God be thanked for books! they are the voices of the distant and the dead, and make us heirs of the spiritual life of past ages.

W.E. Channing

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6963 / 241
Cập nhật: 2015-11-09 00:34:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Xxiii - Gia Đình Tôi
Ợ DẠY HỌC, CHỒNG VIẾT SÁCH
Cuối năm 1954 chúng tôi đã lập xong cơ sở làm ăn rồi: một trường học mới đầu có hai lớp, sau bỏ lớp mẫu giáo để làm kho chứa sách; và một nhà xuất bản mỗi năm chỉ ra ba bốn cuốn. Từ đó công việc cứ tiến phát đều đều. Vợ dạy học, chồng viết sách, không mướn một người nào ngoài chị bếp; mọi việc tự làm lấy hết theo lối tiểu công nghệ gia đình.
Nhà tôi kèm những trẻ trường tiểu học của Pháp, mới đầu chỉ dăm em, sau tăng lên có lúc tới bốn chục em, phải chia làm hai buổi: sáng và chiều.
Công việc đó làm không quen thì rất mệt. Tôi đã có vài ba lần thay nhà tôi trong nửa tháng, thấy bận gấp hai, gấp ba một công chức nhiều việc. Học sinh tuy chỉ độ trên dưới hai chục, nhưng chia làm ba bốn cỡ, từ lớp 10 tới lớp 7 (lớp 7 của Pháp là lớp thi lên trung học); lại thêm các em học ở nhiều trường khác nhau. Phải giảng lại bài cho mỗi em, chỉ cách làm bài rồi sửa cho mỗi em, bắt các em học bài rồi trả bài nữa, mà không có tới ba em bài làm và bài học giống nhau. Cho nên trong ba giờ liên tiếp, tôi không được nghỉ một phút. Nhà tôi dạy quen, mà mùa hè, buổi chiều dạy xong cũng thấy uể oải. Nhưng được nhiều cái vui: dạy có kết quả, học sinh và cha mẹ học sinh đều quí; và tiền thù lao cũng khá hậu, bằng ba lần một giáo sư trung học.
Tôi thì suốt ngày đọc sách và viết sách. Ba bốn tháng một lần, khi có sách mới ra thì đi "chào" các nhà phát hành mất một ngày; rồi nhà nào muốn mua thêm thì làm cái toa xin giao sách, tôi chỉ việc coi toa mà lấy sách, tính tiền rồi nhờ chị bếp đi giao và thu tiền. Nếu số sách nhiều thì tôi đi giao lấy.
Tôi vẫn viết tiếp các sách loại học làm người, loại giáo dục, tổ chức, văn học...; rồi do tò mò tìm hiểu về triết học Trung Hoa, kinh tế, tiểu sử danh nhân, văn học thế giới. Tôi lại hợp tác với vài ba tờ báo định kì, góp ý với độc giả về các vấn đề thời sự. Công việc viết lách này tôi sẽ nói kĩ trong các chương sau. Ở đây xin kể ít việc quan trọng gia đình tôi từ 1955 đến 1975.
° °
°
THÊM BẠN ĐỜI
Ngay từ hồi mới hỏi nhà tôi - đầu năm 1937 - tôi đã cho nhà tôi hay mối tình bạn bè giữa cô Nguyễn Thị Liệp và tôi. Trong thời tản cư, dạy học tại nhà cô Liệp ở Long Xuyên, nhà tôi cũng cho cháu Nhật Đức về ở với tôi vài vụ nghỉ hè để tôi dạy thêm. Vậy là cả nhà tôi lẫn cháu đều biết cô Liệp.
Năm 1956, bà cụ thân sinh cô Liệp qui tiên được 9 năm rồi, tôi lặp lại lời cầu hôn từ hai chục năm trước, cô vì chiều lòng tôi mà miễn cưỡng nhận lời. Tôi hỏi ý nhà tôi, nhà tôi không do dự, chấp nhận liền mặc dù rán nén sự miễn cưỡng. Hôn lễ cử hành ở Long Xuyên, rất đơn giản, bác Ba tôi làm chủ hôn bên nhà trai.
Trong ba người chỉ có tôi là đóng vai trò không đẹp, ích kỉ, khiến cho hai người kia đều buồn. May là cả hai người đều có học, đều dạy học để tự túc được mà mỗi người ở một nơi, nên buồn vài năm rồi cũng quen, và từ năm 1972, hai người thân với nhau như chị em; bây giờ thì ai cũng nhận rằng việc mà hai người năm 1956 đành phải chấp nhận như một số phận, bốn năm năm nay (từ 1975) đã thành một cái may, một hạnh phúc chẳng những cho ba chúng tôi mà còn cả cho con trai và các cháu nội tôi nữa. Tôi sẽ trở lại việc đó.
Làm lễ cưới rồi, tôi vẫn ở Sài Gòn điều khiển nhà xuất bản, hai ba tháng lại về Long Xuyên nghỉ nửa tháng. Nhà ở Long Xuyên có vườn rộng, cây cao bóng mát, rất hợp cho tôi vì viết lách làm cho trí óc tôi thường căng thẳng, sinh ra mất ngủ, đau bao tử. Trong bài tựa cuốn Sống đẹp (dịch cuốn The importance of living của Lâm Ngữ Đường), tôi đã kể: "Một lần sau hai năm chuyện tâm vào một công việc rất mệt trí, đến nỗi bệnh cũ - loét bao tử - của tôi trở nên nặng, tôi đành bỏ dở công việc, đem theo bản Pháp văn L’importance de vivre của cuốn đó về Long Xuyên dưỡng bệnh. Trong cảnh nghỉ ngơi nhàn nhã như vậy tôi mới thưởng thức hết cái hóm hỉnh, sâu sắc của Lâm, và một chương tả trời xanh cùng tiếng chim hót đã làm cho tôi thấy vũ trụ đẹp thêm lên bội phần: một dây mướp rủ từ cành xoài xuống, đã gần tàn, chỉ còn mỗi một bông vàng rực đong đưa dưới gió, cảnh thực là bình thường, quê mùa mà sao hôm đó tôi thấy vui lạ, rực rỡ lạ. Nhờ nó một phần mà trí óc tôi dịu xuống và khi trở về Sài Gòn tôi làm việc lại được".
Ở Long Xuyên, nếu là mùa nước lớn bắt đầu rút, tôi thích ra ngồi ở công viên Nguyễn Du - nay không còn nữa - xem chài cá linh: một loài cá nhỏ từ Cao Miên xuống, khi kho rục xương thì ngon như cá mòi của Pháp. Chỉ hai người với một chiếc ghe nhỏ là trong một buổi chài được cả chục thùng thiếc cá; nếu là mùa xuân, chúng tôi thích dạo theo các bờ rạch tìm hương xoài, hương bưởi và cái thú "giang thượng chi thanh phong" của Tô Đông Pha.
Ở Sài Gòn và Long Xuyên tôi không phải lo gì về việc nhà cả; ngay cả những việc xã giao, giỗ tết, tôi cũng không cần để ý tới; nhờ vậy tôi rảnh để chuyên viết. Và tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng một nửa số tác phẩm của tôi là do công của hai người nội tướng kiêm ngoại tướng của tôi. Tôi chỉ biết chúi đầu vào sách vở thôi, hết viết thì đọc, ngưng đọc thì viết.
° °
°
CON TÔI QUA PHÁP
Năm 1957, cháu Nhật Đức đậu Tú tài Pháp, ban toán, hạng bình thứ được bộ Giáo dục cho một nửa học bổng qua Paris học để thì vào trường Cao học Thương mại Paris (Hautes Études Commerciales de Paris). Không hiểu vì lẽ gì, bộ Nội vụ ngâm đơn du học của nó rất lâu, khi nó tới Pháp thì tựu trường đã được tháng rưỡi rồi, nó đành phải học ở Toulouse. Toán, Vật lí, nó học được nhưng không giỏi, chỉ xuất sắc về Pháp văn. Ở Sài Gòn cũng như ở Pháp, nó thường vào hạng hai ba người đầu lớp về môn luận Pháp văn. Trong mấy năm đầu tôi chỉ gởi cho nó vừa đủ tiền để tiêu, muốn tập cho nó tiết kiệm; mãi khi nó lên Paris, học có phần tiến bộ, tôi mới gởi cho nó dư một chút. Nuôi con, tôi không để cho nó thiếu thốn, tạo cho nó hoàn cảnh tốt nhất để học, nhưng bắt nó phải gắng sức, quen chịu cực một chút để rèn nghị lực.
° °
°
MUA NHÀ KÌ ĐỒNG
Năm 1960, sau bảy năm làm việc, chúng tôi đã để dành được khoảng một triệu đồng, mua được ngôi nhà 12/3c Kì Đồng, tốn khoảng 900.000 đồng, kể cả tiền mua, tiền trước bạ, tiền sửa sang, xây thêm một phòng làm lớp học trên lầu và tiền sắm đồ đạc. Tôi không nhớ vàng hồi đó giá bao nhiêu, có lẽ 5, 6.000đ/lượng.
Chúng tôi dọn lớp học và nhà xuất bản lại đó và ở đó tới nay hai chục năm rồi.
Thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết biết tôi thích loại cây lớn có hương, tặng tôi hai gốc hoàng lan (trong này gọi là hoa công chúa). Hai năm sau, một gốc trổ hoa, tôi hái hai đóa chín đầu tiên tặng ông bà.
Thi sĩ tặng tôi tập thơ Trinh trắng với bài thơ:
Kì sắc nhược cúc chi hoàng,
Kì hương nhược lan.
Hoa nở nụ đầu,
Niềm trinh ý trắng,
Hái hoa phong tặng,
Hương lắng tờ mây,
Hoa cho thơm tuổi thơ ngây,
Thơm tay người hái, thơm tay người trồng.
Nay một bông, mai một bông,
Yêu hoa xin giữ tấm lòng cho nhau.
(24-11-1962)
Năm 1954, hồi mới lên Sài Gòn, tôi tặng một anh bạn Pháp, thi sĩ Paul Schneider, bút hiệu là Xuân Phúc, một cuốn sách, anh cũng tặng lại tôi một bài thơ mà tôi nhớ
hai câu:
"La main qui donne la fleur,
En garde toujours le parfum".
ý cũng y như của Đông Hồ.
Khi nhận được thi phẩm Trinh trắng, mới lật tờ bìa, thấy sực nức hương lan: một bông lan tôi tặng đã được thi sĩ dán lên trang đầu, với sáu chữ nét mực còn lóng lánh trên sáu cánh hoa:
"Lộc Đình danh sĩ huệ tồn".
Đóa hoa khô đó, thi sĩ mất rồi (năm 1969) mà vẫn còn thơm.
Việc tặng hoa đó, nữ sĩ Mộng Tuyết đã chép lại trong bài Hoa nói đăng trên Văn hóa nguyệt san số 5, 6 năm 1964.
Hai cây hoàng lan đó nay đã chết một, cây còn lại cũng cằn cỗi, tôi trồng một cây con của nó để sau này thay nó.
Hư Chu cho tôi một tấm tranh sơn dầu vẽ cảnh biển, tôi treo trong phòng viết.
Nguyễn Hữu Ngư cho tôi một cây ngọc lan, trong một cơn dông, bị trốc rễ, chết. Sau thi sĩ Hoài Khanh, nhà xuất bản Ca Dao, cho tôi một gốc khác thay vào.
Thiên Giang cho tôi một cây đại đỏ, cũng không thọ.
Nay Hư Chu và Nguyễn Hữu Ngư đã khuất bóng, còn Hoài Khanh và Thiên Giang.
Các bạn đó đều biết tính tôi chỉ yêu cảnh thiên nhiên, nhất là loài hoa có hương, chắc đã đọc bài Hương và sắc của tôi trong tập Hương sắc trong vườn văn.
° °
°
CHUYỆN BUỒN TRONG GIA ĐÌNH
Năm 1963, con tôi ở trường Cao học Thương mãi Paris ra, có chỗ làm ngay. Tôi bảo nó ở lại bên đó tập sự ba bốn năm, có chút kinh nghiệm rồi hãy về. Nhưng hai năm sau, tôi thấy tình hình trong nước còn găng hơn trước, nếu về sẽ bị kêu nhập ngũ, cho nên khuyên nó cứ ở lại Paris và để má nó qua thăm nó. Nhà tôi định nhân chuyến đi đó, xem trong số các gia đình Việt Nam quen biết ở Pháp, có thiếu nữ nào hiền lương, có nghề thì hỏi cho nó.
Nhà tôi qua được vài ngày thì nó cho má nó hay rằng đã có một ý trung nhân người Pháp và xin phép vợ chồng tôi để cưới. Nhà tôi nghe xong khóc ròng; nhưng nó vẫn không đổi ý. Tính nó độc lập, cương quyết, việc gì cũng quyết định lấy rồi cho cha mẹ hay chứ không hỏi ý kiến trước. Nó đặt chúng tôi trước một sự đã rồi. Tôi nổi giận, bảo nó lớn rồi, tôi không có quyền cấm nó, nhưng tôi nhất định không dự vào việc đó, mặc má con nó muốn làm gì thì làm. Thiếu nữ Pháp đó là con một kĩ sư li dị với vợ, tục huyền với một người Việt lai Pháp. Nó đương học khoa tâm lí ở đại học Sorbone.
Làm lễ cưới cho tụi nó xong, nhà tôi trở về Sài Gòn liền. Trước sau tôi tuyệt nhiên không liên lạc với gia đình bên vợ của nó, nhưng nhà tôi thư từ đều đều với con dâu. Tình giữa mẹ chồng và nàng dâu mỗi ngày một thân và vài năm sau nhà tôi coi nó cũng gần như con.
Năm 1966, vợ nó sinh con gái đầu lòng tên là Thu Lan, năm sau lấy xong các chứng chỉ cử nhân, nó được bổ dụng vào việc coi thư viện cho một trường Trung học ở Paris. Như vậy là chồng nó nuôi nó ăn học hai năm.
Năm 1971, nó lại sinh một đứa con gái nữa tên là Xuân Mai. Năm sau, 1972, nhà tôi xin phép chính phủ qua thăm cháu nội. Chính phủ không cho, lấy lẽ rằng con tôi được học bổng mà học xong không về giúp nước. May quá, có một đám cưới nhà tôi không quen cả nhà trai lẫn nhà gái, chỉ do lời giới thiệu của một bà bạn mà nhà gái nhờ nhà tôi đưa cô dâu ở Sài Gòn qua cho chú rể ở Paris. Lần này thì chính phủ cho phép.
Nhà tôi chỉ tính qua một tháng, tôi sẽ dạy thế, và cô Liệp ở Long Xuyên lên săn sóc tôi y như năm 1965, khi má Nhật Đức qua Paris lần trước.
Nhưng cũng lại như lần trước, là má nó qua được vài ngày thì nó cho hay vợ chồng nó tính li dị nhau và xin tôi cho má nó ở lại lâu lâu trông giùm hai đứa cháu nội. Tôi nổi giận dữ dội, bảo nó trước kia nó đã tự ý lựa vợ, tự mưu hạnh phúc cho nó, bất chấp ý kiến cha mẹ; thì bây giờ nó cũng phải chịu lấy hậu quả sự quyết định của nó, chứ tại sao lại cầu cứu tới má nó, bắt má nó bỏ nhà cửa, công việc dạy học bên đây, làm vú em cho con nó; rồi bắt lây tới cô Liệp, bỏ nhà cửa ở Long Xuyên mà lên đây săn sóc cho tôi. Tôi mắng nó là đã Âu hóa mau quá, chỉ thờ cá nhân chủ nghĩa, không biết tới gia đình, không còn tình cảm con người nữa. Nó chỉ làm thinh, và má nó đành phải ở lại bên đó trông nom hai đứa cháu, cô Liệp đành phải ở lại Sài Gòn với tôi, tưởng chỉ trong vài năm, không ngờ tới tám năm, đầu 1980 mới được về ở hẳn Long Xuyên.
Cô bực mình lắm, nhưng biết suy nghĩ: trong vụ đó, con tôi, má nó và tôi, ai cũng đau lòng, nên cô không phàn nàn gì với tôi cả, chỉ một lần kể lể tâm sự để trút nỗi uất hận, giải tỏa nỗi lòng với một cô em ruột má Nhật Đức. Cặp này rất tốt với chúng tôi. Chồng là Trần Quí Nhu, bác sĩ, giám đốc cơ quan trị bệnh cùi ở miền Nam; vợ là Trịnh thị Mộng Đơn (trong nhà gọi là cô Kim) cũng là bác sĩ, chuyên về bệnh ngoài da, có phòng mạch riêng, giúp không công cho cơ quan chồng điều khiển. Cả hai đều có lí tưởng, thương bệnh nhân và muốn tận diệt bệnh cùi trong nước.
Ngày cô Liệp mới lên Sài Gòn năm 1972, cả hai vợ chồng lại thăm chúng tôi rồi lái xe đưa chúng tôi vô thăm trại cùi ở bệnh viện Chợ Quán, thử máu, rọi phổi cho chúng tôi, coi chúng tôi như anh chị ruột mà chúng tôi cũng coi lại họ như em ruột. Mỗi khi chúng tôi có việc gì thì hai vợ chồng đều vui vẻ, tận tâm giúp, có khi không đợi chúng tôi nhờ nữa. Hai đứa con - một con đẻ, trai; một con nuôi, gái - cũng coi chúng tôi như bác ruột. Hiện nay gia đình đó ở California, Mĩ, thỉnh thoảng thư từ với chúng tôi. Cô chú ấy đã an ủi nhà tôi nhiều lắm trong mấy năm đầu ở Sài Gòn. Lần lần, nỗi buồn bực nguôi đi, nhà tôi đối với mấy người em của má Nhật Đức rất thành thật, thân tình, coi sóc giỗ tết bên má Nhật Đức như bên tôi, khiến ai cũng phục má Nhật Đức cảm động.
Người Âu Mĩ lớn rồi thì ra ở riêng, cả tháng có khi cả năm không lại thăm cha mẹ một lần; cha mẹ già thì đưa vào nhà dưỡng lão. Một ông già nọ khi bước chân vào nhà dưỡng lão, quay lại nhìn đứa con trai, nghe nó dặn nhỏ: "Ba đừng nói hở tên gia đình mình ra nhé". Mỗi vụ hè có hằng ngàn người ở Paris đem cha mẹ lại gởi một bệnh viện rồi hết hè, họ "quên" không tới đón về, bỏ mặc cho chính phủ làm gì thì làm. Mấy ông bạn tôi ở Pháp lâu năm đều phàn nàn về lòng bạc bẽo của con cái, nhất là những đứa con trai có vợ ngoại quốc. Mười đứa thì có tới chín đứa không nuôi cha mẹ. Tôi mới nghe nói vợ một học giả quá cố Việt Nam rất có tiếng tăm, chỉ có mỗi một người con gái có chồng Pháp vào hạng khá giả, mà bị con gái hất hủi, cấm không cho vô nhà, vì chỉ làm phiền vợ chồng nó, và bà cụ đã gần tám mươi tuổi đành phải lại ở nhờ một người cháu, không biết được bao lâu và sẽ bị cháu đuổi nữa không?
Văn minh Âu Tây tuy có những nét rực rỡ thật, nhưng như vậy không thể gọi là văn minh kiểu mẫu, trừ khi, như nữ sĩ Pearl S. Buck nói: "Kiểu mẫu đó là chủ nghĩa cá nhân".
Không có thời nào mà người già cô độc như thời này, từ Âu qua Á, ở Âu thì như vậy, còn ở Việt Nam - tôi không biết ở Trung Hoa, Triều Tiên ra sao? - thì người già phải giữ cháu cho con, sắp hàng mua thực phẩm cho con, nấu cơm cho con. Mấy bà bạn già của tôi ai phàn nàn phải làm "vú đực" cho cháu. Con làm kĩ sư, bác sĩ, giám đốc mà chẳng giúp cha mẹ già được đồng nào, cha mẹ phải bán đồ hoặc làm việc để có tiền trợ cấp cho chúng nữa.
Vợ chồng Nhật Đức li thân với nhau 2, 3 năm rồi tòa mới nhận đơn xin li dị, và tới năm 1977 mới được phép li dị. Lúc đó miền Nam đã sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Hai đứa cháu tôi theo luật của Pháp, ở với mẹ một thời gian, với cha một thời gian. Con tôi chưa chịu cưới vợ khác, thành thử nhà tôi vẫn phải ở lại săn sóc hai đứa cháu. Cũng may là ba bố con chúng đều quí và nể nhà tôi, vẫn còn tình gia đình và tới nay vẫn còn giữ được vài nếp phương Đông.
° °
°
Ý CHÍ VÀ ĐỊNH MỆNH
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mọi việc như đã được an bài từ trước mà cái rủi lại hóa cái may.
Nếu năm 1956 tôi không cưới cô Liệp thì năm 1972 má Nhật Đức không thể ở lâu bên đó săn sóc cho cháu mà bỏ tôi ở một mình bên đây, tất phải về ngay, mặc cho con tôi xoay sở lấy; mà về rồi thì bây giờ khó thích ứng với đời sống mới này, lại phải xin qua Pháp nữa. Vợ qua mà chồng không qua thì dở dang, buồn cho cả hai, mà nếu tôi qua nữa thì thêm gánh nặng cho con tôi, lại có thể không chịu nổi khí hậu bên đó nữa.
Nếu năm 1965 con tôi nghe lời chúng tôi mà cưới vợ Việt trong một gia đình có giáo dục thì vợ chồng chúng có thể bất hòa với nhau chứ không đến nỗi phải li dị.
Lạ lùng nhất là năm 1972, nhà tôi xin qua thăm con và cháu bên Pháp, chính phủ Thiệu Kỳ lấy lẽ rằng con tôi học thành tài không chịu về giúp nước nên không cho; sau ngẫu nhiên có người nhờ nhà tôi đưa con dâu qua Paris, chính phủ mới cho phép, nếu không gặp sự may mắn đó thì không thể qua thăm con được.
Vậy việc rủi thứ nhất cho má Nhật Đức năm 1956; việc rủi thứ nhì cho cả vợ chồng tôi và con tôi (nó cưới vợ trong một gia đình không tốt); việc rủi thứ ba năm 1972 (nó phải li thân với vợ), ba việc rủi đó đều thành việc may cho má Nhật Đức năm 1975.
Nghĩ vậy tôi hơi ân hận đã quá giận dữ với con. Đời nó như bị cái gì đó chi phối, nó tưởng nó làm chủ tương lai của nó được, tự tạo hạnh phúc được mà rồi nó thất bại. Đời má nó cũng như bị cái gì chi phối, mới đầu xấu mà sau hóa tốt, cái rủi hóa cái may. Cơ hồ con người đã không làm chủ được mình, ý chí dù mạnh cũng vô ích, kinh nghiệm của cha mẹ không giúp gì được cho con thì tôi còn rầy con tôi làm chi nữa.
Nó có khiếu về sinh ngữ hơn là về toán, vào trường Cao học Thương mãi là hợp với khả năng của nó. Muốn thành công về ngành đó thì người Việt phải có khả năng dễ thích ứng với phương Tây, phải ăn nói như người Âu, suy tư như người Âu nữa. Vậy nó mau Âu hóa là điều dĩ nhiên (và nhờ Âu hóa, nay nó thành công trong nghề), chẳng nên trách nó. Âu hóa mà nó còn giữ được tình với má nó, với tôi một phần nào nữa thì kể cũng đáng mừng.
Nhưng tôi có vẻ bi quan quá chăng? Không tin rằng ý chí con người thắng nổi định mạng thì còn có nên làm gì nữa không, có nên dạy con nữa không? Tôi không cực đoan như vậy mà cho rằng vận mạng không quyết định hết, ý chí cũng đáng kể. Ý chí có thể làm cho vận tốt hơn lên hoặc bớt xấu đi. Mà giáo dục cũng vẫn quan trọng: cùng gặp một hoàn cảnh, người có giáo dục và người không có giáo dục phản ứng khác nhau xa. Giáo dục không thay đổi hẳn được bản tính con người, nhưng có thể cải thiện nó được phần nào. Con tôi nhờ được sự giáo dục của vợ chồng tôi nên được bạn bè khen là nghiêm trang, biết quí mẹ. Nó giống tôi không ham làm giàu mà thích đọc sách, làm việc đàng hoàng và liêm khiết, tự trọng. Và bổn phận của cha mẹ là phải giáo dục con; nhưng chỉ nên nghiêm khắc vừa phải, không nên quá. Tôi hồi trước có những lúc quá nghiêm với vợ con, với học trò. Cả bây giờ nữa chứ! Tính tôi nóng quá, nhất là những lúc tôi đau.
Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê - Nguyễn Hiến Lê Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê