I have learned not to worry about love;

But to honor its coming with all my heart.

Alice Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: Eno Raud
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Thu Hằng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 441 / 7
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trong Các Đường Hầm Ngầm
quãng giữa đường từ nhà trẻ đến cơ sở kinh tế phụ có một bãi đất trống gọi là Kha-a-xvi-a-li-a. Tôi và Ô-lép thường nghe bọn con trai nói là ở đó hình như có các đường hầm, hay hầm mộ gì đó. Vậy mà chúng tôi không sao tự đi đến đó để xem xét những hầm ngầm ấy được. Nhưng giờ đây những chuyến đi công cán qua đó đối với tôi đã mở ra một khả năng đến gần những đường ngầm ấy.
Công việc sắp xếp thế này: một hôm đi lấy thực phẩm, tôi rủ Ô-lép cùng đi. Ô-lép bị yếu phổi vì vậy cậu ta không phải đi lao động giúp dân, mà muốn làm việc gì cũng được. Chúng tôi ngồi ghế xà ích như hai đứa con của ông Bơ-khơ-man và lên đường.
Phải công nhận rằng cũng con đường ấy bình thường tôi phải đi một mình, bây giờ đi cùng Ô-lép thấy dễ chịu hơn nhiều. Lần này thậm chí tôi còn mong gặp thằng Gui-đô và thằng Át-xơ nữa kìa. Giá mà được “nói chuyện” với nhau một chút nhỉ. Sẽ nói chuyện ai là ông già Bơ-khơ-man, ai là con trai ông ta vân vân và vân vân. Đáng tiếc chúng tôi đã không gặp hai thằng này. Nói chung chúng tôi không gặp một người quen nào, nhưng không gặp họ, chúng tôi vẫn có chuyện để nói, để bàn.
Vô tình chúng tôi lại nói tới Vê-li-ran-đơ. Vấn đề này luôn luôn làm cho chúng tôi thấy lo lắng. Quả thật, chúng tôi đã bóc trần bộ mặt của Vê-li-ran-đơ. Chúng tôi thậm chí đã kịp bảo cho hai người biết về lão. Nhưng vì chúng tôi bận lo kết thúc năm học và thi vào trường trung học nên hoàn toàn không còn thì giờ để theo dõi lão nữa. Còn về việc lão vẫn tiếp tục hoạt động thì chúng tôi không chút hồ nghi. Đáng ra phải làm thế nào cho lão không còn gây được tác hại nữa mới đúng. Nhưng làm cách nào?
- Có lẽ nào tay chúng ta ngắn thực sự? - tôi nói
- Cần phải làm cách nào đó để cho lão mất hút trước mắt bọn Đức, - Ô-lép tính toán.
Trước đây nó đã nói cái ý này, nhưng tất cả phụ thuộc vào một vấn đề - làm cách nào?
- Giá mà có thể gắn vào lưng lão một tấm biển nhỏ, - Ô-lép bàn, - ví dụ có dòng chữ: “Hãy đề phòng cẩn thận - tôi là gián điệp Đức!” chẳng hạn. Chỉ cần lão đeo tấm biển nhỏ này xuất hiện ở đồn cảnh sát là sẽ biết ngay.
Kế hoạch này không mới, nhưng chúng tôi hiểu rằng khó có thể thực hiện được. Ở trường học đã có lần thực hiện được: một cậu nào đó đi chơi với mảnh giấy gài trên lưng: “Tôi là thằng ngốc!” Nhưng công việc của chúng tôi phức tạp và nghiêm túc hơn nhiều.
Tôi bỗng ngạc nhiên khi chúng tôi đi hai đứa với nhau thì thời gian bỗng trôi nhanh quá. Chúng tôi chưa kịp bàn bạc được gì thì đã đến Kha-a-xvi-a-li-a.
Nơi đây hầu như là một cánh đồng hoang. Từng đám một, chỗ thì toàn cây trăn, chỗ lại là đất trống. Hai bên đường đầy những ụ xi-măng nho nhỏ - đó là ụ chống lăng. Những ụ này có ở đây từ mùa hè năm ngoái.
Con ngựa của tôi - một con vật thật thông minh. Khi tôi điều khiển nó rời đường cái rẽ thẳng qua bờ hào sang cánh đồng, nó quay lại ngạc nhiên nhìn tôi. Nhưng hiển nhiên ngựa phải phục tùng người. Như vậy là mặc dù ngạc nhiên, con vật vẫn đi về phía mà theo lời bọn con trai nói thì có những đường hầm ngầm.
Hàng dãy ụ chống tăng chạy dài tít tắp đến tận chân trời. Để chống tăng thì có thể được đấy, nhưng chiếc xe ngựa “Bô-khơ-man và con trai” của chúng tôi vẫn len lỏi đi qua một cách dễ dàng.
Trước mặt chúng tôi không có đường mà chỉ có những vệt bánh xe đã mọc cỏ. Nhưng chúng tôi đã chọn đúng hướng, nên chỉ một lúc sau đã đến được nơi cần đến.
Có ba đường hầm ngầm. Nhìn bề ngoài chúng giống hầm tránh bom mà hồi đầu chiến tranh người ta đào ở công viên trong thành phố chúng tôi. Ở bên trên đắp đất bây giờ cỏ đã mọc.
Tôi buộc ngựa vào một cây trăn mảnh dẻ như cái roi và đi vào đường hầm ngầm thứ nhất. Nhưng thấy ngay là đường hầm ngầm này đầy những nước. Chúng tôi lấy gậy đo độ sâu thì thấy rằng mực nước ở đó phải đến hơn một mét, nếu đi tiếp có khi còn sâu hơn. Muốn vào được đường hầm ngầm, có khi chúng tôi phải dùng thuyền.
Giá mà chúng tôi còn ít tuổi hơn chút nữa thì có lẽ chúng tôi sẽ đóng bè, ngồi lên đó đi vào khoảng sâu thăm thẳm của đường hầm ngầm với bó đuốc trong tay và trái tim đầy hồi hộp. Nhưng bây giờ biện pháp đầy tính chất tiểu thuyết đó đối với chúng tôi có lẽ quá ư trẻ con.
- Ở đây có khi những người nhảy dù có thể ẩn náu tốt đấy, - tôi nhận xét. - Không có ai ở gần đây và nước ngập có thể ngăn ngừa kẻ tò mò.
Thời gian gần đây chúng tôi quan tâm nhiều đến vấn đề những người nhảy dù. Thỉnh thoảng ban đêm có thoáng nghe tiếng ì ầm của máy bay. Âm thanh hoàn toàn khác với tiếng rú quen thuộc của các máy bay “méc-xe-smít” và “i-un-ke”, còn đôi tai đã từng được nghe nhiều có thể xác định thật rõ ràng: tiếng ì ầm vang từ một độ cao rất lớn xuống. Người ta đồn rằng có lần vào một đem đầy mây có người nom thấy một chiếc dù phía trên một cánh rừng nào đó. Dù sao thì cũng không có ai biết chắc chắn một chút gì về hoạt động của những người nhảy dù ở vùng tôi.
- Đường hầm ngầm chỉ có một lối vào. Cứ y như là chúng được tạo ra cốt để chăng bẫy ấy, - Ô-lép nói. - Những người lính dù của chúng ta chả ai ngốc mà xuống đây.
Ô-lép nói đúng. Nhất định những người lính dù phải tìm cho mình chỗ ẩn nấu tốt hơn. Mà ở thành phố và nông thôn đều có những người che giấu họ.
Chúng tôi đi sang đường ngầm thứ hai. Ở đây không có một tí nước nào và chúng tôi không hề sợ hãi, lần mãi xuống dưới sâu.
Hơi lạnh và ẩm ướt phả vào chúng tôi. Chúng tôi phải dừng lại một chút ở gần lối vào để cặp mắt quen dần với bóng tối. Cho đến bây giờ chúng tôi mới hiểu ra rằng mình thật ngốc nghếch và thiếu chuẩn bị từ ở nhà - đã quên không đem theo nến.
Nhưng chả còn làm thế nào được nữa.
Chúng tôi thận trọng và mò mẫm bước mấy bước vào cái miệng tối om của đường hầm ngầm. Sau đó Ô-lép đánh diêm và chúng tôi lại tiến thêm được một ít. Cứ thế chúng tôi đi sâu vào mãi.
Khi Ô-lép đánh que diêm tiếp theo, chúng tôi liền trong thấy có vật gì đen là lạ bám ở trên tường xi-măng. Tôi chạm tay vào và phải rụt ngay lại. Đó là một con dơi bình thường tưởng đâu dùng làm vật trang trí bức tường. Nhưng không hiểu sao tôi lại không muốn chạm vào nó một chút nào.
Khi Ô-lép đánh diêm lần sau, tôi lơ đãng nhận xét:
- Nói chung ánh sáng thu hút lũ dơi.
Đáp lại, Ô-lép vội vàng báo cho biết là diêm sắp hết, vì vậy thông minh hơn, là phải đi thăm dò tiếp.
Thực ra phải công nhận rằng đường hầm ngầm này rõ ràng là một công sự không có ích một chút nào và giờ đây không ai cần đến. May sao chúng tôi không phải đi nhiều lắm mới đến cuối đường hầm ngầm; chỉ một lát sau chúng tôi đã chạm phải “ngõ cụt”. Đến đây Ô-lép không nhìn đến lũ dơi, đánh thêm một que diêm nữa, nhưng chúng tôi không tìm thấy cái gì thú vị cả.
Con đường quay trở ra đơn giản hơn nhiều, ở đằng trước, nơi miệng hầm đã thấy có ánh sáng, và chúng tôi không còn sợ hãi phải chôn chân ở đâu đó trong đường hầm nữa.
Tôi hỏi Ô-lép:
- Cậu có thích nơi này không?
- Nếu cậu không có ý muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn nữa đời sống của con dơi thì chúng ta có thể đi lên được, - Ô-lép đáp.
Đó là một câu nói bóng gióng không đúng chỗ đã vào lòng yêu thích thiên nhiên và các sinh vật của tôi.
- Bộ dơi không phải là thứ tớ thích, - tôi đáp khô khan.
Ô-lép hoàn toàn không biết là trong lĩnh vực khoa học người ta gọi dơi là bộ dơi, nhưng cũng không muốn hỏi lại. Là một người ham mê kỹ thuật, cậu ta không cho đó là quan trọng.
Chúng tôi vào đường hầm số ba cũng không gặp khó khăn gì. Ở đây chúng tôi cũng gặp hơi nước ẩm thấp và ngay sau đó cũng tìm thấy hai con dơi bám vào tường. Tôi đang suy nghĩ không biết có nên đi tiếp không, thì Ô-lép bỗng vấp phải một vật gì đó.
- Những cái thùng, - Ô-lép nói.
- Thùng rỗng hay đầy? - Tôi hỏi.
- Phải xem đã.
Diêm được đánh lên.
Những cái thùng đặt ở chân tường, có năm cái xếp ngay ngắn, cái nọ cạnh cái kia thành một hàng. Những cái thùng thật nặng.
Chúng tôi lôi một thùng ra khỏi đường hầm ngầm. Dưới ánh sáng ban ngày thấy rõ đó là thùng sắt tây tựa như một hộp kẹo to.
- Biết đâu đây là những hộp kẹp bánh của quân đội, - tôi nói. - Một hộp như thế này có thể dùng cho cả một trung đoàn.
Ô-lép thấy không cần thiết phải trả lời. Cậu ta liền bắt tay vào việc và mở nắp.
Đúng là ngốc nhếch thì mới nghĩ rằng trong các thùng này có kẹo bánh. Bởi nếu thế thì chắc chắn người ta chả để chúng ở đây, trong cái đường hầm ngầm này, mà là ở trong các nhà kho của các trại trong vùng.
Trong thùng là một thứ bột màu vàng.
- Đây là thuốc trừ gián, - tôi nói bằng giọng của người am hiểu.
Thứ bột này có màu sắc giống hệt thứ thuốc độc mà cô tôi ở nông thôn dùng để trừ gián Đức [16].
[16] Tên một loại gián – N.D.
- Theo tớ, - Ô-lép, - đây là bột thuốc súng hay thuốn mìn. Còn về thuốc trừ gián thì tớ không biết.
Cậu ta rắc một nhúm bột đó xuống đất và đánh diêm gí vào. Bột bốc cháy ngay và khói um. Như vậy là rõ, rồi sẽ có lúc thứ vũ khí dự trữ tuyệt vời này cần thiết cho chúng tôi đây. Nhưng vì không có súng và pháo cối, nên chúng tôi chỉ quyết định lấy về một thùng. Tôi cho ngựa đến gần và hai chúng tôi hiệp lực chất thứ vũ khí dự trữ ấy lên xe. Sau đó chúng tôi xem xét kỹ đường hầm ngầm cho đến cùng, nhưng không tìm thêm được gì nữa.
Đến đây đã có thể kết thúc chương này. Mặc dù vậy tôi vẫn phải nói thêm một ít điều ngắn gọn rằng sau khi đến cơ sở kinh tế phụ lấy khoai cho nhà trẻ xong, chúng tôi quay trở lại thành phố, việc trước tiên là chúng tôi chuyển cái thùng vào một chỗ an toàn. Nơi an toàn đó là kho của nhà tôi. Khi chúng tôi vừa đem cái thùng vào cửa kho thì con gà Cư-ca của tôi vừa đẻ một trứng như thường lệ và đón chúng tôi bằng tiếng cục ta cục tác. Tiếng cục ta cục tác đó đối với chúng tôi tưởng như bài ca chiến thắng chào mừng chiến lợi phẩm tuyệt vời.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối