Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Parsons
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hai Mươi Hai
ối lập với bí hiểm là gì thì trẻ con chính là như thế.
Có lẽ sau mười năm nữa Pat sẽ giấu được cảm xúc của mình sau một cái mặt nạ tuổi dậy thì nào đó và ông già nó - là tôi đây sẽ không hề biết nó đang nghĩ gì. Nhưng giờ nó đang bốn tuổi chuẩn bị lên năm, và tôi có thể thấy là cuộc điện thoại mới đây nhất từ mẹ nó làm nó buồn.
“Con ổn chứ Pat?”
Nó bơ phờ gật đầu, và tôi theo sau thằng bé đi xuống phòng tắm, nhìn nó bóp một ít kem đánh răng trẻ em lên bàn chải Han Solo.
“Mẹ thế nào rồi con?”
“Mẹ cũng ổn. Mẹ đang bị cảm ạ.”
Nó không khóc. Nó cũng chẳng có vẻ gì là sẽ khóc. Mắt nó ráo hoảnh và miệng nó không mấp máy. Nhưng nó ỉu xìu.
“Con muốn xem phim không?” tôi hỏi nó, nhìn nó đánh bóng hàm răng mà giờ nhìn vẫn như mới tinh.
Nó nhổ bọt vào bồn và liếc nhìn tôi nghi ngờ.
“Mai phải đi học mà cha,” nó nói.
“Cha biết là mai đi học. Cha không có ý là xem cả phim. Chỉ khoảng, từ đầu phim thứ nhất đến khi hai người máy bị bắt giữ. Thế có được không?”
Nó nhổ xong xuôi rồi để lại bàn chải lên giá.
“Muốn đi ngủ,” nó nói.
Thế là tôi theo sau thằng bé vào phòng ngủ rồi đắp chăn cho nó. Nó không muốn nghe đọc truyện. Nhưng tôi không thể tắt điện đi khi biết là nó đang u buồn được.
Tôi biết nó đang thiếu cái gì và cái đó còn không phải là thứ người ta có thể gọi là tình thương của người mẹ. Đó là sự nuông chiều của người mẹ. Ai đó để nói với nó rằng nó chưa buộc được dây giày cũng chẳng sao. Ai đó để nói với nó rằng nó vẫn là trung tâm vũ trụ khi nó vừa được học thứ mà chúng ta đều được học trong ngày đầu tiên đến trường - rằng chúng ta không phải là trung tâm vũ trụ. Tôi day dứt mong nó vượt qua được đến nỗi tôi không thể yên lòng khi nó đang cố gắng vượt qua. Sự nuông chiều của Gina. Đấy mới là thứ nó đang thiếu thốn.
“Mẹ sẽ quay lại,” tôi nói. “Mẹ con ấy. Con biết là mẹ sẽ quay lại đón con chứ?”
Nó gật đầu. “Ngay khi mẹ xong việc,” nó nói.
“Chúng ta cũng ổn phải không?” tôi hỏi nó. “Cha con mình - chúng ta cũng ổn, phải không?”
Nó nhìn tôi, chớp mắt cho đỡ mệt mỏi, cố hiểu tôi đang nói điều gì.
“Chúng ta xoay xở được mà không có mẹ, phải không Pat? Bây giờ con đã cho cha gội đầu. Cha làm những thứ con thích ăn - bánh mì thịt hun khói và các thứ. Và đi học cũng ổn, phải không? Con thích đi học. Chúng ta tạm ổn, phải không? Cha con mình?”
Tôi thấy có lỗi vì ép thằng bé như thế này. Nhưng tôi cần nó bảo với tôi rằng chúng tôi ổn. Tôi cần biết là chúng tôi đang xoay xở được.
Nó mỉm cười mệt mỏi với tôi.
“Vâng, chúng ta ổn, cha ạ,” nó nói, và tôi thơm thằng bé chúc ngủ ngon, ôm nó một cách đầy biết ơn.
Đây là điều tồi tệ nhất trong chuyện chia tay, tôi nghĩ khi đưa tay tắt điện phòng nó. Việc đó làm cho con trẻ che giấu trái tim mình. Việc đó dạy chúng cách di chuyển giữa hai thế giới tách biệt. Việc đó biến chúng thành những nhà ngoại giao tí hon. Đấy là điều bi kịch nhất. Ly dị biến mỗi đứa trẻ thành một nửa panh sữa Henry Kissinger ít béo.
“Tôi đến từ một thị trấn nhỏ tên là Kilcarney,” Eamon nói, nhấc cái micro ra khỏi giá và gõ nhẹ cái tai nghe trong suốt trong tai trái của mình. “Một thị trấn nhỏ nhắn yên bình tên là Kilcarney nơi các cô gái tuyệt hết sảy.”
Tôi đang theo dõi cậu ta trên màn hình, ngồi ở hàng ghế đầu trong số khán giả phòng thu ít ỏi đang nhìn thẳng vào lưng của năm người quay phim. Cho dù chúng tôi bị vây quanh bởi bao nhiêu là dụng cụ thường thấy trong một phòng thu truyền hình - đèn sáng lóa trên dàn treo, cáp chạy khắp sàn, những khoảng tối đằng sau máy quay đầy những người là người, từ quản lý đến chân chạy máy chữ rồi rót nước, họ đều được mặc đồ mà chúng tôi gọi là “đen” - đạo diễn đang quay màn diễn của Eamon để làm cho nó trông giống tấu hài trực tiếp hơn là các chương trình trò chuyện đêm khuya bình thường khác. Đã có quá nhiều chương trình trò chuyện trông như đồ giảm giá của David Letterman. Nhưng điều sẽ làm nó thực sự khác biệt là người dẫn.
“Với những người chưa bao giờ đến khu vực đẹp đẽ đó của đất nước tôi, bạn nên biết là Kilcarney hầu như không có một tì vết của thế giới hiện đại. Ví dụ như, không có máy rung ở Kilcarney.” Khán giả cười khúc khích. “Thật vậy. Cha xứ bắt vứt hết chúng đi. Vì các cô gái Kilcarney cứ bị mẻ răng.”
Có tiếng cười từ khán giả, tiếng cười này trở nên hơi lo lắng khi Eamon thong thả bước khỏi sân khấu nhỏ và chầm chậm tiến tới chỗ chúng tôi.
“Tôi không có ý nói là các cô gái Kilcarney ngu ngốc đâu,” cậu ta nói. “Nhưng tại sao một cô gái Kilcarney lúc nào cũng gội đầu trong bồn của mẹ mình? Vì đấy là nơi ta rửa rau củ(1).”
Tiếng cười trở nên to lên. Trước đây, chưa một khán giả phòng thu nào - tập hợp thường thấy gồm những người không có việc gì hay ho để làm và những người tò mò đang tìm đôi tiếng đồng hồ vui vẻ miễn phí - từng thấy Eamon Fish này. Nhưng giờ họ cảm thấy cậu ta vô hại. Rồi cậu ta quay lưng lại với họ.
“Thực ra là tôi bịa ra hết đấy,” cậu ta nói. “Toàn chuyện vớ vẩn cả. Các cô gái Kilcarney có kết quả thi cao nhất ở Tây Âu. Không chỉ thế, một cô gái Kilcarney trung bình có số chứng chỉ Tú tài còn cao hơn số hình xăm của một người đàn ông Anh trung bình. Hoàn toàn không đúng nếu nói rằng điểm khác nhau duy nhất giữa một cô gái Kilcarney và một con muỗi là con muỗi sẽ ngừng hút máu nếu ta đập vào đầu nó. Hoàn toàn không đúng nếu nói rằng các cô gái Kilcarney chỉ được nghỉ mười lăm phút ăn trưa vì nếu lâu hơn thì ta phải dạy nghề lại cho họ. Hoàn toàn không đúng nếu nói điểm chung của một cô gái Kilcarney và một chai Guinness là cả hai đều trống rỗng từ cổ trở lên. Không có cái gì là đúng cả.”
Eamon thở dài, lấy tay vuốt mái tóc đen dày của mình và ngồi xuống mép sân khấu.
“Điều đúng là ngay cả trong thời đại đọc-Guardian, ăn-ngũ-cốc, nói toàn thứ ngôn ngữ phải đạo này, ta có vẻ vẫn cần ai đấy để ghét. Đã có hồi đó là gã Ai Len bã đậu và rồi là bà mẹ vợ át vía ta. Giờ thì là các cô gái tóc vàng hoe. Các cô gái Essex. Các cô gái Kilcarney.”
Cậu ta lắc cái đầu uể oải của mình.
“Bây giờ trong lòng, chúng ta đều biết là vị trí địa lý và màu tóc không liên quan quái gì đến đạo đức tình dục hay trí thông minh. Thế thì tại sao chúng ta cần có một nhóm người để đem ra giễu cợt? Nó thỏa mãn nhu cầu thiết yếu nào trong tâm hồn tệ hại của chúng ta đây? Khi chúng ta cười cợt cô gái tóc vàng hoe Kilcarney đến từ Essex đã tắt đèn đi sau khi làm tình bằng cách đóng cửa xe ô tô, chúng ta được cái gì?”
Mới chỉ là tập thử nghiệm, nhưng tôi đã có thể thấy là Eamon sẽ làm được việc này. Sau khi lấy hết sáp khô ra khỏi tai, cậu ta đã đâm xuyên qua hàng rào sợ hãi và đang học cách là chính mình với năm cái máy quay theo dõi. Fish thì ổn. Tôi lo về phần khán giả phòng quay hơn.
Họ tới với mong đợi rằng mình sẽ được cười hả hê, và vừa phát hiện ra là mình được mong đợi sẽ bảo vệ những định kiến của bản thân. Họ cảm thấy bị lừa, không tốt. Đây là vấn đề mà chúng tôi sẽ luôn luôn phải đối mặt trong chương trình của Eamon. Theo ý tôi, cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là cho họ say hết.
Trong buổi họp sản xuất đầu tiên sau chương trình thử nghiệm, tôi đề nghị họ mời khán giả đang xếp hàng để vào trường quay một ít rượu bia. Mọi người nhìn tôi như thể tôi là một thiên tài.
Đây là điều tôi thích ở lĩnh vực truyền hình. Bạn đề xuất mở vài lon bia và người ta xử sự như thể bạn vừa trang trí Nhà nguyện Sistina vậy.
“Thế là, công việc tốt hơn trước nhưng họ trả con ít tiền hơn,” cha tôi nói. “Làm sao người ta lại có ý đó nhỉ?”
“Vì con không đi làm cả tuần ạ,” tôi nói với ông lại một lần nữa.
Chúng tôi đang đứng trong sân sau, đáng lẽ ra là đang đá bóng với Pat, tuy nhiên nó đã lui về tít đằng xa phía bên kia sân với kiếm ánh sáng và giấc mơ khuất phục hết những xấu xa giữa biết bao thiên hà. Thế nên còn lại tôi và hai người ăn lương hưu đá một quả bóng đá nhựa cho nhau trong ánh nắng nhuốm màu thu.
Trời bắt đầu trở lạnh, nhưng chúng tôi lưỡng lự không muốn quay vào trong nhà. Đã cuối tháng Chín. Năm sắp hết. Sẽ không còn nhiều buổi chiều Chủ nhật như hôm nay nữa.
“Nếu nó thực sự là một công việc tốt hơn thì họ nên xì ra nhiều tiền chứ,” cha tôi, nhà kinh doanh quốc tế, nói, dùng má trong bàn chân đá quả bóng cho vợ mình. “Tất cả những công ty truyền hình này đều giàu sụ mà.”
“Chỗ mà Harry làm thì không,” mẹ tôi nói, nghĩ rằng mình đang tỏ ra trung thành, và giữ quả bóng dưới gót đôi dép nỉ.
“Con chỉ dự vài cuộc họp sản xuất và có mặt khi họ quay chương trình,” tôi nói. “Và chỉ có vậy. Con không ở văn phòng cả ngày, mọi ngày trong tuần. Con không cho họ cuộc đời mình. Con chỉ vào đó hai lần một tuần và xử sự như một siêu sao, sai mọi người làm đủ thứ và nghĩ ra những ý tưởng tuyệt vời. Rồi con về nhà.”
“Về nhà với Pat,” mẹ tôi nói, đá quả bóng cho tôi. “Cháu nội của ông.”
“Tôi biết cháu nội mình là ai,” ông già cáu kỉnh nói.
“Có vài người quản lý sản xuất một tá chương trình,” tôi nói. “Nhưng con chỉ làm cái này thôi. Con đã ngẫm ra rồi. Sẽ mang lại ít tiền hơn ta có lúc trước, nhưng cũng đủ.”
“Thế này thì nó vừa trả được hóa đơn vừa có thể ở nhà khi Pat đi học về,” mẹ tôi nói.
Cha tôi chưa bị thuyết phục.
Cha muốn tôi có mọi thứ từ những cơ hội trong cuộc đời - sự nghiệp và con cái, gia đình và tiền lương, tổ ấm và séc lương khủng. Cha muốn tôi có tất cả. Nhưng không ai có tất cả mà không phải trả giá.
“Bobby Charlton,” ông nói, đá vào quả bóng nhựa. Nó bay lên từ chân ông vọt vào thẳng bụi hoa hồng. “Khỉ thật,” ông nói. “Tôi sẽ đi nhặt.”
Mẹ và tôi nhìn ông lững thững đi đến cuối sân lấy quả bóng. Ông nắm lấy cơ hội để quàng tay quanh Pat hỏi xem nó đang làm gì. Pat hứng thú bi bô, khuôn mặt nhẵn nhụi tròn xoe của nó ngước lên nhìn ông nội, và ông già tôi nhoẻn cười với thằng bé với sự dịu dàng vô tận.
“Cha có ổn không ạ?” tôi hỏi mẹ. “Hôm trước ông bị một vụ ở công viên.”
“Khó thở phải không?” bà nói, không rời mắt khỏi ông. Và không ngạc nhiên.
“Vâng,” tôi nói. “Khó thở ạ.”
“Mẹ đang cố ép cha đi bác sĩ,” bà nói. “Hay lang băm, như cách cha con gọi ông ấy.”
Chúng tôi cười với nhau trong bóng tối đang kéo đến xung quanh.
“Cha chắc hẳn phải là người duy nhất trên thế giới vẫn gọi bác sĩ là lang băm,” tôi nói.
“Tôi không đến chỗ lang băm nào hết,” mẹ tôi nói. Đây là một màn giả giọng khá giống, với đủ độ quả quyết cáu kỉnh mà cha tôi có khả năng tạo nên. “Tôi không muốn thằng cha đồ tể nào táy máy vào người tôi.”
Chúng tôi bật cười, yêu sự ngờ vực cổ lỗ sĩ của ông với bất kể người nào có quyền hành, từ người điều hành giao thông cấp thấp nhất đến thành viên được nể trọng nhất của ngành y, cả hai mẹ con lấy làm an ủi với thực tế rằng cha tôi vẫn giống hệt như bao lúc khác, ngay cả khi chúng tôi sợ rằng điều đó có thể không còn đúng nữa.
Ông quay lại từ cuối sân với quả bóng và đứa cháu của mình, hỏi chúng tôi chuyện gì mà buồn cười đến vậy.
“Ông đó,” mẹ tôi nói, khoác lấy tay ông, và tất cả chúng tôi quay vào trong nhà.
Tôi không muốn tất cả. Tôi chỉ muốn một cơ hội nữa. Một cơ hội nữa để có một cuộc sống đoàn tụ, một cuộc sống không có những mảnh vỡ và góc cạnh lởm chởm. Một cơ hội nữa để được hạnh phúc.
Tôi không quan tâm Gina mất bao lâu để trở về từ Tokyo. Tôi mãn nguyện với Pat. Và tôi đâu có tìm một sự nghiệp sáng chói. Tôi chỉ cần công việc đủ trả tiền nhà.
Nhưng tôi chưa sẵn sàng trở nên già và lạnh lùng, ghét phụ nữ và thế giới vì chuyện đã xảy ra với mình.
Tôi không muốn trở nên béo, hói và bốn mươi tuổi, có một cậu con trai vị thành niên đã phát ngấy với những hy sinh tôi làm vì nó. Tôi muốn một ít sự sống nữa. Một cơ hội nữa để làm cho đúng. Đấy là thứ tôi muốn. Điều đó không có vẻ gì là đòi hỏi quá nhiều. Chỉ một cơ hội nữa.
Rồi ngày hôm sau, cha Gina sang nhà chúng tôi với đứa con gái của mình, Sally, cô bé dậy thì cau có trên xô pha, một trong số nhiều đứa con mà Glenn đã sinh ra và bỏ rơi để chuyển tới những bãi cỏ hấp dẫn hơn, và tôi chợt nghĩ ra rằng điều đã thật sự phá hỏng thế giới hiện đại tệ hại này chính là tất cả những người lúc nào cũng muốn một cơ hội nữa.
Cha & Con Cha & Con - Tony Parsons Cha & Con