôi đứng nghiêm, trừ những nhà tư sản mại bản và mấy tên bộ đội đào ngũ. Chúng tôi hướng mắt sang phòng bên cạnh, hình tưởng quốc kỳ, bàn thờ tổ quốc hương trầm nghi ngút. Bản quốc ca vang lên, hùng tráng. Bản quốc ca vang lên từ nhà tù Chí Hòa. Lâu đài âm thanh muốn rạn gẫy song sắt, xiềng gông. Chúng tôi hát theo. Rồi các khu khác hát theo. Cai ngục không có phản ứng. Họ cố tình “thả giàn” ba ngày Tết. Và họ sẽ bất lực đàn áp cả nhà tù. Sự nguội lạnh và rửng rưng chào cờ của tôi được hâm nóng và tha thiết đêm trừ tịch năm ấy. Từ đó, cờ tổ quốc trong tim tôi. Một đời chỉ cần chào cờ một lần thật xúc động. Tôi đã chào cờ một lần. Tôi ước ao được chào cờ thêm lần nữa, trên quê hương tôi. Ngoài ra, tôi sẽ khước từ chào cờ ở bất cứ nơi nào. Nó phù phiếm, giả tạo và chẳng cưu mang một ý nghĩa nào. Anh sẽ phản đối tôi, dĩ nhiên. Vì anh chưa hề hưởng hạnh phúc chào cờ, hát quốc ca trong khám Chí Hòa. Nếu anh có hạnh phúc ấy, anh sẽ phải suy nghĩ lại lòng yêu nước của anh. Người đau khổ sẵn sàng tin nghe người sung sướng. Nhưng người sung sướng khó mà tin nghe người đau khổ. Do đó, giữa anh và tôi đã có một biên giới, một đoạn tuyệt về ý niệm đời sống.
- Chú ý, phút mặc niệm các chiến sĩ hy sinh vì tổ quốc, các chiến sĩ bị Cộng sản sát hại bắt đầu…
Điệu sáo ai oán não nùng của Tiêu Sử phản động vụt bay khỏi phòng giam, lãng đãng trong vùng trời Chí Hòa. Im lặng tuyệt đối. Tiếng sáo buồn “mặc niệm” đã khiến chúng tôi rơm rớm lệ. Anh đã hiểu tại sao những tiểu thuyết của tôi sáng tác ở Pháp chỉ nhằm mục đích vinh tôn tuổi trẻ chiến đấu ở quê nhà. Bởi rằng tôi đã nhìn thấy họ chiến đấu, nhìn thấy họ sa cơ, nhìn thấy họ tin tưởng, nhìn thấy họ bất khuất. Tôi đã nhìn thấy họ can đảm cả trong lúc sa cơ thất thế. Nhân danh họ, nhân danh lòng son sắt và sự chịu đựng thống khổ của họ, tôi có quyền khinh bỉ những kẻ mộng du chiến đấu, những kẻ giả hình chiến đấu dẫn dắt những tâm hồn đích thực chiến đấu vào chiêm bao. Tiếng sáo ngừng lại. Phút mặc niệm chấm dứt. Không có suy tôn lãnh tụ. Lãnh tụ nào đáng suy tôn? Lãnh tụ đáng suy tôn là tuổi trẻ Việt Nam anh dũng, là sư tử lãng mạn của dân tộc. Họ vừa mới làm lễ chào cờ, mặc niệm. Họ vừa mới hát quốc ca trong tù. Họ thách đố bạo lực và quyền uy Cộng sản.
- Bây giờ sang phần văn nghệ, đàn anh ạ!
- Vẫn lắng tai nghe đây.
- Mở đầu chương trình, DzũngThị Nghè trình bày ca khúc Vết thù trên lưng ngựa hoang của Phạm Duy tặng anh Duyên Anh.
Dzũng Thị Nghè chắc phải mê Dzũng Đakao lắm. Chú nào đó đã mánh mung dấu được cây Harmonica nhỏ. Chú thổi nhạc dạo. Sáo hòa theo. Giọng hát Dzũng Thị Nghè đầm ấm. Giàn trống là mấy cái xô nhựa và thau nhôm. Tôi thấy “văn nghệ khám” sáng giá quá. Tôi rất cảm động được hát tặng bài hát mở đầu, bài hát Phạm Duy lấy ý một đoạn trong Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang làm lời. Tôi không ngờ, lưu lạc bất cứ một trại giam nào, một phòng tù nào cũng gặp khá đông độc giả của mình. Mà độc giả tuổi trẻ yêu mến tôi nhất. Họ đến với tôi, an ủi tôi, giúp đỡ tôi, săn sóc tôi. Và đó chính là tai họa. Tai họa tới từ hai phía 1. Tôi chăm chú nghe Dzũng Thị Nghè. Bài hát dứt, chúng tôi vỗ tay. Phòng phản động trẻ vỗ tay quyết liệt. Dưới ô, các em gái “bis bis” loạn xì ngầu. Tiếng hát Dzũng Thị Nghè, tiếng hát của tuổi trẻ hiên ngang như tiếng nhạc Thạch Sanh. Tiếng hát xuyên qua tường xi-măng cốt sắt, luồn qua trần phòng, sàn phòng, lách ngang chấn song tù, lan tỏa khắp không gian. Tiếng hát tin tưởng một niềm vui lệch đất, nghiêng trời.
- Sau đây Hiền lừa hát tặng anh Đoàn Kế Tường và các anh bản Ra khơi của Phạm Duy.
Hiền lừa hẳn đá bóng ngang cơ Bồn lừa. Chú nhỏ hát thật tốt. Đến đoạn cuối, hợp ca bốn bè. Đoàn Kế Tường, Dương Đức Dũng cảm khái hát theo. Văn nghệ do phòng phản động trẻ đảm trách kéo dài khoảng hai tiếng đồng hò thì được kết thúc bằng bài Quê em của Nguyễn Đức Toàn. Cả phòng hát. Khi tới câu: “Bao là gươm, bao là súng, dựng lưỡi lê lên đi lấy lại làng xưa. Bao lòng dân, bao chờ mong, quân ta sẽ về, quân ta sắp về”.., các bạn trẻ reo hò:
- Quân ta sắp về rồi!
- Quân ta về giải phóng Saigon tới nơi rồi…
- Quân ta phải về, anh em vững niềm tin.
Vỗ tay tưng bừng. Cứ như pháo mừng thắng trận. Bỗng nhiên, bên phòng hình sự rầm rầm la lối. Đoàn Kế Tường hỏi vọng sang:
- Chuyện gì thế?
- À, có thằng khốn nó hát “quân ta đếch về”, tụi này sửa nó cho bõ ghét.
- Thôi bỏ qua đi, nó cũng mong quân ta về nhưng quân ta chưa về, nó nản nó than “quân ta đếch về” đấy.
- Ô-kê, nghe anh.
Bây giờ, các em tù nữ chơi văn nghệ. Các em hát toàn nhạc sến. Vậy mà nghe cũng thấm thía. Lâu lâu nghe nhạc sến triết lý “hai với hai là bốn, thực tế thế mà khôn” hay “con Thúy con Hồng nhìn em khẽ nói, Tao biết rồi mày đang đón người yêu”… thú vị ra phết. Tôi chỉ đủ can đảm lắng tai nghe hai ca khúc sến. Bèn đi nằm. Văn nghệ dưới ô thiếu hấp dẫn nên nó tàn mau. Nửa khuya, có lẽ cảm khái văn nghệ phòng tập thể, một giọng hát tuyệt vời từ cachot bung ra. Ali Hùng. Đích thị người nhái Ali Hùng. Chàng diễn tả ca khúc Tôi ru em ngủ của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi đang nằm, ngồi hết dậy nghe người tử tù gửi một thông điệp cuối cùng cho đời sống. Đã nhiều đêm, ở đề lao Gia Định tôi nghe tiếng sáo gió của Ali Hùng. Đêm nay, tôi nghe chàng hát. Cachot FG Chí Hòa xoáy mòn thân phận của tử tù trước ngày nó trở về cát bụi. Tôi chưa thấy, ở một chế độ nào, tù nhân bị tuyên án xử tử và Chủ tịch Nhà Nước khước từ sự khoan hồng mà vẫn phải kéo dài tháng ngày đợi chết trong quan tài xi-măng. Đúng vậy, cachot FG Chí Hòa là thứ quan tài xi-măng. Tôi đã biết những cachots FG xây sát cầu thang mỗi lần xuống sân tắm. Tận mắt, tôi nhìn nước ở sàn cachot rỉ ra nhễu giọt liên tục. Thì tôi đoán nổi sự ẩm ướt thường xuyên. Không có ánh sáng vào cachot FG.
Người ta đã kiểm soát được ánh sáng. Có lẽ, khoa học kỹ thuật Cộng sản đang nghiên cứu phương pháp kiểm soát không khí. Và Nội quy của nhà tù Cộng sản sẽ có điều cấm tù nhân thở tự do.
Một chút về cachot FG Chí Hòa: Chiều dài của cachot 1 thước 50 phân. Chiều ngang, 70 phân. Chiều cao, 1 thước 80 phân. Tường bê-tông cốt sắt. Cửa sắt dày, ba ổ khoá. Một ô cửa nhỏ giữa cửa lớn đúng tầm mắt tù nhân đứng để cho cai ngục rọi đèn vô xem tù nhân còn sống hay đã chết và để đưa cơm nước cho tù nhân. Cachot FG Chí Hòa trên lầu chót, hai dẫy đối diện, cách nhau một hành lang hẹp không đèn, dù đèn vàng hiu hắt. Do đó, cachot ngàn năm tối tăm. Dưỡng khí lùa vào hành lang. Tù nhân hít thở qua 6 cửa nhỏ, gọi là “cửa gió”. Bên trong cachot có cái xô. Tù nhân tiểu tiện, đại tiện vô đó. Không có giấy chùi đít. Tù nhân sẽ noi gương súc vật nếu không muốn xé quần áo làm giẻ chùi hay nếu không muốn nhịn uống dùng nước rửa đít. Mỗi ngày, tù nhân được phát hai ca nước đun sôi. Không có chiếu. Tù nhân nằm, ngồi trên sàn xi-măng đã đóng lớp phân tiểu khô quánh của các tù nhân bị nhốt ở cachot qua nhiều chế độ. Con người đã được chủ nghĩa Cộng sản ưu việt bảo vệ với đầy đủ phẩm cách làm người. Nó hít thở nhiều uế khí, nhiều thán khí và rất ít dưỡng khí. Nó chỉ được mặc một bộ quần áo. Hàng tuần, chủ nghĩa ưu ái cho nó đi tắm một lần. Nó xách xô phân tiểu theo. Trước hết, nó đổ phân tiểu xuống cống, rửa sạch xô. Rồi nó tắm gội, giặt quần áo. Chủ nghĩa giám sát nó trần truồng tắm gội. Vì chủ nghĩa quản lý con người. Không tìm ra sự trắc ẩn trong danh từ quản lý nên chủ nghĩa mặc kệ sự ghẻ lở của con người tắm thiếu xà phòng. Con người tắm xong, giặt quần áo xong, vắt khô quần áo rồi mặc và xách xô lên cachot đợi lần tắm giặt, đổ phân tiểu kế tiếp. Nó sẽ phơi quần áo trên giây thân thể trong bóng tối mịt mù cho đến khi khô. Ấy đó, cachot FG Chí Hòa, nơi các tử tù Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Việt Hưng, Ali Hùng đã sống chờ chết, nơi Đoàn Kế Tường đã sống và đã phát biểu: “Với cachot FG, mọi thứ cachot trên đời đều vô nghĩa”, nơi báo chí Mỹ không bao giờ sủa ăng ẳng đòi “cải thiện chế độ lao tù”. Có cơ may nào dẫn họ vào cachot FG Chí Hòa? Những kẻ từng gang họng lên án “Chuồng Cọp Côn Sơn" sẽ xấu hổ lắm khi họ được phép “tham quan” – tham quan thôi – một cachot thứ yếu của khu FG khám Chí Hòa dưới chế độ quang vinh Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lê Thanh Minh, đại úy trốn trình diện học tập, người đã từng coi tù Cộng sản ở Côn Sơn, nói với tôi hồi chúng tôi sống ở phòng 6C-1 đề lao Gia Định: “Chuồng cọp thấm mẹ gì! Nó chỉ là thứ cũi sắt nhốt những thằng vi phạm kỷ luật, những thằng sách động tù nhân. Nó rực rỡ ánh sáng và tràn đầy dưỡng khí”. Đại úy Lê Thanh Minh mới chỉ so sánh Chuồng Cọp với cachot khu A đề lao Gia Định mà anh đã bị nhốt. Trên tất cả những điều tôi muốn nói, tôi muốn hỏi báo chí Mỹ đã từng ủng ẳng đòi Việt Nam Cộng Hòa “cải thiện chế độ lao tù” là họ nghĩ gì về những tử tội phải kéo dài tháng ngày đợi chết ở cachot FG Chí Hòa. Có nên phất ngọn cờ Quyền Chết của con người bên cạnh Quyền Sống của con người? Và tôi cũng muốn hỏi qúy vị tự xưng mình là Đại Diện cho tù nhân chính trị, tù nhân tư tưởng ở Việt Nam, đòi hỏi Cộng sản – có vị còn hách dịch bắt Cộng sản Việt Nam – thả hết tù nhân ra khỏi các nhà tù, có vị nào đã nằm tù Cộng sản? Tôi biết đích xác những vị to mồm nhất đều là những vị đã phè phỡn, ít nhất, 20 năm ở ngoại quốc. Hôm nay, quý vị ấy đấu thầu tù nhân bằng nước bọt, quý vị ấy dùng tù nhân làm thang để leo lên sự nghiệp ái quốc, ái quần. Quý vị ấy tưởng tượng nỗi khổ của tù nhân, mở đồ hộp cho chó ăn mà liên tưởng cảnh đói của tù nhân quê hương. Nếu quý vị còn liêm sỉ nên câm họng lại. Bởi vì, có đến 99 phần 100 tù nhân chính trị, tù nhân tư tưởng, tù nhân của lương tâm đã, đang nằm trong các nhà tù Cộng sản Việt Nam, bị đày đọa quằn quại thì có, bị hành hạ khốn đốn thì có, nhưng rên siết thì không. Và, chắc chắn, ai cũng muốn phỉ nhổ vào mặt những kẻ đấu thầu nỗi khổ của mình. Tôi dám nói điều này: Tất cả những lên tiếng của bất cứ một cá nhân, một hội đoàn nào yêu cầu Cộng sản thả tù nhân đều vô tích sự và chỉ làm phiền tù nhân. Cái tích sự, nếu có – bắt buộc phải có, đi buôn cần kiếm lời – là ồn ào quảng cáo tên tuổi mình. Người Việt Nam quốc gia hải ngoại chỉ có mỗi cách can thiệp hữu hiệu nhất cho tù nhân là đầy đủ lực lượng quân sự giải phóng dân tộc, xóa bỏ mọi nhà tù, trại tập trung Cộng sản. Cách thứ hai, kém hữu hiệu, nhưng làm tăng sự can đảm để tù nhân sống mà hy vọng ngày được giải phóng là âm thầm vận động Amnesty international, âm thầm vận động các Tổ chức quốc tế có thế lực, âm thầm vận động với chính phủ các nước viện trợ nhân đạo cho Cộng sản Việt Nam để họ làm áp lực, để họ can thiệp cho tù nhân đỡ bị hành hạ điêu đứng và cho những tù nhân già cả, bệnh hoạn được tha. Cách thứ ba thiết thực nhưng khó thực hiện, là đóng góp tiền bạc, mua thuốc, gửi tiền tặng vợ con tù nhân để vợ con họ vững lòng nuôi chồng đợi ngày đoàn tụ gia đình. Cách này khó thực hiện vì sẽ chẳng vị đại diện nào chịu bỏ tiền mà quyên tiền thì tiền cứ muốn chạy vào túi riêng! Trên mọi địa hạt, hai kẻ đối nghịch không nhường nhau một bước. Cộng sản không thể bảo quốc gia đừng chống nó. Quốc gia không thể “ra lệnh” cho Cộng sản thả tù vô điều kiện. Tranh đấu là tốt, nhưng chớ quên lô-gích. Những kẻ thích đại diện hư ảo, thích nhân danh hư không (ai cho phép đại diện, ai cho phép nhân danh) thường giả vờ quên lô-gích, biết chuyện phù phiếm, vẫn rêu rao lấy danh. Nghĩ mà đau cho tù nhân. Họ chẳng biết cachot FG, chẳng được chào cờ, mặc niệm ở khám Chí Hòa, đã đành, họ còn chẳng biết 20 năm chiến tranh, dân tộc họ ra sao; họ ngậm miệng hôm qua, họ to mồm hôm nay và to mồm hơn cả tù nhân đã kinh qua ngục tù Cộng sản! Bọn đấu thầu nỗi khổ sao hiểu nổi cái hào sảng của tù nhân, hiểu sao nổi cung cách sống chờ chết mòn của tù nhân. Cái hào sảng của Ali Hùng, chẳng hạn, sống đợi chết, vẫn Tôi ru em ngủ.
Giọng Ali Hùng bồng bềnh lãng mạn, chan chứa cảm xúc. Hòa âm cho bản nhạc chàng hát là nỗi hiu quanh ngục tù. Nơi tiếng hát bay ra, cachot FG, như nơi tiếng đàn Thạch Sanh thoát lên. Đã cổ tích dưới hang lấp kín đá. Sẽ cổ tích Chí Hòa mai sau. Người ta sẽ kể cachot của Ali Hùng lớp phân dầy mấy phân, thấm nước mắt của tù nhân oan khiên, thấm máu của tù nhân tự sát, qua các triều đại, qua những cách mạng. Người ta sẽ ngợi ca đoạn kết cổ tích Chí Hòa y hệt đoạn kết cổ tích Thạch Sanh. Không có con người trả thù con người. Lý Thông trở về đời sống hèn mọn của nó. Con người Thạch Sanh không nỡ giết nó. Nhưng trời không tha nó, Trời bắt nó chết thảm. Những đứa gian ác sẽ hoá thành bọ hung hết. Thạch Sanh ở mãi với lòng người, ngự trị mãi hồn đời. Ali Hùng và những ai làm tốt, làm đẹp cho quê hương sẽ ở mãi lòng người, ngự trị mãi hồn đời. Chàng biết uống giọt sống cuối cùng, dám uống giọt sống cuối cùng. Những người tử tù kéo dài thời gian đợi chết ấy không cần ai đại diện họ xin kẻ thù họ cả. Bọn đại diện, bọn cai thầu tù ngục đã vấy nhơ lên sự thản nhiên sống chểt của họ. Ali Hùng đó, chàng đã làm xong bổn phận của chàng với dân tộc chàng. Chàng thơ thới đợi ngày về đất. Trước khi nhập cõi, cái chết gần kề, trong bóng tối mông lung của thời đại, Ali Hùng vẫn lên tiếng.
Tôi ru em ngủ
Một sớm mùa đông
Em ra ngoài ruộng đồng
Hỏi thăm cành lúa mới
Tôi ru em ngủ
Một sớm mùa thu
Em đi trong sương mù
Gọi cây lá vào mùa
Con đường thật buồn
Một ngày cuối đông
Con đường mịt mù
Một ngày cuối thu
Em vào mùa hạ
Nắng thắp trên cao
Và mùa xuân nào
Ngẩn ngơ tình mới
Đi nhẹ vào đời
Thầm thì gót chân
Em gọi nụ hồng
Vừa tàn cuối sân
Nghe tình chợt buồn
Trong lá xôn xao
Để mùa xuân sau
Mua riêng tình sầu
Tôi ru em ngủ
Một sớm mùa xuân
Em hôn một nụ hồng
Hỏi thăm về giọt nắng
Tôi ru em ngủ
Hạ cũng vừa sang
Em hôn lên tay mình
Để chua xót tình trần
Chàng kết thúc ca khúc chàng diễn tả bằng cái “fade out”: Em hôn lên tay mình, để chua xót tình trần… em hôn lên tay mình, để chua xót tình trần… Rồi bốn bề im lặng. Em hôn lên tay em và em chua xót cuộc đời, chua xót tình người. Còn anh không chua xót gì cả, anh không cần em đại diện anh xin kẻ thù của anh tha anh, em hiểu chưa? Chúng tôi ngồi hút thuốc rê, thuốc lào chờ Ali Hùng hát thêm bài mới hay thổi sáo gió. Thiên hạ đã ngủ hết. Và Ali Hùng cũng bặt tiếng. Tôi hiểu Ali Hùng đuối sức rồi. Cachot FG đã xử tử anh từng phút. Những phát súng găm thân thể anh, hôm nào đó, khi anh dựa lưng cột sân bắn, sẽ là những phát súng ân huệ. Người ta sẽ ban ân huệ chết cho anh ra sao, Ali Hùng? Trước hết, người ta bắt anh há rộng miệng, tống kín họng anh một trái chanh để anh hết đòi hỏi một ân huệ cuối cùng dành cho tử tù. Rồi, người ta bịt mắt anh. Không có linh mục rửa tội giùm anh đâu. Anh bị âm thầm dẫn đến một huyệt mộ đào sẵn. Chắc chắn, vào đêm khuya. Người ta kê súng vô thái dương anh, bóp cò. Anh rơi luôn xuống huyệt. Người ta lấp đất và san phẳng. Chẳng có bia mộ đâu. Những cái chết đích thực của anh hùng quốc gia, quốc gia chân chính, đừng hòng người quốc gia biết để làm lễ truy điệu, đừng hòng người quốc gia biết ngày chết để làm giỗ chạp. “Chinh phu tử sĩ mấy người, nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”. Ai đã gọi hồn Ali Hùng nhỉ?
Chúng tôi trải qua ba ngày Tết ở Chí Hòa. Theo… truyền thống nhà tù Cộng sản, ba ngày Tết tù nhân được ăn cơm với thịt. Cộng cả ba ngày, mỗi tù nhân hưởng một lạng thịt. Văn nghệ rộn ràng trọn ba ngày. Với tôi, văn nghệ chấm dứt sau bài ca của Ali Hùng. Sinh hoạt Chí Hoà trở lại bình thường. Tỷ phú Trần Thành đổi phòng và được giữ chức nuôi lợn. Hàng ngày, ông xách cái xô đến các phòng xin cơm thừa. Làm gì còn cơm thừa? Ông Tư Nhì có cái ghe đánh cá bên Chánh Hưng. Vì không chịu gia nhập Hợp tác xã, muốn làm ăn cá thể, ông bị vào tù và ghe của ông bị tiếp quản. Nhân vật Tư Nhì to con, cao lớn, bụng phệ như ông ve dầu Nhị Thiên Đường, hàm răng vàng chóe, vui tính, tốt dạ. Vì ông Tư Nhì khoẻ, phòng đề cử ông nhiệm vụ chia cơm. Chức quản lý nước đã giao lại cho Đoàn Kế Tường, lý do: Tường không ngủ trưa. Được một tuần yên lành sau Tết thì phòng phản động trẻ bị chuyển khu nguyên vẹn. Đó là phản ứng muộn màng của Chí Hòa đối với đêm văn nghệ trừ tịch. Lãnh đạo đã họp và quyết định phân tán mỏng phòng phản động trẻ. Sẽ khối chú vào cachot. Cai ngục Phách bắt đầu có thái độ với phòng của chúng tôi.
Một sáng điểm danh như thường lệ, Trưởng phòng Phạm Quang Khai mặc quần xà lỏn, áo sơ mi, đứng nghiêm:
- Báo cáo cán bộ, phòng 60 người, hiện diện đủ.
Chúng tôi ngồi xếp hàng 5, mỗi hàng 10 người. Mọi hôm, ông Khai báo cáo thế là xong. Nhưng cai ngục Phách dở chứng:
- Ai dạy anh báo cáo thế?
- Tôi vẫn báo cáo.
- Anh thuộc Nội quy không, đọc điều 1 xem nào!
Ông Khai quíu lưỡi. Chẳng có thằng tù nào thèm thuộc Nội quy cả, vì không thèm học.
- Anh phải học Nội quy, cả phòng phải học Nội quy Chí Hòa. Riêng anh, làm đến chức Trướng phòng thì nên biết cách báo cáo. Anh phải đọc sơ yếu lý lịch rồi mới báo cáo. Rõ chưa?
- Rõ.
- Báo cáo lại.
Ông Khai đứng nghiêm:
- Tôi, Phạm Quang Khai, sinh năm 19… tại..,, hộ khẩu thường trú số… đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh, can tội tư sản mại bản, bị bắt ngày… tháng… năm 1975, Trưởng phòng báo cáo cán bộ phòng có 60 can phạm, hiện diện đủ.
Cai ngục Phách, thằng oắt tì, gật gù:
- Được.
Buổi chiều, hắn tới đưa cho ông Khai 4 trang Nội quy đánh máy gồm 44 điều. Nội quy đề lao Gia Định có 11 điều thôi. Sáng hôm sau, vẫn cai ngục Phách điểm danh. Ông Khai báo cáo xong, hắn “giáo dục”:
- Anh Khai đọc Nội quy, cả phòng lắng nghe học thuộc. Tôi sẽ bắt đọc, anh nào không thuộc Nội quy sẽ bị cấm tắm, cấm nhận quà… Rõ chưa?
- Rõ.
Trưởng phòng Phạm Quang Khai đau khổ đọc 4 trang Nội quy và chúng tôi đau khổ ngồi bó gối nghe.
- Anh Khai!
- Dạ.
- Sao anh đọc như ăn cướp vậy, mắt liến la liến láu? Mai đọc thật chậm.
- Dạ.
Cai ngục Phách nhận chỉ thị hành phòng tôi. Phòng hình sự bên cạnh đâu phải đọc Nội quy. Nhờ tiết mục học thuộc Nội quy, Đoàn Kế Tường chế ra trò giải trí. Tường cầm Nội quy, phổ nhạc vào những điều khoản, thứ nhạc hát xong thì quên mình đã hát gì. Chúng tôi nghe Tường hát, ôm bụng cười. Tường bảo học kiểu này chóng thuộc. Trong cảnh khốn cùng, kẻ nào làm cho người khác cười vui, kẻ ấy là Bồ Tát. Đoàn Kế Tường đã là Bồ Tát. Giữa không khí sôi nổi học Nội quy, phòng chúng tôi tiếp nhận linh mục Nguyễn Văn Tự Do và anh Đình (tôi không nhớ rõ họ, hình như Võ Xuân Đình). Linh mục Nguyễn Văn Tự Do, tên căn cước là Nguyễn Văn Tự, người giảng Phúc Âm trên Đài Phát Thanh Saigon. Ông bị bắt về vụ Đức Mẹ Fatima Bình Triệu. Vụ này hơi ly kỳ và được thần thoại hoá ở đề lao Gia Định năm 1977.
Tù nóng kể cho tù nguội 2: Đức Mẹ hiện ra ở nhà thờ Đức Mẹ Fatima Bình Triệu. Thiên hạ hay tin, ào ào kéo về hành hương, cầu nguyện. Hoa dâng lễ ngập cả nhà thờ, Cộng sản không ngăn cấm nổi. Có một người tê liệt ngồi trên xe lăn, sai vợ con chở tới và đẩy xe vào nhà thờ cầu khẩn ân huệ. Anh ta đứng dậy, chạy nhẩy bình thường. Cộng sản sợ hãi, bắt anh ta đem đi đâu chẳng rõ. Đồng thời, một số linh mục cũng bị bắt, trong số đó có linh mục Nguyễn Văn Tự Do và linh mục Hoài Linh 3. Ngoài các linh mục còn thêm một nhân vật “kỳ bí” Hồ Ngọc Anh. Nhân vật này bị Cộng sản chọc mù mắt ở cachot, Đức Mẹ vẫn ban ân nhìn đời sống rõ như ban ngày, bị Cộng sản bỏ đói, Đức Mẹ vẫn nuôi nấng… Vân vân. Hồ Ngọc Anh nằm cachot khu A đề lao Gia Định. Tôi không tin. Gặp linh mục Nguyễn Văn Tự Do, ông không chịu giải thích. Nhưng ông thích bàn luận chuyện chính trị. Và ông bị kết tội phản động. Anh Đình nói là anh cộng tác với nhật báo Chính Luận, rất thân Đặng Văn Sung. Tổng số tù nhân phòng tôi nâng lên 62 người. Có linh mục Tự Do, các tù nhân Thiên Chúa giáo mừng ra mặt. Chúa đã gửi linh mục Tự Do đến phòng của chúng tôi.
Trưởng phòng Phạm Quang Khai bị đọc Nội quy hai tuần liền mệt đừ. Ông ta chưa thuộc hết và chúng tôi, mỗi người mới thuộc vài điều đề phòng bị cai ngục Phách truy bài. Hắn chưa truy bài “học tập’" thì bị đổi sang khu khác cùng với cai ngục Quỳnh. Cai ngục mới điểm đanh. Trưởng phòng Khai báo cáo kiểu cai ngục Phách, bị hạch hỏi:
- Sao anh râu ria thế?
Ông Khai ngẩn tò te:
- Tôi già rồi, được phép để râu.
- Râu ria là dài dòng chứ không phải râu của anh. Râu của anh ai thèm quan tâm. Báo cáo vắn tắt.
Vậy là ông Khai thoát nạn kể sơ yếu lý lịch đọc Nội quy 44 điều. Làm Trưởng phòng khổ vô cùng. Thế mà ông Khai khoái. Ông ôm luôn chức Thư ký phòng, ông chủ tọa các phiên họp cuối tuần rồi ông gò lưng tôm nắn nót biên bản. Dường như, những người đã có địa vị chức tước xã hội thì ở nơi chốn nào, hoàn cảnh nào vẫn thích chức tước, địa vị.
Hai hung thần Quỳnh, Phách cút, Đoàn Kế Tường hát cho cả phòng nghe bài Em đến nuôi anh một chiều mưa, nhạc Tô Vũ, lời Đoàn Kế Tường.
Em đến nuôi anh một chiều mưa
Em đến nuôi anh một chiều đông
Nuôi lần này ở ngay khám Chí Hòa
Em đến nuôi anh lầm than quá
Cầm cái phong bì
bước qua cổng khám
là đến phòng nuôi
Em đến nuôi anh trình xong giấy
Em đến nuôi anh bàn cu Phách
gần bên thằng Quỳnh
Mặt nhìn mặt hồi lâu Tư Long mới phán một câu
“Hiện thời còn đây
Ngày mai nuôi đâu
thư sẽ gửi sau
Nếu hên xuống Long Thành
Nếu xui tới Lao Bảo
Và xa hơn, ngoài Bắc
Nếu không gắng học tập
Sẽ chui ấp Hoả Lò
Cải tạo thêm mười năm
Chắc mai mốt anh về
Sẽ lê giống anh Quang què
hay là cuộc đời buồn như Ngao Song
như Nguyễn Mạnh Côn
Lòng nhủ thầm lần sau nuôi anh
một túi đầy hơn
Em ước mơ kỳ thăm nuôi tới
Em đến nuôi anh còn khu F
Và chưa chầu trời…
Quang què tức là đại úy nhẩy dù Quang (tôi không nhớ họ anh ta), ông Đô trưởng của 3C-1 mà tôi đã giới thiệu sơ sơ ở phần thứ hai Nhà tù, hiện đang sống chung phòng với chúng tôi. Sống chung với chúng tôi nên kể ông Phường trưởng Phạm văn Diện, bạn đồng nằm vùng của Vũ Hạnh. Nhờ nằm vùng, Diện được chỉ định làm Phường trưởng một Phường thuộc quận 3. Rồi bị kết án “mất phẩm chất cách mạng”. Và vô tù. Diện vẫn nuôi hy vọng cách mạng sẽ soi sáng nỗi oan cho mình. Anh ta có vẻ nguy hiểm nhưng nể nang Đoàn Kế Tường. Tường ngông nghênh, chấp hết, ăn nói mạnh bạo, phản động quyết liệt. Có tài nhại nhạc, nhại thơ. Đoàn Kế Tường đã nhại bài Đi chơi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Rất tiếc, tôi nhớ có vài câu, xin ghi ra đây gọi là nhớ người bạn tù:
Hôm nay ngày thăm nuôi
Xe cộ chạy ngược xuôi
Tay em xách cái giỏ
Tay kia cầm gói xôi…
Được anh em tán thưởng Em đến nuôi anh một chiều mưa, Đoàn Kế Tường chế tạo thêm Kỷ vật cho em đưa tên các bô lão râu dài, bệnh tật của phòng vào lời:
Em hỏi anh
Em hỏi anh: Bao giờ trở lại
Xin trả lời đến Tết mới về.
Anh trở về thành cụ Ngao Song
hay ít ra cũng bằng cụ Hà Năng Đắc
Anh trở về già như cụ Lựu
Anh trở về tóc trắng Nguyễn Mạnh Côn
Anh trở về
Đem bệnh trĩ của Nguyễn Văn Trương
hay bệnh lao của Bùi Kim Bảng
Anh trở về
điếc lòi Phan Bá Thúc…
Cứ thế, ngày trôi nhanh. Nhờ Bồ Tát Đoàn Kế Tường. Tù đầy không hứa hẹn chi cả. Chúng tôi luôn luôn ở tư thế chuẩn bị đổi phòng, chuyển trại, luôn luôn nghĩ rằng tương lai nghẹn ngào hơn hiện tại.
--------------------------------
1 Sẽ viết rõ ở Trại tập trung.
2 Tù nóng: Tù vừa mới bị bắt. Tù nguội: Tù đã nằm đề lao lâu.
3 Cũng làm nhạc nhưng không phải nhạc sĩ Hoài Linh.
Nhà Tù Nhà Tù - Duyên Anh Nhà Tù