Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 20: Một Góc Nhìn Về Lãng Phí
S
o với lãng phí, tham nhũng không khéo chỉ là chuyện “mèo tha miếng mỡ” trong tương quan với “cả con lợn” mà thôi. Mặc dù, chuyện “tha mỡ” ì xèo như hiện nay là điều không thể sao đối với đa số chấp nhận được, bảo vệ “cả con lợn” vẫn là điều hợp lý hơn. Đặc biệt là trong điều kiện “con lợn” của chúng ta vẫn còn khá bé.
Lãng phí tồn tại dưới rất nhiều hình thức. Dưới đây, xin được kể ra một vài hình thức dễ nhận biết nhất.
Một là, việc đầu tư không tính đến hiệu quả. Chương trình một triệu tấn đường đắng như thế nào thì ai cũng biết. Thuốc đắng dã tật, nhưng đường đắng thì không. Nếu coi trọng tính hiệu quả, chúng ta đã không đầu tư một lúc cho tất cả 10.800 công trình như hiện nay. Sự rải mành mành này đang hút hết các nguồn lực tài chính hiếm hoi của đất nước và gây ra tình trạng hụt hơi của nền kinh tế. Một số lượng vốn khổng lồ đã bị chôn vào các công trình mà chưa biết đến bao giờ mới phát huy hiệu quả.
Hai là, sản xuất không tính đến thị trường. Trong những năm gần đây, nhiều người trồng cà phê ở Braxin và Mêhicô đã bị vỡ nợ vì tình trạng cung vượt cầu trên thị trường thế giới. Họ không thể đoán trước được rằng người Việt Nam có thể sản xuất ra một số lượng cà phê khổng lồ đến thế. Tuy nhiên, nếu chúng ta sản xuất ra cà phê nhiều gấp đôi mà giá cả lại giảm đi mất một nửa, thì việc đẩy mạnh sản xuất chẳng có ý nghĩa gì. Tệ hại hơn, chúng ta đang lỗ nặng. Sự lỗ này được biểu thị trước hết bằng toàn bộ chi phí để đẩy sản lượng cà phê tăng lên gấp đôi. Đó là chưa kể đến các chi phí để thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến v.v. và v.v. Điều “an ủi” duy nhất đối với những người trồng cà phê là: họ không phải là những người duy nhất làm như vậy. Đây cũng là lý do giải thích tại
nông dân “được mùa thì không được giá”. Đầu tư sản xuất mà không tính đến thị trường là một sự lãng phí khổng lồ.
Ba là, tổ chức công việc không tính đến tính thiết thực. Những điều có thể dạy trong giờ học thì lại phải dạy thêm là không thiết thực. Sự lãng phí xảy ra không chỉ đối với thì giờ, tiền bạc mà còn đối với sức khỏe và sự phát triển lành mạnh và bình thường của con em chúng ta. Các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học được tổ chức quy mô, rầm rộ cũng vậy. Không biết việc làm này sẽ thiết thực đến đâu, nếu phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc. Và chúng ta cũng sẽ rất khó giải thích được là các cháu sẽ cần tấm bằng tiểu học để làm gì trong đời sống hiện đại. Suy cho cùng, trong nhiều chương trình dạy và học, những điều không giúp gì được cho sự sáng láng và thành đạt của con em chúng ta trong cuộc sống rất có thể chỉ là một sự lãng phí khổng lồ về thời gian và cơ hội.
Sự lãng phí còn do tình trạng chồng chéo trong công việc, lòng vòng trong thủ tục gây ra. Tuy nhiên, những điều này và kể cả những điều đã nói ở trên đều là những chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Vì vậy, lại tiếp tục nói ra đây có khi cũng chỉ là một sự lãng phí mà thôi.