Nguyên tác: 天龍八部
Số lần đọc/download: 10255 / 339
Cập nhật: 2015-09-04 00:39:37 +0700
Hồi 23 - Quần Hùng Khiếp Vía
Ðoàn Dự nghe Thôi Bách Kế kể tới đây, trong bụng nhẩm tính: "thằng nhỏ 12,13 tuổi mà Huỳnh Mi tăng gặp cách đây bốn mươi ba năm với thanh niên Thôi
Bách Kế gặp trước đây mười tám năm không thể là một người vì thằng nhỏ kia tới ngày đó đã lớn tuổi hơn nhiều".
Thôi Bách Kế kể tiếp:
-Trong lúc tôi đang ngẩn người ra, bỗng nghe người thanh niên hỏi: "Nương tử!
Từ "quy muội" đến "vô vọng" bày hàng thế này có đúng chăng?".
Ðoàn Dự nghe đến "quy muội", "vô vọng" biết ngay là thanh niên nói những quẻ trong kinh dịch.
Thôi Bách Kế kể tiếp:
-Người đàn bà trầm ngâm một lúc rồi đáp: "Cần phải khởi từ góc Ðông Bắc đi xéo sang "minh di" rồi lại quay về "tốn vị", chàng coi có thể đi thông suốt được chăng?".
Ðoàn Dự giật mình ngắt lờ i:
-Những lời thiếu phụ nói đó rõ ràng là ở trong phép Lăng Ba Vi Bộ có điều vị trí hơi lệch lạc chưa đúng hẳn. Chẳng lẽ thiếu phụ này lại có liên quan đến pho tượng thần ở trong thạch động kia?
Thôi Bách Kế hoàn toàn không hiểu gì về câu hỏi của Ðoàn Dự, tiếp tục kể:
-Tôi thấy vợ chồng cứ giảng luận sách vở hoài, nóng ruột không nhịn được nữa,lớn tiếng quát: "Cặp trai gái chó dẻ này! mẹ chúng bay! Ta cho chết hết". Không ngờ hai người đó giả điếc, vờ như không nghe thấy, mắt vẫn nhìn vào sách, người vợ lại hỏi nhỏ chồng: "Từ chỗ này tới "tốn vị" mà chín bước thì làm sao mà đi tới được?".
Tôi lại quát mắng: "Ði đi... đi xuống cõi âm để gặp ông tổ 18 đời nhà mi à?". Dứt lời tôi toan nhẩy đến, thì thốt nhiên người chồng cả cười vỗ tay reo: "Hay lắm! Hay lắm! âm tức là quẻ "khôn", ông tổ mười tám đời, phải lắm, 9 lần 2 là
mười tám, bộ này chuyển đến "khôn vị" được. Thế là bộ pháp chỗ này ta thông hiểu được cả".
Ðoạn người chồng thuận tay chụp xuống chiếc bàn tính trên ngăn sách, không hiểu gã làm thế nào, đột nhiên ba con toán bay vút ra. Tôi cảm thấy trước ngực đau nhói, người mình như bị đóng đinh xuống, không nhúc nhích được nữa. Hai người vẫn chẳng thèm nhìn đến tôi, lại tiếp tục bàn luận nghĩa sách.
Tôi nghe chẳng hiểu gì cả, trong lòng sợ hãi không biết đến đâu mà kể. Sở dĩ người ta tặng tôi cái ngoại hiệu "Kim toán bàn" vì lúc nào tôi cũng mang theo một chiếc bàn tính đúc bằng hoàn kim. Trong đó có 17 con toán, chuyên dùng vào việc đả thương địch thủ khi cần đến. Có điều trong bàn tính của tôi phải đặt máy móc,dùng sức đẩy bằng lò xo. Còn bàn tính của người này chỉ là cái bàn tính thường làm bằng gỗ đỏ.
Tôi nhìn kỹ lại thì thấy một cái suốt tre ở giữa bàn tính của gã đã gẫy làm mấy đoạn. Rõ ràng đã dùng nội lực bẻ gãy chiếc suốt đó, đồng thời dùng nội lực bắn con toán ra, kỹ thuật gã tới mức độ thật không ai có thể tưởng tượng được.
Hai người đàm luận càng hứng thú bao nhiêu thì tôi càng sợ hãi bấy nhiêu,nghĩ thầm: "mình vừa mới gây nên huyết án, giết hết ba mươi mấy mạng trong nhànày. Bây giờ người bị cứng đờ, đứng trơ trơ ở đây, cử động không được, nói không ra lời. Ðã đành giết người khác đến thường mạng là cùng, có chết cũng chẳng oan nhưng e rằng thế tất nhiên phải liên luỵ đến sư huynh, điều đó làm tôi rất băn khoăn. Bị cầm chân hàng hai trống canh thật là cơ cực, cơ cực hơn 20 năm chịu khổ hình. Mãi đến lúc bốn bề xao xác tiếng gà gáy, người chồng mới vui vẻ bảo vợ:
"Mấy bộ pháp trước mình tưởng hôm nay không thể nào nghĩ ra được. Bây giờ chúng ta đi thôi chứ?". Người vợ đáp: "Kim toán bàn Thôi lão sư đã giúp huynh nghĩ ra được một bộ pháp kỳ diệu, vậy cũng nên tạ ơn vị đó mới phải chứ?". Tôi vừa mừng vừa sợ, không hiểu sao họ lại biết cả tính danh mình. Người chồng nói tiếp: "Ðã thế thì để cho y sống thêm mấy năm nữa. Lần sau gặp ta sẽ kết liễu tính mạng y". Ðoạn hai người thu nhặt sách vở, cầm tay nhau từ trong cửa sổ nhảy ra.
Tướng mạo người đàn bà thế nào thuỷ chung tôi vẫn không thấy rõ, chỉ có lúc ra đi nàng đưa tay trái về phía sau lưng tôi phất nhẹ để giải huyệt cho.
Tôi cúi đầu xuống nhìn thì thấy vạt áo trước ngực mình bị thủng ba chỗ, hai con toán đã lặn vào bên trên hai vú và một con nữa lặn vào chỗ chính giữa. Ba con toán song song một hàng và phân khoảng rất đều, tưởng lấy thước đo mà đặt vào chưa chắc đã đúng được thế. Ðây các vị thử coi xem!
Nói xong Thôi Bách Kế liền cởi áo ra, mọi người trông thấy đều không nhịn cười được. Ba con toán lặn sâu vào trong thịt thành một hàng thẳng tắp, phân quãng rất đều ở trước ngực mà không hiểu sao không tìm cách lấy ra.
Thôi Bách Kế lắc đầu, cài lại khuy áo rồi nói tiếp:
-Ba con toán lặn sâu vào trong da người là một tội khổ cực không gì bằng. Tôi định dùng giao nhọn khoét lấy ra nhưng đấy là những huyệt đạo, chỉ động tới một chút là ngất xỉu ngay tức khắc, mà phải lâu đến hàng 12 giờ chưa tỉnh lại được.
Còn lấy giũa hay giấy ráp mà mài cọ dần thì cũng đau đến phải la làng. Tội nghiệp này không có khác gì oan hồn ám ảnh suốt đời. Mỗi khi thời tiết thay đổi, mưa gió thất thường chỗ đó lại càng đau nhức không thể nào chịu được.
Thôi Bách Kế thở dài nói tiếp:
-Gã thanh niên ấy còn bảo: "Lần sau gặp y nữa là phải chết". Mạng mình mình phải giữ, khi nào để cho y kết liễu? Nhưng nếu vô phúc chạm trán y thì đừng có mà hòng sống sót. Muốn bảo toàn tính mạng chỉ có cách duy nhất là đừng để cho hắn bắt gặp nên bất đắc dĩ phải cao chạy xa bay, thay đổi họ tên, trà trộn vào làm người giúp việc trong phủ Trấn Nam Vương.
Tôi vẫn đinh ninh rằng nước Ðại Lý ở tận góc trời nam, hẻo lánh những nhân vật võ lâm ở Trung Nguyên chẳng mấy khi đến đây, vạn nhất mà quân chó đẻ đó có đến tìm, thì nơi đây còn có Ðoàn Vương gia, Cao Hầu và Lăng bằng hữu, bao nhiêu tay cao thủ, chẳng lẽ cứ giương mắt ra mà nhìn, để mặc cho y giết tôi sao? Ba con toán oan nghiệt này khảm vào trong người tôi, mỗi khi đau lên chỉ còn cách uống rượu say bí tỷ mê man cho quên đi mà
thôi, bao nhiêu hùng tâm tráng chí, danh vọng vứt mẹ nó ra ngoài chín tầng mây.
Mọi người đều thấy rằng cuộc tao ngộ của Huỳnh My tăng và Thôi Bách Kế đại khái giống nhau, chỉ khác ở phần tiểu tiết mà thôi, một người xuất gia tu hành, một người mai danh ẩn tích.
Ðoàn Dự thốt nhiên hỏi:
-Hoắc tiên sinh! (chàng quen miệng vẫn gọi thế). Sao tiên sinh biết đôi vợ chồng đó là Mộ Dung thị?
Thôi Bách Kế gãi đầu đáp:
-Ðây là do sư huynh tôi nghĩ ra. Sau khi tôi bị nạn ba con toán rồi tôi về bàn với sư huynh tôi thì người cho là: tất cả các phái võ lâm riêng nhà Mộ Dung mới dùng cái lối "gậy ông đập lưng ông". Cúng tôi tự lượng, không thể đối chọi được với các gia đình mà nhân vật toàn là yêu mà quỷ quái đó, chỉ có cách tránh đi là yên, đành làm cái kiếp con rùa rụt cổ vậy.
Thôi Bách Kế quay lại nói với Ðoàn Chính Thuần:
-Ðoàn vương gia! Sự tình tôi đã bộc bạch cả rồi. Vậy bây giờ xin kiếu đi tìm Mộ Dung thị đây. Sư huynh tôi với tôi khác nào tình ruột thịt, cái thù giết anh nhất định phải báo.
Ðoạn quay sang bảo Quá Ngạn Chi:
-Sư điệt! Chúng ta đi thôi.
Thôi Bách Kế cùng Quá Ngạn Chi vái chào mọi người rồi cùng cất bước lên đường. Mọi người đều ngạc nhiên trước thái độ thay đổi bất ngờ của Thôi Bách Kế.
Lúc trước đối với nhà Mộ Dung sợ hãi là thế, song nhắc đến sự báo thù cho sư huynh, biết rõ ra đi phen này tất chết mà vẫn quả quyết không chút rụt rè nên mọi người đều đem lòng kính trọng và cũng không tiện ngăn cản nữa.
Tuệ Chân hòa thượng đứng lên cung kính nói với anh em họ Ðoàn:
-Chưởng môn nhân, sư bá của tệ phái có gửi lời bẩm cùng liệt vị Bảo Ðịnh Hoàng Ðế là bậc chí tôn không dám làm phiền nhọc đại giá nhưng nếu được Trấn Nam Vương đến tệ xá mà chỉ giáo phương sách đối phó với nhà Mộ Dung cho thì thực là phúc lớn cho võ lâm. Sư bá tôi lại nói thêm: đáng lý ra người phải thân hành đến lãnh giáo ý kiến Ðoàn hoàng gia mới phải, ngặt vì trong chùa đã phái sư huynh đi mời các bậc cao thủ khắp nơi về hội họp tại chùa Thiếu Lâm. Sư bá tôi là chủ nhân không dám đi đâu, phải túc trực ở nhà để đón tiếp các vị anh hùng thiên hạ cho khỏi mang tiếng thất kính.
Ðoàn Chính Thuần nghĩ bụng: "Thiếu Lâm tự mở cuộc đại hội anh hùng, đó là một cơ hội tốt hiếm có. Ði dự cuộc họp với khắp các nhân vật trong võ lâm ở Trung Nguyên là một điều rất hứng thú". Ông có ý muốn đi liền đưa mắt nhìn Bảo Ðịnh Ðế, chờ huynh trưởng phát lạc.
Bảo Ðịnh Ðế nghiêm trang trả lời:
-Họ Ðoàn chúng tôi nguyên cũng ở trong võ lâm tại Trung Nguyên ra, mấy trăm năm nay không bao giờ dám vong bản. Các bạn võ lâm từ Trung Nguyên đến Ðại Lý, chúng tôi đều đón tiếp nồng hậu. Duy có một điều: tổ tiên họ Ðoàn tôi đã có di chúc dặn con cháu không được tham dự vào những cuộc tư thù, chém giết giữa các phái võ. Ðoàn Chính Minh này lâu nay hằng ngưỡng mộ Huyền Bi đại sư về nhân cách cũng như về võ công. Tuy nhiên đối với việc đại sư dặn bảo đây, trái với gia quy tổ tiên chúng tôi nên không thể tuân mệnh được. Mong sư huynh chuyển lại lời cùng Huyền Bi đại sư lượng thứ cho.
Tuệ Chân thất vọng, không biết nói thế nào thì đột nhiên Tuệ Thiền quỳ hai gối xuống, khẩn cầu:
-Trấn Nam Vương tới Thiếu Lâm tự, không phải là chúng tôi dám mong ngài trực tiếp chiến đấu với bọn Mộ Dung đâu. Vương gia là bậc lá ngọc cành vàng, đâu có thể khinh xuất mạo hiểm được? Có điều là võ công của bọn Mộ Dung ở Cô Tô kỳ diệu khôn lường. Gia sư mời các bậc anh hùng tới, không phải chủ ý nhiều người để nắm lấy phần thắng, mà chỉ mong tập hợp nhiều ý kiến cho thêm phần bổ ích. Góp nhặt những điều sở trường của các phái để cùng Mộ Dung so tài cao thấp.
Họ Ðoàn nước Ðại Lý là một phái võ chính tông về môn Nhất Dương Chỉ ở miền Nam, anh hùng trong bốn bể ai cũng nghe danh và đem lòng kính ngưỡng. Trong cuộc đại hội anh hùng tại chùa Thiếu Lâm nay mai, nếu họ Ðoàn nước Ðại Lý không đến dự là một điều khiếm khuyết rất lớn. Chúng tôi e rằng sẽ không có tay địch thủ được với gia đình họ Mộ Dung.
Bảo Ðịnh Ðế phất tay áo một cái, mép tay áo khẽ lướt qua bả vai Tuệ Thiền.
Tuệ Thiền cảm thấy có một làn hơi êm dịu và hùng hậu nâng vai mình lên. Lão tự nhiên không tự chủ được, đứng phắt dậy, trong lòng rất là khâm phục la lên:
-Hoàng gia! Nội công Hoàng gia thật là tuyệt diệu.
Bảo Ðịnh Ðế ôn tồn nói:
-Thiền sư mới từ xa tới, còn đương mệt nhọc, hãy xin mời vào trong sảnh đường dùng cơm và nghỉ ngơi chút đã. Tại hạ được nghe chuyện hung tin của tôn sư trong lòng rất thương tiếc. Nhưng họ Ðoàn tôi không thể đặt mình vào trong vòng ân oán của võ lâm được, vì tổ tiên đã có minh huấn để lại, xin lượng thứ cho!
Lời Bảo Ðịnh Ðế tuy khiêm tốn ôn hoà song là lời tuyên bố của bậc chí tôn, tỏ ra tâm ý quyết định rồi, dù có khẩn cầu mấy cũng vô ích nên Tuệ Chân và Tuệ Thiền đành cáo từ ra đi.
Lúc đó trong nhà đại sảnh còn lại toàn người trong nước. Ðoàn Chính Thuần hỏi Bảo Ðịnh Ðế:
-Hoàng huynh! Cô tô Mộ Dung nếu quả có kỹ thuật thần diệu như thế thì tiếng tăm phải lừng lẫy thiên hạ mới phải, vậy mà sao trong võ lâm ít khi nghe thấy ai nhắc tới?
Bảo Ðịnh Ðế đáp:
-Một là vì họ ít hành động, hai là lúc tranh đấu với ai, không thổ lộ đúng họ tên.
Ngay như việc xung đột với hai phái Thiếu Lâm và Tung Sơn cũng chưa biết rõ người đối đầu là ai cả.
Huỳnh Mi tăng cũng nói:
-Chính Minh không chịu tham dự vào cuộc rắc rối này thật là cao kiến. Việc này khởi phát ra e rằng sẽ thành một cuộc tranh phong đẫm máu giữa các phái võ, sát hại không biết bao nhiêu nhân mạng đây. Nước Ðại Lý ta mấy năm nay quốc thái dân an, nếu họ Ðoàn đi dự cuộc đại hội ở Thiếu Lâm, sau này tất có những nhân vật võ lâm ở Trung Nguyên sẽ tìm đến Ðại Lý, khiêu khích sinh sự mãi mãi, không bao giờ dứt được.
Ðang lúc nói chuyện thốt nhiên có tên vệ sĩ vào bẩm:
-Trình Vương gia, ở cổng ngoài có vị đạo trưởng xin vào tham kiến. Người nói là cố nhân ở núi Thiên Thai tới thăm bạn cũ.
Ðoàn Chính Thuần vui vẻ nói với Bảo Ðịnh Ðế:
-Hoàng huynh! Thạch Thanh Tử đạo huynh đã đến.
Nói xong liền chạy ra nghênh tiếp. Bảo Ðịnh Ðế và Huỳnh Mi tăng nhìn nhau,tự nhiên thấy Huỳnh Mi tăng đứng dậy nói:
-Lão tăng lánh mặt đây.
Bảo Ðịnh Ðế mỉm cười đáp:
-Những ý nghĩ giận hờn trước kia, đến bây giờ mà sư huynh vẫn còn giữ mãi à?
Huỳnh Mi khẽ nhếch mép cười nói tiếp:
-Phật pháp tinh diệu, chính quả khó thành. Khi lão tăng khám phá ra được manh mối vượt khỏi chữ "sân", tức là lúc từ giã Ðoàn huynh rồi đó.
Nói xong đứng dậy ra khỏi nhà khách sảnh, đi thăm bệnh tình sáu đồ đệ. Một lát nghe tiếng cười oang oang từ cửa đưa vào, Bảo Ðịnh Ðế liền đứng dậy chờ.
Ðoàn Chính Thuần và một vị đạo nhân dẫn tay nhau bước vào. Ðạo nhân đội mũ, mặc áo vàng, da sáng như ngọc, phong độ thanh nhã như thần tiên dưới thế. Ðạo nhân cúi đầu chào Bảo Ðịnh Ðế và nói:
-Chính Minh ca ca! Bấy lâu nay ca ca phú quý tôn vinh, đại hưởng thanh bình hạnh phúc lắm đa.
Bảo Ðịnh Ðế khoanh tay đáp lễ và mỉm cười trả lời:
-Anh chàng mũi trâu kia bôn tẩu giang hồ mãi mãi vẫn chưa dạn mặt phong trần nhỉ.
Thạch Thanh Tử cười khanh khách nói tiếp:
-Chưa chưa! Kìa anh Thăng Thái! Mạnh giỏi chứ? còn anh chuyên đào mả trộm gần đây có phát tài không? Phạm huynh vẫn tươi đẹp như thường, thêm được mấy vị cô ng tử nữa rồi? Anh chàng Thiên Thạch để nổi danh mỗi ngày một gày đét để nổi danh "Thiên hạ đệ nhất khinh công" kể cũng vinh dự lắm đấy! Lại còn anh chàng câu cá này nữa! đã câu được con rùa to nào chưa?
Thạch Thanh Tử gọi tên từng người ngồi trong khách sảnh, hỏi đùa giỡn như bạn cố tri một cách rất thân mật, không câu nệ lễ phép chút nào.
Ðoàn Dự biết rõ tính bá phụ hòa nhã nhưng chưa bao giờ nghe thấy ông nói đùa cợt với ai cả. Bây giờ vị đạo nhân này tới, làm cho bầu không khí vui tươi hẳn lên,đến bá phụ cũng gọi đùa đạo nhân là "chàng mũi trâu". Thế mới biết Thạch Thanh Tử quả khéo khôi hài và nói chuyện rất có duyên.
Ðoàn Chính Thuần gọi bảo Ðoàn Dự:
-Con mau chạy ra lạy chào đạo trưởng đi! Vị này là "Ðông Phương đệ nhất kiếm" Thạch Thanh Tử mà thường nhật ta vẫn nhắc tới đó. Người tinh thông kiếm pháp, có thể là "đệ nhất kiếm pháp" thời nay vậy.
Thực ra Ðoàn Dự chưa từng nghe phụ thân nhắc tới tên vị này bao giờ. Song bây giờ không tiện hỏi, chàng vâng lệnh tới lạy chào.
Thạch Thanh Tử vui vẻ khen:
-Cha nào con nấy, quả là một nhân vật phong lưu tuấn tú. Tử đệ nhà họ Ðoàn nước Ðại Lý, một nhà võ học uyên thâm, chắc võ công công tử phải cao siêu lắm.
Thạch Thanh Tử vừa dứt lời liền đưa tay đỡ Ðoàn Dự đứng lên nhưng trong tay đã vận chút ít nội lực chủ ý thử xem võ công Ðoàn Dự đã tới mức nào.
Ðoàn Dự vội kêu lên:
-Xin đạo trưởng nới tay, cháu chưa học võ công đâu.
Ðoàn Dự nói chưa dứt lời thì hai tay Thạch Thanh Tử đã chạm vào bàn tay Ðoàn Dự. Ðột nhiên ông giật mình đánh thót một cái. Kình lực vừa phát ra phút chốc đã biến mất tăm dạng, chẳng khác gì hòn đất quẳng xuống biển, thấy trong tay Ðoàn Dự có một hấp lực rất mạnh hút cuồn cuộn lấy nội lực trong người mình.
Thạch Thanh Tử đi di lịch khắp thiên hạ, thấy nhiều hiểu rộng, sau khi kinh hoàng miệng lẩm bẩm: "Ðây là môn hoá công đại pháp của phái Tinh Tú Hải ở núi Côn Luân. Họ Ðoàn nước Ðại Lý là một chính phái tiếng tăm lừng lẫy, sao lại để con cháu luyện môn tà thuật này? một môn mà hết thảy võ lâm đều thống hận, ghê tởm". Ông liền ngưng tụ kình lực, lật hai bàn tay đập mạnh vào trên mu bàn tay Ðoàn Dự mới gỡ được tay ra, khỏi bị dính chặt vào tay chàng.
Ðoàn Dự cảm thấy hai tay đau nhói, tựa hồ xương tay bị gẫy nát, chàng đem lòng oán hận Thạch Thanh Tử, lẩm bẩm một mình: "Lão này tệ thật, mình có nhã ý ra lạy chào lão mà lão lại trở mặt đánh mình đau thế này".
Chàng có hiểu đâu rằng Thạch Thanh Tử tưởng lầm là chàng đem tà thuật hại ông. Ông biết môn "hoá công đại pháp" có một ma lực ghê gớm, một người luyện võ suốt đời tâm khổ mới thành tài, nhưng chỉ trúng tà pháp này thì bao nhiêu nội công, ngoại lực đều mất hết, trở thành người không biết một chút võ công nào nữa. Có điều người dùng môn tà
thuật đó tuy làm tổn hại cho người nhưng cũng chẳng bổ ích gì cho mình cả. Khác với sức "chu cáp thần công" trong người Ðoàn Dự, mỗi khi đụng vào ai thì nó hút lấy nội lực người đó nhập vào nội lực của mình và cứ mỗi lần tiếp xúc như thế nội lực lại tăng thêm. Vừa rồi một ít nội lực của Thạch Thanh Tử cũng đã bị chuyển sang người chàng.
Bọn Bảo Ðịnh Ðế thấy trạng thái Thạch Thanh Tử có vẻ khác lạ đều lấy làm kinh ngạc.
Ðoàn Chính Thuần sợ Thạch Thanh Tử dùng độc thủ đánh con mình,tức khắc bước tới gần, mỉm cười nói:
-Anh chàng mũi trâu này lâu lắm mới gặp nhau, định dùng món quà gì để tặng cho con tôi đó?
Ðoàn Chính Thuần vừa nói vừa vận dụng nội lực để dự bị đối phó. Vì Thạch Thanh Tử không những về kiếm thuật đã lừng danh bốn bể mà cả về môn nội công quyền cước Thạch cũng là một tay trác tuyệt. Nếu để Ðoàn Dự bị trúng một đòn,thì dù chẳng chết cũng bị trọng thương.
Thạch Thanh Tử cười nhạt hỏi:
-Họ Ðoàn ở nước Ðại Lý, riêng về môn Nhất Dương Chỉ cũng đã nổi tiếng với thiên hạ hãy còn chưa đủ à? Sao còn phải cho con đi học môn tà thuật của Tinh tú
Hải lão ma làm gì?
Ðoàn Chính Thuần ngạc nhiên hỏi:
-Có phải anh nói môn tà thuật "hoá công đại pháp" đó chăng? ai học môn ấy?
Thạch Thanh Tử đáp:
-Anh để lệnh lang đi vào con đường bàng môn tả đạo mà không sợ làm ô uế thanh danh họ Ðoàn nước Ðại Lý ư?
Ðoàn Chính Thuần lại càng kinh ngạc cho là Thạch Thanh Tử ám chỉ môn phái Nam Hải Ngạc Thần nên mỉm cười nói tiếp:
-Nam Hải Ngạc Thần tuy cố ý thu nạp con tôi làm đồ đệ nhưng ngờ đâu trái lại y phải nhận con tôi làm thầy. Dù sao chỉ là chuyện đùa chứ đâu phải sự thực?
Thạch Thanh Tử lắc đầu đáp:
-Nam Hải Ngạc Thần cố nhiên là một phái võ có sở trường riêng nhưng y có biết gì về môn "hoá công đại pháp"?
Ðoàn Chính Thuần có vẻ bực bội hỏi:
-Anh chàng mũi trâu này chỉ có một điều "hoá công đại pháp" hai điều "hoá công đại pháp", định giở trò ma quỷ gì đây?
Thạch Thanh Tử có biết đâu đến chuyện Ðoàn Dự có "chu cáp thần công" trong mình? Chẳng những Bảo Ðịnh Ðế cùng vợ chồng Ðoàn Chính Thuần không hay mà chính chàng cũng không hiểu nốt. Thạch Thanh Tử cho là Ðoàn Chính Thuần lừa bịp mình, nên đứng phắt dậy, giận dỗi nói:
-Hai vị Ðoàn gia! Thạch mỗ tuy mây ngàn hạc nội, phiêu bạt giang hồ nhưng hai bàn chân không phải là sắt, lẽo đẽo từ Giang Nam đến Ðại Lý, đâu có phải vì một chén thanh trà? Các vị đã không coi tôi là bạn thì thôi, tôi xin cáo biệt.
Nói xong quay gót đi liền.
Bảo Ðịnh Ðế mỉm cười bảo Hoa Hách Cấn và Ba Thiên Thạch:
-Hai người ra giữ lấy anh chàng mũi trâu lại! Bắt gã phải nói cho vỡ lẽ? Vì lý do gì đã vì tình bạn hữu qua chơi nước Ðại Lý, lại chưa ăn uống no say đã trở gót?
Ðâu có thể để gã ra đi một cách dễ dàng thế được?
Hoa Hách Cấn và Ba Thiên Thạch cùng là bạn với Thạch Thanh Tử nên đều cười khanh khách, nhảy ra chặn cửa.
Hoa Hách Cấn nói:
-Thạch đạo trưởng! Ðạo trưởng qua chơi nước Ðại Lý mà không mang theo trường kiếm, đủ tỏ là đạo trưởng có thịnh tình và giữ thể diện cho bên Hoàng gia chúng tôi nhưng cũng vì thế mà đạo trưởng muốn qua khỏi cửa này không phải
chuyện dễ dàng.
Thạch Thanh Tử thấy mặt mọi người đều không có gì là kình địch nên trong lòng nghĩ lại: "cứ như địa vị và danh vọng họ Ðoàn quyết nhiên không chịu để cho con cháu luyện môn tà thuật ô uế của Tinh tú Hải hay là Ðoàn Dự đã học lén và giấu cả cha, bác chăng? nếu mình nói toạc ra e lại kết oán với Ðoàn Dự. Có điều mình đối với Bảo Ðịnh Ðế và Ðoàn Chính Thuần là chỗ thâm giao, chẳng lẽ biết mà không nói?".
Nghĩ vậy Thạch Thanh Tử liền quay lại, nghiêm nét mặt nói với Ðoàn Dự:
-Ðoàn công tử ơi! Thạch mỗ dù chẳng có ra gì chăng nữa cũng vẫn là vai trên công tử. Hôm nay ta có câu chuyện nói ra hơi khó nghe song vì muốn giữ danh diện cho lệnh bá và lệnh tôn nên buộc lòng ta phải nói. Xin công tử miễn trách.
Ðoàn Dự vội đáp:
-Thạch đạo trưởng có điều chi dạy bảo, Ðoàn Dự xin cung kính tuân theo.
Thạch Thanh Tử nghĩ thầm:
-Thằng lỏi con này giả vờ khéo đây! nó làm ngây như thật!
Nghĩ vậy Thạch Thanh Tử hỏi luôn:
-Ðoàn công tử học "hoá công đại pháp" được mấy năm rồi? Phải chăng lệnh sư là một vị chân nhân dưới trướng Tinh Tú Hải lão ma?
Ðoàn Dự tuyệt nhiên không hiểu câu hỏi ra sao, chàng hỏi lại:
-Trưởng lão nói sao? "hoá công đại pháp" rồi Tinh Tú Hải lão ma là chi vậy?
Vãn sinh hôm nay mới được nghe trưởng lão nói là một.
Thạch Thanh Tử lại cho là người truyền thụ môn này cho Ðoàn Dự cố ý giấu kín về lai lịch môn phái và giấu luôn cả tên gọi môn võ công đó chăng? Ðạo nhân hỏi tiếp:
-Vậy người truyền môn này cho công tử tướng mạo thế nào?
Ðoàn Dự đáp:
-Vãn sinh chưa từng học qua môn võ nào cả.
Giữa lúc đó, Huỳnh Mi tăng từ nội đường xăm xăm chạy ra, nắm lấy tay phải Ðoàn Dự. Nhưng vừa chạm vào tay chàng, nhà sư cảm thấy người run bần bật và nội lực trong mình cứ thế tuôn ra, không sao hãm lại được. Tức quá ông liền co chân đá Ðoàn Dự bắn đi lăn long lóc.
Mọi người thấy vậy, sợ tái xanh mặt, nhất tề đứng dậy hỏi:
-Chi vậy? Chi vậy?
Huỳnh Mi tăng đáp:
-Hai vị Ðoàn huynh! Các vị có đánh chết thằng nhỏ này không? Hay để cho lão tăng phải ra tay?
Giọng nói nhà sư run lên vì tức giận, những thớ thịt trên mặt giật lên trông rõ. Sở dĩ Huỳnh Mi tăng có hành động này là vì sáu đồ đệ sau khi tỉnh lại đã kể rõ cho biết chuyện họ bị Ðoàn Dự hút hết cả nội lực, nên sự xét đoán của Huỳnh Mi tăng hoàn toàn giống Thạch Thanh Tử và cho là chàng đã học môn "hoá công đại pháp" của Tinh Tú Hải. Huỳnh Mi tăng lại còn bực mình ở chỗ Ðoàn Dự còn đem oán trả ơn, làm hư hoại nội lực cả sáu đồ đệ ông, rồi lúc chính ông chạm vào tay Ðoàn Dự lại cảm thấy rõ công lực của mình cũng bị hao tổn, thế là ông tin chắc, không còn nghi ngờ gì nữa.
Thoạt mới nghe Thạch Thanh Tử nói, Bảo Ðịnh Ðế lấy làm kỳ quái cũng cho là tính hạnh Thạch xưa nay vẫn ưa khôi hài, quen lối hoạt kê, cố ý gây một trò cười,nhưng từ lúc thấy Huỳnh Mi tăng cử chỉ như vậy nhà Vua mới biết là sự tình nghiêm trọng lắm.
Bảo Ðịnh Ðế đưa tay trái nắm lấy bàn tay Ðoàn Dự dắt dậy.
Hai tay vừa chạm vào nhau, nhà vua cũng cảm thấy trong lòng xao xuyến và nội lực cứ tiết ra ngoài, liền kìm hãm kình lực lại, phất mạnh tay áo một cái, đẩy Ðoàn Dự lùi ra ba bước và quát hỏi:
-Mi học môn tà thuật này từ bao giờ?
Ðoàn Dự từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ bị bá phụ tức giận quát mắng như thế, sợ quá quỳ mọp xuống lạy, bẩm:
-Cháu chưa từng học môn võ công nào khác, ngoài phép Lăng Ba Vi Bộ. Nếu có phải đó là một môn tà thuật ác độc thì... từ nay cháu không sử dụng đến nó nữa,quên nó đi là xong.
Bảo Ðịnh Ðế vốn biết Ðoàn Dự có tính khí cương trực, không hề nói dối bao giờ,hơn nữa đối với bá phụ vẫn có một niềm kính mến, quyết không có lý do nào lại dùng tà thuật để hại bác, tất có điều gì bí ẩn bên trong nên lại hỏi tiếp:
-Mi dùng tà thuật để tiêu tán mất công lực của ta, đó là tự ý mi hay là kẻ nào bắt buộc, đến nỗi không tự chủ được?
Ðoàn Dự lại càng kinh ngạc đáp:
-Cháu không biết mảy may gì cả. Khi nào cháu dám dùng tà thuật làm tiêu tan nội lực bá phụ? Cháu thực không hiểu một chút gì về tà thuật.
Từ lúc Tuệ Chân và Tuệ Thiến mới đến, Thư Bạch Phụng giữ địa vị một bậc Vương Phi, không tiện ra ngoài tiếp tân khách nên vẫn ngồi trong nhà. Sau khi nghe báo Ðoàn Dự bị Huỳnh Mi tăng đá lăn đi và đang bị Bảo Ðịnh Ðế chất vấn
nóng ruột quá mới chạy ra xem.
Bà thấy con đang quỳ dưới đất, nét mặt hốt hoảng lo sợ, trong lòng xiết bao thương xót, đưa tay cầm lấy cánh tay con khuyên nhủ:
-Ðoàn Dự! Con đừng lo! Có gì cứ trình rõ cho bá phụ... biết là xong...
Vừa chạm vào tay con, Thư Bạch Phụng đã cảm thấy nội lực cứ cuồn cuộn tiết ra, không sao kìm hãm lại được.
Bảo Ðịnh Ðế đã biết trước và đề phòng, song giữa anh chồng với em dâu, không tiện đưa tay ra nắm lại, chỉ dùng tay áo phất mạnh một cái, một luồng kình lực phóng ra, tựa lưỡi sắt mỏng lách vào giữa, hai tay mẹ con Ðoàn Dự tức khắc rời ra.
Thư Bạch Phụng vừa rút tay ra được kinh hoảng hỏi con:
-Mi... Mi...
Ðoàn Dự thấy mẫu thân lảo đảo lùi lại không hiểu ra sao, vừa toan chạy đến định đỡ cho mẫu thân đứng vững.
Ðoàn Chính Thuần gọi giật giọng:
-Dự nhi! Ðứng yên đấy!
Vừa nói vừa nhảy vội đến, đứng xen vào giữa hai mẹ con Ðoàn Dự. Tới lúc này thì mọi người đều thay đổi ý nghĩ, biết trong người Ðoàn Dự có cái gì quái lạ,không ai còn nghi ngờ chàng đã học môn "hoá công đại pháp" để cố ý làm hại
người nữa. Những vị này am hiểu thế cố, chỉ nhìn vào cử chỉ và trạng thái Ðoàn Dự cũng biết chàng chẳng có mảy may gì là giảo hoạt gian trá. Dù chàng có là kẻ đại gian, đại ác đến đâu chăng nữa, cũng không có lý nào lại định làm hại đến cả mẫu thân được.
Cao Thăng Thái thốt nhiên nói với Huỳnh Mi tăng và Thạch Thanh Tử:
-Tôi đố hai vị tìm ra được nguyên nhân vụ này và thi xem ai nói đúng trước là thắng.
Hai người trừng mắt lườm nhau một cái rồi đều gia công suy nghĩ.
Nguyên trước kia Huỳnh Mi tăng và Thạch Thanh Tử là đôi bạn rất thân nhưng có một lần ngẫu nhiên tranh luận về hai giáo lý Phật và Ðạo rồi không bên nào chịu bên nào. Cuộc tranh luận giáo lý đưa đến cuộc tỷ thí võ lực. Mỗi bên đều có sở trường riêng, bất phân cao hạ. Sau còn đấu liên tiếp mấy lần, cuối cùng đi tới chỗ cả hai người cùng suýt chết, may nhờ Bảo Ðịnh Ðế dùng nội lực thượng thừa mới giải cứu được. Song cả ba người cùng hao tổn công lực. Từ đó bên nhà sư và bên thầy đạo không trông mặt nhau nữa. Không ngờ hôm nay lại gặp nhau tại phủ Trấn Nam Vương này.
Cao Thăng Thái có ý định hoà giải cuộc đấu tranh vô vị giữa hai bên, chỉ mong hai người nhân dịp này tỷ thí về kiến văn chứ không tỷ thí về võ lực để phân rõ thắng phụ mà kết liễu cuộc tranh chấp đó đi. Song Cao Thăng Thái là bạn thâm
giao với Thạch Thanh Tử, ra mục đề như thế không khỏi có ý thiên lệch ở bên trong. Vì Thạch Thanh Tử là người đi khắp đó đây tất lịch duyệt hơn. Trong một năm chả được mấy ngày thảnh thơi ngồi nhàn, còn Huỳnh Mi tăng ở nơi hoang sơn, hẻo lánh kiến văn bằng Thạch Thanh Tử thế nào được? Có điều Huỳnh Mi tăng cố nhiên là không hiểu được rồi còn Thạch Thanh Tử thì ngoài sự suy tưởng cho là môn "hoá công đại pháp" của Tinh Tú Hải ra cũng không sao tìm được câu giải đáp nào khác nữa.
Ðoàn Chính Thuần từ hồi nào vẫn ngồi yên, bây giờ thốt nhiên tỏ vẻ phẫn nộ nói:
-Ðoàn Dự trong lúc bị giam trong nhà đá nhất định bị Thanh Bào Khách dùng dùng thứ chất độc ghê gớm gì đây, nên trong người có tà thuật mà y không biết.
Bảo Ðịnh Ðế gật đầu đáp:
-Thuần đệ suy đoán rất có lý. Ðoàn Dự nhất định bị lão dùng thủ đoạn sâu độc gì chứ không thoát được.
Ðoàn Dự đáp:
-Có! Cháu bị hôn mê bất tỉnh, ít nhất cũng tới bốn, năm lần.
Ðoàn Chính Thuần vỗ tay nói:
-Ðúng rồi, Thanh Bào Khách nhân lúc Dự nhi hôn mê đem tà thuật làm tiêu tan công lực chuyền vào trong người nó. Thế là lão mượn tay Dự nhi để làm hại những người chí thân trong nhà. Cái kế hiểm độc của lão làm cho tất cả công lực của chúng ta đều bị huỷ hoại về tay Ðoàn Dự. Con người thâm độc như thế hỏi ai không căm phẫn cho được?
Ðại ca! Việc này không thể chậm trễ. Ta phải nghĩ cách khử trừ tà thuật cho Dự nhi ngay.
Thư Bạch Phụng lại càng lo lắng, vội hỏi:
-Dự nhi! Con có thấy trong người bứt rứt khó chịu không?
Ðoàn Dự chau mày đáp:
-Khắp trong người con chỗ nào cũng toàn chướng khí, chỗ nào cũng bị căng thẳng muốn chết đi được vì không lối thoát ra ngoài, nó cứ chạy quẩn trong người.
Lục phủ ngũ tạng dường như bị đảo lộn cả lên.
Mọi người thấy thế đều thương xót cho Ðoàn Dự, nhất là Thư Bạch Phụng tình mẫu tử lại càng thấm thía nên nói với Bảo Ðịnh Ðế:
-Thưa đại bá! Phải nghĩ cách nào để trừ độc cho Dự nhi mới được chứ!
Bảo Ðịnh Ðế đáp:
-Ðệ muội hãy khoan tâm! Hai vị trước mặt ta đây: một tăng, một đạo đều là nhân vật tiếng tăm lừng lẫy trong võ lâm, một ông mắng thằng bé hết lời, một ông đá nó quay long lóc, tất nhiên họ phải lãnh trách nhiệm trị bệnh, giải độc cho y.
Hai người đầu óc đang bận suy nghĩ tìm xem Ðoàn Dự mắc phải tà thuật gì hay là trúng phải nọc độc nên chưa nghe thấy lời Bảo Ðịnh Ðế vừa nói. Thốt nhiên Huỳnh Mi tăng reo lên:
-A ha! Phải rồi!
Ai nấy cả mừng chăm chú nhìn vào ông. không ngờ Huỳnh Mi tăng lại lắc đầu xua tay, cải chính:
-Nhưng mà không đúng! Không đúng! Thứ thuốc độc đó chỉ có thể làm tiêu tan được công lực bản thân người trúng thôi chứ không thể làm tiêu tan sức mạnh của người khác.
Ðoạn lại thấy Thạch Thanh Tử vỗ đét vào đùi và nói:
-Nhất định là thế này rồi.
Cao Thăng Thái mừng rỡ hỏi:
-Thế nào?
Thạch Thanh Tử vẻ mặt hớn hở đáp:
-Trên núi Trường Bạch ngoài biển thuộc Liêu Ðông, có một cái đảo rắn...
Nói tới đây nét mặt vui mừng lạt dần, rồi biến thành thất vọng buồn thiu. Thạch Thanh Tử lắc đầu nói tiếp:
-Tôi nghĩ lầm rồi! Có một chỗ nói không xuôi được.
Trong toà khách sảnh lại im hơi lặng tiếng hồi lâu, không ai nói năng gì hết.
Trong lúc bầu không khí nặng trĩu bao phủ thoáng nghe có tiếng chân bước lật đật,một tên thái giám chạy từ ngoài vào đến cửa đã lên tiếng bẩm:
-Khải tâu đức vạn tuế, có hai tên giả câm giả điếc, chúng dám viết những câu đại nghịch bất đạo vào trước ngực, hiện đã bắt giữ, để ngoài cửa cung.
Bảo Ðịnh Ðế vừa nghe thấy bốn chữ: "giả câm giả điếc" chợt nghĩ ra điều gì hỏi lại:
-Người đó bị câm thật hay bị cắt lưỡi?
Thái giám đáp:
-Ðức vạn tuế thật là bậc thánh minh nhìn xa muôn dặm. Hai tên gian tế này quả là bị cắt lưỡi.
Bảo Ðịnh Ðế đưa mắt nhìn Huỳnh Mi tăng cùng Thạch Thanh Tử và Ðoàn Chính Thuần. Mọi người đều tự hỏi: "phải chăng lung á lão nhân cũng ra tay, thế này thì lại càng thêm phiền cho mình".
Bảo Ðịnh Ðế quay sang bảo Ba Thiên Thạch:
-Ngươi ra mời hai người khách đó vào đây!
Ðược một lát Ba Thiên Thạch dẫn hai gã thanh niên chừng 18, 19 tuổi vào bẩm:
-Có sứ giả dưới trướng Thông Biện tiên sinh vào triều kiến bệ hạ.
Nguyên Lung á lão nhân vừa điếc vừa câm nhưng lại mang ngoại hiệu Thông Biện tiên sinh, ra điều tai ta tuy điếc nhưng lại nghe rõ hơn mọi người, miệng ta tuy câm nhưng lại hùng biện hơn ai hết. Lung Á tiên sinh là một nhân vật rất nổi
tiếng trong võ lâm, không thuộc phe tà mà cũng không hẳn phe chính. Lão đã kết oán với ai thì suốt đời tranh đấu liên miên. Nếu chưa làm được cho kẻ thù tàn tạ thì không bao giờ chịu thôi. Vì thế những người trong võ lâm có võ công tương đương với lão, hoặc cao hơn lão cũng xử nhũn với lão để tránh mọi sự phiền não.
Mọi người thấy hai gã thanh niên khí vũ hiên ngang, diện mạo thanh tú, cùng mặc áo bào trắng dài lượt thượt, trước ngực có viết hai hàng chữ: "Sứ giả dưới trướng Thông Biện tiên sinh có việc báo cho Ðoàn Chính Minh tiên sinh hay".
Khắp trong nước Ðại Lý ai cũng phải kiêng hai chữ Chính Minh không được nhắc tới. Bây giờ thấy hai gã này dám công nhiên viết "Ðoàn Chính Minh tiên sinh" vào trước ngực nên một nhóm triều thần và thái giám cho là kẻ đại nghịch bất đạo.
Bảo Ðịnh Ðế tủm tỉm cười nói:
-Thông Biện tiên sinh gọi ta bằng tiên sinh, thế cũng là nể ta lắm đó.
Hai thanh niên tới trước mặt Bảo Ðịnh Ðế chỉ vái chào chứ không quỳ lạy.
Ba Thiên Thạch lấy giấy bút trên bàn viết mấy chữ: "Thông Biện tiên sinh có điều chi muốn nói? Các ngươi tâu lên Hoàng thượng đi!".
Lung á lão nhân tính tình rất là cổ quái, những đệ tử dưới trướng cùng những người hầu cận lão đều bị cắt lưỡi và chọc thủng màng tai để trở thành những người câm điếc như lão, đã chẳng nghe thấy gì lại không nói được. Thật là một quy luật đặc biệt nên khách giang hồ ai cũng biết tiếng. Gã thanh niên đứng mé trái cởi bọc đeo trên lưng xuống, mở ra lấy một bộ quần áo con gái mầu hồng nhạt mặc vào rồi lại lấy phấn sáp thoa lên mặt. Còn một gã giúp hắn sẻ tóc ra, buộc làm hai túm,quấn chỉ mầu hồng vào, hoá trang làm một vị nữ lang. Mọi người thấy thế vừa kinh ngạc vừa buồn cười, đều nghĩ mãi không hiểu Lung á tiên sinh phái hai gã sứ giả này đến để giở trò quỷ quái gì. Gã thanh niên giả dạng thiếu nữ xong, liền thướt tha bước hai bước tới rồi lại õng ẹo múa chân, múa tay một hồi, điệu bộ thướt tha cho ra vẻ một thiếu nữ khả ái. Mọi người tuy buồn cười nẻ ruột song đều cho là Lung Á lão nhân giở trò này tất có thâm ý gì nên ai cũng giữ vẻ trầm mặc, không cười lên tiếng. Riêng mình Ðoàn Dự chẳng cần hiểu Lung Á lão nhân là hạng người nào, vỗ tay cả cười hỏi:
-Ngươi đóng vai một vị nữ lang, còn gã kia thủ vai gì?
Gã thanh niên thứ hai không cải trang chi hết, ngẩng đầu lên, nhìn cao bước dài,tựa hồ một nhân vật hiên ngang, tung hoàng thiên hạ không ai bằng mình. Hắn đi quanh một vòng, tới trước mặt thiếu nữ giả nghiêng đầu nhoẻn cười và đưa mắt liếc, rồi lại thò tay vuốt má. Thiếu nữ giả cũng tủm tỉm cười, môi mấp máy làm bộ như người nói được. Thốt nhiên thanh niên ghé miệng hôn má thiếu nữ giả. Thiếu nữ giả tức mình đưa tay tát bốp vào má thanh niên một cái thật mạnh. Thanh niên vụt chìa ngón tay trỏ ra, điểm vào cạnh sườn thiếu nữ giả. Trong lúc thanh niên đưa ngón tay trỏ ra thì từ Bảo Ðịnh Ðế, Ðoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái,Huỳnh Mi tăng, Thạch Thanh Tử cho đến bọn tam công nước Ðại Lý, không hẹn nhau mà cùng kêu rú lên một tiếng.
Ðoàn Chính Thuần và Thạch Thanh Tử rời chỗ ngồi, đứng phắt dậy vì thấy ngón tay điểm huyệt của thanh niên này, về thủ pháp cùng cương vị nhất nhất đúng phép "Nhất Dương Chỉ" gia truyền của họ Ðoàn.
Về thủ pháp Nhất Dương Chỉ thoáng nhìn thì tựa hồ chẳng có chi là khó nhưng kỳ thực trong đó chứa đựng bao nhiêu biến hoá kỳ diệu. Ngón tay phóng ra phải tuỳ theo phương tiện, đứng cách xa bao nhiêu, rồi đưa cả bàn, không một chỗ nào có thể sai lầm bằng dây tơ sợi tóc, không thế thì uy lực không thể phát huy ra được.
Bọn Huỳnh Mi tăng, Thạch Thanh Tử, Cao Thăng Thái tuy chưa học môn Nhất Dương Chỉ song đối với họ Ðoàn là chỗ thân mật từ lâu nên về thủ pháp đúng hay sai, thoáng trông đã hiểu ngay.
Mọi người đều biết rõ Lung á lão nhân về võ công tự lập ra một phái võ chuyên về môn âm nhu trái ngược với môn Nhất Dương Chỉ chuyên về sở trường dương cương. Hai đằng khác hẳn nhau, không hiểu sao đồ đệ lão lại học được môn chỉ pháp đó?
Mọi người còn đang kinh dị thì trong chớp nhoáng, sự biến hoá lại phát sinh ngay trước mắt.
Thiếu nữ giả thấy ngón tay thanh niên điểm tới, vụt đưa bàn tay ra nắm lấy, ngón tay trỏ thanh niên kêu rắc một tiếng. Ngón tay thanh niên đã bị gãy xương. Miếng bẻ đó thật là kỳ diệu.
Mọi người đều nhìn thấy rõ ràng, nhưng không ai ngờ được là cô thiếu nữ giả hiệu lại biết sử dụng thế đánh hiểm hóc này. Thanh niên lại bước lên một bước, dùng ngón tay trỏ bên trái điểm trước ngực thiếu nữ giả, vẫn theo phép Nhất Dương Chỉ.
Thiếu nữ giả hai tay vừa chập vào nhau đã nghe cấc một tiếng, ngón tay trái thanh niên lại bị gãy nốt. Thanh niên bị gãy liền hai ngón tay và tựa hồ không đau đớn gì vẫn tiếp tục tấn công. Trong khoảnh khắc gã sử dụng luôn sáu thế về phép Nhất Dương Chỉ. Thiếu nữ giả phản công bằng đủ mọi cách, hoặc bật lên đè xuống,hoặc nắm lấy hất ra, hoặc móc vào giữ lại. Kết cục đối phương lại gẫy thêm sáu ngón tay nữa, chỉ còn trơ lại hai ngón tay cái, thanh niên phải xoay người sang mé bên trái chạy trốn.
Thiếu nữ giả vỗ tay cười ha hả, ra chiều đắc ý rồi lại cầm bút viết mấy chữ: "họ Ðoàn nước Ðại Lý còn thua nhà Mộ Dung ở Cô Tô". Viết xong ném bút xuống, dắt tay thanh niên bị gãy ngón tay đó đi liền.
Ba Thiên Thạch cản lại nói:
-Hãy thong thả.
Bảo Ðịnh Ðế lắc đầu nói:
-Cứ để cho họ đi.
Hai gã đi khỏi, mọi người đều cảm thấy đầu óc nặng trĩu, yên lặng không ai nói gì. Mọi người đều hiểu rằng Lung Á lão nhân sở dĩ phái hai tên sứ giả này tới cốt ý bảo rõ cho Bảo Ðịnh Ðế và Ðoàn Chính Thuần biết là nhà Mộ Dung ở Cô Tô đã có cách phá môn Nhất Dương Chỉ của họ Ðoàn rồi.
Dĩ nhiên Bảo Ðịnh Ðế hay Ðoàn Chính Thuần sử dụng phép Nhất Dương Chỉ tất uy lực sẽ mạnh hơn nhiều, song đây đối phương tượng trưng bằng một thiếu nữ, đến lúc bậc cao thủ khác của Mộ Dung ra tay, tất nhiên các đường đánh còn kỳ diệu hơn gấp mấy. Ðiều làm cho mọi người băn khoăn nhất là thanh niên đó công nhiên sử dụng luôn được tám đường trong môn Nhất Dương Chỉ, tuy còn kém về sức mạnh song cách thức thì không sai mảy may. Tám thủ pháp để khắc chế địch thủ của thiếu nữ giả lại càng kỳ diệu và biến hóa không biết đâu mà lường được.
Bảo Ðịnh Ðế không nhắc tới chuyện vừa rồi, quay sang mỉm cười hỏi Thạch Thanh Tử:
-Ðạo huynh! Ðạo huynh lận đận từ Giang Nam đến đây, phải chăng cũng có chuyện gì liên quan đến nhà Cô Tô Mộ Dung?
Thạch Thanh Tử lắc đầu đáp:
-Ðối với bọn Mộ Dung thì chẳng có liên quan gì nhưng đối với họ Ðoàn thì có việc liên quan rất lớn. Số là đệ tử họ Ðoàn đã gây ra tại thành Dương Châu một việc rắc rối không thể tả được.
Hoàng đế nhà Ðại Tống tuy có nể mặt Ðoàn huynh,không muốn truy cứu làm gì, song những nhân sĩ võ lâm ở Trung Nguyên đều nổi công phẫn.
Bảo Ðịnh Ðế kinh ngạc hỏi:
-Con cháu họ Ðoàn chúng tôi mới chỉ có mỗi Ðoàn Dự, song y chưa rời khỏi nước Ðại Lý lấy nửa bước thế thì làm sao đến quấy rối tận Dương Châu được?
Thạch Thanh Tử đáp:
-Trong một đêm mà 28 mạng của ba nhà Hạ Hầu Túc, Kim Trung và Vương Thúc Kiền tức Dương Châu tam hùng đều bị chết sạch về đòn Nhất Dương Chỉ.
Vậy Dương Châu tam hùng trước kia có đắc tội gì với Ðoàn huynh không?