The greatest thing you'll ever learn is just to love and be loved in return.

Eden Ahbez, "Nature Boy" (1948)

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23 -
ên thực của bà là Vũ Thị Ngát. Đứng về thế thứ họ tộc, bà là cô của ông tú Cao, tiên chỉ Nhậm; là bà của lý Cỏn, hương Ất; là cụ của thằng Cò, cái đĩ Váy con, thằng Điệp, v.v... Nói tóm lại, trong họ Vũ Xuân bà ở bậc cao nhất, nên cả họ tôn là bà tổ cô. Vả lại, đứng về tuổi tác, bà gần chín mươi, già nhất làng, nên không những chỉ họ Vũ Xuân, mà cả làng cũng tôn bà là tổ cô.
Thuở con gái bà đẹp lắm, thắt đáy lưng ong, khuôn mặt trái xoan, mi thanh mục tú. Chẳng cần trang điểm cũng đẹp nõn nà. Dân làng bảo giá không phải thời loạn mà ở thời bình, chắc dân làng phải đem bà tiến vua, nếu không làm hoàng hậu, chắc cũng phải là quý phi. Đặc biệt cái dáng của bà, nó sang trọng làm sao, cao quý làm sao. Cả chân tay cũng đẹp, những ngón tay dài búp măng, lấp ló dưới chiếc váy sồi đen nhánh là hai bàn chân xinh xinh gót lúc nào cũng đỏ như son. Tất cả con người như một đoá hoa tươi. Bà đứng chỗ nào là chỗ ấy như sáng sủa lên, như rực rỡ lên. Cả họ Vũ Xuân, ai cũng quý cô Ngát. Cha mẹ bà thì nâng niu cô con gái, không dám bắt làm việc nặng đồng áng nhiều, chỉ cho làm việc trong nhà như canh cửi tằm tơ.
Bố mẹ cô rất lo. Lo vì người con gái đẹp thời loạn dễ gặp điều bất trắc. Lo vì biết gả cô cho ai. Lo nếu gặp anh chồng vũ phu chẳng ra gì, hoặc anh chồng đức hạnh nhưng quá nghèo túng thì đời cô sẽ khổ.
Lúc ấy, có ông Vũ Huy Tân người tỉnh Nam đến làng. Ông là người đạo cao đức trọng, đỗ phó bảng, rồi từ quan về nhà bốc thuốc. Ông đến chữa bệnh cho người họ Vũ Xuân. Thầy lang cũng họ Vũ, chủ nhà cũng họ Vũ, một đằng Vũ Xuân, một đằng Vũ Huy. Họ tra gia phả. Hoá ra họ Vũ Huy gốc cũng ở Cổ Đình. Họ Vũ Huy, do một ông tổ chi từ đời nhà Mạc, đã lưu lạc xuống tỉnh Nam lập nghiệp mà hình thành nên. Giá như ông Vũ Huy Tân còn đang làm quan thì họ Vũ Xuân chưa chắc đã dám nhận, vì sợ mang cái tiếng thấy sang bắt quàng làm họ. Đằng này, ông Tân đã từ quan, mà hình như từ quan do vua Tự Đức không ưa, gia cảnh lại nghèo, chỉ còn được cái tiếng đỗ đạt cao, cho nên họ Vũ Xuân mới dám nhận họ. Nhận là nhận cái văn hoa, học hành, điều này họ Vũ Xuân còn thiếu và thèm muốn. Vì vậy nên họ Vũ Xuân liền cắt một mẫu vườn, làm ngôi nhà gọn gàng, đón ông Vũ Huy Tân về làm thầy cho cả làng cả tổng. Ông Vũ Huy Tân nhìn thế đất làng Đình, cho là nơi có thế ngoạ hổ tàng long, nơi nằm giữa đồng bằng và miền núi, có thể tiến, có thể thoái nên nhận lời về dạy học ở đấy. Ông Vũ Huy Tân có người bạn đỗ cử nhân là Phùng Khiêm. Ông Khiêm làm tri phủ, bà vợ bệnh mới mất. Vũ Huy Tân thấy cô Vũ Thị Ngát vừa đẹp người, vừa đẹp nết, liền nói với họ Vũ Xuân, làm mối cô Ngát cho cử Khiêm. Họ Vũ Xuân vui mừng thở phào. Bởi vì họ Vũ đang lúng túng. Gả cô Ngát cho một người quá tầm thường thì họ không muốn. Còn gả cô cho một người xứng đáng thì thời loạn quả là khó. Người ta bảo: "Thôi! Cô không làm quý phi, mà làm bà tri phủ thì cũng được".
Cô Ngát lấy chồng vào năm Tân Dậu. Khi ấy cô mười sáu tuổi. Bây giờ cô không phải là cô Ngát nữa mà là bà phủ Khiêm. Cô theo chồng về xứ Nam, nơi nhậm sở của chồng. Mới mười tám, nhưng cô đã chững chạc lắm. Ngoài nhan sắc ra, cô còn biết chữ nghĩa, lại là người hiền hoà thương người nên ông phủ Khiêm vừa quý trọng, vừa yêu mến cô lắm. Ngoài việc gia đình, có khi cả việc quan ông Khiêm cũng đem ra hỏi cô. Cô chẳng đọc nhiều sách vở, nhưng cứ theo lẽ thường trong dân gian mà trả lời ông. Và cái lẽ thường làng xóm ấy thường lấy sự hoà hoãn, nhân hậu làm đầu. Cái cách ấy của cô, ông cũng tán thành, cho nên vợ chồng rất tâm đắc cùng nhau.
Thời kỳ cô lấy chồng là thời kỳ nước nhà đau thương nhất. Năm 1858 quân Pháp tấn công Đà Nẵng. Rồi tướng Rigault de Genouilly quay vào Nam chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Cả nước sục sôi căm phẫn vì đất nước bị giày xéo. Vua Tự Đức thì nhu nhược. Nhiều đại thần chủ chiến, nhưng nhà vua lại chủ hoà. Ông Vũ Huy Tân cũng ở trong số các quan chủ chiến và vì lẽ đó ông bị thất sủng, phải từ quan. Vũ Huy Tân về Nam Định nói với Phùng Khiêm:
- Quân Phú Lãng Sa chỉ mượn cớ ta cấm đạo để gây chiến. Thực ra, ý đồ chính sâu xa của chúng là xâm chiếm toàn bộ đất nước ta. Vì vậy phải Bình Tây Sát Tả."
- Sao lại sát tả?
- Trước kia chỉ cấm chứ bây giờ thì phải sát bọn tả đạo. Bởi vì những người theo đạo Gia Tô lúc này không chỉ là nguồn gốc gây sự bất hoà trong nước ta, bây giờ họ không chỉ là những kẻ đi theo một tôn giáo ngoại lai, rời khỏi gia đình làng xóm, chối bỏ thờ cúng tổ tiên; mà ngày nay họ đã là bè bạn của bọn ngoại bang. Nhiều kẻ đi lính cho Pháp. Nhiều kẻ chỉ đường cho Pháp. Họ đã là những kẻ phản bội đất nước non sông.
- Đã có bằng chứng gì?
- Ở Gia Định, đã có hai trăm người Gia Tô giáo sung vào lính tập đi đánh giết đồng bào. Rồi bác xem, vua Tự Đức cũng phải mở mắt to ra mà nhìn sự thật.
Ông Vũ Huy Tân, sau đó, về làng, và đi vân du khắp nơi để thực hiện chí hướng Bình Tây Sát Tả. Và quả nhiên, như lời ông dự đoán, vua Tự Đức bị phái cứng rắn trong triều đình ép, bắt buộc phải ra những chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa vô cùng gay gắt.
Chỉ dụ gay gắt nhất ban hành tháng 7 năm 1861. Đó là chỉ dụ "Phân sáp giáo dân". Chỉ dụ viết:
Sức nhắc lại cho các địa phương phải nghiêm ngặt chia ghép dân đạo. Trước đây việc chia ghép có nhiều sót lậu. Nay các phủ huyện địa phương phải nghiêm chỉnh.
Phàm những dân đạo bất kể già trẻ, trai gái, đã bỏ đạo hay chưa bỏ đạo, đều phải thích chữ vào mặt, rồi chia ghép vào các xã thôn bên lương và bị quản thúc thật nghiêm.
Những tên theo đạo là những kẻ đầu mục hung ác thì vẫn bị giam cầm như cũ. Nếu bọn Tây Dương đến nơi thì đem bọn ấy giết cho hết.
...
Dụ cho các địa phương, hãy chiêu mộ dân nhận phần ruộng đất của dân theo đạo mà cày cấy. Đến vụ thu hoạch chia hoa màu: một phần cho người cày cấy, một phần sung công để cấp lương cho người theo đạo bị giam.
...
Những hạng đầu mục theo đạo loại bướng bỉnh đang bị giam thì quan địa phương phải dạy bảo kỹ càng. Mỗi tháng kiểm soát hai lần, thấy tên nào ngạo mạn hung tợn thì lập tức đem ra thắt cổ cho chết. Những tên cố ý không bỏ đạo thì nghiêm giam cho đến chết.
...
Bà phu nhân hiền hậu đã phải chứng kiến bao cảnh hãi hùng trong những ngày phân sáp ấy. Nơi chồng bà cai trị là một phủ ven biển, ở đấy có nhiều giáo dân. Dân vùng biển vốn là dân nghèo nhất. Lại có nhiều thuyền bè ngoại quốc đi lại ngoài khơi. Đó là nơi các giáo sĩ phương Tây dễ xâm nhập nhất. Thời nhà Lê đã có những xóm đạo hình thành. Bởi lẽ lúc đó người dân vô cùng thuần phác, mà nhà vua lại chưa cấm đạo. Các giáo sĩ phương Tây rất khôn ngoan, họ đút lót các quan lại địa phương để cho phép họ được đi lại tự do truyền đạo. Thậm chí, có giáo sĩ bỏ tiền bạc ra mua những vùng bãi bồi rộng lớn, dụ dân ai đi đạo thì cho đất. Bằng cách ấy, họ đã tạo nên những làng đạo, xứ đạo. Và đến lúc ông phủ Khiêm đến nơi trị nhậm thì đã có những gia đình mấy đời đi đạo. Người dân nghèo đi đạo là những người sùng tín nhất. Các giáo sĩ lại là những người có học vấn cao, có đạo đức trong sạch, có đức tin, có lý tưởng mạnh mẽ truyền bá những điều tốt lành đẹp đẽ của Chúa, nên thường những xóm đạo sống rất hiền hoà, văn minh, thịnh vượng. Điều đó gây nên lòng đố kỵ ở những người không đạo. Vả lại, người đi đạo không thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa, nhà vua lại cấm đạo. Do đó, nảy sinh mối hằn thù vô lý giữa hai cộng đồng. Đến khi mối hằn thù được xổng xích, được cho phép và kích động thì sự độc ác trở nên không tưởng tượng nổi.
Nam Định là tỉnh nhiều giáo dân, cũng là nơi thi hành chỉ dụ phân sáp nghiêm ngặt và kịch liệt nhất. Quan quân dân chúng chặn các ngả đường không cho các làng Thiên chúa giáo đi lại phòng có người đi đạo trốn thoát. Rồi binh lính ùa vào các nhà, lùa tất cả già trẻ gái trai ra tập hợp tại sân nhà thờ. Những kẻ bị coi là cứng cổ, là ngoan cố, là cầm đầu đều đã bị bắt đi giam giữ hết rồi. Trước sân nhà thờ, đàn ông đứng riêng, đàn bà đứng riêng, trẻ con tập hợp lại thành nhóm. Quan lãnh binh đứng lên đọc tên từng người rồi mời các tỉnh khác đến nhận người đem về phân vào các làng bên lương. Mỗi làng bên lương nhận khoảng mươi người sao cho cứ năm người lương quản thúc một người giáo. Thông thường, người ta phân sáp giáo dân đi rất xa, sang tỉnh khác, không gần bờ biển, đàn ông ở tỉnh này, đàn bà ở tỉnh khác. Trẻ con cũng bị tách khỏi bố mẹ giao cho các gia đình bên lương nuôi dạy.
Trước khi đi, tất cả giáo dân đàn ông, đàn bà đều bị thích chữ vào mặt. Má trái thích hai chữ "tả đạo". Má phải thích tên tổng, huyện nơi gửi đến.
Cuối cùng là triệt hạ làng cũ. Đầu tiên đốt nhà thờ, rồi đốt tất cả nhà ở sao cho nơi ở cũ của họ san thành bình địa. Lửa cháy đùng đùng. Tre nứa nổ lốp đốp. Đàn bà, trẻ con khóc như ri. Lính giải từng tốp người đi trên đường cái quan. Hành lý duy nhất của mỗi người là cái bị đựng vài manh áo rách. Người ra đi mắt ngấn lệ đầu còn ngoái lại quê hương mà lúc này là những đám cháy đùng đùng.
Ngoài đám dân bị phân sáp đi hết. Riêng người theo đạo cứng cổ bị bắt giam lên tới gần vạn người. Năm Tân Dậu bi thương ấy người ta giết tới 4.800 kẻ gọi là đầu sỏ. Quan tuần phủ Nguyễn Đình Tân là người rất nghiêm khắc. Mỗi ngày ngài chuẩn y cho giết vài chục tên tả đạo. Mỗi lần xử trảm tả đạo là một lần dân tụ tập đến xem pháp trường đông nghịt như có hội.
Có bận bà phủ Khiêm cũng dự một cuộc xử trảm tả đạo. Hôm ấy, ngài tuần phủ muốn thị uy. Ngài bắt tất cả quan chức phủ huyện tổng lý đều phải có mặt. Ngay cả vợ con họ cũng phải đến dự.
Pháp trường thiết lập ngay tại một xã công giáo toàn tòng. Bà phủ Khiêm trông thấy cờ quạt trống chiêng và người đông nghìn nghịt quanh một cái hố rộng. Nói đúng hơn đó là một chiếc ao nhỏ đã tát cạn nước. Bà nghĩ: họ cho rằng chạm tay vào kẻ tả đạo thì bẩn tay, nên họ định chém ngay trong hố rồi cứ thế mà lấp đất kín. Bà thở dài.
Một hàng cọc mười một chiếc cắm thẳng hàng dưới đáy ao. Mười một tên tử tù bị trói chặt vào những chiếc cọc. Mồm tên nào cũng bị khoá. Người ta đề phòng chúng mở miệng nói những điều xằng bậy khi thi hành án. Ba viên đao phủ mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ, vác đại đao đứng một hàng, mặt đằng đằng sát khí. Quan tuần phủ ngồi trên ghế bành, trên đầu có lọng che. Quan lãnh binh giọng oang oang tuyên đọc bản án.
...
Mười một tên tử tù này là những tên tả đạo nguy hiểm. Có những tên đã bơi thuyền ra biển đến tàu Tây Dương đón cố đạo ngoại quốc vào đất liền rồi còn che chở cho chúng. Có những tên vào tận Đà Nẵng và Gia Định hàng giặc đầu quân vào lính tập để bắn giết dân ta, rồi lại quay trở ra Nam Định để chờ đón quân ngoại bang tới. Có những tên theo giáo sĩ Tây Dương ra nước ngoài học rồi quay trở về trong nước rủ rê người tả đạo đi làm giặc chống lại nhà vua. Tội của chúng rành rành khiến trời chẳng dung đất không tha. Quan trấn thủ đã tra xét kỹ càng rồi tâu lên đức vua. Ngài đã đau xót mà nói rằng:
- Đã từ lâu, một lớp ngu dân đi theo tả đạo, mặc dù Trẫm đã ban lời khuyên dạy, song bọn côn đồ này vẫn chưa ra khỏi giấc mơ. Bên ngoài thì chúng im lặng khoá miệng, nhưng thực ra chúng toàn làm việc dối trá, cả những việc phản loạn. Trẫm đã ra lệnh cho các viên trấn thủ răn dạy chúng trở về đường ngay thẳng nhưng chúng cứ một mực cắm đầu vào con đường tội ác tày trời. Trẫm rất thương xót nhưng nước phải có quốc pháp. Phải xử chúng thật nghiêm.
Nay quan trấn thủ Nam thành chiếu theo luật pháp thấy tội chúng đáng phải chết. Vậy, cho thi hành án, một là để làm sáng tỏ sự công minh của đức vua, hai là để răn dạy cho toàn thể giáo dân, tránh đi vào con đường tội lỗi.
Sau bản tuyên đọc của quan lãnh binh, ba hồi trống chiêng chậm rãi ngân vang. Viên chánh trảm quan, đao gài sau lưng quỳ xuống tâu với quan tuần phủ:
-Bẩm đại nhân, hạ quan mấy ngày hôm nay đã hạ thủ một trăm chiếc đầu phản nghịch. Quần áo hạ quan đã thấm máu nhiều kẻ nghịch tặc đã trở nên khô cứng. Nay, hạ quan xin phép đại nhân được thi hành án theo cách mới.
Tuần phủ vẫy tay chuẩn y.
Bà phủ Khiêm thầm nghĩ: Thì ra không phải chém đầu. Đúng lúc ấy người chánh trảm quan hô dõng dạc:
-Thi hành!
Hai người phụ tá cũng mặc quần áo đỏ được lệnh, liền chạy phăm phăm theo một con mương nhỏ ra chỗ hồ nước lớn bên cạnh. Ở đấy, có tấm ván ngăn nước. Họ chặt dây giữ ván. Và dòng nước theo con mương lập tức ồ ồ chảy vào. Nước chảy xuống cái ao tử tù. Thì ra một cuộc hành quyết dìm nước chứ không phải chặt đầu như thường lệ.
Người đi xem bỗng ồ lên, khi nước chảy đến đầu gối những người tử tù. Những con người đang giãy giụa tuyệt vọng. Những tiếng kêu ú ớ cố thoát ra từ những cái mồm bị khoá chặt. Những con mắt trắng dã ánh lên sự kinh hãi. Tiếng trống chiêng thúc liên hồi. Tiếng quân reo à à.Chánh trảm quan lại hô to:
-Mở ván thứ hai.
Hoá ra ở đầu nguồn mương có nhiều lối vào. Nguồn nước thứ hai này mạnh hơn. Khi tấm ván mở ra, nước chảy ào ào vào mương. Người trên bờ hét lên:
-Nước đã chảy đến bụng.
Rồi:
- Nước đã chảy đến ngực.
Lúc này, những người tử tù giãy giụa lồng lộn hơn. Có những cái cọc lung lay. Có người gồng hết sức để kéo cọc lên. Người chánh trảm quan liền hô:
- Mở tất cả ván.
Bà phủ Khiêm nhắm mắt lại không dám nhìn cảnh tượng ấy nữa. Chẳng biết lần này họ mở mấy nguồn mà dòng nước chảy ồ ồ như một con thác nhỏ. Loáng một cái nước đã ngập đến cổ rồi đến tai những con người bất hạnh. Những cái đầu cố dướn lên nhưng không được nữa.
Thì ra, cuộc hành quyết nào cũng là một cuộc biểu diễn. Phải diễn sao cho thật ấn tượng. Chặt đầu mãi cũng nhàm chán. Người ta cho rằng những kẻ tà đạo này là những tên đầu sỏ cứng đầu nhất. Vậy nên phải xử chúng một cách khác ấn tượng hơn, đặc biệt hơn, để sao cho cảnh hãi hùng ấy được nhớ đời. Phải cho chết từ từ. Phải cho chết rùng rợn để kẻ khác trông thấy sẽ không bao giờ dám như thế.
Cuối cùng những chiếc đầu bị chìm nghỉm hết chỉ còn trông thấy những chiếc cọc nhô lên rồi đảo ngoáy lung tung. Trông cái cọc biết con người ở dưới đã kiệt sức đến đâu. Trông cái cọc biết con người đang hấp hối thế nào. Có những cái cọc giật liên hồi. Có những cái cọc đờ đẫn lảo đảo.
Cuối cùng có hai cái cọc làm nước sủi sùng sục. Hai con người lực sĩ vùng biển đã nhổ được cọc và nổi phềnh lên mặt nước.
Bà phủ Khiêm nghĩ: có lẽ cả đến chuyện này người ta cũng tính toán từ trước. Bởi vì chính lúc ấy mấy người đao phủ đã sẵn sàng cầm sào đứng dậy. Hai kẻ tử tù đã thoát ra khỏi cọc, nhưng chân tay vẫn bị trói, thế mà họ vẫn bơi được. Họ cố bơi vào bờ, nhưng khi gần đến bờ, thì những đao phủ áo đỏ lại đẩy họ ra xa.
Nhìn hai người đàn ông tuyệt vọng đang cố bám lấy cuộc sống lòng bà Khiêm chợt xao động khó tả. Một người thì nằm ngửa cố dựa vào cái cọc, cố nằm xa những con sào để khỏi bị đẩy đi đẩy lại. Còn một người kia thì cố bơi vào bờ, nhưng vào bờ sao được khi tay chân còn bị trói, và đằng trước mặt anh ta là một cây sào và người đao phủ áo đỏ đang dứ dứ. Sao anh ta không tự chết đi mà còn cố ngoi lên mặt nước làm gì cho đến nỗi như thế này. Kìa! Cặp mắt anh ta! Anh ta bị khoá mồm nên nói bằng mắt. Đôi mắt cầu xin. Đôi mắt van lơn. Như đôi mắt của một con vật đang hấp hối cố nhìn người chủ. Đôi mắt trắng dã, lờ đờ ấy chợt làm bà phủ Khiêm thấy nôn nao trong lòng. Tự nhiên ruột gan bà cuộn hết lên. Hoa mắt. Buồn nôn.
Bà phủ vội vàng rẽ đám quan lại chạy ra ngoài vòng người. Bà nghĩ: Sao các người không giết ngay anh ta đi mà lại làm như thế. Ta biết rồi. Đằng sau mấy người áo đỏ, còn bọn lính đang cầm những cây giáo. Họ chỉ muốn hai người tử tù kia vùng vẫy thật mạnh. Và rồi họ sẽ phi giáo xuống như ở thôn quê người ta vẫn cầm xiên đâm cá. Những con cá bị mắc xiên giãy đành đạch. Ý nghĩ ấy làm đầu óc bà chợt quay cuồng. Bầu trời chòng chành.
Bà vội ngồi xuống bờ cỏ, quay lưng lại đám người. Bà cũng cảm ơn đám người đó vì họ im lặng. Im phăng phắc. Ừ! Im là phải chứ. Nhưng đám người cũng không im mãi được. Bỗng nhiên họ ồ lên một tiếng, họ à lên một tiếng. Mỗi tiếng kêu ấy bà lại thấy nhói ở trong lòng. Bà biết mỗi tiếng ồ ấy là một mũi giáo lao xuống. Bà không còn kịp nghĩ nữa khi toàn thân bà rung lên. Rồi ruột gan lộn tùng phèo chao đảo, mắt tối sầm. Bà cúi xuống và nôn thốc nôn tháo. Nôn đến mức bà kiệt sức phải nằm lăn ra cỏ và không biết gì nữa. Một lúc sau bà chỉ nghe loáng thoáng tiếng ông phủ. Ông lay và gọi:
- Mình ơi! Mình tỉnh lại đi.
Mẫu Thượng Ngàn Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh Mẫu Thượng Ngàn