Số lần đọc/download: 1627 / 24
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:36 +0700
Chương 23
S
áng nay, ảnh Massart xuất hiện trên báo chí và sức ép tăng dần trên từng cột báo, trên truyền hình, trên đài. Vụ giết Paul Hellouin và những vụ tàn sát cừu liên tục tại vùng Châteaurouge cuối cùng đã khiến các phóng viên và cảnh sát mệt lử. Hành trình đẫm máu của con ma sói được tái hiện trên tất cả các nhật báo. Màu đỏ là chặng đường giết chóc đã hoàn thành của tên giết người kiêm bệnh nhân tâm thần, màu xanh da trời là sự di chuyển dự báo của hắn về Paris, lộ trình do hắn tự vẽ ra và chỉ trừ Vaucouleurs và Poissy-le-Roy, cho đến tận bây giờ hắn vẫn áp dụng triệt để lộ trình ấy. Các mẩu tin nhắc đi nhắc lại việc dân cư các thành phố và làng mạc nằm trên đường đi của kẻ dẫn sói phải hết sức thận trọng, không nên ra ngoài vào ban đêm. Các cú điện thoại, những lời tố giác, những lời khai phức tạp bắt đầu đổ dồn tới các đồn cảnh sát và các trạm hiến binh trên toàn nước Pháp. Tạm thời, họ bỏ qua tất cả những gì không liên quan trực tiếp đến con đường màu đỏ của Massart. Trước tầm quan trọng của vụ việc, việc cộng tác hành động của từng địa phương trở nên cần thiết. Với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Cảnh sát Tư pháp, Jean Baptiste Adamsberg được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm và điều phối vụ việc con ma sói. Tin này đến với anh tại Châteaurouge vào mười bảy giờ. Kể từ giờ phút đó, thượng sĩ Fromentin mềm nhũn không lôi thôi gì, chỉ chực đón trước những yêu cầu của cảnh sát trưởng. Nhưng Adamsberg không cần gì nhiều. Anh đợi hồ sơ của Cảnh sát Quốc tế. Đặc biệt, thứ Bảy hôm nay, anh không bách bộ ra đồng một lần nào mà vừa đứng vẽ nguệch ngoạc vào quyển sổ vẽ vừa canh chừng tiếng lách tách của máy fax. Anh vẽ bộ mặt của thượng sĩ Fromentin.
Tài liệu được gửi đến anh vào trước lúc mười tám giờ một chút, từ Police Department quận Austin, bang Texas, do trung úy J.H.G Lanson gửi. Adamsberg vồ lấy những tờ giấy với sự vội vàng có chừng mực và đứng dọc chúng, người dựa vào thành cửa sổ văn phòng Fromentin.
Câu chuyện gia đình và tội phạm của John N. Padwell có vẻ trùng hợp mọi điểm với lời kể của chị gái Paul và Simon Hellouin. Người đàn ông đó sinh tại Texas, nơi ông ta hành nghề thợ kim khí. Vào tuổi hai mươi sáu, ông ta cưới Ariane Germant, có một con với bà ta, Stuart D. Padwell. Sau mười một năm chung sống, ông ta tra tấn người tình của vợ, Simon Hellouin, trước khi bắn vào tim ông này. Bị buộc tội hai mươi năm tù chung thân, John Neil Padwell ngồi tù mười tám năm và được thả ra cách đây bảy năm ba tháng. Kể từ đó, J. N. Padwell không rời lãnh thổ miền Nam nước Mỹ và không có vụ việc gì liên quan đến luật pháp.
Adamsberg xem xét thật kỹ ba bức ảnh của kẻ giết người do đồng nghiệp Mỹ gửi đến, một chụp thẳng, một chụp nghiêng bên trái, một chụp nghiêng bên phải. Một người đàn ông tóc vàng, khuôn mặt vuông chữ điền vẻ kiên quyết, đôi mắt sáng hơi trống rỗng, đôi môi mỏng, xảo trá, một sự pha trộn giữa mưu mô và ngoan cố rất thiển cận.
Ông ta chết tự nhiên ở Austin, Texas, ngày mười ba tháng Mười hai, cách đây một năm bảy tháng.
Adamsberg lắc đầu, cuốn mấy tờ giấy lại rồi bỏ chúng vào túi áo vest.
— Có gì thú vị không? Chỉ đợi cảnh sát trưởng rời mắt khỏi đống giấy tờ, Fromentin liền hỏi.
— Sự việc kết thúc ở đó, Adamsberg bĩu môi thất vọng. Ông ta chết năm ngoái.
— Tiếc thật, Fromentin nói, đầu mối này trước nay vẫn chẳng làm ông ta mảy may quan tâm.
Adamsberg bắt tay ông ta và rời khỏi đồn cảnh sát, với những bước đi chậm rãi hơn bình thường. Viên sĩ quan tạm thời của anh theo bước anh đến tận cái xe Brec quân vụ. Trước khi lên xe, Adamsberg lôi cuộn giấy ra, nhìn lại tấm ảnh của J. N. Padwell. Rồi anh lại cất vào túi, vẻ suy tư, trườn lên ngồi ghế bên phải phía trước. Viên cảnh sát thả anh cách chiếc cam nhông năm mươi mét.
Trước tiên anh nhìn thấy cái xe mô tô đen, dựng bên lề con đường liên tỉnh. Rồi anh thấy Lawrence, ở phía sườn phải cái xe thùng, đang bận chọn lựa trong số hàng đống ảnh anh ta trải dưới chân. Adamsberg không cảm thấy khó chịu, nhưng cảm thấy tiếc nuối hơi chua chát vì đã không ôm sát Camille vào mình tối qua, và, thoảng qua, chỉ vừa nhận thấy, hơi một chút lo ngại. Anh chàng người Canada là một kẻ nghiêm túc và chắc chắn hơn anh rất nhiều. Thật ra, nếu chỉ nghe lý trí của mình, thì anh hẳn đã nhất quyết tiến cử anh ta cho Camille. Nhưng ham muốn và quyền lợi cá nhân của anh ngăn cản anh từ bỏ Camille cho cái gã cao to sinh ra là để phiêu lưu ấy.
Camille, ngồi khá cứng nhắc bên cạnh anh chàng người Canada, tập trung toàn bộ sự chú ý vào hình ảnh những con sói vùng Mercantolu rải rác trong đám cỏ khô. Lawrence bình luận nhát gừng cho Adamsberg, giới thiệu với anh Marcus, Electre, Sibellius, Proserpine và bộ mặt của lão Augustus đã chết. Anh chàng người Canada trầm tĩnh và nhiều phần khoan dung, nhưng anh ta vẫn luôn đặt lên Adamsberg cái nhìn soi mói như muốn nói "Anh tìm gì?".
Soliman dọn bàn trên cái hòm gỗ, trong khi ông Canh Đêm đang ngồi cời lửa, chân kê lên cái chậu. Lawrence hất cằm hỏi ông lão chăn cừu về mắt cá của ông.
— Ông ấy ngã từ trên xe cam nhông xuống, Soliman giải thích.
— Có tin của anh chàng xứ Texas không, chàng trai của ta? ông Canh Đêm ngắt lời bằng cách hỏi Adamsberg.
— Có. Austin đã fax cho tôi toàn bộ trích yếu lý lịch của ông ta.
— Trích yếu lý lịch là gì?
— Đó là tiến trình cuộc sống vừa đi vừa chạy của ông ta, Soliman nói.
— Tốt. Tôi muốn hiểu.
— Thế thì, ông ta hết chạy rồi, Adamsberg nói. Padwell chết cách đây một năm rưỡi.
— Anh nhầm, Soliman nói.
— Phải, cậu đã nói với tôi thế rồi.
o O o
Adamsberg, với cánh tay bị thương, từ bỏ việc ngủ gập người trong ô tô của mình. Anh gọi cho đồn cảnh sát và cuối cùng cũng nhờ người đưa mình về khách sạn tại Montdidier. Anh ở qua ngày Chủ nhật trong một căn phòng nóng quá mức, nghe ngóng tin tức, hỏi tin của Sabrina và đọc những hồ sơ chồng chất từ tám ngày nay. Thỉnh thoảng, anh mở ảnh J. N. Padwell và nhìn ngắm nó, cùng với cảm giác pha trộn giữa tò mò và tiếc nuối, chơi đùa với bức ảnh của người đàn ông trong bóng tối rồi trong ánh sáng. Anh nhìn bức ảnh góc này, rồi lại nhìn góc khác, quay nó mọi chiều, hoặc nhìn sâu vào trong đôi mắt lơ đãng đó. Anh chuồn ra ngoài ba lần để tìm một xó xỉnh cần thiết cho sự sống sót trong một vườn rau bỏ hoang. Anh vẽ ông Canh Đêm, chân đặt lên cái chậu, lưng thẳng, cái mũ có dải ruy băng đen chạm xuống tận mắt. Anh vẽ Soliman, lưng trần, hơi cong, ánh mắt hướng lên cao, một trong những tư thế khá tự hào hoàn toàn lấy từ ông Canh Đêm và được chàng thanh niên yêu thích. Anh vẽ Camille, hai tay bám vào vô lăng của cam nhông, khuôn mặt nhìn nghiêng hướng về phía con dường. Anh vẽ Lawrence, tựa vào xe mô tô, nhìn anh nghiêm trang với câu hỏi câm lặng treo lơ lửng trong ánh mắt màu xanh da trời của anh ta.
Có người gõ cửa vào khoảng bảy rưỡi tối rồi Soliman bước vào, người bóng nhẫy vì mồ hôi. Adamsberg ngước mắt lên rồi dùng đầu ra hiệu "không", ý muốn thông báo cho cậu là không có gì mới xảy ra cả. Massart đang ở trong những giờ phút bình lặng của hắn.
— Lawrence vẫn ở đó chứ? anh hỏi.
— Phải, Soliman trả lời. Việc đó đâu ngăn cản anh đến chỗ chúng tôi, phải không? Ông Canh Đêm chuẩn bị nướng thịt bò bằng cái lồng gà. Ông ấy đang đợi anh. Tôi đến tìm anh đây.
— Ông ấy có tin của George Gershwin không?
— Anh mà cũng quan tâm đến George Gershwin.
— Không đến mức độ đó.
— Kẻ đánh bẫy đẩy anh ra xa ư?
Adamsberg mỉm cười.
— Có bốn cái giường, anh nói. Chúng ta có năm người. - Có một người thừa.
— Chính thế đó.
Soliman ngồi lên mép giường, lông mày nhíu lại.
— Anh biến mất, nhưng là giả đò. Ngay khi kẻ đánh bẫy quay lưng đi, anh sẽ chiếm chỗ của anh ta. Tôi biết anh đang làm gì. Tôi biết rất rõ.
Adamsberg không trả lời.
— Và tôi tự hỏi không biết điều đó có đàng hoàng không? Soliman cố gắng nói tiếp, ánh mắt hướng lên trần nhà. Tôi tự hỏi liệu điều đó có hợp thức không.
— Hợp thức so với cái gì, hả Sol?
Soliman do dự.
— So với những điều luật, cậu nói.
— Tôi cứ tưởng cậu cóc cần biết đến luật lệ.
— Đúng thế, Soliman công nhận, vẻ ngạc nhiên.
— Thế thì sao nào?
— Ngay cả thế. Anh đang bắn sau lưng kẻ đánh bẫy.
— Anh ta đâu có quay lưng lại đâu, anh ta đứng đối điện đấy chứ. Đó không phải là một kẻ ngây thơ.
Soliman lắc đầu, bất bình.
— Anh chuyển hướng dòng chảy, cậu nói, anh chuyển hướng con suối, anh lấy hết cả nước cho anh rồi anh luồn vào giường của kẻ đánh bẫy. Đó là đánh cắp.
— Hoàn toàn ngược lại, Soliman ạ. Tất cả những người tình của Camille - vì ta đang nói về Camille, có phải vậy không? Tất cả những người tình của Camille đang lấy nước trong con suối của tôi, và tất cả những người tình của tôi lấy nước trong con suối của cô ấy. Ở đầu nguồn, chỉ có cô ấy và tôi. Ở cuối nguồn, sự thể xảy ra là có khá nhiều người. Căn cứ vào điều này thì nước cuối nguồn đục hơn nước đầu nguồn.
— Vậy ư, Soliman nói, trở nên lúng túng.
— Để đơn giản hóa đi, Adamsberg nói.
— Cho nên giờ đây, Soliman ngập ngừng nói, anh đi theo con suối của anh lên đến đầu nguồn phải không?
Adamsberg gật đầu.
— Cho nên, Sol tiếp tục, nếu tôi vi phạm năm mươi mét chiết tiệt đó, nếu tôi đã có thể chạm tay vào chị ấy, tôi sẽ ở trong đám cuối nguồn của cái hệ thống địa lý thủy văn vớ vẩn của các người phải không?
— Có đôi chút, Adamsberg nói.
— Liệu Camille có biết điều đó không, hay đó là sự mơ mộng của riêng anh?
— Cô ấy có biết.
— Thế còn kẻ đánh bẫy, anh ta có biết không?
Anh ta đang tự hỏi.
— Nhưng tối nay thì ông Canh Đêm đợi anh về. Cả ngày kê chân lên cái chậu khiến ông ấy chán ngấy rồi. Ông ấy đang đợi anh về. Thật ra, ông ấy đã ra lệnh cho tôi đưa anh về.
— Vậy thì, Adamsberg nói, đó lại là chuyện khác. Cậu đến đây bằng gì?
— Bằng xe gắn máy. Anh chỉ việc bám tay trái vào tôi.
Adamsberg cuộn đống tài liệu lại, nhét chúng vào áo vest.
— Anh mang hết những thứ này theo ư? Soliman hỏi.
— Đôi khi các ý tưởng đến với tôi qua da. Tôi muốn có chúng bên cạnh.
— Anh thật sự hy vọng điều gì đó ư?
Adamsberg nhăn mặt, mặc cái áo nặng trĩu những tài liệu vào.
— Anh có ý gì à? Soliman hỏi.
— Tiềm thức.
— Có nghĩa là?
— Có nghĩa là tôi không nhìn thấy nó. Nó rung rinh nơi mí mắt tôi.
— Không tiện lắm nhỉ.
— Không.
o O o
Soliman, trong bầu không khí lặng lẽ khá căng thẳng, kể đến câu chuyện châu Phi thứ ba, nhận chìm trong lời nói của mình những ánh mắt nặng nề giao nhau tứ phía, từ Camille qua Adamsberg, từ Adamsberg qua Lawrence, từ Lawrence qua Camille. Adamsberg thỉnh thoảng ngước mắt nhìn kẻ đánh bẫy, như bị lung lay. Anh ấy đang nhượng bộ, Soliman nghĩ, anh ấy đang nhượng bộ. Anh ấy sẽ để cho con suối của mình chỉ là ý tưởng. Dưới ánh nhìn có phần khiêu khích của tay người Canada, cảnh sát trưởng lại cúi đầu xuống đĩa thức ăn và giữ nguyên vậy, như bị u mê, như bị hút hồn bởi các hoa văn trên cái đĩa sứ. Soliman tiếp tục theo đuổi câu chuyện của cậu, một vụ việc hết sức rối rắm giữa một con nhện hay hằn thù và một con chim hay sợ sệt, mà đến cậu cũng không biết chính xác phải làm gì để gỡ rối.
— Khi nhìn thấy tổ chim ở dưới đất, Soliman nói, vị thần ao nổi giận đến mức đi tìm con trai của nhện Mombo. "Chính ngươi, con trai của Mombo, vị thần nói, đã dùng cái hàm bẩn thỉu của ngươi để cắt cành cây. Từ nay trở đi, ngươi sẽ không cắt gỗ bằng miệng nữa mà sẽ dệt sợi từ đít ngươi. Rồi cùng với những sợi tơ đó, ngươi sẽ ghép các cành cây lại để cho lũ chim làm tổ." "Còn lâu", con trai của Mombo trả lời...
— God, Lawrence ngắt lời. Không hiểu.
— Chuyện đó không phải để hiểu, Camille nói.
Vào mười hai giờ rưỡi đêm, Adamsberg ngồi một mình với Soliman. Anh từ chối lời đề nghị đưa anh về khách sạn của chàng trai, cánh tay anh phải chịu đựng lượt đi trên cái xe gắn máy là quá đủ rồi.
— Cậu đừng lo, anh nói, tôi sẽ đi bộ về.
— Đến tám cây số đó.
— Tôi cần phải đi bộ. Tôi sẽ đi tắt qua các cánh đồng.
Ánh mắt Adamsberg trông sao xa xôi, tuyệt vọng, đến mức Soliman không nằn nì nữa. Đôi khi cảnh sát trưởng đi sang một thế giới khác và không ai, vào khoảnh khắc đó, có ý muốn đi cùng anh.