Số lần đọc/download: 4390 / 95
Cập nhật: 2015-11-01 15:46:46 +0700
Hoan Ca
T
ừ hồi nào tới giờ tôi vẫn khoái câu hát xẩm ấy:
“Buồn về một nỗi tháng giêng
Con chim cái cú nằm nghiêng thở dài
Buồn về một nỗi tháng hai v.v...”
Cứ thế buồn miết. Tháng nào cũng buồn. Dân tộc tôi ham buồn và kính trọng cái buồn. Tuy vậy, trong trường hợp này, thực tình mà nói tôi không khoái vì nỗi buồn. Mà vì chuyện nằm nghiêng. Không biết trời xui đất khiến thế nào một ý kiến ngộ nghĩnh như thế lại nảy ra trong đầu óc một nghệ sĩ nào đó xa xưa. “Con chim cái cú nằm nghiêng thở dài”. Ngộ quá!
Một người có thể nghe câu hát ấy với đôi tai hờ hững là một người đắc tội. Người như vậy giá một hôm tình cờ có gặp trên đường vài con ngựa rủ nhau khiêu vũ trên sáu chân cũng không lấy làm ngạc nhiên, có trông thấy chiếc cầu vồng mười tám màu cũng không lấy làm ngạc nhiên. Tức là một người không chịu xúc động trước bất cứ biểu thị ngoạn mục nào của cuộc sống, của trời đất. Đối với người ấy, Chúa có ra sức làm phép lạ cũng vô ích thôi. Đối với người ấy, không có cái gì là lạ.
Câu hát nọ, lâu lâu tôi tưởng tượng dông dài, và càng khoái thêm. Câu lục bát “con chim cái cú” đâu phải do một nghệ sĩ bất thần nghĩ ra, rồi viết xuống, rồi rung đùi một mình? Đó là bài hát mà. Một người hát, trăm người nghe. Một người hát, hát biết mấy trăm mấy nghìn lần, trước biết bao nhiêu thành phần đối tượng khác nhau: ở hè phố, trên bến tàu, ở đầu chợ, mép sông v.v... Tức là đã chịu hằng hà sa số cuộc thử thách, và đã vượt qua tất cả. Giả sử trong một lần nào đó nó xuất hiện mà có kẻ thắc mắc, buột miệng kêu “kỳ cục”, thì bài hát đâu có lưu truyền được lâu? Không. Tôi tin không hề có lời thị phi nào về con cú nằm nghiêng, con cú thở dài cả. Tôi tin nó chỉ gặp toàn sự tán thưởng. Cho nên nó cứ nằm nghiêng một mạch luôn mấy trăm năm. Hẳn là nó phải lấy làm đẹp lòng. Mà tôi thì đắc ý về chỗ mình đã bắt kịp cái khiếu thưởng ngoạn khoáng đạt của đồng bào mình. Tôi hí hửng như thế cho đến gần đây, sau chuyến đi chơi Hạ-uy-di về, tự dưng có “vấn đề”.
Cũng bài hát ấy:
“Buồn về một nỗi tháng năm
Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu.”
Nỗi tháng năm làm tôi ái ngại quá chừng. Ca hát kiểu ấy là có ý trách đêm ngắn ngày dài. Là phiền lòng về chỗ con chim con gà nó bắt đầu sinh hoạt quá sớm. Là ham cái ngủ mà chê cái sống. Sao vậy cà?
o O o
Hạ-uy-di đêm tháng năm cũng ngắn. Tôi chắc nó phải tận lực bình sinh co rút hết sức, cho cùng cực ngắn, vì áp lực thôi thúc; thế mà người ta vẫn cứ sốt ruột.
Trời chưa kịp sáng, mới bốn giờ bốn rưỡi gì đó, một sự rậm rật vô ý thức đã đánh thức tôi dậy. Nằm nán một lúc, trông qua cửa kính, thấy ánh sáng bên ngoài đổi màu. Không chỉ còn là ánh điện. Có một thứ ánh sáng gì khác hẩng lên rồi, không biết từ lúc nào. Và tai cũng bắt gặp những khua khuống không thường. Đêm Hạ-uy-di nó vẫn vậy sao? nó không lúc nào an giấc cả sao? Không phải gió dữ lộng hành, không phải mưa xối tầm tã. Chỉ là những tiếng động khẽ thôi, rời rạc thôi, nhưng cũng đủ chứng tỏ rằng đêm Hạ-uy-di ngủ cứ chập chờn, làm cho mình cả thẹn về giấc ngủ nặng nề của mình, ngủ một mạch tù tì luôn mấy giờ qua; thức giấc, khoác mền ra, dưới cổ ướt nhâm nhấp mồ hôi. Mình ngủ nghê cách nào mà thô tục thấy rõ.
Chợt có tiếng gì như tiếng huýt sáo mồm? Tiếng mỗi lúc mỗi lớn thêm rất nhanh. Không còn ngờ gì nữa. Tôi xô cửa, chạy ra bao lơn, nhìn xuống. Một người đàn ông bưng cái khay nhựa, trên có năm chiếc ly nhựa đậy nắp trắng toát, bước nhanh qua trước cửa phòng tôi. Đó là một người vạm vỡ mà thấp, da đậm màu, mình trần, ngực nhiều lông, chân mang dép. Thoáng trông thấy bóng tôi xuất hiện, ông ta ngước mặt lên, giơ bàn tay phải với ngón trỏ và ngón cái khoanh một vòng tròn: dấu hiệu “Tốt. Tốt lắm.” Cái gì tốt? Ông ta giải thích vắn tắt: “Ở hành lang khách sạn.”
Tôi tự trách mình chậm hiểu. Cái gì xảy ra ngoài chỗ hành lang vào giờ này? Tất nhiên một người đang huýt sáo mồm bước đi nhún nhẩy thế kia không thể loan một tin tức án mạng. Vậy thì ở chỗ hành lang phía mép bể kia đang diễn ra một vũ hội bán phần loã thể chăng?
Tôi vội vội vàng vàng, đánh răng súc miệng qua loa, chải tóc qua loa, bương bả đi về chỗ mách bảo, bụng bảo dạ: “Ấy. Những món vũ như thế dám chấm dứt cấp kỳ trước khi bình minh ló dạng lắm đa. Thì con người tốt bụng nọ không phải đã mang tấm lưng trần về phòng rồi đó sao? Biết bao tấm lưng nõn nà khác đang lẩn trốn? Không khéo lỡ hội Long Hoa mất!”
May quá, tôi không hề lỡ hội. Tôi đến nơi, chen vào giữa đám người hớn hở, chào mừng nhau, chúc tụng lẫn nhau, nói cười hể hả, trong khi chờ đón nhận một ly cà-phê nóng hổi, hoàn toàn miễn phí. Trong khoảng hành lang đèn đuốc sáng trưng, ai nấy rộn ràng, lăng xăng, kẻ rắc vào ly thêm tí kem, người rót chút sữa, kẻ khuấy đường lia lịa... Ánh điện thì sáng choang, không khí thì thơm lừng: tôi không tưởng tượng ra một khung cảnh bình minh nào kích thích hơn. Cái hoạt động vào lúc mặt trời chưa kịp ló dạng, trong một gian phòng ngào ngạt mùi cà-phê, là một cảnh hoạt động lạ lùng, nó làm phấn chấn hẳn con người. Lao vào đám người ấy, tôi bị cuốn phăng tới, tôi quên mọi chuyện: Mình có thực sự cần cà-phê không? có phải đang định đi kiếm cà-phê mà uống không? uống gấp gáp hối hả vào giờ này để làm gì? để kịp một chuyến khởi hành quan trọng nào? kịp bắt đầu một công tác khẩn trương nào? Không thắc mắc về ba cái lỉnh kỉnh ấy, tôi xông vào làm theo mọi người: cũng bốc ngay một cái cốc, cũng vồ lấy chiếc que, lọ đường, bình sữa v.v..., cũng khuấy lia khuấy lịa. Vô ý thức, tôi hoạt động vì hoạt động (cũng như nghệ thuật vị nghệ thuật).
Có cốc cà-phê trên tay, lững đững bước tới cửa, bấy giờ tôi mới ngớ ra: Đi đâu? Về lại phòng mà ngủ tiếp chăng? Mua tờ báo, bật đèn lên ngồi đọc chờ sáng chăng? Quay trở lại chỗ hành lang rộn rịp này, kéo chiếc ghế ngồi nhấm nháp chăng?...
Chợt một ý kiến nảy ra: tôi theo chân mấy người vừa vượt qua mặt, rẽ về phía bãi bể. Ở đó tôi bắt gặp ý nghĩa của một buổi sáng tháng năm, vào cái lúc “gà gáy chim kêu”. Ở đó, quặt một tay vớ chiếc ghế nhựa kéo đến bên một gốc cây bàng, sửa ghế cho ngay ngắn, tôi ngồi xuống, gác chân lên một gốc cây khô chưa kịp dọn nằm cạnh đấy, tay kia nâng cốc cà-phê lên tợp liền mấy tợp, hít hít cái mùi cà-phê trộn lẫn với mùi sương mai mùi nước bể, rồi ghếch mỏ nhìn mông ra mặt nước với chân trời..., đột nhiên tôi “ngộ” cái nghĩa sống trên cõi đời quí báu. Tôi ngộ cái một, không kịp tốn một sát-na suy tưởng nào.
o O o
Bạn định hỏi tôi bãi bể ở chỗ ấy nó đẹp cách nào? cát nó phẳng nó mịn ra làm sao? màu trời ở đấy xanh kiểu nào? cái gió cái mây buổi mai ấy nó đặc biệt ra sao? v.v... Phải vậy không? — Ấy, đừng! Bạn đừng hạch hỏi, tra vấn nhiều quá. Lỡ tôi bốc lên tán bậy huyên thiên, phải tội chết. Tôi là kẻ yếu lòng. Hứng lên rất có thể tôi khoác lác, khiến thiên hạ bực mình. Ai mà không bực mình khi bị những lời lẽ ba hoa thiên địa vã tới tấp vào tai? cái ba hoa của một kẻ đi chưa được nửa ngày đường đã đòi rùm beng.
Bạn hỏi là kẹt cho tôi! Vả lại không cần hỏi ai cả. Bạn chỉ cần đến đấy, một chỗ xa cách mọi công việc bận bịu, ngồi xuống nơi lằn ranh giới giữa đất và nước, vào cái giờ ranh giới giữa đêm với ngày, thế thôi. Thế là tất cả năm giác quan của bạn sẽ bỏ phiếu theo tôi, theo cảm tưởng của tôi. Cái làn da của bạn nó vui, lá phổi của bạn nó phập phồng phởn phơ, từ cái tai cái mắt cái mũi, cho đến cái thần trí của bạn, tất cả chúng đều thấy khinh khoái. Bạn sẽ thông cảm với tôi ngay.
Lúc này tôi không dám giấu bạn điều gì, và xin thú thực rất khẽ vào tai bạn: Bấy giờ tôi chẳng hề có được một ý nghĩ nhỏ nào trong đầu, cũng không hề triển thi một môn thuật nào, hoặc hít khí hạo nhiên đưa thẳng vào đan điền nhốt lại, hoặc vận khí công chuyển lang thang khắp huyệt nọ huyệt kia v.v... Bấy giờ tôi rổng như cái xị mà một tửu đồ vất ra sau khi nốc cạn giọt đế cuối cùng. Tôi ngồi trống trơ hàng giờ. Xung quanh tôi cũng thế: chỗ này một chiếc ghế trắng, chỗ kia vài chiếc ghế khác chiếc xanh chiếc vàng v.v..., trong cái nhá nhem trước bình minh những khối đen lù lù ấy cũng lặng lờ, cũng im thin thít như tôi, cũng thỉnh thoảng làm một tợp cà-phê, hít một khói thuốc. Và chúng tôi cứ thế mà... sung sướng. Sung sướng cùng mình.
Bạn không tin? Vâng, bạn đừng tin điều gì trước khi bằng cớ được trưng ra. Và bằng cớ thì lúc trời dần dần hửng sáng, tôi bắt đầu góp nhặt đây đó được dăm ba cái cớ để trình bạn. Tôi không phao truyền một tin lành, một niềm vui vô căn cứ. Xin trình:
Thoạt tiên là những mẫu tàn thuốc quanh chân ghế. Nhiều lắm. Trông bẩn mắt lắm, bạn ạ. Bẩn mắt mình, và nhất định là bẩn mắt luôn đám quản lý khách sạn. Tất nhiên phải có nhân công thuê làm công việc dọn tàn thuốc cho sạch sẽ khoảng bãi bể trước mặt khách sạn. Nhưng không cách nào dọn kịp. Không phải vì lẽ ở Hạ-uy-di tàn thuốc nó có tài đẻ thêm tàn thuốc tới tấp. Mà chỉ vì sự sống ở đây nó thao thức không ngừng.
Ngày tháng năm thì dài, mà đêm đến mình vẫn không ngủ được. Ngoài bãi lại có tiếng nói tiếng cười, trên các lối đi cứ có bóng người loáng thoáng, nước bể cứ rập rình mãi, trên trời thì hằng hà sa số vì sao cứ thi nhau sáng, sao lớn sao bé chập chùng nô nức cứ lao nhao như hội như hè giữa thinh không suốt đêm v.v...; ngoảnh qua ngoảnh lại khắp trời đất chưa có thứ gì chịu ngủ cả thì mình ngủ thế quái nào được. Cho nên nếu mình không tham gia một hoạt động nào cho vui nhộn, ít nhất cũng cầm đôi ba lon bia và gói mực khô hay tôm khô gì đó, ra biển với một vài người bạn. Thế rồi người thức thì thuốc điếu chúng nó cũng thức theo, thỉnh thoảng nó lóe sáng một cái trong khoảng bóng tối một tàn cây bàng, thỉnh thoảng một mẫu tàn bị vứt xuống cát giật mình bắn ra mấy tia lửa nhỏ giận dữ. Những tàn thuốc của đêm khuya vừa nhắm con mắt sáng rực của chúng được một lát thì lác đác những mẫu tàn thuốc đón đợi bình minh đã kế tiếp nằm lóm đóm trên bãi.
Sự sống của hôm trước không chịu tắt, chịu nghỉ; sự sống của hôm sau lại không chịu chờ. Nó không kiên nhẫn, nó không nhường nhịn. Nó nhấp nhổm, nó rậm rật, rốt cuộc nó bắt đầu trước cái lúc được phép bắt đầu. Vì vậy mà hôm trước với hôm sau suýt nữa va chạm nhau.
Tàn thuốc lặng lẽ tiết lộ niềm hân hoan của con người, cái rạo rực của sự sống là như thế. Và như thế tôi chợt ái ngại về nỗi tháng năm ở xứ mình. Ở đây ngày không đủ dài cho cái chơi, cái sống; ở mình đêm quá ngắn, không đủ cho một chút nghỉ ngơi. Mình vất vả quá. Thương lắm thay.
o O o
Bạn không thích loại bằng cớ bẩn thỉu vừa được trưng dẫn chăng? Tôi xin trình bạn loại khác vậy.
Lúc ánh sáng còn chưa đủ để nom rõ mặt người, cách tôi chừng chục thước tây có anh chàng hai tay bưng hai ly cà-phê, đã ngồi xuống một chiếc ghế lại còn lấy chân khều thêm chiếc ghế nữa đến bên cạnh. Anh ta ngồi xuống được một lát thì từ trong khách sạn te tái chạy ra một thiếu nữ. A! Cô nàng còn mãi bận nhiều công việc trước chiếc gương nên chậm trễ. Cô phăng phăng lao tới, nhảy tót vào lòng anh chàng Hai Ly, khiến anh ta phải giang rộng cánh tay ra để nước khỏi chao đổ lên người. An tọa vào ngôi vị hạnh phúc xong, cô nàng cười ngặt nghẽo, rồi níu lấy một cánh tay anh Hai Ly, kéo vào tận môi mình một ly để cô ta khánh thành hớp nước thơm đầu tiên trong ngày.
Sau đó, anh chàng hạ hai tay xuống, ôm vòng trước ngực cô bạn. Họ ngồi yên, và sung sướng... cùng mình.
Rồi trời sáng rõ hơn nữa, đủ để tôi đoán con người đang đứng cách tôi ba thước tây là một người Phi-luật-tân. Mái tóc muối tiêu thật ướt, chải lật ngược ra sau, phủ ót. Quần jeans, áo sơ-mi màu vàng tươi; áo quần thật sạch sẽ, khô dòn. Ông bạn cài một chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ gắt lủng lẳng bên hông. Một tay ly cà-phê, một tay kẹp điếu thuốc. Tôi chưa hề trông thấy ai phô diễn sự hài lòng lặng lẽ mà hùng hồn như ông bạn. Hít thật sâu một khói thuốc, khuỳnh rộng vòng tay nâng ly cà-phê lên, nghiêng người cúi đầu hớp một hớp nóng hổi, rồi thở khói ra ào ào bát ngát giữa trời. Ông bạn không đơn điệu: lúc phun khói bằng mồm, lúc xịt khói bằng mũi, lúc ngước mặt lên mà phà, lúc cúi đầu xuống mà thổi v.v... Kiểu nào trông cũng hay ho cả. Không có một kiểu nào hững hờ, máy móc, như cái ăn cái hút đều đều trong cuộc sống thường nhật buồn tẻ. Ở ông bạn, mỗi khói thuốc là một sáng tạo.
Ông bạn đứng thì dạng chân ra. Nhưng ông bạn không đứng yên: một khói thuốc, đi tới mấy bước, đạp chân vào gốc cây nhún thử mấy cái, thu chân về, dạng chân ra; một hớp cà-phê, quay ra, dí mũi giày xuống đất, dấm dứ mấy cái, lại thu chân về, dạng chân ra; ông dùng ngón trỏ đập lên điếu thuốc, dùng ngón út gạt rụng tàn thuốc; khịt mũi, quẫy mạnh đầu, nghiêng mặt dùng lòng bàn tay đỡ cằm thốc mạnh lên một cái, bẻ cần cổ cho máu huyết lưu thông (?) v.v... Và ông bạn cựa quậy đến đâu thì chiếc mũ lưỡi trai cựa quậy đến đó. Khắp người ông bạn là một niềm hân hoan. Không phải thứ hân hoan e dè, mà là thứ hân hoan rậm rật nó không cho phép một đường gân thớ thịt nào được uể oải, được yên nghỉ.
Có điều làm tôi ân hận. Số là niềm vui nọ có sức thu hút cao: mắt tôi bất giác cứ hướng mãi về ông, khiến ông bạn tự dưng cảm thấy bất an. Phun khói thuốc lên trời xong, ông bạn quất một khóe mắt về phía tôi; thổi một khói thuốc xuống đất xong, ông bạn lại liếc qua về phía tôi v.v... Tôi áy náy, rồi sợ hãi, lấy làm phiền lòng về mình, tự trách thái độ khiếm nhã của mình. Tôi vật vã kêu thầm trong bụng: “Oan cho tôi lắm, ông bạn ạ! Tôi không hề có ý chế giễu chút nào. Sự hài lòng về mình, sự hài lòng lộ liễu về cuộc sống, về một khoảnh khắc an lành nào đó của cuộc sống, những cái đó không bao giờ lố bịch cả. Ông bạn hồ nghi về ý nghĩa sự quan sát lén lút vụng trộm chăng? Cái lén lút ấy chỉ nhằm giấu giếm một lòng ganh tị, ao ước, thèm muốn thôi. Ông bạn hãy nhún nhẩy thêm nữa vào, cứ việc ve vẩy thêm nữa, để cho những kẻ xấu tính hay ganh tị, những kẻ ấy uất lồng lên. Tôi sẵn sàng đón chịu sự trừng phạt...”
o O o
Ấy, khi lũ tàn thuốc thao thức tiếp nhau lóe lên ngoài bãi, khi anh chị Hai Ly tọa vị trên ghế mà tưởng trôi trên mây, khi đàn sáo cứ bay lên đáp xuống giữa khoảng bãi cỏ và các ngọn dừa, kêu ong óng vang cả bình minh v.v...; xin tưởng tượng xem: Khi ấy mà tôi còn nằm chình ình một đống trên giường, ngáy ồ ồ, ngủ mê ngủ mệt, ngủ lăn ngủ lóc, mồ hôi mồ kê đầm đìa, thỉnh thoảng mớ mết ú ớ mấy tiếng, ngủ như một đứa trẻ chưa dứt sữa mẹ, như một gã tục tử sau đêm trác táng, say sưa, sau một đêm bài bạc... Hoặc giả như một tên dân thành thị ở lục địa, tất tưởi bôn ba đầu tắt mặt tối vì công việc! Tưởng tượng ra như thế, cái đống lù lù trong phòng một khách sạn Hạ-uy-di vào lúc bình minh trông nó thô tục biết chừng nào.
May mắn làm sao, nhờ một tiếng huýt sáo mồm mà tôi thức dậy gần kịp thời, bắt gần kịp nhịp sống địa phương, mà tôi bắt theo gần kịp ông bạn Phi-luật-tân. Ông bạn, mũ kết đã lủng lẳng cài ngang hông rồi, tức là đã sẵn sàng. Sau bãi bể là cuộc họp, sau cuộc họp là ông bạn chụp chiếc mũ lên đầu, vù luôn. Còn tôi — ấy chết — tôi phải chạy về phòng chỉnh đốn y phục dung nghi, xếp đồ lặt vặt vào túi hành trang, tất cả phải nhanh nhanh một chút để khỏi trễ buổi họp.
Họp cái gì vậy? Chấn hưng kinh tế chăng? Mở rộng tự do chăng? Đoàn kết đấu tranh chăng? — Ấy, đừng có om sòm như thế. Ở đây, chỉ có một đề tài thôi. Mọi hoạt động chỉ nhằm một chuyện: Chơi.
Chiều hôm qua, sau mười tiếng đồng hồ rong chơi hết rừng này bãi kia đến núi gần đồi xa, trở về khách sạn, vừa xô cánh cửa bước vào phòng đã thấy có kẻ nào lòn vào một tờ giấy mời họp. Hứa hẹn có thuyết trình viên kinh nghiện lão luyện. Thuyết trình về... nghề chơi. Đúng tám giờ, người lão luyện thao thao: Bãi nào nông bãi nào sâu? Muốn lặn xem cá màu đáy bể thì đi đâu? Muốn phóng ngựa đồi hoang đi ngả nào? Ăn luau có bao nhiêu nơi tổ chức? Du thuyền chạy ven đảo có mấy hãng chuyên trách? v.v... Nhao nhao hỏi đáp náo nhiệt một hồi; rồi xổ số. Người này trúng hai chỗ ngồi trên trực thăng bay quanh đảo; người khác trúng cái vé cưỡi ngựa xem hoa; người khác nữa trúng vé đi thuyền ra khơi và lặn xem cá v.v... Vỗ tay mừng đôm đốp. Rồi kẻ trúng người không cùng rời phòng họp toả ra, xông vào cuộc chơi cho đến chiều.
Chơi là lẽ sống của kẻ đến Hạ-uy-di, là nguồn sống của người ở Hạ-uy-di. Quanh năm thiên hạ các nơi lũ lượt kéo đến đây vui chơi, mùa hè cũng như mùa đông. Và ở đây trăm nghề hầu hết là nghề phục vụ du khách bốn phương.
o O o
Tôi đến đảo Kauai vào những ngày mà ông Gorbachev thăm viếng Hoa Kỳ. Buổi tối, bật ti-vi lên, vặn ngược vặn xuôi khắp các đài, tôi không bắt gặp bóng dáng nhân vật nọ đâu cả. Chỉ có bãi tắm, có thác nước đổ ào ào giữa cảnh rừng xanh sum sê cây cỏ! Chỉ có những toà khách sạn lộng lẫy chiếm cả từng khu vực mênh mông, với hồ, với rạch đào ngoằng ngoèo cho khách chèo outrigger nhởn nhơ, có đảo nhân tạo đắp lên cho hạc cho công cho trĩ nó múa v.v... Tôi không có ý cam đoan rằng truyền hình Hạ-uy-di tuyệt đối cấm cửa các chính khách; tuy nhiên muốn tìm cho được khuôn mặt ông Gorbachev hay khuôn mặt ông Bush dưới khóm lá bụi hoa nào đó, công phu lắm đa. Chắc là phải chờ đợi lâu lắc, phải kiên nhẫn lắm. Tôi không có đức kiên nhẫn. Sau một ngày đường vất vả, tôi ngủ khò trước khi kịp thấy mặt lãnh tụ hai siêu cường.
Hôm sau, có tin tổng thống Nam Hàn bay sang Cựu-kim-sơn để gặp Gorbachev, làm cho Kim Nhật Thành lồng lộn lên. Tôi lấy làm tò mò quá, đến quầy báo mua một tờ xem thử. Ơ kìa! không hề có những cái nhảm nhí ấy trên báo chí Kauai. Tuyệt không! Garden Island Extra là một tờ báo kỳ cựu ra đời từ đầu thế kỷ; giá có dịp lưu lạc sang ta nó là một bậc huynh trưởng đấy. “Đảo Vườn” là mỹ danh của Kauai, vì đảo này cây cối um tùm xanh tốt như một khu vườn lớn. “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.” Tờ báo của Đảo Vườn ra mỗi tuần một số mười hai trang. Phần quan trọng nhất (hai trang) dành cho mục gia chánh! (Tuesday’s kitchen. Báo phát hành mỗi ngày thứ ba). Trang một loan các tin chấn động: hoạt động của những ông bà thị trưởng, nghị viên, dân biểu địa phương, của một trại chủ nuôi được con bò to tướng sắp mang đi đấu xảo tại hội chợ nông nghiệp ở Lihue hay có thể tận Waikiki chẳng hạn v.v... Phần còn lại tất nhiên là của nền văn minh vui chơi: lại trượt nước, lại bơi lội, ăn luau, lại câu cá, ngắm cá v.v...
Những ai không theo phép tắc địa phương, không tuân lệ làng, đều bị phạt vạ nặng nề. Thật vậy, tôi quay ra hỏi mua một tờ LOS ANGELES TIMES: một đồng bảy mươi lăm xu! Gấp bảy giá bán tại Eo Ê. Đáng đời những kẻ táy máy, đã đến đây còn đòi bận tâm theo dõi cái vớ vẩn xa vời.
Lệ làng có thưởng tất có phạt chứ. Những tách cà-phê miễn phí phát ra vô hạn định mỗi buổi sáng là thưởng đấy, còn gì nữa? Trước bảy giờ nhà hàng chưa mở cửa bán bữa ăn mai, mà cuộc sống ở Hạ-uy-di thì nó không thể chờ đợi đến bữa ăn mai. Đối với những ai biết hưởng ứng theo địa phương, biết tỏ ra sốt sắng đối với cuộc sống, Hạ-uy-di vui vẻ chiều chuộng ngay. Sau bảy giờ, hạng sống lười sống lĩnh sống uể sống oải uống một giọt là phải trả tiền một giọt. Sau bảy giờ, Hạ-uy-di sòng phẳng như mọi nơi trên thế gian.
o O o
Cái chơi ở đây là cái thiêng liêng.
Tại thung lũng Kakalau thuộc đảo Kauai, trên một ngọn đồi có mỏm đá Tiên Đồng. Kìa, trẻ con làm gì, trông chờ ai mà đến nỗi hoá đá? Trông cha lặn lội trèo non vượt núi đi “giải phóng” chăng? Trẻ con đã làm gì có công lao hiển hách mà nên tượng, mà thành tiên thành thần. Chúng cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân chăng? — Không đâu. Đấy là hai đứa trẻ biết chơi thôi mà. Tục truyền rằng xưa kia vào một đêm trăng có hai tiên đồng xuống trần gian giỡn trăng vui đùa mải mê quên về. Lúc mặt trời lóe sáng, cả hai bị hoá đá.
Trẻ xưa biết chơi, trẻ nay càng biết chơi. Trẻ trai biết chơi, trẻ gái càng biết chơi. Trong một cuốn sách gọi là tiểu thuyết, cuốn Hawaii của James A. Michener, hồi đệ nhị thế chiến một thiếu tá mang quân hàm đại tá giả định trong một phái đoàn Hoa Kỳ sang đảo Bora Bora lo quốc quân trọng sự. Trong những ngày bàn quốc sự, phái đoàn không được mời ở khách sạn đâu. Mỗi vị có một túp lều tranh với một... quả tim vàng. Riêng phần đại tá Hale cô bé tiếp ông chỉ lớn hơn con gái ông có một tuổi. Cô bé mười lăm tuổi nọ được bố mừng tuổi bằng cách cất cho ngôi nhà con con gần bãi bể để vui hưởng lạc thú đến tận cùng thỏa mãn trong thời gian trước khi lấy chồng.
Buổi sáng cuối cùng cùng nhau trên bãi bể cô bé hỏi và được vị đại tá bảo rằng ở lục địa Hoa Kỳ không có phong tục như thế, cô ta buồn xo: “Thật đáng tiếc. Năm tháng qua nhanh lắm mà. Chẳng mấy chốc...” Cô bé chỉ về phía một bà lão đang còng lưng mò bắt từng con sò trên bãi, nói một câu tiếng Pháp theo giọng địa phương: “Et bientôt c’est tout fini et nous ne jouons plus.” 1
Ối Trời! Không chơi nữa thì còn gì là đời! là cuộc sống!
Thế cho nên tiên chơi lấn sang ngày, mà người thì chơi lấn về đêm. Và chơi quanh năm...
“Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè...”
Tháng tư, tháng năm, tháng sáu..., cứ thế chơi miết. Tất cả sẽ thành tiên đồng tiên lão. Ở đây không có sự phân biệt: Thứ bảy chủ nhật là ngày nghỉ ngày chơi đã đành. Thế thứ hai là ngày gì? Là ngày phè phỡn đấy. Còn thứ ba thứ tư, là những ngày gì? Thưa, là những ngày nhởn nhơ... Ngày nào cũng là ngày của Chúa cả, xin đừng phân biệt. Hãy hỏi ông thuyết trình viên lão luyện ở các cuộc họp tám giờ mai thì biết. Ôi, Hạ-uy-di!
Ở Hạ-uy-di nếu có ngày kiêng cữ, có một tháng ngừng chơi, tất xảy ra trục trặc lớn ngay. Trăm nghề sẽ bị chấn động to. Sinh hoạt xã hội tha hồ điên đảo. Đảo Bora Bora của cô bé Tehani nọ chính là quê xưa đất tổ của dân Hạ-uy-di. Xứng nguồn xứng ngọn lắm.
Từ Hạ-uy-di nhìn về nguồn như thế; từ Hạ-uy-di nhìn ra ngoài vũ trụ xa xăm cũng có thể bắt gặp một lời nhắn nhủ như thế lắm. Viễn vọng đài Keck từ ngọn núi Mauna Kea vừa chụp hình được giải thiên hà NGC 1232 nào đó cách quả đất 65 triệu năm ánh sáng. Mỗi năm ánh sáng là cả một khoảng cách chúng ta ước chừng sáu nghìn tỉ dặm đường đấy.
Viễn vọng kính đài Keck là cái kính mạnh nhất, lớn nhất thế giới hiện thời. Thành thử tại Hạ-uy-di, chúng ta có khung cửa sổ lớn nhất để loài người nhìn ra vũ trụ, ra cái Mênh Mông hãi hùng. Cái Mênh Mông còn có lời nhắn nhủ nào khác lời bé Tehani!
Giữa Mênh Mông Vô Thủy Vô Chung, mỗi đêm khuya mỗi mai sớm, bên một mép nước đại dương, tay bưng cốc cà-phê, ngồi mà rình xem cái chân diện mục của từng phút giây. Hồi hộp, run lên vì cái rạo rực ngấm ngầm trong mỗi phút giây. Chẳng phải là điều nên làm sao?
12 - 1990
Chú thích
1 “Chẳng mấy chốc mọi chuyện qua đi và chúng ta sẽ chấm dứt cuộc chơi.