Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Máy Tính CMI - Giải Tê
S
au khi tốt nghiệp đại học, Trần Mân được điều về làm trợ lý ở Ban Tuyên huấn Sư đoàn. Anh học chuyên ngành máy tính điện tử, chẳng am hiểu gì về tuyên truyền giáo dục, nên càng không hào hứng với công việc. Anh đã mấy lần đề nghị lãnh đạo giúp đỡ điều chỉnh công tác cho hợp ngành nghề. Họp tổ đảng, trưởng ban phê bình anh thẳng thừng và chỉ trích: Việc lớn không làm được, việc nhỏ chẳng buồn làm, đó là một nhược điểm lớn của cán bộ trẻ làm việc ở cơ quan mấy năm qua. Trưởng ban còn nêu ví dụ: chủ nhiệm Viên của văn phòng Sinh đẻ có kế hoạch thuộc Cục Chính trị quân đoàn hiện nay vốn từng là sinh viên tốt nghiệp đại học thú y, cũng đã từng làm việc ở Ban Tuyên huấn ta, đã nâng cao trình độ tư tưởng và khả năng viết lách, hiện nay làm việc rất tốt, liên tiếp mấy năm giữ vững cờ đỏ là đơn vị tiên tiến sinh đẻ có kế hoạch.
Trước ông trưởng ban hùng biện, Trần Mân không thể không kiểm thảo khuyết điểm là đã không yên tâm công tác.
Trần Mân gặp vận may. Một hôm tổ công tác của cơ quan cấp trên xuống cơ sở thấy con người có tài năng này bèn điều ngay về văn phòng đảng ủy cơ quan cấp trên. Ở đó vừa được phân phối một cỗ máy tính nhập khẩu.
Cứ cho là đã được sủ dụng đúng chuyên môn. Song con người là một động vật hay buồn phiền, buồn phiền cũ mất đi là vì buồn phiền mới đã phát huy tác dụng. Máy tính của văn phòng đảng ủy là để in, đánh văn kiện, phỏng theo thể chữ đời Tống vừa to vừa đẹp. Công việc của đảng ủy là công việc đặc biệt chẳng cần tới vận dụng phát minh phần mềm, nên Trần Mân đành phải làm tạp dịch, thu phát quản lý công văn kiêm sử dụng máy tính in tài liệu. Tự thấy bản thân vẫn thất nghiệp, Trần Mân dùng thời gian rỗi vào việc vui chơi tinh thần mốt cao cấp, học tiếng Pháp trên ti-vi, học ghi-ta, tập viết các kiểu chữ, tìm bạn cờ trong cơ quan đấu cờ và trao đổi kỹ thuật đánh bài. Những cán bộ ưa thích vui chơi trong cơ quan ai cũng khen cái đầu của Trần Mân đúng là cái máy tính, học cái gì cũng nhanh.
Tổ trưởng đảng đã kịp thời gặp Trần Mân tâm sự, bảo anh hãy đề phòng việc lớn không làm được, việc nhỏ không muốn làm, yêu cầu anh đi sâu nghiên cứu văn kiện nội bộ của cơ quan để nhanh chóng nâng cao năng lực nghiệp vụ. Cuối cùng thân mật bảo:
— Cũng nên yêu đi thôi! Tiêu chuẩn cao một mét tám, khôi ngô trắng trẻo, lại có trình độ đại học, song cũng phải gấp đi, tuổi tác nó xồng xộc kéo đến lúc nào không biết đấy.
Trần Mân xúc động. Anh thấy các đồng chí trong văn phòng đảng ủy ai cũng miệt mài ngày đêm, viết bài diễn văn cho thủ trưởng rồi soạn thảo tài liệu, thường làm việc thâu đêm suốt sáng, công việc của thư ký riêng lại càng vất vả. Còn mình thì cứ nhênh nhang chơi bời, chẳng đâu vào đâu. Thế là anh bắt tay vào nghiên cứu các văn kiện nội bộ, làm theo yêu cầu của các bậc lão thành, tìm ra những cái có tính quy luật.
Lâu dần anh phát hiện trong cơ quan lớn này, công việc thường xuyên nhất, có khối lượng lớn nhất, tiêu hao nhiều sức lực nhất là soạn thảo các bài nói chuyện cho các đồng chí lãnh đạo. Thủ trưởng xưa nay thường xuyên phải đi nói chuyện. Công việc hàng ngày, đón đưa khách, mừng lễ tết, kỷ niệm ngày truyền thống, việc gì cũng phải có bài nói chuyện. Đặc biệt là các cuộc hội họp miên, các thủ trưởng thay nhau phát biểu ý kiến, nói cùng một nội dung phải làm sao không trùng nhau, lại phải cao kiến hơn, thật là hóc búa đối với các nhà chấp bút. Thảo nào cả cơ quan hàng mấy chục vị văn nhân cặm cụi viết suốt ngày cũng không xuể. Nghiên cứu sâu hơn, Trần Mân còn phát hiện phần lớn các bài nói chuyện đều có quy luật có thể nắm bắt. Mỗi công việc, mỗi đợt hoạt động, về nguyên tắc đều có nội dung đã được xác định, lời lẽ cũng không quá hai ngàn chữ thường dùng, trong đó, những từ có tần số cao nhất chủ yếu là: phải, ra sức, nằm vùng, đẩy mạnh, nên,... Ví dụ: thủ trưởng nói chuyện phần lớn đều nói đến nguyên tắc, khẩu khí phải là: phải thế nào, phải làm tốt việc này việc kia, phải chú ý những gì, phải nâng cao một bước lớn, tiến bộ lớn, phát triển lớn, tăng cường lớn, phải nắm hiệu quả, nắm sát sao, phải ra sức nắm, nắm một cách công phu, tập trung sức để nắm, vân vân và vân vân... Câu cú cũng có quy luật, câu phải ngắn gọn, khẩu ngữ hóa, đa số là câu bốn sáu, tốt nhất là có cùng vần điệu. Trần Mân còn thấy các nhân viên đánh máy của cơ quan và thợ sắp chữ ở phân xưởng in ấn bảo mật cũng hoặc nhiều hoặc ít phát hiện ra một số quy luật. Căn cứ vào các cụm từ thường thấy trong các bài diễn thuyết của các thủ trưởng, họ đã sắp đặt riêng các chữ chỉ để tiện sử dụng. Ví dụ: đảng ủy các cấp, chúng ta nhất định phải, thiết thực tăng cường, nâng cao hơn nữa, tóm lại, đại thể, theo tinh thần cấp trên, phổ biến và quán triệt, cải tiến công tác chính trị tư tưởng, cống hiến lớn hơn nữa, giành tiến bộ mới,... Đây chẳng qua là sự biên chế thứ tự nguyên thủy sơ đẳng nhất. Những phát hiện đó khiến Trần Mân bạo dạn thêm trong suy nghĩ. Anh bắt tay vào việc biên chế trình tự viết các cụm từ, bài diễn văn của thủ trưởng thích hợp với loại máy tính cỡ nhỏ có thể dùng để nhận xét và bố trí các công việc. Yêu cầu thiết kế phải là: trình tự đó có thể nhanh chóng cung cấp những tổ hợp ngôn ngữ có tính khái quát đối với thành tích nói chung của công việc nào đó và những vấn đề có thể tồn tại, có thể đưa ra những ngôn ngữ thường dùng của các yêu cầu có tính nguyên tắc đối với công việc sắp tới, có thể lắp ghép các bài diễn văn theo không quá mười hình thức kết cấu. Đầu tiên anh làm thử một hệ thống xoay quanh việc phòng tránh sự cố, anh sắp xếp một hệ thống trình tự, sau đó tự nêu lên một tình huống tương tự: Đơn vị X xảy ra một sự cố lớn. Thủ trưởng yêu cầu phải tổ chức cuộc họp bằng điện thoại để nói chuyện. Kết quả theo hệ thống trình tự này, máy tính đã cung cấp cho anh một nội dung như sau:
"... Gần đây, tình hình phòng chống sự cố của quân đội là tốt, song cũng đang tồn tại một số vấn đề đáng để cho đảng ủy các cấp và cơ quan chính trị coi trọng hơn nữa. Ví dụ: đơn vị X vừa qua để xảy ra sự cố nghiêm trọng làm chết Y người, bị thương Z người, tính chất vô cùng nặng nề, ảnh hưởng cực kỳ xấu. Nguyên nhân xảy ra sự cố có tính chất tổng hợp. Các bài học chủ yếu, một là đảng ủy chưa coi trọng công tác an toàn phòng tránh sự cố, hai là công tác chính trị tư tưởng ở cơ sở yếu kém, một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm chính trị, ba là chế độ nền nếp không quy củ, bốn là kỷ luật tác phong của bộ đội lỏng lẻo... Các đơn vị cần phải rút bài học kinh nghiệm này một cách cẩn thận, thiết thực tăng cường phòng tránh sự cố. Một là đảng ủy phải coi trọng, cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đều phải nắm... Hai là phải thiết thực tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý giáo dục của cán bộ. Bà là phải thật sự đưa đơn vị vào nền nếp chế độ... Bốn là phải tăng cường hơn nữa xây dựng kỷ luật tác phong cho bộ đội..."
Thành công rồi, lại qua xử lý kỹ thuật và tu sửa lời văn cho bóng bẩy chẳng phải là một bài diễn văn hết ý đó sao! Từ lúc đưa vào chỉ lệnh đến khi in ấn thành văn bản chưa đầy 15 phút.
Trần Mân sung sướng mấy ngày liền. Anh quyết định hãy giữ kín. Lúc này đưa ra sẽ bị chê cười là hoang đường. Ở cơ quan lớn này, có một loạt cây bút chuyên viết diễn văn cho thủ trưởng, qua mấy chục năm dùi mài đã trở nên lão luyện. Họ có uy tín cao trong cơ quan, có ảnh hưởng lớn đối với thủ trưởng. Họ là những người quyền cao chức trọng, được trọng vọng, một khi thấy có kẻ định dùng máy móc thay thế họ, thì hậu quả sẽ khôn lường. Có lẽ để khi nào thành công trọn vẹn, sự thật sẽ đủ để họ thông cảm.
Từ đấy Trần Mân không học ngoại ngữ nữa. Ghi-ta cũng tặng cho cô gái Cơ yếu hay hỏi những điều nghi vấn. Lọ mực, bút lông thì vứt vào sọt rác, quân cờ gửi cho em trai là công nhân. Lúc này Trần Mân mới cảm thấy những điều học ở trường đại học là ít ỏi chẳng được mấy. Anh bắt đầu đọc sách trở lại. Máy tính mà anh thiết kế lấy tên là CMI. CM là hai chữ đầu do phiên âm chữ la-tinh của họ và tên anh, con chữ I là trình tự số 1 của máy tính.
Thấm thoắt đã bước sang mùa hè năm thứ hai. Sau mười bốn tháng ròng rã thiết kế và làm thí nghiệm anh cảm thấy đã đạt yêu cầu. Trần Mân chính thức đề nghị lãnh đạo xem xét sử dụng. Kết quả làm cho các đồng chí lãnh đạo ôm bụng mà cười, gần như cười ra nước mắt:
— Này, chớ có viển vông đội đá vá trời. Hãy thực tế một chút anh bạn ơi! Cứ chân đạp đất mà làm. Nếu máy tính có thể soạn được diễn văn cho thủ trưởng thì còn cần bọn này làm quái gì!
Trần Mân cũng đâm ra nghĩ quẩn, ừ nhỉ, có máy tính thì còn cần họ làm gì? Mà có họ thì chẳng cần máy tính. Chính vì có họ mới cần đến máy tính. Nếu không có họ sáng tạo ra cái mô thức diễn văn: đặt vào đâu cũng đúng, đặt vào đâu cũng vô dụng thì máy tính sê tư duy và vận trù suy đoán theo logic nào? Tư duy của con người vốn không có loại máy tính nào có thể thay thế; ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy con người. Làm sao máy tính lại có thể thay con người để suy nghĩ và nói chuyện trước mọi hoạt động thực tiễn sinh động; trừ khi tư duy của con người công thức hóa, bát cổ hoa, mới có thể chế tạo ra hệ thống máy tính ngôn ngữ.
Vậy mà bây giờ, Trần Mân quả thật đã dùng máy tính thay thế cho những bài diễn văn sống động của con người — những bài diễn văn đúng cả mà vô dụng. Anh thấy 14 tháng công sức bỏ ra đã mất trắng. Anh đã dùng thủ đoạn khoa học nối tân để chế tạo ra sự ngu muội tinh tế nhất. Trần Mân lâm vào vòng luẩn quẩn kỳ quặc đáng sợ một cách đau khổ. Anh càng lầm lì ít nói, bỏ cả bữa liên hoan kỷ niệm ngày thành lập quân đội mồng một tháng tám. Anh cáo ốm, đau đầu, đi lỏng, tim đập mạnh, rối loạn thần kinh thực vật, chân trái bị teo, cổ bị sái nằm lên gối rất đau...
Dường như chỉ qua một giấc ngủ, ngày nghỉ lễ đã qua đi, Song người đi làm chỉ lèo tèo mấy vị. Cả tòa lầu văn phòng bề thế trống trải lặng lẽ đến phát sợ. Vì đã xảy ra một chuyện lớn.
Những người đi làm việc ai cũng bảo thằng ranh con Trần Mân biết dự đoán, đúng là một bí thư máy tính. Bữa liên hoan vừa rồi mỗi mâm hai chai rượu ngon đều là loại rượu dỏm, chẳng hiểu tên khốn kiếp nào đã lấy cồn công nghiệp pha vào rượu trắng để bán. Kết quả hóa nghiệm cho biết, hàm lượng chất mê-tê-ních (CH3OH) vượt quá tiêu chuẩn quy định của nhà nước trên 400 lần. Bữa ăn hôm ấy cứ 10 người dự tiệc thì có đến tám chín người ngộ độc, sau hơn 10 đến 13 tiếng đồng hồ mới lẫn lượt lên cơn. Được cái tửu lượng của mọi người chẳng mấy, lại cấp cứu kịp thời nên không ai việc gì, chỉ có vài người giảm thị lực.
Song vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ, tháng tám này có sáu đợt hoạt động lớn đều có thủ trưởng đến nói chuyện. Một hoạt động cần tư lệnh và chính ủy đọc diễn văn. Một hoạt động khác cần tư lệnh, tham mưu trưởng diễn thuyết. Một hoạt động nữa cần chính ủy, phó chính ủy và chủ nhiệm chính trị nói chuyện. Hoạt động lớn thứ tư cần có tham mưu trưởng, tham mưu phó huấn thị. Hoạt động lớn thứ năm cần có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm nói chuyện. Hoạt động lớn thứ sáu cần có tham mưu trưởng và chủ nhiệm diễn thuyết. Tất cả phải chuẩn bị 14 bài nói chuyện. Ngoài 6 bài phân công cho văn phòng Bộ Tư lệnh phải soạn ra, còn lại tám bài đều giao cho Cục Chính trị đảm nhận. Quan trọng nhất là bài diễn văn của tư lệnh và chính ủy phải do Văn phòng đảng ủy chuẩn bị. Song ngộ độc thức ăn lần này làm cho các cao thủ chuyên viết diễn văn cho thủ trưởng phải nằm bẹp hoàn toàn, khiến ông phụ trách Văn phòng đảng ủy cuống lên đến phát khóc. Bỗng sực nhớ tới Trần Mân đã từng đề nghị áp dụng phát minh gì đó, ông bèn đích thân đến buồng máy tính, thúc Trần Mân cho máy chạy thử.
Trần Mân sốt sắng làm suốt một ngày một đêm, tám bài diễn văn đã được chỉnh lý trình lên cấp trên. Hôm sau cả tám bài đều được phê chuẩn: cơ bản là được, chỉ cần bổ sung, sửa đổi vài chỗ và trau chuốt lời văn.
Quả thật đó là một kỳ tích. Thông thường với khối lượng công việc ấy, Cục Chính trị phải tập trung chủ lực làm từ mười ngày đến nửa tháng. Thế mà nay chỉ trùng trục một mình Trần Mân đã làm xong về cơ bản trong một ngày đêm. Lúc này đồng chí phụ trách văn phòng đảng ủy tay nâng tám bài diễn văn mà cười ra nước mất. Còn Trần Mân thì ngủ thiếp đi trên chiếc ghế salon tơ mềm trong văn phòng đảng ủy, miệng thì mỉm cười, ngáy sòng sọc.
Các cán bộ của cơ quan lần lượt ra viện. Văn phòng trở lại không khí bận rộn thường lệ. Ban ngày vào ra tấp nập, ban đêm đèn điện sáng choang, cách mạng càng thêm rầm rộ.
Cuối năm Trần Mân được tuyên dương công trạng hạng ba, được nhất trí công nhận là cán bộ trí thức rất có tiền đồ phát triển, lại trả về đơn vị cũ rèn luyện để sau này tiến bộ nhanh hơn. Còn cái máy tính CMI thì xếp xó chẳng ai nhòm ngó tới. Việc ngộ độc thức ăn lớn như vừa xảy ra trong cơ quan có thể khẳng định trăm năm chưa chắc đã có một lần. Họa chăng có xảy ra việc khẩn cấp tương tự thì lại tạm điều Trần Mân lên cũng không muộn, dù có phải dùng đến máy bay đi nữa.
Cục Chính trị lại khôi phục trạng thái bình thường. Ai được trọng vọng vẫn được trọng vọng, thần bí khôn lường vẫn thần bí khôn lường, coi như không có chuyện gì xảy ra cả.
VŨ CÔNG HOAN dịch
Từ Tạp chí Côn Lôn Trung Quốc số 1/1988