Số lần đọc/download: 6552 / 67
Cập nhật: 2016-03-29 17:18:37 +0700
Chương 24
T
heo kế hoạch, ông Thành sẽ chở "thằng cháu họ bị sốt rét lâu ngày không khỏi" vào Tam Kỳ tìm thấy thuốc nam. Chúng tôi sẽ đi chừng giữa buổi, lúc trên đường đã đông đúc người xe. Tôi đành tháo rời khẩu súng, dặn Thủy lúc nào thuận tiện đem đi vứt. Không thể mang nó theo, dù tôi rất tiếc bộ kính ngắm.
Ăn sáng xong, ông Thành bảo tôi ngồi đợi để ông đi mượn xe ở nhà người bạn. Cũng chẳng ai xa lạ, đấy là ông Hồng mà tôi đã gặp hôm lên bốc mộ. Thủy bảo nhà ông ở cạnh chợ Đà Nẵng, cách đây mấy dãy phố.
Thủy đang bận việc gì đó trên gác. Tôi ngồi một mình trong phòng làm việc của ông Thành ở tầng trệt. Căn phòng giản dị. Ngoài bộ bàn ghế và chiếc giường xếp tài sản đáng giá nhất là sách. Rất nhiều sách xếp đầy trên mấy chiếc giá che kín tường. Hòn đá hình chậu hoa cạn ông mang trên rừng về được bày trên một chiếc kệ có chạm trổ hoa văn và cẩn xạ cừ kê sát bàn viết. Ngoài cửa sổ, mưa vẫn rơi tí tách. Chốc chốc lại có tiếng xe xích lô lăn lọc cọc qua trước nhà.
Lát sau Thủy bước vào phòng, tay xách chiếc ba lô kiểu của lính ngụy. Cô nói:
- Em chuẩn bị cho anh mấy thứ mang theo, anh coi có hợp không?
Tôi lục ba lô: áo quần, màn, võng dù, chăn dù của lính loại thường gọi là chăn thám báo nhẹ và ấm, bàn chải, thuốc đánh răng, khăn mặt... cùng những thứ lặt vặt khác. Có cả mấy gói kẹo nữa! Chẳng biết cô chuẩn bị từ khi nào?
Giấu nỗi xúc động, tôi càu nhàu:
- Mua kẹo làm gì! Làm như tôi là trẻ con không bằng! Mà... - Tôi lưỡng lự - Toàn đồ mới cả. Giá có mấy thứ cũ thì hay hơn.
- Vậy mà em không nghĩ ra. Để coi... - Cô chọn ra mấy thứ -... anh xài tạm mùng của em vậy. Cả khăn mặt nữa. Đổi luôn ống kem đánh đăng, cái bật lửa..? Anh cần thêm chi không?
Tôi cười:
- Với tôi thế này là giàu rồi!
Có tiếng xe máy chạy vào cổng. Tôi nhìn ra, thấy ông Thành vừa về tới trên chiếc Honđa nữ. Ông bước vào nhà, giục con gái:
- Coi chuẩn bị đồ cho anh, đến giờ đi rồi đó con? - Và ông bảo tôi - Tôi vừa gặp anh Tám, ảnh hẹn ra đi lúc tám giờ.
- Xong rồi đây ba? Anh Hải, anh mang thêm cái áo len, trời lạnh đó? - Cô đưa tôi chiếc áo len màu nâu dài tay, chắc của ông Thành, rồi ngoảnh sang nói với ông - ảnh đang đau, ba nhớ chạy chậm chậm...
- Ba nhớ rồi! Con lấy cho anh cái áo mưa.
Đúng tám giờ, ông Thành dắt xe ra cổng. Tôi xách ba lô bước lại gần cô:
- Tôi đi đây! Thủy ở lại... mạnh khỏe nghe!
Cô nhìn tôi, đôi mắt đọng nước:
- Anh Hải... anh... không nói chi với em nữa ư?
Như vừa có một đợt sóng cồn trong tim làm nghẹn máu đau nhói, tôi nói mà cảm thấy hai mắt cay buốt:
- Thủy… Tôi... muốn nói nhiều lắm, nhưng... để khi nào hòa bình...
- Hòa bình?... Vậy... từ đây tới đó, em không được biết tin anh?
- Tôi sẽ gửi thư cho Thủy... Có đường dây, chắc gửi được - Tôi móc túi áo lấy trang sổ tay có chép bài thơ "Núi đôi” đặt vào tay cô - Thủy cầm để nhớ nét chữ...
- Anh đi... mạnh giỏi, nhớ viết thư... cho em nghen... Cô nói như thổn thức, bàn tay nhỏ nhắn run rẩy trong tay tôi.
- Thủy đừng buồn... chúng ta sẽ gặp lại nhau mà! Tôi buông tay cô, bước vội ra đường.
Mưa lâm thâm ướt láng mặt đường nhựa. Gió lạnh thổi từ biển vào, cuộn những đám mây màu chì buồn bã lướt qua giàn ra đa trên đỉnh Sơn Trà.
Xe đã ra khỏi Đà Nẵng một quãng xa. Tôi vẫn thẫn thờ như người vừa tỉnh giấc mơ, lòng ngẩn ngơ num tiếc vì đã để lại trong mơ một điều gì đó vô cùng quý báu và đẹp đẽ mà lâu nay mình hằng khát khao. Tiếng máy xe nổ đều đều. Những cánh đồng, những xóm làng xa lạ nối nhau lùi về phía sau. Cảnh vật hiện ra mờ nhạt. Trước mắt tôi lúc này hầu như chỉ có đôi mắt đen ngân ngấn nước đăm đăm nhìn tôi như dò hỏi, như trách móc, như chờ đợi mong mỏi. Tôi biết là Thủy yêu tôi, và tới giờ tôi mới hiểu rằng mình đã ao ước được yêu Thủy như chưa bao giờ từng ao ước một điều gì trên đời như thế. Nhưng chiến tranh còn dài, liệu sau này có còn sống để đền đáp tấm lòng của Thủy? Tôi rưng rưng nước mắt, lòng cồn cào niềm thương nhớ lẫn day dứt. Mình ra đi như chạy trốn...
Một chiếc Suzuki lướt vèo qua làm tôi giật mình. Ông Thành vừa nói gì đó nhưng gió tạt đi nên không nghe được. Tôi ghé sát tới hỏi:
- Bác vừa bảo gì ạ?
- Trên chiếc "Su” vừa rồi là người của anh Tám đó!
- Sao bác biết?
- Lúc sáng anh ấy có dặn số xe. Anh thấy chiếc "sáu bảy” đằng sau kia không? Anh Tám đi chiếc này.
Tôi nhìn qua gương chiếu hậu, quả nhiên thấy chiếc Honđa nam đang bám theo lúc xa lúc gần. Mình vô ý quá! Nãy giờ nếu có địch theo dõi chắc cũng không biết. Cố nén mọi xốn xang, tôi hướng suy nghĩ vào hiện tại. Tam Kỳ? Tôi hình dung trong đầu khúc bản đồ miền Trung và nhớ nó nằm gần những căn cứ quân sự của Mỹ: Núi Thành, Vạn Tường, Chu Lai... Những địa danh dễ nhớ vì gắn liền với những trận đánh diệt Mỹ nổi tiếng. Không biết còn bao xa nữa? Mấy cột cây số vừa thấy chưa có chỉ Tam Kỳ.
Dọc hai bên đường ít thấy dấu vết bom đạn như ở ngoài quê tôi, nhưng hình ảnh chiến tranh vẫn hiện ra rõ nét ở những cứ điểm quân sự chằng chịt dây thép gai. Trên đường, mấy chiếc xe đò chở khách chạy khép nép khi gặp xe nhà binh. Xe jeep lao như tên bắn, xe GMC chở lính chạy rầm rầm, có cả một đoàn xe chở những nòng pháo "Vua chiến trường" dài thượt chạy rung mặt đường.
Suốt cả chặng dài, chúng tôi không gặp sự kiểm soát nào. Lúc vượt qua cột cây số có ghi “Tam Kỳ - 2km". Ông Thành cho xe chạy chậm lại rồi rẽ vào con đường đất phía bên phải.
Hơn mười một giờ trưa, chúng tôi tới một xóm nhỏ nhà cửa thưa thớt nằm ven mấy quả đồi thấp. Ở đây cách quốc lộ Một khoảng mười cây số.
Nhà già Lý ở rìa xóm cách xa các nhà khác. Đang loay hoay với giàn bí trước nhà, thấy chúng tôi đến, già chạy ra mừng rỡ:
- Trời đất! Tôi nóng ruột từ sáng tới giờ. Sao vô trưa quá vậy?
- Anh Hải đang đau nên tôi không dám chạy nhanh. - Ông Thành trả lời.
- Anh bị sao?... Vậy hả? Hèn chi ốm quá trời? Thôi vô, vô nhà nói chuyện. Để rồi tôi đi bốc cho anh mấy thang thuốc, sắc uống khỏi liền à! - Già Lý vồn vã nói, kéo tay tôi dẫn vào nhà và ghé miệng nói nhỏ: Thằng Nghĩa đang đợi anh trong buồng. - Ông mở cửa gian buồng phía trái căn nhà đẩy tôi vào, nói tiếp - Hai anh em ngồi nói chuyện, tôi ra trước trông chừng”.
Một người đàn ông mặc bộ bà ba đen đang ngồi bên bàn, thấy tôi vào đứng dậy bắt tay tôi:
- Chào anh Hải. Tôi đợi anh từ sáng tới giờ...
Anh Nghĩa ngồi với tôi tháng mười phút. Anh cho biết vừa có tin địch đổ quân phục kích ở một điểm trên đường lên cứ, ta đang kiểm tra lại. Vì vậy tôi sẽ phải chờ đây tới chiều mai mới có người tới đón.
- Nơi đây gần địch nhưng yên, xung quanh toàn cơ sở của ta. Anh coi đó, tôi vẫn đi về được giữa ban ngày. - Anh khẽ cười, nói tiếp - Đúng ra có thể đưa anh đi từ Đà Nẵng, nhưng trên chọn đường dây này vì cha tôi quen biết gia đình bác Thành. Nếu bố trí cho Đà Nẵng móc nối sẽ mất nhiều thời gian kiểm tra thử thách để tin nhau. Mà việc đưa anh đi chủ yếu là nhờ bác ấy và cô Thủy...
Anh dặn tôi một số cách xử trí trong trường hợp bất trắc rồi quảy quả đi ngay.
Nhà của già Lý là một ngôi nhà nhỏ ba gian tường gạch mái lợp tranh. Trong nhà đồ đạc đơn sơ. Trên bộ bàn thờ kê ở gian giữa, có ảnh người con trai mặc quân phục lính ngụy, đeo lon hạ sĩ. Chính cái cậu mà hôm trước già lên bốc hài cốt. Thấy tôi chăm chú nhìn bức ảnh, già nói như thanh minh: “Thằng Nghĩa bảo tôi đặt bức này, linh tráng có vô soát nhà, chúng cũng nể..."
Sau mấy phút thăm hỏi, già Lý bảo:
- Thằng Nghĩa nó báo với tôi hơn tuần nay rồi, vậy là ngày nào tôi cũng mong anh. Anh cứ yên tâm nghỉ cho khỏe. Vô đây… - Ông dẫn tôi vào căn buồng nhỏ ở gian bên trái - Anh nghỉ trong này. Ở đây làng lính ít tới. Bà con rối xóm theo đằng mình cả. Nhưng anh cũng không nên đi ra ngoài. Nếu có ai hỏi thì nói là... - Ông bàn với tôi cách thức đói phó trong những trường hợp cần thiết.
Trưa đó già Lý tự tay làm thịt gà đãi tôi với ông Thành. Lúc ăn cơm, tôi mới biết trong nhà chỉ có già với đứa cháu gái chừng chín tuổi, là con của người con gái lấy chồng ở làng bên. Cháu tên là Linh, tuy còn nhỏ nhưng rất ngoan và linh lợi.
Khoảng hai giờ chiều ông Thành ra về. Trước khi đi, ông ôm lấy tôi, rơm rớm nước mắt:
- Anh đi mạnh khỏe! Nếu có dịp, nhớ nhắn tin cho tôi với con Thủy. Ra ngoài đó nếu gặp chú Nguyên, nhờ anh kể lại mọi chuyện về tôi, về thằng Trà con Thủy cho chú ấy biết. Tôi gởi thư không tiện. Mà thư cũng đâu nói hết được... Anh nói là gần ba chục năm nay, tôi trông tin chú ấy từng ngày từng giờ... Thôi tôi về. Anh cứ ngồi yên trong nhà, đừng ra...
Ông buông vai tôi, hấp tấp bước đi. Tôi lắng nghe tiếng xe nổ máy chạy xa dần, lòng bồi hồi khi nghĩ không biết đến bao giờ mới lại gặp ông.
Đến nửa chiều trời lắc rắc mưa. Gió se se lạnh. Cái lạnh ở đồng bằng thật dễ chịu chứ không như ở trên rừng. Tôi ngủ thiếp đi, tai nghe tiếng mưa rơi mà ngỡ tiếng nước rì rào ngoài suôn.
Tỉnh giấc khi có tiếng xe máy và tiếng người trước sân, tôi nhìn đồng hồ thấy gần sáu giờ chiều. Hình như già Lý đang nói chuyện với ai. Lát sau có người nào đẩy cửa bước vào nhà, áo mưa loạt soạt. Nhìn qua khe cửa, tôi bỗng sửng sốt: Thủy! Cô như vừa hiện ra giữa nhà, nước trên áo mưa đang rỏ tong tòng xuống nền đất. Tôi hé cửa buồng bước ra.
- Anh Hải... - Cô kêu khẽ, cặp mắt long lanh, mấy sợi tóc ướt dính bết vào má.
Tối hôm đó, tôi với cô ngồi bên chiếc bàn gỗ trong gian buồng nhỏ nói chuyện đến khuya. Ngoài mái hiên nước mưa rơi giọt ngắn giọt dài. Gió lùa từng cơn, rung lạc xạc những tàu lá chuôi. ánh đèn dầu soi bóng cô rung rinh trên vách nhà.
Mải mê câu chuyện, tôi kể cho cô nghe về quê mình, về những kỷ niệm thời thơ ấu, chuyện cô bạn học ngày nào cùng con đường đồi nở đầy hoa sim tím...
- Chuyện cũng... giông giống như trong bài thơ ấy, phải không anh?
- Thơ nào?
- Bài thơ anh đưa em hồi sáng đó! Đây nét - Cô chìa ra trang sổ tay của tôi.
- Làm gì có! - Tôi kêu lên - Làm sao được như trong thơ? Hơn nữa, tôi với Hường lúc đó chưa dám nói gì với nhau, còn trong thơ thì viết: “Mới ngỏ lời thôi đành lỡ hẹn..."
- Khúc sau còn dài không anh?
- Dài lắm!
- Anh chép hết cho em! - Cô hăm hở móc túi xách lấy ra cây bút và cuốn sổ.
Tôi bối rối. Nếu thư thả cũng nhẩn nha nhớ ra được, nhưng lúc này còn tâm trí đâu nữa! - Tôi... không nhớ hết. Để chép cho Thủy mấy câu cuối, còn lại sau này tôi chép nốt được không?
- Nhớ nghen! Em chờ đó.
Tôi chép cho cô khổ thơ cuối: "Anh đi bộ đội sao trên mũ..." Mấy câu này tôi rất thích nên nhớ như in trong đầu.
Cô cầm sổ lên đọc, tư lự một lúc mới nói:
- Mấy câu thơ thiệt hay, nhưng sao có cảm giác buồn buồn. Vậy là hai người không gặp nhau phải không anh?
- Ừ! Người con trai đi chiến đấu nơi xa. Còn ở quê, cô gái vào du kích và vẫn một lòng chờ đợi. Bảy năm sau, lúc hòa bình lập lại, anh bộ đội trở về thì cô gái đã hy sinh, chỉ còn tên trên tấm bia mộ liệt sĩ. Anh nhìn lên hai ngọn núi vẫn đứng bên nhau và khóc: "Núi vẫn đôi mà anh mất em..."
Cô chớp chớp mắt, nói như thì thầm:
- Tội ghê anh ha! Em không ngờ thơ viết về chiến tranh mà lại lãng mạn và xúc động đến vậy... Nhà thơ giỏi thiệt!
- Tất nhiên rồi! Phải giỏi mới làm được thơ hay. Nhưng xúc động nhất chính là vẫn có những mồi tình trong sáng đẹp đẽ như thế trong khói lửa đạn bom... - Tôi nói hào hứng như được gọi lên trong giờ giảng văn.
- Vậy đó! Còn anh thì lúc nào cũng "Chiến tranh còn dài, không biết sống chết thế nào..."
Tôi chưng hững:
- Tôi nói khi nào?
- Mới hồi đó! Lúc em hỏi, tại làm sao mà anh không viết thư cho chị Hường.
- À… ờ… thì...
- Cả lúc chiều nữa, anh nói với ba em!
Chẳng còn biết nói sao, tôi ngồi sững, mắt nhìn hút vào cô như bị thôi miên. Câu chuyện từ đầu tới giờ, chẳng qua chỉ để lấn át một điều gì đó cứ chực bùng lên trong lòng tôi. Nhưng lúc này trong tôi đang có sự biến đổi khác lạ, một sự biến chuyển mơ hồ nhưng mạnh mẽ, tựa như hạt cây tự tách lớp vỏ cứng để nhú mầm.
- Anh nhìn chi em mà nhìn dữ vậy? - Cô ngượng ngùng hỏi, đôi má ửng đỏ.
Hình như những lúc như thế này, người ta phải nói một câu gì đó văn hoa bóng bẫy, rất dài và rất hay, gọi là để "tỏ tình", nhưng tôi chịu chả nghĩ ra được câu nào như thế. Lí trí đã nép vào một góc cho tình cảm trào lên. Tôi nhìn thấy trong mắt cô đang ngời lên ánh lửa kỳ lạ, không biết rằng trong mắt mình cũng ngời ngời ánh lửa đó, ánh lửa trong mắt của những người đang ao ước yêu đương. Như bị hút, tay chúng tôi hồi hộp tìm nhau. Không còn là cái bắt tay như những lần trước, lúc này là sự đụng chạm của hai luồng điện trái dấu làm tóe ra tia lửa đốt cháy bùng lên ngọn lửa rừng rực khát khao. Một làn sóng nóng ấm tràn khắp người khiến tôi bồng bềnh trong cảm giác rạo rực êm dịu. Tâm hồn tôi đang quay theo vòng quay của vũ trụ và máu thịt rung động theo quy luật của tạo hóa. Ngoài kia mưa đã thôi rơi, gió cũng ngừng thổi, trong không gian im ắng tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng hai trái tim đập thình thịch. Rất gần trước mắt tôi là đôi hàng mi cong khép hờ, vành môi hơi hé mở chờ đợi, hơi thở dồn dập nóng rực và mùi hương con gái nồng nàn...
Đột ngột, có tiếng chó sủa dội màn đêm. Khoảng không gian trong căn buồng nhỏ như bị đóng băng, hai đứa tôi cứng người ngồi lặng. Những đợt sóng tiếng người tôi lắng nhanh xuống, các giác quan căng ra theo phản xạ.
Trước sân, con chó đã thôi sủa, chỉ còn rít ư ử. Có tiếng chân người và tiếng thì thào. Tiếp theo là tiếng cửa mở nhẹ. Gió lùa ngọn đèn dầu run rẩy. Thủy níu cứng lấy tay tôi.
- Anh Hải... - Tiếng già Lý gọi nhỏ.
- Dạ... - Tôi gỡ tay cô, đứng dậy.
Anh Nghĩa lách người qua cửa bước vào và nói ngay:
- Có chuyện rồi! Cơ sở báo địch đang tập trung quân dưới xã, sắp lùng lên xóm này. Anh phải di chuyển ngay.
Tôi vội vã xếp mọi thứ bỏ vào ba lô và soi đèn kiểm tra lại lần nữa quanh buồng. Lúc ngẩng lên, thấy Thủy đứng lặng nhìn tôi trân trân. Dưới ánh đèn chập chờn, trong mắt cô như có những giọt nước đang xao động.
Tôi nắm tay cô:
- Thủy nói với bác là tôi đã đi rồi. Nhớ ra sớm kẻo bác trông...
- Anh Hải...
Cô kêu lên, gục đầu vào vai tôi khóc rưng rức. Những giọt nước mắt thấm bên vai tôi nóng bỏng.
- Thủy đừng khóc... - Tôi nghẹn ngào quất mái tóc dày - Thế nào cũng có ngày tôi về chép hết bài thơ ấy cho Thủy...
Cô dụi mắt trên vai áo tôi, ngẩng đầu lên:
- Em... không khóc nữa đâu! Anh đi... mạnh giỏi, em chờ. Lâu mấy... em cũng chờ được mà...
Tôi bóp nhẹ bàn tay cô, khoác ba lô lên vai bước vội ra cửa. Già Lý và anh Nghĩa đứng đợi ở sân. Già nhét mấy gói giấy vào ba lô tôi và dặn:
- Có mấy thang thuốc, anh lên trên đó chịu khó sắc uống cho mau lành. Con Thủy nó cứng cỏi lắm, anh đừng lo!
Tôi xúc động chia tay già Lý rồi cùng anh Nghĩa ra đi. Ở cổng có mấy đồng chí bộ đội địa phương đang chờ.
Đêm ấy mưa bay lất phất, gió đông bắc lạnh lẽo hun hút lùa qua những dãy đồi hoang. Lần đầu tiên tôi đi qua vùng giáp ranh mà không có khẩu súng trong tay, và những giọt nước mắt cứ ấm mãi bên vai trên suốt quãng đường gập ghềnh lên chiến khu. Tôi hiểu rằng qua mỗi chặng đường đời ta không chỉ học được những điều khôn, biết thêm nhiều chuyện lạ, mà còn mang theo nặng trĩu trong lòng niềm thương nỗi nhớ những miền đất nơi mình từng sống chiến đấu những con người mình gắn bó yêu thương.
Hai ngày sau, chúng tôi lên tới một khu căn cứ ở miền tây Quảng Nam. Người đầu tiên tôi gặp là anh Hai Nguyên, anh ra đón tận ngoài cửa rừng.
"Các anh ấy không về nữa...", tôi chỉ nói được có vậy rồi ôm lấy anh, òa lên khóc như một đứa trẻ.