Nguyên tác: The Final Diagnosis
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Chương 23
T
rời đang trưa. Bốn ngày đã qua kể từ khi những ca bệnh thương hàn đầu tiên được phát hiện trong bệnh viện Three Counties. Lúc này, trong văn phòng quản trị viên, ông chủ tịch hội đồng quản trị Orden Brown với nét mặt nghiêm trang đang cùng Kent O’Donnell lặng lẽ lắng nghe Harry Tomaselli nói chuyện bằng điện thoại.
- Vâng - Quản trị viên nói - Tôi hiểu... Rồi đây nếu đó là điều cần thiết, chúng tôi sẽ sắp xếp sẵn sàng. Vậy là đúng năm giờ. Xin chào. - Ông gác máy.
- Thế nào?- Ordew Brown sốt ruột hỏi.
- Sở Y tế thành phố gia hạn cho chúng ta đến tối nay - Tomaselli nói khẽ - Khi ấy nếu chưa tìm ra người gieo bệnh thương hàn, chúng ta buộc phải đóng cửa nhà bếp.
- Nhưng họ có hiểu cho như thế là thế nào không?
O’Donnell đã đứng lên, giọng nói cáu kỉnh - Họ không biết rằng đóng cửa nhà bếp cũng là đóng cửa bệnh viện luôn hay sao? Ông có nói với họ chưa, chúng ta chỉ kiếm được thức ăn từ bên ngoài cho một dúm bệnh nhân mà thôi?
Vẫn nhỏ nhẹ, Tomaselli nói:
- Tôi nói rồi, nhưng chẳng ăn thua gì. Cái khó là các viên chức y tế sợ dịch lan tràn trong thành phố.
Orden Brown hỏi:
- Có tin gì bên khoa Xét nghiệm chưa?
- Chưa – O’Donnell lắc đầu - Họ vẫn đang làm việc. Tôi mới ở đấy ra cách đây một tiếng đồng hồ.
- Thật không hiểu ra làm sao! - Ông chủ tịch hết sức bối rối, O’Donnell chưa từng thấy ông đến nỗi ấy bao giờ - Mới bốn ngày mà mười ca bệnh thương hàn ở ngay trong bệnh viện, trong đó có hai bệnh nhân cũ, thế mà nguyên nhân vẫn chưa tìm ra là ở đâu!
- Rõ ràng phòng xét nghiệm phải gánh vác một công việc hết sức nặng nề - O’Donnell nói - Tôi cam đoan họ không bỏ phí một giây phút nào.
- Có ai trách ai đâu - Orden Brown nói văng ra - ít ra trong giai đoạn này. Nhưng chúng ta phải trưng ra dăm ba kết quả chứ.
- Joe Pearson bảo với tôi rằng khoảng giữa sáng ngày mai là họ kiểm tra xong các mẻ cấy. Nếu kẻ gieo bệnh nằm trong số những người dọn thức ăn, chắc chắn đến lúc ấy họ đã tìm ra rồi – O’Donnell quay sang hỏi Tomaselli: - Ông không thuyết phục được sở y tế gia hạn cho chúng ta đến sáng mai ư?
Ông quản trị lắc đầu:
- Hôm nọ tôi đã xin rồi, và chỉ được họ cho phép bốn ngày. Sáng nay người đại diện sở Y tế lại đến thăm bệnh viện và năm giờ chiều nay sẽ đến nữa. Đến lúc ấy mà chưa có kết quả gì thì chúng ta đành phải theo lệnh của họ thôi.
- Trong khi chờ đợi - ông thấy ta nên làm gì? Orden Brown hỏi.
- Văn phòng chúng tôi đã bắt tay vào việc rồi - Giọng nói của Harry Tomaselli phản ánh sự hoang mang đang bao trùm tất cả mọi người - chúng tôi đang lập chương trình hành động trên cơ sở giả định bệnh viện sẽ phải đóng cửa.
Sự yên lặng buông xuống. Lúc sau, ông quản trị hỏi:
- Kent, năm giờ chiều nay anh trở lại đây để cùng tôi tiếp các với người đại diện sở Y tế được không?
- Vâng – O’Donnell buồn bã trả lời - Thiết nghĩ tôi phải có mặt.
o O o
Trong phòng xét nghiệm, chỉ có sự mệt mỏi của ba con người đang làm việc mới sánh ngang được với bầu không khí căng thẳng. Bác sĩ Joseph Pearson hốc hác, mắt đỏ hoe, vẻ mệt mỏi lộ rõ qua cử chỉ chậm chạp. Suốt bốn ngày ba đêm ông ở luôn trong bệnh viện, chỉ ngủ một vài giờ trên mảnh chiếu mà ông đã đem vào văn phòng. Hai ngày rồi ông chưa cạo râu. Quần áo ông nhăn nhúm, mái tóc rối bù, ông chỉ vắng mặt ở bệnh viện một vài giờ vào ngày thứ nhì, không ai biết ông đi đâu, Coleman cũng không thể tìm được ông mặc dù hết ông quản trị đến bác sĩ trưởng vặn hỏi. Sau đó Pearson lại xuất hiện, không giải thích sự vắng mặt của mình và tiếp tục trông coi công việc nuôi cấy vẫn đang làm mọi người tất bật.
Lúc này Pearson hỏi:
- Chúng ta đã làm được bao nhiêu rồi?
Coleman xem sổ ghi rồi trả lời:
- Tám mươi chín. Còn lại năm cái trong tủ ấm, sáng mai sẽ coi.
David Coleman có vẻ tươi tỉnh hơn nhà bệnh lý học già nua và không hề tỏ ra những dấu hiệu chểnh mảng bên ngoài như Pearson. Tuy vậy anh cũng cảm thấy mệt nhoài đến nỗi phải tự hỏi chẳng lẽ sức chịu đựng của mình cũng chỉ bằng ông cụ đây thôi sao - khác với Pearson, ba đêm rồi, chứ quá nửa đêm là anh về nhà ngủ và khoảng sáu giờ sáng hôm sau lại trở lại bệnh viện.
Sớm như thế, nhưng chỉ có một lần anh đến trước John Alexander và cũng chỉ sớm hơn được ít phút. Còn những lần khác, Coleman bước vào phòng xét nghiệm thì đã thấy anh kỹ thuật viên trẻ tuổi ngồi cặm cụi làm việc như một cái máy định giờ tăm tắp, các động tác hết sức chính xác, không thừa không thiếu, các phiếu ghi từng giai đoạn xét nghiệm được viết bằng nét chữ nắn nót, gọn gàng, dễ đọc.
Chỉ cần chỉ đạo cho anh lúc đầu, và sau đó không phải nói gì thêm nữa. Anh tỏ ra rành việc đến nỗi bác sĩ Pearson, sau khi ngó sơ qua, đã hài lòng gật đầu và từ lúc đó hoàn toàn để mặc anh làm việc. Bỏ Coleman và quay sang Alexander, Pearson hỏi:
- Con số nuôi cấy ngưng kết thế nào?
Xem lại sổ ghi Alexander đáp:
- Trong số tám mươi chín phiến kính đã kiểm tra, có bốn mươi hai tấm được tách riêng ra để làm xét nghiệm nuôi cấy ngưng kết. Đã làm xong hai trăm tám mươi ống ngưng kết.
Pearson tính nhẩm rồi nói như với chính mình:
- Nghĩa là còn phải kiểm tra một trăm mười ống ngưng kết nữa, kể cả mẻ ngày mai.
Nhìn thoáng qua John Alexander, David Coleman tự hỏi hiện giờ tâm trạng của chàng trai này ra sao, và phải chăng việc anh ta lao đầu vào công việc đến mức hăng say như thế này là một cách tìm quên đi những đau buồn. Con trai của Alexander chết đã được bốn ngày. Suốt thời gian này, nỗi bàng hoàng phiền muộn mà anh ta tỏ ra lúc đầu đã biến mất, ít ra là ở bề ngoài. Tuy vậy, Coleman ngờ rằng những cảm xúc của Alexander không nằm xa khuất dưới bề mặt. Anh đã cảm thấy được sự có mặt của những cảm xúc ấy trong lời nói của Alexander khi anh ta tỏ ý muốn đi học trường thuốc. Về chuyện này, hiện giờ David Coleman không muốn bàn sâu thêm, nhưng anh tự nhủ sẽ trao đổi lâu dài với Alexander ngay khi cơn khủng hoảng dịch tễ chấm dứt. Dựa vào kinh nghiệm bản thân, Coleman có thể cho chàng trai này nhiều lời khuyên hữu ích. Đúng như lời Alexander đã nói, cuộc sống không dễ dàng gì - nhất là về mặt tài chính. Một khi anh ta bỏ việc làm hưởng lương để khoác áo sinh viên một lần nữa. Nhưng Coleman có thể mách cho Alexander biết những cột mốc chỉ đường cũng như có thể giúp anh ta tránh những hầm bẫy.
Thành viên thứ tư của đội xét nghiệm, Carl Bannister tạm rời bỏ vị trí. Ông kỹ thuật trưởng đã làm việc cả ba ngày và gần trọn ba đêm, một mình đảm đương những thử nghiệm hàng ngày của bệnh viện và khi rảnh tay lại chạy sang giúp những người khác. Nhưng sáng nay giọng nói của ông ta đã líu nhíu. Sợ rằng ông ta sắp kiệt sức đến nơi, David Coleman đã mạn phép Pearson ra lệnh cho ông ta về nhà. Bannister đã sung sướng ra đi không một lời biện luận.
Công việc chuẩn bị các mẫu phân vào tiến hành liên tục. Tuy nhiên, sang ngày thứ hai, những mẫu phân được xử lý trước tiên đã nằm đủ thời gian trong tủ ấm và sẵn sàng để khảo sát. Một lần nữa, bác sĩ Pearson lại chia nhỏ lực lượng để công việc chạy đều. Ông ta cùng Alexander chuyển sang giai đoạn kế tiếp, còn Coleman tiếp tục xử lý các mẫu phân mới nhận được. Lấy đĩa petri ra khỏi tủ ấm, người ta thấy trên mặt thạch nhuộm màu hồng tươi chút phân người được cấy ngày hôm trước đã biến thành những khuẩn lạc ([43]) ươn ướt, mỗi mẫu phân chứa hàng triệu vi khuẩn. Công việc kế tiếp là tách những khuẩn lạc rõ ràng là vô hại ra khỏi những khuẩn lạc cần phải được khảo sát thêm.
Những khuẩn lạc màu hồng tươi được loại bỏ ngay vì không chứa vi khuẩn thương hàn. Những khuẩn lạc không màu hay trắng xám, rất có thể là nơi ẩn náu của vi khuẩn thương hàn được lấy ra, chia nhỏ thành các mẫu nuôi cấy ngưng kết trong mười ống nghiệm có môi trường đường thể lỏng, mỗi ống nghiệm còn chứa một chất phản ứng khác nhau. Chính những chất phản ứng này sau một thời gian nữa trong tủ ấm, sẽ cho biết mẫu phân nào mang vi trùng thương hàn truyền nhiễm hung hãn.
Lúc này, vào ngày thứ bốn, tất cả các mẫu phân đã có mặt tại phòng xét nghiệm. Đây là phân của các nhân viên bệnh viện dù ít dù nhiều có liên quan với việc tiếp nhận, chế biến và phân phối thực phẩm. Việc gia công các mẫu phân này phải đến sáng ngày mai mới hoàn tất. Lúc này, 280 mẫu nuôi cấy ngưng kết mà Alexander nói đến được xếp vào những chiếc giá ở khắp phòng và trong tủ ấm. Mặc dù nhiều mẫu trong số này đã được kiểm tra kết thúc, những chưa thấy lộ ra kẻ gieo bệnh thương hàn mà họ đang ngày đêm tìm kiếm một cách cần cù và lo lắng.
Chuông điện thoại reo vang trên tường. Pearson, ở gần máy nhất, bước đến nghe.
- Tôi nghe đây... Chưa, vẫn chưa có gì. Dặn hoài rồi, hễ tìm ra là tôi báo ngay mà - Nói xong, ông gác máy.
John Alexander, không cưỡng nỗi sự mệt mỏi bất ngờ, cố viết thêm một chi tiết vào phiếu ghi rồi gieo mình xuống một chiếc ghế lưng thẳng. Anh nhắm mắt lại một lúc để hưởng sự thư giãn giữa cơn bải hoải bất ngờ.
Tiếng David Coleman vang lên bên cạnh:
- John, sao anh không nghỉ đi một hai giờ, có thể lên lầu thăm vợ anh một lát!
- Có lẽ tôi làm thêm một lô nữa rồi sẽ đi. Anh nhấc một chiếc giá đựng ống nghiệm nuôi cấy ra khỏi tủ ấm, rút thêm một tờ phiếu xét nghiệm và bắt đầu xếp mười ống nghiệm thành một hàng thẳng để kiểm tra.
Liếc nhìn đồng hồ trên tường, anh ngạc nhiên vì thấy rằng một ngày nữa đang qua nhanh. Lúc này là mười bảy giờ kém năm.
Kent O’Donnell gác máy điện thoại. Không đợi Harry Tomaselli hỏi, anh trả lời trước:
- Joe Pearson bảo chưa có gì mới.
Sự yên lặng buông xuống trong văn phòng lát gỗ phong của ông quản trị. Cả hai người đều rầu rĩ vì biết rõ những hệ lụy trong lời thông báo mới nhất của Pearson. Cả hai người cũng biết rằng chung quanh họ, ngoại trừ kíp quản trị, công việc bệnh viện đang trên đà chạy nước rút tới chỗ ngưng trệ.
Từ đầu trưa hôm nay, kế hoạch thu hẹp việc phục vụ bệnh nhân - do Harry Tomaselli phác ra mấy ngày trước và nay đã trở thành cần thiết vì nhà bếp có nguy cơ sắp bị đóng cửa đã đi vào giai đoạn thực hiện. Bắt đầu từ bữa điểm tâm sáng ngày mai, hai nhà hàng gần đó sẽ hợp tác dọn một trăm khẩu phần cho các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch không thể sơ tán được. Các bệnh nhân còn lại đang được xuất viện về nhà. Bệnh nhân nào còn phải chăm sóc đang được chuyển sang các cơ sở khác trong thành phố. Hiện nay các cơ sở ấy đang huy động các phương tiện riêng để đáp ứng làn sóng khẩn trương trào ra từ bệnh viện Three Counties. Một giờ trước, biết rằng việc sơ tán sẽ kéo dài tới đêm khuya, Harry Tomaselli đã phát lệnh cho tiến hành ngay lúc này, những chiếc xe cứu thương được triệu tập từ mọi điểm qua đường dây điện thoại đã bắt đầu nối đuôi nhau ngoài cổng cấp cứu. Trong các phòng bệnh, y tá và bác sĩ đang hối hả chuyển bệnh nhân từ trên giường xuống băng ca và xe lăn để sẵn sàng đi vào cuộc hành trình không mong đợi. Đối với những người còn có thời giờ để suy nghĩ, đây là những giờ phút thật đen tối và đau buồn. Trong lịch sử bốn mươi năm, lần đầu tiên bệnh viện Three Connties đẩy kẻ ốm người đau ra khỏi cổng.
Có tiếng gõ cửa khe khẽ và Orden Brown bước vào văn phòng quản trị. Ông chăm chú lắng nghe Harry Tomaselli báo cáo những gì đã được thực hiện sau buổi họp mấy giờ trước. Sau đó, ông chủ tịch hội đồng quản trị hỏi:
- Đại diện sở Y tế đến chưa?
- Chưa - Tomaselli đáp. - Chúng tôi đang đợi họ đây.
Orden Brown nói khẽ:
- Nếu các ông cho phép, tôi xin được cùng chờ đợi.
Im lặng một chút, ông quay sang O’Donnell:
- Kent, có một việc hiện không quan trọng, nhưng tôi chợt nhớ ra nên nói với anh luôn. Eustace Swayne mới gọi điện cho tôi. Ông ra muốn anh đến gặp ông ta ngay khi cơn khủng hoảng này qua đi.
Thoáng một khoảnh khắc, lời yêu cầu đường đột khiến O’Donnell sửng sốt không biết nói sao. Rõ ràng Eustace Swayne muốn nói chuyện với anh chỉ vì một lý do duy nhất - bất kể tất cả những gì đã xảy ra, nhà tài phiệt già có ý định dùng tiền bạc và thế lực để can thiệp cho bạn mình là bác sĩ Joseph Pearson. Sau biết bao biến cố mấy ngày nay, dường như không thể tin được rằng còn có sự mù quáng và tự phụ như thế! O’Donnell thấy lòng giận sôi lên. Anh nói gắt:
- Mặc xác Eustace Swayne với mớ việc của lão ta!
Orden Brown lạnh lùng nói:
- Xin được nhắc nhở rằng anh đang nói đến một thành viên của Hội đồng quản trị bệnh viện. Dù có bất đồng ý kiến thế nào đi chăng nữa, ông ta có quyền được đối xử một cách lịch sự.
O’Donnell nhìn thẳng vào mặt Orden Brown, đôi mắt anh tóe lửa. Được rồi, anh nghĩ thầm, nếu muốn thẳng thừng thì cứ việc. Tôi đã cắt đứt hẳn chuyện chính trị ở bệnh viện, từ lúc này và mãi mãi về sau.
Ngay lúc đó chuông điện thoại nội bộ vang lên trên bàn làm việc của ông quản trị.
- Thưa ông Tomaselli - một giọng nữ cất lên ở đầu dây, - các viên chức sở Y tế đã đến. Lúc này là mười bảy giờ kém năm.
Chẳng khác gì sáu tuần trước, vào cái ngày Kent O’Donnell nhận được những lời cảnh giác đầu liên về sự băng hoại sắp xẩy ra trong bệnh viện Three Counties - Chuông nhà thờ Chúa Cứu thế buông tiếng điểm giờ khi nhóm người len lỏi bước qua những hành lang bệnh viện Three Counties. Đi đầu là O’Donnell, còn có Orden Brown, Harry Tomselli và bác sĩ Norbert Ford, cán bộ sở Y tế thành phố Burlington. Đi sau những người này là bà Straughan, trưởng ban cấp dưỡng, đến văn phòng quản trị vừa kịp lúc phái đoàn ra đi, và một viên chức bệnh lý trẻ tuổi của Sở mà O’Donnell không nghe rõ tên trong lúc giới thiệu.
Lúc này cơn giận đã nguôi, bác sĩ lấy làm mừng vì cú điện thoại ban này đã kịp thời ngăn chặn một cuộc cãi cọ nẩy lửa giữa anh và Orden Brown. Anh nhận ra rằng tất cả mọi người, kể cả anh nữa, đã bị căng thẳng một cách khác thường trong mấy ngày qua. Xét cho cùng, ông chủ tịch hội đồng quản trị đâu có làm gì khác hơn là chuyển đến anh một lời nhắn. Nếu có cãi cọ thì anh phải cãi cọ với Eustace Swayne mới đúng. Anh quyết định sẽ đến gặp thẳng nhà tài phiệt già ngay sau khi xong việc này. Lúc ấy, Swayne muốn thương lượng gì thì cứ việc, anh sẽ trả lời thẳng thừng, toạc móng heo, rồi ra sao thì ra.
Lúc này nhóm người kéo đến khoa Xét nghiệm là do lời đề nghị của Kent O’Donnell. Anh đã nói với người đại diện sở Y tế:
- Ít ra các ông sẽ thấy chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể làm được để tìm cho ra nguồn bệnh.
Thoạt tiên bác sĩ Ford cự nự:
- Chẳng có ai nghi ngờ điều ông vừa nói, và có lẽ tôi không thể đòi hỏi hơn những gì các bác sĩ bệnh lý ở đây đang làm. Nhưng trước sự khẩn khoản yêu cầu của Kent O’Donnell, ông ta đã đồng ý, và lúc này nhóm người đang trên đường xuống phòng xét nghiệm dưới tầng cầm.
John Alexander ngẩng đầu lên nhìn rồi lại tiếp tục kiểm tra những ống đường mới đem ra. Pearson trông thấy O’Donnell và Orden Brown bèn bước ra đón, vừa đi ông vừa chùi hai tay vào áo bờ-lu đã lem luốc lắm rồi. Thấy Harry Tomselli ra hiệu, David Coleman cũng bước ra theo.
O’Donnell giới thiệu. Bắt tay Pearson, bác sĩ Norbert Ford hỏi:
- Các ông đã tìm được gì chưa?
- Chưa - Pearson khoát tay chỉ khắp gian phòng - ông thấy đó chúng tôi vẫn đang làm việc.
O’Donnell nói:
- Joe, tưởng ông cần biết điều này, bác sĩ Ford đã ra lệnh đóng cửa nhà bếp của chúng ta.
- Hôm nay ư?- Pearon hỏi như chưa tin.
Cán bộ sở Y tế gật đầu:
- Tôi e rằng đúng như thế.
- Nhưng ông không thể làm như vậy được! Thật là lố bịch. Đây là giọng nói hung hăng, gây gổ của con người Pearson cố hữu. Đôi mắt ông sáng lóe lên sau cái vẻ mỏi mệt. Ông tiếp tục gầm lên: - Này, chúng tôi sẽ làm việc thâu đêm, toàn bộ các ống cấy sẽ được kiểm tra xong vào giữa buổi sáng ngày mai. Nếu có người gieo bệnh thì khi ấy có thể chúng tôi đã tìm ra rồi.
- Rất tiếc - Cán bộ sở Y tế lắc đầu - Chúng tôi không thể chờ cái có thể ấy.
- Nhưng đóng cửa nhà bếp có nghĩa là đóng cửa cả bệnh viện. - Pearson cáu kỉnh - Chắc chắn các ông có thể chờ đến sáng mai, ít ra là đến sáng mai.
- Tôi e rằng không được - Bác sĩ Ford lịch sự nhưng cương quyết - Dù sao, đây không hoàn toàn là quyết - định của tôi. Chẳng qua là thành phố không thể nào yên tâm trước nguy cơ nạn dịch lan tràn. Hiện nay dịch bệnh còn nằm trong bốn bức tường, nhưng nó có thể lây ra ngoài bất cứ lúc nào. Đó là điều chúng tôi đang nghĩ đến.
Harry Tomaselli chen vào:
- Joe, chúng ta đang dọn bữa tối, cũng là bữa cuối cùng. Chúng ta đang cho xuất viện về nhà tất cả những bệnh nhân xét thấy có thể ra về được, và sơ tán các bệnh nhân khác.
Sự yên lặng buông xuống. Các cơ mặt của Pearson giật giật. Đôi mắt lõm sâu và đỏ hoe của ông như sắp tuôn rơi nước mắt. Gần như thì thầm, ông nói:
- Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày...
Khi nhóm người quay ra, O’Donnell khẽ nói thêm:
- Thật lòng mà nói, Joe ạ, cả tôi cũng thế.
Nhóm người mới ra đến cửa thì John Alexander kêu lên:
- Có rồi!
Nhóm người đồng loạt quay lại. Pearson hỏi sang:
- Có cái gì?
- Rõ là thương hàn - Alexander chỉ tay vào dãy ống nghiệm mà anh đang xem xét.
- Để tôi xem - Pearson bước như chạy trên sàn. Những người khác quay trở vào phòng.
Pearson nhìn dãy ống nghiệm. Ông liếm môi ra dáng hồi hộp. Nếu Alexander nói đúng thì đây là giây phút họ đã miệt mài làm việc để tìm đến.
- Đọc bảng kê đi! - Ông nói.
John Alexander nhấc một cuốn sách giáo khoa đã mở sẵn ở một trang kép. Đó là bảng chia cột liệt kê các phản ứng hóa sinh của vi khuẩn trong ống nghiệm có môi trường đường. Đặt ngón tay vào cột “Salmonella typhi”, anh chuẩn bị đọc từ trên xuống dưới.
Pearson nhặt ống nghiệm đầu tiên trong số mười ống và xướng tên:
- Glucoza.
Dò bảng kê, Alexander trả lời:
- Sinh axit, không sinh hơi.
Pearson gật đầu, ông lựa ống nghiệm thứ hai.
- Lactoza.
- Không axít, không hơi. - Alexander đọc.
- Đúng!... Dulcitol.
Alexander lại đọc:
- Không axít, không hơi - Một lần nữa, phản ứng đối với vi khuẩn thương hàn lại chính xác. Bầu không khí trong phòng mỗi lúc một căng thẳng.
Pearson lấy một ống nghiệm nữa.
- Mannitol.
- Sinh axít, không sinh hơi.
- Chính xác!... Maltoza.
- Sinh axít, không sinh hơi.
Pearson gật đầu. Hết sáu, còn bốn. Ông lại xướng tên:
- Xyloza.
Alexander lại đọc:
- Axít, không hơi.
Bảy.
- Anabioza.
John Alexander:
- Hoặc không phản ứng, hoặc có axít nhưng không sinh hơi.
Pearson tuyên bố:
- Không phản ứng.
Tám. Còn hai.
- Rhammoza!
- Không phản ứng.
Còn một.
Pearson xướng tên ống nghiệm cuối cùng:
- Indole.
- Âm tính - Alexander nói rồi đặt sách xuống.
Quay lại với mọi người, Pearson nói:
- Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là người gieo bệnh thương hàn.
- Ai thế? - Ông quản trị là người lên tiếng hỏi trước tiên.
Pearson lật một chiếc đĩa và đọc lớn tiếng:
- Số bảy mươi hai.
David Coleman đã lấy sẵn sổ cái, trong đó có một bản danh sách với những chi tiết do chính tay anh ghi chép.
Anh thông báo:
- Charlotte Burgess.
- Tôi biết bà này! Bà Straughan nói nhanh - Bà ta làm việc ở quầy phát khẩu phần.
Như do bản năng thúc đẩy, mọi con mắt đều nhìn lên đồng hồ treo tường. Lúc này là mười bảy giờ bảy phút:
Bà Straughan nói khẩn cấp:
- Bữa tối! Người ta sắp dọn bữa tối rồi đó!
- Chúng ta hãy chạy ngay sang nhà ăn! - Miệng còn nói, Harry Tomaselli đã ra đến cửa.
o O o
Trên lầu hai bệnh viện, bà y tá giám thị liếc nhìn con số trên cửa phòng bệnh của Vivian rồi bước vào với vẻ lo lắng.
- À, phải rồi, em là Loburton - Bà dò sổ ghi rồi đánh đấu bằng bút chì - Em sẽ được chuyển sang bệnh viện West Burlington..
Vivian hỏi:
- Chừng nào thì bắt đầu ạ?
Từ trưa nay, nàng đã nghe nói đến việc sơ tán sắp xẩy ra cũng như lý do của nó.
- Các xe cứu thương làm việc không xuể - Bà giám thị đáp - Có lẽ phải mấy tiếng đồng hồ nữa, khoảng chín giờ tối nay. Y tá của em sẽ đến giúp em thu xếp đồ đặc, nhưng phải chờ hơi lâu đấy.
- Cảm ơn, Vivian nói.
Tâm trí trở lại với cuốn sổ ghi, bà giám thị gật đầu rồi bước ra.
Đã đến lúc gọi Mike rồi đó, nàng nghĩ thầm. Năm ngày tạm xa nhau kể cả phải đến mai mới là hết, nhưng hai người đều không ngờ trước sự thể này. Vả lại, nàng đã đi đến chỗ ân hận vì đã bày đặt việc tạm xa nhau, lúc này nàng thấy đó là ý nghĩ ngu xuẩn không cần thiết, và lòng thầm ước ao giá nó đừng đến với nàng.
Bàn tay nàng đưa sang máy điện thoại bên cạnh giường và lần này không có một chút do dự nào. Nghe tiếng hiệu thính viên trả lời, Vivian nói:
-Xin cho tôi nói chuyện với bác sĩ Michael Seddons....
- Cô đợi cho một lát.
Nhiều phút sau hiệu thính viên mới trở lại với đường dây:
- Bác sĩ Seddons hiện đang theo xe cứu thương chuyển bệnh nhân. Chúng tôi cỏ thể gọi người khác giúp cô được không?
Vivian ngập ngừng:
- À, không hẳn.
- Hiện giờ chúng tôi chỉ có thể nhắn những điều liên quan đến y khoa. Cô chịu khó gọi lại sau vậy nhá.
Có tiếng “cách” và rồi đường dây im bặt. Vivian chậm rãi trả ống nghe về chỗ cũ.
Ngoài hành lang vọng vào tiếng ồn ào và giọng người ơi ới. Nàng cảm thấy một dòng điện đang chạy ngầm. Có tiếng người ra lệnh dõng dặc, tiếng loảng xoảng của một vật gì đó rơi xuống đất và tiếng ai cười vang. Tất cả nghe ra vẫn rất bình thường, nhưng lúc này tâm trí nàng cũng thét lên góp tiếng trở thành một phần nào đó của tình hình hiện tại. Và rồi ánh mắt nàng trở lại giường bệnh và đừng ở chỗ mà lớp mền đắp xẹp xuống từ đầu mỏm chân cụt.
Bỗng dưng, lần đầu tiên, Vivian cảm thấy cô đơn một cách hãi hùng và thất vọng.
- Mike ơi! Nàng thì thầm, Mike yêu dấu ơi, anh đi đâu thì đi, nhưng hãy sớm về với em!
o O o
Cô y tá Perfield dợm bước vào nhà ăn thì thấy nhóm người hối hả tiến về phía thình. Cô nhận ra ông quản trị và bác sĩ trưởng. Cố gắng theo kịp đàng sau, với hai bầu vú vĩ đại núng nảy theo bước chân, là bà Straughan, trưởng ban cấp dưỡng. Bước qua cửa vào nhà ăn, HarryTomaselli đi chậm lại và nói với bà Straughan:
- Tôi muốn việc này thật nhanh và không ầm ĩ.
Bà cấp dưỡng gật đầu. Hai người cùng bước vào nhà bếp qua khung cửa chuyển thức ăn.
O’Donnell vẫy gọi cô y tá Pearfield:
- Cô làm ơn theo giúp chúng tôi một tay.
Những gì xảy ra sau đó được thực hiện chớp nhoáng và chính xác. Một người đàn bà luống tuổi đang phục vụ ở quày hàng nhà ăn. Bà Straughan đến cầm tay dắt bà ta vào văn phòng của ban cấp dưỡng ở phía cuối. O’Donnell nói với người đàn bà đang rất hốt hoảng:
- Bà đợi cho một lát – và anh ra hiệu cho cô y tá Pearfield ở lại với bà ta.
- Đem thiêu hủy số thức ăn mà bà ta đã dọn - anh ra lệnh cho bà Straughan. - Nếu có thể thì thu hồi số thức ăn đã được phát ra. Bất cứ chiếc đũa nào có thể đã bị bà ta chạm đến đều phải luộc lại.
Bà trưởng ban cấp dưỡng đi ra quầy phục vụ. Chỉ trong vòng vài phút đồng hồ, các chỉ thị của O’Donnell đã được tuân hành và hàng ngàn người chờ lãnh phần ăn lại tiếp tục chuyển động. Chỉ một vài người đứng gần nhất mới biết được chuyện gì đã xảy ra.
Trong văn phòng ở phía cuối, O’Donnell nói với người đàn bà giúp việc nhà bếp:
- Bà Burgess, tôi phải yêu cầu bà tự coi mình là bệnh nhân trong bệnh viện - Anh nói thêm một cách tử tế: - Bà đừng hốt hoảng, chuyện sẽ được giải thích sau.
Quay đang cô y tá Pearfield, anh nói:
- Cô đưa bệnh nhân này sang khu cách ly. Không được để bà ta tiếp xúc với bất kỳ một người nào. Tôi sẽ gọi bác sĩ Chandler đến cho chỉ thị.
Elaine Perfield nhẹ nhàng đưa người đàn bà hốt hoảng ra đi.
Lúc sau bà Straughan tò mò hỏi:
- Chuyện gì xảy ra cho bà ta lúc này, thưa bác sĩ O’Donnell?
- Bà ta sẽ được coi sóc cẩn thận - O’Donnell đáp - Bà ta sẽ ở cách ly, các bác sĩ nội khoa sẽ đến khám bệnh. Bà biết đấy, đôi khi người gieo bệnh thương hàn bị nhiễm trùng túi mật, nếu thế rất có thể bà ta sẽ phải mổ - Anh nói thêm: - Tất nhiên sẽ có khám nghiệm thêm cho tất cả những người bị ảnh hưởng. Bác sĩ Harry Chandler sẽ lo chuyện đó.
Trong văn phòng của ban cấp dưỡng, Tomaselli đang dùng điện thoại ra chỉ thị cho một người trợ lý:
-Tóm lại là thế này: đình chỉ toàn bộ, thôi sơ tán, chỉ cho xuất viện như thường ngày, hủy bỏ việc nấu ăn bên ngoài. Sau đó gọi sang khu nhận bệnh - ông quản trị nhoẻn miệng cười với O’Donnell ở cạnh bàn đối diện - Bảo họ rằng bệnh viện Three Counties hoạt động trở lại.
Tomaselli gác máy mà nhận tách cà phê mà bà cấp dưỡng vừa hâm cho ông bằng chiếc phin của bà.
- Nhân tiện, bà Straughan ạ - ông nói - Mấy hôm rồi không có thời giờ báo tin cho bà hay sắp có máy rửa chén đĩa mới. Ban quản trị đã chấp thuận cấp kinh phí và hợp đồng đã ký xong. Nội tuần tới là có rồi.
Bà cấp dưỡng gật đầu. Rõ ràng bà đã đoán trước thế nào rồi sẽ có tin vui này. Lúc này tâm trí bà đã hướng sang những thứ khác.
- Thưa ông T. Nhân có ông ở đây tôi muốn chỉ cho ông xem cái này nữa. Phòng lạnh của tôi cần được mở rộng hơn, bà nhìn ông quản trị một cách nghiêm nghị - Mong rằng lần này sẽ không cần đến một nạn dịch để chứng minh quan điểm của tôi.
Ông quản trị thở dài đứng lên và hỏi O’Donnell:
- Bữa nay anh có thêm vấn đề gì nữa không?
- Bữa nay thì không - O’Donnell đáp - nhưng ngày mai có một chuyện tôi muốn bàn riêng với ông.
Anh đang nghĩ đến Eustace Swayne.