Số lần đọc/download: 2494 / 48
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Chương 22: Được Nhân Dân Lựa Chọn Làm Atatürk
C
on đường công danh của Sunay Zaim
trong quân đội và ở nhà hát hiện đại
Sau khi Ka nhận dạng được một trong những xác chết mà ông thấy ở nhà thương an sinh xã hội, người ta vội vã thảo ra một biên bản và ký tên vào. Ka và người đàn ông mũi khoằm quay trở lại chiếc xe tải quân sự lúc nãy và đi qua những đường phố vắng tanh treo áp phích bầu cử và chống nạn tự sát, mấy con chó nép vào vệ ĐưỜng và ngước mắt nhìn họ. Ka nhận thấy các cửa đã mở ra, trẻ con chơi đùa và các ông bố tò mò nhìn chiếc xe tải đi qua; song tâm trí ông đã lạc tận nơi đâu. Trước mắt ông luôn hiện ra khuôn mặt Necip và thân tình duỗi dài cứng đơ. Ông tưởng tượng ra cảnh về đến khách sạn và Ipek sẽ an ủi ông, nhưng sau khi chiếc xe tải đi qua quảng trường thành phố trống trơn, nó rẽ xuống phố Atatürk và dừng lại gần một ngôi nhà chín chục năm tuổi từ thời Nga, cách Nhà hát nhân dân hai dãy.
Đó là một ngôi nhà quý tộc một tầng đã từng làm Ka buồn rầu bởi vẻ đẹp và sự nhếch nhác của nó ngay khi ông đến Kars tối đầu tiên. Trong những năm đầu của nền cộng hòa sau khi người Thổ tái chiếm được thành phố, một doanh nhân nổi tiếng là Maruf Bey chuyên buôn bán gỗ và da với Liên Xô đã từng sống xa hoa ở đây giữa một đám đông đầu bếp, phục dịch, xe trượt tuyết và xe ngựa. Cuối Thế chiến thứ hai và trong những năm đầu của chiến tranh lạnh khi Bộ an ninh quốc gia bắt giam và đàn áp lớp người giàu có ở Kars chuyên buôn bán với Liên Xô bằng cách gán cho họ tội gián điệp, ông này cũng lặn mất tăm; và ngôi nhà sang trọng bị bỏ hoang ngót hai chục năm, vì không ai muốn dây vào nó và những kẻ thừa kế thì còn mải tranh cãi. Giữa thập kỷ bảy mươi, một nhóm Mác-xít bạo động chiếm ngôi nhà, biến nó thành trụ sở chính và ra kế hoạch hạ sát một loạt đối thủ chính trị ở đây (thị trưởng, luật sư Muzaffer Bey bị thương nhưng thoát chết); sau cú đảo chính quân sự 1980, ngôi nhà lại bị bỏ trống. Sau này, một người bán tủ lạnh và lò sưởi ranh mãnh đã thuê cửa hàng nhỏ ngay sát vách và biến tòa nhà này thành kho. Tiếp theo đó, một thợ may với những ý tưởng hoành tráng đem chỗ tiền ông ta dành dụm được ở Istanbul và các nước Ẳ Rập trở về cố hương và mở một xưởng may có trang bị máy vắt sổ công nghiệp.
Ngay khi bước chân vào đây, trong ánh sáng mềm mại phản chiếu từ giấy dán tường in hoa hồng màu da cam Ka đã thấy các máy đơm khuy, máy khâu cỡ lớn kiểu cổ và những chiếc kéo to tướng treo trên móc đinh trên tường trông giống các dụng cụ tra tấn kỳ quái.
Sunay Zaim vẫn mặc áo len và áo khoác cũ sờn như Ka lần đầu tiên thấy ông cách đây hai hôm, chân đi ủng quân sự và tay giữ điếu thuốc không đầu lọc. Ông đang đi đi lại lại trong phòng, khi thấy Ka mặt ông rạng rỡ lên như gặp lại một người bạn thân ngày xưa. Ông chạy ra ôm và hôn lên hai má. Trong cái hôn ẩn chứa điều gì đó giống như người đàn ông mặc đồ buôn gia súc muốn biểu đạt trong câu "Ân huệ đã đến với đất nước" ở khách sạn, nhưng sự thân thiện hơi cường điệu ấy cũng khiến Ka khó xử. Về sau ông cho rằng sự thân thiện đó sinh ra từ cuộc gặp gỡ giữa hai người Istanbul trong tình cảnh phức tạp ở một chốn xa xăm khốn khó như Kars, nhưng lúc đó thì ông cũng biết rằng chính Sunay Zaim cũng tạo nên một phần điều kiện khốn khó ấy.
"Cả con đại bàng hắc ám của sầu muộn trong tôi cũng tung cánh mỗi ngày." Sunay tự hào nói với giọng bí ẩn. "Nhưng tôi không quy phục nó. Và chính ông cũng nên đối kháng! Rồi tất cả sẽ ổn thôi!" Trong ánh sáng của tuyết hắt qua ô cửa sổ lớn vào căn phòng trần cao, trang trí đắp nổi ở góc và lò sưởi khổng lồ rõ ràng đã có thời huy hoàng hơn, Ka nhận ra đây là đại bản doanh của "cách mạng" qua sự hiện diện của những người đàn ông có máy bộ đàm trong tay, hai cận vệ lực lưỡng không rời mắt khỏi ông, bản đồ, vũ khí, máy chữ và các cặp tài liệu đặt trên bàn cạnh cửa ra hành lang, và Sunay là người có quyền lực lớn nhất nơi này.
"Ngày xưa, vào thời kỳ gian khó nhất của chúng tôi." Sunay nói tiếp, vẫn đi lại trong phòng, "khi chúng tôi nghe rằng ở các thị xã hẻo lánh, đói khổ, khốn cùng nhất ấy thậm chí không có lấy một phòng khách sạn để ngủ qua đêm, nói gì đến địa điểm để biểu diễn, khi tôi đi tìm một người bạn cũ xưa từng sống ở đây và thấy anh ta chuồn khỏi thành phố này từ lâu rồi; lúc đó trong tôi dần dần dâng lên một nỗi u buồn. Để thoát khỏi móng vuốt của nó, tôi chạy đi gõ cửa từng bác sĩ, luật sư, giáo viên, để tìm ra xem có ai ở thành phố này quan tâm đến những tin tức của nghệ thuật hiện đại mà chúng tôi là sứ giả của thế giới hiện đại mang tới hay không. Tìm đến địa chỉ duy nhất mà tôi kiếm được thì chẳng có ai ở đó cả. Lúc đó tôi ngộ ra rằng đằng nào cảnh sát cũng không cho phép chúng tôi biểu diễn, và ngay cả nhà chức trách cũng không chịu tiếp chuyện tôi, và tôi hoảng hốt nhận ra sự u tối đang dâng lên trong lòng. Rồi thì con đại bàng ngủ lim dim trong tim dần dần xòe cánh và bay lên để vồ tôi. Thường thì tôi diễn vở của mình ở trong một quán trà xập xệ nhất thế giới, và nếu không tìm thấy quán nào thì diễn trên bậc cao cạnh cửa vào bến xe buýt, khi ông giám đốc có tình ý gì đó với một trong những cô diễn viên trẻ của đoàn, hoặc trạm xe cứu hỏa, phòng học để trống ở trường tiểu học, quán ăn bẩn thỉu, trước cửa kính hiệu cắt tóc, cầu thang lên khu thương mại, chuồng trại hay vỉa hè, bất cứ chỗ nào cũng có thể làm sân khấu - nhưng tôi không quy phục sự sầu muộn."
Khi Funda Eser qua cửa hành lang vào phòng, Sunay đổi ngôi Tôi thành Chúng Tôi, nhưng giữa cặp này có một sự gần gũi đến nỗi Ka không thấy sự đổi ngôi ấy có ý nghĩa gì mấy. Mặc dù khá đậm người, Funda Eser đi nhanh nhẹn và duyên dáng. Bà bắt tay Ka, thì thầm gì đó với chồng, quay đi với dáng vô cùng vội vã và biến mất.
"Đó là những năm tệ hại nhất của chúng tôi", Sunay nói. "Tất cả các báo của lũ ngu xuẩn ở Istanbul và Ankara đều viết là chúng tôi không còn chỗ đứng trong xã hội. Vào hôm tôi nhận được cơ may lớn nhất trong đời, cơ may mà chỉ những kẻ may mắn và thiên tài được nhận, đúng lúc tôi bám được vào bánh xe lịch sử nhờ nghệ thuật của mình thì đất dưới chân tôi hẫng đi, và đột nhiên tôi rơi vào đống rác hèn hạ nhất. Tôi không nhụt chí, nhưng tôi vẫn phải chiến đấu với sầu muộn. Chưa bao giờ tôi để mất niềm tin rằng, nếu tôi nằm sâu hơn vào vũng bùn này, vào đống rác rưởi và sự hèn hạ này, giữa cảnh nghèo khó và ngu tối này, tôi sẽ tìm thấy viên ngọc quý của đời. Tại sao ông lại sợ?"
Từ hành lang một bác sĩ mặc áo choàng trắng xách túi trong tay hiện ra. Trong khi ông ta rút máy đo huyết áp trong túi ra với vẻ căng thẳng giả tạo và áp vào tay Sunay thì Sunay vẫn hướng ánh nhìn thống thiết vào luồng ánh sáng trắng từ cửa sổ hắt vào, khiến Ka nghĩ ông ta vẫn đang nhớ lại hồi đầu thập kỷ tám mươi "không còn chỗ đứng". Nhưng Ka thì nhớ rõ hơn các vai đã đem lại danh tiếng thực thụ cho Sunay hồi thập kỷ bảy mươi. Trong những năm hoàng kim của sân khấu chính trị phái tả, trong số nhiều đoàn kịch nhỏ thì Sunay Zaim không chỉ nổi bật bởi trình độ diễn xuất và chăm chỉ, mà còn nhờ năng khiếu lãnh tụ trời cho mà khán giả phát hiện ra qua một số vở có ông sắm vai chính.
Đám khán giả Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tung hô những vở mà ông đóng các nhân vật quyền lực trong lịch sử và lãnh tụ như Napoléon, Lenin, các nhà cách mạng Jacobin như Robespierre, hay Enver Paşa và các anh hùng dân tộc cùng kiểu. Học sinh trung học và các sinh viên "cấp tiến" nồng nhiệt vỗ tay và rưng rưng nước mắt nghe ông cất giọng sang sảng quyền uy nói về người dân bị đày đọa, nhìn ông tự hào ngẩng cao đầu sau khi bị kẻ đàn áp tát vào mặt và nói: "Hãy tin là sẽ có một ngày chúng tôi đòi tính sổ," cũng như khi ông (biết mình tất yếu sẽ phải vào tù) cắn răng chịu đựng mọi hành hạ và động viên các chiến hữu rằng khi cần, mặc cho trái tim rỉ máu họ cũng phải sử dụng bạo lực không thương tiếc để chiến đấu cho hạnh phúc của nhân dân mình. Trong quyết tâm trừng phạt kẻ ác ở cuối mỗi vở diễn sau khi chiếm được chính quyền, dường như có thể nhận ra ảnh hưởng thời kỳ ông được đào tạo trong quân ngũ. Ngày xưa ông ở trường thiếu sinh quân Kuleli và bị đuổi học vào năm cuối vì chèo thuyền trốn đi Istanbul, lang thang trong các nhà hát ở quận Beyoğlu và còn bí mật dựng vở Trước khi băng vỡ ở trường.
Sau vụ đảo chính quân sự năm 1980, các nhà hát phái tả bị cấm và nhà nước quyết định dựng một cuốn phim về Atatürk nhân dịp ngày sinh thứ một trăm của ông và chiếu trên truyền hình. Ngày xưa khó có ai tin nổi một diễn viên Thổ đóng được vị anh hùng cao lớn mắt xanh chủ trương theo phương Tây ấy; nói đến các bộ phim lớn trong nước là người ta nghĩ ngay đến những diễn viên lớn ngoài nước, Laurence Olivier, Kirt Jürgens hay Charlton Heston. Nhưng lần này tờ Tự do đã nắm lấy đề tài này và dễ dàng thuyết phục dư luận rằng "đã đến lúc" cũng có một người Thổ đóng được vai Atatürk. Ngoài ra, các độc giả có thể cắt tờ câu hỏi dự thi trong báo gìn đến tòa soạn để bầu chọn người đóng Atatürk. Ngay từ ngày trưng cầu dân ý đầu tiên đã thấy rõ, sau một giai đoạn tự đề cử dân chủ của các ứng viên do một hội đồng chọn trước, Sunay vượt trội rõ ràng. Khán giả Thổ nhận thấy ngay Sunay - đẹp trai, vương giả, đáng tin cậy và từ nhiều năm nay có kinh nghiệm sắm vai các nhân vật Jacobin - sẽ thể hiện được Atatürk.
Lỗi đầu tiên của Sunay là ông quá coi trọng việc mình được nhân dân bầu chọn. Ông liên tục lên màn ảnh ti vi và phát biểu với cộng đồng. Ông làm bộ ảnh về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với Funda Eser. Bằng cách công khai hóa chuyện nhà cửa, sinh hoạt thường nhật và quan điểm chính trị, Sunay định chứng tỏ mình xứng đáng với Atatürk và cũng giống ông trong một số sở thích và đặc tính (uống Raki, khiêu vũ, ăn mặc lịch sự, xử thế bặt thiệp). Ông chụp ảnh cạnh bộ "Diễn từ" của Atatürk để chứng tỏ ông hay đọc đi đọc lại các bài diễn thuyết đó. (Khi một phóng viên soi mới châm chọc rằng Sunay không đọc bản chính "Diễn từ" mà đọc bản tóm tắt với ngôn ngữ hiện đại hóa, Sunay liền chụp ảnh với các bản chính trên giá sách của ông, tiếc là những bức hình ấy cố gắng đến mấy cũng không được tờ báo nọ in lên.) Ông đến dự các buổi khai trương triển lãm, hòa nhạc và những trận đá bóng quan trọng, phát biểu về "Atatürk và hội họa, Atatürk và âm nhạc","Atatürk và thể thao Thổ Nhĩ Kỳ" trước các nhà báo tầm tầm, bạ thấy mặt ai cũng hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.Với mong muốn chiếm cảm tình của tất cả mọi người - hoàn toàn không hợp với lập trường Jacobin của mình - Sunay còn trả lời phỏng vấn của các báo kỳ thị phương Tây và theo "Chủ nghĩa toàn thống". Trong một lần phỏng vấn, khi nghe một câu hỏi thực ra không hẳn mang tính khiêu khích, ông trả lời: "Nhất định một ngày nào đó, nếu nhân dân thấy tôi xứng đáng, tôi sẽ đóng vai nhà tiên tri Muhammad." Phát biểu bất cẩn này đã châm ngòi cho một loạt phiền phức của ông.
Trong các tạp chí nho nhỏ của Hồi giáo chính trị người ta viết là không một ai - xin Thượng đế tha tội! - được phép đóng vai Đấng tiên tri của chúng ta cả. Niềm căm phẫn ấy thoạt tiên trình bày trên các cột báo ở dạng "không kính trọng Nhà tiên tri của chúng ta",đã nhanh chóng trở thành "báng bổ Nhà tiên tri".
Khi giới quân sự cũng không bịt mồm nổi các tín đồ Hồi giáo chính trị, đến lượt Sunay phải ra tay dập lửa. Với hy vọng xoa dịu tình hình và cuốn kinh Koran trong tay, Sunay giải thích cho giới độc giả bảo thủ rằng ông rất yêu mến nhà tiên tri Muhammad, và thực ra Người rất tân tiến. Các nhà báo theo tư tưởng Atatürk vốn khó chịu với hành vi của Sunay, người "được nhân dân lựa chọn làm Atatürk" chỉ đợi dịp này: họ phản biện rằng Atatürk không bao giờ uốn lưỡi cho vừa lòng đám toàn thống và cuồng tín. Hình ảnh Sunay siêu thoát với cuốn Koran trong tay được in đi in lại trên mặt báo chí ngả về phe đảo chính, đi kèm câu hỏi: "Atatürk sẽ thế này chăng?" Đối lại, báo chí Hồi giáo chính trị chuyển sangphản công, ít vì bảo vệ Sunay hơn là bảo vệ chính mình. Họ in ảnh Sunay đang uống Raki và chú thích bên dưới: "Hắn thích uống Raki, cũng như Atatürk!" hoặc "Kẻ này mà đòi đóng vai Nhà tiên tri?". Cứ thế, Sunay là ngòi nổ cho cuộc cãi vã vài tháng một lần bùng ra trên mặt báo Istanbul giữa phe Hồi giáo chính trị và phe thế tục.
Trong vòng một tuần, ảnh Sunay liên tục xuất hiện trên báo: hình ông khoan khoái uống bia trong một đoạn quảng cáo cách đây mấy năm, hình ông bị ăn đòn trong khi đóng phim thời trẻ hình ông giơ tay thành nắm đấm trước lá cờ búa liềm, hình ông đứng nhìn vợ hôn các diễn viên khác khi đóng phim... Các tin đồn chiếm hết trang báo: vợ ông là người đồng tính, ông vẫn theo cộng sản. Funda Eser lồng tiếng cho phim con heo phi pháp, Sunay có tiền thì chịu làm bất cứ chuyện gì, họ đã chả diễn các vở của Brecht vì được Đông Đức trả tiền đấy sao, họ còn nói với "Các bà ở một hiệp hội Thụy Điển rằng Thổ Nhĩ Kỳ có món ruột là tra tấn", cùng nhiều chuyện khác nữa. Hồi ấy "một sĩ quan cao cấp" gọi Sunay đến bộ chỉ huy và thông báo ngắn gọn rằng bên quân sự quyết định ông phải rút đơn ứng cử đóng Atatürk. Đây không phải sĩ quan nhân hậu và đồng cảm chuyên mời một số phóng viên Istanbul đến Ankara, những người phi thực tế tự coi mình quan trọng và bóng gió chỉ trích phe quân sự can thiệp vào chính trị để trước tiên hăm dọa họ một cách tàn bạo rồi thấy họ khóc lóc vì sợ thì cho ăn sô-cô-la. Viên sĩ quan này cũng làm cùng "Phòng quan hệ công chúng" nhưng là người có tính mỉa mai và vô cùng nghiệt ngã. Ông ta không nhượng bộ khi thấy Sunay buồn và sợ, ngược lạiông ta chế giễu các phát ngôn chính trị và hành vi của người được chọn làm Atatürk". Hai hôm trước đó Sunay vừa mới về thăm thành phố nhỏ nơi ông chào đời, đã diễn vai "chính trị gia của nhân dân" rất ghê, ông được cả đoàn ôtô cùng hàng nghìn người thất nghiệp và nông dân trồng thuốc lá đồng thanh chào đón. Sunay leo lên tượng đài Atatürk ở quảng trường thành phố và bắt tay Atatürk trong tiếng tung hô của quần chúng. Trong cơn kích động ấy, ông được một tạp chí Istanbul quen biết hỏi: "Liệu ông sẽ có ngày chuyển từ sân khấu sang chính trường không?"Và trả lời: "Nếu nhân dân muốn thế." Hiện tại theo bố cáo của văn phòng thủ tướng bộ phần về Atatürk bị hoãn "vô thời hạn".
Sunay đủ hiểu đời để tiêu hóa thất bại này mà không bị tổn thương nhiều. Song những gì xảy ra sau đó còn tệ hại hơn: trong vòng một tháng ông lên ti vi quá nhiều để giành vai Atatürk đến nỗi không được giao việc lồng tiếng nào nữa, vì ai cũng nhận ra giọng nói quá quen thuộc của Atatürk. Cả những người làm phim quảng cáo vốn hay dùng ông đóng vai người chủ gia đình thông thái biết lựa ra những sản phẩm tốt và đáng tin cậy, nay cũng lảng tránh ông vì không muốn đưa lên hình ảnh một Atatürk thất sủng tay cầm thùng sơn để sơn tường hoặc kể lể hài lòng với nhà băng của mình ra sao. Và cái tệ hại nhất là người dân lại đi tin tưởng sắt đá vào mọi thứ in trên báo, cho rằng Sunaynay là kẻ thù của Atatürk cũng như tôn giáo. Một số thậm chí còn tin rằng ông im mồm chấp nhận vợ mình đi hôn hít đàn ông khác. Gì thì gì, ý kiến chung là ở đâu có khói ắt phải có lửa! Vì những diễn biến đó, lượng khách xem các buổi diễn của ông giảm đi. Liên tục có người chặn ông ngoài đường và nói: "Nhục mà chết đi!" Một thằng bé ở trường tôn giáo, tin rằng Sunay phỉ báng Nhà tiên tri, đồng thời cũng muốn đưa mặt mình lên báo, lao vào nhà hát trong một tối biểu diễn, rút dao và nhổ vào mặt mấy người liền. Mọi chuyện xảy ra trong vòng có năm ngày. Vợ chồng Sunay lặn thẳng.
Tiếp đó là hàng loạt tin đồn rằng họ đã sang Berlin mượn cớ tu nghiệp ở nhà hát Berliner Ensemble của Brecht để đi học lớp tập huấn khủng bố, hoặc họ được tài trợ của Bộ văn hóa Pháp để vào điều trị tâm thần tại nhà thương điên Hòa Bình của Pháp tại quận Şişli của Istanbul. Thật ra họ lui về ở nhà của mẹ Funda Eser, một họa sĩ sống ở vùng Hắc Hải. Mãi một năm sau họ mới được nhận làm hoạt náo viên trong một khách sạn tầm thường ở Antalya. Sáng sáng họ chơi bóng chuyền với khách du lịch Đức và Hà Lan ngoài bờ biển, chiều đến họ hóa trang thành Karagöz và Hacivat nói ngọng nghịu tiếng Đức để mua vui cho trẻ con, còn buổi tối thì lên sân khấu trong vai Sultan Thổ Nhĩ Kỳ và nàng sủng phi múa bụng. Đó cũng là khởi đầu sự nghiệp múa bụng của Funda Eser mà mười năm sau bà còn tiếp tục ở các thị tứ nhỏ khác. Sunay chịu đựng trò hề này được ba tháng cho đến khi ông giã nhừ tủ một tay thợ uốn tóc người Thụy Điển trước cặp mắt kinh hoàng của các du khách chỉ vì hắn muốn tiếp diễn mấy chuyện tiếu lâm về hậu cung và mũ chóp Thổ, và ngoài bãi biển sáng hôm sau lại còn tán tỉnh Funda Eser nữa. Nghe nói là sau đó họ làm việc dẫn trò, vũ công và "cố vấn sân khấu" tại các nhà văn hóa cũng như trong các đám cưới ở Antalya và lân cận.
Sunay xướng tên các ca sĩ mạt hạng miệt mài nhái theo những thần tượng Istanbul, nghệ sĩ ảo thuật nuốt lửa và các diễn viên tấu hài hạng bét, đồng thời cũng chen vào những màn thuyết trình ngắn về tập quán hôn nhân, Atatürk và nền cộng hòa trước khi Funda Eser diễn màn múa bụng. Cuối cùng, họ diễn một tiểu phẩm nghiêm túc kéo dài chừng mười phút, ví dụ như một cảnh trích vở Macbeth khi bàn kế hoạch giết vua, được khán giả hoan nghênh. Trong các buổi tối ấy đã hình thành xương sống của đoàn kịch sau này lưu diễn khắp Anatolia.
Sau khi đo xong huyết áp và truyền mệnh lệnh gì đó qua máy bộ đàm, Sunay đọc một mẩu giấy được trình lên và nhăn mặt đầy kinh tởm. "Tất cả chỉ điểm nhau," ông nói. Trong chuyến lưu diễn kéo dài cả năm trời qua các địa phương heo hút của Anatolia ông đã thấy đàn ông nước này tê liệt vì sầu muộn. "Ngày này qua ngày khác họ ngồi trong quán trà và không làm gì cả," ông giải thích. "Thành phố nhỏ nào cũng có hàng trăm kẻ như vậy. Cả nước Thổ có hàng trăm nghìn, hàng triệu người thất nghiệp, bất tài, vô dụng và tê liệt. Bọn này không có cớ gì để chú ý đến bề ngoài, không đủ ý chí mà cài khuy chiếc áo khoác bóng mỡ và lấm lem của chúng, không có năng lượng để động đậy chân tay, không có sức tập trung nghe một câu chuyện cho đến hết, và không có đầu óc để cười khi nghe thuyền tiếu lâm."Ông cho rằng nhiều người bất hạnh đến nỗi không ngủ được, họ hút thuốc vì thuốc lá sẽ giết họ, họ hiểu sự vô nghĩa của câu nói vừa bắt đầu nên thà bỏ lửng còn hơn, họ không xem ti vi vì thích chương trình đó và để giải trí mà vì không chịu nổi các lý do khác khiến họ u sầu, thực ra họ muốn chết quách đi nhưng không thấy mình đủ giá trị để tự sát, họ bỏ phiếu cho những ứng viên khốn nạn nhất của những đảng mạt hạng nhất để chúng sẽ trừng phạt họ một cách xứng đáng, và thích bọn đảo chính luôn mồm nói về trừng phạt hơn các chính khách đem lại hy vọng. Funda Eser vào phòng và nói thêm là tất cả bọn họ ở nhà đều có người vợ bất hạnh chăm sóc đàn con đông như lợn và đi quét dọn, chế biến thuốc lá, đan thảm ở những nơi mà chồng họ chẳng hề biết, hoặc làm y tá để kiếm chút tiền. Giả sử không có những người vợ ấy, những người bị cột chặt vào cuộc đời để suốt ngày chửi mắng con cái và khóc lóc, thì hàng triệu thằng đàn ông râu ria không cạo, mặc sơ mi bẩn thỉu, không biết niềm vui, nghề nghiệp hay công việc là gì, đứa nào cũng giống đứa nào ở đất Anatolia này sẽ kết thúc như lũ ăn mày chết cóng ở góc phố trong đêm băng tuyết, hay như bọn nát rượu chui ra từ quán rượu và ngã xuống cống lộ thiên không bao giờ nổi lên, hoặc như các ông cụ lẩm cẩm mặc áo ngủ và giày trong nhà ra hiệu tạp hóa mua bánh mì rồi không biết đường về.Như ta thấy "Ở thành phố Kars đáng thương này", bọn chúng quá đông; và niềm vui duy nhất của chúng là hành hạ vợ, thay vì biết ơn họ đã nuôi sống mình, những người vợ mà chúng bám vào với một tình yêu khiến chúng thấy xấu hổ.
"Ở Anatolia tôi đã hiến dâng mười năm của đời mình để những người anh em bất hạnh ấy rời bỏ được u sầu và phiền muộn," Sunay nói, hoàn toàn không hề có ý định gây lòng thương hại với chính mình. "Luôn luôn chúng tôi bị gọi là cộng sản, gián điệp của phương Tây, đồi trụy, tà giáo, đĩ điếm, ma cô, bị bắt giam, tra tấn và đánh đập. Họ đã định hãm hiếp chúng tôi, đã lấy đá ném chúng tôi. Nhưng họ cũng học được cách yêu hạnh phúc và tự do mà những vở kịch và đoàn kịch của tôi đem đến cho họ. Nay tôi không thể bỏ giữa chừng khi đang có cơ hội lớn nhất trong đời!"
Hai người đàn ông vào phòng, một người đưa Sunay máy bộ đàm. Qua tiếng từ đầu kia vọng đến Ka được biết một nhà ổ chuột trong quận Cổng Nước đang bị bao vây, từ trong nhà có đạn bắnra và ở đó có một chiến binh Kurd cùng một gia đình. Trong máy có tiếng một quân nhân ra lệnh và được thưa là "chỉ huy". Một lát sau, vẫn người ấy thông báo cho Sunay một tin gì đó và hỏi ý kiến ông, giọng không như nói với một người lãnh đạo cách mạng, mà như với một đứa bạn cùng lớp.
Sunay nhận thấy Ka chăm chú lắng nghe. "Ở Kars có một đội lính. Trong những năm chiến tranh lạnh nhà nước tập trung lực lượng vũ trang ở Sarikamiş phòng quân Nga tấn công. Đội lính này may ra thì đủ sức giữ chân đợt tấn công đầu tiên của quân Nga một thời gian ngắn thôi. Hiện nay thủ yếu họ đóng ở đây để bảo vệ đường biên giới qua Armenia."
Sunay kể, ông cũng như Ka xuống chuyến xe buýt đến từ Erzurum, sau đó vào nhà hàng Đất Xanh và gặp Osman Nuri Tay Vẹo là một người bạn từ ngót ba chục năm nay. Ông này ở cùng lớp trong trường thiếu sinh quân Kuleli. Ngày ấy ông là người duy nhất ở Kuleli biết Pirandello là ai và các tác phẩm của Sartre có nội dung gì. "Ông ấy không bị đuổi học vì vô kỷ luật như tôi, nhưng cũng không trở thành một người lính nhiệt tình. Do vậy ông ấy không leo được lên đến bộ chỉ huy. Nghe phong thanh là ông ấy cũng chẳng thể làm tướng vì quá nhỏ người. Ông ấy đang cáu và buồn, nhưng theo tôi không vì lý do công việc, mà vì vợ ông ấy ôm con bỏ đi mất. Lại còn vì cô đơn, vô công rồi nghề và những lời ì xèo ở tỉnh lẻ, tuy tất nhiên chính ông ấy buôn chuyện nhiều nhất ông ấy là người đầu tiên ở ngay nhà hàng đã kể về những vụ giết mổ trộm, vay tín dụng của nhà băng nông nghiệp và các lớp học Koran. Ông ấy vui mừng khi gặp lại tôi và than phiền về sự cô đơn, nói như xin lỗi nhưng kỳ thực có chút khoe khoang là sáng mai phải dậy sớm vì đêm nay ông mang trách nhiệm chỉ huy ở Kars. Chỉ huy đội lính phải đi Ankara vì vợ ông ta bị suyễn, viên thượng tá đại diện cho ông ta thì bị gọi họp khẩn ở Sarikamiş và ông thống sứ đang ở Erzurum. Mọi quyền hạn nằm trong tay ông cả. Tuyết thì vẫn rơi, rõ ràng là đường lại bị tắc mấy ngày như các mùa đông khác. Tôi nhận ngay ra cơ hội của đời mình và gọi cho ông thêm một ly đúp Raki." Theo điều tra của viên thiếu tá do Ankara cử về sau sự kiện này, ban đầu thượng tá Osman Nuri Tay Vẹo (Sunay chỉ gọi là Tay Vẹo và Ka vừa nghe giọng ông ta trong máy bộ đàm) cho rằng ý tưởng hy hữu về đảo chính quân sự chỉ là chuyện tếu, nói ra bên bàn rượu Raki để giết thời gian một cách lý thú, thậm chí ông còn là người đầu tiên đùa rằng chỉ cần hai xe tăng là xong mọi chuyện. Sau đó Sunay nằng nặc thuyết phục và ông đã tham gia vụ này vì không muốn vấy bẩn danh dự một người đàn ông, cũng vì tin Ankara rốt cuộc sẽ hài lòng với hành động của họ, chứ không vì tâm trạng cá nhân cáu giận hay tham vọng được thua gì.(Theo báo cáo của viên thiếu tá, tiếc rằng "Tay Vẹo" vẫn vi phạm nguyên tắc ấy và triệt hạ ngôi nhà của một nha sĩ sùng Atatürk ở quận Cộng Hòa chỉ vì chuyện đàn bà.) Ngoài nửa đội lính tấn công các nhà ở và trường học, bốn xe tải và hai xe tăng T-1 hoạt động cực kỳ dè chừng vì khan hiếm phụ tùng, không còn đơn vị lính nào tham gia cách mạng nữa. Nếu không kể đến Z. Tay Sắt và đội đặc nhiệm của mình bị quy trách nhiệm gây ra "các vụ đổ máu không rõ căn nguyên" thì chủ yếu sự việc được hoàn tất bởi vài nhân viên chăm chỉ của cảnh sát và Bộ an ninh quốc gia, vốn là cơ quan luôn đề phòng một thời điểm bất thường từ nhiều năm nay và do vậy đã lập kho dữ liệu về toàn thành phố cũng như dùng một phần mười dân cư ở Kars làm mật vụ. Những nhân viên ấy rất sung sướng khi nghe thấy kế hoạch đảo chính đầu tiên và tin đồn trong thành phố là phe thế tục sẽ biểu tình tại Nhà hát nhân dân đến nỗi họ công khai gửi điện tín cho các đồng nghiệp đang đi nghỉ, gọi họ quay về ngay lập tức để khỏi bỏ lỡ vụ này.
Vào khoảng thời gian này, qua cuộc đàm thoại trên điện đài Ka nhận ra vụ đụng độ ở quận Cổng Nước đã tiến sang giai đoạn mới. Thoạt tiên trong máy vang lên ba tiếng súng, mấy giây sau người ta nghe tiếng vọng bị át đi trên bình nguyên phủ tuyết. Ka thấy tiếng súng được phóng đại trong máy bộ đàm hay hơn.
"Chớ tàn bạo quá!" Sunay nói vào máy bộ đàm. "Nhưng cũng phải cho chúng biết cách mạng và nhà nước có sức mạnh và không biết đùa."Ông tư lự lấy ngón cái và ngón trỏ bóp cằm, và Ka nhớ chính câu ấy đã được Sunay nói ra với cùng tư thế trong một vở kịch lịch sử hồi giữa thập kỷ bảy mươi. Hôm nay trông ông không còn đẹp như hồi ấy, nom mệt mỏi, ngơ ngác và nhợt nhạt. Ông cầm chiếc ống nhòm quân sự từ hồi 1940 trên bàn, quàng lên người chiếc áo khoác dày xơ xác đã theo ông từ mười năm nay đi khắp Anatolia, đội mũ lông lên và quàng tay lôi Ka ra ngoài. Trong một thoáng, khí lạnh làm Ka bất ngờ, ông cảm thấy, bên cạnh cái lạnh của Kars, thì những nguyện vọng và mơ ước chính trị và xúc cảm của con người mới nhỏ bé yếu ớt làm sao. Đồng thời ông nhận ra chân trái Sunay khập khiễng nhiều hơn ông tưởng. Trong khi đi trên vỉa hè phủ tuyết ông tràn ngập hạnh phúc vì đường phố trống trơn và họ là những người duy nhất đang đi trong thành phố này. Và đó không chỉ đơn thuần niềm vui sống và ước muốn tình yêu được đánh thức trong ông bởi thành phố đẹp đầy tuyết và những lâu đài cổ hoang vu: giờ đây Ka cũng tận hưởng cảm giác được ở gần quyền lực.
"Đây là góc đẹp nhất của Kars," Sunay nói. "Trong mười năm nay, đoàn kịch của tôi về đây lần này là lần thứ ba. Lần nào tôi cũng về khi trời sắp tối, đi dưới bóng hàng cây dương và trúc đào nghe tiếng quạ kêu, buồn rầu nhìn qua lâu đài, cây cầu và nhà tắm bốn trăm năm tuổi. Họ đứng trên cầu bắc qua con sông đóng băng. Sunay chỉ vào một trong những ngôi nhà ổ chuột nằm rải rác trên ngọn đồi phía trái đối diện. Phía dưới đó một chút và cao hơn mặt đường Ka thấy một chiếc xe tăng và gần đó là một xe tải quân sự.
"Chúng tôi thấy các anh rồi," Sunay gọi vào điện đài và nhìn qua ống nhòm. Một lát sau có tiếng nổ của hai phát súng: trước vang lên trong điện đài, sau vọng từ thung lũng bị sông vây quanh.Một lời chào gửi đến họ chăng? Hai lính gác đợi họ bên đường lên cầu. Họ quan sát khu nhà nghèo mọc lên từ một trăm năm nay trên nền đất của các lâu đài quý tộc Ottoman xưa bị súng đại bác của Nga phá hủy, công viên bên kia sông nơinhững nhà giàu ở Kars ngày xưa làm chốn tiêu khiển, và thành phố phía sau công viên.
"Hegel là người đầu tiên phát hiện ra lịch sử và sân khấu cùng tù một chất liệu mà ra," Sunay nói. "Ông ta đã chỉ ra rằng, lịch sử giao vai chính cho một số người nhất định, giống như sân khấu. Và giống như trên sân khấu nhà hát các diễn viên thử thách tài năng, những người dũng cảm cũng phơi mình trên sân khấu lịch sử..."
Những tiếng nổ làm rung chuyển thung lũng. Ka biết là súng máy trên xe tăng đã bắt đầu hoạt động. Cả pháo tăng cũng khai hỏa nhưng trượt. Sau đó là tiếng nổ của lựu đạn do lính ném.Tiếng một con chó sủa. Cửa túp lều ổ chuột mở, hai người tiến ra.Họ giơ hai tay lên. Đồng thời Ka thấy những lưỡi lửa liếm qua cửa kính vỡ. Những người vừa từ trong nhà ra nằm rạp xuống tuyết, một con chó đen tung tăng sủa và vẫy đuôi len vào giữa họ. Rồi Ka nhìn thấy phía sau có ai đó chạy và tiếng quân lính nổ súng.Người đàn ông ngã xuống, tất cả im lặng. Một lúc lâu sau mới có tiếng quát tháo, nhưng Sunay không thèm để tâm nữa.
Họ quay về xưởng may, hai vệ sĩ theo sau lưng. Vừa thấy bức tường lâu đài cổ dán giấy tuyệt đẹp, Ka nhận ra mình không cự lại nổi một bài thơ đang hiện ra trong đầu, và ông trốn vào một góc.
"Tự sát và quyền lực" là nhan đề bài thơ mà Ka không ngập ngừng dồn hết vào đó niềm vui quyền lực mà ông vừa có khi ở cạnh Sunay, vị ngọt từ tình bạn này và mặc cảm tội lỗi trước các thiếu nữ đã tự sát. Về sau ông tin rằng mọi điều ông chứng kiến ở Kars đã được thể hiện một cách mạnh mẽ và chính xác nhất trong bài thơ "vững vàng và cẩn trọng" này.