This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Dostoevsky
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Grey
Số chương: 77
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9011 / 381
Cập nhật: 2023-08-20 23:50:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 - Lại một thanh danh nữa tiêu ma
ừ thành phố đến tu viện chỉ hơn một dặm. Aliosa vội vã đi trên con đường vắng ngắt vào giờ này. Gần như đã về đêm, cách ba mươi bước đã khó nhận rõ vật gì. Ở quãng nửa đường có một ngã tư ở đó, dưới một cây liễu trúc đơn độc thoáng thấy một bóng người. Aliosa vừa tới nơi thì bóng đó bật khỏi chỗ, nhảy xổ vào anh và thét lên bằng giọng cuồng loạn:
- Đưa tiền đây, không thì mất mạng!
- Anh Mitia, hoá ra là anh! - Aliosa giật nảy mình, ngạc nhiên.
- Ha - ha - ha! Chú không ngờ chứ gì? Tôi nghĩ mãi: chờ chú ở đâu được nhỉ? Ở nhà cô ấy ư? Từ đấy ra có ba con đường, có thể đón trượt. Cuối cùng tôi nghĩ ra là nên đón ở đây, vì nhất định chú phải đi qua đây, không còn con đường nào khác về tu viện. Nào, kể hết sự thật đi, giẫm bẹp tôi như giẫm con gián đi… Mà chú làm sao thế?
- Không sao, anh ạ… là vì tôi hoảng sợ đấy thôi. Ôi chao, anh Dmitri! Vừa rồi máu của ba… - Aliosa bật khóc, anh muốn khóc từ lâu và bây giờ trong tâm hồn anh có cái gì bục ra. - Anh suýt giết chết ba… - Anh suýt giết chết ba… anh nguyền rủa ba… vậy mà bây giờ… lúc nãy… anh bông đùa… "đưa tiền đây, không thì mất mạng"!
- Vậy thì sao chứ? Bất nhã phải không? Không hợp với tình thế ư?
- Không… tôi nói vậy thôi…
- Khoan. Hãy nhìn cảnh đêm kia: tối tăm biết bao, những đám mây kia, gió thổi ào ào! Tôi đứng nấp dưới cây liễu đợi chú, và bỗng nhiên tôi nghĩ (thề có trời): sống lay lắt nữa làm gì, chờ đợi cái gì? Sẵn đây có cây liễu, có khăn tay, có sơ mi, có thể bện thành dây thừng, nhúng ướt đi nữa, và giải thoát cho trái đất khỏi phải nặng mình vì tôi, khỏi phải ô danh vì sự có mặt hèn hạ của tôi! Thế rồi tôi nghe thấy tiếng bước chân chú. Trời ơi, tuồng như có luồng ánh sáng rọi xuống người tôi; vậy là trên đời này vẫn còn có một người mà tôi yêu mến, người đó đây kia, người em dễ thương mà tôi yêu nhất trên đời, người duy nhất mà tôi yêu! Tôi yêu chú quá chừng, giây phút ấy tôi yêu chú đến nỗi muốn nhảy bổ đến ôm quàng lấy cổ chú! Nhưng một ý nghĩ ngu ngốc chợt nảy ra: "Ta doạ chú ấy một tí cho vui". Tôi gào lên như thằng ngốc: "Đưa tiền đây!". Chú tha thứ cho hành động ngu xuẩn ấy, đây chỉ là trò vớ vẩn, chứ trong tâm hồn tôi… cũng không đến nỗi nào… Mà thôi, nói đi, ở đấy ra sao? Nàng nói gì? Đè bẹp tôi đi, hạ thủ tôi đi, đừng tiếc thương! Nàng điên tiết lên phải không?"
- Không, không phải thế… Hoàn toàn không phải thế, anh Mitia ạ. Ở đấy… vừa rồi tôi gặp cả hai người.
- Hai người nào?
Grusenka ở nhà Ekaterina Ivanovna.
Dmitri Fedorovich sững người:
- Không có lẽ! - Chàng kêu lên. - Chú mê sảng! Grusenka đến nhà nàng?
Aliosa kể lại tất cả mọi chuyện xảy ra từ lúc anh vào nhà Ekaterina Ivanovna. Anh kể chừng mười phút, không thể nói là trơn tru mạch lạc, nhưng anh tường thuật xem ra là rõ ràng, nắm được những lời cốt yếu nhất, những cử chỉ chính yếu và tả lại một cách sinh động, thường chỉ bằng một nét, cảm tưởng của anh. Anh Dmitri im lặng nghe, nhìn chằm chằm với vẻ đờ đẫn đến đáng sợ, nhưng Aliosa thấy rõ rằng anh mình hiểu hết, nắm được toàn bộ sự việc. Nhưng càng kể tiếp câu chuyện, mặt chàng chẳng những càng rầu rĩ, mà dường như trở nên dữ tợn. Chàng chau mày, nghiến răng, cái nhìn đờ dẫn càng đờ đẫn hơn, dai dẳng hơn, đáng sợ hơn… Rồi thật là bất ngờ, toàn bộ vẻ mặt Dmitri đang giận dữ và hung tợn bỗng thay đổi nhanh chóng không thể nào hiểu nổi, đôi môi mím chặt dằn ra, Dmitri Fedorovich bỗng phá lên cười sằng sặc, cười thực bụng. Đúng là cười sằng sặc, thậm chí mãi chưa nói được.
- Thế là nó không hôn tay! Thế là nó không hôn và bỏ ra về! - Chàng reo lên trong cơn hoan hỉ trâng tráo, nếu như nó không tự nhiên đến như thế. - Còn Ekaterina gào lên bảo nó là con hổ cái à! Đúng là con hổ cái! Đáng đưa nó lên thớt chém mà? Đúng, đúng, đáng phải như thế, chính tôi cũng cho là như thế, cần phải như thế từ lâu rồi! Này chú ạ, thớt chém thì thớt chém nhưng phải lấy lại sức khoẻ đã. Tôi hiểu bà chúa của sự trâng tráo ấy, tất cả bản chất của nó bộc lộ ở bàn tay ấy, con yêu quái đó! Đó là bà chúa của mọi ả yêu quái có thể tưởng tượng ra trên đời này! Khoái quá đi! Thế là nó bỏ về à? Bây giờ tôi… chà… tôi sẽ chạy đến nó! Aliosa, đừng kết tội tôi, tôi đồng ý rằng bóp cổ nó chết còn là nhẹ…
- Nhưng còn Ekaterina Ivanovna! - Aliosa buồn rầu kêu lên.
- Nàng thì tôi cũng hiểu, tôi nhìn thấy tâm can nàng, và nhìn rõ hơn bao giờ hết. Đây là một khám phá của cả bốn nước trên thế giới. Ồ không, năm nước chứ!(1) Dám đi một nước cờ như thế! Đấy đích thị là cô Katenka sinh viên dám đến gặp gá sĩ quan thô lỗ ngông cuồng với mục đích cao quý là cứu cha mình, bất chấp nguy cơ có thể bị làm nhục ghê gớm! Vẫn là những thói kiêu hãnh ấy, vẫn là nhu cầu mạo hiểm ấy, vẫn là sự thách thức số phận, sự thách thức đẩy tới giới hạn tột cùng! Chú bảo là bà cô nàng đã can ngăn phải không? Chú nên biết đấy là bà cô độc đoán nhất đấy là em ruột của bà quan ở Moskva, bà ta còn kiêu kỳ hơn cả cháu, nhưng chồng bà ta biển thủ công quỹ bị vỡ lở, mất hết tài sản và mọi thứ khác, thế là bà vợ kiêu ngạo phải xuống nước, từ đó hết vênh vang. Bà ta đã can ngăn Katia mà cô nàng không nghe. "Ta có thể không được hết, tất cả đều tuỳ thuộc ở ta, nếu ta muốn ta sẽ bùa chài được cả Grusenka nữa". - Nàng tin chắc ở bản thân mình, đánh giá quá cao khả năng của mình, vậy thì lỗi tại ai? Chú tưởng nàng cố ý hôn tay Grusenka trước là có tính toán ranh mãnh hả? Không, thực bụng đấy, nàng thực bụng mê say Grusenka, nghĩa là không phải mê say Grusenka, mà là mê say niềm mơ ước của nàng, cơn mê sảng của nàng, vì mơ ước ấy, cơn mê sảng ấy chính là nàng! Aliosa yêu quý, chú làm thế nào thoát khỏi tay những cô nàng như thế? Chú vén áo thụng lên mà chạy phải không? Ha - ha - ha!
- Anh ơi, hình như anh không để ý đến việc anh đã xúc phạm chị Ekaterina Ivanovna vì đã kể cho Grusenka câu chuyện xảy ra hôm ấy, Grusenka nói đốp vào mặt chị ấy: "Cô lén đến bán sắc đẹp của mình cho bọn ăn chơi". Anh ơi, còn gì xúc phạm hơn thế nữa? - Aliosa khổ tâm nhất vì ý nghĩ rằng anh mình dường như vui sướng về việc Ekaterina Ivanovna bị sỉ nhục, mặc dù cố nhiên không thể có chuyện như vậy.
- Chết nỗi! - Dmitri Fedorovich bỗng cau có và đập tay vào trán. Mãi đến bây giờ chàng mới sực nhớ ra, tuy vừa rồi Aliosa đã kể hết, cả sự xúc phạm, cả tiếng kêu của Ekaterina Ivanovna: "Anh chú là thằng đểu cáng". - Ồ, quả có vậy, có lẽ tôi đã kể với Grusenka về "cái ngày ác hại ấy", như Katia đã nói. Phải, đúng thế, tôi đã kể, tôi nhớ ra rồi! Đấy là ở Mokroe lần ấy tôi say, bọn gái Zigan hát xướng… Nhưng tôi khóc nức nở, tôi khóc nức nở, quỳ gối cầu khấn trước ảnh Chúa, và Grusenka hiểu điều đó. Lúc ấy nó hiểu hết, tôi nhớ, chính nó cũng khóc… A, đồ quỷ! Nhưng bây giờ có thể khác được không? Lúc ấy nó khóc, mà bây giờ… Bây giờ nó "thọc mũi dao vào tim!". Đàn bà là thế đấy.
Chàng cúi đầu nghĩ ngợi.
- Đúng tôi là thằng đểu cáng! Hiển nhiên là thằng đểu - Chàng bỗng thốt lên bằng giọng ảo não. - Đằng nào cũng thế thôi khóc hay không thì vẫn cứ là thằng đểu! Chú hãy nói lại với nàng rằng tôi xin chịu cái tiếng ấy, nếu điều đó có thể an ủi nàng. Thôi đủ rồi, vĩnh biệt chú, lắm lời làm gì! Chẳng vui vẻ gì. Chú đi đường chú, tôi đi đường tôi. Tôi không muốn gặp chú nữa trước phút chót. Vĩnh biệt Alecxei! - Chàng xiết chặt tay Aliosa và vẫn cúi gằm xuống, không ngẩng đầu lên, tuồng như chạy trốn, rảo bước đi về phía thành phố. Aliosa nhìn theo anh, không tin rằng anh mình cứ thế đi hẳn.
- Khoan đã, Alecxei, còn một điều này nữa, mà chỉ thú nhận với chú thôi đấy! - Dmitri Fedorovich đột nhiên quay lại. - Hãy nhìn tôi, nhìn cho kỹ vào: chú thấy đấy, ở đây, chỗ này này, một sự ô nhục ghê gớm đang được chuẩn bị. (Khi nói mấy tiếng "chỗ này này", Dmitri Fedorovich đấm vào ngực mình với bộ dạng kỳ lạ như thể sự ô nhục được giữ chính trong ngực chàng, ở chỗ nào đó, có lẽ trong túi, hay trong cái túi khâu đeo ở cổ). Chú biết tôi đó: tôi là thằng đê tiện, thằng đê tiện có hạng! Nhưng chú nên biết rằng cho dù trước kia, bây giờ hay sau này, tôi có làm gì đi nữa thì cũng không cái gì có thể sánh với cái điều ô nhục mà giờ đây, lúc này tôi đang mang trên ngực tôi đây, chỗ này, chỗ này, cái đó nó đang hoạt động, đang diễn ra, tôi hoàn toàn có quyền chặn nó lại, tôi có thể chặn nó lại hay thực hiện nó, chú nên biết như vậy! Chú nên biết rằng tôi sẽ làm việc đó, chứ không dẹp nó đi. Ban nãy tôi đã kể hết với chú, nhưng chuyện này thì tôi không thể, bởi vì ngay cả tôi cũng chưa đủ trơ đến thế! Tôi vẫn còn có thể dừng lại; nếu dừng lại thì ngày mai tôi còn có thể cứu vãn được một nửa danh dự, nhưng tôi sẽ không dừng lại, tôi sẽ thực hiện một mưu đồ đê mạt, chú sẽ là người làm chứng rằng tôi đã nói trước, đã biết trước! Cái chết và bóng tối! Không cần giải thích, đến lúc ấy chú sẽ biết. Cái ngõ hẻm hôi hám và ả yêu quái! Vĩnh biệt. Đừng cầu nguyện cho tôi, tôi không xứng đáng, với lại cũng chẳng cần, hoàn toàn không cần, tôi hoàn toàn không cần! Xê ra!…
Dmitri đột nhiên bỏ đi, lần này thì đi hẳn, Aliosa đi về tu viện. "Sao ta lại không bao giờ thấy mặt anh ấy nữa là thế nào, anh ấy nói gì vậy nhi? - Aliosa ngơ ngác. - Ngày mai nhất định tìm gặp anh ấy, ta sẽ tìm bằng được, anh ấy nói cái gì kỳ quặc vậy!".
o O o
Aliosa đi vòng quanh tu viện và qua khoảng rừng thông vào thắng tu xá. Người ta mở cửa cho anh, tuy vào giờ này người ta không cho ai vào nữa. Tim anh run rẩy khi anh vào phòng trưởng lão: "Sao ta lại đi, tại sao Cha lại bảo ta: "hoàn tục"? Ở đây yên tĩnh, thánh thiện, còn ở ngoài thì rối loạn. Ở đây tối tăm mịt mù làm ta lập tức mất hướng và lạc đường…".
Trong phòng trưởng lão có anh tập tu Porfin và một thầy tu, Cha Paixi. Cha Paixi cứ mỗi giờ lại vào thăm nom sức khỏe Cha Zoxima. Aliosa lo sợ khi biết tình trạng của trưởng lão mỗi lúc một nguy kịch. Hôm nay ngay cả cuộc mạn đàm buổi tối với giáo hữu tông phải bỏ. Thông thường ngày nào cũng thế, buổi tối sau khi làm lễ, trước khi đi ngủ, các giáo hữu trong tu viện kéo đến phòng trưởng lão, mỗi người xưng tội với trưởng lão, công nhiên nói trước mọi người những tội lỗi của mình trong ngày hôm ấy, những mơ ước và ý nghĩ tội lỗi, những sự cám dỗ, cả những chuyện xích mích với nhau nếu có. Một số người quỳ gối xưng tội. Trưởng lão xá miễn, dàn hoà, răn bảo, bắt sám hối, ban phước rồi cho về. Những người chống đối chế độ trưởng lão đã kích chính lối "xưng tội" tập thể như thế, cho rằng nó bôi bác phép xưng tội vốn là một bí tích, nó là sự nhạo báng, tuy sự thực khác hẳn. Thậm chí người ta trình với đấng bề trên địa phận rằng lối xưng tội như thế chẳng những không đạt được mục đích tốt lành, mà thực ra còn cố ý đưa người ta vào tội lỗi và cám dỗ. Nhiều giáo hữu lấy làm khó chịu khi phải đến họp mặt ở phòng trưởng lão, nhưng buộc lòng phải đến vì mọi người đều làm như thế, và để khỏi mang tiếng là kiêu căng và rắp tâm nổi loạn. Nghe nói rằng một số giáo hữu trước khi đến xưng tội buổi tối, đã bàn định trước với nhau: "Tôi sẽ nói là ban sáng tôi cáu với anh, anh cứ nhận là đúng thế nhé". - Chỉ cốt để có cái mà nói cho xong chuyện. Aliosa biết rằng đôi khi có thế thật. Anh cũng biết rằng có những giáo hữu rất bất bình về cái lệ ngay cả thư từ của bà con gửi đến cho người trong tu viện cũng phải đưa lên trưởng lão bóc ra đọc trước đã. Tất nhiên với giả định là việc đó phải được thực hiện một cách tự do và chân tình, thực bụng, do phục tùng tự nguyện cốt để được khuyên bảo nhằm cứu rỗi linh hồn, nhưng thực ra nhiều khi cũng chẳng thành thật gì cho cam, mà trái lại còn gượng gạo và giả dối.
Nhưng những người nhiều tuổi và giàu kinh nghiệm nhất trong các giáo hữu cứ một mực cho rằng "với những người thành tâm vào đây tu hành thì sự vâng lời và công ích ấy chắc chắn sẽ đem lại sự cứu rỗi và vô cùng có lợi cho họ; trái lại người nào lấy thế làm khó chịu và ca thán thì có thể nói đấy không phải là bậc chân tu và họ vào tu viện chỉ hoài công, cõi tục mới là chỗ của họ. Chẳng riêng gì trong cõi tục, mà ngay cả trong đền thờ cũng không tránh được tội lỗi và ma quỷ, vì vậy không nên dung nong tội lỗi".
- Cha yếu lắm rồi, bây giờ lúc nào cũng thiêm thiếp. - Cha Paixi thì thầm với Aliosa sau khi đã ban phước cho anh. - Đánh thức Cha dậy rất khó. Nhưng cũng không nên đánh thức. Cha đã thức giấc chừng năm phút. Cha yêu cầu chuyển sự ban phước của Cha cho giáo hữu và bảo các giáo hữu cầu nguyện ban đêm cho Cha. Sáng mai Cha có ý định chịu lễ ban thánh thể lần nữa. Cha có nhắc đến con, Alecxei ạ. Cha hỏi con đã đi chưa, chúng ta trả lời rằng con hiện ở thành phố. "Ta đã ban phước cho nó, chỗ của nó là ở đấy, chứ hiện thời chưa phải ở đây". - Cha dạy như vậy đấy. Cha nhắc đến con với tấm lòng yêu thương, chăm sóc, con có hiểu tại sao con được như thế không? Nhưng tại sao Cha lại định rằng tạm thời con phải hoàn tục? Như vậy là Cha thấy được điều gì trong số phận của con! Alecxei, con nên hiểu rằng nếu con có hoàn tục thì là để thực hiện một nhiệm vụ mà trưởng lão giao phó cho con, chứ không phải là để đấu tranh với cuộc sống hư phù và thú vui trần thế…
Cha Paixi đi ra. Trưởng lão sắp từ trần. Aliosa không còn hồ nghi gì nữa. Cha còn có thể sống được một vài ngày nữa. Với tấm lòng nồng nhiệt. Alecxei quyết định dứt khoát rằng mặc dù anh đã hứa đến gặp bố, gặp mẹ con bà Khokhlakova, gặp anh Dmitri và Ekaterina Ivanovna, ngày mai anh sẽ không rời khỏi tu viện và sẽ ở bên trưởng lão cho đến khi Cha mệnh chung. Tim anh bừng lên niềm yêu thương. Anh tự trách mình trong thời gian vào thành phố đã có lúc quên đi người sắp qua đời ở trong tu viện, người mà anh sùng kính nhất đời. Anh vào phòng trưởng lão quỳ xuống và rạp đầu sát đất trước người đang ngủ.
Trưởng lão ngủ yên, không động cựa, thở đều và yếu ớt, hầu như khó nhận thấy. Mặt Cha điềm tĩnh.
Khi đến lại phòng bên kia, căn phòng mà ban sáng trưởng lão tiếp khách, Aliosa hầu như không thay quần áo, chỉ tháo ủng, nằm lên chiếc đi văng nhỏ bọc da hẹp và cứng mà lâu nay anh vẫn ngủ đêm tại đó, chỉ mang đến một chiếc gối. Đã lâu anh quên trải nệm (cái nệm mà bố đã bảo anh mang về nhà). Anh chỉ cởi áo thụng và đắp thay chăn. Nhưng trước khi ngủ, anh quỳ xuống cầu nguyện hồi lâu. Trong khi cầu nguyện nhiệt thành, anh không cầu xin Chúa giúp anh hiểu rõ nguồn cơn sự bối rối của mình, mà chỉ hết lòng cầu mong có được cảm giác thiết tha vui sướng bao giờ cũng đến với anh sau mỗi lần ngợi khen Chúa, tất cả bài nguyện của anh trước khi đi ngủ chỉ là ngợi khen Chúa.
Niềm vui sướng đến với anh đưa anh vào giấc ngủ nhẹ nhàng êm ả. Trong lúc cầu nguyện, tình cờ anh sờ thấy trong túi phong thư nhỏ màu hồng mà cô người hầu của Ekaterina Ivanovna đã đuổi theo anh và trao cho anh. Anh bối rối, nhung anh đọc hết bài nguyện. Rồi ngần ngừ một lát, anh mở phong thư. Bức thư ký tên Liza, cô con gái nhỏ tuổi nhất của bà Khokhlakova mà ban sáng đã chế nhạo anh trước mặt trưởng lão.
"Anh Alecxei Fedorovich, - cô gái viết, - em viết thư cho anh tuyệt không để ai biết, kể cả mẹ nữa, em biết như thế là không tốt. Nhưng em không thể sống được nếu không nói với anh những gì đã nảy sinh trong tim em, điều đó tạm thời không ai được biết ngoài hai chúng ta. Nhưng em làm thế nào nói được với anh điều em muốn nói? Người ta bảo giấy không biết đỏ mặt, em cam đoan với anh rằng nói thế là không đúng, giấy cũng biết đỏ mặt tưng bừng như em lúc này đây. Aliosa yêu dấu, em yêu anh, yêu từ tấm bé, từ hồi ở Moskva, khi anh hoàn toàn không như bây giờ, và yêu suốt đời. Em đã chọn anh trong trái tim em để hoà nhập hẳn với anh, rồi về già thì đôi ta cùng lìa bỏ cõi đời một lúc. Cố nhiên với điều kiện là anh rời bỏ tu viện. Còn về tuổi chúng ta thì chúng ta sẽ chờ cho đến tuổi luật định. Đến lúc ấy nhất định em sẽ hạnh phúc, em sẽ đi lại và khiêu vũ được. Điều ấy khỏi nói.
Anh thấy đấy, em đã nghĩ kỹ hết, duy có một điều em nghĩ không ra: anh sẽ nghĩ thế nào về em khi đọc lá thư này? Em lúc nào cũng cười cợt và nghịch ngợm, vừa rồi em chọc tức anh, nhưng em cam đoan với anh rằng lúc này, trước khi cầm bút, em cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ, ngay cả giờ đây em cũng đang cầu nguyện và gần như khóc, điều bí mật của em ở trong tay anh, ngày mai khi anh đến, em không biết làm sao em có thể nhìn mặt anh. Ôi chao, anh Alecxei Fedorovich, nếu như em lại không nén được và như một con ngốc, nhìn anh em lại phá lên cười như mới đây thì sẽ ra sao? Anh sẽ cho em là một con bé xấu bụng hay chế nhạo và sẽ không tin lá thư của em. Bởi thế em van anh, anh yêu dấu, nếu anh thông cảm với em thì ngày mai khi đến đây anh đừng nhìn thẳng vào mắt em, vì bắt gặp mắt anh có lẽ thế nào em cũng phá lên cười, nhất là anh sẽ mặc chiếc áo dài ấy… Ngay lúc này em cũng lạnh toát cả người khi nghĩ đến lúc ấy, vậy lúc vào anh hãy đừng nhìn em vội, mà nhìn mẹ hay nhìn ra cửa sổ…
Thế là em đã viết cho anh một lá thư, trời ơi, em đã làm gì thế này! Anh Aliosa, xin đừng khinh em, còn nếu em đã làm điều gì rất xấu khiến anh phiền lòng thì hãy thứ lỗi cho em. Bây giờ thanh danh em đã vĩnh viễn tiêu ma, điều bí mật ấy nằm trong tay anh.
Hôm nay thế nào em cũng sẽ khóc. Tạm biệt, chờ đến cuộc gặp gỡ khủng khiếp. Liza.
P.S. Anh Aliosa, thế nào anh cũng đến nhé, nhất định đến nhé!
Liza!".
Aliosa đọc thư mà ngạc nhiên, anh đọc hai lần, nghĩ ngợi và bỗng cười khe khẽ, thích thú. Anh giật mình, cảm thấy cười như thế là tội lỗi.
Nhưng lát sau anh lại cười, tiếng cười vẫn khe khẽ và hạnh phúc như thế. Anh chậm rãi cho thư vào phong bì, làm dấu thánh và đi nằm. Tâm hồn anh bỗng trở lại thư thái. "Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho tất cả bọn họ. Chúa che chở cho những con người bất hạnh và cuồng loạn, xin Chúa dắt dẫn họ". Chúa cứu vớt họ đi lên con đường của Chúa. Chúa là tình yêu. Chúa sẽ ban niềm vui cho mọi người!" - Aliosa lầm bầm, làm dấu thánh và thiếp đi trong giấc ngủ yên lành.
Chú thích
(1) Mitia định nói là "năm châu" (N.D)
Anh em nhà Karamazov Anh em nhà Karamazov - Dostoevsky Anh em nhà Karamazov