Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Số lần đọc/download: 257 / 41
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Chương 24 - Bộ Ấm Chén Xanh
M
ột vài người hoảng hốt hét lên. Có khả năng rất lớn tôi là một trong số đó. Thật kỳ lạ: tôi đã thấy biết bao nhiêu xác chết. Trong công việc ở Scotland Yard, tôi đã có cơ hội chứng kiến những cái chết ghê rợn. Thế mà không một thi thể bình thường nào lại tạo ra cảm giác rùng rợn đến như vậy, khi một phụ nữ đã chết được dựng lên ngồi như còn sống để tham gia vào bữa tiệc chiều vui vẻ cùng bạn bè.
Rafal Bobak tội nghiệp trông run rẩy và lảo đảo. Hẳn ông đang nghĩ mình đã ở gần sự ác quái hơn bất kỳ ai, và không một người tỉnh táo nào muốn rơi vào vị thế của ông.
“Đó là lý do vì sao thức ăn phải được giao tại phòng Ida Gransbury,” Poirot nói tiếp. “Phòng 238 của Richard Negus là tiện lợi nhất để ba nạn nhân họp mặt vì nó nằm ở tầng hai, tức giữa hai phòng kia. Khi đó bữa trà chiều cũng tiện tính cho ông Negus mà ông ta không phải nhắc nhở gì chuyện đó. Nhưng dĩ nhiên phòng 238 không thể là phòng mà ba nạn nhân của chúng ta được Rafal Bobak thấy còn sống vào lúc 7 giờ 15! Vì điều đó đòi hỏi phải đưa xác Ida Gransbury – vốn đã bị giết từ vài giờ trước – từ phòng 317 của cô ta xuống, đi qua các hành lang để đến phòng của Richard Negus. Làm vậy rủi ro quá lớn. Hầu như chắc chắn sẽ có người nhìn thấy.”
Đập vào mắt tôi là những khuôn mặt sốc từ đám đông hoang mang. Tôi tự hỏi không biết Luca Lazzari có sẽ mau chóng tuyển nhân sự mới hay không. Chắc chắn tôi không bao giờ muốn trở lại Bloxham khi nào cái vụ việc khó chịu này chưa kết thúc, và tôi biết nhiều người trong phòng này cũng suy nghĩ như tôi.
Poirot tiếp tục giải thích: “Thưa quý vị, xin quý vị hãy suy nghĩ về sự rộng rãi, hào phóng của ông Richard Negus. À, ông ta quả là rộng rãi. Nào là đòi trả tiền ăn, tiền trà, nào là đòi trả tiền chuyến đi, tiền phòng, tiền xe đón từ khách sạn. Tại sao không để họ đi chung một chuyến tàu rồi đi cùng xe về khách sạn? Tại sao Richard Negus lại nhiệt tình như thế khi đòi đảm bảo hóa đơn tiền ăn uống phải được tính cho ông ta, khi mà ông ta biết rằng cả ông ta lẫn Harriet Sippel và Ida Gransbury đều sắp sửa chết?”
Đó là một câu hỏi rất tốt. Tất cả những luận điểm của Poirot đều thích đáng và, hơn thế nữa, đều là những thứ mà lẽ ra tôi phải nghĩ đến. Cách nào đó tôi đã không nhận ra quá nhiều khía cạnh không khớp với các sự kiện trong câu chuyện của Jennie Hobbs. Làm sao tôi có thể bỏ qua những điều không khớp hiển hiện đến như vậy?
Poirot nói: “Người đàn ông giả làm Richard Negus vào lúc 7 giờ 15 để đánh lừa Rafal Bobak và vào lúc 7 giờ 30 để đánh lừa Thomas Brignell chẳng hề quan tâm gì đến việc thanh toán! Hắn biết rằng cả hắn lẫn những người đồng mưu của hắn đều không phải trả tiền. Hắn ra ngoài là để vứt thức ăn. Hắn đưa thức ăn ra bằng cách nào? Trong một chiếc vali! Catchpool, anh còn nhớ cái gã lang thang mà anh thấy gần khách sạn lúc chúng ta làm cuộc hành trình bằng xe buýt chứ? Một gã lang thang đang lấy đồ ăn từ một chiếc vali, non?” Anh mô tả hắn ta là ‘gã lang thang xơi kem’. Nói tôi nghe xem, anh có thấy hắn xơi kem thật không đấy?”
“Ôi, chết tiệt. Có đấy! Hắn đang ăn… bánh kem.”
Poirot gật đầu. “Ăn từ chiếc vali mà hắn nhặt được gần khách sạn Bloxham, trong đó đầy những món khoái khẩu hợp thành bữa trà chiều cho ba người! Bây giờ là một thách thức khác cho trí nhớ của anh đây, mon ami: anh có nhớ từng nói với tôi, hỏi tôi đến Bloxham lần đầu rằng Ida Gransbury mang theo nhiều y phục đến mức đủ chất đầy tủ quần áo? Thế mà cô ta chỉ có một chiếc vali trong phòng, cũng bằng với Richard Negus và Harriet Sippel, mà cả hai người này đều mang theo ít y phục hơn đáng kể. Chiều nay, tôi có nhờ anh gói ghém, xếp y phục của cô Gransbury vào vali, và anh đã phát hiện gì nào?”
“Không đủ chỗ để nhét,” tôi nói, cảm thấy mình như thằng ngốc chuyên trả lời nhận thưởng. Hình như cái số của tôi là phải cảm thấy mình ngốc mỗi khi dính đến chiếc vali của Gransbury, nhưng giờ đây lại là ngốc kiểu khác.
“Anh tự trách mình rồi,” Poirot nói. “Anh luôn tự trách mình trước, nhưng thật ra tất cả y phục không cách chi nhét vô vừa chiếc vali đó, vì chúng được mang đến Bloxham trong những hai chiếc vali. Ngay cả Hercule Poirot này cũng không nhồi hết chúng vào được!”
Ông quay sang các nhân viên khách sạn: “Trở về sau khi vứt chiếc vali chứa thức ăn, người đàn ông đó đã gặp nhân viên lễ tân Thomas Brignell gần cửa phòng này, nơi chúng ta đang tập họp. Tại sao ông ta lại chèo kéo ông Brignell vào cuộc trò chuyện về vấn đề thanh toán? Chỉ có một lý do: để tạo ấn tượng với Brignell rằng Richard Negus vẫn còn sống vào lúc 7 giờ 30. Sắm vai ông Negus, hắn đã nói hớ một điều: Negus có khả năng trang trải còn Harriet Sippel và Ida Gransbury thì không. Điều đó không đúng! Henry Negus, em của Richard, có thể xác nhận rằng Richard không có thu nhập và chỉ còn rất ít tiền của từ cha mẹ. Nhưng cái người giả dạng Richard Negus đã không biết điều đó. Hắn mặc định rằng Richard Negus là một quý ông từng hành nghề luật sư, ắt phải có lắm tiền. Lúc trao đổi với ông Catchpool và tôi lần đầu tiên, Henry Negus cho biết từ khi về Devon, ông anh Richard của ông ấy có thái độ sầu thảm, u uất. Richard Negus sống ẩn cư và không có hứng thú nào với cuộc đời, có đúng không, ông Negus?”
“Vâng, tôi e là vậy,” Henry Negus nói.
“Một người ở ẩn! Tôi xin hỏi quý vị, mô tả này nghe có giống người đàn ông thích rượu vang, bánh ngọt, thích tán gẫu kiểu nịnh đầm với hai người phụ nữ trong một khách sạn hạng sang ở London? Không! Người đàn ông ra nhận bữa trà chiều từ Rafal Bobak, người mà Thomas Brignell phục vụ rượu vang, không phải là Richard Negus. Người này đã khen ngợi ông Brignell về sự hiệu quả và rồi nói câu gì đó đại loại như sau: ‘Tôi biết tôi có thể trông cậy vào anh để giải quyết chuyện này vì anh là người được việc. Hãy tính tiền thức ăn thức uống cho tôi, Richard Negus, phòng 238.’ Những lời của hắn được tính toán để làm cho Thomas Brignell tin rằng người đàn ông đó, Richard Negus đó, đã từng biết về độ hiệu quả của ông Brignell, và do đó họ hẳn đã từng gặp nhau từ trước. Ông Brignell có lẽ đã cảm thấy hơi có lỗi vì ông ta không nhớ ra cuộc trò chuyện trước với ông Negus. Và ông ta quyết sẽ không quên ông này lần nữa. Từ đây ông ta sẽ nhớ người đàn ông đó, người mà ông ta đã gặp hai lần. Dĩ nhiên, làm việc trong một khách sạn London rộng lớn, ông ta suốt ngày gặp gỡ khách, mỗi ngày dễ đến cả trăm người! Tôi biết chắc điều sau thường xảy ra: khách biết tên, nhớ mặt ông ta trong khi ông ta lại quên họ. Dẫu sao, họ cũng chỉ giản là en masse, là ‘khách’!”
“Xin thứ lỗi, ông Poirot, tôi xin ông bỏ quá cho.” Luca Lazzari bước vội tới trước. “Nói rộng ra thì ông rất chí lý, nhưng trường hợp của Thomas Brignell thì quả là may mắn. Ông ấy có một trí nhớ phi thường đối với tên và khuôn mặt. Phi thường!”
Poirot mỉm cười tán thưởng. “Vậy sao? Thế thì tôi đã đúng.”
“Về chuyện gì cơ?” tôi hỏi.
“Kiên nhẫn và suy nghĩ đi, Catchpool. Tôi sẽ giải thích một chuỗi sự việc. Người đàn ông giả dạng Richard Negus đã có mặt ở tiền sảnh khách sạn khi ông Negus lấy phòng hôm thứ tư, một ngày trước các án mạng. Có lẽ hắn muốn thám sát thực địa để chuẩn bị cho vai trò mà hắn sẽ đảm đương sau đó. Tóm lại là hắn đã thấy Richard Negus đến. Làm sao hắn biết đó là Richard Negus? Tôi sẽ trở lại vấn đề này sau. Hắn biết, nói vậy là đủ rồi. Hắn thấy Thomas Brignell làm thủ tục giấy tờ rồi trao chìa khóa phòng cho ông Negus. Tối hôm sau, sau khi giả dạng ông Negus để nhận bữa trà chiều và ra ngoài để vứt nó đi, người đàn ông đó đi ngang qua Thomas Brignell trên đường về lại phòng 317. Là người nhanh trí, hắn thấy ngay cơ hội tuyệt vời để củng cố cho cái kế hoạch đánh lừa cảnh sát. Hắn bèn tiến đến Brignell và nói với ông ta cứ như thể hắn, kẻ mạo danh, chính là Richard Negus. Hắn nhắc Brignell cái tên ông Negus rồi nhắc đến cuộc gặp trước đó.
“Thật ra Thomas Brignell chưa bao giờ gặp người đàn ông này trước đây, nhưng ông ta nhớ cái tên từ lúc trao chìa khóa phòng cho Richard Negus thật. Nay đột nhiên có người nói với ông ta đầy tự tin, vừa thân thiện vừa hiểu biết, rồi tự xưng cùng cái tên đó. Thomas Brignell bèn mặc định đó là Richard Negus. Ông ta đã không nhớ mặt ông Negus, nhưng sự lầm lẫn này ông ta chỉ tự trách trong lòng chứ không nói ra.”
Khuôn mặt Thomas Brignel chuyển thành màu vang đỏ.
Poirot nói tiếp: “Kẻ giả dạng Richard Negus yêu cầu một ly rượu vang. Tại sao? Để kéo dài cuộc tiếp xúc với Brignell thêm đôi chút, qua đó khắc sâu nó hơn chút nữa trong trí nhớ của nhân viên lễ tân này ư? Để làm dịu bớt sự căng thẳng thần kinh ư? Có lẽ là cả hai lý do.
“Bây giờ, xin phép quý vị cho phép tôi được lạc đề một chút: chất độc cyanide đã được tìm ra từ phần rượu vang còn sót trong chiếc ly đó. Nó cũng được tìm ra trong các tách trà của Harriet Sippel và Ida Gransbury. Nhưng không phải là trà hay rượu vang đã giết ba nạn nhân. Không thể như thế. Những thức uống này đến quá trễ, rất lâu sau khi các án mạng đã được tiến hành. Ly rượu vang và hai tách trà trên chiếc bàn phụ cạnh ba thi thể – đó là những thứ cốt yếu để dàn dựng sân khấu tội ác, để gây ấn tượng giả rằng việc giết người đã diễn ra sau 7 giờ 15. Thật ra, chất cyanide giết chết Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus đã được trao cho họ từ sớm hơn và bằng phương tiện khác. Cạnh bồn rửa trong mỗi phòng đều có ly uống nước, đúng không Signor Lazzari?”
“Si, ông Poirot. Đúng vậy.”
“Thế thì tôi cho rằng đó là cách mà thuốc độc đã được tiêu thụ: uống với nước. Trong mỗi trường hợp, ly nước đã được cẩn thận rửa sạch và đặt lại cạnh bồn rửa. Ông Brignell,” việc Poirot bất ngờ quay sang hỏi khiến người nhân viên lễ tân bật ra sau lưng ghế, như thể vừa bị ai đó bắn. “Ông không thích nói trước đám đông, nhưng ông đã lấy hết can đảm để làm việc đó vào cái lần đầu tiên chúng ta họp mặt tại phòng này. Ông nói với chúng tôi về cuộc gặp với ông Negus ngoài hành lang, nhưng ông không nhắc gì về ly rượu vang, ngay cả khi tôi đã hỏi cụ thể về nó. Sau đó, ông đến gặp tôi và bổ sung chi tiết ly rượu vang vào câu chuyện của ông. Khi tôi hỏi vì sao lúc đầu ông không nhắc đến nó, ông đã không trả lời. Tôi không hiểu vì sao, nhưng ông bạn tôi đây, ông Catchpool, ông ấy đã nói điều gì đó rất hiển hiện, rất soi sáng. Ông ấy nói ông là một người tận tâm, chỉ giữ lại thông tin trong một vụ án giết người nếu điều đó gây nhiều bối rối cho ông, và nếu ông tin chắc nó không liên can đến vụ án. Với đánh giá đó, ông bạn tôi quả là đã nói trúng đích, đúng không nhỉ?”
Brignell khẽ gật đầu.
“Cho phép tôi giải thích.” Poirot to giọng, mặc dù giọng ông đã khá lớn. “Lúc chúng ta họp trong phòng này lần trước tôi đã hỏi có ai mang ly rượu vang lên phòng ông Negus không. Không ai trả lời cả. Tại sao Thomas Brignell không nói: ‘Tôi không mang lên phòng ông ta, nhưng tôi có mang đến cho ông ta?’ Poirot tôi sẽ nói cho quý vị biết! Ông ta không nói vì ông ta có những ngờ vực trong đầu, và ông ta không muốn có rủi ro nói ra điều gì đó không đúng sự thật.
“Ông Brignell là nhân viên duy nhất trong khách sạn nhìn thấy một trong ba nạn nhân nhiều hơn một lần - hay, nói chính xác hơn, ông ta đã bị gài để tin rằng mình trông thấy Richard Negus nhiều hơn một lần. Ông ta biết mình có đưa một ly rượu vang cho một người tự xưng là Richard Negus và người này cư xử như thể đã từng gặp ông ta, nhưng người đó lại trông không giống Richard Negus mà Thomas Brignell đã gặp. Hãy nhớ lại đi, ông Lazzari vừa cho chúng ta biết ông Brignell có một trí nhớ phi thường đối với khuôn mặt và tên. Đó là lý do ông ta không lên tiếng khi tôi hỏi về ly rượu vang! Suy nghĩ của ông ta bị giằng co. Một giọng nói trong đầu ông ta đã thì thào: ‘Hẳn phải là ông ta, là cùng một người. Nhưng đó đâu phải là ông ta, nếu phải thì mình đã nhận ra rồi.’ Ít lâu sau, ông Brignell đã tự nhủ: ‘Sao mà mình ngốc thế! Dĩ nhiên đó là Richard Negus vì ông ta đã xưng tên là vậy mà! Lần đầu tiên trí nhớ đã phản lại mình. Và cạnh đó, giọng nói người này nghe hệt như ông Negus, cũng với âm điệu tiếng Anh của người có học.’ Với một người cực kỳ lương thiện như Thomas Brignell, sẽ là incroyable nếu có ai đó giả dạng người khác để chơi xỏ ông.
“Sau khi đi đến kết luận rằng người đàn ông kia phải là Richard Negus, ông Brignell đã quyết định đứng lên, nói cho tôi biết ông ta đã gặp Richard Negus vào lúc 7 giờ 30 đêm án mạng, nhưng ông ta quá bối rối để nhắc đến ly rượu vang vì ông ta sợ mình giống như gã ngố vì đã ngồi im thin thít trước đó, khi tôi hỏi về ly rượu. Dĩ nhiên tôi có thể sẽ hỏi ngay trước mặt mọi người: ‘Tại sao ông không nói với tôi lúc trước?’ và ông Brignell sẽ cảm thấy xấu hổ khi buộc phải nói: ‘Vì tôi đang mải băn khoăn làm cách nào ông Negus lại có khuôn mặt khác khi tôi gặp ông ta lần thứ hai.’ Ông Brignell có thể xác nhận những gì tôi nói là đúng không? Không cần lo lắng bị coi là gã ngố đâu. Ngược lại là khác. Đó là một khuôn mặt khác. Đó là một người khác.”
“Tạ ơn Chúa,” Brignell nói. “Ông Poirot, từng điều ông nói đều tuyệt đối đúng.”
“Bien sur,” Poirot nói, không chút khiêm tốn. “Thưa quý vị, xin chớ quên rằng cùng tên thì không nhất thiết phải là cùng người. Khi Signor Lazzari mô tả với tôi người phụ nữ lấy phòng khách sạn dưới tên Jennie Hobbs, tôi đã nghĩ cô ta có thể là cùng người phụ nữ mà tôi đã gặp tại quán cà phê Pleasant. Nghe có vẻ giống nhau: tóc vàng, nón nâu sậm, áo khoác màu nâu nhạt hơn. Nhưng với hai người đàn ông chỉ một lần duy nhất thấy một người phụ nữ phù hợp với mô tả này thì không thể nào nói chắc họ đã thấy cùng một người phụ nữ. Điều đó khiến tôi phải ngẫm nghĩ. Lúc đó tôi đã nghi ngờ rằng Richard Negus quá cố mà tôi đã thấy xác và Richard Negus còn sống mà Rafal Bobak và Thomas Brignell thấy vào đêm án mạng là hai người khác nhau. Rồi tôi nhớ có nghe nói, khi đến Bloxham hôm thứ tư, rằng Richard Negus đã được Thomas Brignell tiếp. Nếu tôi giả thiết đúng thì đó phải là Richard Negus khác, Richard Negus thật. Bất chợt tôi hiểu ra sự khó xử của Thomas Brignell. Làm sao ông ta có thể nói công khai rằng nhân vật duy nhất đó lại có hai khuôn mặt? Mọi người sẽ nghĩ ông ta bị mất trí!”
“Ông mới là người ăn nói dở điên dở khùng, ông Poirot ạ,” Samuel Kidd nhạo báng.
Poirot nói tiếp như thể Samuel Kidd chưa hề lên tiếng. “Kẻ giả mạo này có thể không giống Richard Negus ở bề ngoài, nhưng tôi biết chắc hắn có khả năng nhại giọng hoàn hảo. Hắn là một tay bắt chước xuất sắc – có giống ông không vậy, ông Kidd?”
“Đừng nghe ông ta! Ông ta là một kẻ xảo trá!”
“Không đâu, ông Kidd! Chính ông mới là kẻ trí trá. Ông đã giả giọng tôi đâu chỉ một lần.”
Từ cuối phòng, Fee Spring đứng dậy. “Tất cả quý vị phải tin lời ông Poirot,” cô nói. “Ông ấy đang nói sự thật, đúng vậy! Tôi đã nghe Samuel Kidd nhại giọng ông Poirot. Nếu nhắm mắt tôi sẽ lầm tưởng là ông ấy.”
“Samuel Kidd không chỉ trí trá với giọng nói,” Poirot nói. “Lần đầu tiên tôi gặp ông ta, ông ta thể hiện như một người có trí tuệ dưới mức trung bình với bề ngoài nhếch nhác: áo của ông ta đầy vết bẩn và mất cúc. Còn bộ râu cạo dở nữa chứ: ông ta chỉ cạo một mảng nhỏ trên mặt. Ông Kidd, làm ơn cho mọi người ở đây biết tại sao mới lần đầu chúng ta gặp mặt nhau mà ông lại cường điệu đến thế trong việc làm cho mình trông nhếch nhác.”
Samuel Kidd nhìn đăm đăm phía trước, không nói gì cả. Cặp mắt đầy căm hận.
“Tốt lắm, nếu ông không chịu nói thì tôi đành phải tự giải thích vậy. Ông Kidd bị xước ở má khi trèo xuống ngọn cây bên ngoài cửa sổ phòng 238, tức phòng của Richard Negus. Vết xước trên mặt một người đàn ông ăn mặc tươm tất có thể gây chú ý và khiến nảy sinh những câu hỏi, đúng không nhỉ? Một người chỉn chu bề ngoài thì chắc chắn không để dao cạo gây ra một vết xước khó coi trên khuôn mặt. Ông Kidd không muốn tôi nghĩ theo hướng đó. Ông ấy không muốn tôi thắc mắc có phải mới đây ông ta đã trèo ra từ một cánh cửa sổ mở và leo cây xuống, vì vậy ông ta tạo ra một bộ dạng lôi thôi, lếch thếch. Ông ta dàn xếp để trông giống loại người hậu đậu đến mức thường xuyên bị dao phạm khi cạo râu, và rồi, để tránh nhiều vết phạm hơn nữa, đã đi loanh quanh với khuôn mặt nửa cạo nửa không! Một người bừa phứa như vậy dĩ nhiên phải sử dụng dao cạo một cách cẩu thả và gây ra thương tích – đó là điều mà ông ta muốn Poirot tôi tin, và đó là điều mà thoạt đầu Poirot đã tin.”
“Khoan đã nào, ông Poirot,” tôi nói. “Nếu ông nói Samuel Kidd trèo xuống từ cửa sổ phòng Richard Negus thì…”
“Tôi có nói ông ta giết ông Negus không? Non. Ông ta không giết. Ông ta chỉ hỗ trợ kẻ giết Richard Negus. Còn kẻ đó là ai thì… tôi chưa thể nói tên cho anh biết.” Poirot mỉm cười.
“Ông chưa nói,” tôi gay gắt nói. “Cũng chưa cho tôi biết ba người trong phòng 317 vào lúc Rafal Bobak mang bữa trà chiều đến là ai. Ông chỉ nói lúc đó cả ba nạn nhân đều đã chết…”
“Đúng vậy. Một trong ba người trong phòng 317 vào lúc 7 giờ 15 là Ida Gransbury. Cô này đã chết nhưng được dựng ngồi trên ghế giống như còn sống, làm sao để người ta không nhìn thấy mặt. Người thứ hai là Samuel Kidd trong vai Richard Negus.”
“Vâng, tôi cũng đoán thế, nhưng còn người thứ ba là ai?” Tôi hỏi khá táo tợn. “Ai là người phụ nữ sắm vai Harriet Sippel, buôn chuyện một cách hả hê và hằn học? Không thể là Jennie Hobbs được. Như ông đã nói, Jennie lúc đó hẳn đang trên đường đến quán cà phê Pleasant rồi.”
“À, vâng, người phụ nữ buôn chuyện một cách hằn học,” Poirot nói. “Để tôi nói cho anh biết, bạn tôi ạ. Người phụ nữ đó là Nancy Ducane.”
Tiếng la hét tràn ngập căn phòng.
“Ồ, không, ông Poirot,” Luca Lazzari thốt lên. “Signora Ducane là một trong những họa sĩ tài năng nhất nước. Bà ấy còn là người bạn trung tín nhất của khách sạn này. Hẳn là ông lầm rồi!”
“Tôi không lầm đâu, mon ami.”
Tôi nhìn Nancy Ducane. Bà vẫn đang ngồi đó, vẻ nhẫn nhục, không chối cãi gì cả. Họa sĩ lừng danh Nancy Ducane thông đồng với Samuel Kidd, vị hôn phu cũ của Jennie Hobbs? Tôi chưa bao giờ bối rối như thế trong đời. Tất cả những điều này là thế nào?
“Catchpool, tôi chẳng đã từng nói với anh rằng bà Ducane hôm nay quấn khăn quàng che mặt vì không muốn bị nhận ra đó sao? Anh thì mặc định ý tôi là ‘không muốn bị nhận ra bà ấy là một họa sĩ chân dung nổi tiếng’. Không phải! Bà ấy không muốn bị Rafal Bobak nhận ra bà ta chính là Harriet mà ông ta thấy trong phòng 317 vào đêm án mạng! Bà Ducane, xin bà làm ơn đứng dậy và gỡ khăn quàng ra.”
Nancy làm theo.
“Ông Bobak, đây có phải là người phụ nữ ông đã thấy?”
“Vâng, thưa ông Poirot. Đúng là bà ta.”
Âm thanh đó nhỏ thôi, nhưng vẫn nghe rõ mồn một: tiếng không khí hít vào phổi và được lưu giữ lại đó. Âm thanh đó ngập tràn căn phòng lớn.
“Ông đã không nhận ra họa sĩ chân dung nổi tiếng Nancy Ducane?”
“Không thưa ông, tôi mù tịt về nghệ thuật và lúc đó tôi chỉ nhìn nghiêng được bà ta thôi. Bà ta quay đầu lại phía tôi.”
“Chắc chắn bà ta đã làm thế, phòng khi ông là người yêu nghệ thuật và xác định được danh tính bà ấy thì sao.”
“Tuy nhiên hôm nay tôi đã nhận ra bà ta ngay khi bà ta bước vào – bà ta và ông Kidd. Tôi đã cố báo với ông, thưa ông, nhưng ông không cho phép tôi nói.”
“Đúng, và cả Thomas Brignell cũng cố báo cho tôi rằng ông ta đã nhận ra Samuel Kidd,” Poirot nói.
“Hai trong ba người tôi tưởng đã bị giết hóa ra vẫn sống khỏe và bước vào phòng này!” Qua giọng nói có thể thấy Rafal Bobak vẫn chưa hồi phục sau cú sốc.
“Còn chứng cớ ngoại phạm của Nancy Ducane do ngài Wallace và phu nhân cung cấp thì sao?” Tôi hỏi Poirot.
“Tôi e rằng nó không thật,” Nancy nói. “Đó là lỗi của tôi. Xin làm ơn đừng trách họ. Họ là những người bạn thân thiết và họ chỉ cố giúp tôi thôi. Cả St. John lẫn Louisa đều không biết tôi đã ở khách sạn Bloxham vào đêm án mạng. Tôi đã thề với họ rằng tôi không ở đó, và họ đã tin tôi. Là những người bạn tốt và dũng cảm, họ không muốn thấy tôi bị quy cho ba án mạng mà tôi không phải là thủ phạm. Ông Poirot, tôi tin ông hiểu mọi chuyện, vì vậy ông phải biết rằng tôi không giết ai cả.”
“Khai man với cảnh sát trong một cuộc điều tra án mạng không phải là dũng cảm đâu, thưa bà. Đó là việc làm không thể bào chữa được. Phu nhân Wallace, khi rời khỏi nhà bà, tôi đã biết bà nói dối!”
“Sao ông dám ăn nói với vợ tôi như thế?” St. John Wallace quát lên.
“Tôi xin lỗi nếu sự thật không phải là sở thích của ngài, ngài Wallace.”
“Làm cách nào ông biết điều đó, ông Poirot?” bà Wallace hỏi.
“Bà có một người giúp việc mới: Dorcas. Cô ta có mặt ở đây hôm nay chỉ vì tôi đã yêu cầu bà đem cô ta theo. Cô ta rất quan trọng trong câu chuyện này. Bà nói với tôi rằng Dorcas mới giúp việc cho bà vài ngày, và tôi cũng thấy cô ta có đôi chút vụng về. Cô ta bưng cho tôi tách cà phê và đánh đổ gần hết. May thay, vẫn còn chút ít, đủ cho tôi nhấm nháp. Và tôi đã lập tức nhận ra đó là cà phê của quán Pleasant. Cà phê của họ không nhầm lẫn vào đâu được, không nơi nào khác có cà phê giống vậy.”
“Ồ!” Fee Spring thốt lên.
“Đúng vậy, thưa cô. Điều đó đã tác động sâu sắc lên tâm trí tôi: lập tức, tôi ghép nối được nhiều điều, giống như các mảnh ghép chợt khớp lại với nhau. Cà phê mạnh rất có ích cho trí não.”
Poirot châm chọc nhìn Fee Spring. Cô bĩu môi không tán thành.
“Cô giúp việc khá hậu đậu ấy là người mới. Xin lỗi cô, cô Dorcas, tôi tin chắc rằng cô sẽ tiến bộ, chỉ cần thêm thời gian. Tôi ghép sự kiện này với quán cà phê Pleasant và nó cho tôi một ý tưởng: nếu như Jennie Hobbs là người giúp việc cũ của Louisa Wallace thì sao? Qua các cô phục vụ ở Pleasant, tôi biết Jennie thường đến quán để mua đồ cho chủ, một phu nhân thuộc tầng lớp thượng lưu. Jennie gọi bà này là ‘Lệnh bà’. Có thú vị không nếu như, cho đến cách đây chỉ vài ngày, Jennie Hobbs vẫn còn làm việc cho người phụ nữ cung cấp chứng cứ ngoại phạm cho Nancy Ducane? Một sự trùng hợp lạ kỳ – hoặc là không hề trùng hợp gì cả. Thoạt đầu, suy nghĩ của tôi về việc này đã men theo một con đường sai. Tôi nghĩ: Nancy Ducane và Louisa Wallace là bạn bè, và họ thông đồng nhau để giết Jennie.”
“Ý tưởng gì lạ thế!” Louisa Wallace nói.
“Một sự dối trá ghê tởm!” ngài Wallace phụ họa theo.
“Không phải là dối trá, pas du tout. Là một sai lầm thôi. Jennie, như chúng ta đều thấy, nào có chết đâu. Tuy nhiên, tôi đã không sai lầm khi tin rằng cô ta là người giúp việc trong nhà của St. John và Louisa Wallace, mới vừa được thế chỗ bởi cô Dorcas. Sau khi nói chuyện với tôi ở Pleasant vào đêm án mạng, Jennie phải nhanh chóng rời khỏi nhà vợ chồng Wallace. Cô ta biết tôi sẽ sớm đến đó để lấy lời xác nhận cho chứng cứ ngoại phạm của Nancy Ducane. Nếu tôi phát hiện cô ta ở đó, làm việc cho người phụ nữ cung cấp chứng cứ ngoại phạm, tôi sẽ lập tức nghi ngờ. Catchpool, nói tôi biết đi – nói cho mọi người biết – cụ thể thì tôi sẽ nghi ngờ gì?”
Tôi hít vào một hơi sâu, cầu cho mình đừng phát biểu trật trịa. “Ông sẽ nghi ngờ Jennie Hobbs và Nancy Ducane cấu kết với nhau để lừa dối chúng ta.”
“Rất đúng, mon ami.” Poirot nheo mắt với tôi. Quay sang các thính giả, ông nói: “Sau khi nếm món cà phê và ngẫm ra mối liên kết với quán Pleasant, tôi đã xem một bức tranh mà St. John Wallace vẽ tặng vợ ông nhân kỷ niệm ngày cưới. Đó là một bức tranh màu xanh bìm bịp. Nó ghi ngày bốn tháng 8 năm ngoái, và phu nhân Wallace đã giải thích về ý nghĩa của ngày đó. Chính lúc đó mà Poirot này đã nhận ra một điều: bức chân dung Nancy Ducane vẽ Louisa Wallace mà ông ta mới vừa xem vài phút trước… nó không ghi ngày. Là người yêu mến nghệ thuật, tôi đã từng tham quan vô số những cuộc triển lãm tại London. Tôi từng nhiều lần xem các tác phẩm của bà Ducane. Tranh của bà ấy luôn luôn có ghi ngày ở góc dưới, bên phải cùng dòng chữ tắt họ tên: NAED.”
“Ông chăm chú hơn hầu hết những người xem triển lãm,” Nancy nói.
“Hercule Poirot luôn chăm chú – mọi thứ. Thưa bà, tôi tin rằng bức chân dung Louisa Wallace đã từng được bà ghi ngày, cho đến khi bà xóa nó đi. Tại sao vậy? Vì nó không phải là tranh mới vẽ. Bà cần tôi tin rằng bà giao tranh cho phu nhân Wallace vào đêm án mạng và vì vậy phải là một bức chân dung vừa hoàn tất. Tôi tự hỏi tại sao bà không vẽ lên một ngày tháng năm mới, một ngày tháng năm giả? Câu trả lời quá hiển hiện: nếu các tác phẩm của bà tồn tại hàng trăm năm, và nếu các nhà viết sử nghệ thuật quan tâm đến chúng – và chắc chắn họ quan tâm – bà không muốn làm lạc hướng những người quan tâm đến các tác phẩm của bà. Không, những người duy nhất bà muốn làm lạc hướng là Hercule Poirot và cảnh sát!”
Nancy Ducane khẽ nghiêng nghiêng đầu. Bằng một giọng trầm tư, bà nói: “Ông sâu sắc quá, ông Poirot. Ông thực sự hiểu, đúng không ông?”
“Oui, madame. Tôi hiểu rằng bà đã tìm việc cho Jennie Hobbs bằng cách gửi cô ta đến người bạn Louisa Wallace của bà – để giúp Jennie lúc cô ta chân ướt chân ráo đến London và cần có việc làm. Tôi hiểu rằng Jennie chưa bao giờ tham gia vào bất cứ kế hoạch nào nhằm đổ vấy tội cho bà mặc dù cô ta để cho Richard Negus tin rằng cô ta tham gia. Thật ra, thưa quý vị, Jennie Hobbs và Nancy Ducane đã là bạn bè và đồng minh của nhau từ khi cả hai cùng sống ở Great Holling. Hai người phụ nữ cùng yêu Patrick Ive vô điều kiện và bất chấp mọi lý lẽ đã lập ra một kế hoạch tinh quái, khéo đến mức suýt nữa đã lừa được Hercule Poirot này, nhưng cuối cùng thì vẫn không đủ!”
“Dối trá, tất cả là dối trá!” Jennie bật khóc.
Nancy không nói năng gì.
Poirot nói: “Chúng ta hãy trở lại cái lúc ở nhà ngài Wallace và phu nhân. Tôi đã xem rất kỹ và rất lâu bức chân dung Louisa Wallace do Nancy Ducane vẽ. Trên tranh có một bộ ấm chén màu xanh. Khi tôi đi qua đi lại trong phòng để nhìn ngắm nó qua những luồng sáng khác nhau, màu xanh của bộ ấm chén vẫn là một khối màu rắn chắc, tầm thường, không có gì đáng chú ý. Mọi màu khác trên vải bạt đều hơi đổi theo ánh sáng khi tôi bước quanh. Nancy Ducane là một họa sĩ lão luyện. Bà ấy là một thiên tài trong lĩnh vực màu sắc – chỉ trừ khi bà ấy vội, khi bà ấy không nghĩ về nghệ thuật nữa mà chỉ nghĩ làm sao bảo vệ mình và cô bạn Jennie Hobbs của mình. Để che giấu thông tin, Nancy sơn nhanh màu xanh lên bộ ấm chén vốn trước đó không phải là màu xanh. Tại sao bà ấy làm như vậy?”
“Để che ngày tháng nó được viết?” tôi gợi ý.
“Non. Bộ ấm chén nằm ở nửa trên bức họa, còn Nancy Ducane thì luôn ghi ngày ở góc phải bên dưới,” Poirot nói. “Phu nhân Wallace, bà đã không ngờ tôi xin được tham quan khắp nhà từ tầng trệt đến tầng mái. Bà nghĩ tôi sẽ hài lòng ra về sau khi chúng ta trao đổi xong và khi tôi xem xong chân dung của bà do Nancy Ducane vẽ. Nhưng tôi thì lại muốn kiểm tra xem, liệu có tìm được bộ ấm chén xanh trong bức chân dung hay không, cái bộ ấm chén đã được sơn một cách kém tinh tế so với tất cả các chi tiết còn lại. Và tôi đã tìm ra nó! Phu nhân Wallace có vẻ bối rối vì nó mất tích, nhưng sự bối rối của bà ấy là giả vờ. Trong một phòng ngủ trên gác, có một bộ ấm chén màu trắng in huy hiệu bên trên. Tôi nghĩ đây có lẽ là bộ ấm chén trong bức họa, tuy nó không phải là màu xanh. Cô Dorcas, phu nhân Wallace nói với tôi rằng cô hẳn đã làm vỡ hay trộm đi bộ ấm chén đó.”
“Tôi không có!” Dorcas ấm ức nói. “Tôi chưa từng thấy bộ ấm chén xanh nào trong nhà.”
“Bởi vì, cô gái trẻ ạ, nó chưa bao giờ tồn tại cả!” Poirot nói. “Tôi tự hỏi tại sao Nancy Ducane lại đè lớp sơn xanh lên bộ ấm chén màu trắng? Bà ấy muốn che giấu thứ gì vậy? Tôi kết luận, chắc chắn đó là cái huy hiệu. Huy hiệu không thuần túy là để trang trí. Đôi lúc nó gắn với gia tộc, đôi lúc nó gắn với những trường học nổi tiếng.”
“Trường Saviour, thuộc Đại học Cambridge,” tôi thốt lên trước khi kịp ngăn mình. Tôi nhớ lại, ngay trước khi Poirot và tôi rời London để đến Great Holling, Stanley Beer đã có nhắc đến một huy hiệu nào đó.
“Oui, Catchpool. Sau khi rời nhà ngài Wallace và phu nhân, tôi đã vẽ lại chiếc huy hiệu để khỏi quên. Tôi chẳng phải là họa sĩ, nhưng cũng vẽ khá chính xác. Tôi nhờ viên đội Stanley Beer tìm hiểu xem huy hiệu đó đến từ đâu. Như tất cả quý vị đã nghe ông bạn Catchpool của tôi nói, huy hiệu trên bộ ấm chén trắng tại nhà ngài Wallace và phu nhân là huy hiệu trường Saviour, Cambridge, nơi Jennie Hobbs từng là người giúp việc cho mục sư Patrick Ive. Cô Hobbs, bộ ấm chén đó là quà chia tay mà cô được tặng khi rời Saviour đến Great Holling cùng Patrick và Frances Ive, đúng không? Rồi khi chuyển đến ở nhà ngài Wallace và phu nhân, cô đã mang nó theo. Khi rời ngôi nhà đó trong vội vã để đến trốn tại nhà ông Kidd, cô đã không mang nó theo. Cô không có tinh thần đâu để nghĩ đến những thứ nhỏ nhặt đó. Tôi tin rằng, đến lúc đó, Louisa Wallace đã chuyển bộ ấm chén từ khu vực dành cho gia nhân mà cô từng chiếm giữ sang phòng ngủ cho khách, nơi nó có thể được chiêm ngưỡng bởi những người khác mà bà ấy muốn tạo ấn tượng.”
Jennie không trả lời. Khuôn mặt cô đờ đẫn và vô cảm.
“Nancy Ducane không muốn có một chút rủi ro nào,” Poirot nói tiếp. “Bà ấy biết rằng, sau các án mạng ở khách sạn, Catchpool và tôi sẽ đặt ra nhiều câu hỏi ở làng Great Holling. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông cụ say xỉn Walter Stoakley, cựu hiệu trưởng trường Saviour, nhắc chúng tôi rằng ông đã từng tặng Jennie Hobbs một bộ ấm chén có in huy hiệu để làm quà chia tay? Nếu chúng tôi thấy huy hiệu trên bức chân dung vẽ phu nhân Louisa Wallace, chúng tôi có thể phát hiện ra mối liên hệ với Jennie Hobbs rồi lần ra tiếp mối quan hệ giữa Nancy Ducane và Jennie Hobbs, vốn không phải là thù địch và ghen tuông như cả hai người phụ nữ này nói, mà là một mối quan hệ bằng hữu và thông đồng. Bà Ducane không chấp nhận rủi ro bị nghi ngờ chỉ vì cái huy hiệu trên bức chân dung, cho nên bộ ấm chén trắng đã được sơn lên màu xanh… một cách vội vã và không mấy nghệ thuật.”
“Không phải tác phẩm nào của người ta cũng đều là tốt nhất, ông Poirot ạ,” Nancy nói.
Tôi sợ hãi khi nghe bà ấy vẫn nói năng hợp lý, một kẻ từng thông đồng giết ba con người mà vẫn lịch thiệp và lý lẽ đến vậy.
“Ngài đồng ý với bà Ducane chứ, ngài Wallace?” Poirot hỏi. “Ngài cũng là một họa sĩ, mặc dù theo trường phái rất khác. Thưa quý vị, St. John Wallace là một họa sĩ vẽ thực vật. Khi thăm nhà ngài, tôi đã xem các tác phẩm của ngài trong từng căn phòng. Phu nhân Louisa đã rất tử tế khi giới thiệu cho tôi khắp xung quanh. Bà ấy còn rất rộng lượng khi cung cấp chứng cứ ngoại phạm giả cho Nancy Ducane. Phu nhân Louisa, quý vị thấy đấy, là một phụ nữ tốt bụng. Lòng tốt của bà ấy thuộc vào loại nguy hiểm nhất: do ở quá xa cái ác mà bà không nhận ra nó, dù nó có sờ sờ trước mắt! Phu nhân Wallace tin vào sự vô tội của Nancy Ducane và đã cung cấp chứng cứ ngoại phạm để che chở bạn mình. À, Nancy tài năng, dễ mến, bà ấy vô cùng thuyết phục! Bà ấy đã thuyết phục St. John Wallace rằng bà đang háo hức muốn thử nghiệm thể loại hội họa của ngài. Ngài Wallace có quan hệ tốt và có tiếng tăm, vì vậy cũng dễ sắm những loại cây mà ngài cần để vẽ vời. Nancy Ducane nhờ ngài mua giùm vài cây sắn, loại cây mà từ đó chất cyanide được chiết ra!”
“Làm thế quái nào ông biết được điều đó?” St. John Wallace sửng sốt hỏi.
“Đoán cầu may thôi mà, thưa ngài. Nancy Ducane nói với ngài rằng bà ấy muốn mua các cây này cho mục đích nghệ thuật của bà ấy, đúng không ạ? Và ngài đã tin.” Poirot nói tiếp với đám người đang há hốc: “Sự thật là cả ngài Wallace lẫn vợ của ngài ấy đều không thể tin nổi người bạn tốt xưa nay của họ lại có thể giết người. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất xấu đến họ. Địa vị xã hội – thử hình dung xem! Ngay lúc này đây, khi mọi điều tôi nói đều khớp hoàn toàn với những điều mà họ biết là đúng, St. John và Louisa Wallace vẫn tự nhủ rằng lão thám tử lì lợm đến từ Lục địa này dứt khoát là sai. Đó chính là sự ngoan cố của con người, đặc biệt khi đó là những idées fixes của giới thượng lưu!”
“Ông Poirot, tôi không giết ai cả,” Nancy Ducane nói. “Tôi biết rằng ông biết tôi nói thật. Xin ông, hãy nói rõ cho mọi người trong phòng này rằng tôi không phải là kẻ giết người.”
“Tôi không thể, thưa bà. Je suis désolé. Bà không đích thân bỏ độc, nhưng bà đã âm mưu lấy đi ba mạng người.”
“Phải, nhưng đó chỉ vì tôi muốn cứu những mạng khác,” Nancy bức xúc nói. “Tôi chẳng có tội gì cả! Lại đây, Jennie, chúng ta hãy kể lại câu chuyện thật của chúng ta đi. Khi nghe xong, ông ta sẽ phải thừa nhận chúng ta bắt buộc phải làm vậy để cứu mạng sống của chính mình.”
Căn phòng im phăng phắc. Mọi người đều ngồi im. Tôi không nghĩ Jennie sắp di chuyển, nhưng rồi, chầm chậm, cô ta đứng dậy. Nắm chặt chiếc túi phía trước bằng cả hai tay, cô ta băng qua phòng, tiến đến chỗ Nancy.
“Mạng sống của chúng ta không đáng cứu,” cô ta nói.
“Jennie!” Sam Kidd hét lên rồi cả ông ta cũng bật dậy khỏi ghế, tiến đến chỗ cô ta.
Khi nhìn ông ta, tôi có cái cảm giác kỳ lạ rằng thời gian đang chậm lại. Tại sao Sam Kidd lại chạy? Mối nguy là gì? Rõ ràng ông ta nghĩ có mối nguy. Mặc dù không hiểu vì sao, trái tim tôi bắt đầu đập nhanh và mạnh. Điều gì đó khủng khiếp sắp diễn ra. Tôi cũng co giò chạy về phía Jennie.
Cô ta mở túi ra. “Chị muốn đoàn tụ với Patrick đúng không?” cô ta nói với Nancy. Tôi nhận ra giọng cô, nhưng đồng thời cũng chẳng phải giọng cô. Đó là âm thanh của bóng tối triền miên được cô đặc lại thành lời. Tôi hy vọng đừng bao giờ nghe lại thứ âm thanh đó chừng nào tôi còn sống.
Poirot cũng bắt đầu di chuyển, nhưng cả hai chúng tôi đều đang ở quá xa. “Ông Poirot!” tôi gọi. “Ai đó ngăn cô ta lại đi!” Tôi thấy kim loại và ánh sáng nhảy múa. Hai người đàn ông ngồi ở bàn gần Nancy bật dậy, nhưng họ đã không di chuyển kịp. “Không!” Tôi la lên. Có một chuyển động nhanh – cánh tay của Jennie – rồi máu xối xả tuôn ra từ váy của Nancy chảy xuống sàn. Nancy đổ xuống đất. Đâu đó ở cuối phòng, một người phụ nữ hét lên.
Poirot đã ngừng di chuyển. Giờ đây ông đứng im như phỗng. “Mon Dieu,” ông nói rồi nhắm mắt lại.
Samuel Kidd đến chỗ Nancy trước tôi. “Bà ấy chết rồi,” ông ta nói khi nhìn xuống thi thể bà trên sàn.
“Đúng vậy, bà ấy đã chết,” Jennie nói. “Em đã đâm vào tim bà ấy. Trúng ngay tim.”