Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mắc Cạn
ào thời của Túc và Hảo, bỏ nhau dù đã dễ hơn xưa nhưng chưa thể dễ bằng thời bây giờ thế hệ trẻ. Hồi đó, Hảo Túc thuận vợ thuận chồng đến thế, đồng lòng đâm chung một lá đơn đánh máy, xưng chúng tôi, không nguyên không bị, cùng nhau thống nhất duyên cớ, lại còn cùng nhau chịu mọi tốn kém, san sẻ mỗi bên mỗi nửa tất tật những món trà thuốc phong bao phong bì dùng để bôi trơn các cửa, vậy mà sự chia ly cũng rất lùng nhùng.
Vợ chồng sát cánh đợi chờ, mất biết bao nhiêu là công phu, nghị lực và phí tổn, mãi hoài rồi mới tới được với cái ngày thu đẹp trời ấy. Hai người được trát triệu hầu tòa. Ở đó, sau khi nghe thêm một lượt nữa lời bà chánh án khuyên răn, can gián, hòa giải, anh chị được cầm lấy bút, và bấy giờ mới thực sự là lần chót chữ ký của Hảo của Túc nằm chạm nhau.
Đôi lứa đã rẽ duyên lẳng lặng ra về song cũng vẫn chưa thể ngay tức thì đôi ngả. Chiếc xe đạp sắm hồi mới cưới giờ đã bệ rạc, trèo trẹo nghiến răng, Túc và Hảo một lần chót lai nhau dọc phố. Từ tòa án về nhà đường xa năm cây số, và tuy rằng Hà Nội ngày thu đẹp trời thật đấy nhưng với ai chứ với họ thì thời tiết sao mà tức thở, nồng nực, oi ngột, nắng chang chang.
Hỏi rằng vì sao ở đời có sự yêu nhau, vì sao không đâu người này lại chọn người nọ, từ lạ hoắc lạ hơ tự dưng nhập một vào nhau đàn ông đàn bà, ai mà có thể trả lời. Cũng vậy, thiên hạ thôi nhau, không thương nhau nữa, đường ai nấy đi, nào có bởi can cớ gì.
Xửa xưa, Túc Hảo sơ khởi đánh bạn khi đang cùng nhau trên tàu liên vận. Cả hai cùng xa Hà Nội năm lên mười tám. Vì là con độc không phải nhập ngũ, lại học giỏi đỗ cao nên Túc được chọn đi tây. Hảo thì không giỏi mấy, nhưng thuộc diện ưu tiên. Tình bạn bè giữa hai người ra đời từ trong tình cảm chung của tập thể đoàn lưu học sinh nô nức mừng vui rời ga Hàng Cỏ. Sang tới Bằng Tường, chuyển qua các toa Trung Quốc rộng rãi, sạch sẽ, tiện nghi, thật sướng, còn vui hơn. Năm ấy chưa ai có thể biết trước được là cuộc chiến tranh khốc liệt sẽ chấm dứt vào cuối mùa xuân năm sau, chỉ khấp khởi biết rằng hành trình này đây đang rộn ràng đưa mình từng cây số một rời xa đất nước nghèo khó, nặng trĩu gian nguy. Cũng năm ấy, ở nước bạn, Cách mạng Văn hóa đã vào hồi thoái trào, đoàn tàu chở lưu học sinh không gặp một mảy may rắc rối. Các chàng các nàng như thể đổi đời. Họ mập lên, họ tăng trọng, hồng hào, rạng rỡ, vui vẻ ríu rít, chan chứa lòng yêu đời, sự biết ơn và những xúc cảm lãng mạn. Lúc tăng bo qua biên giới hai nước Trung Xô thời ấy đang kình nhau, Hảo Túc vai kề vai, cùng cả đoàn tay đưa cao cuốn sách nhỏ bìa đỏ, ca vang Đông Phương Hồng. Hảo hát giọng kim, rất hay nhưng hơi run vì xúc động quá độ, nước mắt trào. Túc cũng xúc động lắm nhưng không khóc, giọng anh trầm, khỏe. Hai người đã chính thức lọt vào mắt nhau từ cái thời khắc thiêng liêng Việt Trung hữu hảo đó và trong niềm cảm động có phần hơi buồn cười ấy.
Ngay sau đấy tình cảm lại run rủi có được một tình cờ. Túc với Hảo cùng bị giữ lại ở bệnh viện cửa khẩu, không theo đoàn được. Túc thì do đã tuổi gần đôi mươi mà lên quai bị, Hảo thì phải chữa trị chứng ngoài da tha từ sơ tán bên nhà sang. Hai người cùng xuất viện, và trên chuyến tàu xuyên Xibia, chỉ mỗi bé bỏng họ với nhau lọt thỏm giữa những hành khách đồ sộ người Nga.
Sáu năm xa nhà hai người chẳng được sống kề, nhưng không quá cách biệt. Hảo học ở Adécbaidăng, Túc ở Acmêni. Thư từ, điện thoại thường xuyên, nghỉ hè nghỉ đông đều đặn qua lại. Trước khi về nước, Túc sang hẳn Bacu phụ Hảo lo cái thùng hàng gửi tàu biển. Bấy giờ đã mất nẻo về theo đường xe lửa, hai người thu xếp bay cùng một chuyến.
Tuy chưa đến độ phải cuống quýt cưới ngay khi vừa đáp xuống Nội Bài, họ cũng không quá chùng chình ngâm nga. Tìm hiểu nhau rồi thì lấy nhau là lẽ đời cần thiết. Túc có căn hộ hăm tư thước vuông khu tập thể thừa kế của song thân đã qua đời, còn Hảo thì tuy ruột thịt đều đã vào hết Sài Gòn nhưng bù lại có ông cụ làm lớn, từ tận trong đó vẫn đủ lực với ra thu vén hai chỗ công tác rất dễ chịu tại Hà Nội cho cả cô con gái lẫn chàng tân lang.
Sau hôn lễ, cao đỉnh tình yêu dịu đi hơi mau. Cường độ vợ chồng thuần xuống, nhập rất nhanh vào nhịp sinh nhai ngày qua ngày. Nhưng nói chung ai mà chẳng thế. Ở đời này thật ra sự trăng mật của các lứa đôi không hừng hực cuồng náo, không nồng cháy xoắn xuýt, không kỳ thú lâu la như là người ta cứ tưởng. Có cặp chỉ trong cái nhoáy. Như Túc với Hảo là vừa phải.
Thiên hạ thường than là tháng ngày gang tấc kỳ tình thời gian chẳng chóng chẳng chầy. Điều độ ổn định, một lòng xin được hai chữ bình an, cuộc sống gia đình, hạnh phúc nho nhỏ, thản nhiên vô sự đều trôi. Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình.
Chẳng hề có điềm xấu. Tịnh không thoáng một triệu chứng nào báo trước. Nông nỗi tuyệt đối vô hình. Trong đơn, trước tòa, Túc và Hảo chẳng một lời đổ lỗi cho nhau, cũng chẳng nại ra chuyện gì từ sự đời từ thế gian. Thế gian ai chẳng như ai, người thân người dưng, xấu tốt dở hay, còn sự đời là sự đời chung, thành phố, cơ quan, khu tập thể, sướng vui, khổ sở, may mắn, vận hạn.
Nhún vai, chịu không cắt nghĩa nổi sự rã đám vô vị giữa Hảo và Túc, những bạn bè từ thuở còn bên Liên Xô đùa rằng đôi uyên ương ấy bắt chước cuộc đổ vỡ diễn ra trên xứ sở yêu dấu của thời thanh xuân du học. Có vẻ như vậy thật. Tuy tổ ấm đã thôi ấm cúng từ lâu rồi trước đó, nhưng đúng là vào hôm họ chính thức đâm đơn thì đài báo đang ầm lên sự kiện Acmêni và Adécbaidăng nổ súng giết nhau. Chuyện đục tường và thống nhất nước Đức gợi ý cho những kẻ có đầu óc hoạt kê gọi vách ngăn được dựng lên theo phán quyết của tòa tách đôi căn hộ Hảo Túc là “bức tường Bá Linh”.
Chướng ngại bằng cót ép không dày như bê tông đúc sẵn nhưng đủ bịt bùng. Chi phí vợ chồng cùng chịu. Và dù pháp luật không định rõ nhưng vợ chồng lẳng lặng thỏa thuận, anh ở buồng trong nhường chị phòng ngoài, diện tích bằng thế song ít nhiều thông thoáng hơn.
Biệt lập, cách bức rành rẽ trong ngoài, tuy nhiên không triệt để. Phần vì kiểu cấu trúc của căn hộ hăm tư thước khu tập thể vẫn buộc Hảo Túc vào ra một cửa, len cùng một lối đi cực hẹp, thổi nấu một khoang bếp nhỏ tẹo, tắm táp lau rửa và xử lý hàng loạt tình tiết riêng tư khác trong chỉ một ô vuông khít khịt không thể ngăn đôi. Phần nữa vì mùi mè hơi khí của cuộc ăn ở chừng bấy năm trời với nhau đã quyện dính, đã bết bám lại như keo, không cưa ra được, cũng không cách gì quạt thổi cho hả hết.
* * *
Như đã thuật lại ở trên, buổi trưa ấy sau phiên tòa Túc đạp xe lai Hảo trở về khu tập thể, trời rất oi, song không phải do nỗi lòng khiến hai người cảm giác ra thế mà là thời tiết nó thực sự như thế. Đang quang không gian bỗng sầm lại. Biển mây kìn kìn. Mưa ào xuống khi bánh xe đạp vừa chớm tới thềm.
Mình dính ướt, Hảo vội đi tắm. Túc bật đèn lên và cứ nguyên tóc với vai áo ẩm ngồi xuống đi văng. Anh cắm phích xamôva. Vợ chồng anh chuyên dụng loại ấm này. Nước trà sùng sục sôi rót vào đúng kiểu cốc Nga to đại, dày và nặng, nằm vừa xinh trong cái vỏ bạc có quai, chạm khắc tinh xảo. Uống như vậy, dù không có trà đen, chanh lát với đường viên, nhắm mắt lại, mường tượng ngoài kia tuyết rơi trắng trời.
Liên tiếp những chuỗi sấm lăn rền rền trên mây, nhưng tai Túc vẫn chạm từng tiếng động khẽ trong ngách buồng tắm. Cái gáo nhựa múc nhẹ nước từ thùng phuy ra, chầm chậm xối. Túc gạt cần máy quay đĩa. Triệu triệu bông hồng. Bài này Túc luôn thích thật ồn, còn Hảo ưa nghe nhỏ. Túc cho hạ âm xuống một xíu.
Giọng của ca sĩ và bước chân của Hảo đi vào phòng lẫn dưới nền trầm trầm tiếng mưa rơi. Cảm thấy là Hảo đang tới rất gần mình, bên bàn, nhưng Túc chẳng ngạc nhiên, chẳng hé mắt nhìn. Đã từ rất lâu rồi chẳng một lời với nhau và luôn cẩn thận tránh không bao giờ cùng nhau một chỗ trong phòng, song bây giờ chắc là Hảo cần một cuộc nghị bàn, tính toán của nả đồ đoàn, chia bôi dứt điểm. Để thoáng mặt bàn bày giấy má, Hảo lách cách dẹp nước nôi đi và nhẹ bưng lọ hoa hồng ra bậu cửa sổ.
Một cú sét điếng hồn. Tiếng choang vỡ trên nền nhà. Giọng ca nghẹn cứng lại như là bị dẫm lên. Túc mở mắt. Đèn đóm tắt ngấm cả.
Hảo lúi cúi nhặt những mảnh vỡ của lọ hoa. Tầng trệt, điện cúp, tối âm âm. Ô cửa sổ sáng đùng đục. Mặt kính ướt lòng ròng, vấy cả những vệt bùn từ sân thềm bắn tóe lên.
Sau này, ngẫm lại, Túc không tài nào hiểu nổi tại làm sao lại diễn ra như vậy. Anh chỉ có thể chắc chắn được một điều là mình không chủ định. Cả Hảo cũng vậy, không hề. Khi ấy Hảo chỉ là đã chạm rất khẽ vào Túc, có ý đề nghị anh dịch ra để chị lượm nốt những mảnh vỡ. Cho nên, hoàn toàn là bỗng dưng, vậy thôi, như là trút một tiếng thở dài, Túc nặng nề ôm lấy Hảo. Và ngược lại.
Suốt chiều đó, tối đó, rồi thông đêm, dòng điện không hồi lại. Ngoài trời, mưa khi tạnh khi sầm sầm thác đổ. Trong bóng tối nhòa mịt của căn phòng, dọc trên đi văng, hai người chẳng ăn, hầu như chẳng uống, hầu như không một lúc nào duỗi ra để có thể tạm rời nhau. Họ riết lấy nhau, chẳng thốt một lời, im lìm mê lịm gần như chết ngất. Có những khúc lặn, cùng nhau bặt thiếp đi, nhưng như là sợ lỡ đà nên lại vồi vội cùng nhau hồi tỉnh, lại cùng nhau nín thở sa nữa vào cơn mộng du âm thầm hối hả, nóng bỏng và co giật, rực lên như lửa, mà đời họ chưa từng…
Miên man miệt mài như thế cho tới bất chợt một lúc nào đó, ánh đèn điện và đoạn cuối của Triệu triệu bông hồng xô Túc ngồi bật dậy, choàng tỉnh. Trời sáng bạch. Hảo đã xách xe đạp ra khỏi nhà từ bao giờ. Túc vơ vội áo quần, ào nhanh vào buồng tắm. Hộc tốc anh chạy bộ đến bến xe buýt.
Sự đời quả thật rất lạ, bỏ vợ thì không được nghỉ việc một hôm nào nhưng bỏ chồng thì được. Buổi chiều, đi làm về, Túc cấm khẩu trước những đảo lộn mới mẻ Hảo đã kịp gọn gàng hoàn tất trong ngày. Vách ngăn giữa hai phòng hiện lên đó như bởi phép màu. Đồ đạc thứ thì ở buồng trong vừa khiêng ra, thứ từ buồng ngoài mới chuyển vào, giao hoán, bù trừ, anh được cái này chị giữ cái kia. Rạch ròi từ chiếc bát đôi đũa, sòng phẳng, phân minh, chẳng thể nói được gì nhau.
Thực ra thì Túc cũng gượng có được đôi ba lời, song Hảo không hưởng ứng. Chị không lạnh mặt làm thinh, nhưng giọng chị bình thản, thái độ chị điềm nhiên, như không vậy, chẳng còn vương một gợn nào nữa của cái nông nỗi vừa xong nửa ngày một đêm mệt nhoài. Chị quét tước, lau dọn phần căn hộ thuộc sở hữu của anh. Chị là quần áo và sắp xếp lại tủ cho anh. Một thiện chí hững hờ với hàm ý khẳng định đây là lần chót, rằng từ đây mỗi người mỗi phận.
Cố nhiên đã thân ai nấy lo rồi mà vẫn một mái ấm thì hết sức cấn cái. Ngoài bầu dưỡng khí, suốt một thời gian dài hai người vẫn còn phải chung hộ tịch, chung sổ gạo, chung nước trữ trong thùng phuy, chung chạn bát, bếp dầu, chung công tơ điện. Trăm thứ bà dằn của hậu kỳ thời bao cấp. Nhưng bởi vì đều là dân có học, lượng chữ nghĩa đầy ắp, cả hai nhà trí thức đều thấm nhuần lẽ sống phẳng phiu, ý tứ và biết điều của thời ấy, cho nên dù gì vẫn cứ chịu nổi.
Buổi đầu, Hảo cũng khá là dè chừng, chằm chặp phòng thân như thể góa phụ thủ tiết. Về nhà là vào ngay buồng mình, dập ngay chốt cửa. Tối, khóa trái. Đêm xuống cài thêm then sắt. Một bước khỏi buồng cũng phải tươm tất trang phục và đầu tóc như đi ra phố. Chị cố hết sức tránh sự ra đụng vào chạm, nhất là tại những góc có tính công cộng của căn hộ. Nhưng sự cẩn trọng lơi lỏng dần, vì mệt mỏi và vì chẳng cần thiết. Túc rất mực nghiêm ngắn, quá sức đàng hoàng. Bản tính phải đạo và trình độ văn hóa đã giúp anh có được gần như ngay lập tức phẩm chất sáng giá nhất của một người láng giềng, ấy là đức dửng dưng.
Miễn đưa mắt, miễn dỏng tai, miễn can dự này nọ, vô hại, ơ hờ, bình chân như vại, Túc có vẻ là người cuối cùng trong chung cư nhận thấy là Hảo đã mang bầu. Thậm chí, như là lời hàng xóm họ đùa cợt kháo nhau thì bữa ấy khi cô vợ từ nhà hộ sinh trở về, anh chồng cũ đã quá đỗi lấy làm lạ, anh ta tưởng đâu tiếng trẻ oa oa khóc ở mé bên kia vách ngăn là kết quả của một quá trình sinh sản vô tính.
Tất nhiên là thiên hạ người ta cứ thích hài hước cho vui thế thôi chứ tấn hài kịch ấy chẳng hài một tỵ nào. Sự đời vô cảm có gì mà vui.
Hài nhi chào đời do chửa hoang, mang họ của mẹ, thiếu ngày, kém cân. Mẹ nó lại không có sữa và dường như chẳng biết đường nuôi con. Càng thêm tháng thể trạng của đứa trẻ như càng thêm sa sút. Nó khóc đêm khóc ngày, sà sã dai dẳng ẹ ẹ giũa vào tai người ta.
Túc chẳng thể thấy mặt đứa bé ở bên kia vách nhưng anh bị buộc phải thu nhận tỉ mỉ từng nhịp sống ốm oặt của nó. Liền mấy tháng trời anh thống khổ chịu đựng. Ban ngày không thể đứng, không thể ngồi, không thể lật nổi một trang sách, buổi tối, canh khuya nằm bên này vách anh triền miên mất ngủ cùng với Hảo nằm bên kia.
Anh cảm thấy quá sức tệ hại.
Hôm ấy, một giờ đêm, Túc chồm bật dậy, ra khỏi phòng, đi tới, đẩy cánh cửa phòng ngoài. Cửa không chốt, anh bước vào. Đèn ngủ đầu giường còn sáng. Một tay vẫn để trên vành nôi nhưng Hảo đã lịm thiếp đi. Trong nôi, con bé nhẫn nại khóc ngằn ngặt. Túc cúi xuống, vén màn, ẵm nó lên. Chỉ một lát là con bé nín. Túc nhẹ chân đi lại lại trong phòng Hảo, đung đưa vòng tay, khe khẽ lầm rầm, khe khẽ ư ử gì đó trong họng ra điều nựng nịu. Khi Hảo thức giấc, đón lấy con bé đang ngủ ngon trong tay Túc, trời đã sáng hẳn.
Từ đó Túc nghiễm nhiên vào ra buồng Hảo. Không phải anh thường trực ở bên đó nhưng cũng là mỗi tuần vài bận lần sang. Chẳng xin phép gì cả cứ lẳng lặng. Hảo cũng lẳng lặng. Túc có thể ẵm con bé con lên dỗ cho nó khỏi quấy, có thể ngồi thừ ra bên nôi nhìn ngắm nó chơi hoặc là nó ngủ. Có thể một chốc hay có thể ngồi nán cả giờ, kệ, Hảo chẳng bảo sao. Tất nhiên không phải tuyệt đối chẳng nói chẳng rằng, thi thoảng họ vẫn đôi điều này nọ trao đổi về cái răng sữa mới mọc của con bé, về sự trán ấm trán mát, về cháo, về bột, về các thứ thuốc men của nó. Nhưng chỉ thế thôi, không bao giờ lan sang chuyện khác, nhất là không khi nào họ đả động nửa lời tới cái ngày thu ướt át tầm tã mưa rơi năm rồi.
Nhẫn cưới tháo ra cất đi, sinh con, Hảo phải mang bán. Đồ đạc trong phòng cứ vợi dần. Bên kia vách, phòng của Túc cũng vậy. Trừ những của vứt đi, bao nhiêu món đồ có giá sắm từ bên Liên Xô với nhau và đã chia bôi với nhau ngày ly hôn, đều phải lần lượt cho ra chợ giời đi ở nhà người. Túc thì thậm chí cả tự điển, cả sách chuyên ngành cực quí cũng mại. Bia rượu không. Thuốc lá từ. Chẳng màng bè bạn, bỏ bẵng mọi mối quan hệ. Thối hẳn chí tiến thủ. Vừa đó còn quyết liệt dốc công dốc của dự vào trận tranh giành suất nghiên cứu sinh nước ngoài, thế mà giờ chỉ để thi lấy cái bằng phó tiến sĩ nội hóa dễ như trở bàn tay Túc cũng xin kiếu.
“Tôi chẳng thiết gì, đời thế là hài lòng rồi”, họa hoằn có cơ hội trút tâm tình với một ai đó, Túc bảo vậy. “Con trai con gái đều được, nhưng mà gái đầu lòng là nhất”. Người cha, anh chồng nào không nói thế, song nghe từ Túc thì quá là nực cười. Tự anh cũng biết vậy. Bởi vì rốt cuộc, ngày qua tháng lại đời anh vẫn thế thôi, một tay đàn ông nhàu nhĩ khuôn mình nhỏ mọn vào phần diện tích được chia và vào cõi độc thân thâm xịt. Kề bên anh, con gái của Hảo mặc dù hết ốm lại đau vẫn đã tuần tự biết lẫy, biết bò, chập chững biết đi, bi bô biết nói, và rồi cũng tới được vườn trẻ, tập bước vào đời. Nhưng đối với những chặng nhỉnh dần lên đáng yêu ấy của nó, dẫu có vẻ được phép can dự mà tình thực Túc chỉ là kẻ chầu rìa. Anh có thể làm tất cả vì con bé, tùy, Hảo chẳng đòi hỏi, chẳng khước từ. Chỉ có điều, dù không nói ra, nhưng với chị, hiện diện của anh chẳng thể cho anh một gờ ram trọng lượng nào trong cuộc đời đứa bé và cố nhiên trong đời riêng của chị.
Ý chí ấy thể hiện rõ ở những giao du của Hảo, đặc biệt là từ khi đã qua được giai đoạn nuôi con vất vả nhất. Chị không quan hệ rộng, nhưng chị có những bạn tốt ở nhiều giới, một số ít trong đó là bạn rất thân, chí tình chí nghĩa giúp đỡ mẹ con chị về mọi mặt. Cho nên vẫn món lương mọn ba cọc ba đồng, cơ quan thì xập xệ xuống cấp, chị đã từ từ ra khỏi cảnh túng bấn, chưa thật khá, nhưng là đã chớm có tiền.
Hè năm đó, một ngày nọ, Hảo đã khiến Túc tái người đi khi điềm nhiên đề nghị anh nhượng lại cho chị căn buồng của anh. Đang rất buồn bực bởi nỗi Hảo đã vừa gửi con bé con vào Sài Gòn với ông bà ngoại mà chẳng hề để anh được một chút ý kiến ý cò, Túc bặm môi lại, lặng ngắt hồi lâu, rồi bật lên, hét vào mặt Hảo rằng sẽ bán, bán ngay, nhưng không bán cho cô với những cái thằng của cô, không đời nào, nghe rõ chưa, đồ…! Bỏ lửng, anh đá sầm cánh cửa, lảo đảo bỏ đi.
Nhân còn đọng một đống ngày phép, anh liền rời xa hẳn Hà Nội cả tuần lễ để lang thang ngẫm nghĩ, để dịu lòng. Trở về, nhẹ nhàng rón bước vào buồng của mình, khi bật đèn lên, anh sững người, đánh rớt túi xách. Vách ngăn cót ép trát hắc ín đã bị thế bằng một bức tường xây.
Tường gạch kiên cố, vữa dày miết kỹ, vậy mà cuộc nhậu ở phòng Hảo vẫn dội tiếng sang, không ồn gì lắm nhưng mà nhức nhối.
Túc bước vội khỏi phòng. Anh muốn vùng chạy khỏi căn hộ, thoát mình thật mau ra ngoài đêm. Nhưng mà chân không vững, như say, khi loạng choạng đi dọc qua khoang bếp hẹp để tới cửa chính Túc bất đồ xô phải Hảo, ngã người vào người Hảo. Đáng lý xin lỗi thì Túc lại phũ phàng đẩy mạnh Hảo ra, và rồi đột ngột, bất ngờ với cả chính mình, anh rít lên, văng ra nguyên vẹn cái từ mà tuần trước còn văng dở chừng. Hảo lặng người đi như là bị đánh vào mặt.
Lời đã thốt ra không nuốt lại được, líu lưỡi, kinh hoàng, Túc bước giật lùi trở lại phòng của mình. Anh toan sập cửa lại, nhưng Hảo đã ở đó, ở ngưỡng cửa, gương mặt tái xanh, môi mím chặt, và toàn thân run rẩy, đứng không vững, cơ hồ sắp ngã.
Đám bạn ở buồng bên đều đã lơ mơ, đều đã ngả nghiêng, nhưng vẫn tiếp tục vui đến tận khuya. Chẳng ai nhận thấy là Hảo đã biến mất, hoặc có thấy thì cũng tảng lờ, nhận chìm sự thể ấy vào trong rượu và tiếng ồn ào. Người khách ra về sau cùng đủ tỉnh táo để tắt đèn trong buồng Hảo, nhưng chỉ khép hờ cánh cửa chính của căn hộ. Tảng sáng, trời nổi một luồng gió lớn, cánh cửa ấy mở tung ra, rồi lại giận dữ tự đóng sầm lại… ấy là cuộc vui cuối cùng, trận nhậu sau chót. Sau đêm đó, những người bạn kia không bao giờ còn trở lại. Nhưng mà rất đỗi lạ lùng là không chỉ bọn họ mà toàn bộ bàn dân thiên hạ khu tập thể ngay sáng hôm sau đều đã tường tận căn nguyên cái vẻ mãn nguyện uể oải trong những bước đi uyển chuyển, dáng người đung đưa thường ngày của Hảo.
Sau khi Túc bay vào Sài Gòn với lá thư tay ủy quyền của Hảo đưa được con bé con trở ra, người ta đùa rằng nếu chỉ một mình con bé thì không giải quyết được gì nên nó nhất thiết cần cộng thêm một đứa em cho thành số chẵn để giúp mẹ nó với người chồng cũ có thễ dễ dàng chia nhau.
Lần mang thai thứ hai của Hảo khác nhiều so với lần trước. Nom nặng nề vất vả hơn hẳn, và tinh thần yếu đuối, không tự lực được, phải dựa nhiều vào Túc. Anh qua lại phòng bên thường xuyên hơn, chăm nom con bé con và đỡ đần việc này việc khác cho Hảo. Cả lo đưa chị tới nhà hộ sinh rồi rước về cũng một thân anh Người ta mừng cho Túc và người ta không nhịn được cười. Con bé con không chỉ có thêm một đứa em mà hai đứa, hai thằng. Vẫn là số lẻ.
Người ta nói là đời riêng của Túc đã hoàn toàn mắc cạn. Không thể từ bỏ khu tập thể để đến với miền xa đất mới, mà lùi lại năm tháng xưa cũng không thể được. Bức tường xây ngăn đôi căn hộ, ai nấy đều biết chắc là Hảo không đời nào cho dỡ bỏ.
Bấy giờ lại đang những ngày giữa thu nặng nề mưa bão, khu tập thể úng lụt. Các căn hộ tầng trệt ngập nước tới chấm bụng người lớn. Giường của bốn mẹ con Hảo như chiếc mảng nổi trên sóng nước. Túc ùm ùm lội và bơi lo liệu tiếp tế, nuôi nấng. Nhìn anh, người cha của những đứa con không cùng họ, thân thể mặt mày ướt át, đầm đìa bùn nước với mồ hôi, người ta không thấy là anh khổ sở, không nghĩ rằng anh bất hạnh.
Cố nhiên thời nay, bây giờ, nghe kể khổ kể xấu thời bao cấp đã mệt lỗ tai, nhưng xưa, khi đang ở ngay trong cái thời bao cấp đó của Hảo và Túc, có mấy ai cho rằng mình đang trải một đoạn đời cực ơi là cực. Con người ta thuở ấy cũng như con người ta muôn thuở chỉ lo sống, cứ thế sống, sống và chỉ có sống mà thôi.
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn