Số lần đọc/download: 1592 / 59
Cập nhật: 2015-07-06 11:40:56 +0700
Bài Giảng Về Thơ
S
cotus Erigena, nhà phiếm thần ở xứ Ái Nhĩ Lan, cho rằng Thánh Kinh chứa đựng một số lượng vô hạn của ý nghĩa, và ông đã so sánh nó với những chiếc lông lấp lánh vạn sắc của đuôi con công. Nhiều thế kỷ sau đó, một tín đồ của phái Kabbalah ở Tây Ban Nha nói rằng Thượng Đế đã viết Phúc Âm cho mỗi người ở Israel, vì thế có bao nhiêu người đọc Phúc Âm thì có bấy nhiêu bản Phúc Âm khác nhau. Điều này khả tín nếu chúng ta cho rằng tác giả của Phúc Âm cũng chính là đấng tạo ra phận mệnh của mỗi người đọc Phúc Âm. Người ta có thể cho rằng hai điều tôi vừa nói chỉ là những lối diễn đạt khác nhau của trí tưởng tượng Celtic và trí tưởng tượng Đông phương. Nhưng tôi dám nói rằng cả hai điều đều tuyệt đối chính xác, chẳng phải chỉ đúng cho cuốn Thánh Kinh mà còn đúng cho bất cứ cuốn sách nào đáng đọc đi đọc lại.
Emerson cho rằng một thư viện là một căn phòng kỳ ảo chứa những linh hồn bị say bùa mê. Chúng thức dậy khi chúng ta gọi chúng. Khi cuốn sách nằm im, khép lại, nó thật sự đúng, về cả ngữ nghĩa lẫn hình dạng, là một khối, một vật thể giữa những vật thể. Khi chúng ta mở nó ra, khi cuốn sách nạp mình cho người đọc của nó, một sự kiện mỹ học xảy ra. Và ngay cả đối với cùng một người đọc, chính cuốn sách ấy cũng thay đổi, bởi chúng ta thay đổi; chúng ta là dòng sông của Heraclitus, kẻ đã nói rằng con người hôm qua không phải là con người hôm nay, và sẽ không phải là con người ngày mai. Chúng ta thay đổi không ngừng, và mỗi lần đọc một cuốn sách, mỗi lần đọc lại, mỗi hồi ức về cuộc đọc lại ấy, đều phát minh cái văn bản thêm một lần nữa. Ngay cái văn bản ấy cũng là dòng sông luôn thay đổi của Heraclitus.
Điều này mang chúng ta đến với quan niệm của Croce, người có lẽ không phải là nhà tư tưởng thâm trầm nhất, nhưng là nhà tư tưởng ít có thành kiến nhất: ông có ý tưởng rằng văn chương là sự diễn tả. Từ đó sinh ra một quan niệm khác của Croce, một quan niệm thường bị quên lãng: nếu văn chương là sự diễn tả, văn chương được tạo nên bằng chữ, và ngôn ngữ cũng là một hiện tượng mỹ học. Đó là điều chúng ta khó chấp nhận: cái ý tưởng rằng ngôn ngữ là một sự kiện mỹ học. Hầu như không ai đi rao giảng quan niệm của Croce, tuy nhiên ai nấy đều không ngừng ứng dụng nó.
Chúng ta nói rằng tiếng Tây Ban Nha là một ngôn ngữ có âm vang, rằng tiếng Anh là một ngôn ngữ giàu âm sắc, rằng tiếng Latin có một vẻ đường bệ nào đó mà tất cả những ngôn ngữ ra đời sau đó đều hướng vọng đến: nói thế, chúng ta đang ứng dụng những phạm trù mỹ học vào ngôn ngữ. Chúng ta vẫn sai lầm khi tưởng rằng ngôn ngữ phản ảnh điều bí ẩn mà chúng ta gọi là hiện thực. Thật ra, ngôn ngữ là một điều gì khác.
Hãy thử tưởng tượng một cái gì màu vàng, toả sáng, đổi dạng. Cái đó ở trên bầu trời, tròn trịa; có lúc nó có hình cánh cung, có lúc nó lớn ra và có lúc nó nhỏ lại. Một người nào đó -- tổ tiên của chúng ta, tổ tiên chung của chúng ta, đặt tên cho cái đó là trăng, tên gọi này khác nhau trong những ngôn ngữ khác nhau nhưng đều có vẻ đáng yêu riêng. Tôi trộm nghĩ chữ selene trong tiếng Hy Lạp thì hơi quá phức tạp cho trăng; chữ moon trong tiếng Anh có cái gì chậm rãi, cái gì đem vào cách phát âm một vẻ chậm rãi thích hợp với trăng, có vẻ giống như trăng vì chữ moon gần như có hình tròn: nó bắt đầu và kết thúc hầu như với cùng một mẫu tự. Còn chữ luna trong tiếng Tây Ban Nha, một chữ đẹp đẽ mà chúng ta thừa hưởng từ tiếng Latin và chia sẻ với tiếng Ý, gồm có hai âm tiết, hai mảnh, có lẽ hơi quá nhiều (so với một mảnh trăng). Chúng ta có chữ lua trong tiếng Bồ Đào Nha dường như không đáng yêu bằng; và chữ lune trong tiếng Pháp chứa đựng một điều gì bí ẩn. Trong tiếng Đức, chữ chỉ trăng thì có giống đực. Bởi vậy Nietzsche có thể nói rằng trăng là một nhà tu nhìn đăm đăm vào trái đất với vẻ thèm thuồng, hay là một con mèo, Kater, bước trên những tấm thảm của sao trời.
Chúng ta tưởng tượng rằng một người nào đó, ở đâu đó, đã phát minh chữ trăng. Hiển nhiên rằng phát minh đầu tiên ấy đã là một điều gì khác hẳn. Nhưng tại sao mọi sự không dừng lại với con người đầu tiên đã đặt tên cho trăng khi kêu lên chữ ấy hay chữ nào khác?
Có một ẩn dụ ở Ba Tư cho rằng trăng là tấm gương soi của thời gian. Trong nhóm chữ đó, tấm gương soi của thời gian, có cả vẻ mong manh của vầng trăng và sự vĩnh cửu của nó. Đó là cái nghịch lý của trăng, hầu như quá trong suốt, hầu như quá trống rỗng, nhưng thước đo của nó là sự vĩnh cửu. Khi nói trăng hay nói tấm gương soi của thời gian, chúng ta có hai sự kiện mỹ học, ngoại trừ sự kiện sau là công việc ở chặng thứ hai, vì tấm gương soi của thời gian được hình thành bởi hai thực thể, trong khi trăng, có lẽ với hiệu quả cao hơn, cho chúng ta cái "chữ", cái ý niệm về trăng. Mỗi một chữ là một tác phẩm mang thi tính.
Nguyên tác: "La poesía", trong Jorge Luis Borges, Siete noches (Mexico: Fondo de Cultura Económica, 1980).
-------------------------
"La poesía" là một trong bảy bài giảng do Borges trình bày tại Teatro Coliseo, Buenos Aires, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1977. Những bài giảng này đã bị nhiều người lén thu băng đem bán, rồi bị một nhóm người khác chép lại với nhiều sai sót, và phát hành lậu dưới hình thức một phụ trang cho một nhật báo ở Buenos Aires. Hai năm sau đó, Roy Bartholomew đem một trong những ấn bản lậu ấy đến gặp Borges, và cùng ông biên tập lại thật chính xác để chính thức ấn hành tại Mexico vào năm 1980. (theo Roy Bartholomew, trong phần "Epilogo" [Lời bạt] ở cuối sách)
Có người nói rằng văn xuôi gần với hiện thực hơn thơ. Tôi nghĩ điều này là sai. Có một ý tưởng được truyền tụng là xuất phát từ nhà viết truyện ngắn Horacio Quiroga: nếu một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông, ta phải viết đơn giản là "một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông." Quiroga -- nếu quả thực ông đã nói thế -- dường như đã quên rằng cái kết cấu ngôn từ ấy cũng xa cách với hiện thực như xa cách với cơn gió lạnh thổi từ bờ sông. Cảm nhận của chúng ta về điều này là gì? Chúng ta cảm thấy không khí chuyển động, chúng ta gọi nó là gió; chúng ta cảm thấy cơn gió ấy đến từ một hướng nào đó, từ bờ sông chẳng hạn. Và với điều này chúng ta hình thành một cái gì đó cũng phức tạp như một bài thơ của Góngora hay một câu văn của Joyce. Hãy trở lại với nhóm chữ ấy, "một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông." Chúng ta tạo ra một chủ từ, gió, một động từ, thổi, và một trạng ngữ, từ bờ sông. Tất cả những thứ này hoàn toàn xa cách với hiện thực. Hiện thực là cái gì đơn giản hơn. Câu văn bình thường và hiển nhiên chứa những mảnh chữ ghép nối ấy, được Quiroga cân nhắc chọn lựa, là một nhóm chữ phức tạp; nó là một cấu trúc ngôn từ.
Hãy thử lấy một câu thơ nổi danh của Carducci: "el silencio verde de los campos" ("sự im lặng xanh biếc của những cánh đồng"). Chúng ta hẳn nghĩ rằng câu này sai, rằng Carducci đã đặt tính từ nhầm chỗ; rằng ý ông muốn viết "sự im lặng của những cánh đồng xanh biếc." Với lối viết hoặc là ranh mãnh hoặc mang tính tu từ, ông đã hoán chuyển vị trí của chữ và nói về sự im lặng xanh biếc của những cánh đồng. Chúng ta cảm nhận nó thế nào? Chúng ta cảm thấy nhiều sự vật trong cùng một lúc. (Chữ sự vật thì quá cụ thể, có lẽ vậy). Chúng ta thấy cánh đồng, cái hiện hữu bát ngát của cánh đồng, chúng ta cảm nhận màu xanh biếc và sự im lặng. Một chữ cho sự im lặng là một sáng tạo mỹ học. Sự im lặng là để áp dụng cho con người, một người im lặng hay một chiến dịch vận động im lặng. Áp dụng nó cho tình trạng không có âm thanh trên cánh đồng là một động thái mỹ học; một câu thơ như vậy rõ ràng là táo bạo vào thời điểm nó được viết ra. Khi Carducci nói "sự im lặng xanh biếc của những cánh đồng", ông đang nói một điều gì đó vừa gần chừng nào lại vừa xa chừng ấy với cái thực tại ngay trước mắt cũng giống như ông nói "sự im lặng của những cánh đồng xanh biếc."
Chúng ta có một ví dụ nổi tiếng khác về sự hoán vị của chữ, đó là câu thơ vô địch của Virgilio, “Ibant oscuri sola sub nocte per umbra” (“họ ra đi u ám dưới màn đêm cô độc qua bóng tối”). Chúng ta có thể tạm cắt đi phần đuôi "per umbra", và lấy phần "họ [dũng sĩ Eneas và nàng Sibilara] ra đi u ám dưới màn đêm cô độc." (Chữ "cô độc" trong tiếng Latin có nhiều sức mạnh hơn vì nó đi trước chữ sub). Có lẽ chúng ta nghĩ rằng Virgilio đã làm thay đổi trật tự các chữ, vì câu nói tự nhiên hẳn phải là "họ ra đi cô độc dưới màn đêm u ám." Tuy nhiên, cố gắng tái hiện hình ảnh ấy trong óc, chúng ta nghĩ đến Eneas và Sibilara, và chúng ta nhận ra rằng câu “họ ra đi u ám dưới màn đêm cô độc" gần gũi với hình ảnh trong óc ta chừng nào, thì câu "họ ra đi cô độc dưới màn đêm u ám" cũng gần gũi như vậy.
Ngôn ngữ là một sáng tạo mỹ học. Tôi nghĩ chẳng có gì phải thắc mắc về điều này nữa. Bằng chứng là khi chúng ta học một ngoại ngữ, khi chúng ta buộc phải nhìn kỹ, nhìn gần các chữ, chúng ta cảm nghiệm được chúng đẹp hay không. Học một ngoại ngữ, chúng ta thấy các chữ qua một chiếc kính phóng đại; chúng ta nghĩ "chữ này trông xấu, chữ này đáng yêu, chữ này quá nặng nề." Điều này không xảy ra trong tiếng mẹ đẻ, vì trong tiếng mẹ đẻ các chữ đến với chúng ta không tách rời khỏi lời nói.
Thơ, Croce nói, là sự diễn tả, nếu mỗi câu là sự diễn tả, nếu mỗi đoạn của bài thơ, mỗi chữ trong những chữ, đều chứa đựng sự diễn tả. Bạn sẽ bảo điều này nghe đã nhàm tai, ai cũng đều biết cả rồi. Nhưng tôi không chắc có phải chúng ta đã thực biết hay chưa; tôi nghĩ chúng ta chỉ cảm nhận như vậy, vì nó là điều có thật.
Nói đúng ra, thơ không phải là những cuốn sách trong thư viện, không phải là những cuốn sách trong căn phòng kỳ ảo của Emerson. Thơ là sự chạm mặt của người đọc với cuốn sách, là sự phát hiện ra cuốn sách.
Nguyên tác: "La poesía", trong Jorge Luis Borges, Siete noches (Mexico: Fondo de Cultura Económica, 1980).
-------------------------
"La poesía" là một trong bảy bài giảng do Borges trình bày tại Teatro Coliseo, Buenos Aires, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1977. Những bài giảng này đã bị nhiều người lén thu băng đem bán, rồi bị một nhóm người khác chép lại với nhiều sai sót, và phát hành lậu dưới hình thức một phụ trang cho một nhật báo ở Buenos Aires. Hai năm sau đó, Roy Bartholomew đem một trong những ấn bản lậu ấy đến gặp Borges, và cùng ông biên tập lại thật chính xác để chính thức ấn hành tại Mexico vào năm 1980. (theo Roy Bartholomew, trong phần "Epilogo" [Lời bạt] ở cuối sách)
Có một kinh nghiệm mỹ học khác, cũng lạ lùng không kém, đó là khoảnh khắc lúc nhà thơ trầm tư về tác phẩm sẽ viết, khoảnh khắc lúc nhà thơ đang khám phá hay phát minh tác phẩm. Như nhiều người hẳn biết, trong tiếng Latin, chữ để chỉ phát minh hay khám phá chỉ có cùng một nghĩa. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm của Plato rằng phát minh, tức là khám phá, chính là nhớ lại. Francis Bacon nói thêm rằng tìm hiểu tức là nhớ lại, chứ không phải biết là biết quên; mọi sự đã sẵn có, ta chỉ cần tìm thấy nó.
Khi tôi viết một cái gì đó, tôi có cảm tưởng nó đã có sẵn từ trước. Tôi bắt đầu từ một ý niệm tổng quát. Tôi biết ít nhiều về đoạn mở đầu và đoạn kết, rồi tôi khám phá những phần ở giữa. Nhưng tôi không có cảm tưởng rằng mình đã phát minh ra chúng, rằng chúng tuỳ thuộc vào ý muốn tự do của mình. Mọi sự đều đâu vào đấy cả, nhưng chúng ẩn nấp, và công việc của tôi như một nhà thơ là tìm kiếm chúng.
Bradley nói rằng một trong những tác động của thơ là nó cho chúng ta cái ấn tượng rằng không phải chúng ta khám phá được điều gì mới lạ, mà nhớ lại điều gì đó chúng ta đã quên. Khi đọc một bài thơ hay, chúng ta tưởng tượng rằng mình cũng có thể viết được nó; rằng bài thơ ấy đã sẵn có trong chính mình. Điều này mang chúng ta đến với với định nghĩa của Plato về thơ: vật lung linh biến ảo, có cánh bay, và thiêng liêng. Như một định nghĩa, ý tưởng này thất bại, bởi vật lung linh biến ảo, có cánh bay, và thiêng liêng ấy cũng có thể là nhạc (trừ khi thơ là một hình thức của nhạc). Định nghĩa thơ như thế, Plato cống hiến cho chúng ta một ví dụ về thơ. Và điều này mang chúng ta đến với ý tưởng rằng thơ là một kinh nghiệm mỹ học -- ý tưởng này chắc hẳn đem đến một cuộc cách mạng trong việc giảng dạy thơ.
Tôi từng là một giáo sư văn chương Anh ở Khoa Triết Học và Ngữ Văn thuộc Đại Học Buenos Aires, và tôi đã cố gắng gạt bỏ văn học sử chừng nào hay chừng ấy. Khi các sinh viên của tôi xin tôi cho họ một thư mục cần phải đọc, tôi bảo họ “một thư mục thì không quan trọng -- rốt cuộc thì Shakespeare đã chẳng biết chút gì đến cái thư mục về Shakespeare cả.” Tại sao không nghiên cứu trực tiếp văn bản? Nếu bạn thích cuốn sách, thì tốt; nếu không thích, thì vất nó đi, bởi cái quan niệm đọc sách theo sự bắt buộc [lectura obligatoria] là một quan niệm quái gở; cùng lắm chỉ có cái lạc thú theo sự bắt buộc [felicidad obligatoria] mới là điều đáng bàn bạc. Tôi tin rằng thơ là cái gì đó người ta cảm nhận. Nếu bạn không cảm nhận thơ, nếu bạn không có ý thức gì về cái đẹp, nếu một câu chuyện không làm bạn muốn biết thêm những gì sẽ tiếp tục xảy ra, điều đó có nghĩa là tác giả đã không viết cho bạn. Hãy để nó qua một bên, vì văn chương đủ phong phú để cống hiến cho bạn một tác giả nào đó đáng để bạn chú ý, hoặc một tác giả hôm nay không đáng để bạn chú ý nhưng ngày mai bạn sẽ đọc.
Đây là cách tôi đã giảng dạy, nghĩa là tôi dựa trên sự kiện mỹ học, mà sự kiện ấy không cần phải được định nghĩa. Sự kiện mỹ học là cái gì đó cũng hiển nhiên, cũng tức thời, cũng bất khả định nghĩa như tình yêu, như vị trái cây, như nước. Chúng ta cảm nhận thơ như cảm nhận sự gần gũi của một người đàn bà, hay như chúng ta cảm nhận một hòn núi, một thuỷ vịnh. Nếu chúng ta cảm nhận nó tức thời, thì tại sao lại pha loãng nó vào những thứ chữ nghĩa khác, những thứ chữ nghĩa hiển nhiên còn yếu hơn cả những cảm nhận của chúng ta?
Có những người chẳng cảm nhận thơ chút nào, mà họ lại dấn thân vào việc giảng dạy thơ. Tôi tin vào cảm nhận thơ chứ không tin vào giảng dạy thơ. Tôi đã không dạy cho sinh viên yêu những văn bản nào đó; tôi dạy cho sinh viên làm cách nào để yêu văn chương, cách nào để thấy văn chương là một hình thái của niềm lạc thú.
[còn tiếp]
Nguyên tác: "La poesía", trong Jorge Luis Borges, Siete noches (Mexico: Fondo de Cultura Económica, 1980).
-------------------------
"La poesía" là một trong bảy bài giảng do Borges trình bày tại Teatro Coliseo, Buenos Aires, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1977. Những bài giảng này đã bị nhiều người lén thu băng đem bán, rồi bị một nhóm người khác chép lại với nhiều sai sót, và phát hành lậu dưới hình thức một phụ trang cho một nhật báo ở Buenos Aires. Hai năm sau đó, Roy Bartholomew đem một trong những ấn bản lậu ấy đến gặp Borges, và cùng ông biên tập lại thật chính xác để chính thức ấn hành tại Mexico vào năm 1980. (theo Roy Bartholomew, trong phần "Epilogo" [Lời bạt] ở cuối sách)