Where the sacred laws of honour are once invaded, love makes the easier conquest.

Addison

 
 
 
 
 
Tác giả: Vân Thảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
Cuộc họp của đảng ủy Đạo Thắng diễn ra căng thẳng. Không khí oi nồng ở bên ngoài làm cho phòng họp nóng lên khiến người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại như thợ cày giữa tháng tư.
Noãn khuôn mặt bừng bừng, bọt mép sùi ra hai bên vừa nói vừa thở:
- Tôi muốn hỏi các đồng chí đề nghị hủy bỏ kết quả cuộc bầu Ban quản trị Gia Đạo để bầu lại. Các đồng chí lấy lí do gì mà đòi hủy bỏ? Một vài đồng chí vừa rồi cho rằng cuộc bầu cử ấy thiếu dân chủ. Thiếu dân chủ ở chỗ nào?
Ngô độp lại:
- Đồng chí phó bí thư đảng ủy vừa hỏi thiếu dân chủ ở chỗ nào ư. Tôi xin lấy tư cách là bí thư chi bộ và là đảng ủy viên xin trả lời đồng chí phó bí thư như sau. Thiếu dân chủ rõ nhất là những đại biểu được cử đi dự Đại hội đều do Ban quản trị chỉ định mà không được thông qua hội nghị toàn thể xã viên cũng như chi bộ…
Noãn cắt ngang lời Ngô:
- Vậy thì khuyết điểm này là do chi bộ lãnh đạo thiếu chặt chẽ chứ có phải do Ban quản trị đâu.
- Tôi đã kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân tôi cũng như cấp ủy trước đảng ủy rồi.
Khoa từ đầu cuộc đến giờ ngồi nghe ngóng xem chiều hướng thế nào, bây giờ thấy Noãn làm căng nghĩ có thể đa số các đảng ủy viên sẽ không tán thành việc hủy bỏ kết quả bầu cử nên phát biểu đứng về phía Noãn:
- Tuy Đại hội bầu Ban quản trị Gia Đạo có những khiếm khuyết, nhưng theo tôi ta không nên hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử. Những người được bầu lần này tôi thấy vẫn đủ tiêu chuẩn để tiếp tục công việc điều hành Hợp tác vì họ đã thông qua nhiều năm làm chủ nhiệm và phó chủ nhiệm.
Hãn thấy Khoa nói vậy cũng vào hùa:
- Tôi cũng tán thành quan điểm của đồng chí phó bí thư và đồng chí Khoa. Những người vừa được bầu lại ít nhiều đã có kinh nghiệm điều hành Hợp tác xã gần ba nhiệm kỳ. Vừa qua lại rất hăng hái chấp hành chỉ thị làm vụ xen canh của đồng chí bí thư tỉnh ủy. Điều đáng quý là các đồng chí đó đã tự phê bình trước xã viên và tỏ thái độ tích cực sửa chữa bằng cách bám sát đồng ruộng cùng với bà con xã viên. Mặt khác làm như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của đảng ủy cũng như chi bộ Gia Đạo, làm mất ổn định đoàn kết trong nội bộ xã viên.
Ngô vẫn giữ giọng từ tốn:
- Theo tôi chúng ta hủy bỏ kết quả bầu cử mới giữ được uy tín của lãnh đạo. Còn để những người sống thủ đoạn như vậy điều hành Hợp tác xã, tôi nghĩ không thể đưa Hợp tác xã Gia Đạo đi lên được.
Luận thấy cuộc họp loanh quanh cũng chỉ có việc tranh cãi hủy bỏ hay không hủy bỏ nên muốn chấm dứt cuộc họp:
- Tôi thấy chúng ta thảo luận như vậy là đủ. Có nói thêm nữa cũng chỉ quanh đi quẩn lại hủy bỏ hay không hủy bỏ. Bây giờ tôi đề nghị chúng ta biểu quyết. Nếu đa số đảng ủy viên đồng ý hủy bỏ thì chúng ta chấp hành Nghị quyết của cuộc họp. Nếu chưa nhất trí thì chúng ta báo cáo lên thường vụ huyện ủy và do thường vụ quyết định. Các đồng chí có đồng ý như vậy không?
Có lẽ đây là giải pháp cuối cùng nên mọi người tán thành ý kiến của Luận.
- Nếu đồng ý thì xin biểu quyết. Ai đồng ý hủy bỏ kết quả bầu cử để bầu lại?
Kết quả biểu quyết có mười bốn đảng ủy viên đồng ý hủy bỏ để bầu lại. Sáu đảng ủy viên không tán thành.
Sau khi biểu quyết, Luận tỏ ra hân hoan kết luận: Như vậy có hai phần ba đảng ủy viên đồng ý hủy bỏ. Bây giờ các đồng chí nghe đồng chí thư ký đọc biên bản cuộc họp, và cũng là Nghị quyết của đảng ủy. Đồng chí nào thắc mắc hay khiếu nại gì xin lên gặp bí thư huyện ủy.
Kết luận xong, Luận thở phào.
2
Đô cầm cuốn sổ ra khỏi phòng làm việc của ông Kim mồm lẩm bẩm: Lần này anh giao cho em viết một bài dài thế này chắc chết không gặp được vợ con đây. Ông Kim nhìn theo cười chứ không nói gì. Mối quan hệ tình cảm giữa ông Kim và Đô hết sức đặc biệt. Nó được tổng hợp bởi các mối quan hệ thầy trò, cấp trên cấp dưới và cả tình anh em. Đô làm thư ký riêng đồng thời cũng là thầy dạy văn hóa cho ông Kim ngót nghét đã gần chục năm. Vì vậy Đô hiểu ông Kim như hiểu mình. Khi cần viết một công văn, chỉ thị hay báo cáo, nói chuyện với một hội nghị nào đó, chỉ cần ông Kim nói ra ý của mình là Đô có thể có một bài viết ít khi ông Kim yêu cầu sửa chỗ này chỗ khác. Đô còn là một thư ký mẫn cán. Biết tính ông Kim lúc nào cũng cần những tư liệu chính xác, cụ thể nên trong sổ tay của Đô lúc nào cũng đầy ắp số liệu, sự kiện. Mỗi lần ông Kim cần là Đô mở sổ ra nói vanh vách, ít khi ông Kim nghi ngờ phải đi điều tra lại xem những số liệu, sự kiện ấy có chính xác hay không. Ông Kim quý mến Đô nhưng đôi lần ông thấy Đô bị thiệt thòi nếu như không cất nhắc, đề bạt Đô lên một cương vị cao hơn cái chức thư ký riêng của anh. Một lần ông Kim đột ngột hỏi Đô:
- Cậu làm thư ký riêng cho tớ lâu quá có thắc mắc gì không?
Đô ngạc nhiên hỏi:
- Anh bảo em thắc mắc chuyện gì?
Ông Kim tâm sự:
- Nhiều khi thấy để cậu làm thư ký riêng cho tớ lâu quá, tớ rất ái ngại. Vẫn biết rằng đi làm cách mạng không ai nghĩ mình sẽ trở thành ông này, bà nọ. Nhưng cái nhìn của xã hội thì lại khác. Thấy ai chậm được tổ chức cất nhắc đề bạt là cứ nghĩ có lẽ do bị khuyết điểm hay do trình độ kém. Cậu có nhớ cái lần đi lên xã Hạ Đình không. Mấy đứa trẻ con nhìn thấy cậu mang khẩu súng hai nòng đi sau lưng tớ cùng với cậu Hành, chúng liền bảo với nhau: Cái ông cán bộ này to lắm. Có một anh loong toong mang súng đi hầu và một anh bồi đi theo nữa chúng mày ạ. Nghe xong tớ vừa buồn cười vừa ái ngại cho cậu.
- Chúng nó trẻ con biết gì. Mà sao cái xã Hạ Đình ấy còn lạc hậu thế nhỉ. Miền Bắc đã được giải phóng bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn dùng những tiếng như bồi, loong toong nghe buồn cười thật.
Ông Kim giải thích:
- Hạ Đình ngày còn tạm chiếm có cái bốt Dốc Khỉ do một tên quan Một người Pháp, tương đương với thiếu úy bây giờ làm đồn trưởng. Những tiếng loong toong bồi bếp từ đó mà ra. Có lẽ thấy người lớn gọi thế nên chúng bắt chước. Đô này. Sắp tới tay Sâm có thể được cử đi công tác chuyên gia ở Lào. Tay Huỳnh phó văn phòng sẽ lên làm Chánh văn phòng tỉnh ủy. Tớ định bàn với tay Dần đưa cậu lên thế vào cái vị trí phó văn phòng của tay Huỳnh. Cậu thấy thế nào?
Không một chút đắn đo Đô nói luôn:
- Anh cứ để em làm thư ký riêng cho anh. Đưa người khác về thay em, em tin không hợp với anh đâu.
- Tớ cũng chẳng muốn để cậu rời khỏi tớ. Nhưng cũng phải mở đường cho cậu tiến chứ giữ mãi cậu sao được.
- Em được làm việc cạnh anh là một niềm hạnh phúc rồi. Anh đừng có nghĩ ngợi gì nữa.
Ông Kim cảm động muốn nói một câu gì đó để bày tỏ nỗi lòng của mình nhưng chẳng biết nên nói gì.
Ông Kim đang ngồi nghĩ về Đô thì Đình từ ngoài đi vào.
- Anh có bận không? - Đình hỏi.
- Có việc gì không?
- Tôi muốn gặp anh một lát - Đình tự kéo ghế ngồi và hỏi luôn - Anh định cử tôi đi công tác ở Lào có phải không?
Biết tính Đình rồi nên ông Kim đi thẳng vào chuyện:
- Ban đối ngoại Trung ương yêu cầu tỉnh ta cử hai đồng chí tỉnh ủy viên có trình độ lí luận, đã qua trường Đảng cao cấp đi làm chuyên gia tại trường Đảng của bạn Lào. Mình và cậu Dần có điểm qua một số các tỉnh ủy viên đã qua trường Đảng cao cấp và có khả năng giảng dạy lí luận, trong đó có ông. Ý mình cũng định cử ông đi, nhưng chưa quyết.
Đình hỏi thẳng:
- Có phải nhân dịp này anh muốn đẩy tôi ra khỏi cơ quan tỉnh ủy có đúng không?
- Cậu nghĩ như thế à?
- Không phải nghĩ mà tôi khẳng định như thế.
- Vì sao cậu khẳng định là tớ muốn đẩy cậu ra khỏi cơ quan tỉnh ủy?
Đình cười nhếch mép:
- Rất dễ hiểu thôi. Vì tôi là một trong những người kiên quyết đấu tranh với những việc làm sai trái của anh đang đi ngược lại đường lối tập thể hóa của Đảng.
Ông Kim nhìn thẳng vào Đình:
- Cậu tưởng nếu cậu ở cơ quan tỉnh ủy thì tôi không khi nào thực hiện được những việc tôi đang làm hay sao?
- Nếu không ngăn chặn được thì ít ra tôi cũng hạn chế được những sai lầm của anh.
Ông Kim cười khẩy:
- Cậu là một nhà lí luận về chủ nghĩa Mác. Tớ nghĩ cậu phải nắm được quy luật của sự phát triển hơn ai hết. Vậy thì với khả năng của cậu liệu cậu có cản được cái mới, cái tiến bộ đang thay dần cái lạc hậu, giáo điều, máy móc đang diễn ra trong các Hợp tác xã nông nghiệp hay không? Đừng có ảo tưởng làm được việc đó cậu ạ. Tớ nói thẳng nhé. Cậu có ở lại cơ quan tỉnh ủy, cậu cũng chỉ làm cho tớ khó chịu vì bị vướng chân thôi chứ chẳng khi nào cản được việc làm của tớ.
Đình không hề bất ngờ trước câu nói của ông Kim:
- Như vậy là anh đã thừa nhận vì tôi làm vướng chân anh nên anh muốn gạt khéo tôi ra khỏi cơ quan tỉnh ủy bằng cách cử đi làm chuyên gia ở Lào?
- Tớ và tay Dần chỉ mới điểm qua những người có tiêu chuẩn như Ban đối ngoại yêu cầu thôi chứ chưa quyết định cử ai đi cả.
- Nếu thế thì tôi nằm ngoài tiêu chuẩn ấy, bởi Ban đối ngoại chỉ yêu cầu cử tỉnh ủy viên, còn tôi lại là thường vụ tỉnh ủy. Nếu không có ý đồ gì sao anh lại đưa tôi vào danh sách những người được lựa chọn?
Ông Kim cố kềm chế để khỏi to tiếng:
- Thường vụ hay tỉnh ủy viên chỉ là sự phân cấp trách nhiệm chứ không phải cái ghế cao thấp ngồi để hưởng lộc. Việc cử ông đi Lào không phải bàn nữa nhé. Ông cứ yên tâm ngồi trên cái ghế trưởng ban tuyên huấn của mình. Bây giờ tôi muốn hỏi ông chuyện này. Vừa rồi ông xuống Vĩnh Hòa để tìm hiểu việc hóa giá nông cụ sản xuất bán cho nông dân có phải không?
- Tiện có xe của anh Bao phái viên đi xuống đó, tôi cùng xuống để xem tình hình thực hư ra sao.
- Tớ không phê bình việc làm vô nguyên tắc của cậu. Tớ muốn hỏi cậu nghĩ thế nào về việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân và Phương Trúc?
Đình hỏi lại:
- Vì sao anh bảo tôi vô nguyên tắc?
- Ai cử cậu đi xuống Vĩnh Hòa để tìm hiểu tình hình? Nếu cậu cần tìm hiểu cơ sở để viết tài liệu, ít ra cậu cũng phải báo cáo với tớ. Cơ quan dù to dù nhỏ gì cũng có sự phân công người phụ trách. Người phụ trách chịu trách nhiệm với trên về việc làm của cấp dưới của mình. Một điều sơ đẳng như vậy vô lẽ cậu không nắm được mà hỏi vì sao tớ bảo cậu vô nguyên tắc. Bây giờ cậu cho tớ biết nhận xét của cậu về việc làm của hai Hợp tác xã ở Vĩnh Hòa.
Đình không một chút ngần ngại nói luôn:
- Tôi và anh Bao đều có chung một nhận định. Đây là một việc làm hết sức sai lầm thuộc về quan điểm chủ trương đường lối của Đảng. Khi nãy anh có nhắc đến quy luật của sự phát triển. Anh cho rằng cái mới, cái tiến bộ đang thay cái lạc hậu, giáo điều máy móc đang diễn ra trong các Hợp tác xã. Đã nói đến quy luật của sự phát triển là phải nói nó phát triển đi lên theo hình thái xoáy trôn ốc. Cái của ngày hôm nay phủ định có kế thừa cái của ngày hôm qua. Nhưng cái mới, cái tiến bộ của các Hợp tác xã mà anh nhắc đến lại phát triển theo chiều hướng đi xuống, trở lại với con đường làm ăn riêng lẻ. Hết trả ao chuôm lại cho nông dân thả cá, bây giờ đến lượt bán lại công cụ sản xuất cho nông dân. Cứ đà này tôi tin sẽ đến một ngày nào đó chắc chắn trâu bò, ruộng đất sẽ được trả nốt cho nông dân. Tôi thấy cái trò chơi của anh mạo hiểm quá.
Ông Kim ngồi nghe ông Đình nói người ngứa ngáy châm chích như bị rôm đốt:
- Cậu nói đã hết chưa?
- Tôi chỉ nói với anh vậy thôi. Tôi mong rằng anh đừng hiểu lầm sự chân thành thẳng thắn của tôi.
Ông Kim thong thả rít thêm một điếu thuốc lào nữa rồi nói đủng đỉnh:
- Tớ hiểu cậu còn hơn hiểu cả tớ nên cậu đừng lo tớ hiểu nhầm. Tớ nói thật, những lời cậu vừa nói tớ cũng đã đọc nhiều lần trên các tờ báo rồi. Cậu nói có chỗ đúng. Đó là chủ trương đưa nền nông nghiệp miền Bắc tiến lên sản xuất lớn Xã hội chủ nghĩa. Muốn cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, bước đi đầu tiên là phải tập thể hóa lối làm ăn của nông dân. Ai chả mong nông dân mình có một cuộc sống sung sướng hả cậu. Ai không mong đồng ruộng manh mún sẽ thành nông trang tập thể. Nhưng chưa làm được những điều mơ ước cao siêu thì hãy làm cho cái bụng dân mình được no, cái thân của dân mình được ấm cái đã.
Ông Kim đứng lên đi đến vịn tay vào khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài như cố nén cơn xúc động đang trào lên ở trong lòng ông. Mãi sau ông nói tiếp:
- Tớ có món nợ rất lớn chưa trả được. Đó là sự che chở đùm bọc của người nông dân trong những năm tháng tớ hoạt động trước khởi nghĩa và thời kháng chiến. Nhiều người bây giờ được ở nhà lầu, đi xe hơi nên quên mất nông dân. Còn tớ thì không bao giờ quên. Tớ khẳng định với cậu điều này nữa. Đường lối tập thể hóa của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Nông dân chúng ta không có con đường nào khác là phải đi vào con đường làm ăn tập thể. Nhưng biện pháp để thực hiện đường lối đó có nhiều chỗ sai cậu ạ. Nhiều chỗ sai, cậu có hiểu không.
Đình lặng lẽ nhìn ông Kim rồi đứng lên bỏ ra khỏi phòng. Ông Kim nhìn theo lắc đầu.
3
Mới bảy giờ sáng, Luận đã xuất hiện trước phòng làm việc của Chi. Vứt cái nón vào góc phòng, chẳng nói chẳng rằng Luận đến cầm cái ấm nhôm tu một hơi bấy giờ vừa thở vừa nói:
- Mệt muốn chết. Nghe nói ông Lịch và ông Doanh lên làm ầm ĩ trên này phải không chị?
Chi cười:
- Hai lão ấy lên chỗ tôi làm ầm ĩ. Họ bảo sẽ khiếu nại việc này lên với tỉnh ủy. Nếu tỉnh ủy không giải quyết, họ khiếu nại lên đến Trung ương. Dư luận chung của bà con xã viên Gia Đạo đối với việc đảng ủy ra quyết định hủy bỏ kết quả bầu Ban quản trị ra sao?
- Theo báo cáo của đồng chí Ngô, bí thư chi bộ Gia Đạo thì bà con tỏ thái độ đồng tình. Có điều khá bất ngờ là bà Ngật đã đến gặp đồng chí Ngô tố cáo anh Ngọ đến vận động bà ta bỏ phiếu cho Ban quản trị cũ và hứa cho bà ta, bà Quy, cô Hoang mỗi người năm ngày công.
- Chương trình tiến hành bầu lại Ban quản trị Gia Đạo chuẩn bị đến đâu rồi?
- Đã tổ chức họp xã viên để thông báo quyết định của đảng ủy về việc hủy bỏ cuộc bầu vừa rồi và cuộc họp cũng đã giới thiệu các đại biểu đại diện cho xã viên tham gia Đại hội sắp tới.
- Chương trình tiếp theo thế nào?
- Gia Đạo đề nghị cho tổ chức Đại hội đại biểu xã viên trước khi thu hoạch vụ ngô và khoai tây. Tôi thấy như vậy cũng tốt. Vì sau khi thu hoạch khoai đã bắt tay vào chuẩn bị cho vụ chiêm rồi nên thời gian rất eo hẹp.
- Nếu đã chuẩn bị chu đáo rồi thì cho tiến hành càng sớm càng tốt. Cũng phải để thời gian cho Ban quản trị mới triển khai công việc nữa chứ. Huyện ta hiện nay có mấy Hợp tác đang tìm cách tháo gỡ lối làm ăn rối như tơ vò lâu nay. Nổi lên trong số đó là Hợp tác xã An Bình. Vừa rồi cả một đoàn nào bí thư đảng ủy, nào chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất đạp xe gần cả một ngày trời lên tận Đằng Xá Cao Sơn để tham quan học tập. Còn bảo tuần đến đi Vĩnh Hòa nữa đấy. Nếu ta tập trung chỉ đạo làm sao đưa Gia Đạo vào hàng ngũ những Hợp tác xã đang đổi mới mạnh mẽ phương thức làm ăn, có thể ta thu được vô khối bài học quý giá trong công tác chỉ đạo đấy chị Luận ạ.
Luận cười:
- Kể cả bài học chống lại thủ đoạn gian lận trong bầu cử Ban quản trị nữa phải không?
- Đúng như thế. Bài học về tác phong chỉ đạo quan liêu, qua loa đại khái.
- Đôi khi ngồi nghĩ lại vừa tức vừa buồn cười. Không hiểu sao mình lại thật thà đến thế không biết. Nếu không kiên quyết thì thua liền một lúc hai keo. Còn việc này nữa tôi muốn báo cáo với chị và xin ý kiến chỉ đạo.
Chi cười:
- Lại chỉ đạo. Có việc gì thế?
- Chắc phần nào chị đã nắm được rồi. Đó là có hiện tượng bè phái trong đảng ủy Đạo Thắng. Tôi lo lắm chị ạ. Tôi định triệu tập một cuộc họp bất thường của đảng bộ để đấu tranh với hiện tượng này.
Chi hỏi:
- Sao không họp đảng ủy để đấu tranh mà phải họp toàn đảng bộ? Vô lẽ đảng ủy có hai mươi mốt đảng ủy viên mà không giải quyết nổi mâu thuẫn trong nội bộ hay sao mà phải triệu tập hội nghị bất thường của đảng bộ?
Luận giải thích với Chi:
- Đảng ủy có hai mươi mốt đảng ủy viên thật nhưng hơn một nửa trong số đó sống theo quan điểm trung dung, ngả theo bên nào cũng được. Thường vụ có bảy đồng chí thì mất ba đồng chí, trong đó đồng chí Noãn là phó bí thư lại là trung tâm mất đoàn kết. Những thủ đoạn gian dối tìm cách đối phó của Ban quản trị Gia Đạo có bàn tay của đồng chí Noãn nhúng vào đó. Tôi nghĩ phải dùng ý kiến số đông đảng viên trong đảng bộ để đấu tranh may ra mới giải quyết được tình hình trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong đảng ủy Đạo Thắng hiện nay.
- Phức tạp nhỉ. Thôi được rồi. Vấn đề này tôi sẽ triệu tập họp thường vụ huyện ủy để xem phương hướng giải quyết như thế nào rồi có ý kiến chỉ đạo cụ thể.
- Lại hai tiếng chỉ đạo rồi. Thế mà khi nãy chị lại phê bình tôi.
Nói xong Luận cười. Chi cười theo.
4
Từ chỗ trận địa bắn máy bay của các cô dân quân về, Ngô ghé vào nhà làm việc của Ban quản trị. Lịch, Doanh, Ngọ, Lấu đang ngồi uống rượu và lạc rang. Thấy Ngô vào Lịch chào giọng châm biếm:
- Chào đồng chí bí thư chi bộ. Ngồi nhấm với anh em chúng tôi chén rượu với lạc rang cho vui mồm. Nếu sợ mang tiếng chè chén thì thôi.
Ngô sà luôn vào bàn rượu:
- Cho xin một chén.
Lịch cười hô hố:
- Ông bí thư chi bộ dạo này có vẻ tác phong quần chúng quá nhỉ.
Ngô nối giọng bốp chát:
- Tôi ngồi uống rượu với các quan chức Hợp tác xã chứ có quần chúng nào ở đây. Các ông định bao giờ cho tổ chức Đại hội đại biểu xã viên để bầu Ban quản trị mới?
Lịch đáp:
- Chúng tôi đang họp bàn đây.
- Các ông đã bàn xong chưa?
- Xong rồi.
- Các ông định ngày nào thì tổ chức Đại hội?
Lịch nói lạnh lùng:
- Ngày nào mà chả được. Ông muốn tổ chức ngay ngày mai cũng được.
Ngô bắt đầu nóng mặt:
- Ông ăn nói hay nhỉ? Sao ông bảo tôi muốn. Còn một ngày ở cương vị Chủ nhiệm Hợp tác xã, ông phải làm hết trách nhiệm của mình chứ.
Lịch nói trong hơi rượu:
- Thì tôi đang làm đấy thôi. Ông còn đòi gì ở tôi nữa nào?
- Tôi chẳng có đòi hỏi gì ở ông cả. Tôi chỉ muốn ông làm đúng chức trách của mình mà thôi. Còn việc này nữa. Các cháu nữ dân quân phản ánh những ngày đến phiên Hợp tác xã của chúng ta chịu trách nhiệm nấu cơm cho các cháu gần đây ăn uống rất kém. Nhiều hôm chỉ có canh rau ngót với cà. Vì sao các anh tự động cắt bớt khẩu phần thức ăn của các cháu?
Ngọ thanh minh:
- Cô Phấn có phản ánh với tôi chuyện đó. Nhưng dạo này tổ cá ốm gần hết nên không còn người đánh.
Ngô hỏi:
- Tổ cá ốm sao các anh không điều xã viên?
- Chi công đánh cá của xã viên vào mục nào, bởi đánh cá không phải là công việc của họ.
Ngô hỏi:
- Ngay chiều hôm nay tôi sẽ nói với một số đảng viên xuống ao đánh cá để cung cấp cho các cháu nhưng không tính công điểm của Hợp tác, các anh có đồng ý không?
Ngọ cười hề hề:
- Đồng chí bí thư chi bộ làm gì mà nóng nảy thế. Việc này để sáng mai tôi giải quyết. Như vậy đã được chưa?
- Tôi mong anh giữ lời hứa của mình. Bây giờ quay lại chuyện tổ chức Đại hội. Các anh định khi nào?
Lịch nói luôn:
- Tuần sau, ngày mười sáu.
- Biết thế. Tôi về đây.
Chờ Ngô đi xa, Lịch bảo Ngọ và Lấu:
- Ông Ngọ và ông Lấu ngồi rà soát lại sổ sách thu chi tài chính một lần nữa cho kỹ nhé. Chỗ nào chưa khớp phải sửa lại ngay. Đừng để đến khi bàn giao sổ sách chúng nó phát hiện ra thì chẳng còn đất mà chui xuống đâu.
Lấu sực nhớ ra chuyện hai con chó nhà mình chưa được thanh toán liền hỏi:
- Hai con chó nhà tôi các ông tính sao đây?
Doanh hỏi:
- Chó nào?
Lấu đáp:
- Hai con chó mổ thịt tại nhà tôi chứ chó nào nữa?
Lịch bảo:
- Hai con chó ấy đã bảo tính vào lợn nghĩa vụ của nhà cậu rồi còn đòi gì nữa.
Lấu cằn nhằn:
- Hai con chó to như hai con bò mộng mà tính cho tôi ba mươi cân hơi lợn thì thiệt cho nhà tôi quá.
Ngọ xì một tiếng:
- Hai con chó như hai con mèo hen, tính cho ba mươi cân lợn hơi còn kêu gì nữa.
Lấu dọa:
- Tôi thì thế nào cũng xong. Thậm chí mổ ra mời các ông ăn cũng không hề tính toán. Nhưng khổ nỗi con vợ tôi thuộc loại rán sành ra mỡ. Nó thấy mình bị thiệt quá làm toáng lên là nguy đấy.
Nghe Lấu dọa, Lịch bảo Ngọ:
- Ông Ngọ xem điều chỉnh lại tính cho nhà nó bốn chục cân lợn hơi cho yên chuyện đi.
Ngọ cằn nhằn:
- Nuôi chó như vậy ai chẳng muốn nuôi. Đã què một tay mà còn vơ của thiên hạ như vậy, nếu còn cả hai tay không biết nó còn vơ đến đâu.
Lấu bĩu môi:
- Dễ ông chẳng vơ của thiên hạ tí nào cả đấy nhỉ. Sao trên đời này có một người tốt thế không biết.
Ngọ cười khì khì:
- Tốt hay không tốt thì cũng chỉ còn mấy hôm nữa chịu khó cho chúng nó đè đầu cưỡi cổ. Tôi có ý kiến này các ông nghe xem có được không nhé.
Lịch hỏi:
- Ý kiến gì. Định tìm cách đảo ngược tình thế à?
Ngọ nói bộ hăng hái:
- Chúng nó đã cho một đòn chết tươi, đảo thế chó nào được. Đường nào cũng chết rồi chẳng lẽ ôm bụng mà chết thèm. Chiều nay ông Lịch ký cái phiếu ra trại lợn trói mấy con bảo là mổ thịt chia cho bà con ăn liên hoan mừng bầu ban quản trị mới. Các ông thấy thế nào? Có chết cũng làm một bữa tiết canh trào tận họng mới rửa được cái nhục này.
Lấu đập cánh tay còn cử động được vào đùi kêu bèn bẹt:
- Không ngờ ông Ngọ lại nghĩ ra chuyện tuyệt diệu như vậy.
Doanh can:
- Đừng làm cái trò không ăn được thì đạp đổ ấy rồi mang tiếng suốt đời.
- Không làm cũng đã mang tiếng rồi. Lợn của công chứ lợn chó gì ai mà phải giữ. Ông Lịch thấy thế nào?
Lịch nói giọng uể oải:
- Muốn ăn thì tớ viết phiếu. Chiều ông điều người đi bắt. Tội chó gì mà nhịn. Đã đạp ông ra thì ông cho đạp luôn.
Ngọ hưởng ứng:
- Ông Lịch nói đúng. Đã đạp, cho đạp luôn. Uống rượu ở đây xong, tôi sẽ đi điều người bắt lợn. Cứ ghi vào khoản chia cho bà con ăn liên hoan mừng bầu Ban quản trị là chẳng thằng nào nói được gì.
Nói xong Ngọ cầm chén rượu lên tu một hơi rồi khà một tiếng khoái trá.
Bí Thư Tỉnh Ủy Bí Thư Tỉnh Ủy - Vân Thảo Bí Thư Tỉnh Ủy