When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24 -
à phủ Khiêm ốm mất đến nửa tháng mới khỏi. Ông phủ Khiêm hỏi vợ:
- Bà ra sao mà tự nhiên lại ngã bệnh nhanh làm vậy?
- Tự nhiên thiếp thấy nôn nao. Thấy trong người nhộn nhạo như bị khuấy lộn lên. Nôn mửa rồi thiếp đi. Thấy có người ăn mặc phẩm phục như một vị quan đến bảo: ‘Phu nhân là người tích đức. Nhìn cái cảnh ấy làm gì. Chẳng hay đâu. Tránh xa nó ra’”.
- Thì ra phu nhân được thần nhân đưa đi để tránh khỏi phải tham dự vào những cuộc hành hình ghê người. Tôi cũng phải cảm ơn nàng. Vì nhờ nàng ốm, tôi được quan tuần phủ miễn cho việc đi tổ chức các cuộc hành quyết.
- Kể ra họ cũng thật đáng thương. Nhiều người tôi biết rất rõ họ chẳng có tội gì đâu.
- Đã đành là vậy. Người dân đạo thấp hèn chỉ biết làm ăn. Nhưng người Tây Dương muốn lợi dụng họ. Còn nhà vua thì phải có uy. Chỉ có dân đen là khổ. Còn mình làm quan biết họ đáng thương, song vua sai thì phải làm. Sao cưỡng được luật vua ban. Mà này... Lạ thật!... Tôi lại thấy bác Vũ Huy Tân có mặt ở dinh quan tuần phủ.
- Bác ấy đến đó làm gì?
Ông phủ trầm ngâm.
- Bác Tân là người cứng cỏi. Chắc bây giờ nhà vua cứng cỏi với người Pháp nên bác ấy lại ra giúp. Chưa có chỉ dụ vua ban, bác ấy cũng ra. Chẳng là ông trấn thủ đầu tỉnh và bác ấy là bạn cùng khoa.
Hai vợ chồng đang nói chuyện thì có tiếng to ngoài ngõ. Bà phủ Khiêm ra xem rồi dẫn một người đàn ông trạc gần ba mươi và một đứa nhỏ vào. Ông phủ còn chưa biết đầu đuôi câu chuyện ra sao, người đàn ông quần áo rách rưới đã quỳ xuống lạy:
- Bẩm quan lớn rón tay làm phúc, cứu chúng con.
Ông phủ từ tốn:
- Có chuyện gì oan khuất anh cứ từ từ nói ra. Giúp được người ngay thẳng là tôi sẽ làm.
- Con không có điều gì oan khuất. Chỉ xin quan ông quan bà rón tay làm phúc. Con biết con là kẻ có tội.
- Đã là kẻ có tội thì ta giúp làm sao được.
- Dạ bẩm, con là giáo dân. Theo lời các quan thế là con có tội.
- À, ra thế. - Quan còn suy nghĩ thì người dân kia kể lể.
- Cả nhà con đi phân sáp đã chết cả rồi. Chỉ còn con và thằng bé này vắng nhà hôm triệt hạ làng nên còn sống sót. Khi về nhà nhìn thấy chỉ còn đống tro tàn, con sợ quá mang thằng bé trốn biệt. Chúng con ẩn nấp trong ruộng cói, rừng sú ven biển. Đói thì bắt con cua con tôm ăn sống. Dựng một túp lều trên đám đất cao để ở. Định sống qua ngày, chờ lúc hết chuyện tố đạo thì về... Ai dè thằng bé mấy hôm nay sốt quá. Con biết nếu cứ gan ở trong rừng sú thì thằng bé sẽ chết... Vì sắp đến mùa mưa bão. Con đánh bạo mò về. Người ta bảo vợ chồng quan là người nhân đức. Xin quan hãy cứu lấy thằng bé... Còn con, con xin nhận tội, con là người bên đạo, con xin vào ngục. Chỉ mong quan cứu lấy thằng bé.” Ông phủ Khiêm gật đầu:
- Thế thằng bé là con anh sao?
- Dạ, không phải. Nó là con người anh. Cả nhà hạ dân chỉ còn sót lại mình nó.
- Tên nó là gì?
- Dạ, tên Liên ạ.
- Còn anh tên gì?
- Dạ, con là Cam.
o O o
Hôm sau, Cam lên quan đầu thú. Còn thằng bé Liên thì được cô Ngát tức bà phủ Khiêm chữa cho lành bệnh rồi đưa về làng Cổ Đình nhờ họ hàng nuôi giúp. Nó là Liên nhưng vì ăn nói láu táu nên dân làng gọi nó là Liến cho tiện.
Một hôm, ông phó bảng Vũ Huy Tân đến nhà chơi. Đôi bạn lâu ngày mới gặp mặt, mừng rỡ. Phủ Khiêm sai người nhà bày tiệc rượu. Đã ngà ngà say, Vũ Huy Tân bảo:
- Bác biết đấy, tôi là người không nhận được chữ hoà. Tôi với người Tây Dương là không đội trời chung. Cho nên khi đức vua ra lệnh phân sáp người tả đạo tôi tán thành ngay. Vua chưa ban chỉ dụ nhưng tôi đã tới ngay quan tuần phủ xin giúp việc. Ông ấy với tôi là người cùng chí hướng.
Phủ Khiêm biết tính bạn là người cương trực, ông cười:
- Chắc bác muốn hỏi cái chí hướng của tôi thế nào phải không? Sao lại thế? Chúng ta đều là người học đạo thánh hiền...
- Cùng là người học đạo thánh hiền cả, thế mà có người hoà, người chiến.”
Phủ Khiêm nhẹ nhàng từ tốn:
- Các bác là người quân tử. Các bác là những hòn núi cao; còn tôi, tôi chỉ làm một chức quan nhỏ...
- Quan nhỏ hay quan to đều theo đạo thánh hiền. Mà đạo thánh hiền là đạo học làm người quân tử...”
- Tôi chưa nói hết. Ý tôi muốn bảo có nhiều cách thi hành đạo cả...
Vũ Huy Tân tợp một chén rượu đầy, lúc này mới nói ra tâm sự.
- Bác biết không, tôi có chút lo lắng nên mới phải từ trên tỉnh lặn lội về đây thăm bác.
- Lo lắng gì? Xin bác cho biết.
- Chẳng là cái hôm hành hình bọn tả đạo, bác gái bị ngất, có đúng thế không? Sau đó ốm to.”
- Vâng, có thế thật. Tiện nội hôm ấy phải cảm...
- Cảm ư? Người ta nói khác cơ...
- Thưa, họ nói làm sao?
Vũ Huy Tân gật gù ngẫm nghĩ mãi rồi bảo:
- Họ nói rằng... Chính bà ấy là người theo đạo Gia Tô. Bà ấy thấy đồng đạo bị giết... nên... không chịu nổi...
- Trời ơi! Có chuyện ấy sao. Chính bác, bác cũng biết nhà tôi có theo đạo đó đâu...
- Người ta còn có đơn tố cáo bác nuôi một đứa trẻ con nhà tả đạo?
- Điều ấy thì có. Nhưng đức vua chẳng ra lệnh phân sáp, cho nhà bên lương nuôi trẻ con bên đạo để cải đạo nó đi hay sao.
- Người ta còn tố cáo bác đã nói rằng: «Bắt bước qua cây thánh giá là quá quắt. Có ai bắt chúng ta bước qua bàn thờ tổ tiên, ta có chịu không? »
- Tôi không nói câu ấy bao giờ.
- Thế thì bác phải chứng minh thôi. Chứng minh rằng bác không phải dân tả đạo.
Hai vợ chồng phủ Khiêm, sau khi Vũ Huy Tân đi, nơm nớp lo sợ chờ tai hoạ giáng xuống. Quả nhiên, chỉ mấy hôm sau, có giấy triệu tập hai vợ chồng ông lên tỉnh.
Lòng họ tơ vò trăm mối khi đặt chân lên dinh quan tuần phủ. Quan tuần ngồi trên sập ở giữa sảnh đường, hai bên có lính cắp gươm đứng đầu, có thị vệ phe phẩy quạt lông trĩ, có thị nữ hầu trà thuốc. Trước sảnh đường dưới sân, hai bên có hai chậu cảnh lớn trồng cây to uốn hình hai con hạc đứng chầu.
Bà phủ Khiêm để ý, ở dưới sân gạch bát tràng, giữa hai con hạc, giáp ngay bậc thềm bước lên vẽ hình cây thánh giá bằng vôi trắng. Bà phủ và cả ông phủ Khiêm cũng hiểu ngay vấn đề. Đây là bước kiểm tra đầu tiên. Họ không dám đưa mắt nhìn nhau, mà cứ thản nhiên bước qua cây thánh giá lên bậc thềm rồi vào sảnh đường kính cẩn thi lễ. Quan tuần phủ cười khà khà giọng xuề xoà:
- Ông bà phủ đã lên đấy ư. Tôi nghe người ta bảo ông nói rằng bước qua cây thánh giá là việc quá quắt cơ mà.
- Thưa đại quan - ông phủ trả lời bằng giọng nhỏ nhẹ nhưng bình tĩnh. « Hạ quan chẳng qua chỉ là một chức quan nhỏ, đêm ngày cần cù làm việc cho thánh thượng, nói một lời nhỏ cũng phải cân nhắc kỹ, học tập các hiền nhân cử chỉ nói năng phải cẩn trọng như người đi trên băng mỏng, dám đâu nói những lời sàm sỡ như vậy. Kính mong đại nhân xem xét.”
- Ừ, ông nói cũng đúng. Và lúc nãy hai vợ chồng đi qua cây thánh giá cũng chứng tỏ được lời nói. Tuy nhiên việc ông bà nuôi một đứa trẻ đi đạo. Việc ấy có đúng không, hay ông lại cãi là lời vu cáo.”
- Dạ, việc ấy thì có thật. Hạ quan không dám cãi. Song le, việc ấy hạ quan làm đúng theo chỉ dụ của đức hoàng thượng. Nhà vua thương xót những kẻ lầm đường lạc lối đã truyền đem trẻ con bên giáo, giao cho những gia đình bên lương nuôi dạy, để khi lớn lên, chúng xa rời con đường tả đạo. Vả lại, không phải nó là con nuôi của vợ chồng hạ quan. Chúng tôi chỉ đem chúng về quê cho người họ hàng nuôi.”
- Thế đem nó về đâu?
- Dạ, về xã Cổ Đình, huyện...
- Thôi được! Việc này rồi sẽ tra xét. Tuy nhiên có một điều quan trọng nhất tôi muốn hỏi: đó là, ông có theo đạo Gia Tô không?
- Điều đó không có, xin đại nhân minh xét.
Viên tuần phủ ngọt ngào gặng hỏi:
- Ông đừng sợ. Cứ phải nói thật. Chắc ông đã rõ chỉ dụ của nhà vua. Quan lại kẻ nào theo đạo Gia Tô, biết hối cải mà ra tự thú tự nguyện bỏ tả đạo thì tha cho. Còn như những kẻ ngoan cố, sau khi tra xét mà phát giác ra thì cách chức rồi khép vào tội ‘giảo giam hậu’ phải thắt cổ mà chết...
- Xin đại quan minh xét. Chắc đây là lời đố kỵ vu cáo. Hạ quan xin bảo đảm trong gia đình nhà mình không có một người nào theo đạo. Nếu sai, hạ quan xin chịu tội chết.
Phó bảng Vũ Huy Tân lúc đó cũng ngồi ở công đường xen vào nói vài lời giúp bạn:
- Thưa ngài trấn thủ, tôi vốn có quen bác cử Khiêm. Đúng trước đây gia đình bác Khiêm không có ai đi đạo.
- Quan phó bảng nói vậy là tốt cho ông rồi. Tuy nhiên, việc này hệ trọng không thể sơ sài. Quan phó bảng nói trước đây, nhưng còn hiện nay thì sao. Các giáo sĩ Tây Dương họ thâm hiểm lắm. Triều đình cũng đã điều tra được một số người trong quan lại ngấm ngầm theo đạo Gia Tô, ngấm ngầm chờ người Tây Dương đem quân tới. Thôi được! Việc của ông đã rõ được quá nửa phần. Song còn phải tra xét thêm cho thật rõ ràng. Tôi thiết nghĩ, làm như thế chỉ thuận lợi cho ông thôi. Người quân tử lòng dạ minh bạch như ban ngày...
Việc điều tra kéo dài hơn một năm. Hai vợ chồng lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Trong thời gian tố đạo ấy, con người trở nên quá khích. Người nào cũng muốn tỏ ra trong trắng không dính líu, thành thử trong lúc phủ Khiêm bị ngồi chơi xơi nước, đồng liêu chẳng ai dám đi lại. Chỉ riêng Vũ Huy Tân năng đi lại hơn trước. Ông không sợ hãi gì cả. Ông có tiếng là người chủ chiến ghét Tây, ghét cả cái đạo của Tây. Người ta bảo: "Đến vua định chủ hoà ông vẫn dám chỉ trích, thì ông ta còn sợ cái gì". Nhiều kẻ ghét ông muốn hãm hại song chẳng làm nổi. Ông còn dám nói thẳng vào mặt họ:
- Con người ta hơn nhau, chỉ đến khi nước sôi lửa bỏng mới rõ. Quân tử ư? Tiểu nhân ư? Chúng ta vỗ ngực là người quân tử, nhưng nhiều khi ta hành xử chẳng khác gì loài chó lợn. Riêng tôi, tôi vẫn dám đi lại với bác Khiêm vì tôi biết rõ lòng dạ bác ấy. Tôi không muốn làm người vô nghĩa.
Quả nhiên, một năm sau, cử Khiêm được minh oan. Tuy nhiên, triều đình cũng không tín nhiệm ông như xưa. Ông thôi chức tri phủ, mà được cử đi làm giáo thụ ở một phủ khác. Mọi người thấy thế ái ngại cho ông bị giáng chức, riêng ông, ông lại thấy thích. Chăm sóc việc học hành cho dân một phủ, ông thấy việc đó rất có ích. Lương bổng tuy bị kém nhưng ông chẳng lo lắm vì hai vợ chồng vẫn chưa có con, và bà vợ lại là người đảm đang tháo vát. Bà Khiêm vốn có nghề canh cửi. Bà dựng lên mấy cái khung cửi, rồi bà cùng người làm lách cách suốt ngày. Ông giáo thụ nghe tiếng thoi lại lấy làm vui. Học trò loại khá trong vùng đến trường quan giáo thụ xin học rất đông. Cử Khiêm nói với học trò:
- Người học trò phải giữ cho được tấm lòng son. Lòng son với vua với triều đình. Lòng son với dân với nước. Đó là điều cốt tử của nhà nho trong thời buổi này.
Rồi:
- Việc có thị có phi. Muốn xét đoán việc, phải lấy tấm lòng son với xã tắc làm chuẩn mực. Cái gì trái với điều ấy thì không làm.
Rồi:
- Ngòi bút có chính có tà. Đại để, muốn chẳng tà thì cũng phải lấy tấm lòng son ra mà xem xét.
Một bận, phó bảng Vũ Huy Tân, khăn gói trên vai đến gặp cử Khiêm, nói riêng với bạn:
- Đức vua chúng ta là người không quyết đoán nay chiến, mai hoà. Sát bọn tả đạo quyết liệt đến như thế, mà nay lại thay đổi rồi. Bọn Tây thì luôn đe doạ, đẩy nhà vua lui từng bước, rồi lấn dần từng bước.
Ông thở dài:
- Miền Nam thế là hoàn toàn rơi vào tay chúng rồi. Trước sau, bọn Tây cũng đánh ra Bắc.
- Biết làm sao bây giờ?
- Giặc cướp nổi lên tứ tung. Quan lại thì tham nhũng chỉ lo vét cho đầy túi tham. Còn giặc đang sắp đến nhà. Tôi nghĩ đất nước chỉ còn trông mong vào người nho sĩ chúng ta...
- Tôi phải làm gì bây giờ?
- Bác làm giáo thụ là cái may. Phải giữ vững chí khí cho người học trò. Cánh học trò mà vững mới làm cho dân biết cần phải làm gì?
- Thế còn bác?
- Tôi cũng ra đi. Tôi cũng trở về làng Cổ Đình làm thầy dạy học. Khó mà tin được đám quan lại. Như ông tuần phủ, quan trấn thủ, bạn tôi, hôm nay, vua Tự Đức nói khác, thế là ông ta lại có giọng lưỡi khác rồi. Tôi đành phải rời bỏ ông ta. Bác ở lại, cố giữ lấy cái trường học, và cẩn thận giữ mình. Sau này, những người trung thực như bác rất cần cho dân.
Lời tiên đoán của Vũ Huy Tân chỉ mấy năm sau đã thành sự thực. Năm 1873 (Quý Dậu), Francis Garnier hạ thành Hà Nội bằng một dúm quân. Chỉ có mấy người lính Pháp cũng hạ được thành Nam Định. Trước đây, bà Khiêm thương xót cho số phận người công giáo trong cuộc phân sáp long trời lở đất. Còn hôm nay, bà Khiêm lại được trông thấy những người công giáo theo Tây đến đốt phá những làng bên lương. Cũng may, chỉ mấy hôm sau Francis Garnier bị giết ở Cầu Giấy nên quân Pháp phải rút đi.
Lúc này quan cử Khiêm mới có cơ hội chứng nghiệm cái luận thuyết tấm lòng son của mình. Ông kết luận: ở người công giáo lúc ấy, có thiên hướng tà nhiều hơn. Khi mọi việc trở về nề nếp cũ, cử Khiêm khi dạy ở lớp học, lại tiếp tục giảng cho học trò của mình lòng trung trinh với dân với nước, và tấm lòng son của người nho sĩ khi quốc gia lâm sự. Người công giáo thời ấy, không được đi thi, không được ra làm quan, đến cả chức xã trưởng thấp nhất họ cũng không được làm, tuy nhiên vẫn có một số học trò học chữ thánh hiền, họ học chỉ để cho biết. Trong lớp của ông cử Khiêm, cũng có mấy học trò giáo dân. Sau cái hôm ông hùng hồn nói tới tấm lòng son, và ông lại nhìn về phía những học trò bên giáo mà nói, thì đám học sinh giáo dân hôm sau bỏ học hết.
Năm Nhâm Ngọ (1882), Henri Rivière hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Henri Rivière lại bị chặt đầu ở Cầu Giấy giống như số phận Francis Garnier. Song lần này người Pháp không trả lại đất cho ta nữa. Họ quyết định chiếm Bắc Kỳ. Nam Định bị quân Pháp chiếm đóng. Vũ Huy Tân gửi thư cho cử Khiêm:
- Bác hãy làm trọn nghĩa vụ trung với nước của người nho sĩ. Bất đắc dĩ, nhưng chúng ta phải đành gác bút nghiên và cầm đao kiếm. Chúng ta cần mộ quân cứu nước...
Cử Khiêm, cũng như rất nhiều nhà khoa bảng thời đó, đã tập hợp nghĩa binh đánh Pháp. Sự thực, họ chỉ có tinh thần yêu nước và chí quả cảm. Vũ khí của họ là giáo mác. Nghĩa binh lại không biết gì về quân sự. Đó là những toán quân đùng đùng nổi giận, nhưng ô hợp. Tuy nhiên, họ cũng giết được giặc, và cũng làm cho quân địch lúng túng. Chỉ hơn một nghìn quân Pháp, không đủ để đàn áp và chiếm đóng. Lúc bấy giờ, người công giáo nổi lên, đi lính tập cho Pháp, và họ cũng tập hợp thành những đám đông chống lại nghĩa quân.
Cử Khiêm, một vị quan nhẹ tay với người công giáo nhất, lúc này cũng trở thành kẻ thù một mất một còn của người đi đạo. Trong một trận giao tranh giữa nghĩa quân và đám người tả đạo có lính Tây yểm hộ, cử Khiêm đã bị bắt.
Một người học trò cầm đầu đám công giáo, trước kia đã học cử Khiêm, hét to lên:
- Để xem tấm lòng son của lão cử Khiêm nó hình thù thế nào?
Cử Khiêm cười nhạt bảo:
- Nếu ta không lầm, anh đã theo học trường của ta được một năm thì phải. Chẳng lẽ công ta dạy dỗ mà đầu óc anh chẳng mở ra chút nào sao?
Người học trò đáp lại:
- Tôi học ông chỉ cốt hiểu các ông, để diệt các ông. Chung quy, tôi chỉ muốn xem tấm lòng son của các ông ra sao.
Thấy cử Khiêm im lặng, hắn cười rồi chuyển giọng nói ngọt ngào:
- Dù sao tôi cũng là học trò của thầy. Lúc nãy, tôi có nóng và nói năng thất thố. Thầy tha lỗi cho. Nhưng tôi khuyên thầy nên nhìn rõ sự thật. Nước Nam không chống lại được người Pháp đâu. Thầy nên hàng người Pháp. Tôi biết thầy có lòng nhân hậu. Chính vì vậy, thầy mới bị vua nước Nam hiềm nghi và giáng chức. Các quan Pháp bảo tôi nói với thầy, nếu thầy xin hàng, nhà nước Pháp sẽ trọng dụng.
Cử Khiêm cười, điềm tĩnh:
- Nếu được như vậy cũng tốt đấy. Ta cảm ơn anh. Và để cho ta suy nghĩ thêm, các anh có thể mang ra đây cho ta chiếc mâm, và nậm rượu. Ta đói bao ngày nay rồi.
Người học trò giáo dân mừng rỡ, liền bưng mâm rượu ra. Cử Khiêm bỏ hết đồ nhắm ra ngoài và bảo:
- Những thức này không cần. Chỉ cần nậm rượu thôi, ta đã có thức nhắm rồi.
Khi cái mâm đã trống trơn trước mặt, ông từ tốn rót chén rượu ra chén khà một ngụm. Tiếp đó, ông lần túi áo lấy ra một vật tròn. Tưởng thức nhắm đặc biệt gì hoá ra chỉ là một đồng chinh sáng loáng. Các ông nho sĩ gàn thường chỉ nhắm rượu với ổi xanh, có người nhắm với cái đinh rỉ. Ông này khác người, lại nhắm rượu với đồng xu. Ông cử gạt cái áo the sang bên rồi thò tay vào bụng. Tưởng rằng rượu vào, nóng nên ông gãi. Không ngờ sột một cái. Mọi người chưa hiểu ra sao đã thấy máu đỏ lòm ùa ra chiếc quần trắng. Thì ra đó là một đồng chinh mài sắc. Cử Khiêm đã dùng đồng chinh đó rạch bụng mình ra.
Mặt tái đi, nhưng cử Khiêm vẫn ngồi nghiêm chỉnh. Và qua vết rạch, ruột trắng hếu từ trong bụng phòi ra. Cử Khiêm còn kịp đưa đống ruột của mình ra cái mâm và nói:
- Ngươi muốn xem tấm lòng son của ta phải không? Nó đây này. Nó đầy trên mâm đồng rồi đấy...
Chỉ nói được một câu, cố gượng nhưng không được, cử Khiêm ngã vật xuống trước con mắt khiếp hãi kính nể của mọi người.
Mẫu Thượng Ngàn Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh Mẫu Thượng Ngàn