Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
arraz chỉ kéo mấy cái ghế bành ra, chúng tôi ngồi hàng giờ trên đó. Tất cả các đồ đạc khác trong nhà đều phủ vải trắng khiến ta có cảm giác như đang ở nhà tang lễ sau một vụ tự tử tập thể. Hơn tám mươi tuổi, cơ thể của ông vẫn lực lưỡng và chắc khỏe, với mái tóc bạc rậm, húi cua, mặt đầy sẹo - con trâu núi trắng đã lui về hang nhưng vẫn sẵn sàng phốc tới.
“Cậu có khát không?”
Không đợi trả lời, ông đứng lên khập khiễng bước đi - khớp háng bị đau. Ông quay lại đưa lon Coca-Cola ấm cho tôi.
“Là một kẻ không muốn nói thì tôi cũng không đến nỗi tệ lắm phải không, hử?”
Trong lúc ông kể chuyện, nhiều lần tôi muốn đặt câu hỏi cắt ngang; nhưng tôi không thể vì không muốn mạo hiểm khiến ông khó chịu. Thế nên tôi quyết định để mình thật thoải mái.
“Đó là trước trận thảm bại trên đường 4 phải không ạ?”
Ông huýt sáo với vẻ ngưỡng mộ giễu cợt.
“Tôi thấy rõ là cậu vừa ôn lại sách giáo khoa.”
Tôi đỏ mặt.
“Lẽ ra cháu không nên hỏi bác. Cháu quên là bác không trả lời những câu hỏi ngốc nghếch.
- Đấy không phải là câu hỏi ngốc nghếch đâu. Chỉ là... Theo thời gian, sự việc thành ra như cậu đã đọc, một dòng trong cuốn sách: trận thảm bại trên đường 4. Sáu nghìn người bị tàn sát, những quả núi khạc ra vô vàn tàn quân, những kẻ bị cụt hai chân không hề có thuốc tê được cáng đi hàng ngày trời trong những thúng mủng, những kẻ khác bò lê để sống sót với những vết thương không đếm xuể rồi rốt cuộc vẫn chết.
- Cháu nghĩ là cháu hiểu.
- Không, cậu không hiểu được đâu, nhưng không sao. Còn tôi thì không ở đó. Còn để trả lời cho câu hỏi không ngốc đến thế của cậu thì đúng, khi đó là hai tháng trước chiến dịch đường 4.
- Sau đó bác đã làm gì?”
Thoáng hiện trên khuôn mặt ông vẻ dịu dàng bất ngờ. Trên tủ com mốt, chiếc đồng hồ quả lắc mang hình những đứa trẻ da đen đóng khố điểm số giờ mà tôi không đếm nữa.
“Cậu chưa thấy chán à? Tôi thì thấy chán rồi. Và cậu cũng nên như vậy: cậu không nên dính líu với những tên lính già. Trước hết, họ chẳng có gì hay ho để nói và cuối cùng họ lột trần ra để chỉ cho cậu xem từng vết thương rồi kể cho cậu nghe họ bị thương thế nào và ở đâu. Thật là ngán ngẩm. Các cuộc chiến kết thúc như vậy đấy: trong nỗi buồn phiền vĩnh cửu.
- Cháu tưởng đối với bác chiến tranh không bao giờ kết thúc.
- Tôi có nói với cậu là chiến tranh đã kết thúc với tôi đâu... Đối với các chính trị gia, các nhà sử học thì có những trận chiến, những thắng lợi và thất bại, một hiệp ước hòa bình. Đối với chúng tôi thì khác... Sự thật là, chúng tôi không bao giờ trở về và - dù sao thì - cũng chẳng ai muốn chúng tôi.
- Đại tá Chabert.
- Ai thế?
- Một người trở về, trong truyện của Balzac.”
Ông mỉm cười.
“Cha nào con nấy. Lúc nào cũng văn vẻ. Thôi được, đại tá Chabert, như cậu nói. Với lại cậu biết không, những gì tôi nói không phức tạp lắm đâu. Nếu tôi lắc đầu hơi mạnh thì tôi sẽ trở nên lẫn cẫn hay còn tệ hơn thế nữa đấy, tại mảnh đạn vẫn nằm trong đầu. Còn cái bụng tôi, cậu phải xem bụng tôi...”
Ông làm động tác cởi áo pull và theo bản năng tôi giơ tay tự vệ. Ông cười ồ ồ.
“Cậu biết rõ tôi vừa nói gì rồi đấy... Nào, đừng ra vẻ tội nghiệp như thế.”
Tôi chẳng bận tâm đến những vết sẹo dài ngắn của ông, nhưng tôi kiệt sức vì câu chuyện của ông. Tôi muốn ở một mình với những gì ông vừa kể cho tôi. Tôi đứng lên.
“Bác nói là có một cô con gái.
- Đúng.
- Bác có gặp không?
- Không.
- Thế còn lời hứa, ông ấy có giữ không?
- Làm sao mà tôi biết được? Phải bạo gan lắm mới dám hỏi ông ấy điều đó. Có mà ông ấy sẽ giễu cợt tôi, coi tôi là thằng hề và xéo tôi đi chỗ khác. Nhưng tôi nghĩ ông ấy coi chuyện đó nghiêm túc, theo cách của mình.
- Bác có biết gì về chuyện này không?”
Ông ngập ngừng nửa giây.
“Không.
- Bác có chắc không?”
Ông đột ngột đứng dậy bắt tay tôi. Tôi đứng gần ông đến nỗi ngửi thấy mùi gì đó như sự thối rữa, của cả động vật và thực vật.
“Bác có chắc không?” tôi nhắc lại, còn ông quay đi. Dù sao tôi cũng chán ngấy rồi, tôi không muốn nghe thêm một câu trả lời hay hỏi thêm một câu hỏi nào nữa, tôi chỉ muốn đi ra ngoài và hít thở chút không khí mát mẻ. Tôi đi quanh các đồ đạc phủ vải trắng trong phòng khách rồi đi ra hành lang có bức tường treo đầy tranh khắc về cuộc chinh phục thuộc địa. Phía trên cửa, một bức tranh khắc tái hiện cảnh một người lính bảo vệ gia đình và công lý, dùng súng gắn lưỡi lê chắn đường cả một nhóm người da đỏ, đen, vàng đang vung ra những “văn bản bí mật” và những “lời hứa sẻ chia”. Lời chú thích chỉ giản dị: “Đứng lại, lính Pháp kìa.”
Tôi chuồn đi nhanh qua lối cầu thang bộ sau khi đóng sập cánh cửa sau lưng, không biết rằng hôm đó nếu đi cầu thang máy thì có thể bị kẹt cửa lưới. Tôi bước đi như chạy qua sân rồi ngược lên đại lộ dẫn đến rừng Boulogne. Đó là buổi hoàng hôn của gái điếm và những kẻ đồng tính buồn bã, giờ của những nịt tất, bao cao su và cửa xe lén lút. Tôi len vào giữa cảnh đó cứ như mình vô hình.
“Thử với em đi, một giọng vô danh vang lên từ một lùm cây. Anh sẽ không thất vọng đâu.”
Tôi đi qua không dừng lại.
Đứng lại! Đứng lại! Lính Pháp kìa.
***
Khi từ rừng đi ra, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng từ khi quay về, bí mật về bố tôi chẳng tiêu tan đi - mà ngược lại là đằng khác - nhưng cơn giận đối với ông đã lùi xa. Tôi đi theo cơn giận vào nơi nó đang ở, một chỗ nào đó trong lòng, nhưng tôi chẳng tìm thấy. Tôi nghĩ đến sự từ bỏ nhưng tôi chỉ thấy vị quả đắng trong miệng. Bản năng sinh học cho tôi hay rằng tuy cơ thể cha tôi đã biến mất nhưng các tế bào-người cha của ông vẫn tiếp tục sống trong tôi, để lại cho tôi trách nhiệm về các trận chiến và sự từ bỏ, về giận dữ và tình yêu. Nếu tôi không hạnh phúc với điều đó, nếu tôi không tán thành, nếu tôi chửi rủa, thì từ nay đó chính là chống lại một phần bản thân mình chứ không phải chống lại con người đã biến khỏi thế giới này. Đó là thân phận nô lệ mang trong mình sự tự do khả dĩ, dường như còn chưa dứt khoát trong tôi.
Tôi đợi đến tối Chủ nhật, buổi tối tồi tệ mỗi tuần, để gọi lại cho Marie. Chính con trai tôi là người nhấc máy, đây đúng là điều tôi không ngờ tới, nên trong lúc e sợ, suýt nữa tôi bỏ máy. Với giọng nghẹn ngào, tôi nói rằng tôi đây. Nó nói: “con chào bố”, rồi chuyển máy cho mẹ.
Tối hôm ấy chỉ có những lời chẳng hứa hẹn gì mấy. Trong những cơn ác mộng trước đó tôi đã ấn cái chuông này biết bao lần mà chẳng có ai trả lời. Ít ra, cái chuông cũng ngừng kêu khi chẳng có ai nghe.
***
Sau khi bố mẹ chia tay nhau, mẹ tôi quay lại Mỹ còn bố giao phó tôi cho bà nội. Tôi còn nhỏ lắm - chẳng lớn hơn Sébastien bây giờ. Bố mẹ cho tôi đi dạo ở công viên Buttes-Chaumont và chuyến dạo chơi sau đó trở thành những niềm vui hiếm hoi. Tôi cười và vỗ tay thích thú xen lẫn sợ hãi khi xem múa rối Guignol(1). Tôi cưỡi ngựa một vòng, đá bóng với bố và ăn kem bông, rồi càng về chiều, tôi càng nhảy nhót giữa các lối đi và càng có cảm giác kéo bố mẹ theo sau - họ gắn vào tôi, hai thi thể trong một chiếc xe bò với tình yêu đã chết giữa họ, còn tôi là con ngựa nhỏ trong thời tiết xấu và tôi cố tỏ ra can đảm. Nỗi buồn trào dâng trong tôi và cuối cùng tôi ngồi xuống chiếc ghế dài để đợi rồi túm lấy họ - thật là cuồng dại tội nghiệp khi tự nhủ rằng tôi sẽ không buông họ ra, không bao giờ. Chúng tôi dạo một vòng quanh hồ như kẻ quay cuồng đi viếng theo xe tang rồi bước lên phía ngôi đền nhỏ trên đỉnh cao nhất công viên. Họ chuyện trò với tôi rất lâu, nhưng tôi không còn nhớ một lời nào nữa, mà chỉ còn nhớ khoảng lặng vào lúc cuối ấy và tôi cảm thấy bàn tay bố mẹ trong tay mình, trơ ì, dần dần mất đi hơi ấm rồi cuối cùng tôi để tay họ buông ra. Tôi chỉ hỏi liệu đồ chơi của tôi có được đưa đến Saint-Gabriel hay không và ai sẽ tắm cho tôi.
Bố mẹ tôi gần như đã chia tay nhau ngay từ khi tôi mới sinh, có thể bởi vì tôi ra đời, biết bao đứa trẻ cũng có nghi ngờ như vậy. Tôi phải mất hàng năm mới hình dung ra có gì đó kỳ quặc trong hoàn cảnh của mình, rằng bị cả bố lẫn mẹ cùng lúc bỏ rơi tất không giống hoàn cảnh chung của những đứa trẻ có bố mẹ ly dị.
Sau hai năm ở Việt Nam, chỉ còn lại bức ảnh chụp tôi trong tay vú nuôi ấy. Tôi được quấn trong chiếc tã dài trắng, đội chiếc mũ ren nực cười, vẻ bàng hoàng trong khi vú nuôi phô ra sắc mặt thiếu cởi mở. Trông tôi không giống một cái gói mềm oặt trong cánh tay như chiếc nôi của vú nuôi: đôi chân tôi chìa ra và cả cơ thể tôi co rúm trong tư thế nằm ngang, khiến tôi giống với một đứa bé để lâu trong ngăn đá tủ lạnh vừa được lấy ra. Hibernatus(2), chính là tôi.
Còn hai, ba năm tiếp đó, tại đại lộ Simon-Bolivar, tôi lưu lại những hồi ức về gia đình, một người đàn ông không có khả năng ngồi yên, một người đàn bà úa tàn tuổi xuân một cách nghiệt ngã, người có thể ngồi bên cửa sổ hàng giờ, chết nghẹt vì bất hạnh. Tôi bước đi mò mẫm, không có điểm mốc, kiên trì giữ vị thế của mình trong một triều đại hoang tàn. Ký ức của tôi về thời gian ấy thật thanh bình và lặng lẽ, không một cuộc trò chuyện nào đột ngột xảy ra, không có giọng nói nào vang lên - không có gì hết, cho đến tận khi họ đưa tôi đến công viên Buttes-Chaumont để khiến tôi mơ mộng trước khi hủy hoại vĩnh viễn các giấc mơ của tôi.
Sau đó, chúng tôi đi ô tô đến Saint-Gabriel. Họ không nói chuyện với nhau và cũng chẳng trò chuyện cùng tôi. Tôi hát không ngừng bài La Marseillaise và có một lúc bố tôi chỉ nói mà không hề ngoái lại: “Đủ rồi đấy.” Chính mẹ tôi là người cầm lái còn bố thì châm thuốc lá cho bà. Khi tôi bị say xe ở quãng nào đó giữa vùng núi Morvan, họ dừng xe bên lề đường để tôi nôn mửa, lúc đó tất cả vẫn còn bình yên biết bao, mỗi người trong chúng tôi đều được bọc trong nỗi cô đơn của chính mình.
Những năm sau đó, khi nói về chuyện này với mẹ, tôi như trút được gánh nặng khi phát hiện ra rằng mọi chuyện đã không hoàn toàn diễn ra như vậy, rằng địa ngục nổi lên dữ dội khi mẹ nói ra ý định đưa tôi cùng đi Mỹ, rằng bố đã đe dọa mẹ, lấy lòng mẹ, rằng bố đã hứa, gào thét và van xin cho đến khi mẹ chấp nhận để tôi sống tại Saint-Gabriel trong vòng một năm. “Nhưng tại sao mẹ lại phải ra đi?” Mẹ suy nghĩ một lát còn tôi chờ đợi, biết rằng mẹ chẳng còn ngại nói với tôi sự thật nữa, chỉ muốn chọn từ ngữ chính xác. “Không phải chỉ vì ông ấy đã khiến cuộc sống của mẹ trở thành địa ngục. Mà còn vì cuộc sống đã trở nên khô cằn. Đã gần mười lăm năm mẹ không sống ở Paris kể từ khi gia đình ta từ Việt Nam trở về và trong hai năm ở đó, ông ấy đã làm mọi cách để cách ly mẹ hoàn toàn, khiến mẹ như phát điên. Những gì mẹ cảm thấy khi đó là ông ấy như một con quỷ dữ - ông ấy lừa dối mẹ, bỏ đi suốt ba ngày liền mà không báo trước, nốc rượu như thùng không đáy, như thế vẫn chưa hết, ông ấy còn lên cả một kế hoạch hủy hoại mẹ nữa.
- Nhưng bây giờ thì mẹ thấy sao?”
Lại có khoảng im lặng trên điện thoại, lâu đến nỗi tôi cứ tưởng cuộc đàm thoại đã bị cắt. “Mẹ nghĩ rằng ông ấy chỉ bất hạnh thôi, vô cùng bất hạnh. Vả cả mẹ cũng bất hạnh, vì ông ấy, và nỗi bất hạnh chẳng giúp người ta cảm thông được mấy. Ngay cả bây giờ mẹ vẫn thấy rất khó. Troudno, panimaiech? Mẹ cố ép mình nhớ rằng mẹ từng chơi nhạc trong căn hộ đó, rằng mẹ đã khiêu vũ ở đó, nhưng các bài học đàn dương cầm với ông con trở thành những kỷ niệm trôi tuột đi như bọt khí thoát ra từ một thời đại khác, đến mức mẹ nghi ngờ rằng những bài học đó chưa bao giờ diễn ra. Mẹ buộc mình thành thám tử, tập hợp chứng cứ: có ngày tháng, tên người, địa danh. Có kỷ niệm tháng Sáu 1940. Mẹ cố bám vào cái hình ảnh của chính mình suốt những năm tháng ấy, tràn đầy sức sống, có thể có lúc vô vọng nhưng theo cách tích cực, còn niềm tin - và mẹ không thể biến hình ảnh ấy và hình ảnh của người đàn bà ba mươi lăm tuổi suốt ngày phải dùng thuốc ngủ thành cùng một người được. Chính vì thế mẹ đi đến chấp nhận cái logic điên khùng của ông ấy, cho rằng nếu cách xa ông ấy hàng nghìn cây số thì mẹ sẽ bình phục và sẽ quay trở lại.
- Nhưng thế thì tại sao ông ấy không giữ con bên mình?
- Bố con ư, con biết rõ bố con mà...”
Có tiếng cười dịu êm trong giọng nói của mẹ. “Thế còn mẹ, tại sao mẹ không mang con đi?” Mẹ lại ngập ngừng. “Bố mẹ đã nói là một năm. Một năm là gì nhỉ? Chẳng là gì hết... Thế rồi...” Mẹ không nói hết câu và chỉ mãi sau này tôi mới có thể hoàn chỉnh câu nói đó thay mẹ.
Hai mùa hè đầu tiên, mẹ lại vượt Đại Tây Dương đến Saint-Gabriel ở một tháng, mang cho tôi những món quà tuyệt vời và vô dụng, những chiếc ô tô điều khiển từ xa bị hỏng ngay lập tức, những máy bộ đàm mà chúng tôi không bao giờ vận hành được (“A lô? a lô?” và chúng tôi nghe thấy nhau rõ hơn khi gào to lên từ phía cuối khu vườn), một găng tay bóng chày, cả một bộ sưu tập hàng mốt mới ngu ngốc made in the USA(3) có lẽ làm ai khác vừa lòng chứ không phải tôi, những thứ đó trong tay tôi trở thành những đồ cổ lỗ sĩ chứ chẳng mới được bao lâu, rồi sẽ nằm chất đống, hỏng hóc, không bao giờ được sử dụng, dưới mái che, bên cạnh chiếc máy xén cỏ nồi đồng cối đá. “Thế rồi...”
Khi lên bảy tuổi, mọi người quyết định gửi vào nội trú và tôi buộc phải đi 150 km lên phía Bắc, tại Montélimar. Bà nội mua cho tôi một chiếc mũ lưỡi trai nhỏ màu xanh dương và một con chim cánh cụt để xếp bộ quần áo ngủ vào đó - thứ mà tôi giấu dưới đệm ngay đêm đầu tiên để tránh bị chế giễu. Đó không phải là những năm tháng bất hạnh, và các mùa hè tại Saint-Gabriel đã trở thành những ngày hội của tự do. Bác Jean, bạn bố tôi, đưa tôi và Mireille, con gái bác ấy, đến những nơi bí mật của bác trong rừng thông, với điều kiện chúng tôi không được nói cho ai biết. Chúng tôi tìm thấy những kho báu và bơi lội dưới hồ nước trong xanh, nghe tiếng chó tru và sủa ở phía xa xa, nơi chúng tôi hình dung cũng có nhiều chó như ở Baskerville(4). Bác Jean làm cho chúng tôi những ống sáo từ cành cây cơm cháy cùng những chiếc ná, và trên bãi đá ông khắc các con vật cho chúng tôi xem.
“Thế rồi...” Không, mẹ không bao giờ nói hết câu nhưng không cần thiết nữa, bởi lẽ bản năng mách bảo tôi tin vào lòng chân thành không gì lay chuyển được của mẹ. Năm mười bảy tuổi, lẽ ra tôi đã gặp lại mẹ lần đầu tiên tại New York nhưng tôi vướng bận yêu đương nên đáng lẽ bay chuyến của hãng PanAm để sang Mỹ thì tôi lại tạt ngang để gặp mối tình đầu của mình tại một làng trong vùng Đông-Pyrénées nơi nàng chẳng đợi tôi và mọi thứ biến thành cả một câu chuyện ầm ĩ. Bà nội dần trở nên thờ ơ, bố thì ở châu Á và tôi chỉ gửi cho mẹ vài dòng điện tín: “Con không thể đến được. Con sẽ giải thích sau.”
Suốt mùa hè tôi đi hái rau quả để kiếm sống, đồng thời cuồng nhiệt theo đuổi mối tình đầu. Rồi cuối cùng khi trở lại Saint-Gabriel, với những túi quần túi áo rỗng không, tôi nhận được bức điện gửi trước đó ba tháng của mẹ có hai dòng: “Tại sao con không viết cho mẹ? Tại sao con không tới?” Hai dòng đó khiến tôi cảm động hơn cả những gì mà hàng ki lô mét những lời trách cứ có thể gây ra, thế là đến lượt tôi viết cho mẹ. Những tháng tiếp sau đó, chúng tôi trao đổi với nhau vài lá thư như vậy, trong thư tôi thổ lộ với mẹ những nỗi đau trong tim mà không tò mò biết xem cuộc sống của mẹ như thế nào. Ít ra mẹ cũng vui lòng chấp nhận và cho tôi những lời khuyên bông lơn giống như cô thiếu nữ từng là mẹ vào cái thời gặp ông tôi. Tình tiết đó chưa từng được đề cập và chỉ sau này tôi mới hiểu nguyên nhân bầu không khí căng thẳng tại Saint-Gabriel trong những lần mẹ đến thăm, và tại sao hơi một tí bà nội lại trốn vào trong làng, tại sao mẹ tôi lại có vẻ cứng nhắc và không thoải mái, dường như chỉ lí nhí được với tôi. Mùa hè ấy, trong thời gian chờ các câu trả lời do mẹ tôi khéo léo soạn gửi đến cho tôi, tôi đã có bạn gái mới, thế mà trước đó tôi đã bị bỏ rơi một cách hèn hạ và tính trở thành thầy tu. “Thế rồi...”
Thế rồi mẹ nói với tôi rằng mẹ bị ốm, và mặc dù mẹ không cho biết là bệnh gì nhưng tôi hiểu rằng đó không phải chỉ là hắt hơi xổ mũi. Tôi chưa bao giờ thực sự biết mẹ bị ốm từ khi nào và phải do bố tôi, nhiều năm sau khi mẹ chết, vô tình viết ra... Tôi nhớ đến câu nói bị ngắt giữa chừng và với những gì mình không biết, tôi khôi phục lại những tình tiết trong cuộc chiến đấu với tử thần của mẹ; tôi không nghi ngờ nữa mà chắc rằng mẹ đã đau khổ vì không thể sống cùng tôi.
Càng ngày chúng tôi càng sử dụng nhiều điện thoại, mặc dù cước gọi rất đắt, nhưng đó là cách tốt nhất để gỡ lại thời gian bị bỏ phí và cứu vớt những điều hối tiếc. Tôi học tiếng Nga ở Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông và việc đó khiến chúng tôi có sự đồng cảm, chúng tôi bắt đầu nói tiếng Nga, mẹ đọc tôi nghe những câu thơ của Pushkin, còn tôi kể mẹ nghe những câu đùa đả kích Liên Xô mới nhất. Đêm đến tôi làm bồi bàn trong một quán rượu, và tôi viết nhật ký ăn chơi của một diễn viên đồng tính già đời, vùi mình trong chiếc áo choàng đỏ tím, hắn kể tôi nghe các buổi tối của hắn với giọng chán chường. Tôi nhảy từ cuộc sống này sang cuộc sống khác bên trong cuộc đời tôi, thất thường và mạnh mẽ, còn mẹ kể tôi nghe về các mảnh đời của mình, trong đó đôi khi hiện lên cuộc đời của tôi. Với giọng của bà, khi nói ngôn ngữ nào mẹ cũng thành người nước ngoài. Chung quy, có thể mẹ chỉ nói mỗi một ngôn ngữ, hay tất cả các ngôn ngữ trên trái đất này (mẹ xoay xở được với tiếng Đức và biết chút ít tiếng Tây Ban Nha) với một giọng duy nhất - một giọng nói mà tôi vẫn còn nghe thấy trong tim mình, giọng nói vang lên như tiếng chim bồ câu. Khi đã kiếm đủ tiền, tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ đến thăm mẹ và mẹ nói rằng tôi thật tuyệt vời và mẹ rất lấy làm tự hào, nhưng rằng tôi không nên đến vì mẹ không còn mấy nhan sắc và gặp mẹ chẳng còn gì hay ho - và nhất là đừng nói với bố con. “Con mới là người quyết định,” tôi cương quyết tuyên bố, còn bà thì nói: “Không, Andriouchka, mẹ khẳng định với con. Không phải bây giờ. Đợi sau này đã... Mẹ sẽ cho con biết khi nào có thể...” Tôi dừng lại ở khả năng mơ hồ này, không muốn hiểu rằng sẽ chẳng có cái sau này ấy, rằng cái sau này ấy đã là thời gian của toàn bộ cuộc sống của chúng tôi và rằng hơn nữa muộn mất rồi, chỉ còn một hơi thở thôi. Mẹ nài nỉ một lần nữa đòi tôi hứa không nói gì với bố. “Tại sao con lại nói với ông ấy chứ? tôi giễu cợt, ông ấy chẳng bao giờ hỏi gì cả.” Tôi nghe thấy tiếng cười trong giọng nói khàn khàn. “Bởi vì ông ấy có thể đến...”
Khi đó tôi lờ mờ đoán ra rằng chẳng riêng ai có lỗi đối với những gì tôi bị tước đi. Tôi không giận mẹ như giận bố, tuy nhiên dù sao cả mẹ cũng để tôi rơi vào trong vũng lầy cuộc đời với rất ít vốn sống. Nhưng một giọng nói mách bảo tôi rằng cả mẹ cũng đã phải hy sinh và chưa bao giờ được an ủi; giữa chúng tôi có một sự ngầm thấu hiểu, không biểu hiện ra, khiến tôi vô cùng độ lượng với các lý do của mẹ (một số lý do đã biết rõ còn một số được giấu kín) trong việc không mang tôi đi cùng sau khi họ chia tay. Một số phụ nữ bị bỏ rơi khác lánh nạn trong con cái và hoàn toàn chiếm lấy con; mẹ đã bỏ tôi nhưng tôi biết mẹ yêu tôi chẳng ít hơn. Nhờ vào cộng đồng của những người phụ nữ mà tôi gắn bó với thế giới này trong khi cộng đồng của những người đàn ông thì cứ vắng bóng mãi mãi.
Chính ông ấy - bố tôi - là người đột ngột đến thông báo với tôi về cái chết của mẹ.
Tôi những muốn khạc nhổ vào mặt ông rằng mẹ đã bắt tôi hứa không nói với ông, không bao giờ nói với ông nữa. (Đó không phải những điều mẹ đã nói và tôi xua đuổi trong cơn giận phần kia, phần mà mẹ nói chưa bao giờ ngừng yêu ông và trong tâm trí chưa bao giờ ngừng dõi theo tâm hồn lang bạt của ông dù đang ở nơi đâu.) Ông làm thế nào mà biết được điều đó? Tôi ghen tị và tôi muốn ông bị day dứt vì tội lỗi, trong khi tôi lại thấy ông bình tĩnh và buồn bã, trong đôi mắt đau buồn của ông không có dấu vết điên dại nào. Ông ngồi bên cây đàn dương cầm còn tôi biến vào trong phòng ngủ để không phải chịu đựng sự hiện diện của ông, nhưng không có cách nào để không nghe thấy ông - ông chơi chậm rãi, với sự thanh cao, điệu Pavan cho công chúa quá cố của Ravel(5) vào thời gian đầu sáng tác, có thể nhẹ nhàng nhưng hay đến thống thiết. Tôi không nhớ mình đã từng nghe ông chơi nhạc chưa nhưng sau tất cả những năm tháng đó âm nhạc vẫn chưa rời bỏ ông, âm nhạc ở đó là để đi cùng những cảm xúc khó diễn tả trong cuộc đời - và thế là chúng tôi cùng nhau khóc, tôi đồ là như vậy, dù rằng mỗi người trong một phòng.
Tuy nhiên tôi từ chối cùng ông đi tới đó.
Tôi phải đợi ba mươi năm mới nói lời tạm biệt mẹ, vào một ngày mùa đông tại New York, trước hàng rào sắt một nhà thờ nhỏ nơi treo hàng trăm thông điệp dành cho các nạn nhân ngày 11 tháng Chín. Bao bọc trong tang tóc, cuối cùng tôi để mình đến với cái tang của bản thân. Những linh hồn xa lạ bay lên và trong số đó tôi có ảo giác thấy linh hồn của mẹ tôi, với đống bí mật mẹ mang lên bầu trời xanh lạnh lẽo nơi hình bóng mẹ nổi bật như một thiên thần trong tác phẩm của họa sĩ Chagall(6) trên phối cảnh bị tổn thương của Manhattan.
Tôi rõ ràng đã trải qua những khoảnh khắc mà chúng tôi bỏ lỡ, các cử chỉ từng được phác họa nhưng chưa hoàn thiện, nỗi đau trong tôi rốt cuộc nhạt nhòa đi trước nỗi đau vừa qua đây của mẹ khi biến mất into thin air(7), một làn hơi nhỏ của một linh hồn đã già hòa lẫn với hơi nước nóng bỏng vẫn còn bốc lên từ mặt đất, trong cái vết thương há miệng ấy nơi những con người, xe tải, máy móc bé tí tẹo quay cuồng suốt ngày đêm trong vở múa ba lê chỉ vài diễn viên. Đương nhiên, với sự tầm thường của riêng mình, tôi ngẫm nghĩ về những việc làm vĩ đại, nhưng trong chính giữa sự tầm thường đó có một cách riêng để tạ ơn một người mà ba mươi năm trước đây đã gắn bó với thành phố này bằng một mối liên hệ mà tôi không biết, nhưng mối liên hệ đó đủ mạnh để giúp mẹ tiếp tục sống một thời gian. Tôi không biết mẹ đã được chôn cất ở đâu và vậy là tôi đứng trước hàng rào sắt ấy, viết cho mẹ bức thư yêu thương mà chúng tôi chưa gửi cho nhau khi mẹ còn sống, tự tha thứ cho mình về việc rốt cuộc chính tôi là người đã bỏ rơi mẹ, không chỉ vào giờ khắc mẹ qua đời, khi căn bệnh ung thư của mẹ vào giai đoạn cuối và khi chết dần chết mòn như bị gián nhấm, mẹ chẳng còn “nhan sắc” cũng chẳng còn “hay ho” nữa.
“Thế rồi...”
Mẹ đã không cần phải kết thúc câu nói mà sẽ chẳng bao giờ được kết thúc; cuối cùng tôi ở bên bà và bà ở bên tôi.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước