From my point of view, a book is a literary prescription put up for the benefit of someone who needs it.

S.M. Crothers

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trở Dậy Trong Bóng Tối
an mai và hoàng hôn là những giờ dễ chịu nhất ở châu Phi. Mặt trời còn chưa thiêu đốt hoặc đã không còn gay gắt nữa, nó để cho người ta tồn tại, để cho người ta sống.
Từ Addis Ababa đến thác Sabeta là hai mươi lăm cây số. Đi xe ngang qua Ethiopia là một quá trình thỏa hiệp không ngừng: ai cũng biết đường rất hẹp, cũ nát, chật ních người và xe cộ, song họ cũng biết mình phải chen chân vào đó, không những chen chân mà còn phải di chuyển, tiến lên, hướng tới điểm đến của mình. Chốc chốc, trước mặt mỗi tài xế, người chăn gia súc hay người đi đường lại xuất hiện một vật cản, một vấn đề hóc búa, một khó khăn cần giải quyết: làm sao vượt lên mà không đâm vào cái xe ngược chiều, làm sao thúc đám bò, cừu và lạc đà của mình đi nhanh mà không giẫm vào lũ trẻ và những người ăn mày đang lê lết, làm sao sang đường mà không lao vào gầm xe tải, không bị sừng bò đâm lòi ruột, không xô ngã các bà các cô đội trên đầu cả hai chục cân vân vân và vân vân. Vậy mà ở đây không ai la mắng ai, không ai tức giận, không ai văng tục, chửi rủa hay nạt nộ, tất cả mọi người đều kiên nhẫn và yên lặng làm cuộc vượt chướng ngại của mình, lách và né, dùng mưu mẹo, rào đón, xoay xở, chen chúc, và trước hết, quan trọng nhất, là tiến lên. Nếu có tắc nghẽn, mọi người đồng lòng và bình tĩnh cùng tham gia giải tỏa; nếu bị kẹt, tất cả sẽ cùng giải quyết tình huống này, từng mi li mét một.
Một dòng sông cạn chảy trên lòng đá nứt nẻ, trôi xuôi mỗi lúc một thấp hơn cho tới khi đến được bờ mép dốc đứng và từ bờ mép này đổ thẳng xuống. Đó chính là thác Sabeta. Nơi dòng sông chảy phía trên cao, một cậu bé người Ethiopia tuổi chừng lên tám kiếm sống bằng cách cởi hết quần áo trước mắt khách tham quan và trượt mông trần theo dòng nước xiết qua lòng sông đầy đá đến mép vực. Khi cậu dừng lại ngay sát cái vực đang gầm gào bên dưới, những người tụ tập ở đó kêu lên hai tiếng: đầu tiên vì kinh hãi, tiếp ngay sau đó là vì nhẹ nhõm. Cậu bé đứng lên, quay lưng lại, cong người chìa mông ra cho khách du lịch xem. Trong cử chỉ ấy không có chút gì khiếm nhã, không chút xúc phạm. Ngược lại, có sự hãnh diện và ý muốn trấn an chúng ta, những người đang đứng nhìn, rằng - hãy nhìn xem! - vì có làn da rám nắng rất chuẩn, chú bé có thể trượt trên lòng sông lởm chởm đá sắc mà không hề hấn gì. Quả vậy, làn da nom rắn chắc như đế giày leo núi.
Ngày hôm sau, trong trại giam ở Addis Ababa. Trước lối vào, một hàng người thăm thân dài đang chờ dưới mái tôn. Vì chính phủ quá nghèo không thể cấp quân phục cho cảnh sát, quản giáo, v.v. những thanh niên đi qua đi lại trước cổng, ăn mặc xơ xác, đi chân đất ấy chính là bảo vệ trại giam. Anh phải chấp nhận rằng họ có quyền, họ quyết định có cho anh vào hay không, anh phải tin vào điều đó, chờ đợi cho đến khi họ ngừng tranh luận với nhau (nhiều khả năng là về chuyện có cho anh vào hay không). Trại giam cũ kỹ do người Ý xây từng bị chế độ thân Matxcơva của Mengistu sử dụng để bắt giam và tra tấn phe đối lập, hiện nay chính quyền đương nhiệm lại giam giữ ở đây những người thuộc hàng thân cận nhất của Mengistu - các thành viên Ban Chấp hành Trung ương, các bộ trưởng, các tướng quân đội và cảnh sát.
Trên cổng có một ngôi sao lớn với búa liềm được dựng từ thời Mengistu, còn phía trong trại giam, trên sân, có bức tượng bán thân của Marx (đây là cái lệ kiểu Xô viết: ở lối vào các gulag treo chân dung Stalin, còn bên trong có tượng Lênin).
Năm 1991, sau mười bảy năm tồn tại, chế độ Mengistu sụp đổ. Vị thủ lĩnh bỏ trốn vào phút chót bằng máy bay sang Zimbabwe. Số phận quân đội của hắn thật không bình thường. Với sự trợ giúp của Matxcơva, Mengistu đã xây dựng một quân đội hùng mạnh nhất ở châu Phi phía Nam sa mạc Sahara. Số lượng 400 nghìn lính, có tên lửa và vũ khí hóa học. Quân du kích từ các dãy núi phía Bắc (Eritrea, Tigre) và từ miền Nam Loromo chiến đấu chống lại quân đội này. Chính là vào mùa hè năm 1991, họ dồn quân đội chính phủ về Addis Ababa. Quân du kích là những chàng trai chân đất, thường là trẻ con, rách rưới, đói ăn, vũ trang kém. Người châu u bắt đầu bỏ trốn khỏi thành phố, họ chắc rằng sẽ có thảm sát khi quân du kích vào thành. Nhưng lại xảy ra một điều khác, nó có thể trở thành chủ đề cho một bộ phim đặc biệt với nhan đề Ngày tàn của đội quân vĩ đại. Nghe tin thủ lĩnh bỏ trốn, quân đội hùng mạnh vũ trang đến tận chân răng ấy sụp đổ trong vòng vài giờ. Trước mắt người dân thành phố, những tên lính đói ăn, thoái chí, chỉ trong khoảnh khắc biến thành những kẻ ăn mày. Một tay chúng cầm súng AK, tay kia chìa ra xin ăn. Quân du kích chiếm thủ đô gần như không cần đánh. Lính của Mengistu sau khi bỏ xe tăng, bỏ luôn tên lửa, máy bay, xe bọc thép và pháo (tự động) lên đường, đi bộ, cưỡi la, đi xe buýt về quê, về nhà. Nếu tình cờ đi ngang qua Ethiopia, anh sẽ thấy ở nhiều làng và thị trấn những người đàn ông trẻ, khỏe mạnh, nhàn rỗi ngồi trên bậc cửa hoặc bên bàn những quán bar tồi tàn - đó là những người lính thuộc quân đội vĩ đại của tướng Mengistu, đạo quân lẽ ra phải chinh phục châu Phi, nhưng đã tan rã chỉ trong một ngày mùa hè năm 1991.
Người tù mà tôi nhắc đến tên là Shimelis Mazengia, một trong những nhà tư tưởng của chế độ Mengistu, thành viên Bộ Chính trị và bí thư Ban Chấp hành Trung ương về các vấn đề tư tưởng, tóm lại là một Mikhail Suslov[48] của Ethiopia. Mazengia bốn mươi lăm tuổi, thông minh. Ông trả lời thận trọng, cân nhắc từng từ. Ông mặc quần áo thể thao sáng màu. Ở đây mọi người tù đều mặc “kiểu dân sự”, chính phủ không có tiền để phát đồng phục tù nhân cho họ. Quản giáo và tù nhân - tất cả đều mặc như nhau. Tôi hỏi một quản giáo: các tù nhân ăn mặc giống một người bất kỳ ngoài phố như vậy, họ có thử lợi dụng điều đó mà bỏ trốn không? Anh ta nhìn tôi hãnh diện: chạy trốn ư? Ở đây ít ra họ còn có bát cháo, còn nếu tự do, họ sẽ chết đói như cả dân tộc. Họ là kẻ thù, nhưng họ không điên! - anh nhấn mạnh.
Trong đôi mắt đen của ông có sự bất an, thậm chí là nỗi sợ hãi. Đôi mắt ấy luôn luôn chuyển động, chúng đảo bên này bên kia, như thể ông nôn nóng tìm lối thoát khi bị sập bẫy. Ông nói cuộc bỏ trốn của Mengistu khiến tất cả bọn họ, nghĩa là những người thân cận nhất của thủ lĩnh, bị bất ngờ. Mengistu làm việc ngày đêm, không màng đến vật chất, chỉ quan tâm tới quyền lực tuyệt đối. Cầm quyền - với ông ta thế là đủ. Tinh thần ông ta cứng nhắc, không có khả năng chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào. Mazengia miêu tả các cuộc tàn sát của khủng bố đỏ đã làm tan hoang đất nước trong vài năm là “cuộc chiến giành quyền lực”. Ông khăng khăng rằng “cả hai bên cùng giết”. Ông đánh giá ra sao về vai trò của mình trong hàng ngũ cao nhất của cái chế độ đã sụp đổ, gây nên biết bao bất hạnh, tàn phá, chết chóc (theo lệnh Mengistu hơn 30 nghìn người đã bị bắn, một số người khác cho là hơn 300 nghìn)? Tôi nhớ vào cuối những năm bảy mươi khi đi ngang Addis Ababa vào buổi sáng, tôi thấy xác những người bị giết nằm trên phố (kết quả của những vụ tàn sát hằng đêm). Ông trả lời đầy triết lý: lịch sử là một quá trình phức tạp. Lịch sử nhầm lẫn, tiến lên, tìm kiếm, đôi khi đi vào ngõ cụt. Chỉ có tương lai mới có thể đánh giá và tìm thấy thước đo thích hợp.
Ông và bốn trăm lẻ sáu người liên quan đến chế độ cũ (quý tộc đồ[49] của Ethiopia) đã ở đây ba năm mà không biết chuyện gì sẽ đến. Tiếp tục ở tù? Một cuộc xét xử? Bị xử bắn? Được tự do? Nhưng chính phủ cũng đang tự hỏi chính câu ấy: phải làm gì với họ?
Chúng tôi ngồi trong căn phòng nhỏ, có lẽ đó là phòng trực ban. Không ai nghe cuộc nói chuyện của chúng tôi, cũng không ai ép chúng tôi kết thúc nó. Như thường thấy ở châu Phi, xung quanh lộn xộn, người ra người vào, điện thoại reo không ngừng trên cái bàn nhỏ bên cạnh, chẳng ai nhấc máy.
Cuối cuộc trò chuyện, tôi nói muốn thấy nơi họ bị giam. Người ta dẫn tôi vào cái sân có tòa nhà ba tầng với các mái vòm bao quanh. Các xà lim chạy dài dọc theo mái vòm, mọi cánh cửa đều mở ra sân. Ở đó chật chội, một đám đông tù nhân đang qua lại. Tôi nhìn vào mặt họ. Đó là những gương mặt đeo kính râu ria của các giáo sư đại học, trợ lý và sinh viên của họ. Nhiều người trong giới này theo chế độ Mengistu, chủ yếu là các môn đồ của chủ nghĩa xã hội phiên bản Albania thời Enver Hoxha[50]. Khi Tirana cắt đứt với Bắc Kinh, người Ethiopia theo Hoxha bắn người Ethiopia theo Mao trên đường phố Addis Ababa. Đường phố thủ đô đẫm máu nhiều tháng trời. Sau khi Mengistu bỏ trốn, quân đội của hắn giải tán về nhà, chỉ còn lại giới hàn lâm. Người ta bắt họ chẳng mấy khó khăn rồi giam vào cái sân chật chội này.
Có người mang từ London về tam nguyệt san của Somalia xuất bản ở đó mùa hè năm 1993 - Hal-Abuur (Journal of Somali Literature and Culture - Tạp chí Văn hóa và Văn học Somalia). Tôi đếm trong số mười bảy tác giả - các trí thức hàng đầu Somalia, các học giả và nhà văn - có tới mười lăm người sống ở hải ngoại. Đó chính là một trong những vấn đề của châu Phi: giới trí thức của nó chủ yếu sống ngoài châu Phi - ở Mỹ, London, Paris, Rome. Còn lại trong nước: dưới đáy là quần chúng nông dân tối tăm, bị chà đạp, bị vắt kiệt đến giọt mồ hôi cuối cùng, bên trên là lũ công chức tham nhũng hoặc đám nhà binh ngạo mạn (lumpenmilitariat, như nhà sử học người Uganda Ali Mazrui gọi). Làm sao châu Phi có thể phát triển, tham gia cuộc thay đổi lớn của thế giới mà không có trí thức? Không có tầng lớp trí thức trung lưu riêng? Thêm vào đó, nếu xảy ra chuyện một học giả hay nhà văn châu Phi bị ngược đãi trong nước, anh ta thường không tìm nơi nương náu tại một nước khác trong châu lục, mà tìm ngay ở Boston, Los Angeles, Stockholm hay Geneva.
Ở Addis Ababa tôi đi đến trường đại học. Đây là trường đại học duy nhất trong nước. Tôi ghé vào hiệu sách của trường. Đây là hiệu sách duy nhất trong nước. Các giá sách trống trơn. Không có gì hết, không một quyển sách, không một tờ tạp chí - không có gì cả. Đó là tình trạng ở hầu hết các quốc gia châu Phi. Tôi nhớ trước kia có một hiệu sách tốt ở Kampala, một hiệu sách tốt khác (thậm chí là ba) ở Dar es Salaam. Bây giờ không nơi đâu có gì hết. Ethiopia là đất nước với diện tích bằng Pháp, Đức và Ba Lan cộng lại. Ở Ethiopia có hơn 50 triệu dân, vài năm nữa sẽ là 60 triệu, sau mười mấy năm nữa sẽ là hơn 80 triệu, vân vân và vân vân.
Có thể là đến lúc đó?
Ai đó?
Sẽ mở dù chỉ là một hiệu sách?
Khi rảnh rỗi tôi thường đến Africa Hall, tòa kiến trúc lớn và lộng lẫy ở trên một trong số những ngọn đồi nơi thành phố tọa lạc. Ở đây, vào tháng Năm năm 1963 đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh châu Phi lần đầu tiên. Tại đây tôi đã nhìn thấy Nasser, Nkrumah, Haile Selassie, Ben Bella, Modibo Keita. Những tên tuổi rất lớn vào thời đó. Trong hội trường nơi họ gặp mặt, giờ đây có mấy cậu bé đang chơi bóng bàn, một phụ nữ bán áo khoác bằng da.
Africa Hall là phản ánh hệ quả của định luật Parkinson trong hoạt động thắng lợi và không cản trở. Nhiều năm trước ở đây có một tòa nhà, bây giờ đã có vài tòa. Mỗi lần đến Addis Ababa tôi đều thấy một điều: quanh Africa Hall lại mọc thêm một tòa nhà mới. Tòa sau tráng lệ và xa hoa hơn tòa trước. Ở Ethiopia, các chế độ thay đổi: đầu tiên là phong kiến chuyên chế, sau đó là Mác xít-Lê nin nít, hiện nay là dân chủ liên bang; châu Phi cũng thay đổi, nghèo đi và xơ xác hơn, nhưng tất cả những điều ấy đều không nghĩa lý gì, định luật bất biến về không ngừng mở rộng xây dựng trụ sở cho các lãnh đạo châu Phi - Africa Hall - hoạt động vô điều kiện và không hạn chế.
Bên trong, các hành lang, buồng, phòng họp, phòng làm việc ngập trong giấy tờ từ dưới đất lên đến tận trần.
Giấy tờ chật cứng như muốn xổ ra từ tủ và các tập tài liệu, tràn ra khỏi ngăn kéo, rơi xuống từ trên giá. Bàn ở đâu đặt cũng chật chội, sau bàn là những cô gái xinh đẹp nhất đến từ khắp châu Phi.
Các cô thư ký.
Tôi tìm một tài liệu. Nó mang tên “Lagos Plan of Action for the Economic Development of Africa 1980-2000[51]”. Năm 1980, các lãnh tụ châu Phi họp mặt ở Lagos để cân nhắc cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà châu lục này đang trải qua. Làm thế nào để cứu châu Phi? Họ đã thông qua kế hoạch hành động nói trên - một cuốn kinh thánh, một liều thuốc tiên, một chiến lược phát triển vĩ đại.
Tôi tìm và hỏi nhưng vô hiệu. Phần lớn hoàn toàn chưa từng nghe về bất cứ một bản kế hoạch nào. Số khác có nghe nói đến, nhưng không biết gì cụ thể hơn. Số khác nữa có nghe, có biết cụ thể hơn, nhưng không có văn bản. Họ có thể cung cấp cho tôi nghị quyết về việc làm thế nào nâng cao sản lượng lạc ở Senegal. Làm thế nào chiến đấu với ruồi xê xê ở Tanzania. Làm thế nào hạn chế hạn hán ở Sahel. Nhưng làm thế nào để cứu châu Phi? Họ không có bản kế hoạch này.
Tôi có vài cuộc trò chuyện ở Africa Hall. Có lần tôi nói chuyện với Babashola Chinsman. Anh là phó giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Trẻ, năng động, người Sierra Leone. Một trong những người châu Phi được số phận mỉm cười. Đại diện của tầng lớp toàn cầu hóa mới: Thế giới Thứ Ba có ghế trong các tổ chức quốc tế. Biệt thự ở Addis Ababa (nhà công vụ), biệt thự ở Freetown (nhà riêng, cho đại sứ quán Đức thuê), căn hộ riêng ở Manhattan (vì anh không thích ở khách sạn). Xe limousine, tài xế, người phục vụ. Ngày mai hội thảo ở Madrid; ba ngày nữa thì ở New York; một tuần sau - ở Sydney. Luôn luôn là đề tài vĩnh cửu: làm sao giảm bớt nạn đói ở châu Phi.
Cuộc nói chuyện dễ chịu, thú vị. Chinsman:
- Không phải ở châu Phi có đình trệ. Châu Phi đang phát triển, đây không chỉ là châu lục của nạn đói.
- Vấn đề lớn hơn, mang tính toàn cầu là 150 quốc gia kém phát triển dựa vào 25 nước phát triển. Thêm vào đó, ở các nước phát triển này lại đang có suy thoái và dân số không tăng.
- Khuyến khích phát triển địa phương ở châu Phi là điều vô cùng quan trọng. Rất tiếc, trở ngại là cơ sở hạ tầng lạc hậu: không có phương tiện giao thông, đường xấu, không có xe tải, xe buýt, liên lạc kém.
- Hệ thống giao thông liên lạc thiếu thốn này khiến cho 90% làng mạc và thị trấn của châu lục bị sống trong cô lập: không có đường đến chợ, do đó không có đường đến với tiền bạc.
- Nghịch lý của thế giới chúng ta: nếu tính chi phí vận chuyển, dịch vụ, lưu kho và bảo quản thực phẩm, thì chi phí của một bữa ăn (thường là một nắm ngô) cho người trong một trại tị nạn nào đó, ví dụ như ở Sudan, còn cao hơn giá một bữa tối trong tiệm ăn đắt tiền nhất Paris.
- Sau ba mươi năm độc lập, cuối cùng chúng tôi mới hiểu ra rằng giáo dục rất quan trọng đối với việc phát triển. Ruộng của người nông dân biết chữ sinh lợi nhiều hơn 10- 15 lần ruộng của người nông dân mù chữ. Bản thân giáo dục, không có thêm bất cứ đầu tư phụ nào, đã mang đến lợi ích vật chất.
- Để có multidimensional approach to development[52], điều quan trọng nhất là: phát triển trong vùng, phát triển các cộng đồng địa phương, phát triển interdependence[53] hơn là intercompetition[54]!
John Menru người Tanzania:
- Châu Phi cần một thế hệ chính khách mới, những người có khả năng suy nghĩ theo lối mới. Thế hệ hiện nay phải ra đi. Thay vì nghĩ đến việc phát triển, họ chỉ nghĩ làm sao giữ được quyền lực.
- Lối thoát cho châu Phi? Mở ra một bầu không khí chính trị mới:
a) chấp nhận nguyên tắc đối thoại như là một nguyên tắc bắt buộc.
b) đảm bảo cho sự tham gia của xã hội vào đời sống công cộng;
c) tôn trọng các quyền con người căn bản.
d) bắt đầu dân chủ hóa.
Làm hết những điều đó thì các chính khách mới sẽ tự nổi lên. Các chính khách mới có tầm nhìn sáng sủa, rõ ràng. Tầm nhìn rõ ràng - đó là điều chúng tôi đang thiếu hôm nay.
- Điều gì là nguy hiểm? Đó là sự cuồng tín sắc tộc. Nó có thể khiến cho nguyên tắc sắc tộc mang tầm cỡ tôn giáo, trở thành một thứ tôn giáo thay thế. Đó chính là điều nguy hiểm!
Sadig Rasheed, người Sudan. Một trong các giám đốc của ủy ban Kinh tế Châu Phi:
- Châu Phi phải nổi lên, phải thức dậy.
- Phải ngăn chặn quá trình ngoại biên hóa đang phát triển ở châu Phi. Có làm được điều này không? Tôi không biết.
- Tôi lo ngại liệu các xã hội châu Phi có thể có thái độ tự phê hay không, mà nhiều thứ phụ thuộc vào điều này.
Một lần, tôi trò chuyện chính về điều này với A., một người Anh già đã định cư ở đây nhiều năm. Cụ thể là về sức mạnh châu u và văn hóa của nó. Trái ngược với các nền văn hóa khác, nó có khả năng phê phán, mà trước hết là tự phê, trong nghệ thuật phân tích và thẩm vấn của nó, trong những tìm tòi không ngừng của nó, trong sự bất an của nó. Trí tuệ châu u thừa nhận rằng mình có các giới hạn, nó chấp nhận các khiếm khuyết của mình, nó hoài nghi, ngờ vực, đặt ra các dấu hỏi. Trong các nền văn hóa khác không có tinh thần phê phán này. Hơn thế nữa, chúng có xu hướng tự cao, công nhận tất cả những gì của mình là hoàn hảo, tóm lại, chúng thiếu tính phê bình đối với chính mình. Chúng đổ hết trách nhiệm về mọi thứ xấu xa lên người khác, lên các lực lượng khác (các âm mưu, các tác nhân, sự thống trị ngoại lai dưới nhiều hình thức). Mọi chỉ trích đều bị coi là sự công kích ác ý, là biểu hiện của phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, v.v… Các đại diện của những nền văn hóa khác coi phê bình như sự xúc phạm cá nhân, như một cố gắng chủ tâm để hạ thấp chúng, thậm chí là một hình thức hạ nhục. Nếu nói với họ rằng thành phố bẩn, họ xem như thể có người nói rằng chính họ bẩn, rằng tai, cổ, móng tay, v.v… của họ bẩn. Thay vì tinh thần tự phê, họ mang trong mình đầy ác cảm, tự ti, đố kỵ, hờn dỗi, gàn dở. Điều này dẫn đến việc họ không có khả năng tiến bộ một cách lâu dài, về văn hóa, cấu trúc, không có khả năng tạo ra trong mình ý muốn thay đổi và phát triển.
Các nền văn hóa châu Phi (bởi chúng rất nhiều, cũng như có rất nhiều tôn giáo châu Phi) có thuộc vào số các nền văn hóa bất khả xâm phạm, không chấp nhận chỉ trích kia không? Những người châu Phi như Sadig Rasheed bắt đầu suy xét điều này, họ muốn tìm câu trả lời tại sao châu Phi tụt hậu trong cuộc chạy đua giữa các châu lục.
Châu u hình dung như thế nào về châu Phi? Nạn đói, những trẻ em da bọc xương, đất khô nứt nẻ, các khu nhà ổ chuột ở thành thị, những cuộc thảm sát, AIDS, những đám đông người tị nạn không có mái che đầu, không quần áo, không có thuốc men, nước và bánh mì.
Vì vậy, thế giới vội vàng tới cứu trợ.
Ngày nay, cũng như trong quá khứ, châu Phi được quan tâm đến như một khách thể, như phản chiếu của một ngôi sao khác, như vùng hoạt động và đối tượng của những kẻ thực dân, của các nhà buôn, nhà truyền giáo, các nhà dân tộc học, đủ loại các tổ chức từ thiện (riêng ở Ethiopia đã có hơn tám mươi tổ chức hoạt động).
Trong khi đó, quan trọng nhất, nó tồn tại cho chính mình, trong chính mình, một châu lục vĩnh cửu, khép kín, riêng biệt, xứ sở của những rừng chuối, những nương sắn dị hình, của rừng rậm, của sa mạc Sahara mênh mông, những dòng sông dần khô cạn, những cánh rừng dần thưa, những thành phố bệnh tật khổng lồ - một thế giới được nạp thứ điện bất an và hung bạo.
Hai nghìn cây số ngang qua Ethiopia. Đường vắng, không người. Núi tiếp núi. Vào mùa này (ở Ethiopia đang là mùa đông) các ngọn núi xanh mướt. Chúng cao ngất trời và tuyệt đẹp trong nắng. Khắp nơi vô cùng tĩnh lặng. Nhưng hãy dừng lại, ngồi bên vệ đường và lắng nghe. Đâu đó xa xa, anh sẽ nghe thấy những giọng cao và đều đều. Đó là tiếng hát của đám trẻ con trên các sườn núi xung quanh, những đứa trẻ đi kiếm củi, chăn gia súc, cắt cỏ cho bò. Không nghe thấy tiếng hát người lớn, tựa hồ đây là thế giới của riêng trẻ thơ.
Bởi vì đây là thế giới của trẻ thơ. Một nửa dân số châu Phi chưa đến mười lăm tuổi. Trong tất cả các quân đội đều có nhiều trẻ em, trong các trại tị nạn phần lớn là trẻ em, trẻ em lao động trên đồng, trẻ em buôn bán ngoài chợ. Trong nhà, đứa trẻ nhận vai trò quan trọng nhất: chịu trách nhiệm cung cấp nước. Mọi người còn đang ngủ, các chú bé đã trở dậy trong bóng tối và hối hả đến suối, hồ, sông lấy nước. Kỹ thuật hiện đại hóa ra là đồng minh lớn của các chú bé này: nó tặng các chú những cái can nhựa nhẹ rẻ tiền. Mười mấy năm trước, cái can này đã cách mạng hóa đời sống ở châu Phi. Điều kiện để tồn tại ở xứ nhiệt đới là nước. Bởi thông thường ở đây không có đường ống và đâu đâu cũng thiếu nước, phải mang nước đi rất xa, đôi khi tới hơn chục cây số. Hàng thế kỷ, người ta dùng các bình rất nặng bằng đất hoặc đá cho mục đích này. Văn hóa châu Phi không biết tới phương tiện vận chuyển có bánh, mọi thứ đều do con người tự mang, thường nhất là đội trên đầu. Phụ nữ mang nước bằng các bình ấy, đó là sự phân chia lao động trong gia đình. Đứa trẻ không thể mang được cái bình nặng như thế, mà trong thế giới cơ hàn này trong nhà thường chỉ có một cái bình.
Và can nhựa xuất hiện. Một phép màu! Một cuộc cách mạng! Thứ nhất, nó khá rẻ (mặc dù trong nhiều gia đình, nó là thứ đáng giá nhất): khoảng chừng hai đô la. Nhưng quan trọng nhất là nó nhẹ! Và nó có nhiều cỡ, nên một đứa trẻ nhỏ cũng có thể xách về vài lít nước.
Tất cả trẻ em đều xách nước! Anh nhìn thấy hàng đàn trẻ con vừa chơi đùa chọc ghẹo nhau vừa đi đến một con suối xa nào đó lấy nước. Đỡ mệt biết bao cho người phụ nữ châu Phi sức cùng lực kiệt! Thật là một sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời họ! Họ có thêm bao nhiêu thời gian cho riêng mình, cho gia đình!
Nói chung can nhựa có vô số ưu điểm. Một trong các ưu điểm quan trọng nhất là nó thay thế con người khi xếp hàng. Mà xếp hàng lấy nước (nơi có xe chở nước đến) thì phải đứng cả ngày. Đứng trong cái nắng nhiệt đới là một sự tra tấn. Trước kia không thể đặt bình rồi đứng vào bóng râm, vì có thể bị mất cắp, mà nó thì quá quý giá. Giờ đây thay vì xếp hàng, người ta xếp can nhựa, còn mình thì đi vào bóng râm hay ra chợ, hoặc đi thăm người quen. Khi chạy xe ngang châu Phi, người ta nhìn thấy những hàng can nhựa nhiều màu dài hàng cây số đang chờ nước đến.
Nói thêm về trẻ con. Chỉ cần anh dừng lại đâu đó trong một làng quê, thị trấn, thậm chí chỉ đơn giản là ở ngoài đồng, một đám trẻ sẽ xuất hiện ngay. Tất cả đều rách rưới không tả xiết. Áo quần cũn cỡn, sờn rách đến mức không thể tin được. Tài sản duy nhất, thứ đồ ăn duy nhất của chúng chỉ là quả bầu với chút nước. Mỗi mẩu bánh mì hay mẩu chuối đều bị nuốt chửng và biến mất trong tích tắc. Cái đói trong người lũ trẻ này là một thứ gì đó thường xuyên, một hình thức sống, là bản chất thứ hai. Nhưng thứ mà chúng xin không phải là bánh mì hay hoa quả, thậm chí chúng cũng không xin tiền.
Chúng xin cái bút chì.
Bút chì bấm, giá mười xu. Đúng thế, nhưng đào đâu ra mười xu?
Tất cả đám trẻ đều muốn đến trường, muốn học hành. Thỉnh thoảng chúng cũng tới trường (trường ở quê đơn giản chỉ là một chỗ râm trong bóng cây xoài lớn), nhưng chúng không thể tập viết, vì không có gì để viết, chúng không có bút chì.
Đâu đó gần Gondar (anh sẽ đến được thành đô này của vua chúa Ethiopia nếu đi từ Vịnh Aden qua Djibouti theo hướng Al-Ubayyid, Tersaf, N’Djamena và Hồ Chad), tôi gặp một người đi bộ từ Bắc xuống Nam. Đó chính là điều quan trọng nhất có thể nói về anh ta: đi từ Bắc xuống Nam. À, còn có thể nói thêm rằng anh ta đi như thế để tìm anh trai mình.
Anh ta đi chân đất, mặc chiếc quần cộc rách rưới và trên lưng mang một cái gì đó trước kia từng được gọi là áo. Ngoài ra anh ta có ba thứ: cây gậy của người lữ hành, một mẩu vải mà buổi sáng anh dùng làm khăn mặt, vào những giờ nóng nực thì làm cái che đầu, còn khi ngủ thì để che thân, và một cái tách bằng gỗ có nắp đậy đeo qua vai. Anh không có chút tiền nào. Nếu trên đường người ta cho ăn thì anh ăn, nếu không, anh sẽ nhịn đói mà đi. Cả đời anh luôn luôn đói, cái đói chẳng có gì là bất bình thường.
Anh đi về miền Nam, vì anh trai khi xưa đi khỏi nhà về hướng Nam. Khi đó là bao giờ? Lâu rồi. (Tôi nói chuyện thông qua người tài xế biết vài từ tiếng Anh và toàn bộ thời quá khứ được anh xác định bằng một từ duy nhất: lâu rồi). Con người này cũng đã đi lâu rồi, đâu đó từ dãy núi Eritrean, gần Keren.
Anh biết phải làm sao để đi về miền Nam: buổi sáng, phải nhắm hướng mặt trời. Khi gặp ai đó, anh hỏi người ta có thấy, có biết Solomon không (đó là tên người anh trai). Mọi người không ngạc nhiên vì câu hỏi này. Cả châu Phi đang di chuyển, đang trên đường, đang lạc lối. Người này chạy trốn chiến tranh, người kia tránh hạn hán, những người khác tránh nạn đói. Họ chạy trốn, lầm lẫn, lạc đường. Người đi bộ từ Bắc xuống Nam này chỉ là một giọt nước vô danh trong cơn lũ người đang tràn lên các nẻo đường của lục địa đen, hối hả vì nỗi sợ hãi trước tử thần hay niềm hy vọng tìm thấy một nơi chốn dưới ánh mặt trời.
Tại sao anh lại muốn tìm anh trai? Tại sao ư? Anh không hiểu câu hỏi. Lý do là hiển nhiên, lý do ở trong chính nó, không cần phải giải thích. Anh nhún vai. Có thể anh thấy thương hại cho người anh gặp, con người dù ăn mặc tươm tất nhưng lại nghèo hơn anh một thứ quan trọng, quý giá nào đó.
Anh có biết anh trai mình ở đâu không? Có biết nơi chúng tôi đang ngồi không còn là Eritrea, mà đã là nước khác, là Ethiopia hay không? Anh cười nụ cười của một người biết nhiều, người dù sao đi nữa cũng biết một điều, rằng đối với anh, ở châu Phi này không có biên giới và các quốc gia: chỉ có mặt đất nóng bỏng, nơi em đi tìm anh.
Trên chính con đường này, nhưng phải đi xuôi xuống, vào sâu trong khe núi thăm thẳm giữa hai dốc đá, có tu viện Debre Libanos. Bên trong nhà thờ lạnh và âm u. Sau những giờ đi xe trong nắng chói, phải mất rất lâu mắt mới quen với chốn này, nơi thoạt tiên trông như chìm trong bóng tối hoàn toàn. Sau một lúc, có thể nhìn thấy các bức tranh tường và những người hành hương Ethiopia mặc đồ trắng nằm úp mặt xuống sàn nhà trải thảm. Trong góc, vị tu sĩ già hát bài thánh vịnh bằng thứ tiếng Ge’ez đã tuyệt chủng với giọng ngái ngủ, càng lúc càng thều thào. Trong không khí thần bí tuyệt đối tập trung và tĩnh lặng ấy, mọi thứ hồ như vượt ra ngoài thời gian, ra ngoài kích thước và trọng lượng, ra ngoài sự tồn tại.
Không rõ những người hành hương ấy nằm bao lâu, vì tôi đi ra đi vào mấy lần trong ngày mà họ vẫn cứ nằm bất động trên thảm.
Họ nằm cả ngày? Cả tháng? Cả năm? Vĩnh viễn?
Địa ngục đang nguội
Các phi công còn chưa kịp tắt máy, một đám đông đã xông đến máy bay. Họ đặt cầu thang. Chúng tôi xuống thang và lập tức rơi ngay vào một đám người la hét hổn hển đã tới được máy bay, giờ đây đang chen lấn, túm lấy áo chúng tôi, dùng hết sức bình sinh xô đẩy chúng tôi “Passport? Passport?”[55] - giọng ai đó gào lên liên tục. Và ngay sau đó, với cùng ngữ điệu dữ dằn ấy: “Return ticket?”[56] Còn những người khác thì gay gắt: “Vaccination? Vaccination?”[57] Những mệnh lệnh ấy, cuộc tấn công ấy đột ngột và gây mất phương hướng đến mức - bị chen lấn, giẫm đạp và ngạt thở - tôi bắt đầu phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Bị hỏi hộ chiếu, tôi ngoan ngoãn lấy nó ra khỏi túi. Ngay lập tức có người giật lấy rồi biến đi đâu đó cùng với nó. Bị quát nạt hỏi vé khứ hồi, tôi chìa cho người ta xem.
Nhưng chỉ tích tắc sau tôi đã không nhìn thấy tấm vé đâu nữa, nó đã biến mất. Sổ tiêm chủng cũng vậy: ai đó giật nó khỏi tay tôi và bốc hơi ngay. Còn lại tôi không có chút giấy tờ! Phải làm gì đây? Kêu ai? cầu ai? Đám đông vừa xông vào tôi bên cầu thang đột nhiên tản ra và biến mất. Tôi còn lại một mình. Nhưng ngay lát sau, có hai thanh niên tiến đến bên tôi. Họ tự giới thiệu: “Zado và John. Chúng tôi sẽ bảo vệ anh. Không có chúng tôi, anh sẽ bỏ mạng”.
Tôi không hỏi gì cả. Trong đầu tôi chỉ nghĩ: ở đây nóng khủng khiếp! Khi đó là chớm buổi chiều, không khí ẩm ướt, nặng nề, đậm đặc và thiêu đốt đến mức tôi không thể thở được. Chỉ cần làm sao ra khỏi đây, đến chỗ có chút hơi mát! “Giấy tờ của tôi đâu!” - tôi bắt đầu kêu lên bực tức, tuyệt vọng. Tôi mất bình tĩnh, trong cái nóng như thế con người trở nên nóng nảy, điên tiết, hung hăng. “Anh gắng bình tĩnh lại đi” - John nói khi chúng tôi ngồi vào chiếc xe đang đậu trước doanh trại sân bay của anh. “Lát nữa anh sẽ hiểu mọi chuyện”.
Chúng tôi đi qua các đường phố Monrovia. Hai bên đường, những nền nhà bị đốt phá cháy đen thành than nhô ra. Chẳng còn lại gì nhiều từ những cái nhà bị tàn phá như thế, vì mọi thứ, từ gạch, tôn đến các thanh xà sót lại đều bị dỡ và cướp ngay. Trong thành phố có hàng chục nghìn người từ rừng chạy ra; không có mái che đầu, họ chờ lựu đạn hay bom làm sập một cái nhà nào đó. Họ sẽ xông vào nó ngay. Từ những vật liệu lấy được, họ dựng cho mình cái lều, chòi hay đơn giản là một mái che nắng che mưa. Thành phố hình như ban đầu được dựng lên từ những ngôi nhà thấp, đơn giản, giờ đây hỗn độn với các tác phẩm chắp vá tùy hứng, có phần lòe loẹt hơn, mang dáng vẻ của một cái gì đó tạm bợ, trông giống lều trại của những người dân du mục chỉ dừng lại trong chốc lát tránh cái nóng ban trưa rồi lại tiếp tục lên đường ngay, cũng chẳng rõ về đâu.
Tôi đề nghị John và Zado đưa mình đến khách sạn. Tôi không biết có gì để lựa chọn không, nhưng họ chẳng nói chẳng rằng đưa tôi đến một đường phố có tòa nhà hai tầng loang lổ treo tấm biển El Mason Hotel. Lối vào khách sạn đi qua một quán bar. John mở cửa, nhưng không vào sâu hơn được. Bên trong, trong cái tranh tối tranh sáng màu mè giả tạo và không khí ngột ngạt nóng bức, các cô gái mại dâm đang đứng. Nhưng nói “các cô gái mại dâm đang đứng” thì không diễn tả được hoàn cảnh lúc đó. Trong gian phòng nhỏ, có tới cả trăm cô gái mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mệt mỏi đứng ép sát vào nhau, chen chúc, chật ních, tới mức không những không thể bước vào mà thậm chí không thể chen tay. Hệ thống này hoạt động như sau: nếu từ ngoài phố khách mở cửa vào, áp suất bên trong quán bar giống như chiếc súng cao su, bắn thẳng một cô gái vào vòng tay vị khách đang kinh ngạc. Trong khoảnh khắc, một cô khác sẽ thế chỗ cô ngay.
John lùi lại tìm lối vào khác. Bên quầy đổi tiền nho nhỏ một anh chàng Liban trẻ tuổi nom bộ dạng dễ chịu, tươi tỉnh đang ngồi, đó là ông chủ. Các cô gái, cũng như tòa nhà đang sập với những bức tường mốc meo nhớp nháp, nơi các vệt nước đen tạo thành hình một đám rước câm lặng của lũ quỷ sứ, ngáo ộp, hồn ma trùm đầu, dài ngoẵng và gầy guộc này, là của anh.
- Tôi không có giấy tờ - tôi thú nhận với anh chàng Liban. Anh chỉ cười.
- Không quan trọng - anh nói. Ở đây chẳng mấy ai có giấy tờ. Giấy tờ! - anh cười ha hả rồi nhìn sang John và Zado với vẻ thông cảm. Rõ ràng là đối với anh, tôi như người từ hành tinh khác đến. Trên cái hành tinh mang tên Monrovia này, người ta nghĩ đến chuyện làm sao sống được qua ngày hôm sau. Ai quan tâm đến mấy tờ giấy?
- Bốn mươi đô la một đêm - anh bảo. Nhưng không có đồ ăn. Có thể ăn ở sau góc phố kia. Chỗ bà người Syria.
Tôi mời ngay John và Zado đến đó. Bà già đa nghi và luôn luôn nhìn ra cửa chỉ có một món: cơm thịt xiên nướng. Bà chăm chú nhìn ra cửa vì không bao giờ biết trước được ai sẽ bước vào: thực khách hay đám kẻ cướp đến lấy đi hết của bà mọi thứ. “Tôi biết làm gì bây giờ?” - bà vừa đặt đĩa xuống vừa hỏi chúng tôi. Bà đã mất hết cả tinh thần lẫn tiền bạc. “Tôi đã mất cả cuộc đời” - bà nói, thậm chí chẳng còn tuyệt vọng, như thể chỉ để chúng tôi nghe cho biết. Trong quán vắng vẻ, trên trần treo một cái quạt bất động, ruồi bay, mỗi lúc lại có một người ăn mày khác đứng chìa tay ngoài cửa.
Những người đàn ông quần áo rách rưới, phụ nữ chống nạng, trẻ con bị mìn nổ gãy tay, cụt chân. Ở đây, bên cái bàn này, với đĩa thức ăn này, người ta không biết phải xử sự thế nào, phải làm gì với bản thân mình.
Chúng tôi im lặng hồi lâu. Cuối cùng, tôi lên tiếng hỏi về giấy tờ của mình. Zado trả lời rằng tôi đã khiến các nhân viên sân bay thất vọng vì có đầy đủ giấy tờ. Tốt nhất là tôi không có gì cả. Các hãng hàng không lậu vẫn chở đến đây những kẻ phiêu lưu bịp bợm đủ loại. Đây là đất nước của vàng, kim cương và thuốc phiện. Nhiều kẻ trong đám ấy không có thị thực hay sổ tiêm chủng. Người ta kiếm chác được từ chúng: chúng trả tiền để được cho vào. Người ở sân bay sống nhờ chúng, vì chính phủ không có tiền và không trả lương. Họ thậm chí không phải là những người thối nát. Đơn giản là họ đói. Tôi cũng sẽ phải chuộc lại giấy tờ của mình. Zado và John biết phải chuộc ở đâu và từ ai. Họ có thể giải quyết vụ này.
Anh chàng người Liban đến, để chìa khóa lại cho tôi. Trời đã nhá nhem và anh đi về nhà. Anh khuyên tôi cũng nên về khách sạn. Anh nói tôi không thể đi quanh thành phố một mình vào buổi tối. Tôi trở về khách sạn, đi bằng cửa hông lên tầng hai, nơi có phòng của tôi. Dưới nhà, cạnh lối vào, tôi bị mấy người đàn ông rách rưới bám lấy, họ cam đoan sẽ canh gác cho tôi ban đêm. Vừa nói, họ vừa chìa tay ra. Với kiểu họ nhìn vào mắt tôi, tôi hiểu rằng nếu không cho họ chút gì, ban đêm, khi tôi ngủ, họ sẽ đến cắt cổ tôi.
Tôi nhìn thấy trong phòng mình (số 107) ô cửa sổ duy nhất trông ra cái giếng ảm đạm hôi thối, nơi có một thứ mùi kinh tởm bốc ra. Tôi bật đèn. Các bức tường, giường, cái bàn nhỏ và sàn nhà đen sì. Đen vì gián. Tôi đã sống khắp thế giới với đủ loại sâu bọ có thể tưởng tượng được, thậm chí tôi đã học được sự thản nhiên và chấp nhận thực tế là chúng ta đang sống giữa triệu triệu con ruồi, gián, bọ, giữa vô số những đàn, đám và bầy ong, nhện, xâu tai, bọ hung, trong biển muỗi, mòng, trong những đám mây châu chấu rào rào phá hoại, nhưng lần này tôi choáng váng không chỉ vì số lượng gián - dù thực ra nó cũng đáng sửng sốt - mà là kích thước của chúng, độ lớn của mỗi con gián ở đây. Đó là những con gián khổng lồ, to như những con rùa nhỏ, đen, bóng nhẫy, phủ đầy lông cứng và có râu. Cái gì đã làm chúng lớn được đến mức ấy? Chúng ăn gì? Kích thước kinh khủng của chúng làm tôi tê liệt. Bao nhiêu năm nay, tôi vô tư đập đủ loại ruồi muỗi, bọ và nhện, nhưng giờ đây tôi đứng trước một khó khăn hoàn toàn mới: phải xoay xở thế nào với những gã khổng lồ này? Làm gì với chúng? Phải có thái độ thế nào? Giết chúng ư? Bằng gì? Giết thế nào? Mới chỉ nghĩ đến thôi là tay tôi đã run lên. Chúng quá lớn. Tôi thấy mình không thể, thậm chí không đủ can đảm để thử. Hơn nữa, bởi những con gián ấy quá ngoại cỡ, tôi bắt đầu nghiêng người xuống và dỏng tai nghe, chờ chúng phát ra tiếng gì đó. Những con vật to lớn như chúng vẫn giao tiếp theo nhiều cách khác nhau: rít, rền, gừ, khọt khẹt, vậy tại sao gián lại không thể kêu? Một con gián bình thường thì quá nhỏ nên ta không nghe thấy tiếng chúng, nhưng những con khổng lồ đang ở xung quanh tôi đây thì sao? Chúng có phát ra tiếng kêu nào không? Có phát ra âm thanh nào không? Nhưng từ đầu đến cuối, trong phòng hoàn toàn yên tĩnh: tất cả chúng đều im tiếng, khép kín, câm lặng và bí ẩn.
Tuy vậy, tôi nhận thấy mỗi lần mình cúi xuống để nghe, chúng vội vàng lùi lại và tụm thành đám. Tôi lặp lại cử động và phản ứng của chúng vẫn như thế, y hệt. Rõ ràng là lũ gián ghê sợ con người, ghê tởm lùi lại trước anh ta, xem anh ta như một sinh vật đặc biệt khó chịu, gớm guốc.
Tôi có thể thêm mắm thêm muối vào cảnh tượng này và tả chúng xông vào, giận giữ vì sự có mặt của tôi, chúng tấn công và bò lên tôi, còn tôi thì bị sốc, hoảng loạn, run cầm cập, nhưng như thế sẽ không đúng với sự thật. Thực tế, nếu tôi không tiến lại gần thì chúng rất thờ ơ, chúng chuyển động một cách lờ đờ và ngái ngủ. Thỉnh thoảng chúng rơi lộp độp từ chỗ này sang chỗ khác. Đôi lúc chúng nhướn ra khỏi vỏ, rồi lại trốn vào đó. Nhưng ngoài ra không có gì hết.
Tôi biết một đêm khó nhọc và mất ngủ đang chờ đợi mình (vì ngoài ra, trong phòng còn ngột ngạt và nóng khủng khiếp), nên mở túi lấy ra các ghi chép về Liberia.
Năm 1821, con tàu từ Mỹ chở Robert Stockton, nhân viên đặc nhiệm của American Colonization Society[58] cập bến ở một nơi nằm đâu đó không xa khách sạn của tôi (Monrovia nằm bên bờ Đại Tây Dương, trên một bán đảo có hình dạng gần giống mũi Hel). Stockton gí súng vào đầu tù trưởng bộ lạc địa phương, Vua Peter, ép ngài phải bán mảnh đất - với giá sáu khẩu súng trường và một thùng đầu ruồi - nơi hiệp hội Hoa Kỳ kia muốn đưa nô lệ đã được giải phóng của các đồn điền bông (chủ yếu là từ các bang Virginia, Georgia, Maryland) đến định cư. Hiệp hội của Stockton mang tính chất từ thiện và nhân đạo. Các nhà hoạt động của hiệp hội này cho rằng cách đền bù tốt nhất cho những bất công mà chế độ nô lệ gây ra là trả các nô lệ trước kia về lại mảnh đất tổ tiên của họ - về châu Phi.
Từ đó, hằng năm, các con tàu từ Mỹ chở về những nhóm nô lệ được trả tự do tiếp theo, họ bắt đầu định cư ở vùng ngày nay là Monrovia. Họ không phải là một cộng đồng lớn. Năm 1847, khi Nước Cộng hòa Liberia tuyên bố thành lập, họ có sáu nghìn người. Có thể là con số này chưa bao giờ vượt quá mười mấy nghìn: không bằng 1% dân số cả nước.
Số phận và hành xử của những người mới đến định cư này (họ tự gọi mình là Americo-Liberian, người Liberia-Mỹ) thật ly kỳ. Ngày hôm qua, họ còn là những kẻ cùng đinh da đen, những nô lệ chẳng có chút quyền lợi pháp lý nào của các đồn điền miền Nam nước Mỹ. Phần lớn không biết đọc biết viết, cũng chẳng có nghề gì. Cha ông họ bị bắt đi khỏi châu Phi từ nhiều năm trước, bị còng tay đưa đến châu Mỹ và bán trong các phiên chợ nô lệ. Còn giờ đây, họ - hậu duệ của những con người bất hạnh ấy, mới cách đây không lâu vẫn còn là nô lệ da đen - lại có mặt ở châu Phi, trên mảnh đất tổ tiên, trong thế giới của mình, giữa các đồng hương cùng gốc gác và màu da. Theo nguyện vọng của những người da trắng tự do, họ được đưa đến đây, bị bỏ lại một mình, mặc cho số phận. Giờ đây họ phải hành xử ra sao? Phải làm gì? Trái với mong mỏi của các ân nhân, những người mới đến không hôn lên mảnh đất cố hương, không lao vào vòng tay người dân châu Phi bản địa.
Những người Liberia-Mỹ ấy, từ kinh nghiệm của mình, chỉ biết một loại xã hội - xã hội nô lệ, vì nó tồn tại ở các bang miền Nam nước Mỹ thời đó. Bởi vậy, sau khi đến nơi, bước đi đầu tiên của họ trên mảnh đất mới là tạo ra một xã hội tương tự, chỉ có điều bây giờ chính họ - các nô lệ của ngày hôm qua - sẽ là ông chủ, còn nô lệ là những người bản xứ mà họ sẽ chinh phục và cai trị.
Liberia là sự kéo dài trật tự nô lệ từ nguyện vọng của chính những người nô lệ không muốn phá bỏ chế độ bất công mà tha thiết giữ gìn, phát triển, sử dụng nó cho lợi ích riêng. Rõ ràng là tư tưởng nô lệ - được tôi luyện trong các trải nghiệm nô lệ, tư tương “sinh ra trong nô lệ, bị xiềng xích từ trong trứng nước - không thể nghĩ ra, hình dung được một thế giới tự do, nơi tất cả mọi người đều bình đẳng.
Phần lớn lãnh thổ Liberia là rừng rậm nhiệt đới, ẩm ướt, có bệnh sốt rét. Ở đó có các bộ lạc nhỏ, nghèo và tổ chức lỏng lẻo sinh sống (các cộng đồng hùng mạnh, có cấu trúc nhà nước và quân sự vững chắc thường sống trên các dải đất xa-van rộng lớn, khoáng đạt. Các điều kiện khó khăn cho sức khỏe và giao thông của rừng rậm châu Phi khiến những cộng đồng này không thể hình thành ở đó). Giờ đây, những người mới tới từ bên kia đại dương bắt đầu chuyển đến những vùng vốn do dân bản xứ chiếm giữ. Mối quan hệ ngay từ đầu đã tồi tệ và thù địch. Trước hết, người Liberia-Mỹ tuyên bố rằng chỉ có họ mới là công dân. Số còn lại - 99% dân số - bị họ từ chối quyền lợi và địa vị ấy. Theo các đạo luật được ban hành, số còn lại này chỉ là tribesman (dân bộ lạc), những người vô văn hóa, mọi rợ và dốt nát.
Hai cộng đồng này thường sống cách xa nhau, liên hệ rời rạc, không thường xuyên. Những ông chủ mới bám sát bờ biển và các khu dân cư mà họ dựng lên ở đó (lớn nhất là Monrovia). Mãi một trăm năm sau khi Liberia được thành lập, tổng thống của nó (khi đó là William Tubman) mới đi vào nội địa lần đầu tiên. Những người mới đến từ nước Mỹ, khi không thể tự phân biệt với người bản địa bằng màu da và hình thể, cố gắng nhấn mạnh sự khác biệt và thượng đẳng của mình theo cách khác. Trong khí hậu nóng ẩm khủng khiếp như ở Liberia, đàn ông, ngay cả trong ngày thường, vẫn mặc áo đuôi tôm và áo chẽn len, đội mũ quả dưa và đeo găng trắng. Phụ nữ chủ yếu ở nhà, nhưng nếu ra đường (đến giữa thế kỷ XX ở Monrovia vẫn chưa có đường nhựa và vỉa hè), họ mặc váy phồng cứng ngắc, đeo tóc giả nặng nề và đội mũ trang trí hoa giả. Toàn thể nhóm người thượng lưu và đặc quyền ấy ở trong những ngôi nhà là bản sao trung thành của các trang viên và lâu đài của các chủ đồn điền da trắng miền Nam nước Mỹ. Người Liberia-Mỹ cũng tự khép kín trong thế giới tôn giáo riêng, bất khả xâm phạm đối với người châu Phi bản xứ. Những người mới đến này là các tín đồ Báp-tít và Giám Lý cuồng nhiệt. Trên mảnh đất mới, họ dựng lên các ngôi nhà thờ đơn sơ của mình, dành hết thời gian rảnh rỗi ở đó để hát thánh ca và nghe các bài giảng đạo. Dần dà, các thánh đường này cũng trở thành nơi gặp gỡ hội họp, một kiểu câu lạc bộ kín.
Rất lâu trước khi người Phi da trắng đưa chế độ apartheid vào miền Nam châu Phi, hậu duệ của các nô lệ da đen - những kẻ thống trị Liberia - đã phát minh ra và khai sinh hệ thống này từ giữa thế kỷ XIX. Bản thân thiên nhiên và rừng rậm dày đặc đã khiến cho giữa thổ dân và những người mới đến tồn tại một ranh giới tự nhiên ngăn cách, tạo điều kiện cho sự phân biệt. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Trong thế giới Monrovia bé nhỏ và cuồng tín, người ta ban hành lệnh cấm quan hệ gần gũi với dân địa phương, đặc biệt là cấm thành hôn. Họ làm tất cả mọi chuyện để “những kẻ mọi rợ biết chỗ của mình”. Với mục đích đó, chính phủ Monrovia phân định cho mỗi bộ lạc (tổng cộng có mười sáu bộ lạc) một địa phận họ được phép sinh sống - điển hình cho các homeland dành cho người châu Phi mà mãi vài chục năm sau mới được những kẻ phân biệt chủng tộc da trắng thành lập ở Pretoria. Tất cả những ai phản đối điều này đều bị trừng phạt nghiêm khắc. Chính quyền Monrovia cử quân đội và cảnh sát hình sự cơ động đến những nơi có bạo loạn và kháng cự. Thủ lĩnh các bộ lạc ngoan cố bị trừ khử ngay tại chỗ, dân chúng nổi loạn bị giết hoặc bỏ tù, làng mạc của họ bị tàn phá, mùa màng bị đốt trụi. Theo tục lệ cổ xưa của thế giới, các cuộc viễn chinh, tấn công và các cuộc chiến địa phương này nhằm một mục đích: bắt nô lệ. Bởi người Liberia-Mỹ cần nhân công. Trên thực tế, từ giữa thế kỷ XIX họ đã bắt đầu dùng nô lệ riêng trong các trang trại và công xưởng, cũng như bán nô lệ đến các thuộc địa khác, đặc biệt là đến Fernando Po và Guinea. Cuối những năm hai mươi của thế kỷ XX, báo chí quốc tế phanh phui phi vụ buôn bán nô lệ được chính phủ Liberia tiến hành một cách hợp thức này. Hội Quốc Liên[59] can thiệp. Dưới sức ép của Hội, tổng thống đương nhiệm Charles King phải nhượng bộ. Nhưng thực tế này vẫn tiếp diễn, chỉ có điều đã bị giấu giếm.
Từ những ngày đầu định cư ở Liberia, những người da đen từ Mỹ đến đã nghĩ cách giữ gìn và củng cố vị thế áp đảo của mình ở quốc gia mới. Trước tiên, chúng không cho phép người bản xứ tham gia chính phủ, từ chối quyền công dân của họ. Chúng cho phép họ sống, nhưng chỉ trên các địa phận được chỉ định riêng cho bộ lạc. Sau đó chúng đi xa hơn - chúng nghĩ ra hệ thống cai trị độc đảng. Một năm trước khi Lênin chào đời, cụ thể là vào năm 1869, True Whig Party được thành lập ở Monrovia, đảng sẽ có độc quyền quyền lực trong suốt một trăm mười một năm, nghĩa là đến năm 1980. Cơ quan lãnh đạo đảng này, bộ chính trị - a National Executive[60] - ngay từ đầu đã quyết định tất cả: ai sẽ là tổng thống, ai ngồi vào chính phủ, chính phủ này sẽ có đường lối ra sao, doanh nghiệp nước ngoài nào sẽ được cấp phép, đưa ai lên làm sếp cảnh sát, ai sẽ đứng đầu ngành bưu điện, v.v… - rất cụ thể, cho đến tận bậc thấp nhất. Các lãnh tụ của đảng là tổng thống của nước cộng hòa, hoặc ngược lại, vì các chức vụ này được xem như thay thế lẫn nhau. Chỉ vào đảng mới có thể phấn đấu được cái gì đó. Các thành phần chống đối thì hoặc ở trong tù, hoặc ở nước ngoài.
Tôi đã gặp riêng thủ lĩnh đảng này, đồng thời là tổng thống Liberia trong những năm sáu mươi, William Tubman. Đó là mùa xuân năm 1963, ở Addis Ababa, trong hội nghị các nguyên thủ quốc gia châu Phi lần thứ nhất. Khi ấy Tubman gần bảy mươi tuổi. Trong đời chưa bao giờ đi máy bay: ông ta sợ. Một tháng trước hội nghị, ông ta lên đường bằng tàu thủy từ Monrovia, đến Djibouti, rồi từ đó đi tàu hỏa đến Addis Ababa. Đó là một quý ông thấp bé, vui tính, với điếu xì gà trên môi. Ông ta trả lời những câu hỏi khó bằng một tràng cười lớn kết thúc bằng những tiếng nấc ầm ĩ, theo sau là cơn khò khè, nghẹt thở. Ông ta run lên, mắt lồi ra, ngán nước. Người đối thoại bối rối và sợ hãi sẽ im lặng, không dám hỏi gì hơn. Tubman phủi tàn thuốc trên trang phục và, đã bình tĩnh trở lại, một lần nữa ẩn mình sau màn mây dày đặc khói thuốc.
Ông ta là tổng thống Liberia trong hai mươi tám năm. Ông ta thuộc loại thủ lĩnh chính trị bây giờ đã là hiếm, những người điều khiển đất nước mình như một điền chủ điều hành thái ấp: họ biết tất cả mọi người, quyết định tất cả mọi chuyện. (Người đồng niên với Tubman - Rafael LeonidasTrujillo - là độc tài của Cộng hòa Dominican suốt ba mươi năm. Vào thời ông ta, nhà thờ tổ chức các lễ rửa tội tập thể: Trujillo là cha đỡ đầu cho mọi trẻ em sinh ra ở Dominican. Theo thời gian, ông ta trở thành cha đỡ đầu của tất cả cấp dưới. CIA đã không thể tìm ra những người tình nguyện tổ chức lật đổ tên độc tài, bởi không ai muốn giơ tay đánh cha đỡ đầu của mình).
Hằng ngày Tubman tiếp khoảng sáu mươi người. Ông ta tự bổ nhiệm người cho mọi chức vụ trong nước, quyết định cấp giấy phép cho ai, cho phép những nhà truyền giáo nào vào. Ông ta có người của mình đi khắp nơi, có cảnh sát riêng báo cáo tình hình: ở làng này có chuyện gì, làng kia ra sao. Chẳng có nhiều chuyện xảy ra. Đất nước này là một vùng quê nhỏ bị bỏ quên của châu Phi. Trên các đường phố đầy cát của Monrovia, trong bóng râm những tòa nhà đang sập, các bà hàng xén phốp pháp lơ mơ ngủ sau sạp hàng, những con chó bị sốt rét lang thang khắp nơi. Thỉnh thoảng, một nhóm người mang biểu ngữ lớn trên ghi “Cuộc tuần hành vĩ đại bày tỏ lòng biết ơn về các tiến bộ của đất nước nhờ có Chính Quyền Vô Song của Tống thống Liberia - Dr. WVS Tubman.” đi ngang qua cổng tòa nhà chính phủ. Trước chính cánh cổng này, các nhóm nhạc từ quê ra cũng dừng lại để hát ca ngợi tổng thống:
Tubman là cha của tất cả chúng ta, người cha của dân tộc.
Ông xây đường cho ta.
Đem nước tới.
Tubman cho ta ăn.
Cho ta ăn, Ye, ye!
Những người lính gác đang trốn nắng trong chòi canh vỗ tay cổ vũ các ca sĩ nhiệt tình này.
Nhưng điều làm người ta kính phục nhất là tổng thống được các linh hồn tốt che chở và ban cho năng lực phi thường. Nếu có người cho ngài uống thứ nước có độc, cốc nước sẽ vỡ tan trong không khí. Viên đạn của kẻ ám sát không thể hạ gục ngài: nó sẽ tan chảy trên đường bay. Tống thống có các loại thảo dược giúp ngài thắng mọi cuộc bầu cử. Và ngài có cái máy có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ xảy ra ở bất cứ đâu: chống đối là vô nghĩa, sẽ bị phát hiện ngay.
Tubman chết năm 1971. Bạn thân của ông ta, phó tổng thống William Tolbert, lên thay. Tubman vui thú với quyền lực bao nhiêu thì Tolbert say mê tiền bạc bấy nhiêu. Hắn là một hiện thân di động của tham nhũng. Hắn buôn bán tất cả mọi thứ - vàng, xe hơi, lúc rảnh rỗi hắn bán hộ chiếu. Toàn bộ giới tinh hoa, hậu duệ của các nô lệ Mỹ da đen, theo gương hắn. Hắn ra lệnh bắn những người hành khất ăn xin bánh mì và nước uống trên phố. Cảnh sát của hắn đã giết hàng trăm người.
Rạng sáng ngày 12 tháng Tư năm 1980, một toán lính đột nhập vào dinh tổng thống và phanh thây Tolbert ngay trên giường. Họ moi ruột gan hắn rồi ném cho chó và kền kền ngoài sân rỉa rói. Có mười bảy người lính. Chỉ huy của họ là trung sĩ Samuel Doe hai mươi tám tuổi. Doe là gã trai gần như mù chữ, xuất thân từ bộ lạc nhỏ Krahn sống trong rừng sâu. Những người như y, bị cái đói xua đuổi ra khỏi làng quê của mình, đã trôi dạt đến Monrovia tìm tiền và việc làm từ nhiều năm nay. Trong ba mươi năm (từ 1956 đến 1986) dân số của thủ đô Liberia tăng gấp mười lần, từ 42 nghìn lên đến 425 nghìn người. Mà cú nhảy vọt này xảy ra trong một thành phố không có công nghiệp và giao thông, nơi chỉ rất ít nhà có đèn điện, nước máy thì còn hiếm hơn nữa.
Cuộc hành trình từ rừng rậm đến Monrovia cần đi nhiều ngày khó nhọc qua những vùng đất nhiệt đới không có đường đi. Chỉ những người trẻ, khỏe mới vượt qua được. Chính họ đã đến thành phố. Nhưng ở đây chẳng có gì chờ đợi họ: không việc làm, không mái che đầu. Ngay từ ngày đầu tiên họ đã trở thành bayaye - đội quân những người thất nghiệp trẻ lang thang vô công rồi nghề trên khắp các đường phố lớn và quảng trường của các thành phố châu Phi. Sự tồn tại của đội quân này là một trong những nguyên nhân của sự rối loạn trên châu lục: từ hàng ngũ ấy - với giá rẻ mạt, thường chỉ là lời hứa nuôi ăn - các thủ lĩnh địa phương tuyển quân cho các cuộc chiến giành quyền lực, để tổ chức đảo chính và xúi giục nội chiến.
Doe, tương tự như Amin ở Uganda, chính là một bayaye như thế. Và cũng như Amin, y đã trúng số độc đắc: được vào quân đội. Có thể đoán được rằng y đã lên đến đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng hóa ra y còn có tham vọng lớn hơn.
Trong trường hợp Liberia, cuộc đảo chính của Doe không đơn giản chỉ là sự thay đổi một thủ lĩnh chính trị-quan chức tham nhũng bằng một kẻ nửa mù chữ mặc quân phục. Nó đồng thời là cuộc cách mạng đẫm máu, tàn bạo và đầy mỉa mai của nhân dân bị áp bức, nửa kiếp tôi đòi, từ rừng rậm châu Phi chống lại những kẻ thống trị mà họ căm thù - các cựu nô lệ của các đồn điền nước Mỹ. Như thể Doe đã thực hiện cuộc đảo chính bên trong lòng thế giới nô lệ: các nô lệ hiện nay nổi loạn chống lại các nô lệ xưa kia, những kẻ áp đặt ách thống trị lên họ. Toàn bộ sự kiện này dường như để chứng minh luận điểm bi quan và thảm thương nhất: theo một nghĩa nào đó, ít ra là theo nghĩa tinh thần và văn hóa, chế độ nô lệ là không có lối thoát. Hoặc nếu có, thì nó vô cùng khó khăn và luôn luôn cần nhiều thời gian.
Doe tự phong mình làm tổng thống ngay lập tức. Y ra lệnh giết ngay mười ba bộ trưởng của chính phủ Tolbert. Cuộc hành hình kéo dài rất lâu, trước mắt đám đông những kẻ hiếu kỳ tụ tập lại vì tò mò.
Tân tổng thống không ngừng tiết lộ về những lần y bị ám sát. Y nói có tất thảy bốn mươi bốn lần. Y xử bắn các sát thủ. Việc y vẫn sống và tiếp tục cầm quyền là bằng chứng rằng y được các lời nguyền và những thế lực bất khả chiến bại che chở - đó là công sức của các phù thủy quê y. Có thể bắn y, đơn giản là viên đạn sẽ dừng lại trong không trung và rơi xuống đất.
Không có gì nhiều để nói về chính phủ của Doe. Y cầm quyền trong mười năm. Đất nước đơn giản là đình trệ. Không có điện, các cửa hàng đóng cửa, giao thông đóng băng trên những con đường vốn ít ỏi ở Liberia.
Thực ra, y không biết mình phải làm gì trên cương vị tổng thống. Bởi có gương mặt phúng phính trẻ con, y mua cho mình đôi kính gọng vàng lớn, để trông có vẻ nghiêm chỉnh và sang trọng. Y khá lười, vì thế y lê la suốt ngày trong dinh thự, chơi cờ đam với thuộc cấp. Y cũng ở ngoài sân nhiều, nơi vợ của đám cận vệ tổng thống nấu nướng bên bếp lửa hay giặt đồ lót. Y trò chuyện với họ, đùa bỡn, thỉnh thoảng đưa cô nào đó lên giường. Phân vân, không biết phải làm gì tiếp và làm sao thoát được sự trả thù sau khi giết từng ấy người, y tìm lối thoát bằng cách để những người cùng bộ lạc Krahn vây quanh mình. Vì thế, y kéo họ đến Monrovia rất đông. Chính quyền từ tay những người Liberia-Mỹ giàu có, ổn định, tầm cỡ quốc tế (trong lúc ấy đã kịp trốn khỏi đất nước) giờ đây chuyển vào tay một bộ lạc của những người rừng nghèo khổ, mù chữ và hoảng sợ chính hoàn cảnh mới của mình - bộ lạc Krahn, những người đột nhiên bị lôi ra khỏi túp lều lá, lần đầu tiên nhìn thấy một thứ giống như thành phố, ô tô hay giày. Họ hiểu rằng cách duy nhất để tồn tại là uy hiếp hoặc diệt trừ các kẻ thù có thật hay tiềm tàng, nghĩa là tất cả những người phi-Krahn. Bởi vậy, nhúm người hôm qua còn bần hàn, tối tăm và ngơ ngác, muốn giữ lấy thứ quyền lực đầy lợi lộc như quả trứng vàng vừa rơi vào tay, họ khủng bố cả dân tộc ngay từ đầu. Họ đánh, tra tấn, treo cổ, hầu như chẳng vì lý do gì. “Tại sao họ làm vậy với anh?” - hàng xóm hỏi một người bị đánh tả tơi. “Vì họ cho rằng tôi không phải là người bộ lạc Krahn” - người bất hạnh đáp.
Dễ hiểu là trong tình cảnh ấy, cả nước chỉ chờ được thoát khỏi Doe và người của y. Một người tên Charles Taylor đã tới giúp một tay. Hắn là thuộc hạ cũ của Doe, người bị tổng thống khẳng định đã ăn cắp của y một triệu đô la trước khi tẩu sang Mỹ, gặp rắc rối vì phi vụ gì đó, bị bỏ tù, nhưng đào ngục và đột nhiên xuất hiện ở Bờ Biển Ngà. Từ đây, với một nhóm sáu mươi người, hắn khai chiến với Doe vào tháng Chạp năm 1989. Lẽ ra Doe đã có thể dễ dàng tiêu diệt hắn, nhưng y lại cử đạo quân chân đất người Krahn đi đánh hắn. Thay vì chiến đấu với Taylor, ngay sau khi rời Monrovia, chúng xông ra cướp bóc bất cứ ở đâu, bất cứ thứ gì bắt gặp. Tin tức về đạo quân ăn cướp này lan nhanh trong rừng rậm giữa những người dân đang hoảng sợ, họ chạy đến bên Taylor với hy vọng được cứu thoát. Quân đội Taylor lớn mạnh nhanh chóng và chỉ trong sáu tháng đã tiến sát Monrovia.
Một cuộc tranh cãi nổ ra trong doanh trại của Taylor: ai sẽ chiếm thành phố và chiến lợi phẩm sẽ thuộc về ai. Tổng tham mưu, cũng là thuộc hạ cũ của Doe - Prince Johnson - trở mặt với Taylor và lập quân đội riêng. Giờ đây ba đạo quân - của Doe, Taylor và Johnson - đánh nhau trong thành phố để giành lấy nó. Monrovia biến thành đống điêu tàn, các khu phố cháy trụi, xác người la liệt trên đường.
Cuối cùng, các nước Tây Phi can thiệp. Nigeria cử tàu chở quân đổ bộ lên cảng ở Monrovia vào mùa hè. Doe biết tin và quyết định đến thăm quân Nigeria. Y đem theo tùy tùng và lên chiếc xe Mercedes chạy ra cảng. Đó là ngày 9 tháng Chín năm 1990. Tổng thống đi ngang qua thành phố kiệt quệ, bị tàn phá, cướp bóc và hoang phế. Y đến cảng, nhưng ở đó quân của Johnson đã chờ sẵn. Chúng khai hỏa. Toàn bộ đội cảnh vệ tổng thống bỏ mạng. Chính y thì bị trúng đạn vào đầu gối, không thể chạy trốn. Chúng bắt y, trói giật tay ra sau và lôi đi tra tấn.
Johnson, muốn quảng bá, đã hạ lệnh quay phim chi tiết cảnh tra tấn. Trên màn ảnh, ta nhìn thấy Johnson ngồi uống bia. Bên cạnh có một phụ nữ đứng hầu quạt và lau mồ hôi trên trán cho hắn (trời rất nóng). Doe bị trói ngồi dưới sàn, máu me đầm đìa. Gương mặt y nát bét, gần như không thấy mắt. Quân của Johnson vây xung quanh, hân hoan vì cảnh tượng tên độc tài bị tra tấn. Đám quân này suốt nửa năm đã đi khắp nước, cướp và giết, song cảnh máu me vẫn tiếp tục đưa chúng vào trạng thái mê cuồng, điên loạn. Các gã trai trẻ chen lấn, ai cũng muốn xem, muốn rửa mắt. Doe ngồi trong vũng máu, trần truồng, ướt đẫm vì máu, mồ hôi và nước mà người ta tạt y cho khỏi ngất, đầu sưng lên vì bị đấm. “Prince!” - Doe thều thào với Johnson (y gọi hắn bằng tên, vì dù sao tất cả đều là bạn bè, những kẻ đang đánh nhau và tàn phá đất nước ấy - Doe, Taylor và Johnson - đều là bạn bè). “Chỉ cần bảo họ nới dây trói tay ra, tao sẽ nói hết, chỉ cần nới dây trói ra!” Hẳn là chúng đã trói tay y chặt đến mức nó làm y đau hơn cả đầu gối bị trúng đạn. Nhưng Johnson quát Doe, quát bằng thổ ngữ địa phương của hắn. Hầu như không thể hiểu được hắn nói gì, ngoài một điều duy nhất: hắn muốn Doe khai ra số tài khoản ngân hàng. Mỗi khi ở châu Phi có một tên độc tài bị bắt, toàn bộ cuộc điều tra, đánh đập, tra tấn chỉ luôn xoay quanh một điều - số tài khoản cá nhân của hắn ta. Theo dư luận ở đây, chính trị gia đồng nghĩa với trùm băng đảng tội phạm kiếm tiền bằng cách buôn bán ma túy và vũ khí rồi bỏ tiền vào tài khoản ở nước ngoài, vì hắn biết sự nghiệp của mình sẽ chẳng kéo dài, sẽ phải chuồn và phải có gì để sống.
- Xẻo tai hắn đi! - Johnson quát, giận dữ vì Doe không muốn nói (dù Doe cam đoan là y muốn!). Đám lính quẳng vị tổng thống xuống sàn, lấy giày đè hắn, một tên xẻo tai y bằng lưỡi lê. Người ta nghe thấy một tiếng rống man rợ vì đau.
- Tai kia! - Johnson gào lên. Hỗn loạn tột độ. Tất cả đều bị kích động, chúng cãi nhau, ai cũng muốn xẻo tai tổng thống. Lại nghe thấy tiếng rú.
Chúng xốc tổng thống dậy. Doe ngồi, đám lính ấn đế giày lên lưng y, đầu y không có tai, chảy tràn máu, ngất ngư. Bây giờ Johnson không biết phải làm gì tiếp. Ra lệnh xẻo mũi y? Chặt tay? Chặt chân? Rõ ràng là hắn không có ý tưởng gì. Hắn bắt đầu thấy chán. “Mang y đi!” - hắn hạ lệnh cho đám lính, chúng sẽ đem Doe đi tra tấn tiếp (cũng sẽ được quay phim). Doe giập nát, sống thêm được vài giờ rồi chết vì mất máu. Khi tôi ở Monrovia, băng video quay cảnh tra tấn tổng thống trở thành cuốn băng nóng nhất của thị trường truyền thông. Nhưng trong thành phố vẫn còn ít đầu video, hơn nữa thường bị mất điện. Để xem cảnh tra tấn (cả phim dài hai giờ đồng hồ), dân chúng phải đến nhà các hàng xóm giàu nhất hoặc vào những quán bar nơi cuốn băng được chiếu suốt ngày.
Những người viết về châu u có cuộc sống thật thoải mái. Nhà văn, ví dụ, có thể dừng lại ở Florence (hoặc cho nhân vật của mình ở đấy). Thế là xong, lịch sử sẽ làm thay cho anh ta phần còn lại. Bởi vì tác phẩm của các kiến trúc sư, những người đã dựng nên nhà thờ, của các nhà điêu khắc, tác giả những bức tượng phi thường, của các công dân giàu có đủ khả năng xây những dinh thự lộng lẫy thời Phục hưng, sẽ đem đến cho nhà văn những đề tài bất tận. Có thể ngồi một chỗ miêu tả tất cả những điều ấy hoặc chỉ cần dạo qua thành phố một chút. “Tôi đứng trên quảng trường Piazza del Duomo” - tác giả đang ở Florence viết. Rồi tiếp theo, anh ta có thể dành nhiều trang miêu tả sự phong phú của cảnh vật, của các tác phẩm, các tuyệt tác nghệ thuật, những sáng tạo của thiên tài và thẩm mỹ loài người, những thứ đang vây quanh anh ta khắp nơi, đâu đâu cũng thấy, anh ta ngập chìm trong chúng. “Và giờ đây, tôi đi qua Il Corso và Borgo degli Albizi về hướng Viện bảo tàng Michelangelo, để xem cho bằng được bức phù điêu Madonna della Scala” - tác giả viết. Anh ta thật sung sướng làm sao! Chỉ cần đi và nhìn là đủ. Thế giới bao quanh anh ta tự tuôn trào xuống ngòi bút. Có thể sáng tác cả chương về cuộc đi dạo ngắn ngủi này. Mọi thứ ở đây mới phong phú, muôn hình muốn vẻ, mới vô tận làm sao! Hãy xem Balzac. Hãy xem Proust. Hàng trang nối tiếp trang là các danh sách, ghi chép, liệt kê những đồ vật được sáng tạo bởi hàng nghìn thợ mộc, thợ chạm, thợ hồ và thợ đẽo đá, bởi vô số bàn tay khéo léo, tinh tế và đầy khát khao, những bàn tay đã xây nên các đô thị và phố xá ở châu u, dựng các ngôi nhà và trang bị nội thất cho chúng.
Monrovia đặt một người mới bước chân đến đây vào tình thế hoàn toàn khác. Những căn nhà nhỏ nhếch nhác, tồi tàn trông giống hệt nhau kéo dài hàng cây số, phố này biến vào phố kia, khu này biến vào khu kia một cách khó nhận thấy tới mức chỉ có cái mệt mỏi mà anh nhanh chóng cảm thấy trong khí hậu này mới cho anh biết rằng mình đã đi từ vùng này tới vùng kia của thành phố. Nội thất các ngôi nhà (ngoại trừ vài biệt thự của những người nổi tiếng và giàu có) cũng nghèo nàn và đơn điệu như nhau. Cái bàn, vài cái ghế tựa hoặc ghế đẩu, những cái giường đôi bằng sắt, chiếu cói hay chiếu nhựa cho trẻ con, những chiếc đinh treo quần áo trên tường, mấy bức ảnh, thường là cắt ra từ họa báo màu. Một cái nồi nấu cơm lớn, nồi nhỏ hơn để nấu nước xốt, những chiếc cốc uống nước và uống trà. Cái chậu tắm bằng nhựa mà mỗi khi phải chạy loạn (điều gần đây thường xuyên xảy ra, vì các cuộc chiến nổ ra liên tục) trở thành một loại va li xách tay mà phụ nữ đội trên đầu.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun