Số lần đọc/download: 2797 / 88
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Chương 23
T
rong vòng không đầy một tuần lễ, Ngô bị “chuyển công tác” từ chỗ này đến chỗ kia ba lần. Ở đâu, ban đầu chàng cũng bị tiếp đón bằng những cái nhìn nghi kỵ, cảnh giác. Ngô ăn nói vụng, tính hơi cộc, nên phải quen lâu người ta mới hiểu chàng. Đã thế, khi bị cật vấn, Ngô nổi cáu, ưa trả lời lấp lửng như thách đố; muốn hiểu sao thì hiểu. Do đó, nỗi ngờ cứ chồng chất, cán bộ chỗ cũ thì thào dặn dò với cán bộ chỗ mới. Những cái liếc mắt dò chừng, những bàn tính nội bộ bị ngưng đột ngột khi có Ngô, khẩu AK được phát cho nhưng đạn thì chỉ được phát lúc thật cần thiết. May mắn cho Ngô là từ mồng Bảy Tết, chàng được “công tác” với một tổ thật trẻ trung, thoải mái.
Toán công tác vẫn làm công việc “thanh lọc” y như các toán khác, nghĩa là chỉ làm ban đêm. Thành phần cũng “tổng hợp đa dạng” gồm một cán bộ công an chuyên nghiệp, một bộ đội Bắc Việt, một du kích địa phương hoặc cán bộ nằm vùng, và một thanh niên võ trang tại chỗ tức là người Gia hội mới được phát súng giữ nhiệm vụ liên lạc áp giải người tình nghi đến để thẩm vấn phân loại, sau đó đưa trả về cho bộ phận bắt giữ người tình nghi phản động.
Toán của Ngô làm việc thoải mái vì những người cầm quyền sinh sát đều quá trẻ, thua Ngô đến 4, 5 tuổi. Thuấn, chú bộ đội gốc Hà nội mới 20 tuổi, học xong lớp mười đi nghĩa vụ Trường sơn vì như Thuấn nói bô bô trước mọi người:
- Tớ bị mấy ông làm thơ lừa! Mới tốt nghiệp phổ thông, lý lịch tớ tốt, gia đình công nhân tiên tiến, tớ muốn vào đại học nào chẳng được. Nhưng tớ mê thơ lắm cơ! Ðọc các ông ấy tán cuộc đời bộ đội thơ mộng quá: nào là mắc võng nằm nghe chim rừng, nào là tán tỉnh mấy em gái thanh niên xung phong, nào là đi hái rau “cải thiện”, nào là đi tìm lan hiếm… Ðánh trận thì trận nào cũng thắng, máy bay Mỹ rơi như sung, một phát AK xỏ xâu tám chín thằng lính ngụy… Mê quá! Thì ra chỉ toàn bốc phét một tấc đến trời!
Sáu Lăng, anh công an có “trình độ nghiệp vụ” mắt sắc như dao cau, ưa lườm lườm nhìn mọi người để khủng bố tinh thần, ưa rờ râu nghếch mặt lên làm bộ lơ đãng nhưng không bỏ sót lấy một hơi thở một cử chỉ của người bị thẩm vấn, may mắn thay, đã được “điều” tạm đi làm việc khác cần hơn. Đại diện cho “thành phần cách mạng nội thành” là Ngô. Diên, cậu học sinh đệ tam tư thục Bồ Đề mới vào đội thanh niên võ trang phường được hai ngày, lần đầu được cầm khẩu súng lạ, suốt ngày chỉ lo tháo cơ bẩm, thông nòng, lắp vào lấy ra gắp đạn, ngồi chờ trực thăng bay qua nhắm lên trời bóp cho hết gắp đạn rồi có bị khiển trách phê bình gì cũng được.
Diên ham bắn quá nên mới làm việc với tổ được một ngày đã bị lấy khẩu súng lại, và chuyển đi làm công tác khác. Một nữ du kích mập tròn như cái hột mít, dáng đi lạch bạch như vịt bầu nói giọng Quảng trị miền quê đến thay Diên.
Không khí sinh hoạt bắt đầu khó thở. Buổi chiều khi một cán bộ dùng xe Honda chở chị Miềng tới, Thuấn vồn vã tiếp chị như tiếp một bạn chiến đấu đã từng nằm gai nếm mật lâu năm trên rừng Trường sơn. Nhưng khi chị Miềng vừa xách cây súng AK và cái giỏ quần áo vào buồng sau, Thuấn đã ngồi xịch lại gần Ngô nói nhỏ:
- Ớn mấy mợ này quá! Sao họ không cử cho mình một cô sinh viên Huế nhỉ?
Chị Miềng xem qua một vòng bếp núc, rồi hỏi Thuấn đã đào đủ hầm cá nhân núp máy bay oanh tạc chưa. Chị nhăn mặt khi Thuấn lắc đầu. Ngô cũng cảm thấy lo, như đang đứng trước một bức tường nguyên tắc làm bằng đá.
Tổ của Ngô đang đóng tại một căn nhà lợp tôn vách gạch gần sát với bờ sông. Bên kia là xóm Cồn, xa hơn nữa, là Thế dạ. Cách đó hai hôm, một chiếc tàu chở tiếp tế của Mỹ chạy từ Thuận an lên đã bị bắn chìm ở cách chỗ Ngô ở không xa, và lâu lâu cách vài giờ, đêm cũng như ngày, hai bên vẫn bắn nhau qua khoảng sông nước xanh lặng lẽ.
Ðứng về phương diện quân sự, căn nhà Ngô đang ở không có gì an toàn nếu bị oanh tạc hoặc pháo kích. Do đó, khi bị chị Miềng bắt bẻ, Thuấn ngồi trân chịu lỗi.
Nhưng Thuấn nhanh trí chuyển câu chuyện sang phía có lợi cho mình. Chuyện đánh trận. Chị Miềng sáng mắt, say sưa ngồi kể lại chuyện mình làm giao liên dẫn bộ đội qua đồn, chuyện lãnh tiền trên Khu về Quảng trị, Đông hà mua thuốc đem lên. Không hiểu do biết trước về Ngô, hay do trực giác, chị du kích xem thường Ngô ra mặt.Chị Miềng cứ xum xoe bên Thuấn, anh bộ đội Hà nội, đôi lúc sấn sổ tới bên Thuấn, đến nỗi chú bộ đội phải nghiêng người tránh ra. Bữa cơm tối xong xuôi, trong lúc chị du kích đem chén bát dơ đi rửa, Thuấn than
- Đến khổ! Mấy mợ du kích với lại thanh niên xung phong hôi như cú, mập như voi, thấy con trai như mèo thấy mỡ! Anh không biết đấy, trên Trường sơn các cô thanh niên xung phong hễ vớ được anh bộ đội nào thì xô tới tấn công tới tấp, đôi lúc sàm sỡ mình phát ngượng.
Rồi Thuấn say sưa kể những thành tích của mình, vừa kể vừa cười hô hố. Hình như chị du kích nghe được những gì Thuấn nói. Hôm sau, thái độ chị ta thay đổi hẳn. Mặt lạnh như tiền, cần nói gì thì nói, ngắn, gọn, và chỉ nói tới “công tác cách mạng” mà thôi.
Ðêm nào toán công tác “thanh lọc” của Ngô cũng làm việc tới khuya, công việc lại thường căng thẳng như trò mèo vờn chuột. Ngô phải ngồi đó chứng kiến cảnh Thuấn dùng mưu mẹo bắt bẻ, dồn ép, khi dọa dẫm trắng trợn, khi vuốt ve tâm tình để cố dồn những người bị tình nghi vào thế chới với phải khai thật, hoặc buông xuôi khai đúng những gì Thuấn muốn. Nhìn cảnh một cậu thanh niên non choẹt nạt nộ những người đáng tuổi cha chú mình, rồi nhìn phản ứng bạc nhược hãi hùng của các nạn nhân, Ngô chua chát nhận ra sự tàn bạo của lịch sử, sự mong manh của ý chí, và dù không dám nói ra, chàng ác cảm, thù ghét tất cả cái khung triết lý đồ sộ biện minh cho bấy nhiêu sự hỗn láo, đanh ác.
Trước đây, Ngô vẫn thường chê Ngữ là người ưa chẻ sợi tóc làm tư làm tám và giữa hai người bạn thân, Ngô vẫn khâm phục Tường hơn. Trong lúc Ngữ ưa đặt lại tất cả mọi vấn đề và dè dặt hành động, thì theo ý Ngô, Tường vẫn nhìn vấn đề rõ ràng, mạch lạc, có hệ thống. Ðã thế, sau khi nhìn rõ những điều nên và không nên làm, Tường xông vào hành động, không chút do dự, chần chờ.
Bây giờ, Ngô thấy chính những hệ thống tư tưởng có vẻ như hợp lý đã đưa tới những hậu quả khốc liệt đến bậc nào!
Tiêu chuẩn đạo đức, thang giá trị từ xưa tới nay gần như bất biến khi cần những khuôn mẫu để định giá một người. Dối trá là xấu, thành thật là tốt. Nên thương yêu và không nên thù hận. Kính kẻ có tuổi, nhường nhịn người thấp hơn mình… Những điều tưởng là tiêu chuẩn xử thế hằng cửu đó bị những hệ thống mới đảo lộn. Chỉ cần “nhân danh” một mục tiêu nào đó thuộc hệ thống, người ta được phép làm tất cả mọi điều. Người ta hỗn láo trắng trợn, người ta lọc lừa, người ta tàn nhẫn với một lương tâm bình yên. Người ta chùi máu trên bàn tay xong, vứt miếng giẻ vào giỏ rác, lại bình thản nói chuyện tiếu lâm, ăn ngủ, mơ mộng, đùa cợt… Cuộc sống như những ngăn hộc phân biệt, đóng một cái hộc này rồi thì kéo một cái hộc khác, phủi tay không vấn vương gì với những điều đã làm trước đó. Càng sống và làm việc với Thuấn, Ngô càng kinh ngạc. Ngô không ngạc nhiên chút nào đối với những cảnh sát, thẩm vấn viên, giám thị nhà lao Thừa phủ chàng phải đối phó trong hai năm qua. Chàng ghét họ, dĩ nhiên. Chàng sợ họ. Nhưng Ngô không chút kinh ngạc hay băn khoăn về họ. Họ là những người chuyên nghiệp đang làm công việc của mình, giống như một anh thợ nề phải biết cầm cái bay, anh thợ mộc phải thạo việc bào phẳng một tấm gỗ.
Ðằng này, Thuấn, chị Miềng không hề là những người chuyên nghiệp. Họ không hề được chuẩn bị, học hỏi, huấn luyện để trở thành những công an thanh lọc tìm “bọn ác ôn”. Nhưng họ dễ dàng “chuyên nghiệp” hơn những người chuyên nghiệp, lành nghề hơn những người lành nghề uy hiếp tinh thần kẻ bị tình nghi để buộc họ khai những điều có thật hay không có thật. Ngô choáng váng vì thấy họ làm gọn ghẽ, chóng vánh một việc liên quan đến cái sống cái chết của người khác. Làm khơi khơi như là một cậu bé khơi khơi xé vở học thắt thuyền thả nước lụt. Họ lấy lý lịch kẻ bị tình nghi, xếp loại, rồi căn cứ theo giai cấp hay thành phần được xếp loại, qui nạp ra những tội trạng mà giai cấp đó thành phần đó bắt buộc phạm phải đối với “cách mạng”, đối với “nhân dân”. Không hề có biệt lệ. Tuyệt đối không có ngẫu nhiên. Với một bảng thang điểm đơn giản trong óc, họ phán quyết mau, gọn, như hai với hai là bốn, đến nỗi người bị khép tội há hốc miệng ngỡ ngàng không tin người ta đang nói về mình, không tin rằng mọi việc đã xong.
Chị Miềng ngủ ở căn buồng sau phía trong, cách chỗ Ngô nằm bằng một vách ván cao lên đến tận trần nhà, hai bên không ăn thông với nhau. Có lẽ căn buồng này dành cho đàn bà con gái ở nên muốn vào chỉ có hai lối: từ cửa hông mở ra vườn sau, và từ nhà bếp. Thuấn thích treo võng ngủ ngay trước nhà khách, vì không quen ngủ trên những tấm phản gõ hoặc giường liếp tre.
Họ đều ngủ muộn, và dậy muộn, trừ những lần phải choàng dậy vì những loạt súng nổ quá gần hoặc những lần máy bay oanh tạc sà quá thấp…
Khuya hôm đó, Ngô giật mình thức dậy vì có tiếng động lạ bên phòng cô du kích.
Vách ngăn bằng ván rung động từng chặp như có ai đập mạnh vào. Ngô ngồi hẳn dậy, lo lắng. Nhưng chàng hết ngay lo âu và trở nên tò mò khi nghe bên kia vách có tiếng cười khúc khích.
Ngô cố ngồi xịch lại gần tấm vách ngăn hơn để nghe cho rõ. Bên kia, im lặng hồi lâu. Ngoài vườn, đêm đen hoàn toàn yên lặng. Không có lấy một tiếng súng nổ lạc loài. Ngô bắt đầu ngờ vực chính mình, nghi mình lại nằm mơ. Nhưng lại thêm một tiếng cười khúc khích khác, lần này rõ hơn, tiếp theo là giọng chị Miềng:
- Ðồ quỉ! Ðã bảo thôi đi!
Giọng đàn ông ồm ồm không được rõ, sau đó lại giọng chị Miềng:
- Chê người ta là voi là cú, còn xông vào.
Lần này Ngô nghe rõ lời giọng đàn ông hơn:
- Thôi xin lỗi. Đùa một tí đã giận.
- Thèm giận làm gì!
- Không giận thì cho tí nào!
- Không. Ái! Đau tay người ta!
Chị Miềng lại cười. Ngô cảm thấy ghê gai dọc xương sống, bàng hoàng không thể quên nổi nét mặt lúc nào cũng đăm đăm của cô du kích, không thể nối kết nổi đôi mắt cau có đôi môi mím chàng vẫn thấy với giọng cười kia.
Chàng có lắng tai nghe, nhưng bên kia vách hoàn toàn im lặng. Ngô không dám đoán chắc những gì tiếp theo sau đó, nhưng bắt đầu hiểu tại sao vài hôm gần đây, thái độ của chị Miềng đối với Thuấn có khác, không còn lối ăn nói dấm dẳng khinh thường như trước nữa. Lối Miềng săn sóc Thuấn trong các bữa ăn, mà Ngô nghĩ là do tình đồng chí, do lòng ngưỡng mộ đối với những người từ thủ đô Hà nội vào, bây giờ Ngô hiểu rõ nguyên do.
Hình như Thuấn cũng biết Ngô hay chuyện, nên sáng hôm sau, anh chàng có vẻ bối rối tẽn tò khi gặp Ngô. Thuấn tìm cách thân mật với Ngô hơn, lan man kể chuyện gia đình mà không gượng gạo chen vào những câu “đúng chính sách”. Không cố chứng tỏ “thế chính thống” với những người “thuộc vùng tạm chiếm” như Ngô. Sau bữa cơm trưa ăn vội ngay kệ bếp, Thuấn rủ Ngô ra vườn sau “dạo một chút cho đỡ mỏi”. Ngô không nói gì, theo Thuấn đi về phía gốc mít nơi có đào sẵn ba hầm núp máy bay. Không nhập đề quanh co, tự nhiên Thuấn hỏi:
- Ở trong này, thứ máy chụp ảnh chụp hình lấy liền gọi là gì nhỉ?
Ngô không hiểu, hỏi lại:
- Chụp lấy liền là thế nào?
- Là chụp xong, chờ vài phút đã có ảnh ngay, khỏi cần rửa phim sang hình ấy! Như cái ảnh này này!
Thuấn rút ví đưa cho Ngô xem tấm ảnh của mình. Ngô vỡ lẽ, đáp ngay:
- Ờ, máy hình Polaroid của Mỹ đấy. Làm sao anh có loại hình này?
Thuấn cười hích hích thích chí, đưa hẳn tấm ảnh cho Ngô xem. Trên tấm hình Polaroid đen trắng dán lên mẩu giấy bìa, ảnh chụp bốn anh bộ đội trẻ (trong đó có Thuấn đứng ở mé phải) đang choàng vai nhau ưỡn ngực vênh mặt cười toe với ống kính, phía sau thấp thoáng một tòa biệt thự xây cất theo kiểu Pháp thời thuộc địa. Ngô ngờ ngợ, hình như tòa nhà này khá quen thuộc. Chàng hỏi:
- Ở Hà nội nhà cửa cũng giống trong này quá nhỉ?
Thuấn cười lớn:
- Ðâu phải ở Hà nội. Tụi này mới chụp tại Huế đấy!
Ngữ không ngăn được kinh ngạc.
- Chụp ở đây? Ai chụp cho các anh?
Thuấn hãnh diện đáp:
- Ký giả nước ngoài đàng hoàng! Này, xem chữ ký tặng của cô ký giả Pháp phía sau đây!
Bấy giờ Ngô mới để ý mấy dòng chữ viết nghiêng bằng bút Bic ở phía sau tấm ảnh. “À mes amis. Catherine.”
- Chụp hồi nào thế?
- Hôm tụi này còn đóng bên kia sông, ở khu gì gần nhà thờ ấy mà.
- Cô ký giả Pháp này dám tới phỏng vấn các anh à?
Thuấn cười:
- Vâng. Cứ coi như thế đi!
Rồi Thuấn nghiêm nét mặt, kể thành thực hơn:
- Chẳng hiểu họ xông lên vùng khu Công giáo đó làm gì, có thể họ chưa biết chúng ta đã chiếm cả khu đó. Họ bị mắc kẹt không về được. Chắc thế. Vâng, họ đi hai người, cô đầm có tên Catherine (Thuấn diễn theo lối Việt Nam Ca-the-ri-ne) không mang theo thứ gì ngoài cái xách tay có hai cây bút bi, giấy tùy thân, thỏi son, cái gương con và cuốn sổ ghi chép. Anh chàng mũi cao mắt xanh như các đồng chí Liên xô kia thì mang những ba cái máy chụp ảnh. Chúng tôi đang bố trí quanh khu biệt thự của Pháp kiều này thì thấy một chú bé dẫn cặp tây đầm nọ đi ngờ ngờ vào cổng. Chắc họ nghĩ chỗ đó còn do Mỹ kiểm soát. Thấy lũ này, họ sợ quá. Thằng bé phất cây cờ trắng lia lịa. Chúng tôi lên đạn sẵn sàng, rồi mới cử một người tới gần họ. Thằng bé xanh mặt cố nói gì đó nhưng không nói được, chỉ lầu bầu lí nhí trong miệng, tay cứ phất cây cờ không thôi. Ðồng chí Luật phải quát: “Ðể yên cây cờ nào”, nó mới đứng im, núp sau lưng cặp tây đầm. Thằng Tây chìa cho chúng tôi một tờ giấy gấp lại. Còn cái cô đầm Ca-the-ri-ne thì cười duyên, luôn miệng lặp đi lặp lại: “Francais. De Gaulle – Hô Chí Minh: Amis. Francais – De Gaulle…” thật buồn cười! Chúng tôi cố làm mặt nghiêm, tịch thu mấy cái máy ảnh rồi dẫn họ vào gặp thủ trưởng. Thằng Tây nằn nì trỏ mảnh giấy đồng chí Luật đang cầm, nói một tràng, dường như bảo đồng chí hãy đọc đi. Ðồng chí Luật bực, đút mảnh giấy vào túi không thèm nhìn tới, rồi bảo ba đứa chúng tôi trói gô họ lại. Bấy giờ họ mới hết lải nhải. Có thế chứ! Không trói lại, chúng nó không sợ. Thủ trưởng nghe cô đầm nói một tràng, chẳng hiểu gì, chỉ thấy cô ta trỏ vào túi áo đồng chí Luật. Đồng chí Luật nhớ mảnh giấy, lấy ra đưa cho thủ trưởng. Lá thư của một ông có đạo bảo họ là người Pháp chứ không phải Mỹ, và làm nhà báo. Thủ trưởng bảo họ đứng yên ở chỗ gần nhà để xe, ra lệnh chúng tôi trở về hầm chiến đấu. Cặp tây đầm tay bị trói đứng lơ ngơ như thế lâu lắm. Tôi quan sát thấy thằng Tây nói cười luôn miệng, dường như muốn chứng tỏ với cô đầm là mình can đảm, không hề sợ. Nhưng tụi này còn lạ gì! Hắn nói cười luôn miệng không phải vì thích tán tỉnh cô bạn gái, mà vì sợ quá. Mà thủ trưởng cũng chơi ác! Thù cũ thì xí xóa đi, nhưng chúng nó cũng là con cháu thực dân, phải dằn mặt cho chúng nó sợ. Mãi thật lâu, thủ trưởng mới ra lệnh thả họ ra. Nhưng thằng bé thì giữ lại, thả nó về nó lại báo cáo với địch! Thằng bé khóc như ri, còn cặp tây đầm thì mừng quá “Merci” lia lịa. Nhưng cái giống da trắng mũi lõ chúng nó ngang ngạnh ra phết! Vừa được cởi trói, thằng Tây đã đòi lại mấy cái máy ảnh. Cô đầm thì nói líu lo một tràng với thủ trưởng. Thủ trưởng chẳng hiểu nhiều, nhưng cũng đoán được là cô ta muốn chụp hình thủ trưởng và tụi này đăng lên báo Pháp. Thủ trưởng cười toe, gật đầu. Có hình đăng trên báo nước ngoài, khoái thật. Thế là chúng tôi mang đầy đủ súng ống giày mũ cho Ca-the-ri- ne chụp hình. Nhưng khoái nhất là thằng Tây lấy cái máy chụp biểu diễn hình lấy liền cho tụi này coi chơi. Thủ trưởng được chụp ba tấm, một tấm ngồi trên ghế nhìn thẳng hai tay đặt trên đầu gối. Một tấm chụp nghiêng có cầm súng để gửi về cho “bu nó”. Một tấm chụp chung với cả đơn vị…
Thuấn dừng lại, đỏ mặt khoe:
- Tấm này là tấm chót, chụp bốn đứa. Ðồng chí Luật đòi giữ. Tôi phải nhường. Nhưng khi được chuyển công tác về bên này, tôi lén lấy đi. Mặc sức mấy ông tướng bên ấy lục tìm!
Ngô nói:
- Loại ảnh này nước thuốc không tốt đâu. Ðể lâu không được như ảnh thường.
Thuấn lo lắng ra mặt, hỏi lại:
- Thế à? Sao tôi thấy khi ảnh hiện rõ xong, thằng Tây có lấy thỏi gì quệt lên mặt ảnh một lớp “bảo vệ” mà! Đây này, trông láng thế kia làm thế nào nhạt đi được!
Ngô sợ Thuấn thất vọng, an ủi:
- Nhưng giữ kỹ thì không hề gì.
- Giữ trong ví không hề gì chứ!
- Vâng.
Thuấn lấy tấm ảnh lại, rút ví ra, cẩn thận giở lớp nhựa trong của cái ví để luồn tấm ảnh vào. Một mẩu báo cũ từ trong cái ví ni-lông của Thuấn rơi xuống đất. Ngô cúi xuống nhặt giúp Thuấn. Mặt Thuấn biến sắc, lo ngại nhìn Ngô. Ngô không hiểu tại sao anh bộ đội đột nhiên thay đổi sắc mặt. Thuấn lí nhí cảm ơn, rồi đút nhanh mẩu báo vào túi áo trên. Trong vội vã lúng túng, Thuấn quên mất là chiếc túi đã cài nắp.