Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Văn Luận
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 45
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2794 / 97
Cập nhật: 2015-08-28 02:06:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24: Ngô Đình Cẩn, Người Có Trí Nhớ Phi Thường
úc tôi vào Huế lần đầu tiên, từ Hà Nội theo ông Lý, tôi có được ông Cẩn cho người đến mời tôi sang nhà ông nói chuyện. Lần đó tôi đã đến gặp ông vài lần. Lần thứ hai vào Huế dể đi Đà Lạt, tôi củng ghé qua thăm hỏi ông Cẩn, và dĩ nhiên, lần này vào dạy học ở Huế, tôi hay đến nói chuyện với ông Cẩn. Về sau ông Cẩn xin phép Đức Giám Mục để tôi đến làm lễ tại nhà ông mỗi chủ nhật.
Những câu chuyện thay đổi giữa tôi và ông Cẩn gồm đủ các thứ chuyện, từ chuyện nuôi chim chuyện quá khứ đến chuyện chính trị. Ông Cẩn có lòng kính phục yêu mến ông Diệm hết mình nhưng hình như lại có vẻ không ưa bà Nhu và vì khi nhắc đến ông Nhu thì ông tỏ vẻ không thích thú lắm. Câu chuyện mà ông Cẩn hay nói nhất, là những giai thoại vui vui giữa ông Khôi, ông Diệm.
Lúc bấy giờ ông Khôi và con cả của ông bị Việt Minh giết, chưa tìm ra xác. Mỗi lần nhắc đến ông Khôi mặt ông Cẩn buồn buồn rồi đanh rắn lại đầy căm phẫn. Ý thức quốc gia dân tộc ở ông Cẩn mơ hồ, không rõ rệt, sáng sủa như ông Diệm, ông Nhu, nhưng lòng căm thù cộng sản ở ông Cẩn lớn lắm có lẽ vì ông không quên được cái chết của cha con ông Ngô Đình Khôi, người anh cả mà ông tôn kính, thán phục.
Ông Cẩn dành nhiều thì giờ để hoạt động chính trị. Nhiều nhân vật quốc gia đón gió biết trước sau ông Diệm cũng được mời ra chấp chánh, mon men tìm đến ông Cẩn. Nhiều người biết Pháp Cẩn nể tôi đã nhờ tôi giới thiệu với ông Cẩn, trong đó có một thanh niên trẻ, học luật tên là LTQ.
Ông Cẩn bắt đầu thu phục một số cán bộ, dùng những buổi gặp gỡ, nói chuyện để học hỏi với nhau đọc những lá thư từ Mỹ của ông Diệm gửi về, hay một số tài liệu hiếm hoi do ông Diệm biên soạn. Về sau ông Nhu thường gửi các tài liệu chính trị ra cho các cán bộ ở Huế đọc.
Trong số những người hay qua lại nhà ông Cẩn khoảng 1949 trở đi, tôi thấy có Trần Điền, Nguyễn Trân, Đỗ Mậu, ông Vinh (Đại tá). Tôi cũng có làm quen với những người này.
Mỗi chủ nhật, tôi đến nhà ông Cẩn ngay dưới cái dốc đi lên nhà thờ Phú Cam làm lễ, trong một nhà nguyện nhỏ chưng bày đơn sơ nhưng trang trọng. Bà cụ Khả có một bàn quỳ lót nệm. Ông Cẩn quỳ bên cạnh. Thỉnh thoảng bà Cả lễ, đứa con gái lớn của bà lúc bấy giờ khoảng 14 tuổi, những lúc nghỉ hè cũng theo mẹ đến dự lễ.
Xong lễ, ông Cẩn mời tôi ở lại nói chuyện khá lâu, nhiều hôm suốt cả buổi sáng. Ông cười nói rằng nếu tôi không ở lại ăn sáng với ông thì bà cụ (Khà) sẽ la ông. Bà cụ Khả rất mộ đạo, thường quỳ lạy cầu nguyện trong nhà thờ khá lâu. Có lúc tôi và ông Cẩn ngồi nói chuyện một lúc, bà mới ra khỏi nhà nguyện, đến thăm hỏi tôi. Bà săn sóc đến bữa ăn sáng của tôi, thường hỏi ông Cẩn hôm ni làm gì cho cha Luận ăn sáng. Cái món mà bà cụ muốn người nhà nấu cho tôi dùng, vì theo bà đó là món bổ nhất, ngon nhất, là cháo bồ câu. Nhà ông Cẩn rộng, nuôi được nhiều bồ câu. Bà Khả la người đàn bà Việt Nam gương mẫu, chỉ biết lo lắng cho con cái.
Cái chết của cha con ông Khôi làm cho bà đau khổ vô cùng, và từ đó bà ít khi vui cười được. Bà không bao giờ nói đến chuyện chính trị, bà chỉ cần biết đến sức khỏe của các con cháu bà mà thôi. Thường thì bà mặc áo bà ba trắng hay nâu. Ngày chủ nhật, bà mặc áo dài, thường bằng hàng gấm, đoạn, hay nhung. Bà nói ngày chủ nhật phải tỏ ra kính Chúa như vậy.
Ông Cẩn thường mặc áo màu đen, những lúc ông cho là làm tốt, thì ông mặc áo dài the hai lớp. Ông sống rất đơn giản, thanh bạch, ăn trầu hút thuốc lá vấn. Trong mọi việc ông Cẩn không bao giờ ghi chép cũng không dùng thư ký riêng để ghi chép bất cứ điều gì. Nhưng ông có trí nhớ kỳ lạ.
Tôi còn nhớ một câu chuyện nhỏ làm tôi phục cái trí nhớ phi thường của ông. Một hôn có một cậu thanh niên là LTQ đến nhờ tôi dẫn đến giới thiệu với ông Cẩn. Tôi thấy anh ta thông minh, mặt mũi sáng sủa, cũng có thiện cảm. Một hôm sau lễ chủ nhật, tôi nhắc đến tên anh ta với ông Cẩn, và xin ông hôm khác cho hắn lên trình diện ông Cẩn, xem ông dùng hắn được việc chi không.
Hai tháng sau, trong một buổi họp mặt khá đông người, bàn chuyện mở rộng hoạt động chính trị trong miền Trung, một người khác, tôi không nhớ là ai, lên tiếng giới thiệu anh LTQ lúc đó đứng trong đám đông vây quanh ông Cẩn.
Ông Cẩn nhìn anh ta:
- À chú là LTQ hả? Cách đây hai tháng, cha Luận có giới thiệu anh với tui. Chú muốn hoạt động hả. Được, đễ tui giúp cho.
Một lần khác, anh Lê Mộng Hoàng, một trong số sinh viên tôi giới thiệu đã đi du họcở Pháp về, cùng tôi đến gặp ông Cẩn, cũng với ý định giới thiệu Hoàng với ông Cẩn. Nghe nói đến Lê Mộng Hoàng, ông Cẩn sực nhớ ra điều gì, hỏi gốc gác, cha mẹ, rồi cười vui vẻ:
- Mình nhớ ra rồi. Bố chú mi trước làm tri huyện, nhà ở chợ Cống. Hồi nhỏ mình hay chạy sang phía đó bắt chim gặp bố mình hoài, nhưng lúc đó mình chưa sinh ra?
Một hôm khác, tôi nói chuyện với ông về việc trở lại đạo của em vợ Trần Điền. Ông Cẩn nhớ và nhắc ngay:
- Bố của cô ấy làm tri huyện Hương Thuỷ phải không? Hồi đó bố cô thua bạc hết cả tiền thuế, sợ bị tội, giả gây ra tai nạn ô tô ở Phú Bài để khai bậy chạy tội đó, chắc cô không biết mô.
Những mẫu chuyện này đủ chứng minh trí nhớ phi thường của ông Cẩn nhưng cũng vì trí nhớ đó cho nên ông thường nặng thành kiến, ân oán rất phân minh. Ông đã không tin ai, thì khó có cách gì làm cho ông đổi ý kiến. Ông đã ghét ai, thì cũng không làm thế nào để ông có thể ngơ được.
Khoảng thời gian này, Phan Văn Giáo được Bảo Đại cho làm thủ hiến Trung Phần. Tôi chỉ thỉnh thoảng gặp trong các buổi lễ công cộng và không một lần nào tôi có ý định làm quen nhiều với ông Giáo, có lẽ vì tư cách của ông không làm cho tôi kính phục được chút nào. Những chuyện tốt xâu, và hình như xấu nhiều hơn tốt của ông Giáo làm trong thời kỳ làm thủ hiến Trung Phần, thì tôi cũng chỉ nghe dân chúng ta thán, đồn đại không để ý mấy. Mấy đứa học trò, hay mấy người quen có nhắc đến, thì tôi cũng chẳng để vào tai làm gì.
Theo chỗ tôi biết, giữa ông Cẩn và ông Giáo lúc bấy giờ đôi bên gờm nhau hơn là thân nhau. Một vài cán bộ của ông Cẩn tuy làm việc trong chính quyền tức là dưới quyền ông Giáo nhưng cũng không phục ông Giáo. Có lẽ biết chẳng có ai theo mình, kính phục mình, ông Giáo lo làm giàu, lo chơi hưởng thụ hơn là lo làm việc ích quốc lợi dân.
Nhưng ông có tài ăn nói trôi chảy. Phần nhiều những lần ra trước công chúng, ông thường ứng khẩu các diễn văn ngắn, có lúc ông nói hay đến nỗi nhiều người cảm động. Tôi nhớ một lần khánh thành quân y viện Mang Cá. Ông Giáo nói cách chi hay đến nỗi nhiều người sụt sùi khóc, thương cảm cho số phận các thương bệnh binh.
Trong thời gian này nhiều biến chuyển quan trọng xảy ra trong nước và ở ngoại quốc. Quân Cộng sản Trung Hoa đã chiếm trọn lục địa, đuổi Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, Đài Phát thanh Việt Minh loan báo Trung Cộng, rồi Nga Sô đã nhìn nhận chính phủ Việt Minh. Phái bộ đại diện của chính phủ Việt Minh tại Pháp do ông Trần Ngọc Danh cầm đầu rời Ba-Lê, huỷ bỏ phái bộ, và lên đường sang Tiệp Khắc.
Hành động này đánh dấu sự tan vỡ ngoại giao một cách chính thức giữa Pháp và Việt Minh. Mọi hy vọng thương thuyết với Việt Minh kể như tan vỡ hết.
Trên chiến trường quân Việt Minh lần lượt chiến thắng ở Cao Bằng, Lạng Sơn buộc quân Pháp rút khỏi hai tỉnh này, và biến trọn vùng cao nguyên Bắc Việt thành khu giải phóng dưới quyền chính phủ Việt Minh. Đài Hà Nội bắt đầu khoe khoang, sẽ ăn tết ở Hà Nội.
Chính quyền Bảo Đại, nhờ quân Pháp, và cũng nhờ bộ máy công an khá hữu hiệu trong tay Nguyễn Văn Tâm, đã tạo được một ảo tưởng an ninh tại các thành phố lớn. Nhưng dân chúng, nhất là các chính khách, các nhân sĩ vẫn giữ thái độ hoài nghi, bất hợp tác với Bảo Đại.
Lúc bấy giờ nhiều người đã tin chắc Việt Minh sẽ chiến thắng không lâu lắm… Nhưng rồi một biến cố quan trọng làm thay đổi lịch sử: Ngày 6 tháng 12-1950, tướng De Lattre De Tassigny, một tướng lãnh tài giỏi của Pháp nắm quyền tư lệnh quân đội Pháp ở Việt Nam.
Thời gian này, một mặt tướng De Lattre cho tổ chức thêm các đơn vị võ trang Việt Nam, trao thêm quyền hành cho chính Bảo Đại, mặt khác chận đứng cuộc tiến quân về vùng châu thổ sông Nhị Hà và Hà Nội của Việt Minh. Quân Việt Minh trên đường tiến về Hà Nội bị đánh tan ở Vĩnh Yên, Đông Triều, Sông Đáy vào tháng Giêng 1951.
Tại miền Trung, nhiều tiểu đoàn Bảo vệ quân được thành lập, với hạ sĩ quan và sĩ quan Việt Nam. Ông Giáo được Pháp tặng cho cái danh hàm tướng và ông hí hởn may một bộ quân phục cấp tướng đúng kiểu, cũng có những nhánh lá viền quanh cổ tay. Nghe một lần trong một cuộc lễ hỗn hợp Việt Pháp, ông Giáo đã mặc quân phục tứ tướng đến dự, làm nhiều tướng thật của Pháp che miệng cười. Sau đó người Pháp cố vấn cho ông Giáo đã khuyên ông không nên mặc quân phục nữa, sợ có lúc các tướng thiệt của Pháp thấy gai mắt sẽ sỉ nhục công khai thì phiền lắm. Quả thực sau mấy lần mặc áo tướng, ông Giáo chẳng hiểu vì lý do nào không còn dùng nữa.
Nhưng Bảo Đại không biết dụng thời cơ này để qui tụ người quốc gia thuần tuý yêu nước. Ông ham săn bắn chơi thuyền hơn là ham việc nước. Mọi công việc của chính phủ nằm trong tay thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và Nguyễn Văn Hinh tư lệnh quân đội Việt Nam.
Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965 Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965 - Cao Văn Luận Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965