There's nothing to match curling up with a good book when there's a repair job to be done around the house.

Joe Ryan

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ia đình bà Văn dọn qua Thị nghè vào buổi sáng thì buổi trưa hôm đó, Bob Newsman tìm tới hiệu trà. Cảnh nhà lại một phen xáo trộn trở lại.
Trước đó, không ai băn khoăn về chuyện tìm cách ra đi. Ai cũng biết tìm được một chỗ trên các chuyến phi cơ di tản không phải dễ. Ông Thanh Tuyến háo hức muốn đi cho biết cảnh nước lạ non xa nhưng thúc thủ, vì biết mình không ở vào thành phần được ưu tiên. Ông chẳng là gì cả. Diễm may mắn làm việc cho Đài Mẹ Việt Nam gần một năm theo khế ước, được xem là nhân viên của đài, được xếp vào danh sách những người Việt Nam cộng tác với Mỹ phải di tản để tránh bị cộng sản trả thù. Nhờ Diễm, gia đình bên ông Mân cũng được hưởng ân huệ, cả gia đình bên vợ của Ngọc cũng ké được vào danh sách. Diễm trở thành người quan trọng được săn đón, chiều đãi giữa lúc mọi người nhớn nhác tìm cách chạy trốn.
Việc ra đi của Diễm được chuẩn bị từ từ một cách an toàn, nên nàng có thì giờ thanh lý việc hùn hạp làm ăn với ông Thanh Tuyến. Với cái nhạy cảm của người chuyên kinh doanh, ông Thanh Tuyến gợi ý cho Diễm nhiều điều hay. Ông bảo khi qua Mỹ, lòng ai cũng nhớ tiếc quá khứ, hoài niệm quê hương, nên cách làm ăn tốt nhất cho Diễm lúc chân ướt chân ráo tới xứ người là sản xuất tiếp những băng nhạc. Diễm không cần đem theo gì cả, chỉ cần đem đủ các băng master của trung tâm đi theo, qua Mỹ mở ngay một trung tâm phát hành băng nhạc Việt sẽ hốt bạc. Diễm nghe thấy có lý. Nàng cũng không tha thiết gì nữa, chỉ muốn lập một cuộc đời mới, lo cho con và gia đình. Tiền bạc hiện còn, được chia đôi. Diễm nhường cho ông Thanh Tuyến tất cả dụng cụ máy móc và số băng nhạc còn tồn kho. Tiền nợ của các đại lý thì ông Thanh Tuyến thu được bao nhiêu, Diễm để hết cho ông. Lúc đó, Diễm cứ tưởng ba mạ chịu đi theo nàng, nên không màng tới số tiền Việt còn lại.
Ông Thanh Tuyến cho chở hết máy móc đồ đạc của trung tâm về nhà. Căn nhà vừa đỡ bề bộn buổi sáng, buổi trưa lại bề bộn hơn. Máy móc, hộp băng chưa thu, hộp băng đã thu, sổ sách, ampli, loa, dây điện mang từ xe xuống chưa kịp dọn dẹp nên bày bừa bãi khắp nơi. Bob Newsman tới hiệu trà giữa lúc cả nhà bận rộn dọn dẹp mọi thứ cho gọn một chút.
Ông bà Thanh Tuyến không nhớ mặt Bob. Chỉ có Quỳnh Trang nhớ mặt ông bạn phóng viên quen thân của Dale. Và cũng chỉ có Quỳnh Trang nói được tiếng Anh nên nàng phải ngồi thông dịch cho ba người.
Bob khẩn khoản nói:
- Cô thưa với ông bà là tình hình không còn cứu vãn được nữa. Phòng tuyến Phan rang đã vỡ. Ông Thiệu sắp đưa Sư đoàn 18 của tướng Lê Minh Đảo lên chặn cộng quân ở Xuân lộc, nhưng chưa biết có chặn nổi không. Vâng. Dĩ nhiên chính phủ Mỹ đã có sẵn kế hoạch di tản. Ngân sách đã có. Hạm đội 7 đã được lệnh sẵn sàng. Nhưng bạn tôi cho biết cái khó hiện nay là thái độ chần chờ của Đại sứ Martin. Ông ấy quá già để biến ứng mau lẹ trong hoàn cảnh này. Ông ấy cứ nghĩ còn nước thì còn tát, nên cấp dưới không biết phải làm sao cả. Một đàng cho di tản, một đàng ra lệnh cấm rời nhiệm sở. Thế là thế nào! Bạn tôi bảo phải tự xoay lấy trước khi quá muộn.
Trang dịch câu hỏi của ông Thanh Tuyến:
- Thế tại sao bên đài Mẹ Việt Nam họ chuẩn bị di tản cẩn thận lắm, lệnh lạc rõ ràng lắm. Họ đi ra Phú quốc trước, chờ yên thì về, không yên thì đi luôn.
Bob đáp:
- Chính viên cố vấn đài Mẹ Việt Nam cũng tự ý làm chứ không theo lệnh của ông Martin. Dale đã điện thoại cho tôi tối hôm qua, sáng nay điện thoại một lần nữa. Dale và Quỳnh Như đã làm xong giấy affidavit of support. Vâng, tôi xin giải thích loại giấy này. Chính phủ Mỹ đã hô hào dân Mỹ tình nguyện đứng ra bảo trợ cho những người Việt Nam tị nạn cộng sản muốn qua đó sinh sống. Thủ tục dễ dàng. Mỗi công dân chỉ làm một cái giấy gọi là affidavit of support gửi cho Bộ Ngoại giao. Bộ sẽ liên lạc với Sở Di trú để làm ngay thủ tục nhập cảnh và định cư. Theo Dale cho biết giấy affidavit Dale và Quỳnh Như làm có bảo trợ cho toàn gia đình ông bà, kể cả…
Bob quên, lục túi lấy một tờ giấy ra cố đánh vần đọc:
- …Kể cả Mr. NGU và Mrs NAM. Các em bé thì có BINH và THUY. Xin lỗi, tôi đọc chữ Việt như vậy có đúng không?
Ông bà Thanh Tuyến đang rối đầu nhưng cũng cố cười gượng, khen xã giao:
- Ông đọc đúng lắm. Trang, con hỏi ông ấy xem nếu quyết định đi, thì lúc nào khởi hành.
Bob nghe Quỳnh Trang dịch câu hỏi, rồi đáp:
- Chưa định được thời gian. Ông bà cũng biết là Sài gòn sắp hỗn loạn vì ai cũng tìm đường chạy. Vì vậy địa điểm tập trung cũng như thời giờ tập trung để di tản phải giữ bí mật. Điều cần nhất là phải túc trực ở nhà và sẵn sàng hành lý. À quên, mỗi người chỉ được mang theo một cái xách tay nhẹ không cồng kềnh, kích thước và sức nặng vừa đủ để mang theo người hay nhét dưới ghế. Frank, bạn thuê chung phòng với tôi, quen thân với tay cố vấn của đài Mẹ Việt Nam. Tôi thấy tiện nhất là gửi gia đình ông bà theo nhân viên đài Mẹ Việt Nam ra Phú quốc trước, sau đó tình hình biến chuyển thế nào cũng dễ tính. Nếu Cộng quân bao vây Sài gòn – và họ dư sức làm được chuyện này – thì chắc chắn họ sẽ cắt đường ra Vũng tàu cũng như chận các ngã sông Sài gòn. Bốc người bằng đường hàng không sẽ rất khó khăn nếu Cộng quân đặt được trọng pháo uy hiếp sân bay Tân sơn nhất. Ra Phú quốc trước là thượng sách.
Ông Thanh Tuyến vội vã hỏi:
- Nhưng nhân viên đài Mẹ Việt Nam đã đi rồi mà? Trang, con nói với ông ấy là ba có người quen làm ở đài Mẹ Việt Nam, nói với ông ấy là con Diễm đã đi. Sáng nay ba lại trung tâm chỉ có người nhà con Diễm tới đưa cái thư. Nó bảo nó chờ xe buýt tới chở không thể đến như đã hẹn với ba được.
Trang dịch lời ông Thanh Tuyến. Bob nói:
- Họ chưa đi. Có lẽ sáng mai họ mới đi. Mà dù họ có đi cũng không sao, vì họ ra tập trung cả ngoài Phú quốc để chờ chứ chưa đi thẳng qua Mỹ. Ông cố vấn đài Mẹ Việt Nam chỉ dám tự chuyên tới mức đó thôi. Dù sao ổng cũng phải nể mặt ông Đại sứ. Muốn đưa thẳng người qua Guam, phải có lệnh của Bộ Ngoại giao và Sở Di trú.
Bob nhìn đồng hồ. Đã một giờ chiều. Bob có vẻ sốt ruột vì không thấy ông bà Thanh Tuyến hớn hở trước tin vui anh mang đến, giọng nói bắt đầu cáu kỉnh:
- Thế nào, cô hỏi ý kiến ông bà để cho tôi biết ngay là già đình ông bà có muốn di tản không.
Quỳnh Trang nói với cha mẹ:
- Thầy me có đi thì đi, con ở lại chờ tin anh Ngữ.
Nàng bật khóc đột ngột, nói trong nước mắt:
- Con không đi đâu cả. Anh ấy may mắn về được thì vợ chồng sướng khổ có nhau con không ngại. Anh ấy có mệnh hệ nào thì con chết ở đây cho gần ảnh. Thầy me cứ đi đi.
Bà Thanh Tuyến cũng khóc thút thít, bảo chồng:
- Tôi không đi đâu hết. Tôi chờ thằng Tường nó về. Qua bên đó làm gì. Mình cảm ơn ông ấy, nói mình không thể đi được.
Bob ngồi ngớ ngẩn không hiểu những người Việt đang bàn với nhau điều gì mà hết người này khóc tới người kia khóc. Ông Thanh Tuyến có vẻ tiếc rẻ, bảo vợ:
- Mình qua bên đó con Như nó đỡ cô đơn. Dĩ nhiên là phải đi cả gia đình. Nhưng…
Bà Thanh Tuyến dứt khoát:
- Không đi đâu cả. Trang, con cảm ơn ông ấy, và nhờ ông ấy nhắn với con Quỳnh Như là thầy me không thể bỏ anh mày với chồng mày được. Tối nay con viết thư liền cho nó.
Quỳnh Trang cố dằn những tiếng thút thít, nói với Bob:
- Chồng tôi hiện còn mất tích chưa biết sống chết ra sao. Tôi không đi được. Thầy me tôi đã già, không muốn đi đâu. Cảm ơn anh rất nhiều.
Bob hơi thất vọng, như một người cứ yên trí mang tin vui cho người khác nhưng chỉ được đón tiếp một cách thờ ơ. Bob nói:
- Ông bà cụ quyết định như thế cũng phải. Người già qua Mỹ nhiều khi không hội nhập được vào nếp sống mới, thấy khổ sở hơn là lúc ở quê hương. Tối nay tôi sẽ tin cho Dale biết. Xin chào cô, chào ông bà.
° ° °
Bob Newsman đi rồi, cả nhà không ai nói với ai lời nào. Ông Thanh Tuyến công nhận lý lẽ của vợ con, nhưng trong lòng vẫn thấy tiếc. Trong lúc mọi người (có người giàu đến nứt đố đổ vách, có người quyền to chức trọng) chỉ mơ có được một chỗ ngồi an toàn để ra khỏi Việt Nam mà không được, thì gia đình ông lại vừa từ chối một cơ hội nghìn vàng. Ông nhớ nét mặt tự đắc của Diễm, nhớ cái nhìn thương hại của Diễm khi nàng bảo nàng không cần gì cả, nàng may mắn hơn ông nên sẵn sàng chia phần hơn cho người xấu số. Ông vừa bỏ mất một cơ hội để đi ra khỏi nếp sống cũ kỹ từng giam hãm ông trên năm mươi năm, cơ hội để hít thở cái không khí của một đất nước giàu có phồn thịnh nhất thế giới, cơ hội để đi khắp đó đây, từ Hollywood kinh đô điện ảnh, New York với những tòa nhà chọc trời, Paris kinh đô ánh sáng, London sương mù và những đoàn ngự lâm quân cưỡi ngựa đi tuần ngoài cửa điện Buckingham, nắng gió trên bãi biển Saint Tropez, sòng bài ở Monaco… Ông oán trách vợ con, dù thấy mình vô tâm, ích kỷ.
Bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang cũng lịm người sau khi quyết định ở lại. Họ không hối hận hay tiếc nuối chút nào. Họ chỉ bàng hoàng vì vừa đánh đổi một cái gì quý giá hiếm hoi để chờ lấy một cái gì chưa rõ ràng chắc chắn. Tường về thì đã đành là đáng mừng, nhưng Cộng quân lấy được Sài gòn thì cuộc đời bà sẽ ra sao? Bà Thanh Tuyến di cư vào Nam năm 1954, nhưng tin tức gia đình còn ở lại ngoài Hà nội lâu lâu cũng tới bà. Bà biết – qua một người cháu đi công tác ở Paris năm 1972 – là căn phố của gia đình bà ở đường Hàng Đào đã bị tịch thu, anh em con cháu bà phải khốn đốn suốt mười năm cuối cùng mới tạm ổn định. Cộng sản không cho phép tư nhân buôn bán, tất cả đều do Nhà nước quản lý. Bà biết đại khái như thế, và lấy làm lo là nếu Sài gòn thất thủ, liệu hiệu trà này sẽ đi về đâu. Bà hoang mang cả buổi chiều, không còn muốn nói năng gì.
Chỉ có Quỳnh Trang tương đối bình tĩnh. Thằng Bình thấy ông ngoại bà ngoại ngồi thừ một chỗ, tự nhiên sợ hãi, nó đoán có điều gì bất ổn đã xảy ra. Nó cứ bấu lấy vạt áo mẹ, Quỳnh Trang đi đâu thằng bé cũng đi theo. Quỳnh Trang ôm lấy con như ôm lấy cái phao cứu rỗi. Nàng hôn hít con, săn sóc con trìu mến hơn ngày thường. Thằng bé được dịp làm nũng để bù vào hơn một tuần lễ nhà quá đông người, không ai chăm sóc cho nó. Khoảng bốn giờ chiều, có một người lính ghé hiệu trà. Người lạ mang tin vui. Ngữ viết cho vợ mấy dòng nguệch ngoạc trên bao giấy thuốc lá Bastos.
Em,
Anh đã về tới Vũng Tàu, hiện ở địa chỉ… Quân cảnh chận không cho quân nhân rã ngũ về Sài gòn. Em nhờ ai có xe dân sự xuống đây đón anh. Nhớ thương em và con.
Ngữ
Quỳnh Trang mừng quá, hét lên:
- Me ơi, anh Ngữ còn sống.
Rồi nàng ôm con khóc nức nở, vừa khóc vừa tiếp tục nói lớn:
- Anh Ngữ về rồi, thầy ơi. Anh Ngữ còn sống. Tạ ơn Trời Phật.
Cả nhà rộn lên trước tin vui. Mỗi người bàn một câu:
- Phải xuống đưa nó về. Để thầy đi cho. Thầy chạy đi mượn chiếc xe hơi con Diễm.
Quỳnh Trang xịu mặt, gạt đi:
- Để con đi. Con lấy Honda xuống chở ảnh về. Con muốn xuống gặp ảnh liền. Trời ơi! Con sướng quá.
- Me cho con đi với. Me, ẵm con.
- Để thầy mày đi. Chuyện đâu còn có đó. Ở đây xuống dưới Vũng Tàu phải mất ba giờ đồng hồ. Mượn xe hơi cho cả nhà đi tiện hơn. Ông Thanh Tuyến hăng hái lái Honda chạy lại nhà Diễm. Nửa giờ sau, ông trở về, mặt buồn xo:
- Nó đi rồi.
Quỳnh Trang không kiên nhẫn được nữa:
- Để con đi đón ảnh.
- Xuống tới dưới đó đã tối làm sao tìm. Mai hãy đi.
Quỳnh Trang dứt khoát:
- Không. Con đi ngay bây giờ. Con biết con đường ảnh ở. Tối con ở nhà chị chủ quán cà phê Nhớ. Bình, vào me thay đồ.
Ông bà Thanh Tuyến thấy không thể ngăn được, đành phải phụ Quỳnh Trang mặc áo ấm cho thằng Bình, và đổ thêm cho đầy bình xăng chiếc Honda dame. Ông Thanh Tuyến dặn:
- Con đạp nhẹ lên cần số chứ đừng đạp mạnh quá, hộp số hơi bị lờn.
Quỳnh Trang khoác cái áo len lên vai, cột lại tóc, dẫn xe ra đường, vừa đi vừa nói với mẹ:
- Sáng mai tụi con về. Me đi chợ để mai mở tiệc mừng. Trời ơi! Con may mắn quá.
° ° °
Ra tới xa lộ, Quỳnh Trang mới thấy đem con theo là dại. Đường rộng thênh thang, phía đường từ Vũng Tàu lên đông nghẹt người nhưng phía bên này xe cộ thưa thớt, trời gần tối không ai còn muốn đi xa trong thời buổi nhiễu nhương. Quỳnh Trang nóng ruột muốn phóng xe thật nhanh xuống Vũng Tàu, nhưng cứ sợ thằng Bình ngồi sau lưng ôm mình không chặt ngã xuống đường. Thằng bé lâu ngày được ra khỏi nhà thích chí gặp cái gì cũng hỏi, lúc nổi hứng thả cả hai tay ra để chỉ trỏ những con bò đang gặm cỏ bên đường.
Quân cảnh lập nhiều nút chặn trên xa lộ, nhất là cái nút lập tại ngã ba rẽ xuống Vũng Tàu. Rút kinh nghiệm mỗi lần đám quân rã ngũ bất mãn tràn tới đâu thì hỗn loạn tới đó, chính quyền đã ra lệnh cấm các quân nhân thất trận lạc đơn vị không được vào Sài gòn. Số lính liều chết tìm phương tiện về được Vũng Tàu ngày càng đông, chính Vũng Tàu cũng đang hỗn loạn. Ông Thiệu lo ngại họ mang hỗn loạn về thủ đô, nên ra nghiêm lệnh chặn họ lại.
Tại các trạm Quân cảnh, từng nhóm lính ăn mặc dơ dáy mặt mày thất thần ngồi tụm lại với nhau, người nào cũng sốt ruột muốn về Sài gòn, văng tục cãi vã với Quân cảnh.
Càng gần Vũng Tàu, số lính tụ tập càng đông hơn, không khí căng thẳng hơn. Quỳnh Trang dừng lại ở một trạm mua nước cho con, luôn tiện hỏi thăm bà bán quán, mới biết Quân cảnh chỉ cho dân thường về Sài gòn, lính thì phải thuộc các đơn vị đồn trú tại vùng Sài gòn Chợ lớn hoặc có quân vụ lệnh mới được về thủ đô. Dân sự, ngay cả dân thường đàn ông cũng không được tự tiện qua trạm. Phải xuất trình thẻ căn cước, và nói rõ về Sài gòn làm gì.
Quỳnh Trang lo ngại nói:
- Cháu có chồng vừa từ Phú bổn về Vũng Tàu. Làm sao chở ảnh về Sài gòn hở bác?
Bà bán quán nhìn chiếc Honda dame nói:
- Đi Honda cũng phải qua trạm kiểm soát. Cháu thấy họ xếp hàng đằng kia không? Nếu đi xe hơi nhà thì không sao.
- Tiếc quá. Cháu mượn xe hơi không được.
- Cháu đi đường ruộng đi! Nhiều người lấy Honda chở thuê cho lính về Sài gòn, kiếm khá lắm. Cháu muốn, bác tìm giúp cho. Thằng cháu của bác chở một ngày được tới năm sáu chuyến.
Quỳnh Trang mừng quá, hỏi thăm bà chủ quán đường đi nước bước. “Thằng cháu” bà chủ không ai khác hơn là thằng con trai 14 tuổi của bà. Nó đang ngủ trên cái võng nhà binh cột phía sau cái quán lợp tôn. Bà chủ quán cằn nhằn:
- Hồi hôm đi chơi khuya cho lắm bây giờ ngủ cả ngày. Dậy rửa mặt mau lên, có khách đây.
Hai bên thỏa thuận nhanh chóng giá cả. Thắng bé lái Honda thồ hẹn đến rước Ngữ vào sáng mai lúc 6 giờ tại địa chỉ Quỳnh Trang cho. Nó sẽ chở Ngữ về tới bên này Cầu Sơn để “giao hàng” cho Quỳnh Trang từ 11 giờ trở đi. Tiền giao trước một nửa, nhận “hàng” rồi giao đủ. Quỳnh Trang sợ bị lừa nhưng không còn cách nào khác hơn là lấy 3000 giao cho bà chủ quán.
Nàng đến Vũng Tàu lúc bảy giờ tối. Địa chỉ Ngữ cho nằm ở khu Bến Đá nhà cửa thưa thớt vì thuộc vùng của dân chài lưới. Quỳnh Trang thuộc đường nhờ có lần nghe một người bạn rủ đi buôn lưới ni lông có xuống đây để tìm hiểu tình hình thị trường. Tuy vậy, tìm ra số nhà không phải là dễ, đèn đường không có, nhà nào cũng nằm sâu vào khu vườn rậm xa đường cái. Quen xoay xở, Quỳnh Trang lại tìm một cái quán để hỏi. Địa chỉ nàng tìm cách quán không đầy năm mươi thước, và cũng là một cái quán cơm bình dân.
Quán ăn đang vắng. Ngọn néon sáu tấc chiếu hắt thứ ánh sáng xanh yếu lung linh ra một khúc đường đầy ổ gà. Quỳnh Trang quay lại đỡ con xuống rồi mới dựng chiếc Honda vào sát vách gỗ của quán cơm. Thằng Bình vừa mệt vừa đói, kêu:
- Me, con đói bụng!
Quỳnh Trang dắt tay con đi nhanh vào quán, vừa đi vừa bảo con:
- Vào đây gặp ba rồi đi ăn luôn.
Trong quán không có ai, ngoài một cô bé khoảng 14, 15 tuổi đang lau chùi mấy cái bàn nhôm. Quỳnh Trang sắp thất vọng, thì cô bé đon đả hỏi:
- Có phải dì là dì Trang không?
- Phải. Anh Ngữ có ở đây không em?
Giọng cô bé reo vui:
- Có. Chú đang chờ dì. Để em đi gọi chú về.
Năm phút sau, có tiếng chân chạy từ phía vườn rậm sau quán. Ngữ hiện lên dưới ánh đèn, từ cái khung cửa hẹp thông ra phía sau. Quỳnh Trang chạy đến ôm chầm lấy chồng. Thằng Bình bị mẹ bỏ rơi, chới với ngơ ngác rồi khóc thét lên. Hai vợ chồng mừng quá không còn thấy gì, không nghe cả tiếng khóc của con. Quỳnh Trang dụi mặt vào ngực áo Ngữ, còn Ngữ thì áp mặt lên mái tóc của vợ, lòng lâng lâng và nước mắt tự nhiên ứa ra, lăn xuống má.
Thằng Bình khóc to hơn. Quỳnh Trang vội lách mình khỏi vòng tay ôm của Ngữ, chạy tới ngồi xuống ôm chặt con vào lòng dỗ cho con nín:
- Bình của me xấu lắm. Sao lại khóc? Lại hôn ba đi. Anh lại đây cho con hôn. Đừng sợ, con! Anh không cạo râu con không nhận ra. Ba đấy mà! Anh cúi xuống một chút. Hôn lên trán ba đi. Nó sợ hàm râu lởm chởm của anh, không biết hôn chỗ nào.
Quỳnh Trang vừa nói vừa cười, tuy má vẫn còn đẫm nước mắt. Thằng Bình miễn cưỡng làm xong phận sự, rồi kêu:
- Me, con đói bụng.
Quỳnh Trang hỏi Ngữ:
- Anh ăn uống gì chưa? Em quên mất, đây là quán cơm mà.
Ngữ đáp:
- Anh chưa ăn tối. Vừa đi hỏi thuê xe thồ về Sài gòn. Hai ông bạn anh đã đi hồi trưa. Anh nấn ná vì biết thế nào em cũng xuống. Quán còn gì ăn không cháu?
Cô bé con chủ quán đáp:
- Không còn gì ăn được đâu chú.
Quỳnh Trang nói:
- Anh chở con và em lên phố ăn mừng. Trời ơi! Em không ngủ được, chỉ lo anh rủi ro. Làm sao anh về được đây, và về tới đây hồi nào?
- Chuyện dài lắm. Mình đi ăn rồi anh kể cho nghe. Sao em không tìm nhờ ai có xe hơi xuống đây chở anh về dễ hơn. Đi Honda, anh sợ bị Quân cảnh chận lại.
- Ấy, thầy có mượn chiếc xe của… à, thầy me rất mừng khi nhận được mảnh giấy anh viết. Em cũng chưa kịp tin cho má biết tin anh về nữa. Má đã vào Sài gòn, anh biết không?
- Thật à? Má vào hôm nào?
- Hôm 21 tháng trước. Hồi Qui nhơn chưa mất. Sáng nay cả nhà đã dọn qua nhà thuê ở Thị nghè. Sáng mai mình về tiện đường ghé qua cho má mừng. À, má vẫn chưa có tin gì của thằng Lãng.
- Anh chạy vào Nha trang thì nhập bọn đi chung với một số lính Thủy quân lục chiến theo tàu từ Đà nẵng vào. Theo lời họ kể thì tiểu đoàn thằng Lãng bị kẹt lại ở Thuận an. Nhà anh vô phước có hai đứa con trai thì đứa nào cũng đi lính ở những vùng bị bỏ rơi. Chắc má anh lo lắm.
- Khỏi phải nói. Em không thích anh nghĩ tầm bậy. Anh vừa nói nhà anh vô phước. Không nên nói vậy. Anh về được, thì thằng Lãng chắc trước sau cũng về.
Thằng Bình không kiên nhẫn được nữa, kéo áo mẹ la lớn:
- Me, con đói bụng.
Quỳnh Trang cười, cúi xuống bồng con lên hôn tới tấp lên mặt lên tóc thằng bé. Ngữ ngắm hai mẹ con, quên hết đoạn đường nhọc nhằn gian truân vừa trải qua. Ngữ nhét áo vào đai quần, rồi hỏi vợ:
- Chìa khóa xe đâu, đưa anh chở hai mẹ con đi ăn khao. Anh là “người về từ đỉnh núi”, phải khao “người em gái hậu phương” một bữa linh đình mới được.
Quỳnh Trang cười sung sướng:
- Anh học được ở đâu mấy câu cải lương mùi mẫn vậy. Anh có tiền không?
Ngữ cười, quay hỏi cô bé chủ quán:
- Chú còn nợ bao nhiêu hở cháu?
- Cha em có ghi sổ rồi, chú. Em không biết.
Ngữ giải thích:
- Anh về đây với em ông chủ quán. Anh ấy cũng lính mũ xanh như Lãng, nhưng đóng ở Đà nẵng. Anh theo núp bóng mấy ông Thủy quân lục chiến mới về được đây đấy. Địa phương quân có giơ súng ra dọa cũng không thèm sợ.
° ° °
Ngữ lái Honda đưa vợ con ra phố Vũng Tàu. Thằng Bình ngồi giữa hai vợ chồng, lâu lâu tìm cách cắt đứt câu chuyện của ba me để nhắc nhở là trên đời này vẫn còn có nó. Ngữ lái xe chậm để hỏi gấp tin nhà:
- Thầy me vẫn thường chứ?
- Mấy ngày nay nhà lu bu đủ thứ chuyện… Dạ… vẫn thường.
- Chuyện gì vậy?
- Anh về biết cũng chưa muộn.
- Chuyện buồn à?
- Không. Anh coi chừng ổ gà trước mặt. Thôi anh đừng quay lại nói chuyện với em nữa. Phía trước sắp có chiếc xe hơi chạy tới đó.
- À, ông Thanh về được không?
- Ai? Chiếc xe hơi sắp quẹo trái. Anh đi đâu vậy?
- Ra phố. Có cái quán ăn rẻ mà ngon lắm. Tối hôm qua ông chủ quán khao ông em và anh ở đấy. Em có lại nhà ông Thanh không?
- Thanh nào?
- Trung tá Thanh. Anh lạc ông ấy ở Phú bổn. Không biết ổng sống chết ra sao. Có tin gì chưa?
- Hồi đầu chị Thanh có xuống nhà hỏi tin anh. Sau rồi chị ấy không xuống nữa. Xuống, hai chị em ôm nhau khóc, thêm lo. Sao hai người lại lạc nhau?
- Ông trung tá dẫn lính đi hành quân lúc Tiểu khu loạn. Tụi Thượng trở cờ, anh suýt chết.
- Em đã dặn anh cứ ở lại Pleiku với anh Vinh, anh không nghe.
Ngữ cười lớn:
- Thì thằng Vinh cũng từ Pleiku chạy vào Phú bổn, rồi hai đứa cũng chạy về Tuy hòa theo quốc lộ 7 rồi mới lạc nhau. Anh cầu mong Trung tá Thanh không việc gì! Đáng lẽ em phải tới thăm chị ấy luôn.
Quỳnh Trang bắt đầu bực, nhưng cố dịu dàng nói:
- Thì em vẫn thăm chị ấy. Thấy chị ấy khóc, chị ấy lo cho anh Thanh, em càng lo sợ cho anh. Em cố quên lo để sống. Mai về anh với em đến thăm chị ấy. À, anh lái xe qua đường này em chỉ cho biết quán cà phê Nhớ. Em đã thuê xe thồ cho anh, họ hẹn sáng mai 5 giờ tới rước anh ở quán Nhớ. Mai em chở anh ra đây, chờ họ tới anh đi xong em cũng chở con về Sài gòn liền cho kịp.
- Em theo xe thồ à?
- Không. Họ chạy đường vòng qua trạm kiểm soát, em sẽ về trước đón anh ở Cầu sơn Hàng xanh. Quán Nhớ nằm chỗ kia, cái bảng nhỏ đề tên quán, anh thấy không?
Ngữ thắng gấp chiếc Honda. Quỳnh Trang sợ té vội ôm chặt lấy hông Ngữ. Nàng chợt nhớ lần đầu tiên Ngữ lặng lẽ tỏ tình với mình trên đường Hồng Thập Tự, cảm động đưa bàn tay lần lần ve vuốt lên ngực Ngữ, cổ Ngữ, má Ngữ. Ngữ không hiểu vì sao Quỳnh Trang nổi hứng ve vuốt mình, nắm lấy bàn tay vợ đưa lên môi hôn. Quỳnh Trang nói:
- Em vừa nhớ lại lần đầu tiên anh nắm tay em.
Rồi nàng cười nói tiếp:
- Lúc đó em ngồi sát sau lưng anh, áp ngực vào lưng áo anh, chưa bị cục cưng này ngăn cách.
° ° °
Vừa ăn tối, Quỳnh Trang vừa kể sơ lược cho Ngữ nghe biết những điều quan trọng: chuyện gia đình Ngữ quyết định lập nghiệp hẳn ở Sài gòn, chuyện chồng con của Quế, chuyện Tường gửi thư về, chuyện vợ chồng Quỳnh Như làm giấy bảo lãnh cho gia đình nàng di tản qua Mỹ. Giọng Quỳnh Trang có vẻ tiếc nuối khi nói:
- Anh về sớm một ngày, không biết chừng thầy me em đã chịu đi Mỹ. Người ta tìm cách đi không được, còn mình…
Ngữ cắt lời vợ:
- Sang Mỹ làm gì?
- Ở lại làm gì? Họ vào, em sợ lắm. Đến ba không hề làm điều gì chống đối họ cả, mà còn bị giết. Em sợ cho anh.
- Anh có làm gì đâu? Anh chỉ là sĩ quan cấp thấp. Nếu họ thắng rồi ra tay trả thù, thì đất đâu mà chôn.
- Anh đừng nói nữa. Mà liệu họ vào đây được không?
Ngữ thấy vợ lo âu, nói cứng cho vợ yên tâm:
- Thế nào mình cũng giữ được Vùng 3 với Vùng 4. Có thể hiện nay hai bên đã đồng ý với nhau giải pháp cắt đất. Họ thắng thế, ít ra cũng đòi cho được ranh giới mới là Phan rang.
Quỳnh Trang đặt con xuống cái ghế nệm cho thằng Bình ngủ yên giấc, xong trở lại ngồi sát bên chồng, nắm lấy tay Ngữ thật chặt như sợ thất lạc một lần nữa. Ngữ thấy quán về khuya đã vắng nên len lén luồn tay vào ngực vợ. Quỳnh Trang kéo cái áo len phủ kín cử động của Ngữ, mỉm cười nhìn chồng nửa khuyến khích nửa trách móc. Giọng Quỳnh Trang yếu đi vì xúc cảm:
- Nếu anh Tường về được Sài gòn thì anh ra sao?
Ngữ chưa chuẩn bị để trả lời một câu hỏi hóc búa như vậy, nên tìm cách hoãn binh:
- Chắc gì họ lấy được Sài gòn.
- Nếu họ lấy được? Em lo lắm. Các ông lớn hiện giờ đã gửi vợ con đi rồi. Họ chỉ chờ tới lúc cần là chạy cho kịp. Anh! Đau em.
- Nhớ em dễ sợ. Mình ra trả tiền rồi về.
Quỳnh Trang bẽn lẽn gỡ tay Ngữ ra, tới chỗ quầy trả tiền bữa ăn, rồi quay về chỗ đánh thức con dậy. Ngữ nhìn đồng hồ, nói:
- Đã 11 giờ khuya. Quá giờ giới nghiêm, nhưng hiện nay lính là chúa ở đây, cảnh sát không dám làm gì đâu. Họ chận không cho lính về Sài gòn thì Vũng Tàu sẽ bị phá phách dữ.
Quỳnh Trang nói:
- Anh về nghỉ một lúc mai còn dậy sớm. Đằng chỗ quán anh quen có chỗ cho em với con ngủ không?
Ngữ cười, bảo vợ:
- Có chứ. Ông ấy bắt anh giữ quán đêm nay mà. Nhưng chắc hai đứa mình không ngủ nghê gì được đâu!
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương