Số lần đọc/download: 1807 / 73
Cập nhật: 2015-09-24 02:51:05 +0700
Làm Thế Nào Viết Được Báo?
Ở các nước phương Tây người ta có xuất bản riêng một loại sách chuyên dạy làm các việc khác nhau. Tác giả của chúng là những người am hiểu và giàu kinh nghiệm. Trong các sách ấy, bằng cách trình bày hết sức dễ hiểu, họ hướng dẫn cho độc giả đủ mọi thứ trên đời, từ cách làm thế nào để sản xuất giấy viết, cho đến phương pháp đấu tranh đòi tự do, dân chủ.
Thú thật, chính những cuốn sách ấy đã gợi ý cho tôi viết mẩu chuyện này. Tôi cũng muốn hướng dẫn mọi người cách làm thế nào để viết một bài báo. Tôi biết cái đề tài này không thích hợp với khuôn khổ một bài châm biếm ngày chủ nhật. Vì cứ thả sức mà viết thì cũng phải được vài tập sách là ít! Nhưng dù sao tôi cũng cố hết sức trình bày thật ngắn gọn những hiểu biết của tôi về vấn đề này.
Vậy làm thế nào để viết được một bài báo? Chắc các bạn sẽ bảo: “Khó quái gì! Có một ý tưởng nào đó bỗng nảy ra trong đầu anh. Anh cầm lấy bút và viết nó ra thôi!”. Thế thì các bạn nhầm? Viết một bài báo đâu có phải đơn giản như vậy, không tin, tôi xin kể riêng cho các bạn nghe chuyện tôi viết báo như thế nào rồi các bạn sẽ hiểu.
Tôi có thói quen sáng nào cũng đọc báo. Và tất nhiên cũng như mọi độc giả, mỗi lần đọc, tôi lại thấy có nhiều chuyện đáng buồn. Tôi đánh dấu lại những chuyện tôi thấy bực mình nhất. Cứ như thế, mỗi ngày tôi thu thập được khoảng mươi, mười lăm đề tài. Ngoài ra tôi còn có sẵn chừng bốn, năm chục đề tài khác. Tất cả các đề tài này tôi thấy cái nào cũng đáng viết thành truyện cả. Nhưng dĩ nhiên là tôi không thể sử dụng tất cả mà phải chọn lấy một đề tài thôi! Đắn đo cân nhắc mãi, cuối cùng tôi chọn một đề tại vô thưởng vô phạt nhất, mà tôi tin là sẽ không có hại gì cho cả tôi lẫn các ông chủ báo, vì nó không động chạm gì đến tầng lớp có thế lực của xã hội. Tôi vừa viết vừa cân nhắc thận trọng từng câu từng chữ cố sao cho giọng văn thật ôn hòa, để không làm mếch lòng một ai. Cuối cùng bài báo đã hình thành. Nhưng như thế chưa phải là xong! Vợ tôi đã chực sẵn ở cửa.
– Mình có thể cho em xem bài mình vừa viết không? – Cô ta hỏi.
Nhưng cô ta hỏi để mà hỏi thế thôi chứ giá tôi không cho phép, thì cô ta vẫn đọc như thường. Mọi khi viết xong bài nào tôi đều giấu kín không cho cô ta biết. Thế mà không hiểu sao cô ta vẫn mò ra được.
Đọc xong mặt vợ tôi xị hẳn xuống.
– Anh không nghĩ đến cái thân anh, thì xin anh hãy nghĩ đến bọn trẻ – Vợ tôi bảo tôi như vậy.
– Nhưng làm sao?
– Còn sao nữa! Thời buổi này mà dám viết những bài như thế!
– Thì biết làm thế nào bây giờ?
Như một người làm vườn thành thạo. Vợ tôi bắt đầu xén tỉa bài báo của tôi: bảo tôi bỏ chỗ này, xoá chỗ nọ, thay câu này, chữa câu kia. Vốn không bao giờ dám cãi vợ, nên tôi ngoan ngoãn làm theo lệnh thị.
Một lúc sau thì thằng con tôi bước vào, mặt nhăn nhó:
– Bố ạ!
– Gì con?
– Chỗ này bố viết hơi…
– Hơi làm sao hả con?
– Hơi gay gắt quá…
Tôi trông cái mặt nó như sắp khóc.
– Bố bỏ câu cuối đi bố nhé…
– Nhưng toàn bộ cái ý nhị là ở câu ấy đấy, con biết không?
– Bố cứ vứt quách cái ý nhị ấy đi cho con!
Tôi đành phải vứt. Lát sau lại đến lượt đứa con gái.
– Bố ơi!
– Hử?
– Câu đầu tiên bố viết hơi… ấy quá!
– Ấy quá thế nào cơ?
– Hay bố bỏ câu ấy đi bố nhé!
Chưa hết. Bên cạnh phòng chúng tôi có một ông luật sư già mà tôi quen đã lâu. Chắc vợ tôi hay lũ con có đứa nào sang ton hót với ông ấy về bài báo của tôi và nhờ ông ấy khuyên can, nên chưa viết xong tôi đã thấy ông này mò sang.
– Thế nào, anh lại mới viết bài gì đấy à? – Ông ta vờ làm ra vẻ vô tình hỏi tôi.
Tôi đưa ông ta xem bài báo. Vừa xem, ông ta vừa sửa lại kính và thỉnh thoảng lại khẽ đằng hắng giọng. Bên túi phải của ông lúc nào cũng có cuốn Hình luật, còn túi trái là cuốn Luật báo chí.
– Cái câu này của anh hơi nguy hiểm đấy…theo Hình luật anh có thể bị kết án một năm tù…
Tôi bèn gạch ngay câu đó.
– Cả chỗ này nữa này… cứ theo luật báo chí thì viết những câu như thế anh có thể bị từ hai năm tù trở lên.
Tôi lại xóa luôn câu này.
Nào đã xong! Trong tay ông ta còn cầm cuốn Dân luật và cuốn Luật rừng nữa. Ông giở cuốn này ra xem, là tôi lại phải xóa thêm một câu, giở cuốn khác, lại phải xóa thêm câu khác…
Biết làm thế nào!
Như thế cũng chưa mùi gì! Cái tôi sợ nhất là còn phải đến gặp bố tôi.
– Đến ngay tao bảo đây! – Tiếng ông quát lên trong máy điện thoại.
Tôi vội vàng mang ngay bài báo đến gặp ông.
– Bốn mươi tuổi đầu mà còn dại! Vừa đến ngưỡng cửa tôi đã nghe thấy tiếng bố tôi quát ầm cả phòng.
Sau khi đón tiếp tôi bằng mấy câu như thế, ông đi ngay vào cái chính. Ông cầm bút và bắt đầu gạch lia lịa trên bản thảo của tôi. “Câu này không được. Gạch! Cả câu này nữa. Gạch!”. Lạy thánh Ala! Thật quả bao nhiêu thứ luật pháp trên đời cộng lại cũng không làm tôi sợ hãi bằng bố tôi. Tôi phải vứt ngay khỏi bài báo, không chút chần chừ, tất cả những câu nào bị bố tôi gạch.
Sau đó tôi mang cái bản thảo bị cắt xén trơ trụi đến tòa soạn, nhưng nỗi lo âu đâu phải đã hết!
– Ông có thể làm cho giọng văn mềm đi chút nữa được không? – Ông chủ báo đề nghị tôi.
– Trời ơi! Mềm như bún thế rồi còn mềm vào đâu được nữa! Mềm nữa thì thành cháo à?
– Hay là bỏ câu này đi vậy?
– Bỏ thì bỏ!
– Còn câu này sửa đi một tí nhé?
– Sửa thì sửa
Chắc các bạn tưởng thế là xong phải không? Xin thưa là còn lâu. Dễ xong thế thì ai mà chả làm được anh viết châm biếm. Còn đến lượt ông biên tập nữa chứ!
– Cái chỗ này phải nó thế nào cho nhẹ đi một chút!
– Đúng lắm! Những bao nhiêu cách nói nhẹ nhàng tôi đã dùng hết cả rồi còn đâu?
Tuy vậy tôi và ông ta vẫn cố bóp óc, tìm ra những cách diễn đạt thật nhẹ nhàng hơn. Tìm mãi cuối cùng cũng ra và lại đưa vào bài báo.
– Câu này nghe hơi gay gắt. Hay ta chữa lại thế này nhé!
– Ừ thì chữa!
– Xin lỗi nhé! Còn câu này nữa. Nó chẳng ăn nhập vào đâu cả.
– Thế thì bỏ đi vậy!
Đến đây hẳn các bạn phải nghĩ là chấm hết rồi chứ gì, đúng không nào? Nếu chấm hết được thì đã phúc!… Một giờ sau lại có tiếng chuông điện thoại gọi tôi.
– Anh Haxan đấy phải không?
– Vâng, tôi đây.
– Trong bài báo của anh hình như có các tên Ali thì phải?
– Đúng rồi!
– Thế thì phiền quá, làm thế nào được nhỉ? Vì anh biết đấy. Ngài Ali giữ chức vụ quan trọng ở chỗ chúng tôi…
– Dễ thôi. Thay bằng tên Muxta vậy!
– Ấy chết! Ngài Muxta lại còn giữ chức vụ cao hơn nữa kia!
– Thôi được. Thế thì không nói tên ai nữa vậy.
Lát sau lại có tiếng chuông nữa.
– Có phải anh Haxan đấy không?
– Tôi đây.
– Trong bài báo của anh có nói đến ngày… mà chúng tôi lại vừa nhận của ông ta…
Rút cuộc bài báo còn toen hoẻn đúng một mẩu. Ngày mai nó sẽ được đăng trong mục châm biếm. Các bạn đọc nó chắc sẽ phải bật cười vì nó buồn cười lắm. Mà làm sao không buồn cười khi đọc một bài châm biếm như thế được? Chính tôi còn phải buồn cười nữa là!
Nhưng ngay ngày hôm đó đã có một lá thư gửi đến tòa soạn buộc tôi vào tội vu khống.
Thái Hà dịch