Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Tác giả: George Eliot
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Mill On The Floss
Dịch giả: Ngô Đăng Tâm
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1990 / 33
Cập nhật: 2015-10-05 18:59:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
ỔI KHỔ TỘT CÙNG TRONG NHỮNG GIỜ PHÚT đầu tiên của tai biến thường kích thích và giúp ta có nghị lực để chịu đựng tạm thời. Nhưng khi ngày tháng dần qua, khi đời sống ta đổi thay theo một nhịp điệu chậm chạp, buồn thảm thì đó chính là lúc tuyệt vọng hăm dọa con người và chính là lúc con người chán nản buông xuôi nhứt.
Maggie đang ở vào thời kỳ đó, Maggie đã được mười ba tuổi, lứa tuổi mà các cô gái vừa dậy thì khác chưa biết gì về sự phấn đấu, về sự xung đột nội tâm, và những kinh nghiệm quá sớm đó đã làm cho Maggie trông có vẻ già trước tuổi. Tuy nhiên, cô vẫn chưa có được đức tánh dè dặt và tự chủ để giúp Tom thành công hơn các thiếu niên trang lứa.
Ông Tulliver đã bắt tay vào việc lại với tư cách quản lý của Wakem. Tom vẫn tiếp tục đi làm tại St. Ogg’s từ sáng tới chiều tối, và càng ngày càng trầm lặng nhiều hơn trước. Còn gì để nói nữa? Hôm nay cũng như mọi ngày khác mà thôi. Những mơ ước tươi đẹp về cuộc đời của Tom giờ đây đã quần tụ vào một tham vọng duy nhứt: làm sao vượt qua được tai ương.
Phần bà Tulliver thì hình như chẳng bao giờ còn được như xưa nữa. Bà không còn làm công việc nội trợ một cách thanh thản như ngày trước. Làm sao được? Tất cả những của cải quí báu - nguồn vui của bà trong hai mươi lăm năm qua - những ước mơ, những dự tính khiêm tốn đã bị đoạt khỏi tay bà một cách đột ngột, khiến bà đâm ra ngỡ ngàng bối rối, hoang mang trước cuộc sống mới đầy trống vắng. Bà tự hỏi tại sao tai biến này lại xảy tới cho bà mà không tới với các đàn bà khác, một câu hỏi mà bà không bao giờ tìm ra giải đáp. Thật hết sức đáng thương khi nhìn thấy người đàn bà xinh đẹp ngay xưa, bây giờ đã tiều tụy hẳn đi vì thể xác và tâm trí không lúc nào được thanh thản nữa.
Làm xong công việc, bà thường thơ thẩn trong ngôi nhà trống trải hết giờ này sang giờ khác, khiến Maggie đâm ra lo ngại. Cô tìm mẹ và đưa bà đi nghỉ với câu nhắc nhở là Tom sẽ giận nếu biết bà cứ tự hủy hoại sức khỏe như vậy mãi. Bà không cho Maggie làm một việc nặng nhọc hay dơ bẩn nào. Bà nổi giận khi thấy con gái dành công việc chùi rây và lau nhà máy, «để đó con, con cứ cãi lời má hoài rồi sẽ bị chai tay cho mà coi. Đây là công việc của má. Con cứ lo may vá đi, lúc này má may đồ không được nữa - mắt má mờ quá rồi».
Những nổi băn khoăn của mẹ không làm Maggie khổ sở bằng cơn tuyệt vọng ngấm ngầm của cha. Ông đã trở nên ít nói một cách kỳ lạ, và hết ngày này sáng ngày khác, tuần nọ qua tuần kia, đôi mắt lờ đờ của ông không hề lóe lên một tia sáng hăng hái hay một ánh lửa vui tươi nào cả. Nhiều khi nhìn những vết hằn trên trán và hai bên khóe miệng của cha, Maggie tự hỏi: «Tại sao mặt ba lại không bao giờ tươi lên được nữa? Đâu phải là một điều khó khăn gì?» Dĩ nhiên, làm sao những người trẻ có thể thống hiểu được nổi tuyệt vọng của những người đứng tuổi khi mà cuộc đời chỉ đem lại cho họ toàn những kết quả ê chề!
Ông Tulliver không còn la cà ngoài phố nữa, mua sắm xong, ông trở về nhà thật mau, từ chối tất cả các lời mời mọc những nơi ông phải tới giao dịch. Ông không thể cam chịu đời sống mới của mình, ai nói với ông một lời gì ông cũng cảm thấy tự ái bị tổn thương. Nhưng hôm Wakem đến nhà máy thanh sát công việc với ông cũng không đen tối bằng những phiên chợ mà ông phải gặp nhiều chủ nợ cùng một lúc. Làm sao phải trả cho xong nợ với mấy người kia, đó là đối tượng của mọi ý nghĩ và nổ lực của ông Tulliver.
Từ một người ăn xài phóng khoáng, ông bỗng trở thành dè sẻn tới mức độ keo kiệt, bà Tulliver có hà tiện trong việc ăn uống, lửa củi thế mấy cũng không làm ông thỏa mãn. Ông không chịu ăn một món gì ngoài những thứ thật rẻ tiền. Mặc dầu không thích vẻ lầm lì của cha và cảnh ảm đạm trong gia đình, Tom cũng đồng ý hoàn toàn với cha về vấn đề trả nợ. Chàng hãnh diện trao hết số tiền thù lao đầu tiên trong đời cho cha để vào một chiếc hộp thiếc để dành. Những đồng tiền vàng nằm trong hộp có lẽ là hình ảnh duy nhứt đem lại một ánh sáng hài lòng yếu ớt trong đôi mắt của ông Tulliver - yếu ớt vì ánh sáng đó tắt ngấm ngay khi ông nghĩ tới cái ngày xa xăm có thể trả nợ xong. Món nợ tổng cộng trên năm trăm bảng là một lỗ hổng quá lớn đối với số tiền dành dụm ít ỏi trong thù lao hằng tháng của hai cha con ông.
Tuy nhiên, bên dưới vẻ lầm lì ảm đạm đó, ông Tulliver vẫn còn giữ cảm tình xưa với «cô con gái cưng» của ông. Ông cần sự có mặt của Maggie bên cạnh, dù sự có mặt đó không đủ để làm ông phấn khởi hơn, ông vẫn ngắm con gái một cách âu yếm, nhưng tình phụ tử đầm ấm của ông cũng đã bị pha trộn ít nhiều chua xót như mọi tình cảm khác.
Đêm đêm, Maggie thường ngồi may vá trên một chiếc ghế thấp bên cạnh ghế bành của cha. Cô vẫn ước ao được cha xoa đầu hay có một cử chỉ nào đó chứng tỏ rằng ông còn biết mình có một đứa con gái rất thương yêu mình. Nhưng bây giờ thì cha cô và Tom – hai biểu tượng của cuộc đời cô - đều không chú ý tới việc biểu lộ tình thương đối với cô. Tom luôn luôn có vẻ mệt mỏi, xa vắng trong những giây phút ngắn ngủi có mặt ở nhà, còn cha cô thì luôn luôn bận rộn với ý nghĩ là con gái mình đã lớn - đã tới tuổi dậy thì - mà tương lai hãy còn mù mịt. Maggie khó lập gia đình trong tình trạng suy sụp hiện nay. Ông không muốn con gái mình sẽ lấy phải chồng nghèo như cô Gritty của nó - bởi vì nếu có chuyện đó xảy ra, ông không tài nào nhắm mắt được trong mộ huyệt.
Những ngày buồn bã, ảm đạm đó thỉnh thoảng cũng được khuấy động bởi khách khứa tới thăm. Các dì dượng chỉ lưu lại trong một thời gian ngắn, dĩ nhiên là họ không thể ở lại dùng bữa với gia đình được nữa, và hình như sự lầm lì đáng ngại của ông Tulliver làm cho các dì cảm thấy tiếng nói của họ như vang dội hơn trong ngôi nhà quạnh hiu này. Dường như có một vòng đai băng giá nào bao quanh những kẻ bị suy sụp địa vị trong xã hội khiến cho thân hữu của họ có cảm giác khoan khoái khi xa họ cũng như khi rời xa một gian phòng lạnh buốt.
Dòng Sông Tuổi Dại Dòng Sông Tuổi Dại - George Eliot Dòng Sông Tuổi Dại