Fiction reveals truths that reality obscures.

Jessamyn West

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ự căng thẳng mau lẹ giảm đi trong thành phố. Trận đánh chẳng bao lâu chỉ còn là một kỷ niệm. Hòa bình được phục hồi. Ít nhất bề ngoài người ta lại được sống trong hoà bình một lần nữa. Trận giao chiến vừa qua chỉ là một cơn ác mộng.
Một vài thay đổi thực sự được ban hành. Trương tướng quân được chọn làm tư lệnh cho hai lực lượng tấn công, và sau đó ông trở thành Tổng đốc. Với quyền hành chánh trong tay, ông tỏ cho biết ông sẵn sàng cải cách.
Trong bầu không khí mới mẻ này, học sinh hoạt động trở lại, và xuất bản ba tờ báo định kỳ. Giác Dân, Giác Tuệ và một vài bạn học xuất bản một tờ tuần báo, lấy tên là Bình Minh, bao gồm những tin tức của phong trào văn hoá mới, giới thiệu những tư tưởng mới và tấn công tất cả những gì phi lý của cái cũ.
Giác Tuệ hăng hái tham gia. Chàng viết rất nhiều bài cho tờ báo. Dĩ nhiên phần lớn tài liệu của chàng đến từ những tờ báo xuất bản tại Thượng Hải và Bắc Kinh. Chàng chưa nghiên cứu kỹ về những lý thuyết mới, hoặc chưa phân tích cẩn thận về xã hội. Tất cả những gì chàng có là đôi chút kinh nghiệm sống, một số kiến thức sách vở, và sự hăng say của tuổi trẻ.
Ðối với Giác Dân, chàng bận với các lớp học ở trường suốt ngày; buổi tối chàng đi dậy kèm cho Ngọc Cầm. Chàng không còn nhiều thời giờ cho việc khác. Thỉnh thoảng chàng cũng viết một bài báo, nhưng chàng không giúp nhiều cho tờ báo.
Tờ tuần báo được giới trẻ chấp nhận nồng nhiệt. Số đầu tiên in một ngàn bản và bán hết không đầy một tuần lễ. Số thứ hai cũng bán chạy như vậy. Vào lúc số thứ ba phát hành, tờ báo đã có gần ba ngàn độc giả mua báo. Cột trụ của tờ báo là ba người bạn thân của Giác Tuệ, và chàng hết lòng thán phục những bài văn hay của họ.
Với sự ra đời của tờ tuần báo, cuộc đời của Giác Tuệ trở nên hứng thú và năng động. Lần đầu tiên chàng tìm được chỗ để dùng hết năng lực tiềm tàng của chàng. Tư tưởng của chàng được in ra và hàng ngàn ấn bản được phát hành cùng một lúc. Ðộc giả khắp nơi biết cái điều chàng đang suy nghĩ; có người còn viết thư bày tỏ sự đồng ý. Trong đôi mắt hăng say của chàng, niềm vui cao cả mà chàng đang trải qua là một cái gì quý giá tột cùng. Nhưng dù chàng sẵn sàng dành hết thời giờ rảnh cho tờ báo, chàng vẫn sợ ông nội sẽ biết việc làm của chàng, hoặc sự dấn thân của chàng có thể khiến Ðại ca của chàng gặp rắc rối. Vì thế chàng bắt buộc phải che giấu sự liên hệ của chàng với tờ báo.
Nhưng cuối cùng việc ấy cũng bị khám phá ra. Một hôm người chú Khắc Minh tình cờ đọc một số báo trong phòng Giác Tuệ, có một trong những bài viết của chàng. Khắc Minh không nói gì; ông chỉ lạnh lùng mỉm cười và bỏ đó. Tuy Khắc Minh không báo cáo sự việc cho ông nội chàng, nhưng từ hôm ấy Giác Tuệ thận trọng hơn nữa. Chàng coi phần lớn người trong họ của chàng là kẻ thù và tránh né họ. Hoạt động, công việc và ước muốn của chàng là điều chàng không cho một người nào trong gia đình biết. Chàng cũng không tin tưởng Giác Tân. Chàng biết người anh cả vốn yếu đuối, và không nhất thiết có cảm tình với những gì chàng đang làm.
Khi sự say sưa dâng lên trong đời sống mới của Giác Tuệ, lòng hăng say tuổi trẻ của chàng không có giới hạn nữa. Trong một thời gian ngắn, một nhóm nghiên cứu và quảng bá văn hóa mới được thành lập quanh tờ tạp chí của chàng. Mỗi Chủ nhật họ họp tại công viên, khoảng hai chục người, uống trà và bàn cãi sôi nổi mọi vấn đề xã hội. Hoặc họ tụ họp thành nhóm nhỏ trong nhà các học sinh khác nhau, và thảo luận những chương trình trợ giúp người khác - bởi vì những người trẻ tuổi này đã trở nên thấm nhuần tinh thần của chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa xã hội. Họ đang mang trên vai cái gánh nặng cải tạo xã hội và giải phóng nhân loại.
Những bảng sắp chữ trong nhà in, sự chuyển động đều đặn của máy in báo, những trang báo đẹp đẽ in ra, thư từ của nhiều độc giả mà chàng chưa từng gặp mặt - tất cả những thứ này thực là mới lạ và khích lệ tuyệt vời cho Giác Tuệ. Ðó là những thứ chàng chưa bao giờ mơ ước tới, thế mà hôm nay tất cả đã là thực tế, rõ ràng, mạnh mẽ, đáp ứng niềm khát khao trẻ trung muốn hành động của chàng.
Giác Tuệ dần dần trở nên ngập sâu vào cái bối cảnh mới của chàng; cùng lúc ấy, cái hố xa cách giữa chàng và những người khác trong gia đình mở rộng thêm. Chàng cảm thấy họ không thể nào hiểu được chàng. Hình ảnh của ông nội thì vĩnh viễn nghiêm khắc; bộ mặt bự phấn của Trần Di Thái không bao giờ mất đi cái vẻ xảo trá. Bà kế mẫu của chàng thì vẫn lịch sự lạnh lùng. Ðại ca tiếp tục thực hành triết lý "cây cung cong". Ðại tẩu lại có thai nữa, và bắt đầu mất đi vẻ xuân sắc nở hoa của mình. Sau lưng Giác Tuệ, các bà thím ông chú than phiền chàng quá kiêu hãnh; chàng không tỏ lộ một sự kính trọng bắt buộc của một đứa cháu trai. Họ phản đối với kế mẫu của chàng, yêu cầu bà rấy la chàng. Tuy thế bất cứ khi nào chàng gặp họ, họ đều chào hỏi chàng với những nụ cười đạo đức giả.
Người duy nhất trong gia đình mà Giác Tuệ gần gũi là Giác Dân. Nhưng Giác Dân có những ước muốn riêng của chàng, công việc riêng của chàng. Ngay cả trong tư tưởng, chàng khác với Giác Tuệ.
Còn một người nữa: Minh Phương. Giác Tuệ cảm thấy mềm lòng mỗi khi nghĩ đến nàng. Chàng biết ít nhất trong dinh cơ nhà họ Cao còn có một người yêu chàng. Lòng tận tụy vô tư của cô gái ấy là nguồn hạnh phúc không ngừng cho chàng. Bất cứ khi nào chàng nhìn vào mắt nàng - diễn tả được nhiều hơn bất cứ đôi môi nào, bừng cháy với ngọn lửa trong sạch của tình yêu - thì hy vọng vươn lên trong ngực chàng. Tất cả thế giới đều ở trong đôi mắt ấy; trong đôi mắt ấy chàng có thể tìm thấy mục đích của đời chàng. Ðôi khi chàng bị tràn ngập bởi xúc cảm, chàng muốn vất bỏ tất cả sang một bên để cho đôi mắt ấy; chàng cảm thấy đôi mắt ấy xứng đáng bất cứ một hy sinh nào.
Nhưng khi chàng đi ra ngoài đời, bước vào bối cảnh mới của chàng, gặp gỡ những bạn bè mới - tầm mắt của chàng mở rộng. Chàng có thể trông thấy cái thế giới vĩ đại trước mặt chàng; có chỗ cho ngọn lửa đang âm ỉ cháy của chàng; chính đây là nơi chàng nên tập trung tất cả năng lực của chàng. Ðời sống không quá giản dị như thế; chàng biết rõ điều này lắm. So sánh thế giới rộng lớn với đôi mắt người con gái thì quả thực quá ngớ ngẩn. Làm thế nào chàng có thể bỏ tất cả cho đôi mắt ấy?
Gần đây chàng đọc một bài báo mạnh mẽ trong một tờ bán nguyệt san xuất bản tại Bắc Kinh. Tác giả nói rằng giới trẻ Trung Hoa không được là những kẻ nhàn rỗi, sống chỉ là để hưởng lạc thú; thanh niên phải sống một cuộc sống đơn sơ đạm bạc. Xã hội Trung Hoa còn tối tăm, và nhiệm vụ của thanh niên rất là nặng nề. Chính thanh niên phải đương đầu và giải quyết những vấn đề xã hội. Dĩ nhiên chuyện này đòi hỏi tất cả năng lực của họ. Ðể kết luận, tác giả báo động các độc giả thanh niên: "Các bạn phải đề phòng sa ngã vào tình yêu. Ðừng trở nên tình cảm ủy mị."
Tuy căn bản lý thuyết của bài báo không vững chắc, nhưng lúc đó nó ảnh hưởng nhiều độc giả thanh niên, đặc biệt là những người lo lắng muốn hiến dâng mình để phục vụ xã hội.
Bài báo cũng gây ấn tượng mạnh ở Giác Tuệ nữa. Chàng đọc bài báo với một trái tim run rẩy. Nó khích động chàng đến nỗi chàng sẵn sàng tuyên hứa sẽ đúng là một thanh niên mà tác giả đòi hỏi. Tâm trí chàng tràn ngập bởi hình ảnh của một xã hội lý tưởng. Chàng quên hết tình yêu trong sạch của một cô gái trẻ.
Nhưng chàng chỉ tạm thời quên cô gái trẻ ấy thôi. Thực vậy, chàng quên nàng khi chàng bận rộn bên ngoài. Nhưng ngay khi chàng trở về nhà khi chàng bước vào cái khuôn viên im lặng như sa mạc, chàng lại nghĩ đến nàng. Và suy nghĩ đến nàng chắc chắn làm chàng cảm thấy bối rối. Hai tư tưởng chiến đấu trong tâm trí chàng - hoặc có lẽ chúng ta có thể nói đó là cuộc tranh đấu giữa "xã hội" và Minh Phương. Nhưng vì đây là một người con gái cô đơn, và chống lại nàng là cả một hệ thống luân lý phong kiến của nhà họ Cao, và trong cuộc chiến đấu trong tâm trí Giác Tuệ, nàng chắc chắn sẽ kẻ thua cuộc.
Dĩ nhiên Minh Phương không biết gì về cuộc chiến đấu trong tâm trí Giác Tuệ. Nàng vẫn yêu chàng, bí mật nhưng không thay đổi. Nàng sung sướng chỉ vì chàng sung sướng. Nàng chờ đợi, cầu nguyện một ngày nào chàng sẽ cứu vớt nàng ra khỏi cái hố bùn lầy của kiếp sống của nàng.
Cuộc sống của nàng lúc này dễ chịu hơn trước. Các chủ nhân của nàng tử tế với nàng hơn. Nàng chịu đựng được tất cả nhờ tình yêu của nàng. Tình yêu ấy đem lại cho nàng nhiều cơn mơ mộng mà nàng tìm làm nơi trú ẩn. Tuy thế nàng vẫn tỏ ra khiêm tốn thấp hèn. Ngay cả trong giấc mơ của nàng, nàng cũng không quan niệm được sống bình đẳng với Giác Tuệ; nàng chỉ muốn là một kẻ nô lệ trung thành, nhưng là nô lệ cho riêng mình chàng thôi. Dường như đối với nàng đấy là hạnh phúc vĩ đại nhất nàng có thể có được.
Tiếc thay thực tế thường trái ngược với những gì con người mơ ước; nó đập vỡ hy vọng, tàn nhẫn và mau lẹ.
*
Một buổi tối, sau khi số báo Bình Minh thứ tư được gửi đi, Giác Tuệ đi với Giác Dân đến thăm Ngọc Cầm.
Mẹ nàng, bà Trương, đang ngồi trên một bệ đá cao bên ngoài cửa sổ nói chuyện với nàng. Khi anh em nhà họ Cao tới nơi, bà sai người lấy ghế cho hai anh em cùng ngồi với mẹ con bà.
Ngọc Cầm mỉm cười hỏi Giác Tuệ, "Em đã đọc số thứ ba của tờ tuần báo của anh. Bài báo chống lại gia đình cổ truyền chắc là của anh viết. Tại sao anh dùng cái bút hiệu Sát Minh kỳ cục thế?"
Giác Tuệ giật mình. Liếc vội nhìn bà cô và không thấy bà có phản ứng gì, chàng cảm thấy an tâm và cười trả lời, "Sao em biết bài ấy là của anh? Anh quả quyết là không phải."
"Em không tin anh. Em biết chắc thái độ và văn phong là của anh. Nếu anh không nhận, em sẽ hỏi Nhị ca vậy!" Nói thế nàng quay sang nhìn Giác Dân, và Giác Dân đành phải gật đầu và mỉm cười công nhận.
Giác Tuệ lợi dụng cơ hội ấy và đòi hỏi, "Hừ, vậy thì em có viết bài cho tuần báo của chúng tôi không?"
Ngọc Cầm khiêm tốn trả lời, "Anh biết rõ rằng em viết không hay, tại sao anh để cho em làm hỏng tờ báo của anh?"
"Số bốn của tờ tuần báo đã gửi đi in. Trong đó có một bài cổ võ phụ nữ nên để tóc ngắn, có điều bài đó do một người đàn ông viết. Ðây là một vấn đề đã từng tranh luận trên báo chí Thượng Hải, và trong những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, phụ nữ đã bắt đầu thực hành để tóc ngắn rồi. Nhưng ở đây chưa ai đề cập đến vấn đề này. Tốt hơn nếu phụ nữ các em xuất hiện với ý kiến của chính mình; tờ tuần báo sẽ rất vui mừng đăng những bài như thế."
Mắt chàng nhìn khuôn mặt lộng lẫy của Ngọc Cầm đang đỏ ửng lên. Ðôi mắt to xinh đẹp của nàng sáng rỡ quay nhìn Giác Tuệ, trong khi nàng hăng hái nói mà không đổi giọng. "Vấn đề này đã từng được say sưa bàn cãi tại trường chúng em. Hiển nhiên là phần lớn chúng em ưa thích tóc ngắn. Có hai ba người trong chúng em đang nghĩ tới việc cắt mớ tóc kết đuôi sam đi, nhưng chúng em chưa dám làm thế vì sợ những hậu quả xảy ra. Không ai có can đảm làm thế. Hạ Kim Ngọc đã quyết định, nhưng chưa ra tay hành động. Quả thực rất khó làm một người tiên phong. Cái mà chúng em nên làm và hăng say cổ võ trên báo chí..."
"Còn em thì sao?" Giác Tuệ vừa cười vừa hỏi, như thể nhất định lợi dung cơ hội để làm áp lực nàng.
Ngọc Cầm liếc nhìn mẹ đang ngả người trên một cái ghế tựa bằng tre, mắt nhắm lại, nhưng miệng vẫn mỉm cười, chứng tỏ bà dường như không nghe mấy người trẻ tuổi đang nói gì. Ðây là thói quen thông thường của bà dể đứng ngoài một cuộc tranh luận. Hai anh em nhà họ Cao biết rõ bà, và do đó không quan tâm tới bà nữa.
"Anh hãy quan sát em." Ngọc Cầm mỉm cười trả lời, nụ cười che giấu vẻ mặt thực của nàng. Giác Tuệ không thể không nghĩ "Hừ, thực là một cô gái ranh mãnh láu lỉnh, trả lời một cách không hứa hen mà không tỏ lộ một chút hèn nhát."
Giấc Tuệ cố gặng hỏi, "Thế, một bài báo được không?"
Nàng mỉm cười, suy nghĩ một lúc và khẽ nói, "Ðược rồi, em hứa một bài báo. Em muốn bàn về sự ích lợi của tóc ngắn đối với phụ nữ. Có nhiều lợi ích lắm, chẳng hạn như vệ sinh, tiết kiệm, tiện lợi, và vất bỏ được cái nguồn gốc kỳ thị đàn bà. Nhưng vấn đề này có thể thảo luận cặn kẽ. Nhưng số báo này cũng đã có một bài báo bàn về cùng một vấn đề thì sao? Nếu thế, em không cần phải viết một bài nữa."
Giác Tuệ rất đỗi vui mừng trước lời hứa của nàng, và vội nói, "Không hoàn toàn giống nhau đâu; xin viết bài của em, và tụi anh sẽ cho in vào số tới."
Sau một lúc im lặng, Ngọc Cầm hỏi Giác Dân, "Bao giờ là ngày trình diễn vở kịch của trường anh? Khoá học bây giờ gần như chấm dứt rồi."
Giác Dân nói như xin lỗi, "Chắc là không có gì cả. Bây giờ không ai nói đến chuyện trình diễn vở kịch nữa. Năm ngoái tụi anh đã tốn nhiều thời giờ và cố gắng tập dượt rất nhiều lần vở kịch Ðảo Kho Tàng, thế mà bây giờ tụi anh không có cơ hội trình diễn lấy một lần, thực là buồn quá! Tất cả là do chiến tranh. Anh vẫn còn nhớ Giác Tuệ và anh lo lắng đến thế nào, sợ rằng quần áo âu phục của tụi anh không thích hợp trong đêm khai diễn, hoặc tụi anh sẽ không quen với y phục ấy. Ngoài ra giáo sư Chu là người Anh và do đó bao giờ cũng mặc âu phục, trong khi trường anh chỉ có ông hiệu trưởng là có âu phục, mà ông ta thường chỉ mặc mỗi năm một lần vào Ngày Học Sinh."
Giác Tuệ cũng khó chịu và bực mình nói theo, "Không những chỉ cuộc trình diễn vở kịch bị ảnh hưởng đâu, ngay cả những biện pháp cho việc giải phóng phụ nữ cũng bị cuộc chiến hủy hoại hết. Khoá học đã sắp hết rồi, nhưng người ta không nghe nói đến việc thu nhận nữ sinh nữa, ngay cả ông hiệu trưởng cũng không nhắc nhở đến nữa. Chắc chắn là chuyện ấy sẽ bốc hơi đi như một giấc mơ thôi. Ông hiệu trưởng là người chỉ có hứa hẹn." Giác Dân quay vội nhìn chàng một cách ngạc nhiên, như thể trách chàng đưa ra cái tin xấu ấy.
Quả thực nỗi lo sợ của Giác Dân có lý do, bởi vì lời nói của Giác Tuệ làm mặt Ngọc Cầm tối xầm lại, đến nỗi nàng phải cắn môi như muốn đè nén cái gì bên trong. Nàng bỗng quay nhìn Giác Dân và hỏi chàng bằng một giọng đè nén, "Có thực không?" Nàng nóng nẩy chờ câu trả lời, với hy vọng Giác Tuệ chỉ nói đùa thôi.
Giác Dân không dám nhìn thẳng vào mặt nàng, sợ trông thấy sự ngã lòng của nàng khi nàng biết sự thực, vì thế chàng cúi đầu trả lời bằng một giọng buồn chán. "Kết quả chưa rõ rệt. Nhưng cho đến bây giờ viễn ảnh khá đen tối. Dẫu sao khai sáng một cải cách mới không dễ dàng đâu, cần phải có sự can đảm xuất chúng." Biết trước sự thất vọng của nàng, chàng an ủi, "Ngọc Cầm, trường của tụi anh không tốt, đây không phải là một mất mát không thể đền bù được đâu. Anh khuyên em nên đi Bắc Kinh hoặc Thượng Hải để học cao hơn. Em còn một năm nữa mới tốt nghiệp. Chính sách thu nhận học sinh của trường anh căn cứ vào văn bằng hoặc khả năng tương đương với tốt nghiệp trung học. Nhưng em sẽ thi đậu kỳ thi tuyển trong vòng một năm khi em đã tốt nghiệp; hơn nữa trong một năm, sự thu nhận nữ sinh chắc chắn sẽ được đưa ra." Chàng nói thế mặc dù chàng không có một ý kiến gì về chuyện sẽ xảy ra.
Ngọc Cầm cũng hiểu như thế và nàng không nói thêm nữa.
Trong ba ngày Ngọc Cầm viết xong bài báo. Giác Tuệ cầm bản thảo, trông thấy nét chữ đẹp đẽ duyên dáng của lối viết con gái, và thán phục tinh thần tiền phong và sự can đảm anh thư của nàng. Chàng đánh giá cao bài viết và lập tức cho đăng trong số thứ năm của tờ tuần báo, cùng với lời giới thiệu khen ngợi của chàng. Theo sau bài báo này là bài của Hạ Kim Ngọc đăng vào số tiếp theo, và liên tiếp hơn hai mươi thiếu nữ gửi thư đến toà soạn bày tỏ sự ủng hộ của họ. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, vấn đề tóc ngắn của phụ nữ trở nên một vấn đề cải cách được thảo luận hăng say nhất tại Thành Ðô. Trong số những người dám đương đầu với tất cả những hậu quả và chinh phục những chướng ngại, Hạ Kim Ngọc đứng nổi bật là người tiền phong thực hiện lời nói bằng hành động và tạo ra một tấm gương táo bạo cho mọi người.
Dòng Thác Cuốn Dòng Thác Cuốn - Nguyễn Vạn Lý Dòng Thác Cuốn