Nguyên tác: Nguyên Bản Tiếng Anh : Arch Of Triumph 'arc De Triomphe' (1945)
Số lần đọc/download: 3045 / 116
Cập nhật: 2017-04-13 11:09:38 +0700
Chương 22
T
iếng hét phát ra từ cửa sổ của căn phòng hai vợ chồng Goldberg đang ở. Ravic lắng tai nghe ngóng một lúc. Anh không thể nào tin rằng ông già Goldberg lại ném một vật gì lên đầu vợ, hay đánh đập bà ta. Vả lại sau đó cũng chẳng còn nghe thấy gì nữa. Chỉ có tiếng người chạy, rồi một cuộc đối thoại khẽ và nhanh trong phòng Wiesenhoff, và những tiếng cửa đóng sầm sầm.
Mấy phút sau, có tiếng gõ cửa phòng anh, và bà chủ vội bước vào.
- Nhanh, nhanh lên - Bà ta thở hổn hển - Ông Goldberg...
- Có chuyện gì thế?
- Ông ấy treo cổ rồi!... Trên cửa sổ phòng ông ấy... Nhanh lên!
Ravic bỏ cuốn sách xuống:
- Cảnh sát đã đến chưa?
- Dĩ nhiên là chưa. Nếu không thì tôi đâu có gọi ông. Bà ấy vừa phát hiện ra.
Ravic chạy xuống cầu thang với bà chủ.
- Đã cắt dây chưa?
- Chưa, nhưng họ đang đỡ ông ấy...
Trong bóng tranh tối tranh sáng của căn phòng, một tốp người đang xúm lại bên cửa sổ, nổi lên thành một khối đen đen. Ruth Goldberg, Wiesenhoff và một người nữa. Ravic vặn công tắc đèn. Wiesenhoff và Ruth đang ôm ông Goldberg trong tay như một con rối, trong khi nhân vật thứ ba, tay run lẩy bẩy, đang tìm cách tháo cái nút thắt trên dải cravate buộc qua bản lề cửa sổ.
- Cắt sợi dây đi...
- Không có dao ạ. - Ruth Goldberg kêu lên.
Ravic rút trong túi thuốc ra một cái kéo. Cái nút thắt bằng lụa dây, phải mấy giây mới cắt đứt được. Mặt ông Goldberg gần sát mặt anh, hai con mắt lồi hẳn lên, cái miệng há hốc, cái lưỡi sưng phồng lên, cái cravate màu xanh lá cây có chấm trắng thít chặt cái cổ khẳng khiu. Cái xác đung đưa trong tay. Wiesenhoff và Ruth như thể không kìm nổi một trận cười ngặt nghẽo ghê rợn.
Mặt Ruth đỏ bừng và đầm đìa nước mắt. Bên cạnh Wiesenhoff đổ mồ hôi hột dưới trọng lượng của cái thân thể mà khi còn sống chưa bao giờ nặng đến thế. Hai gương mặt hoảng hốt và nức nở, và phía trên là cái đầu của người xấu số lắc lư nhè nhẹ, mỉm cười lặng lẽ với thế giới bên kia. Khi Ravic đã cắt được sợi dây, cái đầu gục vào lòng Ruth Goldberg. Bà ta rú lên và buông cái xác lùi lại. Cái xác trượt sang một bên, hai tay dang rộng, trông như đang cố với theo bà ta một cách vụng về lố lăng.
Ravic được Wiesenhoff giúp sức, đặt người treo cổ nằm thẳng ra đất. Anh nói các lớp áo quanh cổ và bắt đầu khám nghiệm.
- Đi xem chiếu bóng... - Ruth Goldberg nói lắp bắp - Ông ấy bảo tôi đi xem chiếu bóng. Ông ấy nói: “Ruth ạ, mình ít khi giải trí, sao không ra rạp Courcelles mà xem? Đang chiếu phim Hoàng hậu Christina có Greta Garbo đóng vai chính đấy. Đi xem đi. Mua lấy cái vé hạng nhất hay hạng lô mà vào xem. Dù sao thoát ra khỏi cảnh khốn khổ trong hai tiếng đồng hồ cũng hay”. Ông ấy nói rất điềm đạm... ông ấy muốn tôi được giải trí lấy một lần... Thế là tôi đi. Rồi đến khi về thì...
Ravic đứng dậy, Ruth im bặt.
- Ông ấy đã hành sự ngay sau khi bà ra đi. - Anh nói.
Ruth áp hai nắm tay lên miệng.
- Ông ấy đã...
- Ta còn có thể thử xem. Trước tiên phải làm hô hấp nhân tạo. Ông có biết làm không? - Anh hỏi Wiesenhoff.
- Không... à... cũng có biết chút ít.... để tôi thử xem.
- Ông xem tôi làm đây.
Ravic cầm hai tay ông Goldberg lên rồi để sát xuống sàn nhà, xong lại đưa lên ép vào ngực ông ta. Mấy lần liền như thế. Trong cổ họng ông Goldberg có tiếng khò khè.
- Ông ấy còn sống! - Bà vợ reo lên.
- Không. Đó là sức ép làm cho không khí trong phế quản bị tống ra.
Ravic tiếp tục làm động tác ấy một lát nữa rồi nói với Wiesenhoff:
- Bây giờ ông thử đi.
Wiesenhoff miễn cưỡng quỳ xuống ở phía trên đầu Goldberg.
- Làm đi - Ravic sốt ruột nói - Cầm lấy hai cổ tay. Hay bắp tay càng tốt.
Wiesenhoff để mồ hôi hột.
- Mạnh nữa, - Ravic nói - phải tống hết chỗ không khí trong phổi ra ngoài.
Anh quay về phía bà chủ. Bây giờ đã có nhiều người vào trong phòng. Anh ra hiệu cho bà chủ đi ra ngoài. Khi hai người đã ra hành lang, Ravic nói:
- Ông ấy chết rồi. Những cố gắng kia đều vô ích. Đó là những thủ tục phải làm, chỉ thế thôi. Chỉ có một phép mầu mới cứu được ông ấy.
- Bây giờ biết làm gì đây?
- Làm như thường lệ người ta vẫn làm.
- Gọi xe cấp cứu ư? Thế thì mươi phút sau công an sẽ đến.
- Đằng nào cũng phải gọi công an. Vợ chồng Goldberg có đủ giấy tờ không?
- Có, giấy tờ hợp lệ cả. Hộ chiếu và căn cước.
- Còn Wiesenhoff?
- Có giấy phép cư trú. Nhập cảnh, được gia hạn.
- Thế thì ổn rồi. Bà nhớ dặn cả hai người là đừng nhắc đến tôi. Bà Goldberg đi xem về, phát hiện ra xác chết, gọi hàng xóm đến, Wiesenhoff đến cắt dây và làm hô hấp nhân tạo chờ đến khi xe cấp cứu tới. Bà cố thu xếp việc này nhé?
Bà chủ nhìn Ravic với đôi mắt chim của bà.
- Dĩ nhiên. Đàng nào thì tôi cũng có mặt ở đây khi công an đến. Tôi sẽ lo hết.
- Rất tốt.
Hai người trở vào phòng, Wiesenhoff vẫn cúi lom khom làm hô hấp nhân tạo cho ông Goldberg. Thoạt nhìn, có thể tưởng hai người đàn ông đang cùng làm động tác thể dục phối hợp trên sàn nhà. Bà chủ đứng lại bên cửa phòng.
- Thưa các bà và các ông - Bà chủ nói - Bổn phận của tôi là phải gọi xe cấp cứu và gọi cảnh sát. Tôi sẽ cho gọi xe cấp cứu trước. Rồi người cứu thương hay ông thầy thuốc sắp tới đây sẽ lập tức báo cáo cho công an biết. Chậm lắm là nửa tiếng đồng hồ nữa cảnh binh sẽ đến. Trong các bà các ông ai không có giấy tờ xin vui lòng xếp hết đồ đạc vào va-li đem xuống Hầm Mộ và ở lại đấy luôn. Có thể cảnh sát sẽ kiểm soát các phòng trọ và gọi thêm nhân chứng.
Căn phòng trong nháy mắt đã vãn hết người, như có phép tiên. Bà chủ ra hiệu cho Ravic yên chí là bà sẽ dặn kỹ Ruth Goldberg và Wiesenhoff. Anh nhặt cái túi thuốc và cái kéo đang để giữa đất bên cạnh cái cravate bị cắt đứt. Có thể nhìn rõ nhãn hiệu của cái cravate: S. Foerder, Berlin. Nó trị giá ít nhất là mười mark. Một kỷ niệm của thời ông Goldberg còn thịnh vượng. Ravic biết rõ cửa hàng Foerder. Anh đã từng mua hàng ở đấy.
Anh nhanh nhẹn bỏ hết đồ đạc vào hai cái bị, đưa xuống phòng Morozov. Chẳng qua cũng để phòng xa. Chắc công an chẳng làm lôi thôi gì. Nhưng dù sao vẫn hơn. Kỷ niệm về câu chuyện rủi ro vừa qua hãy còn ám ảnh Ravic một cách chua xót. Anh xuống Hầm Mộ.
Nhiều người chạy đi chạy lại, dáng hớt hải. Đó là những người tị nạn không có giấy tờ. Quân lữ của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Cô hầu Clarisse và anh bồi Jean đang bận rộn cất giấu các va-li vào một căn buồng mái vòm ăn thông với Hầm Mộ. Trong gian này bữa ăn trưa đã dọn xong. Các bàn đá bày đủ đĩa bát. Các giỏ đựng bánh mì đều đầy; mùi cá và mùi chất béo từ gian bếp đưa lên.
- Cứ thong thả, - Jean nói - cảnh sát chẳng nhanh chân đến thế đâu.
Nhưng những người tị nạn vẫn cố hết sức tránh những khả năng tệ nhất. Họ đã có nếp quen với những chuyện xui xẻo. Họ đều vác bị chui xuống nhà hầm. Alvarez, anh chàng người Tây Ban Nha, ở trong đám đó. Bà chủ đã cho loan báo khắp cả khách sạn là cảnh sát sắp đến ngay. Alvarez mỉm cười với Ravic, vẻ như muốn xin lỗi. Ravic chẳng hiểu tại sao.
Một người đàn ông gầy gò đến gần anh. Đó là Erust Seidenbaum, tiến sĩ ngữ văn và triết học. Ông ta nói:
- Đây là cuộc tổng diễn tập, cuộc tổng duyệt cuối cùng. Ông có ở lại Hầm Mộ không?
- Không ạ.
Seidenbaum, vốn ở đây từ sáu năm nay, so vai.
- Tôi thì tôi ở lại. Tôi không muốn trốn, vả lại tôi tin chắc là họ sẽ chỉ ghi nhận các sự việc mà thôi. Ai người ta quan tâm đến cái chết của một ông già Do Thái Đức?
- Không phải quan tâm đến ông ta, mà đến những người tị nạn bất hợp pháp hãy còn sống.
Seidenbaum nắn lại cái kính cặp mũi.
- Tôi chẳng cần biết. Ông có biết đợt ráp trước đây tôi đã làm cách nào không? Cách đây hơn hai năm rồi. Có một anh thượng sĩ xuống tận Hầm Mộ. Tôi liền mặc cái áo vét trắng của Jean ra bưng bê, rót cognac cho anh cảnh sát uống.
- Ý hay đấy.
- Thể nào rồi cũng đến một lúc người ta phát chán, chẳng buồn trốn nữa.
Rất điềm tĩnh, ông ta xuống bếp xem thử bữa tối có món gì.
Qua một cái cửa ở phía sau Hầm Mộ, Ravic đi ra sân. Một con mèo đến cọ vào chân anh. Mấy người tị nạn khác vượt ra trước. Họ nhanh nhẹn tản ra đường. Alvarez vẫn hơi khập khiễng. Ravic nghĩ bâng quơ là có thể dùng một phẫu thuật chữa cho anh ta khỏi khập khiễng.
Ravic đang ngồi ở quảng trường Ternes. Bỗng dưng anh thấy mình tin chắc rằng tối nay Jeanne sẽ đến. Anh cũng chẳng biết tại sao và bằng cách nào anh lại biết chắc như vậy. Anh biết, thế thôi.
Ravic lắc đầu.
- Tôi cũng xin cám ơn thôi. Tôi nghĩ như Seidenbaum.
Anh lấy va-li và đi lên phòng. Gần sát phòng vợ chồng Goldberg, anh gặp một cụ già Do Thái mặc áo kaftan đen, râu dài, tóc rũ xuống từng món quăn quăn, giống hệt một bậc tộc trưởng trong Cựu Ước. Cụ già bước từng bươc mềm không có tiếng động, như đi giày có đế cao su. Trông cụ như bay lơ lửng trong dãy hành lang tối lù mù. Cụ già mở cửa phòng Goldberg. Ravic thoáng trông thấy một thứ ánh sáng đo đỏ như ánh nến, và nghe thấy tiếng than hờ kỳ dị theo một giai điệu toàn bán cung, khe khẽ và gần như du dương. Những người khóc mướn. - Anh nghĩ bụng. Vậy ra họ vẫn còn đến ngày nay? Hay đó chỉ là Ruth Goldberg?
Anh mở cửa phòng và trông thấy Jeanne ngồi cạnh cửa sổ. Cô đứng bật dậy.
- Anh đây rồi! Có chuyện gì thế? Sao anh xách va-li? Anh lại đi à?
Ravic đặt mấy cái va-li xuống cạnh giường.
- Chẳng có chuyện gì. Chỉ là cách phòng xa. Có người chết. Cảnh sát đến. Nhưng bây giờ ổn cả rồi.
- Em gọi điện cho anh mà họ bảo là anh không ở đây nữa.
- Bà chủ đây. Bà ấy bao giờ cũng cẩn thận.
- Em chạy bộ đến đây, thì thấy cửa mở, phòng vắng, đồ đạc anh không còn. Em đã tưởng... Ravic?
Giọng cô run run.
Ravic cười gượng gạo.
- Em thấy đấy. Không thể trông cậy vào anh được. Anh sống quá bấp bênh.
Vừa lúc ấy có người gõ cửa, Morozov mở ra, tay cầm hai cái chai.
- Ravic ạ, còn bỏ quên đạn dược đây này...
Anh nhận thấy Jeanne đứng trong bóng tranh tối tranh sáng, nhưng anh làm như thể không nhận ra ai. Anh đưa hai chai rượu cho Ravic rồi bỏ đi, không vào phòng.
Ravic đặt chai calvados và chai Vouvray lên bàn. Qua khung cửa sổ anh lại nghe cái âm thanh mà ban nãy anh đã nghe khi đi qua hành lang. Tiếng hát của những người chết. Nó mạnh dần lên, rồi tắt đi để lại vang lên ngay.
Rõ ràng là các cửa sổ nhà Goldberg đều mở rộng; hơi nóng ban đêm tràn vào căn phòng. Trong đó cái xác đã cứng của ông già Aaron Goldberg bắt đầu giải thể.
- Ravic ạ - Jeanne nói - Em buồn quá. Em cũng không biết tại sao. Em buồn suốt ngày hôm nay. Anh hãy để cho em ở lại đây.
Ravic không trả lời ngay. Anh cảm thấy mình bị tấn công bất ngờ. Anh đã dự kiến một cách tiếp cận khác, ít trực diện hơn.
- Có lâu không?
- Đến mai.
- Như vậy không được lâu lắm.
Jeanne ngồi xuống cạnh giường.
- Chẳng lẽ chúng mình không thể quên chuyện ấy đi một lần sao?
- Không đâu, Jeanne ạ.
- Em không xin gì cả. Em chỉ muốn được ngủ cạnh anh. Hay trên đi-văng cũng được.
- Không được đâu. Vả lại anh phải đi bây giờ. Anh phải đến bệnh viện.
- Không sao. Em sẽ chờ anh. Em đã chờ bao nhiêu lần rồi.
Ravic không đáp. Anh lấy làm lạ sao mình có thể bình tĩnh như vậy. Cảm giác nóng nực và bứt rứt ban nãy ở ngoài phố đã tan biến.
- Với lại em biết chắc rằng anh không có việc gì cần phải đến bệnh viện.
Anh vẫn lặng thinh. Anh biết rằng nếu anh qua một đêm với Jeanne, anh chỉ có chết. Cũng như thể ký một tờ ngân phiếu không có tài khoản. Cô sẽ đến nữa và lại đến nữa; cô sẽ phát huy tác dụng của những quyền mà cô giành được; cứ mỗi lần cô lại đòi thêm một chút nữa, trong khi bản thân cô chẳng mất gì, cho đến lúc nào anh chỉ còn là một thứ đồ chơi trong tay cô. Lúc bấy giờ cô sẽ chán anh, sẽ ghê anh và sẽ bỏ anh, nạn nhân của sự yếu đuối và còn những ước vọng đã tan vỡ, nhu nhược và sa đọa. Đó không phải là điều cô muốn; thậm chí cô cũng không hề ý thức được điều đó, nhưng đó vẫn chính là điều sẽ đến. Rất dễ có thể tự nhủ rằng xét cho cùng một đêm cũng chẳng có gì hệ trọng; nhưng cứ mỗi lần ưng thuận anh lại sẽ mất thêm một ít sức kháng cự, mất thêm một phần nữa của cái gì mà anh không bao giờ được để cho hư hỏng sa đọa. Đó là cái mà giáo lý vẫn gọi một cách sợ hãi kỳ lạ là tội trọng đối với Thánh Linh, rồi lại chua thêm, trái với giáo điều ca-thô-lích, rằng tội đó sẽ không bao giờ được tha thư, dù trong cuộc đời này hay trong cuộc sống bên kia.
- Đúng - Ravic nói - Anh không phải đến bệnh viện. Nhưng anh không muốn em ở lại đây.
Anh chờ đợi một phản ứng dữ dội. Nhưng Jeanne chỉ nói, giọng điềm tĩnh:
- Sao lại không?
Anh có nên giáng giải thêm không? Liệu anh có thể làm cho cô hiểu không?
- Chỗ của em không còn ở đây nữa.
- Chỗ của em ở đây.
- Không.
- Sao lại không?
Cô ta khôn khéo quá! - Anh nghĩ thầm - Bằng những câu hỏi cực kỳ đơn giản, cô ta bắt anh phải phân trần. Mà kẻ nào đã phải phân trần tức là đã bị dồn về thế thủ.
- Em cũng biết rồi - Anh nói - Đừng đặt những câu hỏi không đâu.
- Anh không muốn em nữa sao?
- Không - Anh đáp. Đoạn lại nói thêm, như bất đắc dĩ - Không muốn, nếu cứ thế này.
Tiếng than hờ đơn điệu vẫn vẳng lại từ phòng Goldberg. Tiếng than hờ của những người đã chết. Nỗi đau thương của những người chăn cừu xứ Liban giữa một phố Paris.
- Ravie, - Jeanne nói - anh phải giúp em.
- Anh không thể giúp em bằng cách nào hơn là ra khỏi đời em, và em cũng ra khỏi đời anh đi.
Cô như không nghe thấy anh nói gì.
- Anh phải giúp em. Em có thể nói dối anh, nhưng bây giờ em không muốn nói dối nữa. Phải, em có một người đàn ông khác. Nhưng không phải như với anh. Nếu không có gì khác, em đã không đến đây.
Ravic lấy một gói thuốc lá trong túi. Anh cảm thấy tiếng giấy loạt xoạt trong tay anh. Bây giờ thì anh biết. Nó như một lưỡi dao lạnh và ngọt không làm cho người ta đau. Biết sự thật một cách chắc chắn - cái đó không làm cho người ta đau. Chỉ có những cái gì đến trước đó và sau đó mới thế thôi.
- Có khác - Anh nói - Nhưng cũng không bao giờ khác hẳn.
Mình lại dọn ra những sáo ngữ rồi. - Anh nghĩ. Cái thứ nghịch lý của nhà báo. Kể cũng lạ, sao chân lý lại lập tức trở thành ti tiện đến thế khi ta diễn đạt nó ra.
Jeanne đứng thẳng dậy:
- Ravic, - Cô nói - anh thừa biết là không phải ai cũng chỉ có thể yêu một người mà thôi. Có những người chỉ có thể yêu như thế chứ không thể nào làm khác đi được. Đó là những người có diễm phúc. Còn những người khác thì bao giờ cũng lâm vào cảnh lúng túng. Anh biết rõ điều đó.
Ravic châm điếu thuốc lá. Bây giờ dù không nhìn anh cũng trông thấy Jeanne. Nước da xanh, đôi mắt tối xầm, lặng lẽ, trầm ngâm, gần như tội nghiệp, mong manh... nhưng lại là bách chiến bách thắng. Tất cả những gì đã là hình ảnh của cô trong căn hộ buổi chiều hôm trước... giống như vị thiên sứ đã báo tin Giáng thế, đầy niềm tin và đầy xác tín chói lọi, một vị thiên sứ nói là đến cứu anh nhưng thật ra đang đóng đinh anh lên giá thập tự, đóng từ từ để anh không thể thoát được.
- Phải - Anh nói - Đó là một trong những lý do bào chữa cho em.
- Đó không phải là lý do bào chữa. Người như thế rất bất hạnh. Người ấy bị ném vào đó tuy không hề muốn thế. Đó là một cái gì ảm đạm, rối rắm, một mê hồn trận, một cơn co giật, một cơn khủng hoảng phải vượt qua. Không sao trốn thoát được. Nó đuổi theo ta, nó bắt kịp ta. Ta không còn cách gì cưỡng lại, nó mạnh hơn tất cả.
- Nghĩ đến nó làm gì! Nếu cái đó đã mạnh hơn em, thì em phải đi theo thôi.
- Em đang làm như thế. Em biết là em không còn cách nào khác. Nhưng...
Giọng cô lạc hẳn đi.
- Ravic... em không thể để mất anh được. Em không hiểu tại sao, nhưng em không thể để mất anh đi được!
Ravic hút thuốc mà chẳng cảm thấy mùi vị gì. Em không muốn mất anh - Anh thầm nghĩ - Mà em cũng chẳng muốn mất người kia. Thế đấy. Em có thể như thế được thật ư! Chính vì thế mà anh phải lánh xa em. Không phải vì người kia... người ấy sẽ bị quên đi rất nhanh thôi. Với lại em có đủ lý do để tự bào chữa. Điều đáng kể là sức mạnh kia đã không chế được em, và em không sao thoát được nó. Và nếu lần này em thoát được, thì việc này lại sẽ xảy ra lần nữa. Rồi một lần nữa, lại một lần nữa, không bao giờ hết. Cái đó nó ở ngay trong em rồi. Trước kia anh cũng như thế. Nhưng anh không thể như thế với em. Chính vì thế mà anh phải xa lánh em. Có lẽ lần này anh còn đủ sức làm việc ấy. Còn lần sau...
- Em tưởng đây là một trường hợp phi thường sao? - Anh nói to lên - Đây là một trong những trường hợp thông thường nhất. Chồng và tình nhân.
- Không phải!
- Đúng thế. Có hàng đống những dị bản. Dị bản của em chỉ là một trong cái đống đó mà thôi.
- Sao anh lại có thể ăn nói như thế!
Cô đứng phắt dậy.
- Anh tuyệt nhiên không phải như thế. Anh chưa bao giờ như thế và sẽ không bao giờ như thế. Người kia còn gần như thế hơn nhiều.
Cô ngừng lại một lát, rồi nói tiếp:
- Không, cũng không phải như thế. Em không thể cắt nghĩa cho anh được.
- Ta cứ gọi nó là sự yên ổn, và sự phiêu lưu đi. Dễ nghe hơn. Nhưng cũng là một đi. Em muốn có cái này, nhưng lại cũng không đành lòng mất cái kia.
- Ravie, - Jeanne nói bằng một giọng làm cho tim anh xốn xang lên - chuyện đó có thể nói bằng những lời lẽ tốt đẹp hay xấu xa. Nhưng chung quy cũng vẫn thế thôi. Em yêu anh và em sẽ yêu anh cho đến hết đời em. Điều đó thì em thấy rất rõ. Anh là chân trời, và tất cả các ý nghĩ của em đều trở về chết trong anh. Đây không phải là một điều dối trá. Nó không lấy mất của anh chút gì. Chính vì nó mà em bao giờ cũng trở về với anh, không hề hối tiếc, không hề thấy mình có tội.
- Tình cảm không bao giờ có tội, Jeanne ạ.
- Em đã nghĩ ngợi biết bao nhiêu về những điều này, Ravic ạ. Nghĩ đến anh và nghĩ đến em. Anh chưa bao giờ muốn có em một cách trọn vẹn. Có lẽ bản thân anh cũng không ý thức được điều đó. Bao giờ cũng có một phần nào đó của anh khép kín lại trước mặt em. Em không bao giờ được vào hẳn trong tâm hồn anh. Thế mà em thì muốn được vào, em muốn quá chừng! Bao giờ em cũng cảm thấy anh có thể bỏ đi bất cứ lúc nào. Chưa bao giờ em được yên tâm. Cảnh sát đã trục xuất anh, anh đã buộc phải đi... nhưng việc đó cũng rất có thể xảy ra một cách khác... một ngày nào đó anh sẽ tự ý ra đi, em không làm sao tìm anh được nữa...
Ravic cố nhìn kỹ gương mặt chìm trong bóng tối lờ mờ. Trong những điều Jeanne nói quả có một cái gì chân thật.
- Bao giờ cũng vậy - Cô nói tiếp - Trước sau lúc nào cũng cứ thế. Thế rồi có một người đã đến, người đó muốn có em, và chỉ muốn có một mình em thôi, trọn vẹn và vĩnh viễn, không lôi thôi gì cả. Em đã cười người đó, em không thèm. Em lấy chuyện đó làm trò vui, vì em thấy nó chẳng có chút gì nguy hiểm, nó quá dễ gạt sang một bên... nhưng rồi bỗng nhiên, nó đã trở thành một sức mạnh, thậm chí một sự cưỡng bức. Và trong em có một cái gì chấp nhận nó. Em đã kháng cự, nhưng không có kết quả. Có một phần của em chấp thuận, chỉ một phần thôi, nhưng em bị xô vào đấy, như bởi một mảng đất sụt lúc đầu còn chậm, chẳng đáng để ý, nhưng rồi cuốn mọi vật xuống vực không có gì cưỡng nổi. Nhưng em không thuộc về cái đó. Ravic ạ. Em là của anh.
Ravic ném điếu thuốc lá ra cửa sổ. Anh nhìn nó rơi xuống sân như một con đom đóm.
- Cái gì đã diễn ra thì đã diễn ra rồi, Jeanne ạ. Bây giờ đã quá muộn, không còn thay đổi gì được nữa.
- Em không thể thay đổi gì được. Nhưng rồi nó sẽ qua đi. Em thuộc về anh. Nếu không, sao em lại trở về? Sao em lại đứng trước cửa phòng anh? Sao em lại đợi anh ở đây? Bây giờ anh đuổi em, nhưng em sẽ trở lại nữa. Anh nghĩ rằng em nói dối; anh tưởng em có những lý do khác. Nhưng lý do gì? Nếu cái đó có thể làm em thỏa mãn thì em đã không trở về... Em đã quên anh rồi. Anh tưởng em đi tìm sự yên ổn bên anh sao? Không phải đâu. Em đến anh là để tìm tình yêu.
Những ngôn từ - Ravic nghĩ. Những ngôn từ dịu ngọt. Một chất cam lồ ngọt ngào và man trá. Giúp nhau, yêu nhau, thuộc về nhau, trở về... những ngôn từ. Biết bao nhiêu ngôn từ tồn tại chỉ để biểu hiện sức hấp dẫn giản đơn, hoang dã và tàn bạo của hai thân thể! Sức hấp dẫn được bao quanh bằng một áng cầu vòng của tưởng tượng, của gian dối, của đa cảm và ảo giác! Đây là đêm vĩnh biệt, thế mà anh đang ngồi đây, điềm tĩnh trong bóng tối mờ mờ, để yên cho cơn mưa rào của những ngôn từ ấy dội lên mình, những ngôn từ không có nghĩa gì ngoài hai tiếng vĩnh biệt, vĩnh biệt, vĩnh biệt. Thần ái tình có vầng trán đẫm máu. Vị thần ấy không biết gì về các ngôn từ.
- Bây giờ thì em phải về đi, Jeanne ạ.
Cô đứng dậy.
- Em muốn ở lại đây. Anh hãy để cho em ở lại. Chỉ tối nay thôi.
Ravic lắc đầu.
- Em nhầm anh với ai vậy? Anh có phải bằng đá đâu.
Jeanne tựa vào anh và anh cảm thấy cô run cầm cập.
- Không sao đâu. Anh cứ để em ở lại.
Ravic nhẹ nhàng đẩy cô ra.
- Em không nên đến với anh chỉ để lừa người kia. Không có thế thì hắn ta cũng đã có đủ nỗi khổ để mà chịu đựng rồi.
- Bây giờ em không thể ra về một mình được.
- Em sẽ không phải một mình lâu lắm đâu.
- Em đang một mình. Từ mấy hôm nay. Người ấy đi vắng. Người ấy hiện không ở Paris.
- Thế ra... - Ravic ngừng lại và điềm tĩnh nhìn cô... - Ít nhất em cũng ngây thơ thật thà. Người ta có thể biết được.
- Không phải vì thế mà em đến đâu.
- Dĩ nhiên.
- Vừa rồi em có cần gì phải nói điều ấy với anh.
- Đúng thế.
- Ravic ạ, em không muốn về một mình.
- Thế thì anh đưa em về.
Jeanne chậm rãi bước lùi lại một bước.
- Anh không còn yêu em nữa... - Cô nói, giọng dịu dàng mà gần như đe dọa.
- Em đến đây là để phát hiện ra điều đó chăng?
- Vâng... cả điều đó nữa. Không phải chỉ có điều đó. Nhưng mà cả điều đó nữa.
- Trời ơi, Jeanne - Ravic sốt ruột nói - Thế thì em vừa được nghe lời thú nhận ngây thơ nhất về tình yêu đấy.
Jeanne chỉ nhìn anh, không nói gì. Anh nói tiếp:
- Nếu không thì sao anh lại phải ngại ngần không dám để em ở lại? Em tưởng anh mong em sống với người khác lắm sao?
Một nụ cười từ từ hiện lên trên gương mặt Jeanne. Đó không hẳn là một nụ cười. Đúng hơn, đó là một nguồn sáng bên trong, như thể một ngọn đèn vừa thắp lên trong nàng, và ánh sáng của nó dần dần truyền lên mặt nàng. Rồi một lát sau, vẫn nhìn anh nghi ngại, Jeanne nói:
- Anh sẽ không bỏ em chứ?
- Sao em lại hỏi thế?
- Anh sẽ chờ chứ? Anh sẽ không bỏ em chứ?
- Chẳng có được mấy khả năng đâu, nếu cứ xét kinh nghiệm của anh trong khi tiếp xúc với em.
- Cảm ơn anh.
Jeanne đã thay đổi hẳn. Cô ta thật dễ nguôi sầu! - Anh nghĩ. Và đó cũng là lẽ đương nhiên: cô ta tưởng đã đạt được điều cô mong muốn, dù không ở lại phòng anh.
Jeanne hôn Ravic.
- Em biết là anh sẽ hiểu, Ravic ạ. Anh cần phải hiểu. Bây giờ em đi. Anh đừng đưa em. Bây giờ thì em đủ sức đi một mình rồi.
Cô đang đứng bên cạnh cửa.
- Em đừng trở lại nữa nhé - Anh nói - Và đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Em sẽ không chết đi đâu.
- Vâng. Chào anh, Ravic nhé.
- Chào Jeanne.
Anh vặn công tắc đèn. Phải như thế... Anh phác một cử chỉ cam phận. Đàn bà được đúc bằng vàng và đất sét. Bằng những lời dối trá và những đam mê nhất thời. Bằng lừa lọc và bằng sự thật trần truồng. Anh ra ngồi bên cửa sổ. Từ phía dưới, tiếng than hờ khe khẽ và đơn điệu vẫn vẳng lên. Một người đàn bà đã lừa chồng và đã khóc chồng vì ông ta chết. Có lẽ chỉ vì tôn giáo của bà ta bắt buộc bà ta phải như vậy. Ravic tự hỏi tại sao mình không bất hạnh hơn.